Friday, November 11, 2022

Một lần tiễn biệt

Thời gian vào những năm tháng trong cuộc chiến Việt Nam. Không gian thuộc Miền Hậu Giang. Danh tánh và hoàn cảnh của các nhân vật trong truyện ngắn dưới đây, nếu có sự trùng hợp ngoài đời chỉ là do ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của người viết.

Gần bẩy giờ rưỡi sáng, Huân đến phòng mạch. Ðại lộ Hòa Bình tại Cần Thơ nhộn nhịp. Trẻ em đi học, công nhân đi làm. Quân nhân, tư chức, công chức trên đường đến nhiệm sở. Mấy bà bán hàng rong quẩy gánh trên đường. Những quán cà phê, hủ tiếu nhỏ đông khách ngồi, ồn ào tiếng người cười nói.

Phòng mạch Huân đã khá đông bệnh nhân. Anh khoác áo choàng, bắt tay vào việc để còn kịp trở về Quân y viện làm việc lại vào lúc chín giờ. Ðêm qua là phiên trực của anh. Huân thức gần như suốt đêm để mổ xẻ và săn sóc thương binh quá đông sau vụ tấn công một đồn bót tại Ô Môn và một vụ pháo kích tại Phụng Hiệp.
Huân khám xong người bệnh thứ tư thì cô y tá vào trình anh:

- Có cô Hương muốn xin vào gặp bác sĩ.

Từ ngày Huân đổi về đây, Hương đã đến thăm anh vài lần tại phòng mạch. Nàng hay mang cho anh hột gà và trái cây từ quê của nàng ở Ngang Dừa, nơi hai năm trước Huân đóng quân cùng đơn vị cũ. Anh nói mời vào. Hương xuất hiện nơi cửa phòng khám bệnh, giản dị, tươi trẻ và xinh xắn. Tay nàng mang một túi xách nhỏ. Huân chào:

- Cô Hương đến Cần Thơ hồi nào? Mời cô ngồi đây.

Anh chỉ chiếc ghế bệnh nhân vẫn ngồi chờ khám bệnh cho Hương. Nàng dịu dàng ngồi xuống, khá tự nhiên vì đã quen lâu với anh:

- Em mới tới chiều qua, ở nhà người cô của em. Bác sĩ có rảnh, em có chuyện muốn thưa với bác sĩ.

Huân nhìn ra phía cửa, trên mười bệnh nhân người lớn và trẻ em ngồi chờ. Ðã lâu anh chưa có dịp gặp lại Hương. Anh cũng chưa bao giờ thấy Hương có vẻ thành khẩn và có một chút gì nghiêm trang như lần này. Anh nói:

- Cô Hương, chắc bây giờ còn nhiều bệnh nhân. Tôi mời cô dùng cơm trưa, mình nói chuyện được nhiều, có tiện cho cô không?

Hương không đắn đo:
- Dạ. Em định trở về sáng nay nhưng không sao, em có thể ở thêm một ngày.

Huân suy nghĩ nhanh. Chiều nay, sau phiên trực hôm qua, anh được nghỉ bù trừ, rảnh rang. Mời Hương dùng cơm trưa tại câu lạc bộ bệnh viện, tại nhà hàng Phong Dinh, hay tại nhà hàng Ngọc Lợi đều không tiện. Thành phố nhiều người biết anh, họ hay để ý và bàn tán. Anh nói với Hương:

- Chiều nay tôi được nghỉ, vậy mời cô Hương gặp tôi lúc một giờ trưa tại quán ăn Hậu Giang, ngang Bến Xe Mới. Tôi cũng ở gần đó.

Hương nhận lời:
- Em xin gặp lại bác sĩ trưa nay. Bây giờ để bác sĩ làm việc, em cần đi mua sắm chút ít đồ đem về dưới quê.

Huân tiễn người quen cũ nơi cửa, vài bệnh nhân phụ nữ chăm chú nhìn nàng và nhìn anh, quan sát xem có cử chỉ thân mật nào.
*
* *
Buổi trưa, Huân trở lại phòng mạch sớm hơn thường lệ. Anh khám xong vài người bệnh, không chờ có thêm bệnh nhân, anh ra nơi hẹn sớm. Anh không muốn để Hương đến quán ăn trước. Con gái, một mình, nếu ngồi tại hàng quán chờ đợi, tội nghiệp cho nàng và kém xã giao phần anh.

Thành phố ngoài đường nóng, nhưng trong tiệm ăn khá mát mẻ. Huân chọn một bàn nhỏ, ấm cúng và kín đáo nơi một góc phía trong và gọi trước một ly chanh đường. Anh hồi tưởng lại những ngày tháng tại Ngang Dừa, gần hai năm trước. Có mười mấy tháng ở nơi tiền đồn mà anh có được nhiều kỷ niệm, và chút kinh nghiệm đôi khi trực diện với chiến tranh.

Anh gặp Hương lần đầu lúc anh mới ra trường được ba tháng. Huân đáo nhậm đơn vị, theo bộ chỉ huy nhẹ của Trung Ðoàn đến đồn trú tại Ngang Dừa, một vùng gồm nhiều xã ấp trù phú thuộc đồng bằng sông Hậu. Một buổi sáng, anh đang khám bệnh cho quân nhân và dân chúng tại trạm cứu thương bên bờ sông, phía ngoài vòng đai của doanh trại. Hương đến cùng với Tân, người anh của nàng. Tân là một trung đội trưởng nghĩa quân bên quận. Hai anh em Hương khẩn khoản xin Huân đến thăm bệnh và chữa trị cho ông nội là Cụ Ðồ Lãm, lâm bệnh nặng thình lình sau trận mưa lớn mấy ngày hôm trước. Anh thấy Hương đẹp. Huân không ngờ ở nơi xa xôi này lại có một cô gái xinh xắn như nàng. Cái đẹp hồn nhiên, không son phấn, rất dễ thương của người con gái Hậu Giang. Hương tuổi khoảng mười tám, đang độ thanh xuân. Màu da hồng, mạnh khỏe. Có lẽ nhà khá đầy đủ, nàng ít phải làm ruộng vườn như phần đông các cô gái ở đây. Còn Tân, anh của nàng, anh đã biết từ trước. Tân đã thỉnh thoảng giúp an ninh cho anh trong những lần anh đi khám bệnh dân sự vụ cho dân chúng ở các thôn xóm lân cận. Nhà Cụ Ðồ Lãm nghe nói cũng không xa, tại một ấp nhỏ độ hơn một cây số, bên kia bờ sông. Huân hỏi qua Trung úy Hậu ban an ninh, được biết là tạm an toàn. Anh kéo thêm hai nhân viên quân y dưới quyền, rồi cùng Hương và anh nàng, dùng đò qua sông. Tiếp đó đi bộ dọc theo bờ ruộng, đến làng ấp của Cụ Lãm.

Căn nhà ngói đỏ, cũ nhưng xinh xắn. Chung quanh là ruộng vườn, trồng nhiều cây trái xanh tươi. Có thật nhiều cây dừa, ngả bóng ven theo những rạch ngòi bao quanh. Trong nhà, Cụ Ðồ Lãm nằm trên chiếc giường nhỏ, đắp mền mầu xanh đậm. Râu tóc bạc. Tuy bệnh, nhưng Cụ còn lộ dáng nét trưởng thượng, tráng kiện và đẹp lão. Cụ bảy mươi sáu tuổi. Huân chào hỏi với thái độ kính trọng người già. Cụ gượng chào lại, định ngồi lên nhưng Huân vội cản. Anh lấy thủy thấy Cụ nóng gần 40 độ. Người nhà cho hay, Cụ Lãm ho nhiều đã ba ngày, có đờm màu gạch đỏ. Lúc khởi bệnh, Cụ run như bị làm cữ, nay còn nóng hoài. Huân dùng ống nghe, thính chẩn ngực người bệnh, tiếng lạo xạo nghe rõ ở vùng giữa phổi bên phải. Chắc là Cụ bị sưng phổi cấp tính, thường xảy ra cho người lớn tuổi khi trời lạnh. Hỏi bệnh sử, Cụ chưa hề bị mẫn cảm với thuốc nào. Anh nói về bệnh của Cụ cho người nhà, Hương đứng gần nghe. Anh lấy Penicillin chích cho Cụ và cho thêm vài thứ thuốc để uống kèm mỗi ngày. Huân dặn dò Hương cách thức săn sóc cho ông Nội, rồi cùng hai nhân viên trở về.

Liên tục hai ngày sau, anh cho nhân viên y tá mỗi ngày đến chích thuốc và theo dõi bệnh của Cụ Lãm. Anh mừng được tường trình là Cụ Lãm đã nhanh chóng hồi phục.

Anh dần dần tìm hiểu, được biết Hương là cô gái nổi tiếng xinh và dễ thương nhất trong vùng và nhà nàng có ruộng vườn sung túc. Xong bậc tiểu học trường làng, nàng được gia đình cho lên Cần Thơ, ở nhà người cô, học hết trung học phổ thông. Nhà neo người, nàng trở về dạy lớp ba cho trường tiểu học Ngang Dừa từ hồi đầu niên khóa vừa qua. Ái mộ Hương, đang có nhiều người. Một ông Thiếu úy nghĩa quân. Thầy thư ký Tâm bên quận. Ông Trung úy Hòa, truyền tin, thuộc bộ chỉ huy Trung đoàn. Và ông thầy giáo Ngạn, cùng dạy trường làng với Hương. Thầy giáo Ngạn là con một, có cha mẹ già, không phải nhập ngũ vì lý do gia cảnh. Hương sống với mẹ, ông Nội, và một bà chị dâu, vợ của anh Hai. Tân là anh Ba của nàng, làm nghĩa quân bên quận, ở gần bên, thỉnh thoảng về giúp đỡ gia đình. Có vài nhà tá điền, trung thành lo ruộng vườn cho gia đình nàng từ nhiều năm. Cha của nàng và anh Hai, nghe nói đi làm xa, không về từ lâu.

Từ ngày ông Nội lành bệnh, Hương thường đến trạm y tế của Huân. Nàng hay biếu anh trái cây ngon, đôi khi làm những món ăn đặc biệt miền Nam cho anh. Huân rất thích món thịt kho nước dừa của nàng. Miếng thịt ba chỉ, để nguyên khúc dài, kho lâu thật mềm, ăn rất ngọt ngào. Nước thịt kho thật trong, màu hổ phách. Rồi món cá bống kho tiêu, ăn với cơm gạo nàng Hương, thứ gạo đúng tên của nàng, rất ngon. Và món vịt nấu chao, khẩu vị đậm đà. Qua ánh mắt, lời nói, sự thăm hỏi ân cần, Huân biết cô gái của miền quê Hậu Giang này đã có cảm tình với anh. Vô tình, anh tự nhiên thành kỳ đà cản mũi cho những người mến mộ đang muốn kết duyên cùng nàng. Gặp người con gái đẹp, hiền hậu, Huân cũng có nhiều cảm tình. Tuy nhiên, anh dự tính chỉ ở nơi tiền đồn này cho hết nhiệm kỳ tiền tuyến, thường là một hai năm, rồi trở về nơi tĩnh tại, đi tu nghiệp hoặc làm công tác giải phẫu là ngành anh có chút khả năng. Vì vậy, giao tế với Hương, anh giữ xã giao, thân ái và ân cần nhưng chưa lộ vẻ gì là anh có tình yêu với nàng.

Cụ Lãm khỏe mạnh hẳn. Tỏ lòng tri ân, Cụ cho Hương mời Huân đến dùng cơm chiều vào một ngày chủ nhật. Trung úy Hậu, ban an ninh, và Thiếu úy Phước, thuộc đội thám báo, tổ chức tối đó đi kích đêm và đặt các điểm tiền thám bên kia sông, gần thôn xóm Cụ Ðồ Lãm. Vì vậy, anh yên chí và nhận lời mời.

Giữ lễ Nho giáo, Cụ Lãm mặc áo dài trịnh trọng đón Huân. Cụ là người được kính nể trong vùng. Cụ sanh cuối thế kỷ thứ mười chín, theo Nho học, có thời mở trường dạy chữ Nho. Sau này Cụ cũng học chữ quốc ngữ và hình như có đi cách mạng chống Pháp một thời gian. Tiếp đó, có mẹ già, Cụ trở về quê, lo phụng dưỡng mẹ và sống với ruộng vườn, dạy một số học trò tại nhà.

Huân được tiếp đãi rất thân tình với những món nhậu miền quê, ngon miệng. Gỏi bắp chuối có đậu phụng và tôm, khô cá thiều nướng, gà nướng chao, cua lột chiên và xôi dừa. Cụ Lãm đem mời khách một loại rượu đế trắng, rất trong, thơm và khá mạnh. Huân nhấp khẽ, chỉ dám uống nhẹ, rất từ từ. Tửu lượng anh chỉ ở loại trung bình và Huân biết tối nay sẽ còn nói chuyện dài nên anh cầm cự không để say hầu tránh thất thố với một người trưởng thượng. Rượu được đựng trong một bình nậm bằng sứ, rất đẹp. Men sứ trắng hơi mờ mờ xanh. Nét vẽ và chữ Nho trên bình mầu xanh đậm, sắc sảo và nghệ thuật. Huân chỉ biết vài chữ Nho, anh đọc được chữ nhân, chữ nguyệt. Hình vẽ trên bình rượu là một ông lão tiên phong đạo cốt, một tay cầm chén rượu, mặt ngước nhìn trăng. Huân khen rượu ngon, lại đựng trong bình quá đẹp.

Cụ Lãm kể:
- Tổ phụ của tôi, ngày xưa làm quan dưới triều Ðức Gia Long. Khi nhà vua an quốc xong, được theo đi cùng sứ bộ, cầu phong với vua nhà Thanh bên Tàu, lúc về có đem được một số đồ sứ và sách vở. Chiếc bình rượu này đã trên một trăm sáu mươi năm, truyền tới tôi là đã năm đời.

Huân hỏi Cụ ý nghĩa bức vẽ và hai hàng chữ Hán, viết theo chiều dọc, mé bên phải của người đọc.

Cụ từ tốn giảng giải:
- Bức vẽ là hình ông Lý Bạch, ngắm trăng, và hai câu thơ đọc là:

Kim nhân bất kiến cổ thời nguyệt
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân

trích ra trong bài thơ Bả Tửu Vấn Nguyệt, có nghĩa là Nâng Chén Hỏi Trăng, uống rượu rồi hỏi chị Hằng. Bài thơ của ông thi bá Lý Bạch.

Rồi Cụ thong thả ngâm nga, như diễn giải: “Người nay đâu thấy trăng xưa, Trăng nay từng chiếu người xưa bao lần”.

Cụ Lãm hỏi Huân có đọc thơ Ðường và có biết chữ Hán không. Huân thành thực cho biết anh rất thích Ðường Thi, nhưng cũng chỉ biết một ít bài hay, nổi tiếng và được truyền bá nhiều của các nhà thơ lớn đời Ðường như Lý Bạch, Ðỗ Phủ, Vương Duy, Thôi Hiệu, Hàn Dũ vân vân ... Còn chữ Hán, anh chỉ biết dăm ba chữ nhưng anh có ý định khi rảnh rang sẽ cố học thêm. Cụ Lãm tỏ ý vui. Cụ cầm bình rượu rót thêm cho hai người, rồi trao bình cho Huân có cơ hội quan sát kỹ hình vẽ. Anh cẩn thận thưởng ngoạn một cổ vật. Sau đó Cụ lấy ra, từ một ngăn trong tủ thờ gia tiên gần bên, hai cuốn sách chữ Hán dày. Giấy bản đã cũ lắm, màu vàng, chữ in bằng mộc bản. Cụ nói đó là hai cuốn Ðường Thi cũng do ông cha để lại từ thời xa xưa. Cụ lật tới một trang rồi đọc nguyên văn bài Bả Tửu Vấn Nguyệt của Lý Bạch, đoạn phiên giảng từng câu cho Huân nghe. Một già một trẻ, nói chuyện rất tương đắc. Sẵn sách thơ Ðường trong tay, Cụ Lãm đọc thêm một vài bài bằng Hán văn và luôn cả những bài dịch sang quốc ngữ của Cụ. Huân có được đọc những bài thơ Ðường chuyển sang Việt ngữ của Tản Ðà, Trần trọng Kim, Trần trọng San... Mỗi người dịch hay mỗi vẻ. Những vần thơ của Cụ Lãm nghe hay không kém và rất sát nghĩa.

Hôm đó sông nước lên cao. Trăng tròn đúng kỳ, chiếu sáng từ trên bầu trời thanh trong, nhiều tinh tú. Cảnh đêm trăng tịch mịch, an bình. Cô Hương thỉnh thoảng ra vào, thêm thức ăn, trà và rượu. Câu chuyện vui giữa chủ và khách đã quá nửa khuya. Mấy nhân viên của Huân vào thưa đã có lều vải cá nhân, mền mùng sẵn cho anh ở bên con kinh gần đó, cùng địa điểm trú đóng của trung đội thám báo. Anh đứng lên cảm ơn Cụ Lãm và xin cáo từ. Cụ Lãm cũng đứng dậy, cử chỉ chân thành và ân cần:

- Mang ơn chữa bệnh của bác sĩ, tôi xin tặng biếu bác sĩ bình rượu này để làm kỷ niệm.

Cụ đưa tay trao tặng chiếc bình quý, lúc đó rượu như đã cạn. Huân hoàn toàn bất ngờ trước thịnh tình sâu đậm của Cụ, anh thưa:

- Cháu rất cám ơn Cụ, nhưng đây là đồ quý, gia bảo. Cháu thật không dám nhận. Cháu đang ở đơn vị tác chiến, nay đây mai đó đi hành quân, nhỡ ra để bể vỡ một cổ vật thì uổng lắm.

o0o
Thế rồi một tuần sau, Hương cùng anh Tân của nàng đến ban Quân Y khi Huân đang làm việc. Cụ Lãm sai họ đem cho anh một chai rượu nếp than, và thêm bình rượu cổ mà anh đã thấy trong bữa ăn hôm trước. Cụ cẩn thận để chiếc bình quý trong một hộp gỗ, chêm chặt chẽ bằng rơm. Huân hơi ngần ngừ như chưa muốn nhận. Hương lên tiếng:

- Em biết Nội đã có ý muốn tạ ơn bác sĩ bằng món đồ này từ trước hôm mời bác sĩ tới dùng cơm. Bác sĩ nhận cho Nội em vui lòng.

Huân chợt nhận ra sự thâm thúy và tế nhị của Cụ Ðồ Lãm. Cụ chờ đúng ngày có trăng tròn, mới mời anh dùng cơm và đem bình rượu có Lý Bạch, có thơ Ðường ra đãi khách. Anh nhận món quà tặng và lấy giấy viết thư cùng bì thư. Anh viết vài chữ cám ơn Cụ Lãm, kèm theo bốn câu thơ tặng Cụ như để tạ lòng. Bài thơ ngắn do anh đã làm, khi nằm trong lều vải, nhìn trăng tròn sáng và đẹp trên bầu trời, ngay sau khi anh tạm biệt Cụ Lãm vào lúc nửa khuya tuần trước:

Trăng này với Lý Bạch xưa
Mà nguồn thi cảm bây giờ còn đây
Phải chăng những lúc rượu đầy
Kẻ kim người cổ có ngày say chung

Huân nghĩ về cổ, kim như khoảng cách giữa Lý Bạch và Cụ Lãm là mười hai thế kỷ. Hay khoảng cách giữa Cụ Lãm và anh, mới năm mươi năm. So với lịch sử trái đất anh đang ở đã có hàng tỷ năm, những khoảng cách trên đâu có nghĩa lý gì.
Sau này Huân mang bình rượu của Cụ Lãm cho, đem về nhà tại Sài Gòn và cất kỹ, coi như một món quý và nhiều kỷ niệm trong bộ sưu tập mà anh mới bắt đầu thực hiện.

Những tháng kế tiếp, nếu không đi hành quân, lúc rảnh Huân hay cùng nhân viên đi bộ hoặc dùng xuồng sang thôn ấp thăm Cụ Lãm và có thêm dịp thăm Hương, gặp Má nàng và người chị dâu. Huân và Cụ Lãm rất tương kính, lâu ngày trở nên thân tình như bạn vong niên. Mỗi khi có thời giờ, Cụ thường đem sách, thơ Ðường đọc và bình giải cho anh. Cụ nói:

- Tôi nay đã luống tuổi, chỉ vui với con cháu, vườn tược, sách Nho và hai tập thơ này. Biết bác sĩ là người ưa thưởng thức văn thơ cổ xưa, mai sau tới ngày tôi về với tổ tiên, sẽ để bác sĩ giữ hai tập sách này.

Huân cảm tạ và trấn an:
- Cháu cám ơn Cụ có lòng quý mến. Cháu thấy Cụ còn mạnh giỏi, trời cho chắc còn thọ nhiều.

Một hôm, trong lúc chuyện trò thân mật, Cụ Lãm nói cùng anh:
- Con cháu Hương hiền và nết na. Cháu đã lớn, có vài nơi dạm hỏi. Nếu bác sĩ không chê nhà nghèo và quê mùa, bác sĩ thử nghĩ có thể chọn cháu làm người bạn đời sau này.

Huân hơi bất ngờ về lòng thương cháu, lòng quý mến anh và sự thật thà chân thành của Cụ. Anh chưa có ý định coi Hương là người yêu. Nàng đẹp, dễ thương, anh có cảm tình và mến thương. Anh yêu quý nàng như em gái, anh tìm cách nói cho qua:

- Cháu cám ơn Cụ có lòng thương. Cháu mới ra trường, bây giờ đang thời buổi chiến tranh. Cháu cũng chưa muốn làm ràng buộc và liên hệ đến cuộc đời của ai lúc này. Cháu có ý định xin đi học thêm, có lẽ còn phải nhiều năm mới tính chuyện lâu dài. Cháu sợ làm lỡ tuổi xuân đang đẹp của cô Hương.

Cụ Lãm tỏ vẻ thông hiểu và về sau không nhắc gì tới chuyện này nữa.

o0o
Huân còn đang hồi tưởng chuyện cũ. Thấm thoát anh đã về Cần Thơ hơn một năm. Hương bước vào quán ăn. Buổi sáng, đang bận khám bệnh, anh không quan sát nàng kỹ. Hương vẫn như mọi khi, dáng đẹp và dịu hiền. Tóc nàng không uốn, để lưng chừng phía sau, đoạn cuối cắt ngang và đều. Nàng hồn nhiên, trang điểm thật nhẹ. Hương mặc một sơ mi lụa mầu nâu nhạt, bỏ phía ngoài chiếc quần tây màu kem. Nàng mang một đôi dép gót hơi cao. Sơ mi để lộ chiếc cổ thon đẹp, và một dây chuyền, có đeo một tượng Phật nho nhỏ.

Huân thân mật mời Hương ngồi. Ðây là một quán ăn thuần túy miền Nam, thực khách buổi trưa toàn là người lạ, dùng cơm trưa chờ xe đi các nơi. Anh mời Hương. Nàng chỉ xin dùng một ly cam tươi và một đĩa cơm có sườn nướng, hai ba cánh rau sa-lát xanh tươi, vài lát dưa leo thái mỏng. Huân cũng kêu món ăn giản dị, cơm với thịt kho và dưa giá. Anh nói với Hương:

- Từ ngày đổi về Cần thơ, chưa bao giờ được được ăn món thịt kho nước dừa ngon như Hương nấu cho ngày trước.

Anh chợt nhận ra mình không còn gọi người đối thoại bằng “Cô Hương” như mọi khi.

Hương miệng cười xinh đáp lại:
- Lần sau lên thăm, em sẽ nấu cho bác sĩ.

Hai người chuyện trò thân. Hồi còn ở Ngang Dừa, Huân chưa có dịp nào ngồi dùng cơm chỉ có hai người với nàng. Anh hỏi thăm Hương về tình hình và sinh hoạt hiện nay nơi quê và tình trạng những người quen thân.

Hương với giọng nói buồn:
- Nội đã mất, được gần năm tháng, Nội đi rất an bình, trong giấc ngủ. Buổi sáng, không thấy Nội dậy uống trà, má em vào thăm thì Nội đã hết thở lúc nào. Ðám táng rất đông, có cả Ông Quận đến chia buồn.

Huân xin lỗi đã không hay biết gì sớm về tin này. Anh cũng buồn về sự ra đi của một người mà anh quý trọng.

Hương lấy từ túi sách tay ra một món quà được gói cẩn thận bằng giấy dầu:
- Bác sĩ đổi về Cần thơ rồi, mỗi khi Nội đọc những cuốn sách này, thường hay nhắc tới bác sĩ. Những lần trước, em lên đây gặp bác sĩ, khi về lần nào Nội cũng hỏi thăm bác sĩ có được bằng an và mạnh giỏi không. Nội căn dặn em khi nào Nội mắt mù lòa hay qua đời phải tìm cách gởi tặng bác sĩ hai cuốn sách này.

Huân mở gói giấy. Hai cuốn Ðường thi bằng chữ Hán, anh thường được thấy năm xưa, bây giờ trong tay anh. Anh cảm động về chân tình của người quen cũ.

Dùng cơm xong, Hương nhìn anh:
- Bác sĩ hồi sáng nói nhà ở gần đây, Hương xin được lại thăm cho biết nhà.

Huân không nỡ và cũng không có lý do chính đáng nào để từ chối, chiều nay anh hoàn toàn rảnh rang:

- Xin mời, nhưng Hương đừng cười, tôi ở có một mình, không gọn gàng đâu.

Huân mời nàng lên xe hơi của anh. Chỉ vài phút đã tới căn nhà nhỏ anh mướn gần một năm nay. Hương khen căn nhà xinh xắn. Nhà gạch, một tầng, ngoài là phòng khách, phía trong là một giường ngủ, bàn viết, và tủ áo của Huân. Anh mời nàng ngồi trên chiếc ghế dài của bộ salon, mở tủ lạnh lấy nước ngọt mời nàng và cho anh. Huân đưa cuốn hình chụp vào những năm tháng anh ở Ngang Dừa cho Hương ngồi coi. Huân cáo lỗi vô nhà trong, xối nước tắm vội nơi phòng tắm rồi mặc đồ nhẹ dân sự cho thoải mái. Anh trở lại phòng khách, Hương đang chăm chú coi hình. Anh ngồi xuống cạnh nàng, cùng coi những tấm ảnh chụp. Nhiều hình tại ấp Cụ lãm. Có hình Huân chụp cùng gia đình của Hương. Nàng nói còn giữ tấm hình anh Ba của nàng chụp bất ngờ, khi Huân đứng với tay lấy mấy trái xoài và có nàng đứng bên cạnh. Anh nhớ có cho nàng một phó bản của tấm hình này. Chuyện vui và mỗi lúc một thêm thân mật. Rồi Hương nói với anh:

- Hôm nay em đến thăm, đưa sách Nội đã căn dặn, và muốn hỏi bác sĩ một việc.

Giọng nói nàng bỗng hơi run, như nén một chút xúc động. Huân nói với giọng trấn an vì anh nghĩ nàng đang gặp chuyện gì khó khăn ở quê:

- Tôi coi gia đình Hương như người thân rồi. Có chuyện gì cần, Hương cho hay, tôi vẫn còn liên lạc và quen biết nhiều với Trung đoàn và với bên quận.

Hương nhẹ nhàng:
- Em không dám nhờ gì bác sĩ. Về sức khỏe và thuốc men, bác sĩ Nghĩa cũng lo giúp cho dân chúng như hồi bác sĩ còn ở Ngang Dừa. Gia đình em cũng có quen, và có gặp cả bà bác sĩ Nghĩa đến thăm ông ấy vào mấy tháng trước. Em chỉ muốn thưa để bác sĩ hay điều này. Lúc Nội còn sống, rất mến bác sĩ, Nội có khuyên em nên đến thăm hỏi thường. Nội coi tử vi, nói với má là tuổi của em và tuổi bác sĩ rất hợp.

Huân giật mình về sự bạo dạn của cô gái miền quê như Hương. Nhưng anh nghĩ lại. Hương đã học bốn năm trung học tại Cần Thơ. Cách đối xử của nàng từ trước tới giờ rất chân thành, thân ái và đúng tư cách. Nàng không là người hoàn toàn sanh trưởng tại vùng quê như anh đã thầm nghĩ khi lần đầu gặp nàng. Có lẽ những năm ăn học nơi thị tứ đã giúp nàng thêm mạnh dạn. Hương nói tiếp:

- Má em, anh Ba và em cũng mến bác sĩ. Nhưng ý kiến trên là ý của Nội. Em thì cho rằng bác sĩ chỉ coi em như một người em.

Nói đến đây, mắt Hương hơi ướt. Huân chưa kịp nói gì, còn chút bàng hoàng và ngạc nhiên. Hương nói thêm:

- Em nghĩ một người đã ra trường như bác sĩ, chắc phải có người yêu từ lâu ở Sài Gòn rồi. Em cũng biết em và bác sĩ ở hoàn cảnh khác nhau, khó có duyên cùng nhau. Bây giờ Nội đã mất, nhà vắng thêm. Có mấy người đòi đến hỏi em, nhận lời ai thì chờ đủ năm, khi hết tang Nội sẽ làm đám cưới. Má và anh Ba cũng nói, con gái chỉ có một thời, bắt em phải quyết định. Vì đã quen bác sĩ nhiều, em muốn xin hỏi ý kiến bác sĩ.

Huân xúc động. Mắt Hương như ướt thêm. Anh thấy mến thương và quý trọng tình cảm và sự chân thành của nàng. Anh để một tay lên vai nàng. Hương như theo phản ứng, tự nhiên gần lại anh, gục đầu vào một bên vai Huân. Anh ôm nhẹ nàng trong đôi tay, như muốn trấn an, như muốn cảm thông. Anh nghe rõ tiếng tim nàng đập và tiếng thổn thức nơi chiếc cổ thon tròn. Nửa phút sau, Hương hỏi:

- Thầy ký Tâm bên quận, Trung úy Hòa bên Trung đoàn, và thầy giáo Ngạn. Anh khuyên em nên nhận lời ai?

Nàng đã bất ngờ kêu Huân bằng anh, có lẽ tại vì anh đang ôm vai nàng. Vẫn giữ nàng trong tay, anh nói:

- Còn ông Thiếu úy địa phương quân bên quận, nghe nói cũng thương Hương.

- Anh Ba khuyên em đừng quen với ông này. Ảnh nói ông ấy hay rượu chè và hay la cà với các cô bán hàng quán bên chợ.

Huân khuyên nàng như một người anh:
- Chuyện tình cảm trăm năm, lâu dài, Hương cần suy nghĩ kỹ. Hương xem ai là người tốt và xem mình thương ai nhiều.

Nàng nhìn Huân, giọng chân thành và cảm động:
- Nếu hỏi thật lòng thì em thương anh!

Nói xong, nàng ngước mặt, tay ôm quanh cổ Huân, chờ đợi. Anh rung động, thấy người con gái tuổi đôi mươi thật đẹp và quyến rũ với tóc mây, mắt huyền và môi hồng. Anh như bị lôi cuốn, anh cúi đầu đặt một nụ hôn thật lâu trên đôi môi của nàng. Cả tim nàng và tim anh như đập mạnh thêm. Anh cảm nhận nơi ngực anh, bộ ngực căng của nàng như tăng thêm nhựa sống, mặc dầu qua những làn áo, áo anh và áo nàng.

Một phút trôi qua. Nước mắt Hương bắt đầu chảy ướt nhiều trên hai bên má. Huân trấn tĩnh lại. Hương nói hơi nức nở:

- Anh khuyên em nên nhận lời ai?

Huân từ tốn nói để Hương hiểu:
- Anh có rất nhiều cảm tình với Hương. Hiện giờ anh đang xin đi tu nghiệp tại ngoại quốc, có khi phải nhiều năm, nên anh chưa tính được chuyện lập gia đình. Má em bây giờ cần có người thân ở gần bên giúp đỡ, săn sóc. Anh Ba thì bận lo nghĩa vụ bên quận. Các ông Thiếu úy, Trung úy thuyên chuyển nay đây mai đó và đời người quân nhân thời chiến chẳng biết sống chết lúc nào. Anh có gặp thầy giáo Ngạn vài lần khi đến trường tiểu học, chủng lao cho mấy học trò. Anh thấy thầy có nhân cách trung hậu. Thầy lại cùng xứ sở, cùng dậy học một trường với em. Hai người sẽ sống hạnh phúc. Em và thầy Ngạn có hoàn cảnh để lo gia đình, lo cho bên cha mẹ của thầy cũng như lo cho Má của em. Vậy thì theo anh, em nên nhận lời cầu hôn của thầy giáo Ngạn.

Có lẽ vì những tiếp xúc của thân thể và qua nụ hôn, Huân đã tự lúc nào xưng anh và kêu Hương bằng em. Và tuy những lời khuyên Hương là rất thành thực, nhưng như có mâu thuẫn về tâm lý, Huân cảm thấy như bị mất mát một thứ gì quý báu của mình.

Vẫn ở trong vòng tay Huân, Hương ngước mặt nhìn anh, mắt vẫn còn ướt:
- Em đến thăm anh hôm nay, chỉ muốn để anh hiểu lòng em thương anh nhiều. Em muốn mãi mãi có hình ảnh anh trong tim. Nhưng em phải cố gắng, em sẽ suy nghĩ về lời anh khuyên.

Anh cúi xuống, hôn nàng thêm một nụ hôn rất nồng, rất say đắm nhưng hình như cả anh và nàng đều cảm nhận như không trọn vẹn cho một tình yêu không thực hiện, không kết quả, không tương lai giữa hai người.

Một lát sau, Hương cũng lấy lại tự chủ. Nàng vuốt tóc, ngồi ngay ngắn. Hương lần đầu tiên kể thật gia cảnh cho Huân nghe:

- Anh biết không, Ba em trước kia đi kháng chiến. Lúc đất nước chia đôi, Ba ra tập kết ngoài Bắc. Tưởng sau hai năm, có tổng tuyển cử, nước mình thống nhứt, sẽ về với Má. Ngày Ba đi, em mới tám tuổi mà còn nhớ mãi. Bây giờ em đã hai mươi. Khoảng sáu năm trước, anh Hai em đang ở nhà, được người của Mặt Trận trao thư của Ba, biểu phải ra bưng theo Mặt trận giải phóng. Không biết ảnh bây giờ ở đâu. Rồi còn anh Ba đến tuổi phải đi quân dịch. Không đi bên này thì bên kia họ cũng kéo đi. Anh Ba đành xin đi nghĩa quân của quận, để được gần nhà, lo cho Nội, cho má và cho em. Chỉ tội nghiệp chị Hai, lủi thủi chờ ảnh. Má buồn, chẳng biết nói với ai. Má nghĩ anh Hai, ảnh biết địa thế ở quê nhà, có khi sẽ về cùng quân của Mặt trận, tấn công đồn, tấn công quận. Anh, em trong nhà có thể bắn vào nhau!

Huân cũng thấy đau lòng, xót xa cho hoàn cảnh gia đình Hương, và cho đất nước mình. Cuộc chiến tại miền Nam, cũng là cuộc chiến Việt Nam, thật quá tương tàn, đau buồn. Ranh giới của hai bên chiến tuyến có khi rõ ràng minh bạch như đôi bờ nam bắc của giòng sông Bến Hải. Có khi nó cũng minh bạch chốc lát như phía ngoài và phía trong của một đồn bót trong lúc giao tranh. Như bên trong và bên ngoài một mục tiêu quân sự. Như bên này và bên kia của hàng rào một ấp chiến lược. Có khi nó khốc liệt, tàn bạo, rối bời, không thể phân chia như trong một trận cận chiến. Có khi nó phân chia ngay trong gia đình, giữa cha con, giữa anh em ruột thịt như trường hợp gia đình của người con gái vô tội đang ngồi bên anh. Anh cảm thấy sự bất hạnh của đất nước mình.

Huân lấy thêm nước uống cho hai người. Anh đưa một chiếc khăn mới để nàng lau má ướt. Lúc anh còn đứng trao khăn, Hương đứng lên, hai tay đặt trên đôi vai anh, nhìn anh một cách trìu mến.

Nàng nói một câu mà anh không thể ngờ tới:
- Em thương anh, em xin ở lại đêm nay, em muốn trao anh cuộc đời. Cuộc đời con gái của em. Chỉ ít tháng nữa em sẽ lấy chồng, em sẽ không gặp anh nữa, sẽ chẳng còn gì cho anh. Em không đòi hỏi anh một ràng buộc nào.

Nói rồi nàng ôm anh, ghé môi hôn thật đậm đà, như không muốn để anh nói thêm gì nữa. Huân ôm chặt nàng trong tay, hôn lại, say đắm đáp ứng lòng yêu thương của người con gái trẻ. Anh cũng thấy những thôi thúc, đòi hỏi của thể xác khi vòng tay trong vòng tay, thân thể gần kề thân thể, và môi chạm môi với người đẹp khác phái. Nhưng rồi Huân tự chủ được. Anh nhớ tới lòng quý mến của Cụ Lãm, tới sự đôn hậu của thầy giáo Ngạn, tới bà mẹ khoan dung và cũng nhiều đau khổ của Hương, và tới tình cảm thương yêu đậm đà, chân thành của nàng đối với anh. Huân với giọng cảm động:

- Anh sẽ trân quý mãi kỷ niệm ngày hôm nay và những lời em vừa nói. Hương đã cho anh những nụ hôn và cho anh hiểu, anh hiểu nhiều lắm, tình yêu của em dành cho anh. Anh sẽ nhớ mãi buổi gặp gỡ này. Anh thật mang ơn về những tình cảm của em. Nhưng anh muốn tôn trọng em để sau này khi sống với thầy giáo Ngạn, em không có gì ân hận, và em cũng giữ mãi nét đẹp về kỷ niệm của chúng mình.

Hương chớp mắt, nhẹ cúi đầu như đồng ý.

Trời đã về chiều. Ngoài đường phố xe cộ nhộn nhịp như hồi sáng. Những người đi làm việc trên đường về nhà. Huân biết rằng nếu Hương ở lâu thêm, có thể anh không tự chủ được nữa và sẽ có hành động khác với điều lý trí vừa mới nhắn khuyên anh. Qua cửa kính, bóng nắng đã mờ dần. Căn phòng nhỏ, chỉ có hai người, như đã tối đi nhiều và anh sợ rằng anh và nàng sẽ dễ dàng trở nên thân mật hơn. Anh dùng xe đưa Hương về nhà người cô của nàng.

Sáng hôm sau Huân nghỉ làm phòng mạch, đến đón Hương, đưa nàng ra tới bến sông. Nàng lên chiếc tàu đò, mắt lại ướt, về Vị Thanh rồi về Ngang Dừa. Chiếc tàu từ từ rời bến, nhỏ dần trên sông nước Hậu Giang màu xanh, phản chiếu bầu trời đẹp. Bóng dáng Hương cũng nhỏ dần. Huân dơ tay khoa nhẹ trước mặt. Anh thấy Hương cũng đưa tay vẫy.

Lại một lần chia tay! Lại một lần tiễn biệt! Lại một lần vẫy tay chào! Buồn như lời ca một bài hát nào anh vẫn hay nghe. Ðời Huân đã nhiều lần chia tay. Ðã nhiều lần tiễn biệt. Nhưng chưa lần nào anh thấy xúc động như lần chia tay này.

Trần Văn Khang
(Trích trong tập Hai Bên Chiến Tuyến)--

No comments:

Post a Comment