Monday, October 24, 2022

Nhà sách Tú Quỳnh đóng cửa và niềm tiếc nhớ khôn nguôi

Nguyễn thi Thương
October 19, 2022

Tin nhà sách Tú Quỳnh chuẩn bị đóng cửa vĩnh viễn làm nhiều người sững sờ. Từ bao lâu nay, Tú Quỳnh đã cùng phát triển với Little Saigon, là một phần không thể thiếu của Little Saigon, là một tụ điểm văn hóa, một gạch nối giữa cuộc sống vật chất bận bịu và đời sống tinh thần của người gốc Việt.

Ở vùng Little Saigon, ai cũng gọi bà chủ nhà sách Tú Quỳnh là “bà Tú Quỳnh.” Người ở lâu hơn thì gọi bà là “bà Yến Tú Quỳnh.” Rất ít, rất hiếm người, kể cả bạn lâu năm, biết tên thật của bà là Phan Hoàng Yến bởi vì chỉ cần nhắc đến hai chữ Tú Quỳnh là ai ai cũng biết rồi.

Nhà sách Tú Quỳnh, trong khu Bolsa Mini Mall, trên đường Bolsa, Westminster, một trung tâm văn hóa của người gốc Việt trong khu Little Saigon tại Orange County và cũng là nhà sách tiếng Việt đầu tiên trên toàn quốc từ năm 1979 đến năm 2020.

Nhà sách Tú Quỳnh do hai vợ chồng trẻ Đặng Văn Thạnh và Phan Hoàng Yến khai trương. Ông Thạnh từng là chiến sĩ của Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa.

Bà Yến kể: “Hồi đó người mình mới bắt đầu về đây thôi, chung quanh còn toàn ruộng dâu. Con đường Bolsa còn toàn đất trống và rất vắng vẻ. Từ đó đến giờ, quanh đây có biết bao thay đổi.”

“Lúc đó đâu có tên Little Saigon đâu. Chỉ có lèo tèo mấy tiệm ăn và một cái chợ nhỏ xíu thôi,” bà thêm.

Nhà sách Tú Quỳnh, trong thời gian đầu mở cửa được nhiều người ví với nhà sách Khai Trí của Sài Gòn năm xưa.

“Hồi còn tuổi sinh viên ở Sài Gòn, sáng Thứ Bảy nào, bận rộn đến đâu, tôi cũng ghé nhà sách Khai Trí để ‘lượm mót’ vài chữ nghĩa thánh hiền,” ông Đoàn Văn Tự, cư dân Garden Grove, nói. “Đi lính, tôi không còn được cái thú này nữa nhưng lúc nào tôi cũng nhớ trong lòng.”

Vượt biên sang Mỹ, thời gian đầu, ông thường cùng vợ con ra nhà sách Tú Quỳnh để tìm lại cái thú thanh bình ngày trước. Ông nói: “Vợ tôi ở Cần Thơ nên không biết nhà sách Khai Trí. Với bà, Tú Quỳnh là Khai Trí. Với con trai tôi, Tú Quỳnh là kỷ niệm những ngày thanh thản, không phải dậy sớm đi học lại còn được đi chơi.”

Ngoài việc bán sách, Tú Quỳnh còn là nơi phát hành băng nhạc cho cộng đồng gốc Việt khi họ rất cần tìm lại những nhạc phẩm gắn liền với quê hương, xứ sở. Một trong những băng video của Tú Quỳnh được nhiều người hưởng ứng nhất là bộ “Tiếu Vương Hội.”

Nhưng rồi, theo tháng năm, nhà sách không còn được đông đúc như xưa nữa. Lượng khách giảm dần tuy Tú Quỳnh vẫn là trung tâm văn hóa của mọi người, từ các văn, thi, nghệ sĩ đến các độc giả trung thành khắp nơi. Về văn nghệ, tất cả mọi sinh hoạt xa gần đều có thông tin tại Tú Quỳnh. Muốn biết gì, cứ ghé Tú Quỳnh là biết cặn kẽ ngay.

Ông Đặng Văn Thạnh (giữa, đứng) và bà Phan Hoàng Yến (phải) cùng ca sĩ Khánh Ly và các thân hữu
Rồi thật bất ngờ, tin nhà sách Tú Quỳnh chuẩn bị đóng cửa vĩnh viễn làm nhiều người sững sờ. Từ bao lâu nay, Tú Quỳnh đã cùng phát triển với Little Saigon, là một phần không thể thiếu của Little Saigon, là một tụ điểm văn hóa, một gạch nối giữa cuộc sống vật chất bận bịu và đời sống tinh thần của người gốc Việt.

Bà Trương Hoàng Hoa, ở Irvine, tròn xoe mắt nói: “Tại sao những ‘đại gia’ gốc Việt ưa khoe của không bảo vệ nhà sách này? Tú Quỳnh là lịch sử của Little Saigon mà Little Saigon là lịch sử tị nạn của mình.”

“Tưởng tượng hai mươi năm nữa, nếu mình còn được đưa cháu nội, cháu ngoại mà ghé Tú Quỳnh mua sách tiếng Việt, mua CD nhạc Việt cho tụi nó và kể kỷ niệm thời mới qua Mỹ cho tụi nó nghe thì sẽ là một cái gì rất đẹp, rất đáng nhớ cho thế hệ kế tiếp,” bà thở dài.

Bà luyến tiếc: “Theo tôi, Tú Quỳnh vừa là một trung tâm văn hoa lâu đời của mình, vừa là một viện bảo tàng sống lưu giữ những kiến thức, tâm tư và suy nghĩ của mình, những người gốc Việt tới đây lập nghiệp bằng con số ‘zero,’ không có gì ngoài lòng cương quyết. Thiệt là uổng quá.”

Chính bà Yến cũng rất chần chừ trước khi đi đến quyết định đau lòng này, nhưng bà không còn cách nào hơn.

“Những năm gần đây, nguồn thu nhập chính của Tú Quỳnh là từ phân phối vé ca nhạc. Nhưng từ Tháng Ba, 2020, khi đại dịch COVID-19 lan tràn, hoạt động ca nhạc ở vùng Little Saigon cũng như ở mọi nơi đều bị hoàn toàn đình trệ,” bà Yến nói. “Tôi không muốn đóng cửa chút nào, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác.”

Nhìn quanh nhà sách, nơi bà lui tới hằng ngày trong suốt 41 năm, bà Yến Tú Quỳnh bùi ngùi: “Hai vợ chồng tôi cùng nhau mở nhà sách này, rồi ông ấy qua đời. Tôi tưởng mình sẽ giữ được. Ai dè…”

Bà thở dài, không nói được hết câu. Bà than: “Dịch COVID-19 này tai hại quá, làm tiêu tan bao nhiêu cơ nghiệp của bao nhiêu người.”

Bao nhiêu năm nay, nhà sách Tú Quỳnh là điểm hẹn của bao nhiêu người trong và ngoài tiểu bang, là nơi họ đã có bao nhiêu kỷ niệm để đời, từ những lần hò hẹn ăn trưa, ăn tối đến những cuộc biểu tình nói lên sức mạnh cộng đồng trong thập niên 1980.

Các thân hữu đến họp mặt lần cuối tại nhà sách Tú Quỳnh, ai cũng buồn bã vì biết họ sẽ không còn được gặp bà Yến ở đây nữa. Sau này, họ có thể gặp bà ở một nơi nào khác, nhưng không thể ở Tú Quỳnh thân quen này nữa.

Ông Tony Lâm, cựu nghị viên Westminster, chia sẻ: “Với tôi, nhà sách Tú Quỳnh đại diện cho cả một nền văn hóa Việt Nam chúng ta mang theo.”

“Lúc ban đầu, nhà sách Tú Quỳnh và trung tâm băng nhạc Thanh Lan là hai nơi phát hành những bản nhạc gợi lại cho người tị nạn Cộng Sản mới đến Mỹ những hình ảnh tiêu biểu của một thời thanh bình và thịnh trị của Việt Nam Cộng Hòa,” ông kể.

“Không còn Tú Quỳnh, chúng ta phải chịu một mất mát lớn lao. Tú Quỳnh có mặt tại địa điểm hiện tại từ khi Little Saigon chưa có tên,” ông tiếp.

Ba Tu Quynh



No comments:

Post a Comment