Thursday, October 6, 2022

MỘT MẢNH TÌNH CHUNG THỦY 

Ngô Viết Trọng: Truyện này viết dựa theo nhiều tài liệu mà tài liệu quan trọng nhất là thiên hồi ký về vua Duy Tân của Sư Bà Diệu Không, thế danh Hồ Thị Hạnh, em gái của nhân vật chính Hồ Thị Chỉ trong truyện.

Vua Duy Tấn và bà Hồ Thị Chỉ – Nguồn ảnh: AFamily

Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự,
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương
Quê người đành gởi thân trăm tuổi
Cuộc thế mong gì nợ bốn phương!”
(Thượng Tân Thị)

Mùa hè năm 1914 vua Duy Tân lại ra nghỉ mát ở Cửa Tùng. Lần này triều đình chỉ định quan thượng thư Bộ Học kiêm Cơ Mật Viện đại thần Hồ Đắc Trung theo hầu ngự. Năm này vua cũng vừa bước lên tuổi mười bốn. Hai hôm trước khi đi, vua nói với ông Trung:

-Năm nào đi nghỉ mát tôi cũng tắm, cũng bơi, cũng nằm phơi nắng trên cát một mình thật buồn tẻ quá. Nghe nói thầy có mấy người con trai cũng đang nghỉ hè, bảo họ đi chơi với tôi cho có bạn được không?

Ông Trung ngập ngừng:
-Đa tạ hoàng thượng đã chiếu cố đến đám trẻ của hạ thần. Chỉ sợ chúng quê mùa dốt nát chưa thông lễ nghĩa lỡ xúc phạm oai trời hạ thần lại mang tội.

-Thầy ngại cho con ra tắm biển có thể gặp chuyện nguy hiểm chứ gì? Chắc thầy chưa rõ Cửa Tùng là một bãi biển đẹp, mát mẻ và yên bình nhất ở Trung Kỳ? Người Pháp vẫn mệnh danh Cửa Tùng là Nữ hoàng của những bãi tắm (La Reine des plages) mà! Tắm và nghỉ ngơi ở đó tốt cho sức khỏe lắm. Thầy yên chí đi!

-Vậy xin phép hoàng thượng cho hai con trai của hạ thần là Hồ Đắc Điềm và Hồ Đắc Di cùng đi cho vui. Nếu chúng vụng về sơ sót điều gì xin hoàng thượng lượng thứ.

-Không sao. Điềm với Di chắc xuýt xoát tuổi tôi?

-Tâu vâng, chúng chỉ trội hơn hoàng thượng một hai tuổi!

-Quá tốt! Kế Điềm với Di còn người nào nữa không?

-Tâu, còn hai đứa. Nhưng lại đều là con gái.

-Chắc các em đều còn nhỏ?

-Tâu vâng. Một lên mười, một mười hai.

-Như vậy đâu còn nhỏ lắm? Thầy nên cho hai em đi chơi luôn để hai em vui chứ! Mọi thứ cần thiết tôi sẽ cho người lo giúp, thầy khỏi bận tâm.

-Tạ ơn hoàng thượng!

Khi nghe ông Trung thuật lại ý muốn của vua, mấy người con của ông đều vui mừng hớn hở. Chỉ có bà Trung lộ vẻ lo lắng nói với chồng:

-Đám con mình chưa bao giờ đi tắm biển. Ra đó lỡ gặp sóng gió bất thường hoặc rủi ro sa chân hụt cẳng ai lo cho?

Hồ Đắc Điềm trấn an mẹ:

-Mẹ khỏi lo chuyện đó. Con biết biển tắm Cửa Tùng không sâu và không bao giờ bị ảnh hưởng bởi các giòng hải lưu nguy hiểm. Nó như nằm trong một cái vịnh nhỏ được hai rặng đá ngầm thọc sâu ra biển là Mũi Si và Mũi Lai che chắn nên rất an toàn. Những khi biển có gió bão các tàu thuyền đánh cá còn có thể ghé vào neo ở đây để núp nữa mà! Bãi biển này cũng mát mẻ hơn các bãi biển khác ngay cả thời gian những cơn gió Lào gay gắt quạt lửa vào Quảng Trị hằng năm. Chính cánh rừng Rú Lịnh ở cách đó không xa đã giúp nguồn khí mát ở đây luôn được điều hòa. Mẹ cho anh em con đi một chuyến khi trở về mẹ sẽ thấy đứa nào đứa nấy hồng hào khỏe mạnh lên hết cho coi!

Cả Hồ Đắc Di lẫn hai cô em đồng loạt nói:

-Anh Điềm nói phải đó mẹ. Khí hậu ở Cửa Tùng rất tốt. Đi chuyến này trở về chúng con khỏe mạnh lên hết cho coi.

Thấy các con đều tha thiết muốn đi chơi, ông Trung quyết định:

-Thôi, được rồi, thầy mẹ bằng lòng cho cả bốn đứa đi. Nhưng đi với ngài ngự thì phải luôn giữ lễ, phải nói năng từ tốn, không được ham vui mà ồn ào. Dù cho ngài ngự có vui vẻ, dễ dãi các con cũng không được thừa dịp mà lơ đi khoảng cách giữa vua tôi. Nếu không nghe lời thầy dặn, không phải chỉ các con mang lỗi phạm thượng mà thầy mẹ cũng mang tội không biết dạy con. Phải nhớ kỹ lời thầy dặn đấy nhé.

-Chúng con xin tuân lời thầy dặn!

*
Lúc bấy giờ vua Duy Tân đã có sẵn một hành cung ở Cửa Tùng, nơi người ta vẫn quen gọi là “tòa Thừa Lương”, nôm na là tòa nhà để hóng mát. Tòa nhà này do viên Khâm sứ Trung Kỳ Brière cho xây dựng từ năm 1896 để làm nhà nghỉ mát cho nhân viên tòa Khâm. Năm 1907, người Pháp nghi ngờ vua Thành Thái không trung thành với chính phủ Bảo hộ nên tìm cách để truất phế ngài. Kế đó họ lập người con của ngài là Vĩnh San mới 7 tuổi lên ngôi tức là vua Duy Tân. Về sau, nhận thấy vua Duy Tân càng lớn càng lộ vẻ ưu thời mẫn thế như vua cha, người Pháp lại đâm ra lo lắng. Họ tìm cách để dẫn dụ vị vua trẻ này đi dần vào con đường vui chơi, hưởng thụ. Nhắm mục đích ấy, người Pháp nhường lại tòa nhà nghỉ mát trên cho vua Duy Tân làm một hành cung. Từ đó nhà nghỉ mát ấy được vua cho sắp xếp lại, trở thành tòa Thừa Lương. Cứ mỗi mùa hè vua lại ra đó nghỉ mát một thời gian.

Lần đó vua Duy Tân cùng quan thượng thư Hồ Đắc Trung đi Cửa Tùng bằng “xe điện”. Các thành phần khác thì đi bằng ngựa hoặc xe ngựa. Khi bốn anh em Hồ Đắc Điềm đến hành cung thì ông Trung đã có mặt sẵn để dẫn họ vào lạy chào vua.

-Muôn tâu, hạ thần xin dẫn đám tiện tử vào lạy chào hoàng thượng!

Anh em Hồ Đắc Điềm toan quì xuống lạy thì vua Duy Tân khoát tay:

-Cho miễn lạy. Vái chào là đủ rồi. Các anh em là những người tôi mời đi chơi cho có bạn chứ không phải người đi theo để phục dịch hầu hạ. Nếu việc gì cũng giữ lễ thì còn gì là vui!

Vua lại tươi cười nhìn lướt qua bốn người:

-Tôi mong chuyến đi chơi này sẽ làm mọi người hài lòng. Hai anh tôi đã biết tên là anh Điềm và anh Di. Riêng hai cô thì tôi chưa rõ!

Cô chị còn ngập ngừng thì cô em đã chỉ vào cô chị đáp:

-Chị của em tên Hồ Thị Chỉ, em tên Hồ Thị Hạnh!

-Xin chào mừng hai em. Chúc hai em sẽ có những ngày rất vui.

Mọi người đều hớn hở lên tiếng cảm ơn vị vua trẻ. Riêng Hồ Thị Chỉ đã tỏ ra xúc động hơn ai hết. Đôi mắt nàng long lanh mở lớn nhưng lời cám ơn của nàng chỉ lí nhí nghe không được rõ.

Hồ Thị Chỉ là con gái áp út của ông Trung. Vốn bẩm thụ tính thông minh trời cho, lại sinh ra trong một gia đình có truyền thống học vấn, được cha và các anh chăm sóc việc học hành từ bé, mới hơn mười tuổi nàng đã khá rành cả chữ Hán lẫn chữ Pháp. Năm ấy tuy mới mười hai tuổi nàng đã bắt đầu trổ nét xuân thì, trông xinh xắn, dịu dàng rất dễ thương. Có lẽ vua Duy Tân cũng cảm nhận điều đó ngay phút gặp gỡ đầu tiên.

Từ đó buổi sáng nào vua cũng cho mời anh em Hồ Đắc Điềm cùng ra bãi biển chơi. Ngài vẫn gọi Điềm và Di bằng anh, gọi Thị Chỉ và Thị Hạnh bằng em. Họ cùng nhau bơi lội, cùng nhau nằm trên cát nhìn mây trời, cùng ngắm những đàn còng ùa chạy lung tung trên bãi cát hoặc bơi dưới nước… Lúc nào vua cũng chuyện trò thân mật, vui vẻ với anh em Điềm, Di. Thị Hạnh cũng hay nói chuyện với vua. Riêng Thị Chỉ không được tự nhiên, rất ít khi nói chuyện với vua. Nàng luôn tỏ ra rụt rè, ít tham gia vào các cuộc vui chơi chung đó. Có lẽ vua cũng hiểu lý do nên cũng không ép, không mời.

Một hôm Hồ Đắc Di hào hứng đề nghị:

-Muôn tâu, hôm nay mình chơi thi bắt còng xem ai bắt giỏi hơn cho vui, ngài ngự bằng lòng không?

Vua tươi cười nói:

-Ừ, thi thì thi, như vậy càng thêm vui! Tôi sẽ có thưởng cho ai bắt giỏi nhất.

Thế rồi mỗi người tự kiếm một vật dụng để đựng còng. Khi cuộc thi đang nhộn nhịp, mọi người dần để ý thấy vua bắt được con nào lại thả con nấy. Thị Hạnh ngạc nhiên hỏi vua:

-Sao ngài ngự bắt được con nào lại thả con nấy vậy?

-Bắt được con nào đếm xong thả ngay chứ giữ lâu khô nước chúng có thể chết mất. Chúng vô tội, mình không nên để chúng chết oan. Thấy con nào thoát thân được cũng tất tả chạy trốn phóng xuống nước bơi tung tăng như thế cũng đủ vui rồi.

Thế là mọi người bắt chước vua thả hết số còng đã bắt được. Vua lại quay sang nói với Điềm và Di:

-Ai bắt bỏ tù chúng ta, chắc chúng ta cũng sẽ khổ sở vì khi mất tự do là mất tất cả!

Nói xong vua thở dài, nét mặt ngài bỗng trở nên ủ dột. Anh em Điềm, Di phải nói chuyện khỏa lấp một hồi vua mới vui vẻ trở lại với cuộc chơi.

Tối hôm đó anh em Điềm kể lại chuyện ấy cho cha nghe. Ông Trung nói:

-Tinh thần yêu nước của ngài ngự rất cao. Ngài muốn thoát khỏi sự kềm kẹp của chính phủ Bảo hộ. Đã nhiều lần ngài hỏi thầy “Thầy nghĩ sao về việc người Pháp đô hộ ta?”. Thầy chỉ biết nói với ngài “Mình đang bị trị biết làm sao được! Xin hoàng thượng thận trọng, cố gắng học hành, đường còn dài, còn nhiều vận hội mới”. Ngài không phản đối nhưng có vẻ không hài lòng. Một viên thị vệ kể với thầy, có một lần vua tự ra vườn cuốc đất trồng hoa, tay chân vua lấm đất cả. Khi ngài trồng xong, y bưng chậu nước đến cho ngài rửa tay. Bất ngờ ngài hỏi y “Tay nhớp lấy nước để rửa, thế nước nhớp lấy gì để rửa đây?” . Viên thị vệ ngẩn ngơ chưa biết trả lời sao thì ngài tiếp “Nước nhớp phải lấy máu mà rửa! Biết chưa?”. Lại một lần ngài đi câu, có quan thượng thư Nguyễn Hữu Bài theo hầu, ngài bỗng cảm thán đọc “Ngồi trên nước khôn ngăn được nước, Trót buông câu đã lỡ phải lần”, rồi ngài bảo ông Bài đối lại. Qua một lát suy nghĩ, ông Bài đối: “Ngẫm việc đời mà ngán cho đời, Đành nhắm mắt tới đâu hay đó!”. Ngài lắc đầu tỏ vẻ không bằng lòng. Ngài luôn bị ray rứt về số phận của đất nước. Thỉnh thoảng ngài đem tâm sự dò ý các quan nhưng chẳng có ai dám biểu lộ đồng tình với ngài. Ai cũng biết, trong số quan lại của Nam triều không thiếu gì tay chân của chính phủ Bảo hộ Pháp, họ lúc nào cũng sẵn sàng lập công để được thăng tiến! Vì cảm thấy mình quá cô đơn, ngài hay nổi nóng bất thường. Có lần ngài hét lớn “Các quan không có ai chịu nghe lời tôi cả. Tôi chỉ là một ông vua làm vì!”.

Hồ Đắc Di nghe đến đó bất giác thốt lên:

-Thật tội nghiệp cho ngài quá. Không ngờ nỗi khổ tâm của ngài to lớn đến thế! Có khi nào bức chí quá ngài lại nổi điên như vua cha Thành Thái không thầy?

Ông Trung hơi cau mày:

-Con cũng nghĩ là vua Thành Thái nổi điên ư? Chuyện đó rất khó nói. Sau này lớn lên các con sẽ dần hiểu được sự thật. Thầy cũng mong cái gương của vua Thành Thái sẽ giúp Đức Kim Thượng gắng nhẫn nhục để giữ mình. Chính phủ Bảo hộ lúc nào cũng dòm ngó các hành vi của ngài chứ họ chẳng bỏ sót đâu!

Hồ Đắc Di lại hỏi:

-Thầy nghĩ những lời ngài nói trong khi tức giận lại lọt đến tai chính phủ Bảo hộ?

-Biết đâu được! Quan hay lính cũng có hạng này hạng khác… Ngài ngự còn quá trẻ nên dễ có lúc không kiềm chế được tánh nóng nảy của mình. Vì tánh khí đó, ngài đã phải chịu ngậm cay nuốt đắng một lần rồi!

-Chuyện ra sao thầy kể luôn cho tụi con nghe đi!

-Cách đây một hai năm thôi, một hôm nghe tin Khâm sứ Mahé đem người lên đào lăng vua Tự Đức để tìm vàng ngọc, ngài liền thân hành lên đó để ngăn chận hành vi ngang ngược ấy. Nhưng ngài lên tới nơi thì đã muộn, việc đã xong xuôi. Ngài vô cùng phẫn nộ. Khi đi ra cửa Vụ Khiêm Môn, ngài gặp vị thầy dạy ngài là ông Cao Xuân Dục từ Đại Nội mới lên, ngài kêu: “Thầy ơi, hồi cha tôi còn tại vị thì người ta không dám làm như vậy. Nay họ đặt tôi lên làm ấu chúa để đào mả, phá nhà!”. Ông Cao Xuân Dục chỉ biết khuyên: “Biết vậy thì Đức Kim Thượng nên gắng học!”. “Thầy nói tôi nghe cũng phải. Nay cha tôi đã ở xa. Tôi nguyện gắng học và xin thầy giúp cho!”. Sau đó vua tự mình viết một lá thư cho chính phủ Pháp. Ngài trình bày rõ sự kiện đã xảy ra và đề nghị chính phủ Pháp khiển trách, hạch tội mấy viên quan Bảo hộ ở Việt Nam. Ngài lại nhờ viên Toàn quyền Đông Dương chuyển thư giúp. Nhưng khi đọc thư xong, thay vì chuyển giúp, viên Toàn quyền lại thân hành đem lá thư này vào cung Diên Thọ trao cho bà Đích xem. Bà Đích liền đòi ngài vào cung Diên Thọ, bắt ngài phải xin lỗi viên Toàn quyền trước mặt ông ta và đại thần Nguyễn Thân. Không thể cãi lệnh mẹ đích, ngài phải cắn răng mà thi hành!

Thị Chỉ vẫn chăm chú lắng nghe cha kể chuyện từ đầu, giờ bỗng thở dài:

-Không ngờ ngài ngự lại khổ sở đến thế!

Thị Hạnh cũng lên tiếng:

-Bà Đích là mẹ của ngài ngự hở thầy?

-Bà Đích tên Nguyễn Gia Thị Anh, con gái ông Nguyền Thân, vị đại thần nổi tiếng đánh dẹp các cuộc nổi dậy trong nước, là mẹ đích chứ không phải là mẹ đẻ của ngài ngự. Gọi là mẹ đích vì bà là Hoàng quí phi tức là vợ chính của vua Thành Thái. Tất cả những người con khác của vua Thành Thái đều phải gọi bà là mẹ đích. Còn mẹ đẻ của ngài ngự là bà Tài nhân Nguyễn Thị Định, vợ thứ của vua Thành Thái. Cả hai bà này ở trong cung, đều có quyền quyết định mọi việc trong gia đình nhà vua, người ta vẫn quen gọi là “Lưỡng tôn cung”.

Hồ Đắc Điềm cũng thở dài:

-Hóa ra làm vua một nước bị lệ thuộc cũng khổ quá!

-Thầy rất thông cảm cho hoàn cảnh của ngài nhưng biết làm sao bây giờ? Vậy, khi chuyện vãn với ngài, nếu ngài có bắt qua chuyện quốc sự, các con phải tìm cách nói lảng sang chuyện khác ngay để ngài khỏi buồn khỏi ức. Phẫn chí quá ngài có thể nói lỡ lời. Giữ gìn cho ngài cũng là giữ gìn cho chính mình! Các con phải nhớ đấy!

Cuộc đi nghỉ mát mùa hè ở Cửa Tùng rồi cũng qua nhanh. Khi sắp giã từ, vua Duy Tân với anh em họ Hồ đều lộ vẻ bịn rịn nhau lắm. Nhất là Thị Chỉ, nàng không nói gì mà cứ rưng rưng nước mắt. Vua thấy thế nói khẽ với Thị Hạnh:

-Dỗ chị đi em. Sang năm chúng ta sẽ gặp lại!

*
Sau thời gian cho các con đi nghỉ mát với chồng về, bà Trung để ý thấy Thị Chỉ có vẻ hơi khác thường. Nàng ít nói, ít đùa giỡn với cô em Thị Hạnh như trước mà hay ngồi trầm ngâm một mình. Thỉnh thoảng nàng lại ngâm nho nhỏ vài câu thơ, giọng rất buồn. Một hôm bà Trung gọi nàng lại hỏi:

-Đi chơi về mệt lắm sao mà thấy con cứ thẫn thờ ra thế? Có gì vui kể mẹ nghe với nào.

-Dạ đâu có mệt, vui lắm chứ mẹ. Ngày nào cũng bắt còng, bơi lội, phơi nắng…

-Vua cũng chơi vậy sao? Ngài có hay nói chuyện với anh em con không?

-Dạ có. Nhưng ngài chỉ nói chuyện với anh Điềm, anh Di và Hạnh chứ rất ít khi nói chuyện với con.

Bà Trung cười:

-Ngài không thèm nói chuyện với con à? Sao vậy?

Hồ Thị Chỉ tỏ vẻ bẽn lẽn:

-Đâu phải vậy. Nhưng con đâu có chuyện gì để nói?

-Vậy con có nhận xét gì đặc biệt về ngài ngự không?

-Điểm đặc biệt ư? Nếu nói về điểm đặc biệt của một ông vua thì con thấy ngài có mấy điểm rất khác thường, hoàn toàn không giống ở bất cứ một ông vua nào khác mà con đã được đọc qua trong sách sử ký.

Bà Trung trố mắt ngạc nhiên:

-Ủa, con đã đọc về nhiều vị vua trong sách sử ký? Con thấy ngài khác biệt với những vị vua ấy ở những điểm nào?

-Điểm con thấy rõ nhất ở ngài là đức tính rất giản dị, khiêm tốn. Mẹ biết không? Ngài luôn gọi anh Điềm, anh Di bằng anh, gọi con và Hạnh bằng em như dân thường gọi nhau. Trong một lần khi đi chơi ngài đã thành thật tâm sự: “Thời gian này đi chơi có mấy anh em tôi thấy vui vẻ thoải mái quá! Gần gũi mãi với mấy cụ đại thần tuy học được nhiều điều hay nhưng cũng có lúc ngột quá chừng, nhiều thắc mắc của mình khó bày tỏ với các cụ quá! Các anh thấy thế nào?”. Anh Điềm anh Di đều nói: “Chúng tôi còn dại, chỉ biết lo học, chưa dám bàn đến chuyện người lớn”. “Vậy các anh cho tôi là người lớn rồi sao?”. “Muôn tâu, Ngài Ngự tuy tuổi nhỏ nhưng địa vị và tâm tư đều lớn quá có ai dám sánh? Chúng tôi đâu dám luận bàn!”. Vua cười: “Các anh đừng lầm, người có thực tài không cần có địa vị, người có địa vị chưa chắc có tài. Như tôi vì con vua nên lại làm vua chứ tài gì?”. Mẹ thấy đó, các ông vua khác nghe lời tâng bốc thì vui mừng, họ còn tìm cách khiến người khác thần thánh hóa mình lên nữa. Còn ngài thì không, lại tự nhận mình chưa chắc có tài, chỉ nhờ gốc là con vua nên được làm vua! Chưa tin mình có thực tài tất nhiên ngài phải luôn cố gắng học hỏi. Không nghe lời tán tụng, tâng bốc tất nhiên không ai có thể dùng lối mê hoặc, dua mị để lung lạc được. Một ông vua như thế chắc hẳn không phải là một ông vua tầm thường! Đó là những điểm khác thường của ngài vậy!

Nghe Thị Chỉ nhận xét về vua Duy Tân như vậy bà Trung rất mừng. Bà không ngờ lối suy nghĩ của đứa con gái mình lại có vẻ trưởng thành đến thế. Vậy đối với nàng bà đâu có gì đáng lo nữa! Chắc hẳn là nàng có phần si tình đấy, nhưng không sao. Nghĩ đến đó bà chợt thốt lên:

-Đáng tiếc!

-Mẹ nói cái gì đáng tiếc?

-Ngài ngự hẳn là một minh quân đấy. Đáng tiếc là ngài đã không gặp được thời. Cái gương của vua cha còn sờ sờ ra đó. E rằng chính phủ Bảo hộ khó để cho ngài toại chí. Mẹ nghĩ rồi đây ngài sẽ phải gặp nhiều gian truân…

Ngay hôm ấy bà thăm dò ý chồng:

-Này ông, từ sau cuộc đi chơi ở Cửa Tùng về, hình như con Chỉ nó thay đổi khá nhiều đó. Nó hay thở dài và cũng hay ngâm truyện Kiều nữa. Tôi cảm thấy lo lo về những dấu hiệu ấy.

-Ồ, có gì lạ đâu mà lo! Nó đang ở tuổi dậy thì, gái thở dài trai nằm sấp vẫn là chuyện thường. Bà hay gần gũi nó, khuyên nhủ khéo khéo sao cho nó khỏi lơ là việc học hành là được!

-Theo ông có phải nó phải lòng với nhà vua không?

-Bà căn cứ vào đâu để nói như thế?

-Thỉnh thoảng tôi lại nghe nó ngâm thơ Kiều. Tiêu biểu là hai câu “Người đâu gặp gỡ làm chi, Trăm năm biết có duyên gì hay không?”, hoặc “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn, Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?”. Đó không phải cái giọng tương tư thì còn là gì nữa? Thời gian này nó có gặp ai đâu ngoài ngài ngự?

-Cũng có lý! Ngài ngự cư xử với đám con mình rất thân mật, nếu con Chỉ phải lòng ngài thì cũng đúng thôi. Theo tôi biết thì ngài cũng mến nó lắm. Xứng đôi quá đi chứ. Bà gắng khuyên răn thúc đẩy nó cứ lo học hành đi đã rồi chuyện tốt lành sẽ đến thôi.

-Ông thương con gái mà nghĩ vậy nhưng hình như ông chẳng để ý đến một điều…

-Điều gì?

-Ngài ngự là người rất có lòng với đất nước nhưng còn quá trẻ, liệu ngài có tự kiềm chế để giữ mình được không? Ông thấy cái gương vua Thành Thái chứ? Nếu để con mình vướng vô chuyện đó tôi nghĩ sớm muộn nó cũng sẽ khổ theo…

-Nhưng biết làm sao bây giờ?

*
Thấm thoắt kỳ nghỉ hè 1915 đã gần tới. Theo thư thăm gia đình mới nhất, anh em Điềm, Di đang học ở Hà Nội cho biết chỉ trong vòng một tháng nữa họ sẽ về sum họp với gia đình. Điềm, Di cũng cho biết họ cũng sẽ có một món quà rất đặc biệt dành cho hai em gái. Vì vậy, Thị Chỉ và Thị Hạnh luôn ngóng chờ hai anh. Đối với Thị Chỉ, thật ra nàng không hẳn nôn nóng vì thương nhớ hay muốn biết “món quà rất đặc biệt” hai ông anh đã hứa tặng mà là nôn nóng đợi một kỳ đi nghỉ mát như năm ngoái. Thị Chỉ đã cẩn thận ngầm chuẩn bị những đồ trang sức cá nhân dành cho thời gian đi chơi sắp đến. Đã nhiều lần nàng rụt rè hỏi nhỏ Thị Hạnh:

-Ngài ngự có dặn em năm sau chúng ta sẽ gặp lại phải không?

Thị Hạnh hiểu ý, cười nguýt yêu cô chị:

-Đúng rồi, không lẽ em phịa ra thế sao. Ngài ngự còn bảo em dỗ chị đừng khóc nữa mà. Sao chị cứ hỏi hoài chuyện đó vậy?

-Có khi nào ngài ngự quên đi không? Hoặc ngài ngự bận công việc gì mà không đi nghỉ mát nữa? Cũng có thể ngài ngự gọi vị thượng thư khác theo chầu hầu thay thế thân phụ mình.

Thị Hạnh nhí nhảnh:

– Chị sao hay lo hảo quá! Quân bất hí ngôn mà! Ngài ngự đã hứa lẽ nào lại quên!

Thị Chỉ cười bẽn lẽn:

-Chị cũng nói chừng chừng vậy thôi.

Mấy ngày sau thì anh em Hồ Đắc Điềm từ Hà Nội về. Thị Hạnh mừng quá, hỏi ngay đến món quà đặc biệt. Khi Điềm và Di mở quà ra, Thị Hạnh mừng rỡ reo ầm lên, Thị Chỉ cũng sung sướng đến lặng người. Món quà đặc biệt của hai cô chính là hai bộ đồ tắm tân thời! Trước vẻ sung sướng của hai cô em gái, anh em Điềm, Di cũng hỉ hả nói cười.

Bà Trung lúc ấy đang bận tay nhưng thấy các con vui vẻ quá cũng tạm bỏ việc đến xem:

-Quà gì mà các con vui sướng đến thế?

Cả bốn anh em đều hướng về mẹ, Điềm khoe:

-Mẹ thấy hai bộ đồ tắm này có nhất không? Tây cũng phải hạng sang chứ hạng xoàng cũng không dám sắm đâu!

Bà Trung cầm từng bộ lên xem rồi nói:

-Đồ này thấy sang trọng, tân thời thật, hai con thương em sắm cho em như vậy quả thật có lòng! Nhưng có điều mẹ quên dặn các con, mình là người Việt phải gắng mà giữ lấy nề nếp văn hóa Việt, không nên đua đòi với Tây làm chi để người ta coi thường. Mẹ nghĩ năm nay con Chỉ cũng đã lớn rồi, không nên theo mấy anh đi nghỉ ở Cửa Tùng nữa.

Nói xong, bà lại tiếp tục đi lo công việc. Thị Chỉ nghe mẹ nói vậy đâm hoảng. Vẻ hớn hở trên gương mặt nàng phút chốc tan biến hết. Đôi mắt nàng bỗng rưng rưng lệ. Anh em Điềm, Di thấy vậy vội an ủi em:

-Mẹ nói rứa thôi chứ không chi đâu. Bọn anh sẽ xin mẹ cho em.

-Em cũng sẽ xin mẹ cho chị đi – Thị Hạnh tiểp lời.

Lời hứa sẽ xin với mẹ của hai anh và đứa em gái không làm cho Thị Chỉ yên lòng mấy. Nàng vốn biết mẹ mình tuy rất thương con nhưng cũng rất nghiêm khắc trong vấn đề giáo dục. Hình như đã mất hết cả hứng thú, nàng cám ơn hai anh rồi tiu nghỉu mang gói “món quà đặc biệt” đem cất.

*
Hôm ấy, trong bữa cơm tối, ông Trung nói:

-Hoàng thượng vừa cho biết tuần sau sẽ đi nghỉ mát ở Cửa Tùng. Thầy cũng được cử theo hầu ngài. Các con cũng được ngài cho phép cùng đi nghỉ như năm ngoái. Khác một điều là con Chỉ năm nay đã lớn, đi chơi không tiện. Ý mẹ muốn con Chỉ phải ở nhà với mẹ.

Thị Chỉ nghe thế liền gục mặt xuống bàn khóc ấm ức. Mấy anh em đều quay lại nhỏ to năn nỉ với bà Trung. Ông Trung cũng nhìn con gái thông cảm nhưng bà Trung lắc đầu nói:

-Ông cũng muốn cho nó đi hả? Không chịu nghe tôi sau này có chuyện gì ông đừng bảo tại tôi không biết dạy con đó nghe!

Ông Trung nói với Thị Chỉ:

-Được rồi Chỉ! Con không nên trái ý khiến mẹ buồn!

Thị Chỉ liền bưng mặt đứng dậy bỏ chạy vào phòng riêng…

Liên tiếp mấy ngày sau đó Thị Chỉ đã bỏ ăn bỏ ngủ và khóc sưng cả mắt. Anh em Điềm, Di cũng hết sức năn nỉ với bà Trung. Nhưng bà vẫn nhất định không đổi ý.

Hôm gặp lại ba anh em họ Hồ ở Cửa Tùng, vua ngạc nhiên hỏi:

-Sao thiếu mất một người?

Thị Hạnh liều tâu:

-Mẹ chúng tôi bắt chị ấy ở nhà. Chị ấy khóc quá.

Vua có vẻ buồn:

-Tội nghiệp chị ấy quá.

*
Sau kỳ nghỉ mát không bao lâu vua cho thị vệ đến tư dinh Hồ thượng thư xin hai tấm hình của tiểu thư Thị Chỉ đem vào Nội để “Lưỡng tôn cung” xem mặt. Cả nhà ông Trung rộn lên kẻ vui mừng người lo âu. Ông Trung cười mà trấn an vợ:

-Đó là cái diễm phúc to lớn cả vạn nhà mơ ước không được, bà còn suy nghĩ gì nữa?

-Biết vậy, nhưng tôi thương con Chỉ quá. Hình như linh tính báo cho tôi biết có điều gì không hay trong cuộc tình duyên của nó…

Ông Trung cau mặt:

-Sao nói gở vậy? Bà không nên nghĩ như thế nữa.

Một tuần sau “Lưỡng tôn cung” cho đòi vợ chồng ông Trung vào chầu để bàn định sắp xếp về lễ hỏi và lễ nạp phi. Sau đó sứ vua đệ ra nhà Hồ thượng thư một đôi bông tai và một đôi vòng vàng để làm lễ hỏi. Vợ chồng Hồ thượng thư ra quì làm lễ bái nhận. Thị Chỉ cũng ra quì lạy tạ ơn vua đã chiếu cố.

Gần cuối năm 1915, khi chỉ còn hai tháng nữa là đến ngày làm lễ nạp phi, vua Duy Tân đột ngột triệu ông Trung vào gặp riêng để cho biết ngài đã quyết định từ hôn. Quá kinh ngạc, ông Trung xin ngài cho biết lý do nhưng ngài chỉ nói “Thầy cứ về đi, rồi thầy sẽ rõ”. Không biết làm sao hơn, ông Trung đành trở về báo tin không hay cho gia đình.

Tiểu thư Thị Chỉ đã bỏ ăn bỏ ngủ, khóc ngày khóc đêm cả một thời gian khá dài. Cả nhà ông Trung phải thay nhau an ủi, khuyên nhủ để giúp nàng giảm bớt nỗi đau buồn. Họ phải luôn canh chừng nàng vì sợ dại khi thất vọng quá nàng có thể nghĩ quấy làm liều…

Hai tháng sau triều đình vẫn tổ chức lễ nạp phi cho vua Duy Tân như đã dự định, nhưng bà phi này là tiểu thư Mai Thị Vàng, con gái trưởng của quan Phụ đạo Mai Khắc Đôn, thầy học của vua. Sự việc này đã khiến một số người biết chuyện ngầm cười nhà vua cũng kén cá chọn canh, không trọng chữ “quân bất hí ngôn”. Một số khác suy đoán có thể gia đình ông Trung có vấn đề gì khiến vua không bằng lòng. Riêng tiểu thư Thị Chỉ cũng bắt đầu nẩy sinh ý định gởi thân vào cửa thiền.

*
Đêm mồng 3 rạng mồng 4 tháng 5 năm 1916 ở Huế đã xảy ra một biến cố quan trọng: vua Duy Tân bí mật rời hoàng cung để tham gia một cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Nhưng việc lớn không thành, ngày mồng 6 tháng 5 vua Duy Tân bị bắt đưa về giữ ở Tam Tòa một thời gian rồi sau đó đưa qua đồn Mang Cá. Những người cầm đầu cuộc khởi nghĩa như Thái Phiên, Trần Cao Vân cũng bị bắt đem nhốt vào lao Thừa Thiên. Hai ông này biết chắc cuộc đời mình coi như đã yên, không một chút băn khoăn hối tiếc. Hai ông chỉ còn ưu tư về số phận của vị vua thiếu niên anh hùng! Họ muốn tìm cách để cứu sinh mạng vị vua yêu nước ấy. Với tinh thần đó, hai ông đã viết tờ tự thú nhận hết mọi trách nhiệm về âm mưu tổ chức cuộc khởi nghĩa về mình. Ông Trần Cao Vân còn nghĩ thêm cách cầu cứu với một viên quan có thế lực trong triều. Đó là ông Hồ Đắc Trung, đương chức thượng thư Bộ Học kiêm Cơ Mật Viện đại thần. Ông Vân đã dùng cuốn giấy quyến viết một lá thư bày tỏ nguyện vọng tha thiết muốn cứu vua lén gởi cho ông Trung. Trong thư có hai câu đối:

“Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt!
Trời còn đó! Đất còn đó! Xã tắc sơn hà còn đó! Mong cho Thánh thượng sinh toàn”.

Nhưng không hiểu người chuyển thư giúp lớ ngớ làm sao đó đã khiến lá thư lọt vào tay người Pháp. Thế là ông Hồ Đắc Trung bị người Pháp bắt giữ ở tòa Khâm để điều tra. May người Pháp không tìm được bằng chứng nào về sự liên hệ giữa đám khởi loạn với ông Trung nên mấy hôm sau họ thả ông ra. Khi ông Trung trở về, cả nhà xiết bao vui mừng, xúm lại hỏi han ríu rít.

Bà Trung nói:

-Thật phước đức ông bà, mấy ngày cả nhà ăn ngủ không yên!

Ông Trung cười ra vẻ tự tin:

-Mình cứ ngay thẳng mà sống tự nhiên gặp chuyện lành!

Thị Chỉ sau mấy phút vui mừng lại lộ vẻ lo lắng:

-Thưa thầy, còn tình trạng ngài ngự ra sao? Liệu người Pháp đối xử với ngài thế nào?

Bà Trung cũng tỏ vẻ băn khoăn:

-Nghe chính phủ Bảo hộ rất giận dữ vì chuyện này. Trước đây vua Thành Thái chỉ bị ghép tội “dở hơi” thôi mà còn bị đưa đi an trí ở Vũng Tàu, nay vua Duy Tân phạm tội “nổi loạn” chắc khó thoát khỏi án tử.

Thị Chỉ nghe mẹ nói thế bỗng khóc oà:

-Nếu ngài có mệnh hệ nào e con cũng không sống nổi…

Ông Trung sầm mặt suy tư. Bà Trung dỗ con gái:

-Con chớ nghĩ vậy. Việc đó ngoài tầm tay của người Việt mình. Dù sao ngài cũng đã từ hôn, con đâu có lỗi gì với ngài. Con phải quên chuyện đó đi mà sống mới được.

Thị Chỉ sụt sùi nói:

-Làm sao con có thể vô tình với ngài được? Chính vì thương, vì nghĩ đến gia đình mình ngài mới từ hôn chứ đâu phải ngài ruồng rẫy con! Chuyện xảy ra vừa qua đã làm sáng tỏ tấm lòng cao cả của ngài, gia đình mình phải biết ơn ngài mới phải chứ!

Ông Trung an ủi Thị Chỉ:

-Con có lòng với ngài như thế là đúng. Rõ ràng ngài đã ăn ở rất có hậu với gia đình ta. Thầy cũng không thể làm ngơ trước cơn hoạn nạn của ngài đâu. Ở Trung Kỳ, những vụ án liên hệ đến người Việt chính phủ Bảo hộ thường giao cho Nam triều xử trước. Sau đó chính phủ Bảo hộ sẽ quyết định y án hay xử lại. Bình thường, với chức vụ của thầy, thầy sẽ được giữ một chân trong hội đồng xét xử. Vì nghĩ vậy nên ông Trần Cao Vân đã lén gởi một lá thư nhờ thầy tìm cách cứu mạng vua. Ông ấy từng quen biết và tin tưởng thầy nên mới dám làm liều như thế. Không ngờ lá thư đó đã gây nên chuyện rắc rối cho thầy. Bây giờ chưa chắc thầy đã được dự vào hội đồng nghị án. Nếu không bị cho ra rìa, thầy nguyện sẽ hết lòng che chở cho ngài.

-Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát, kính xin ngài phù hộ cho thầy con không gặp trở ngại để cứu giúp nhà vua.

Hôm sau ông Trung trở lại Cơ Mật Viện. Ông vui mừng biết mình không bị tước quyền nhưng khi biết tin viên tân Khâm sứ Pháp Le Marchant de Trigon buộc Nam triều phải lên án vua Duy Tân thật nặng ông không khỏi giật mình. Viên Khâm sứ này muốn xử tử vua Duy Tân để làm gương cho các vị vua kế tiếp. Thế là toàn bộ Cơ Mật Viện phải họp ba ngày liên tiếp để thảo luận vấn đề. Nhờ đa số thành viên Cơ Mật Viện đều là trung thần nên họ cố viện mọi lý lẽ thuận lợi bào chữa để cứu vua. Cuối cùng Cơ Mật Viện đã ủy nhiệm ông Trung soạn thảo một bản án với nội dung như sau:

“Vua Duy Tân còn vị thành niên, tuy rất mực thông minh song còn cạn nghĩ, nên dễ bị bọn phiến loạn lắm mưu mô quỷ quyệt lung lạc bằng cách kích thích lòng ái quốc mà nghe theo chúng. Nếu ở vào tuổi trưởng thành thì tội ấy rất nặng, song ở tuổi vị thành niên, thiếu quân không đáng trách mà là đáng thương tình.

“Vả lại, cuộc khởi loạn chưa bùng nổ thực sự nên chưa gây một mảy may thiệt hại cho tài sản và tánh mạng của người Pháp ở kinh đô Huế cũng như ở các tỉnh khác ở miền Trung. Mặt khác, nhân dân Việt Nam rất mến thương nhà vua, thì nay, nếu lên án “tử hình” ngài, e không khỏi gây ra mầm mống rối loạn trong dân chúng, một điều mà cả Bảo hộ lẫn Nam triều chúng ta nên hết sức tránh trong lúc này – lúc mà mẫu quốc đang gặp khó khăn trong cuộc đương đầu với quân xâm lăng Đức ở trời Âu.

“Luận về tội thì quả thật thiếu quân có tội đối với chính phủ Bảo hộ, nhưng đối với Nam triều, nhất là đối với nhân dân Việt Nam mà xưa nay ngài vẫn tỏ lòng thương yêu, ngài không có tội gì hết.

“Vì các lẽ trên, tưởng cần tỏ ra khoan hồng đối với vị thiếu quân mà để cho ngài được tự do trở về với danh vị “hoàng tử” như trước. Như vậy, chẳng những đã hợp tình hợp lý mà chính phủ Bảo hộ còn được tiếng khoan dung và đại lượng, dân chúng ắt sẽ khâm phục và thỏa mãn.

“Còn đối với bọn phiến loạn chủ mưu và chúc sử nhà vua thì nên lên án nặng tối đa để làm gương”.

Chính phủ Bảo hộ đã đồng ý với tinh thần bản án. Nhân dịp Toàn quyền Eugène Charles vào Huế, Tôn Nhơn Phủ và Cơ Mật Viện đề nghị truất phế vua Duy Tân và tôn hoàng thân Bửu Đảo, con trưởng vua Đồng Khánh lên ngôi. Ba ngày sau chính phủ Pháp chuẩn y đề nghị đó và quyết định đày “Hoàng tử Vĩnh San” cùng Phụ hoàng Thành Thái sang đảo Réunion ở châu Phi.

Ngày 17/5/1916 hoàng thân Bửu Đảo lên ngôi lấy niên hiệu là Khải Định. Cũng ngày này, các lãnh tụ cuộc khởi nghĩa là Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị đem chém ở Cống Chém (làng An Hòa).

*
Ngày 2/7/1916 “Hoàng tử Vĩnh San” biệt ly xứ Huế đi Vũng Tàu để rồi ngày 3/11/1916 ngài vĩnh viễn xa rời tổ quốc sống cuộc sống lưu đày trong sự thương tiếc, kính nể của toàn dân Việt Nam. Hai mươi chín năm sau ngài qua đời ở quê người vì một tai nạn.

*
Sau khi vua Duy Tân đã bị lưu đày, tiểu thư Thị Chỉ ngày càng khô héo. Có một ông bác sĩ trẻ muốn hỏi nàng làm vợ, gia đình cũng muốn gả, nhưng nàng một mực từ chối. Nàng thề không lấy ai nữa mà chỉ muốn đi tu. Sau cùng ông bà Trung khuyên:

-Được rồi, thầy mẹ sẽ giúp con toại nguyện. Tu hành trước để giác ngộ bản thân, sau để cứu độ chúng sinh cũng là việc rất tốt. Nhưng trước khi đi tu, thầy mẹ muốn con có được một mớ kiến thức vững vàng để việc tu học chóng tiến bộ hơn. Vậy, con nên tiếp tục học hành một thời gian nữa. Khi con lên mười tám, thầy mẹ sẽ chính thức đưa con vào chùa.

Nghe thầy mẹ khẩn khoản đề nghị như vậy, Thị Chỉ hết sức áy náy. Hóa ra nàng đã làm phiền thầy mẹ mình nhiều đến thế. Nàng rưng rưng nước mắt thưa:

-Con xin lỗi đã làm thầy mẹ buồn. Nay con xin tuân lời thầy mẹ dạy bảo. Chỉ mong thầy mẹ thương con mà cho con được toại nguyện như thầy mẹ đã hứa.

Vợ chồng ông Trung vui vẻ:

-Ừ, Thầy mẹ đã hứa thì thầy mẹ giữ lời chứ!

Thế rồi nàng cố gắng gạt bỏ mọi ưu phiền để chuyên tâm tiếp tục học hành. Mọi sinh hoạt của nàng cũng dần trở lại bình thường. Tuổi con gái vừa đến độ mãn khai đã khiến nàng trở nên xinh đẹp mặn mà lạ lùng.

*
Sau khi lên ngôi, vua Khải Định thi hành chính sách đẩy lùi ảnh hưởng Hán học trong công cuộc trị dân như ý muốn của người Pháp. Khoa thi Hương năm 1915 đã là khoa thi chữ Hán cuối cùng ở Bắc kỳ. Ở Trung kỳ cũng đã được ấn định khoa thi Hương cuối cùng sẽ tổ chức năm 1918 và khoa thi Hội cuối cùng sẽ tổ chức năm 1919. Muốn đẩy lùi Hán học thì phải phát triển Tây học và Quốc học để thay thế.

Lúc bấy giờ ở Huế, bậc trung học chỉ mới có một trường Quốc Học nhưng lại chỉ dành cho nam sinh. Nữ giới vẫn chưa có môi trường thuận tiện để phát triển học vấn, tài năng. Đó cũng là một nỗi trăn trở lớn của những người có lòng. Về sau, với sự đồng ý của toàn quyền Albert Sarraut, vua Khải Định đã quyết định thành lập một trường nữ trung học ở Huế. Trường được lấy chính niên hiệu của Phụ vương ngài để đặt tên: Trường Nữ Trung Học Đồng Khánh.

Lễ đặt viên đá đầu tiên được ấn định vào ngày 15/7/1917. Hôm đó cả vua Khải Định lẫn viên Toàn quyền Albert Sarraut đều đến dự. Khi vua Khải Định cắt băng mở màn việc xây dựng ngôi trường, ngài đã sững sờ trước vẻ đẹp hút hồn của cô nữ sinh dâng chiếc kéo cho ngài. Khi xong việc, ngài hỏi đám tùy tùng:

-Người dâng chiếc kéo cắt băng là con nhà ai mà khéo quá như rứa hè?

Một cận thần tâu:

-Muôn tâu, đó là con gái của Thượng thư Bộ Học Hồ Đắc Trung tên là Hồ Thị Chỉ.

-Ả có chồng chưa?

-Muôn tâu, chắc là chưa. Trước đây phế vương Duy Tân đã đi hỏi nhưng sau lại thoái hôn.

-Được, không cần, rồi trẫm sẽ biết thôi.

Sau khi cho điều tra lý lịch của Hồ Thị Chỉ xong, vua Khải Định triệu Hồ Đắc Trung vào cung để hỏi ý. Vua thành thật nói:

-Hôm nay trẫm triệu khanh vào đây để bàn cùng khanh một chuyện rất quan trọng. Trẫm nghe tiếng khanh có một ái nữ là Thị Chỉ rất giỏi chữ Hán lẫn chữ Pháp. Trong lần cắt băng khai mạc công trình xây dựng trường Nữ Trung Học Đồng Khánh, trẫm đã hân hạnh thấy được dung nhan nàng. Đúng là một mỹ nhân sắc nước hương trời, rất xứng ở địa vị mẫu nghi thiên hạ. Nay trẫm cũng rất cần một người vợ nói giỏi tiếng Pháp để tiện bàn các việc cơ mật. Trước đây trẫm đã có một người vợ là con gái của thượng thư kiêm Cơ Mật Viện đại thần Trương Như Cương. Nhưng bà ấy đã xin về nhà ba năm rồi. Nay cưới ái nữ của khanh về trẫm sẽ phong làm hoàng phi. Trẫm cũng đã có một người con trai với một cung nữ nay đã lên bốn, cậu bé này sẽ là con của hoàng phi. Trẫm nghĩ đây là một việc tốt cho khanh nên báo trước để khanh hay.

Ông Trung nghe vua nói thì tá hỏa tam tinh vì ông biết chắc Thị Chỉ khó mà chấp nhận cuộc hôn nhân này. Và dẫu Thị Chỉ chấp nhận đi nữa thì nàng sẽ đau khổ vô cùng. Nhưng mệnh vua làm sao dám cãi. Bất đắc dĩ ông phải quì xuống lạy tạ ơn:

-Đa tạ hoàng thượng.

Vua Khải Định nói:

-Trẫm sẽ triệu vợ chồng khanh một lần nữa để bàn định về lễ hỏi, lễ nạp phi. Giờ cho phép khanh trở về.

Vừa về tới dinh, ông Trung lật đật gọi vợ vào phòng riêng thuật lại câu chuyện. Bà Trung khóc thút thít:

-Bây giờ làm sao? Tôi đã linh cảm biết cái số con Chỉ nó khốn đốn như thế. Nó đã chịu khổ quá nhiều rồi! Tôi làm sao dám mở miệng để khuyên ép nó nữa?

Ông Trung thở dài:

-Lệnh vua không tuân có khác chi làm phản. Không khuyên ép nổi nó thì cuộc sống của cả nhà mình lâm cảnh nguy hiểm bấp bênh ngay. Bà thử gọi con Hạnh nói rõ chuyện với nó may ra nó khuyên giải chị nó được. Con Hạnh khôn ngoan, lý lẽ sắc bén, chị em nó lại thân thiết nhau, hi vọng nó có thể thành công.

Thế là bà Trung gọi Thị Hạnh vào nói chuyện…

Quả đúng khi biết yêu cầu của vua Khải Định, Hồ Thị Chỉ đã đay đảy không chịu, một mực đòi đi tu. Khi ấy Thị Hạnh mới ra tay thuyết phục:

-Chị nghe em nói đây. Chị là người có hiếu, chị lại rất thông suốt truyện Kiều, sao chị lại để chữ hiếu của chị thua sút nàng Kiều như thế? Lệnh của vua ra mà không tuân thì có khác chi làm phản? Mà người chịu trận trước hết là thân phụ chứ còn ai nữa? Chị có tưởng tượng nổi nỗi khổ của thân phụ không? Mà dù thân phụ được tha đi nữa thì cũng chẳng còn được dùng. Các anh sẽ phải bãi chức hoặc nghỉ học hết. Thầy và các anh mình đều là hạng văn nhân yếu đuối liệu có thể về đi cày để nuôi thân được không? Nàng Kiều dám hi sinh tình yêu đôi lứa, bán mình chuộc cha sao chị lại không chịu hi sinh để cứu cha và cứu cả gia đình đang rơi vào vòng hoạn nạn? Nếu chị đã phát nguyện đi tu, em xin kế tục thực hiện ý nguyện đó giúp chị.

Nhờ Thị Hạnh kiên nhẫn ỉ ôi thuyết phục mấy đêm, cuối cùng Thị Chỉ đành nghe lời.

Triều đình đã tổ chức lễ nạp phi rất long trọng vào ngày 3/12/1917. Hồ Thị Chỉ đã được phong Nhất giai Ân phi, ngôi vị cao nhất trong hàng thê thiếp của nhà vua dưới triều Nguyễn (trừ hai đời Gia Long và Bảo Đại).

Từ đó, Hồ Ân phi luôn xuất hiện bên cạnh vua trong những buổi tiếp tân, yến tiệc với người ngoại quốc. Nhờ vẻ xinh đẹp, hiểu biết rộng rãi, thông thạo tiếng Pháp, lại ăn nói khôn khéo nên bà đã giúp vua Khải Định gây được nhiều cảm tình với khách.

Tuy vậy, đó chỉ là bề mặt của cuộc sống mà vua Khải Định cần thiết. Bên trong hẳn ai cũng đoán ra cái cảnh đồng sàng dị mộng. Vua Khải Định thì bất kham với đàn bà, Ân phi lại luôn bị hình bóng người xưa khuấy động…

Chín năm sống với vua Khải Định, Ân phi chẳng sinh được mụn con nào.

Năm 1925, vua Khải Định qua đời. Cậu bé bốn tuổi thời Ân phi mới vào cung giờ là Đông cung Thái tử Vĩnh Thụy lên kế vị tức vua Bảo Đại. Vua Bảo Đại đã làm một cuộc thay đổi lớn về nghi thức nội cung: phong cho mẹ đẻ ngài là Hoàng Thị Cúc làm Đoan Huy Hoàng thái hậu (tức bà Từ Cung). Theo nghi thức cũ thì bà Ân phi Hồ Thị Chỉ chính là mẹ đích của vua Bảo Đại và ở bậc trên của cung nữ Hoàng Thị Cúc – mẹ đẻ vua Bảo Đại. Thế mà nay bà đã bị gạt ra ngoài một cách phũ phàng. Chắc hẳn sự thay bậc đổi ngôi này đã gây xáo trộn tâm tư bà không ít. Bà không được tôn phong, phải về sống ở cung An Định bên bờ sông An Cựu. Về sau bà dời về trú ngụ ở một ngôi biệt thự trên đường Phan Đình Phùng.

Ra khỏi nội cung, Ân phi không còn bận rộn công việc như trước. Càng rảnh rang bà càng dễ dàng thả hồn trôi về quá khứ. Càng hồi tưởng những kỷ niệm xa xưa bà càng thương nhớ vị vua thiếu niên một lòng vì nước vì dân. Ngày kia, trong một lần ghé về thăm thân phụ, tình cờ thấy mấy tờ báo Nam Phong, bà lấy một tờ lật ra xem và hết sức xúc động khi đọc chùm thơ liên hoàn mười bài Khuê Phụ Thán của tác giả Thượng Tân Thị. Bà đã bật khóc khi đọc đến đoạn:

Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự,
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương
Quê người đành gởi thân trăm tuổi
Cuộc thế mong gì nợ bốn phương!”

Khi từ giã thân phụ bà đã xin số báo đó đem về. Bà đã nâng niu, giữ gìn nó như một bảo vật, lâu lâu lại đem ra đọc lại.

Có lẽ vì nội tâm chịu đựng quá nhiều áp lực, bà dần trở nên lẩn thẩn. Bà quên đi cả việc chăm sóc cho chính mình. Bà thường ăn mặc lôi thôi, không đoái hoài đến chuyện trang điểm. Nhiều lần bà tự làm bánh bột lọc hoặc bánh nậm đem ra chợ An Cựu bán. Một thời gian sau bà thật sự lâm vào cơn bệnh tâm thần…

Ngố Viết Trọng

No comments:

Post a Comment