Tuesday, October 18, 2022

Chuyện cái tên


Ai cũng có một cái tên để gọi. Trong giao tiếp, khi tự giới thiệu hay giới thiệu người khác, thường phải nhắc đến tên trước rồi mới nói tuổi tác, nghề nghiệp, chức tước, hoàn cảnh, địa chỉ, v.v… Tên đẹp hay xấu cũng phải giữ lấy mà dùng suốt cả đời. Nhớ thương nhau thì gọi tên. Ghét nhau, giận nhau cũng đem tên ra mà réo. Các chàng trai tán gái vẫn thường bắt đầu bằng câu “ Tên em đẹp quá!” rồi dần dà mới bỏ bớt chữ “tên” để nói: “Em đẹp quá!”

Ngoài tên chính còn có tự là tên mà các nhà trí thức tự dặt cho mình (thường là từ Hán Việt): Cao Bá Quát lấy tự là Chu Thần, tự của Nguyễn Công Trứ là Tồn Chất. Cũng là tên tự đặt, ngoài tự lại còn có hiệu, thường lấy từ điển tích, hoặc địa danh: Phan Bội Châu lấy hiệu là Sào Nam; Quế Sơn là hiệu của Nguyễn Khuyến, Vị Xuyên, hiệu của Tú Xương. Một số người sau khi đặt tự và hiệu còn đặt thêm biệt hiệu: Nguyễn Thiếp có biệt hiệu là La Sơn Phu Tử. Thành ra có khi gọi nhiều cách nhưng cũng vẫn chỉ là một người. (Tác giả Truyện Kiều chẳng hạn, ngoài cái tên Nguyễn Du ra còn có Thanh Hiên, Tố Như, Hồng Sơn Liệp Hộ, Nam Hải…) Lại còn có cả thụy, là tên do những người còn sống (con cháu, môn đệ, bạn bè…) đặt cho người đã từ trần.

Làm công việc gì bí mật, không muốn lộ tên thật của mình thì lấy bí danh (Ký Con, Sáu Dân…), có khi chỉ là một chữ số nên còn gọi là bí số: 007, Z28, T2, X30 chẳng hạn. Có người còn có biệt danh, thường do người khác gán cho, dựa vào đặc điểm của hình dáng (Trung Méo, Hà Trề, Phước Mập, Hiền Trọc, Loan Mắt Nhung, Tân Hột Mít, Minh Đầu Bò…) hoặc tính cách (Nghĩa Lì, Tâm Lạnh, Đông Sầu…) Dữ dằn một chút để dọa đời dọa người thì gọi là hỗn danh (Tư Lựu Đạn, Út Chín Ngón, Năm Bến Xe…)

Làm thơ, viết văn thì có bút danh, tùy ý lựa chọn nên rất đa dạng. Đơn giản nhất là dùng tên thật, để nguyên (Nguyễn Hiến Lê, Ngô Tất Tố …) hoặc bỏ bớt họ (Ngô) Xuân Diệu, (Cù) Huy Cận…, bỏ chữ lót: Đỗ (Đình) Tốn, Đoàn (Đức) Chuẩn… Người thì chơi kiểu nói lái: Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Vương Đức Lệ (Lê Đức Vượng); người thì lấy tên thật, đảo thứ tự chữ cái (anagram) để thành bút danh: Khái Hưng (Trần KHÁNH GIƯ), Ưu Thức (Đặng THƯ CƯU), Ân Ngũ Tuyên (Nguyễn Tuân). Ưa bí hiểm thì dùng chữ viết tắt: T.T. KH, TCHYA, mặc cho thiên hạ đoán già đoán non để giải mã (TCHYA: Tôi Chưa Hề Yêu Ai? Tưởng Chừng Hết Yêu Anh? Tôi Chỉ Yêu Annie? Tố Chân! Hãy Yêu Anh!). Muốn cho có vẻ “Tây” một chút thì chọn J. Leiba (Lê Văn Bái, kiểu đảo chữ cái), B. Blan (Bàng Bá Lân, viết tắt). Còn bút danh Hồ Dzếnh là do phát âm tên thật Hà (Triệu) Anh theo giọng Quảng Đông. Dạt dào tình cảm quê hương thì chọn Thông Ngự Bình, Sương Đà Lạt, Tràm Cà Mâu… Nôm na thì có Mõ Làng Văn, Thợ Rèn, Bút Tre, Trạng Đớp… Nhắc đến các học vị một thời là Tú Duyên, Tú Cận, Cử Tương, Đồ Phồn, Đồ Nam Tử, Học Phi… Cũng Cử, cũng Tú nhưng muốn chơi chữ thì lấy Cử Tạ, Tú Xơn (tiếng Pháp: Tout Seul)… Có khi độc đáo chỉ một chữ: Rừng, Chóe, Ớt… Mỗi người một vẻ, không kể hết được. Đối với những họa sĩ, nhạc sĩ, chắc là dùng bút danh cũng được vì ít nhiều họ cũng dùng tới bút – ít nhất là để ký tên vào tác phẩm của mình. Còn những nghệ sĩ ở những ngành nghệ thuật khác (ca sĩ, diễn viên chẳng hạn) thì có nghệ danh.

Tu hành thì có pháp danh, khác với cái tên đã thường dùng trước khi xuất gia gọi là tục danh, cũng có khi gọi là thế danh, là tên ở ngoài đời, bởi đạo khác hẳn với đời. Đã là pháp danh thì thường có ý nghĩa thanh thoát, không còn dính líu gì đến cuộc đời ô trọc nữa (Chân Tâm, Nguyên Thiện, Trí Tịnh, Diệu Liên…)

Đặt tên cho con là cái quyền chung nhất cho các bậc làm cha mẹ, bất luận là vua quan quyền quý hay dân thường, người nhiều chữ hay kẻ ít học. Và chín người mười ý nên việc đặt tên rất là phong phú, đa dạng. Thông thường, ai cũng muốn chọn những từ chỉ những đức tính, những giá trị tinh thần cao đẹp (Nhân, Nghĩa, Hiếu, Thuận, Thiện, Mỹ, Bác Ái, Tự Do, Hòa Bình, Công Lý…), chỉ các vật quý (Trân, Châu, Kim, Ngọc…) Hoặc liên quan đến thiên nhiên (Nhật, Nguyệt, Thiên, Tú, Ngân Hà…), bốn mùa, bốn phương hướng, cây trái (Đào, Lê, Mận, Bưởi…), hoa (Cúc, Lan, Mai, Trà My, Hải Đường…), tên sông (Hồng Hà, Hương Giang, Nhật Lệ, Trà Giang…), tên núi (Ngự Bình, Thiên Ấn, Hải Vân…), thú vật, chim chóc (Hổ, Báo, Long, Lân, Qui, Phụng, Oanh, Yến…), v.v…

Ở một dạng khác là đặt tên theo 12 con giáp cho dễ nhớ năm sinh, hoặc đặt tên theo số đếm: Năm, Sáu, Bảy, Tám… cứ thế cho đến đứa con cuối cùng. (Nguyễn Văn Mười Hai, Hà Thị Mười Một…) Trước đây nhiều gia đình đông con nên kiểu đặt tên như thế khá phổ biến. Cũng có khi ngay từ đứa con đầu lòng, ông bố đã chuẩn bị sẵn các tên cho cả những đứa sau, thường là một chuỗi 4, 6 hoặc 8 tên tùy theo “kế hoạch” của mỗi gia đình. Trữ tình thì Non, Sông, Gấm, Vóc; dân nhà binh thì Anh, Dũng, Kiên, Cường, thực tế thì Vinh, Hoa, Phú, Quý; hiếu học thì Trạng, Nguyên, Bảng, Nhãn, Thám, Hoa; phong lưu thì Cầm, Kỳ, Thi, Họa; bình dân thì Học, Hay, Cày, Giỏi, giang hồ một chút thì Đá, Cá, Lăn, Dưa, v.v… Cứ thế mà đặt, những đứa con vừa ra đời là đã có sẵn tên. Tất nhiên, điều dễ hiểu là tuy đã lập trình cẩn thận như thế nhưng máy sản xuất có khi lại không tương thích được. Chuẩn bị sẵn chừng đó tên nhưng con sinh ra ít hay nhiều hơn. Ở gia đình kia, cu Vẻ (thứ bảy trong dây chuyền) cứ chờ mãi mà không thấy có em nào nữa ra đời. Sáu ông anh bà chị (Công, Thành, Danh, Toại, Sự, Nghiệp) cũng sốt ruột như thế. Tiếc cái công chọn lựa và chờ đợi hơn mười năm, cuối cùng gia đình phải đi mua một con chó về nuôi để đặt cho nó cái tên thứ tám (Vang). May một điều là người ngoài nghe gọi tên vẫn cứ tưởng là Vàng, cái tên thông dụng của loài khuyển. Để tránh sự cố kiểu này, có người nghĩ ra một danh sách tự do hơn, muốn khóa lúc nào cũng được: đem hết cả Liên Hiệp Quốc vào một nhà. Khách đến chơi được nghe gia chủ gọi ra trình diện Nga, Mỹ, Đức, Nhật, Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan… Cũng trong khuynh hướng này, có gia đình lại chuộng những cái tên mang dấu ấn một thời đã qua: Ba Tây, Chí Lợi, Gia Nã Đại, Á Căn Đình, Mặc Tây Kha, Bỉ Lợi Thì, Bảo Gia Lợi…Dù gọi kiểu nào đi nữa thì cũng yên chí lớn: trên thế giới có tới hơn một trăm tám chục nước, sinh bao nhiêu cũng có tên đặt!

Không thể nào liệt kê đầy đủ nội dung, ý nghĩa của tên người trong tiếng Việt. Chỉ có thể căn cứ vào quan sát thực tế mà nêu ra mấy nhận xét sau đây.

Trước hết là không có sự phân định rạch ròi tên phái nam và tên phái nữ (như các nước phương Tây). Theo thói quen, ta cho rằng những tên sau đây thường là tên con gái: Hoa, Chi, Lan, Liễu, Mai, Thương, Vân… nhưng ai cũng có thể kể ra dễ dàng trong số bạn bè quen biết của mình hàng chục đấng mày râu có các tên trên. Ngược lại, vẫn có rất nhiều người phái nữ mang những tên như Anh, Ba, Dũng, Nam, Quyết, Thắng… vốn thường được gán cho là có vẻ nam tính hơn. Có khi người ta dựa vào các chữ đệm “thị, văn” để phân biệt nhưng không phải bao giờ cũng đúng vì không có gì bắt buộc phải dùng những chữ đó. Có một dạo nhiều người chê chữ “thị” tầm thường quá nên đổi thành thụy hay nữ. Khi bỏ đi rất dễ lầm lẫn: Nguyễn Đức Thảo, Lê Anh Minh là hai nàng thục nữ chính hiệu, và Hà Thanh Ngọc Trang, Đỗ Xuân Phúc Thiện lại là hai đấng nam nhi.

Lấy từ kho từ vựng chung để đặt tên nhưng ai cũng chọn những từ mang ý nghĩa tốt đẹp, tích cực. Nói về hiện tượng thiên nhiên, ta thường nghe những tên Vân (mây), Phong (gió), Vũ (mưa), ít thấy ai mang tên Sấm, Sét, Thiên Lôi! Nhiều người đặt tên theo các loài chim: Sơn Ca, Họa Mi, Hoàng Yến, Hoàng Tước, Loan, Phượng, thậm chí cả Chích Chòe, Én… nhưng ít người hăng hái chọn những tên như Quạ, Cú, Diều Hâu! Cả những tên ghép cũng tương tự như thế. Ghép với Thư thì thường thấy Anh Thư, Bích Thư, Kim Thư, Minh Thư, Liên Thư, Quỳnh Thư… nhưng không hề nghe… Ung Thư. Ghép với Liễu thì có Bích Liễu, Kim Liễu, Thanh Liễu, Xuân Liễu… nhưng lại tránh Hoa Liễu!

Cái ý nghĩa tích cực, tốt đẹp như thế, suy cho cùng, thường thể hiện ước mơ của các bậc sinh thành đối với con cái của mình. Chọn một cái tên là một lần mong ước muốn nhìn thấy ở con mình một đức tính, một tài năng… nào đó. Tuy nhiên không ít trường hợp con cái phụ lòng cha mẹ, chẳng xứng đáng chút nào với cái tên mình mang. Thật đáng buồn khi các anh Trần Thông Thái, Nguyễn Bác Học, Lê Trí Thức, Đỗ Tiến Sĩ học hành ba năm một lớp, thi đâu trượt đó. Các chị có tên là Hằng Nga, Mỹ Nhân, Hoa Khôi lại là khách hàng thường xuyên của các viện thẩm mỹ. Những người bị kết tội lừa đảo không ít người mang tên Trung Tín, Trung Thực, Lương Thiện…

Trong tiếng Việt ta thấy cùng tồn tại những từ gốc Hán Việt và những từ thuần Việt. Điều này cũng thể hiện rõ trong việc đặt tên người. Chúng ta vừa có những tên Tốt bên cạnh Thiện, Mỹ; có Khỏe, Mạnh bên cạnh Cường, Khang, Vượng; có tên Tới bên cạnh Tiến, Lai; có Giàu lại có Phú, Quý; có tên Sáng bên cạnh Minh, Quang, Dương, v.v… Cái khuynh hướng chọn tên kiểu dân dã có khi dẫn đến những cái tên khó hiểu nghĩa như Cổn, Bường, Cuông, Mịch, Néo, Phóng, Sài, Khuông, Trỗ, v.v…

Tuy có rất nhiều khả năng để lựa chọn nhưng lúc đặt tên cũng phải cẩn thận. Có nhiều người lúc đặt tên cho con phải tham khảo cách viết trong chữ Hán sao cho thuộc cùng một “bộ”. Đấy là trường hợp gia đình một nhạc sĩ họ Phạm nổi tiếng, tên tất cả các anh chị em viết theo chữ Hán đều có bộ “ngôn” (Khiêm, Thuận, Trinh, Nhượng, Cẩn). Đối với nhiều gia đình có truyền thống, tên đặt cho con không được trùng với các bậc trưởng thượng trong họ tộc, thành ra cứ phải lật gia phả ra dò mà tránh không thì phạm thượng. Đấy là chưa nói đến việc trùng tên với vua chúa, phải đổi ngay để khỏi mắc tội phạm húy. (Phan Văn San, trùng tên Vua Duy Tân, Vĩnh San, nên đổi là Phan Bội Châu; Ngô Thì Nhậm trùng tên Vua Tự Đức, Hồng Nhậm, Nguyễn Phúc Thì, phải gọi là Ngô Thời Nhiệm). Tuy nhiên về sau, nhiều người cũng bắt đầu thay đổi quan điểm, theo ảnh hưởng văn hóa phương Tây, yêu quý người nào thì mượn tên người đó mà đặt cho con. Phổ biến là mượn tên những nhân vật tiểu thuyết mà mình yêu thích (Tố Tâm, Vô Kỵ, Kiều Nguyệt Nga, Thúy Vân…) Cũng có khá nhiều trường hợp lấy tên người yêu cũ để đặt cho con gái đầu lòng.

Những tên Kính, Lộc, Đức vẫn thường được dùng đến nhưng các gia đình Tôn Thất nên đắn đo khi chọn vì nhiều người ưa đọc là Thất Kính, Thất Lộc, Thất Đức thì chẳng hay ho gì.

Cũng có khi đã lựa chọn cẩn thận rồi nhưng lúc làm giấy tờ không xem kỹ nên cầm tờ giấy khai sinh ký tên đóng dấu rồi mới phát hiện ra là nhân viên hộ tịch ghi tên con mình không đúng như ý. Bởi thế thỉnh thoảng ta vẫn thấy nhiều người mang tên Kim Liêng, Khải Hoàng, Vinh Quan, Thanh Ngâng, Xan Hô, Duy Nhấc, Yêng Hà…

Tên do cha mẹ đặt ngay từ lúc con mới sinh. Con cái nếu không bằng lòng thì lúc đó cũng không phát biểu ý kiến gì khác ngoài tiếng khóc. Nhiều trẻ đã khóc khi nghe bố mẹ bàn tính sẽ đặt tên là Đức, là Thái, là Tắc, là Bốn vì chúng biết rằng vài năm sau đi học thế nào cũng bị bạn bè trêu gọi là Đức cống, Đức cớp, Thái dúi, Tắc cọ, Bốn lành… Cũng có trường hợp những cái tên được chọn thật xấu – không thanh nhã hoặc có nghĩa tục – vì nhiều người cho rằng chọn những tên đó dễ nuôi con hơn, không bị ma quỷ bắt. Lớn lên rồi mới so sánh với bè bạn rồi cảm thấy mình “thua thiệt ”! Nhưng đã lỡ rồi thì đành chịu chứ muốn thay đổi thì thủ tục cũng không đơn giản chút nào. Thôi thì ăn gian chút đỉnh rồi may ra dần dà trót lọt. Tên là Lép, mỗi lần viết cứ ép cái bụng của chữ e lại và ngoáy cái chữ p ở cuối để biến thành tên Lý. Tương tự như vậy, tên Ách sửa một nét sẽ biến thành tên Ánh, dễ nghe hơn. Còn những trường hợp thêm bớt cái dấu thì đơn giản hơn. Phan Cu trở thành Phan Cư. Nguyễn Đực biến thành Nguyễn Đức. Tên đã đổi nhưng những mối quan hệ lâu đời vẫn không quên tên cũ. Anh Nguyễn Văn Ánh vẫn thường nhận được những lá thư đề là: Kính gửi Anh Nguyễn Văn Ánh (tức anh Ách), người ta đã cố ý đổi tên sao cứ nhắc tên cũ, nghe mà tức anh ách!

Cái tên quan trọng là thế đấy. Có tên rồi, phải xưng tên mình và gọi tên người cho đúng cũng không kém phần quan trọng bởi danh có chính thì ngôn mới thuận. Câu chuyện dân gian sau đây thường được nhắc đến để minh họa cho sự tinh tế của ngôn ngữ tiếng Việt thật ra chỉ xuất phát từ cái việc gọi tên đó thôi:

– Ai ơi, vô ăn cơm.

– Cơm ai nấu?

– Nấu chứ ai!

Đôi vợ chồng trẻ chưa quen với cách gọi tên mới nên đối đáp nhau một cách ngượng ngùng mà lại rất dễ thương.

Vậy đó, chuyện về cái tên chắc là còn nhiều điều để nói. Mà nghĩ cũng lạ, sống ở đời, con người có thể không có nghề nghiệp, không nhà cửa, không phương tiện đi lại, không bè bạn thậm chí không vợ con hay chồng con, nhưng chưa thấy ai không có lấy một cái tên. Mặt khác, trong khi nhiều người lo tích lũy thật nhiều của cải mong để lại cho con cháu thì cũng không ít người chỉ muốn để lại cái tên.

– Thân Trọng Sơn

No comments:

Post a Comment