Friday, October 7, 2022

BÀI HÁT NÀO CHO BẠC...

(Nguyễn Ngọc Tư)
.
Bạc là tên của thằng nhỏ sẽ trở thành thợ mộc. Tôi thích một cái tủ sách lớn đặt ở trên gác nhưng sợ cầu thang hẹp, di chuyển khó nên rước thợ về nhà. Tốp thợ có bốn người, thằng Bạc đang học việc, lủn tủn chạy đi lấy cái bào này, cây thước kia cho mấy anh. Nó hay lục lọi đống sách của tôi nằm ngổn ngang trên sàn nhà, gặp cuốn dày, nó xoay đi xoay lại, chắc lưỡi, “trời ơi, cầm cuốn sách này là thấy buồn ngủ rồi. Toàn là chữ, không có hình gì hết vậy chị Hai?”. Cũng may, không có hình mà nó không chỏng ngược sách xuống, chứng tỏ nó cũng biết chữ, chút ít.

Lúc đó tôi đang đọc Rừng Na-Uy, chính xác là đọc lại lần thứ hai, hít thở lần nữa cái không khí u sầu, buồn bã của một mối tình. Thằng Bạc thấy tôi dán vào cuốn sách, nó hỏi sách viết gì vậy chị Hai. Tôi đáp ơ hờ, ờ thì tình yêu và cái chết. Thằng Bạc trề cái môi thâm sì của nó dài thượt, “ai mà rảnh quá vậy, viết mấy chuyện tầm phào không. Chị Hai có truyện vụ án, hay truyện ma không?” Tôi lắc đầu, thằng Bạc ỉu xìu. Tôi mắc cười quá, nói, sách nói về cái chết cũng hay mà, sao không thích. Thằng Bạc nguýt ngoáy, “hay gì, chết là hết trơn…”.

Chết là hết trơn. Đó là quan điểm của thằng Bạc-thợ-mộc, nó chỉ cần gọn lỏn bốn từ. Còn triết gia, văn sỹ, đạo giáo thì nói về chuyện này hàng ngàn năm nay, vẫn chưa muốn dừng lại ở bờ bến nào. Thằng Bạc kể, hồi má nó chết rồi thì chị Hai là má nó, chăm sóc mấy đứa em, nấu cơm, giặt giũ, đi làm kiếm tiền… Má nó trở thành ma rồi, đâu còn nhúng tay vô mấy chuyện đó. Nghĩa là hết rồi. Chấm dứt rồi. Những người sống mắc đi làm để có cơm ăn.

Thế còn nỗi nhớ? Sự tuyệt vọng? Sự tồn tại ở một thế giới khác? Sự ám ảnh miên viễn của nỗi mất mát? Nhưng tôi đi cãi nhau với thằng nhóc này thì tôi uổng công. Có lẽ tất cả điều đó vô nghĩa trước việc “đi làm để có cơm ăn…”. Tôi đành cười trừ.

Tủ sách đóng xong, thợ chính không tới nữa, phần đánh bóng, sơn, lau chùi kính… tóm lại, phần “hậu kỳ” giao cho thằng Bạc. Tôi nhịn nghe nhạc mấy bữa, cũng thèm. Ai ngờ thằng Bạc rất lấy làm phiền, nghe “Đố ai” của Phạm Duy, nó cằn nhằn, “Cái ông này quỡn thiệt quỡn, biểu người ta đếm lá, đếm sao trên trời, sống kiểu vậy không đói chết mới lạ…”. 

Thái Thanh hát "Tìm nhau" thằng Bạc không mấy hài lòng, "khó hiểu quá, tìm nhau mà tìm trong hoa nở, tìm trong gió... sao mà có, trời? Sao không đăng tin trên đài cho gọn?". 

Cho tới “Giết người trong mộng” nhạc si phổ theo thơ của Hàn Mạc Tử thì thằng Bạc bực bội thật sự, “Có giỏi thì đi giết mấy người ác đang sống sờ sờ, nhởn nhơ kìa. Thương người này không được thì thôi, đi thương người khác, hơi sức đâu hăm he lãng nhách …”. 

Tôi tức anh ách, nhưng cố nhịn, cãi với thằng nhỏ này thì tôi cũng giống như con nít.

Cố nuốt cục tức, hỏi, vậy chứ nhạc gì hay? Nó cười, chị Hai có Đám cưới nghèo? Có Hoa sứ nhà nàng hông? Có Chuyến xe lam chiều hông? Thói đời? Sao gì cũng hông có vậy trời? Mấy bài đó nghe hay lắm, vầy nghe, “đường thương đau đày ải nhân gian ai chưa qua chưa phải là người, trông thói đời, cười ra nước mắt…”, vầy nghe, “phố buồn mình tôi bước chân lẻ loi. Ray rứt trời mưa bỗng nghe mặn môi…”, vầy nghe “đừng nói xa nhau, cho tâm hồn đau khổ, đừng nói xa nhau, cho mắt lệ hoen mờ…”, vầy nghe, “Em qua sông gió thổi bên lòng, gió lạnh lùng đưa hoa tím long đong, nước lạnh lùng trôi…”.

Thằng Bạc nhắc tới bài nào là hồn nhiên hát luôn bài đó. Giọng nó không tệ, ngọt và nhừa nhựa, tưởng nó đã uống vài ly rượu rồi. Những bài hát nửa lạ nửa quen, tôi nghe suốt từ thời thơ ấu, giờ vẫn gặp lại trong quán cafe, quán nhậu, trên đường phố… Tôi không mang về nhà thì thằng Bạc đem về, như thể nó biết tôi đã để quên, đã đánh rơi bên đường, như thể tất cả chúng là của tôi. Chỉ có bài hát “mèo hoang” nào đó mà thằng nhỏ nhắc, tôi thấy hơi xa lạ. Bạc tỏ ra thất vọng ghê gớm, bài đó hay lắm. Hát cho mấy người làm nghề bán bia ôm, mà hay, “có phải em về trong đêm nay, bước thấp bước cao ngã nghiêng trên đời này…”.

Bỗng dưng thằng Bạc rưng rưng, chị Hai tui nghe lần nào cũng khóc hết. Rồi bỗng dưng nó sợ tôi đoán ra điều gì đó, nó đột ngột gượng cười, “hỏng biết chừng nào người ta mới viết bài hát về thợ mộc như tui hen?”.

Tôi không biết. Tôi cũng chưa biết bài hát làm rơi nước mắt những chị cave, những người đàn bà sương gió. Nhưng giờ trở đi, tôi sẽ lắng nghe…

“…đời còn nhiều bể dâu, người hỡi có thương nhau, thì xin chớ buồn...”, tạm thời chưa tìm ra bài nhạc nào viết về anh thợ mộc, tôi gửi mấy câu hát này đến Bạc, một người từng gặp…

(Ảnh: Ngo Vinh)

No comments:

Post a Comment