Wednesday, September 14, 2022

VỌNG CỔ BUỒN

Tôi vượt biên một mình rồi định cư ở Pháp. Năm đó tôi mới 49 tuổi, vậy mà đi tìm việc làm đến đâu người ta cũng chê là tôi già! Vì vậy, một hôm, khi chải tóc, tôi nhìn kỹ tôi trong gương. Tôi bỗng thấy ở đó có một người có vẻ như quen nhưng thật ra thì rất lạ: mắt sâu, má hóp, mặt đầy nếp nhăn trên trán, ở đuôi mắt, ở khóe môi, mái tóc đã ngả bạc cắt tỉa thô sơ như tự tay cắt lấy. Từ bao lâu nay tôi không để ý, bây giờ soi gương vì bị chê già, tôi mới thấy rằng tôi của hồi trước "Cách mạng thành công" và tôi của bây giờ - nghĩa là chỉ sau có mấy năm sống dưới chế độ gọi là ưu việt - thật không giống nhau chút nào hết. Tôi già thiệt, già trước tuổi. Cho nên, tôi nhìn tôi không ra. Từ đó, mỗi ngày tôi tập nhìn tôi một lần, nhìn kỹ, cho quen mắt!

Một người bạn làm việc lâu năm ở Côte d' Ivoire (Phi Châu) hay tin tôi đã qua Pháp và vẫn còn thất nghiệp, bèn giới thiệu tôi cho Công ty Đường mía của Nhà nước. Không biết anh ta nói thế nào mà họ nhận tôi ngay, còn gởi cho tôi vé máy bay nữa!

Xưa nay, tôi chưa từng quen một người da đen gốc Phi Châu nào hết. Và chỉ có vài khái niệm thô sơ về vùng Phi Châu da đen như là: ở đó nóng lắm, đất đai còn nhiều nơi hoang vu, dân chúng thì da đen thùi lùi, tối ngày chỉ thích vỗ trống, thích nhảy tưng tưng v.v.. Vì vậy, tôi hơi ngán. Nhưng cuối cùng rồi tôi quyết định qua xứ da đen để làm việc, danh dự hơn là ở lại Pháp để tháng tháng vác mặt Việt Nam đi xin trợ cấp đầu nọ, đầu kia

Nơi tôi làm việc tên là Borotou, một cái làng nằm cách thủ đô Abidjan gần 800km! Vùng này toàn rừng là rừng. Không phải là rừng rậm rì cây cao chớn chở như ở Việt Nam. Rừng ở đây cây thấp lưa thưa, thấp thấp cỡ mươi, mười lăm thước coi khô hóc. Không có núi non, chỉ có một vài đồi trũng, nhưng đồi không cao và trũng không sâu

Nhà nước phá rừng trồng mía. Ruộng mía ngút ngàn! Nằm ở trung tâm là khu nhà máy, khu cơ giới, khu hành chánh, khu cư xá v.v.. Khu này cách khu kia cỡ vài cây số.

Muốn về thủ đô Abidjan, phải lái xe hơi chạy theo đường mòn xuyên rừng gần ba chục cây số mới ra tới đường cái tráng nhựa. Từ đó chạy đi Touba, một quận nhỏ với đông đảo dân cư. Từ đây, lấy máy bay Air Afrique về Abidjan, mỗi ngày chỉ có một chuyến.

Phi trường Touba nhỏ xíu, chỉ có một nhà ga xây cất sơ sài và một phi đạo làm bằng đất đỏ, mỗi lần máy bay bay lên đáp xuống là bụi bay đỏ trời !

Tôi hơi dài dòng ở đây để thấy tôi đi "làm lại cuộc đời" ở một nơi hoang vu hẻo lánh mà cảnh trí thì chẳng có gì hấp dẫn hết! Thêm vào đó, tôi là người Á Đông duy nhứt làm việc chung với Tây trắng (chỉ có năm người) và Tây đen (đông vô số kể). Ở đây, thiên hạ gọi tôi là " le chinois" - thằng Tàu - Suốt ngày, suốt tháng tôi chỉ nói có tiếng Pháp. Cho nên, lâu lâu thèm quá, tôi soi gương rồi nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt, trông giống như thằng khùng! Chưa bao giờ tôi thấy tôi cô đơn bằng những lúc tôi đối diện tôi trong gương như vậy.

Một hôm, sau hơn tám tháng " ở rừng" , tôi được gọi về Abidjan để họp (Đây là lần đầu tiên được về thủ đô!).

Anh tài xế đen đưa tôi ra Touba. Chúng tôi đến phi trường lối một giờ trưa.

Sau khi phụ tôi gởi hành lý, anh tài xế nói:
- Tôi ra ngủ trưa ở trong xe. Chừng Patron (ông chủ) đi được rồi tôi mới về.

Ở xứ đen, họ dùng từ "Patron" để gọi ông chủ, ông xếp, người có địa vị, có tiền, người mà họ nể nang v.v Nghe quen rồi, chẳng có gì chói lỗ tai hết!

Tôi nói:
- Về đi! Đâu cần phải đợi!

Hắn nhăn răng cười, đưa hàm răng trắng toát:
- Tại Patron không biết chớ ở đây lâu lâu họ lại hủy chuyến bay vào giờ chót, nói tại máy bay ăn-banh ở đâu đó. Máy bay cũng như xe hơi vậy, ai biết lúc nào nó nằm đường.

Rồi hắn đi ra xe. Tôi ngồi xuống một phô-tơi, nhìn quanh : hành khách khá đông, nhiều người ngồi với một số hành lý như thùng cạc-tông, bao bị, va-ly v.v Không phải họ không biết gởi hành lý, nhưng vì những gì họ đã gởi đã đủ số ký-lô giành cho mỗi hành khách, nên số còn lại họ xách tay, cho dầu là nhiều món vừa nặng vừa cồng kềnh!

Không khí nóng bức. Mấy cái quạt trần quay vù vù, cộng thêm mấy cây quạt đứng xoay qua xoay lại, vậy mà cũng không đủ mát. Thiên hạ ngủ gà ngủ gật, tôi cũng ngã người trên lưng ghế, lim dim

Trong lúc tôi thiu thiu ngủ thì loáng thoáng nghe có ai ca vọng cổ. Tôi mở mắt nhìn quanh rồi thở dài, nghĩ: "Tại mình nhớ quê hương xứ sở quá nên trong đầu nghe ca như vậy" . Rồi lại nhắm mắt lim dim. Lại nghe vọng cổ nữa. Mà lần này nghe rõ câu ngân nga trước khi "xuống hò" : "Mấy nếp nhà tranh ẩn mình sau hàng tre rũ bóng đang vươn lên ngọn khói á lam à chiều"

Đúng rồi ! Không phải ở trong đầu tôi, mà rõ ràng có ai ca vọng cổ ngoài kia. Tôi nhìn ra hướng đó, thấy xa xa dưới lùm cây dại có một người đen nằm võng. Và chỉ có người đó thôi. Lạ quá ! Người đen đâu có nằm võng. Tập quán của họ là nằm một loại ghế dài bằng gỗ cong cong. Ngay như loại ghế bố thường thấy nằm dưới mấy cây dù to ở bãi biển họ cũng ít dùng nữa.

Tò mò, tôi bước ra đi về hướng đó để xem là ai vừa ca vọng cổ lại vừa nằm võng đong đưa. Thì ra là một anh đen còn trẻ, còn cái võng là loại võng nhà binh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa hồi xưa. Tôi nói bằng tiếng Pháp:

- Bonjour!

Anh ta ngừng ca, ngồi dậy nhìn tôi mỉm cười, rồi cũng nói " Bonjour" . Tôi hỏi, vẫn bằng tiếng Pháp:

- Anh hát cái gì vậy?

Hắn đứng lên, vừa bước về phía tôi vừa trả lời bằng tiếng Pháp :
- Một bài ca của Việt Nam. Còn ông? Có phải ông là le chinois làm việc cho hãng đường ở Borotou không?

Tôi trả lời, vẫn bằng tiếng Pháp:
- Đúng và sai! Đúng là tôi làm việc ở Borotou. Còn sai là vì tôi không phải là người Tàu. Tôi là người Việt Nam.

Bỗng hắn trợn mắt có vẻ vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, rồi bật ra bằng tiếng Việt, giọng đặc sệt miền Nam, chẳng có một chút lơ lớ:

- Trời ơi! Bác là người Việt Nam hả?

Rồi hắn vỗ lên ngực:
- Con cũng là người Việt Nam nè!

Thiếu chút nữa là tôi bật cười. Nhưng tôi kềm lại kịp, khi tôi nhìn gương mặt rạng rỡ vì sung sướng của hắn. Rồi tôi bỗng nghe một xúc động dâng tràn lên cổ. Thân đã lưu vong, lại "trôi sông lạc chợ" đến cái xứ "khỉ ho cò gáy" này mà gặp được một người biết nói tiếng Việt Nam và biết nhận mình là người Việt Nam, dù là một người đen, sao thấy quý vô cùng. Hình ảnh của quê hương như đang ngời lên trước mặt

Tôi bước tới bắt tay hắn. Hắn bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay, vừa lắc vừa nói huyên thuyên:

- Trời ơi! Con mừng quá! Mừng quá! Trời ơi! Bác biết không? Bao nhiêu năm nay con thèm gặp người Việt để nói chuyện cho đã. Bây giờ gặp bác, thiệt con mừng " hết lớn" bác à!

Rồi hắn kéo tôi lại võng:
- Bác nằm đi! Nằm đi!

Hắn lại đống gạch "bờ-lóc" gần đấy lấy hai ba viên kê bên cạnh võng rồi ngồi lên đó, miệng vẫn không ngừng nói:

- Con nghe thiên hạ nói ở Borotou có một người Tàu. Con đâu dè là bác. Nếu biết vậy con đã phóng Honda vô trỏng kiếm bác rồi! Đâu đợi tới bây giờ

Hắn móc gói thuốc, rút lòi ra một điếu, rồi đưa mời tôi:
- Mời bác hút với con một điếu.

Hắn đưa gói thuốc về phía tôi, mời bằng hai tay. Một cử chỉ mà từ lâu tôi không còn nhìn thấy. Một cử chỉ nói lên sự kính trọng người trưởng thượng. Tôi thấy ở đó một "cái gì" rất Việt Nam.

Tôi rút điếu thuốc để lên môi. Hắn chẹt quẹt máy, đưa ngọn lửa lên đầu điếu thuốc, một tay che che như trời đang có gió. Tôi bập thuốc rồi ngạc nhiên nhìn xuống cái quẹt máy. Hắn nhăn răng cười:

- Bác nhìn ra nó rồi hả?

Tôi vừa nhả khói thuốc vừa gật đầu. Đó là loại quẹt máy Việt Nam, nho nhỏ, giẹp lép, đầu đít có nét cong cong. Muốn quẹt phải lấy hẳn cái nắp ra chớ nó không dính vào thân ống quẹt bằng một bản lề nhỏ như những quẹt máy ngoại quốc. Hắn cầm ống quẹt, vừa lật qua lật lại vừa nhìn một cách trìu mến:

- Của ông ngoại con cho đó! Ổng cho, hồi ổng còn sống lận.

Rồi hắn bật cười:
- Hồi đó ổng gọi con bằng "thằng Lọ Nồi".

Ngừng một chút rồi tiếp:
- Vậy mà ổng thương con lắm à bác!

Hắn đốt điếu thuốc, hít một hơi dài rồi nhả khói ra từ từ. Nhìn cách nhả khói của hắn tôi biết hắn đang sống lại bằng nhiều kỷ niệm Tôi nói:

- Vậy là cháu lai Việt Nam à?

- Dạ. Má con quê ở Nha Trang.

- Rồi má cháu bây giờ ở đâu?

Giọng của hắn như nghẹn lại:
- Má con chết rồi. Chết ở Nha Trang hồi Việt cộng vô năm 1975.

- Còn ba của cháu?

- Ổng hiện ở ParisTụi này nhờ có dân Tây nên sau 1975 được hồi hương. Con đi quân dịch cho Pháp xong rồi, về đây ở với bà nội. Con sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, về đây, buồn thúi ruột thúi gan luôn!

Tôi nhìn hắn một lúc, cố tìm ra một nét Việt Nam trên con người hắn. Thật tình, hắn không có nét gì lai hết. Hắn lớn con, nước da không đến nỗi đen thùi lùi như phần đông dân chúng ở xứ này, nhưng vẫn không có được cái màu cà phê lợt lợt để thấy có chút gì khác khác. Tóc xoắn sát da đầu, mắt lồi môi dầy

Tôi chợt nói, nói một cách máy móc:
- Thấy cháu chẳng có lai chút nào hết!

Hắn nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng nghiêm trang:
- Có chớ bác. Con có lai chớ bác.

Hắn xòe hai tay đưa ra phía trước, lật qua lật lại:
- Bên nội của con là nằm ở bên ngoài đây nè.

Rồi hắn để một tay lên ngực, vỗ nhè nhẹ về phía trái tim:
- Còn bên ngoại của con, nó nằm ở bên trong. Ở đây, ở đây nè bác.

Bỗng giọng hắn nghẹn lại:
- Con lai Việt nam chớ bác!

Trong khoảnh khắc, tôi xúc động đến quên mất màu da đen của hắn, mà chỉ thấy trước mặt tôi, một thanh niên Việt Nam, Việt Nam từ cử chỉ tới lời lẽ nói năng. Tôi vói tay vỗ nhẹ lên vai hắn mấy cái, gật đầu nói:

- Bác thấy. Bây giờ thì bác thấy !

Hắn mỉm cười:
- Ở đây người ta nói con không giống ai hết, bởi vì con hành động cư xử, nói năng không giống họ. Bà nội con cũng nói như vậy nữa! Còn con thì mỗi lần con nhìn trong kiếng, con vẫn nhận ra con là người Việt Nam. Bác coi có khổ không?

Rồi nó nhìn tôi, một chút trìu mến dâng lên trong ánh mắt:
- Bây giờ con gặp bác rồi, con thấy không còn cô đơn nữa. Gặp một người giống mình, ở cái xó xa xôi hẻo lánh này, thiệt là Trời còn thương con quá!

Tôi im lặng nghe hắn nói, nhìn hắn nói mà có cảm tưởng như hắn đang nói cho cả hai: cho hắn và cho tôi. Bởi vì cả hai cùng một tâm trạng

Hắn vẫn nói, như hắn thèm nói từ lâu:
- Nhớ Sài Gòn quá nên con hay ca vọng cổ cho đỡ buồn. Hồi nãy bác lại đây là lúc con đang ca bài " Đường về quê ngoại " đó bác.

- Bác không biết ca, nhưng bác rất thích nghe vọng cổ.

Giọng nói của hắn bỗng như hăng lên:
- Vọng cổ là cái chất của miền Nam mà bác. Nó không có lai Âu lai Á gì hết. Nó có cái hồn Việt Nam cũng như cá kho tộ, tô canh chua. Bác thấy không? Bởi vậy, không có gì nhắc cho con nhớ Việt Nam bằng bài ca vọng cổ hết.

- Bác cũng vậy.

Tôi nói, mà thầm phục sự hiểu biết sâu sắc của hắn. Và tôi thấy rất vui mừng có một người như vậy để chuyện trò từ đây về sau

Có tiếng máy bay đang đánh một vòng trên trời. Chúng tôi cùng đứng lên, hắn nói:

- Nó tới rồi đó. Con phải sửa soạn xe trắc-tơ và rờ-mọt để lấy hành lý. Con làm việc cho hãng Air Afrique, bác à.

Rồi hắn nắm tay tôi lắc mạnh:
- Thôi, bác đi mạnh giỏi. Con tên là Jean. Ở đây ai cũng biết " Jean le vietnamien " hết. Chừng về bác ghé con chơi, nghen.

Bỗng, hắn ôm chầm lấy tôi siết nhẹ, rồi giữ như vậy không biết bao nhiêu lâu. Tôi nghe giọng hắn lạc đi:

- Ghé con nghe bác Ghé con

Tôi không còn nói được gì hết. Chỉ vừa gật gật đầu, vừa vỗ vỗ vào lưng hắn như vỗ lưng một người con

Khi hắn buông tôi ra, tôi thấy hai má của hắn ướt nước mắt. Tôi vội vã quay đi, lầm lũi bước nhanh nhanh về nhà ga mà nghĩ thương cho "thằng Jean le vietnamien" . Hồi nãy, nó ôm tôi, có lẽ nó đã tưởng tượng như là nó đang ôm lại được một góc trời quê mẹ

Trên máy bay, tôi miên man nghĩ đến "thằng Jean" rồi tự hứa sẽ gặp lại nó thường. Để cho nó bớt cô đơn. Và cũng để cho tôi bớt cô đơn nữa!

Bây giờ, viết lại chuyện thằng Jean mà tôi tự hỏi:

"Trong vô số người Việt Nam lưu vong hôm nay, còn được bao nhiêu người khi nhìn trong gương vẫn nhận ra mình là người Việt Nam?"

"Và có được bao nhiêu người còn mang mểnh trong lòng bài ca vọng cổ, để thấy hình ảnh quê hương vẫn còn nằm nguyên trong đó?"

Tiểu Tử

No comments:

Post a Comment