Monday, September 19, 2022

VĂN HOÁ PHONG BÌ

Phong bì còn gọi là bao thư, bì thư. Nó thường được làm chủ yếu bằng giấy xếp lại để đựng một vật phẳng, mỏng như lá thư. Bao thư là vật để bảo vệ và bảo mật cho lá thư chứa trong đó và để dễ vận chuyển từ nơi này đi nơi khác. Trên bao thư khi gởi đi luôn có ghi tên người gởi, người nhận kèm địa chỉ. Nếu gởi theo đường bưu điện thì có đóng dấu bưu điện và con tem.

Như tên gọi của nó, từ xưa chức năng chủ yếu của nó là để gởi thư, chuyển hồ sơ. Phong bì xuất hiện khá sớm trong lịch sử loài người. Người ta phát hiện những bao bì dạng mỏng như bao thư bằng đất sét chứa các văn bản mang nội dung giao dịch tài chính có niên đại từ 3200 đến 3500 năm trước công nguyên ở vùng Trung Đông. Phát hiện này do Jacques Jean Marie de Morgan tìm thấy tại thành phố cổ Susa (tỉnh Khuzestan, Iran) năm 1901 và Roland de Mecquenem năm 1907.

Ngày nay, với sự phát triển của Internet, người ta rất ít khi gởi thư cho nhau với bì thư như trước. Tuy nhiên, để gởi hồ sơ, giấy mời hoặc thông báo vẫn sử dụng bì thư.

Ở Việt Nam ta, từ mấy chục năm nay, phong bì không còn làm nhiệm vụ để gởi thư nữa mà từ này dùng để chỉ về một món quà trao đổi có tính cách tiêu cực dùng để hối lộ, đút lót hay mua chuộc....Để mua chuộc cán bộ, để thuận buồm xuôi gió trong công việc, người ta dùng phong bì đựng tiền để trao cho người có trách nhiệm. Để xin cho con cháu đi học người ta dùng phong bì để lót đường. Vào bệnh viện cũng phải có phong bì để lót tay nhân viên, bác sĩ. v...v... Còn rất nhiều trường hợp nữa phải sử dụng phong bì. Bây giờ nó chẳng còn chức năng gởi thư mà chỉ dùng để chứa tiền móc ngoặc, hối lộ. Nó cũng lấn sang chuyện đám ma, đám cưới, sinh nhật, lễ giỗ. Nói chung giờ nó dùng để chứa tiền là chính. Và từ đó đẻ ra cái văn hoá phong bì. Ở xã hội này làm bất cứ việc gì mà không kèm theo phong bì sẽ khó cho công việc trôi chảy. Đó là thủ tục đầu tiên. Việc nhỏ, chức nhỏ có phong bì nhỏ. Việc lớn, chức lớn có phong bì to. Lề thói bây giờ nó thế!

Trong Truyện Kiều, nhà thơ Nguyễn Du có viết: "Oan này còn một kêu trời, nhưng xa. Một ngày lạ thói sai nha, ... Có ba trăm lạng việc này mới xuôi. ... Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong !. Nguyễn Du không nói tới cái phong bì, nhưng chắc là nếu có vụ đút lót chắc chắn cũng có hiện diện của cái bao bì. Bao bì lúc đó đựng trong túi vải là chính xác nhất.

Bởi vậy cũng không nên lấy làm lạ khi mới đây tại lễ khai mạc Kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2022 của Bộ Y tế (tổ chức tại Trường Đại học Y Hà Nội, ngày 10/9), người ta thấy logo của Bộ Y tế là con rắn ngậm phong bì. Hình con rắn cũng được thiết kế như ký hiệu của đồng đô la Mỹ. 

Chưa hết, người ta cũng đã thấy trong tài liệu hướng dẫn ôn thi môn Ngoại ngữ của Bộ Y tế ban hành nội bộ trong Kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2022 này cũng gặp lỗi sai tương tự. 

Lý giải của những người có trách nhiệm cho rằng lỗi của các nhân viên thiết kế. Nhưng cộng đồng mạng cho rằng đó là cách nguỵ biện thiếu trách nhiệm và dư luận cũng cho rằng logo như thế là đúng với bản chất của Bộ Y tế qua những sai sót, tội lỗi của các cán bộ lãnh đạo Bộ từ trước đến nay.

Chuyện văn hoá phong bì là một sự thật không thể dấu diếm. Nó phản ánh một xã hội băng hoại và tất cả chỉ gói gọn trong một chữ tiền, bất chấp đạo lý, lương tâm và lòng nhân đạo. Còn văn hoá phong bì là còn tham nhũng, hối lộ. Còn phong bì là còn nỗi khổ của người dân khi đến chốn công quyền. Còn phong bì là còn thêm nỗi nặng trên vai người dân.

No comments:

Post a Comment