Tuesday, September 6, 2022

MỘT ĐÔI NGÀY ĐỔI GIÓ Ở ADELAIDE-NAM ÚC.

Công dân Úc khi tới tuổi 60, không còn làm việc có lợi tức nữa thì đương nhiên được lãnh trợ cấp An Sinh Xã Hội, tương đương như tiền thất nghiệp của một người còn trong tuổi lao động (Dưới 65 tuổi). 

Nhưng bên cạnh trợ cấp đó, họ được lãnh một thẻ có tên là “Seniors Card” để di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng được giảm giá. (Có thay đổi đôi chút tùy ở mỗi Tiểu Bang khác nhau. Như ở Darwin và Adelaide thì có thẻ Seniors Card được đi miễn phí vào giờ không đông khách (Off Peak Hours) cả 7 ngày trong tuần. Nhưng như ở Sydney, Melbourne, Brisbane chỉ được miễn phí vào hai ngày cuối tuần hay ngày Lễ mà thôi.) – 

Ngoài ra hằng năm kèm theo Thẻ Seniors Card còn có một Travel Voucher (Phiếu Trợ Cấp), phiếu nầy có thể đổi lấy vé đi xa 1 chuyến khứ hồi bằng xe lửa hay xe bus thuộc V/Line để đi trong vòng Tiểu Bang địa phương hoàn toàn miễn phí. Cũng có thể đổi lấy vé đi các Tiểu Bang khác với tiền phụ trội phải trả thêm chút ít, đọan đường ở Tiểu Bang khác.

Khi định đi đến một Tiểu Bang khác, tùy theo phương tiện giao thông của Tiểu Bang địa phương mà đổi ra vé xe lửa hay phối hợp giữa xe lửa và xe bus. Nhưng từ Melbourne đi Adelaide, Sydney, Perth thì mình có thể chọn đi hoàn toàn bằng xe lửa (hãng tư) phải bù tiền nhiều hơn. Nếu mình chọn đi xe lửa của V/Line để đến 1 nơi nào đó rồi chuyển sang xe bus của V/Line đi tiếp thì giá vé rẻ nhứt so với vé hoàn toàn bằng xe lửa.

Vào trung tuần Tháng 6/ 2013 nầy, tôi đã xử dụng Phiếu Trợ Cấp của Tiểu Bang địa phương của tôi là Victoria (Melbourne) để đi đổi gió một đôi ngày ở Nam Úc (Adelaide) bằng phương tiện phối hợp của V/Line. Nghĩa là tôi đi một đoạn bằng xe lửa V/Line và thêm 1 đoạn bằng xe bus V/Line để đến Adelaide. Cả 2 chuyến đi và về, tôi chỉ phải trả thêm 41 Úc Kim mà thôi. Nếu như tôi chọn từ Melb đi Adelaide toàn bằng xe lửa của hãng The Overland thì tôi phải trả đến 74 Đô. Đúng là tiền nào của đó, tùy theo mình chọn. Đi bằng phương tiện của V/Line thì vất vả và tốn nhiều thời gian hơn. Còn đi toàn xe lửa của The Overland thì rút ngắn thời gian, đỡ mệt hơn, nhưng phải trả nhiều tiền hơn.

Tôi đã chọn phương cách đi bằng V/Line cho rẻ và cũng để có kinh nghiệm một lần cho biết đích thực ra sao ? Hơn nữa cũng vì không có gì cần phải đến nơi cho thật sớm. Nếu sau nầy có dịp đi trở lại chắc chắn tôi sẽ chọn đi toàn bằng xe lửa của The Overland, vì chỉ trả thêm 33 đô nữa mà khỏi phải ngồi đoạn đường xe BUS rất nhọc mệt và đến nơi rất trễ, may là chỗ trọ không xa mấy từ Bến Xe Bus Trung Ương.

Tôi lên xe lửa ở Ga Spencer (Southern Cross) sáng sớm Ngày 10-6-13 và xe khởi hành lúc 8.36 am, rất đúng giờ quy định. Xe lửa chạy ngược lên hướng Đông Bắc, tới Ga Bendigo độ 10.30 am và chuyển sang xe bus đợi sẵn ở ngay Ga Bendigo. Xe bus rời Ga Bendigo đúng 10.50 am như ghi trên lịch trình của vé.

Từ Bendigo, xe chạy theo đường B240, ngược về hướng Tây, con đường nầy không phải là trục giao thông chính giữa các Tiểu Bang nên thật là vắng vẻ, 2 chiều di chuyển, không hẹp nhưng cũng không rộng thênh thang. Phần lớn các đoạn đường dài đều thẳng tắp, không có một 1 đoạn nào quanh co đồi núi như những vùng ven biển. Xe chạy rất an toàn và xe tới thành phố St Arnaud lúc 12.20 pm.

Tiếp tục chạy theo con đường B240, xe tới một thành phố lớn kế tiếp là Horsham lúc 1.50 pm. Tại đây xe dừng lại độ 30 phút để hành khách xuống xe cho đỡ mỏi chân, hay đi vệ sinh hay mua chút thức ăn, uống vặt.

Từ Horsham, xe nhập vào xa lộ Western HWY, con đường chính nối liền giữa Melbourne, Adelaide và Perth. Nếu đi xe riêng hay xe bus thì từ Melb đi Adelaide bằng con đường Western Hwy bắt đầu từ Melb chạy thẳng theo hướng Tây -Bắc , khỏi tốn mấy giờ vòng qua Bendigo theo lộ trình của V/Line.

Xe qua Dimboola, tới Nhill, rồi tới Bordertown, phố biên giới giữa Victoria và Nam Úc. Xe dừng lại nơi đây cũng chừng 30 phút tại một trạm xăng, có quán bán thức ăn nóng khá tấp nập vì xe cộ qua lại đều dừng chân ở Phố Biên Cương nầy. 5.00 pm, xe lại khởi hành cũng theo Western Hwy. Chiều xuống thật nhanh và thời tiết trong phần đất của South Australia có phần ấm áp hơn ởVictoria. Thỉnh thoảng có vài trận mưa rào, qua rất nhanh và cơn mưa không mang theo gió lạnh buốt giá như những cơn mưa ở quanh Melbourne. Có lẽ vì cảm giác về thời tiết ở Nam Úc nói chung khá khác biệt so với Melbourne mà tôi gọi mấy ngày ở Adelaide là “ĐỔI GIÓ”. Giống như các Ông Bà mình mấy chục năm trước mỗi khi đi chơi xa thường hay nói là đi đổi gió. Đi Vũng Tàu thường gọi là đi hứng gió !

Từ Bordertown theo bảng ghi cây số cho biết còn 278 km nữa thì tới Adelaide. Cũng tiếp tục theo con đường số 8 có tên là Western Hwy, từ Melbourne tới Bordertown Western Hwy mang ám hiệu M8; nhưng từ Bordertown được đổi thành A8.

Xe qua các khu phố dọc đường như Keith, Coonapyn, Tailem Bend; qua chiếc cầu dài Murray Bridge, Xa lộ A8 đổi thành M1 và chỉ còn 77 km nữa là đến thành phố Adelaide, thủ phủ của Tiểu Bang Nam Úc.

Vì xe chạy lên hướng Tây Bắc nên lúc chiều xuống, tài xế và những người ngồi ghế trước phải bị chói mắt với nắng chiều. Qua cầu Murray Bridge thì chiều đã tàn, bóng đêm kéo đến thật nhanh. Trước khi vào thành phố Adelaide, xe phải vượt một ngọn đồi Adelaide Hill lên xuống khá cao, từng đoạn khi ẩn khi hiện những ánh đèn xe từ xa, kéo dài ngoằn ngoèo như một con rồng đang bay nhảy trên đường núi. Qua khỏi Adelaide Hill thì nhìn thấy muôn ánh đèn sáng chói dưới thung lũng khá sâu là thành phố Adelaide về đêm.

Xe đến bến xe bus (Central Bus Station) ở đường Franklin đúng giờ là 7.20 pm, giờ của Adelaide, với giờ Melbourne thì 7.50 pm (Giờ Adelaide đi sau giờ Melbourne 30 phút).

Từ Trạm Xe Bus Liên Bang, tôi chỉ cần lội bộ độ 10 phút là tới khách sạn Ambassadors, nằm trên con đường King William, con đường chính huyết mạch của trung tâm thành phố Adelaide.
Chỉ cần đưa thẻ tín dụng để nhân viên so lại với các chi tiết đặt phòng. Sau đó thì nhận phòng, ngủ một giấc hồi nào không hay, thẳng thừng cho đến sáng, thức dậy vẫn còn thấy ê ẩm mình mẩy … Sáng ra, dòm kỹ mới biết căn phòng phản ảnh rất trung thực với cái giá 90 đô một ngày. Tất cả đều cũ kỹ … rất đúng với lời quảng cáo chân thật trên Internet là rất có giá trị lịch sử “Great Historic Value”.

Ngày 11/6:
Tôi xuống con đường trước mặt Ambassadors Hotel là King Willam, con đường chính nầy nằm theo hướng Nam-Bắc. Lần mò theo bản đồ đường phố, đi dọc trên đường King Willam xuống phía Nam, gặp con đường cắt ngang là Franklin, con đường cắt ngang kế tiếp là Grote, đi thêm 1 đường cắt ngang nữa là Gouger, quẹo phải theo Gouger, đi vài chục thước là tới Chợ Adelaide Central Market. Chợ nầy giống hệt như Chợ Victoria ở Melbourne và Chợ Haymarket của Sydney.

Hàng quán ăn uống, trái cây …, tạp vụ khác; siêu thị Coles cũng nằm luôn trong khu nầy. Người mua, người bán thật là nhộn nhịp . Nói chung là tương đối sạch sẽ hơn 2 chợ đồng loại của Melbourne và Sydney. Muốn mua, muốn ăn món gì của Âu-Á-Ấn với giá bình dân đều có thể tìm thấy trong chợ Adelaide Central Market. Tôi đi quanh quẩn vừa để no bụng, vừa để dòm hàng quán cho biết sự tình, đất địa Adelaide. Lòng vòng, cuối cùng lại vừa ý với quán thịt quay vừa bán take away, vừa bán cơm đĩa với thịt gà, vịt, heo quay khá ngon với giá vừa phải.

Sau đó tôi quay trở lại đường King William, lội ngược lên phía Bắc, qua khỏi Ambassadors Hotel, đi thêm 2 đường cắt ngang là tới góc King William & Currie. Nơi đây có một văn phòng bán vé xe bus local, xe lửa và xe tram, đồng thời cũng sẽ giải đáp mọi thắc mắc về giao thông trong thành phố Adelaide. Thấy ở ngoài văn phòng có ghi sơ lược là người có Thẻ Seniors sẽ được đi xe vận chuyển MIỄN PHÍ ngoài giờ cao điểm. Thấy vậy, tôi vội vào trong xếp hàng chờ đợi đến phiên; tôi đưa ra Thẻ Seniors Card của Melbourne hỏi: “Có giá trị ở Adelaide ?” - Một bà nhân viên rất sốt sắng trả lời được và bà vào trong lấy ra một mẫu đơn và tự ghi các chi tiết của tôi trên thẻ S.Card như tên họ và số thẻ, bà đưa cho tôi ký tên. Xong rồi bà trao cho tôi một thẻ đi xe công cộng FREE trong vòng 4 ngày còn lại mà tôi ở Adelaide như tôi đã trả lời với bà lúc nãy.

Suốt buổi chiều còn lại trong ngày tôi lên xe bus số 222 đi 1 tuyến đường dài đến khu Mawson Lakes. Đây là một khu nhà mới rất khang trang và tiện nghi, chợ búa rất hiện đại. Khi về lại thành phố thì đã xế chiều, tôi lội loanh quanh, hết đường nầy qua đường khác, kiếm chỗ ăn uống … mãi cho tới tối mới mò về phòng ngủ nghỉ ngơi. Trước khi lên phòng, tôi nhờ nhân viên khách sạn Book giùm ngày mai sẽ đi tour nguyên ngày qua đảo KANGAROO ISLAND. Một địa điểm du lịch coi như là nổi tiếng nhứt của Nam Úc. 1 ngày Tour Kangaroo với giá 257 đô cho mỗi người, nhưng nhờ khách sạn book thẳng với cơ sở du lịch chính nên được bớt 10 đô.

Ngày 12-6-13
Sáng sớm theo lời dặn, tôi phải đứng trước Hotel lúc 6.20 am. Tôi dậy thật sớm và đúng 6.00 am là tôi xuống cửa Hotel cho chắc ăn. Vừa ra khỏi cửa là thấy xe bus của sở du lịch đã đậu chờ sẵn. Xe bus có đề chữ SEALINK của hãng du lịch. Trên xe đã có vài người từ khách sạn khác, xe chạy đến vài khách sạn kế tiếp để rước thêm các khách đã book trong danh sách. 1 giờ sau thì xe quay lại ngay Central Bus Station, nơi tập trung của văn phòng Day Tours SeaLink. Có nhiều khách du lịch lên xe ngay tại đây và độ 15 phút sau xe khởi hành với một tài xế khác. Ông tài xế tự giới thiệu mình, chào đón khách … và bắt đầu tường thuật khá nhiều chi tiết về chuyến đi đến đảoKangaroo Island.

Xe chạy xuống phía Nam, từ Adelaide đến Cape Jervis dài 105 km. Xuống xe tại Bến Phà Cape Jervis, lên phà SeaLink, có chở cả xe nữa và phà bắt đầu rời bến lúc độ hơn 9.00 am. Từ Cape Jervis qua đảo Kangaroo 12 km, thường thì chỉ mất 45 phút. Nhưng hôm đó gặp lúc trời đổ mưa khá nặng, gió khá to, phà chòng chành, nghiêng ngả… khiến cho hành khách cần đi vệ sinh phải vịn ghế bên nầy, bên kia mà tiến bước. Cũng may là phà ra xa bờ một chút thì bớt sóng to, tàu đi êm đềm hơn, không ai bị say sóng hay ói mửa gì cả; nhưng phải mất gần 1 giờ mới tới đảo.

Bến phà bên đảo mang tên khu phố buồn thiu là Penneshaw, thị trấn chỉ có chừng 400 dân cư, với chưa đầy 100 căn nhà sống rải rác chung quanh bến phà. Có một trạm xăng và vài hàng quán bán thức ăn nóng dành cho du khách. Sinh khí buồn tẻ, xa lạ, rất biệt lập với những sinh hoạt trong đất liền.

Đảo Kangaroo, dài 155 km, rộng 55km, diện tích to chừng gấp 3 lần Singapore. Năm 1802 khi Mathew Flinders khám phá ra đảo nầy, lúc đó chưa có người sinh sống, hoàn toàn hoang dã. Cho đến nay, 1/3 đảo cũng vẫn còn toàn cây rừng hoang vu nguyên thủy. Đảo Kangaroo là một địa điểm du lịch lý tưởng cho những ai yêu thích khung cảnh thiên nhiên và muốn thấy những sinh vật đặc biệt của bản xứ Úc như Kangaroo, Koala, Goanna, Sea-lion, Wallaby…

Du khách lên xe bus của hãng SeaLink với một tài xế gốc địa phương lâu đời của Kangaroo Island. Đi đến đoạn nào có gì lạ là ông giải thích đầy đủ chi tiết, từ những sinh vật đến cây nhỏ, cây to . Hôm đó du khách được chứng kiến những cây YUCCA (Loại Rostata), mọc hoang khắp đó đây, dọc theo hai bên đường rất đẹp. Cây yucca giông giống như một bụi sả mà không có thân cây, chỉ toàn là lá tủa ra từng bụi tròn trông rất đẹp. Từ xa trông hơi giống như cây Black Boy mọc hoang rất nhiều ở Perth, nhưng nó khác là lá của yucca không phải cọng tròn như của Black Boy.
Ông Tài Xế chỉ cho du khách lưu ý đến những thửa đồn điền trồng cây BLUE GUM, từng mảnh rộng lớn, xa xa một thửa blue gum trồng dọc theo các con đường trên đảo, những hàng blue gum thẳng tắp, tươi tốt; chứng tỏ có bàn tay người chăm sóc chứ không phải mọc hoang như cây gum rừng. Du khách được giải thích là vùng đất trên đảo rất thích hợp cho trồng trọt, nhưng vì xa cách với đất liền, ít người chịu ra đó trồng cây trái. Nên các nhà đầu tư đã thuê nhiều khu đất trên đảo để trồng Blue Gum. Khi cây lớn họ sẽ xay ra Wood Chips để đem bán qua Nhựt làm giấy, loại giấy được chế tạo từ cây blue gum rất tốt về phẩm chất. Những đồn điền blue gum bạt ngàn chỉ thấy trên đảo Kangaroo chứ không có ở những nơi khác.

Cũng như ai cũng biết Úc là nơi nguyên thủy của nhiều loại cây Eucalyptus. Chỗ nào trên đất Úc cũng có cây Khuynh Diệp cả. Nhưng có lẽ ở Kangaroo là nơi còn nguyên vẹn nhiều cây khuynh diệp nhứt vì ít bị tàn phá bởi con người như những vùng khác. Cho nên mấy mươi năm trước chỉ tại Kangaroo Island mới có nhà máy sản xuất DẦU KHUYNH DIỆP, lúc đó chỉ dùng vào việc sát trùng trong ngành y tế. Nay chỉ còn lại vết tích về địa điểm và vài máy móc đã rỉ sét, hoang phế vì không còn hoạt động nữa.

Nghe đâu trước kia thời VNCH chúng ta có BS. Bùi Kiện Tín đã nghe biết nơi chế tạo dầu khuynh diệp từ đảo Kangaroo và ông đã mua dầu về vô chai bán cho người Việt Miền Nam với cái tên là Dầu Khuynh Diệp BS.Tín (?). Lúc ấy ai cũng tưởng là BS.Tín đã tự chế ra loại dầu khuynh diệp mang tên của ông. Nhưng nay mới rõ ngọn ngành.

Trên đảo chỉ có một con đường chính khá bằng phẳng, thường xuyên có tu bổ, có đọan rẽ qua, rẽ lại để đến các địa điểm du lịch hay đi vào các khu dân cư. Nhưng rồi tất cả những đoạn đường đó đều nối liền với nhau thành 1 con lộ kéo dài từ đầu đảo đến cuối đảo. Rời bến Phà Penneshaw, xe đưa đến từng điểm sau đây:

- Seal Bay
Du khách được xe bus đổ xuống ở một địa điểm du lịch gọi là Seal Bay để xem những con Hải Cẩu hay nằm dài nghỉ ngơi trên bãi cát hay ẩn hình trong các lùm bụi mọc trên các bãi.

Hôm 12/6 khi đoàn chúng tôi tới Seal Bay thì trời mưa, giông gió khá to. Chúng tôi được hướng dẫn viên sở tại dẫn xuống bãi cát, chỉ thấy tận mắt độ chừng gần chục con Hải Cẩu. Loại Hải Cẩu leo lên nằm trên bãi cát và lên bờ cát khá xa để nghỉ ngơi được gọi là SEA LION. Còn những con có tên là Seal thì chỉ sống ở dưới nước, hay leo lên trên các mõm đá, chứ không lên bờ nằm như Sea Lion. Con Sea Lion khá to, có thể nặng đến cả tấn. Hôm đó được thấy 1 con Sea Lion được gắn cái máy ra- đa trên lưng để satellite theo dõi hoạt động của nó. Do đó mà người ta biết được các con Sea Lion nó ra khơi độ 3 tuần để săn mồi sau đó trở vô nằm nghỉ trên cát vài tuần rồi lại ra khơi đôi ba tuần mới quay vào bờ.

Cô hướng dẫn viên cho biết vào Mùa Hè có thể thấy hàng trăm con Sea-Lion nằm phơi mình trên cát. Nhưng vào Mùa Đông thì chỉ thấy vài con tượng trưng thôi. Hôm đó tuy thấy ít con Sea Lion nhưng cũng mãn nguyện vì đã thấy tận mắt của mình. Chứ không như mình chỉ biết qua hình ảnh dửng dưng nhiều lần trong quá khứ. Đúng lắm, thà 1 chút tận mắt thực tế còn rung động hơn cả đống tưởng tượng sách vở, phim ảnh! Bởi vậy có lẽ người ta cứ tốn tiền du lịch là do cảm giác chân lý đơn sơ như thế đấy!.

-Vivonne Bay Bistro
Chỗ nầy dành cho những đoàn du khách hay tổ chức Bistro trong khung cảnh hoang vu thiên nhiên hay trên bãi cát Vivonne Bay.

Tại đây du khách được đãi ăn trưa tại một nhà hàng đơn giản dành cho du khách gồm có một dĩa soup bí đỏ, một saussage và một miếng gà nướng. Tự mình chọn thêm salad hay khoai tây nướng và 1 tách cà phê hay trà nóng. Ăn trưa khá no đủ, nhưng kinh nghiệm nếu chưa từng quen món súp bí đỏ thì đừng ! Vì ngồi trên xe mà nhăn mặt chịu đựng thì hơi bối rối ra mặt đó nghe !!!

-Hanson Bay Koala Walk.
Bình thường vào những ngày thời tiết tốt thì xe dừng ở đây để du khách đi bộ trong một mảnh rừng cây khuynh diệp để thấy những con koala đang ôm những nhánh cây vừa nhắm mắt ngủ li bì hay đang nhai nhai những cành lá khuynh diệp. Chỉ cần có vậy mà du khách từ Trung Cộng cũng đủ tưng bừng vui nhộn, ầm vang thay nhau đòi ẵm các em koala …

Chẳng may hôm ấy trời mưa to, các cặp Trung Cộng cũng nhào xuống tận hưởng món lạ, ai nấy ướt nhẹp … trở lại xe có vẻ bất bình, tiu nghỉu vì chẳng thấy em koala nào như hướng dẫn viên mô tả.

-Flinders Chase National Park
Tài xế lái xe xuyên qua một lâm viên lớn, đây chính là khu vực 1/3 của đảo được giữ nguyên vẹn sắc thái rừng rậm thiên nhiên của nó như nguyên thủy. Con đường xuyên ngang khu lâm viên với chỉ dẫn của tài xế về những con vịt trời, ngỗng trời, vài con kangaroo, chắp 2 tay ngồi dọc bên đường như chào mừng quan khách … Bác tài có nhấn mạnh nghề bắt ong mật của đảo rất nổi tiếng là MẬT ONG số 1 của Úc vì ong ở đây hút mật từ các bông của cây Honey Gum. Hôm đó du khách không thấy 1 con goanna nào cả. Đối với người Việt mình đi coi kỳ đà là một lịch trình khá miễn cưỡng vì không ai thích bị KỲ ĐÀ CẢN MŨI bao giờ có đúng không? Cho nên không thấy con kỳ đà nào cũng coi như là điều hên khi viếng đảo kangaroo! Không nhăn nhó gì cả ….

-Remarkable Rocks
Một hòn đá lớn bị xâm thực xoáy mòn từ nhiều thế kỷ tạo thành những hình thù quái lạ, ở một mõm đá trông hơi giống như mỏ con két. Tảng đá vĩ đại nầy đều được ghi vào những ống kính của khách du lịch, lan rộng khắp nơi. Đây là 1 tảng đá tượng trưng cho kỳ quan của đảo Kangaroo và nó được chọn làm một hình ảnh đặc biệt trong các giấy quảng cáo du lịch về đảo Kangaroo.

-Cape du Couedic Lighthouse
Tháp Hải Đăng nầy được xây cất từ năm 1906, nó được xây bằng Stonemasons với kỹ thuật rất nghệ thuật. Bây giờ không còn mở cửa cho khách du lịch leo lên tháp đèn như những năm trước. Đặc biệt căn nhà nguyên thủy của gia đình người giữ Hải Đăng đã trở thành di tích lịch sử và đã thuộc sở hữu tư của con cháu thừa kế. Ngày nay họ dùng vào việc cho thuê để những ai muốn nghỉ ngơi vài hôm, tha hồ hít thở gió biển tại khu vắng vẻ nầy.

-Admirals Arch
Chỗ nầy cách đèn Hải Đăng vừa nói trên không xa mấy. Cũng chỉ là một vòng đá, hình thù như một cái cầu thiên nhiên. Cũng là địa điểm tụ họp sanh đẻ của nhiều con hải cẩu gốc gác ở Tân Tây Lan. Loại nầy được gọi là NZ Fur Seals. Chỉ có nơi nầy mới thấy có giống Hải Cẩu New Zealand. Không có ở những nơi khác của Úc.

- Flinders Chase Visitors Centre.
Điạ điểm cuối cùng mà du khách thăm viếng là văn phòng cơ sở du lịch của đảo. Nơi đây có tiện nghi vệ sinh và ăn uống khang trang, có tiệm bán các sản phẩm kỷ niệm khá đồ sộ.

Từ đây xe quay trở lại Penneshaw độ hơn 1giờ thì tới bến phà. Phà đưa hành khách trở vô Cape Jervic để lên xe trở lại Adelaide. Lúc xe lăn bánh là 7.45 pm.

Đoàn du lịch Kangaroo Island hôm 12/6 , ai cũng mệt đừ, xe đưa khách đến từng khách sạn và tôi về đến Ambassadors đúng 10.30 pm. Chấm dứt 1 ngày tour ở đảo Kangaroo Island với những ký ức khó quên. Đúng là “Never go never know” ! Nằm trên giường tôi cứ mãi suy nghĩ giờ nầy 4600 dân bên đảo đã hoàn toàn chìm trong bóng đêm, nhà nhà xa cách, lẻ loi … Chắc họ không có gì lo âu như dân thị thành, lâu ngày chắc họ cũng đã quen với thinh lặng, mịt mù rồi ! Lại 1 đêm qua mau thật ngon giấc…

-Ngày 13/6.
Tôi thong thả dậy trễ, hơn 9 giờ sáng mới lội xuống phố kiếm gì ăn sáng, coi như ăn trưa luôn. Sau đó tôi lên chuyến xe bus mang số 501 chạy đến tuyến đường mà trạm chót là Cảng Adelaide (Port Adelaide). Hôm nay trời cũng mưa từng chập, khi mưa, khi tạnh.

Lội dọc con đường Commercial Rd. xuống bến cảng với tiệm quán lưa thưa, hoàn toàn không có hàng quán Á Châu. Tại đây có ngọn Hải Đăng cũ kỹ, nhưng được sơn phết màu đỏ, trắng rất sạch sẽ. Hôm đó có vài toán học sinh do các cô thầy dẫn đến, xếp hàng để chờ leo lên ngọn hải đăng cao chừng hơn 10 thước. Các em được thầy cô nói vài chi tiết về ngọn hải đăng và các em được chia từng toán leo thang vòng xoắn bên trong để lên tới hành lan trên chót.

Tôi chờ các em leo xong hết cả, tôi cũng mua vé 1 đô để leo lên cho biết thực tế bên trong hải đăng ra sao. Tại bến cảng cũng có các chiếc tàu du lịch đậu sẵn để đưa khác du lịch đi xem Dolphins hay chạy dọc bờ biển để du khách ngắm cảnh.
Tôi lòng vòng ở khu Port Adelaide đến xế trưa rồi leo lên xe về lại City. Bận về tôi xuống xe ở Stop 18 để vào một tiệm ăn Việt Nam ở khu Croydon Park. Quanh khu nầy cũng có vài tiệm VN, nhưng không rầm rộ như ở các khu có đông người Việt như ở Melbourne haySydney.

Về đến City đã hơn 3 giờ chiều, tôi ghé vô phòng ngủ nghỉ ngơi 1 chút rồi lại xuống phố, leo lên xe Tram chạy lên xuống trên con đường King William. Xe tram ởAdelaide chỉ chạy 1 tuyến đường duy nhứt dọc theo King William, có lẽ chỉ để trang trí cho thành phố, để cho khách du lịch có cái để tò mò. Xe Tram Adelaide cũng toàn là xe kiểu mới như của Melbourne. Hôm đó ngồi trên xe lên xuống tôi thấy phía Nam có 1 Quán Việt Nam và phía North Adelaide cũng thấy có một tiêm ăn tên Sài Gòn gì đó mà tôi đã quên.

Lúc chiều tối, tôi rời xe tram thấy khách bộ hành qua lại đông nghẹt nên tôi cũng lang thang tản bộ hết đường nầy sang đường khác cho biết sinh hoạt của AdelaideCity. Nói chung tôi có cảm tưởng đường phố Adelaide có ngăn nắp và sạch sẽ hơn Melbourne nhiều. Đặc biệt đến ngày đổ rác, các thùng rác không được kéo ra đặt phía trước các cửa tiệm như ở Sydney và Melbourne. Thấy có một con đường nhỏ sau các shop dành cho xe đổ rác đến lấy rác từ các thùng xếp hàng trên con đường phía sau đó.

Nhìn hàng loạt xe bus công cộng qua lại liên tục trên đường phố; tôi thấy hình như phương tiện di chuyển ởAdelaide nói chung rất chu đáo hơn nhiều thành phố khác của Úc. Hành khách xuống xe đều nói cám ơn hay giơ tay chào tài xế. Nhứt là các em học sinh cũng làm cử chỉ lễ phép đó, thật là hiếm thấy cảnh tượng nầy ở Melbourne hay Sydney!

-Ngày 14/6.
Dậy sớm, xuống phố ăn uống xong là leo lên xe bus số 500 để đi Salisbury, nghe nói Salisbury là một khu phố tập trung khá nhiều quán xá hay các dịch vụ, du lịch, y tế của Người Việt.

Lộ trình từ Adelaide đi Salisbury có một đoạn thật ngộ nghĩnh, có thể nói độc đáo nhứt của Úc mà không có một tiểu bang nào có như vậy. Từ Hackney Rd cách trung tâm không xa mấy, xe bus chạy vào một đọan đường có tên là Adelaide O-BAHN. Đoạn đường nầy thiết kế chung giữa đường rầy xe lửa và đường xe bus chạy chung vào nhau. Hai đường rầy nằm ở giữa và 2 bên ngoài đường rầy thì tráng xi-măng thêm 1 khoảng vừa đủ rộng để bánh xe bus chạy. Hai bên đường có lề cao cũng vừa đủ khoảng cách 2 bên phía ngoài của bánh xe bus. Khi xe bus chạy vào đoạn đường 0-Bahn thì tài xế không cần cầm tay lái. Hai bánh trước của xe bus có gắn 2 bánh xe nhỏ độ hơn 10 cm đường kính, gắn nằm ngang để lăn vừa chạm vào 2 lề cao, giữ cho xe bus không thể cọ quẹt vào 2 lề và chỉ chạy trong 2 lề làm chuẩn đấy thôi. Do đó mà tài xế xe bus chỉ nhấn ga hay thắng bớt mà không cần lái qua lại gì cả. Nếu VC mà thấy đoạn đường O-Bahn nầy chắc về nước chúng sẽ sửa tất cả đường xá đều thành O-Bahn giống nhưAdelaide. Vì chúng rất khoái cái kiểu KHÔNG NGƯỜI LÁI của Xã Hội Cứ Ngu…

Đường lên Salisbury, đi qua các khu phố như Paradise (Paradise là cuối đoạn O-Bahn); Gilles Plains, Ingle Farm, Para Hills, Gulfview Heights rồi đến Salisbury. Dọc đường xe bus thỉnh thoảng thấy có vài bảng hiệu Tiếng Việt, tiệm ăn, phòng mạch bác sĩ, tiệm thuốc tây, .. và một hai ngôi chùa dã chiến…

Salisbury là một trung tâm phố xá mà chung quanh có khá nhiều người Việt định cư ở đây. Phản ảnh sự hiện diện của người Việt cũng chỉ là quán xá, bác sĩ, dược sĩ, du lịch và các tiệm bánh mì. Nói chung thì ở Salisbury, người Việt mình khá cô đơn, không rầm rộ như ở Melbourne và Sydney hay Brisbane. Người Việt ở Adelaide chỉ đông hơn Perth và Darwin một chút mà thôi. Đi ngoài phố lâu lâu mới nhận ra có một người Việt qua lại. Tôi quanh quẩn tìm các thức ăn VN mà tìm thấy một tiệm Phở, nhưng dòm vào trong thấy vắng hoe, lúc đó đã 11 giờ trưa nên đành lội tiếp. Theo kinh nghiệm tiệm vắng thì ít khi ngon. Có thể tôi đã sai vì Adelaide đâu có khi nào nhộn nhịp như ở Richmond hay Springvale cho được !!! Tôi đến Salisbury cũng có ý tìm phòng mạch của Con Gái của một người bạn Quân Cảnh Họ Phan. Tìm hoài không thấy, cuối cùng khi ngồi xe rờiSalisbury, ra khỏi phố một chút mới thấy có vài phòng mạch nằm dọc lộ trình xe bus cho tiện chăng? Không như ở Melbourne, các phòng mạch chỉ bu quanh trong khu thương mại.

Tôi về lại trung tâm City lúc hơn 3 giờ chiều. Từ đó tôi lang thang trong mall RUNDLE PLACE cho đến chập tối mới đi ăn và về phòng chuẩn bị cho việc trả phòng vào sáng sớm hôm sau.

Mall RUNDLE Place là lấy tên con đường RUNDLE giống như đường BOURKE của Melbourne. Hầu như tất cả các thương hiệu lớn, danh tiếng đều tập trung về con đường nầy. Rundle chỉ dành cho khách mua sắm đi bộ 100%. Vào đây mua sắm món gì cũng có; đủ hạng, tùy theo giá tiền mình có thể tiêu xài.

14/6 là Thứ Sáu, buổi chiều người qua lại Rundle thật là tấp nập, tôi thấy đa số chỉ tới lui thật hối hả mà ít thấy họ vào các shop dòm ngó hay mua sắm. Adelaide nhỏ hơn Melbourne, nhưng chiều thứ sáu thiên hạ đi ngoài đường có thể là đông hơn ở Melbourne. Không hiểu tại sao nữa !?

15/6
Tôi dậy thật sớm, chuẩn bị hành lý đâu đó xong xuôi xuống trả phòng vào lúc hơn 6.00 am. Nhờ có nói trước với nhân viên khách sạn vào chiều hôm qua nên tôi chỉ ném chìa khóa phòng vào bàn reception và nhờ nhân viên canh gác mở cửa để ra ngoài.

Tôi thong thả kéo hành lý về hướng đường Franklin, đến trạm xe bus khá sớm cho chắc ăn. Ngồi đợi chừng hơn nửa giờ thì hành khách bắt đầu được lên xe và đâu đó xong xuôi, xe bus khởi hành lúc 7.20 am, giờ Adelaideđi sau giờ Melbourne ½ tiếng.

Xe bus chạy từ Adelaide đến Bendigo lúc 5.25 pm, giờMelbourne. Xuống xe bus, chờ độ 15 phút sau thì có chuyến xe lửa V/line về Melbourne. Về tới ga Southern Cross lúc 7.30 pm. Chấm dứt 1 chuyến đó đây trong vòng xứ Úc, cũng có nhiều điều mới lạ mà mình chưa biết. Tuy không phải là du lịch đúng nghĩa như đi Âu, Á, Mỹ … Nhưng chân lý vẫn luôn được chứng minh là đi một đàng học một sàng khôn … Chắc cũng có quý vị ngay thẳng hơn đề nghị ghi thêm là “Cái Sàng” cũng có cái lớn cái nhỏ chứ đâu phải chỉ duy nhứt có 1 cỡ thôi !

Một kinh nghiệm bản thân là lần sau đi trong vòng Úc, phải xách theo cái nồi cơm điện nhỏ nhứt thì sẽ đỡ tốn và ngon miệng hơn. Chỉ cần một hộp thức ăn take away là xong ngay !./-

LHXung
Mitcham, Cuối 6/13.

No comments:

Post a Comment