Friday, September 2, 2022

KHÔNG AI ĐƯỢC QUYỀN ĐỨNG TRÊN LUẬT PHÁP

Thái Hóa Lộc

Trong chiều dài lịch sử Hoa Kỳ, chưa bao giờ có một cuộc bầu cử giữa kỳ quan trọng đang là một cuộc tử chiến một mất một còn giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa như năm 2022. Ngay cả những người ủng hộ bên này hay bên kia cũng không nương tay, ăn miếng trả miếng và không ngoài mục đích nhìn thấy phe ta toàn thắng. Cuộc đột kích FBI lục xét tư dinh cựu TT Trump kết quả trắng đen chính thức chưa đến hồi kết cuộc. Nhưng cả hai bên, đặc biệt trong cộng đồng tỵ nạn Việt Nam bênh và chống ông Trump đều có một nhận định giống nhau là “Không ai được quyền đứng trên luật pháp!”. Đối với một nước pháp trị như Hoa Kỳ, điều này hoàn toàn đúng, nhưng ai là người đã đứng trên luật pháp Hoa Kỳ hiện nay?

Mỹ có trên dưới 400 năm lịch sử kể từ khi dân Âu Châu ào ạt đổ bộ lên bờ biển đông bắc Mỹ, và trong khoảng hơn 100 năm đầu. Nhưng rồi sau đó, luật lệ được đặt ra để ổn định nạn vô luật pháp, dần dần biến thành xứ pháp trị mà lại là pháp trị mạnh nhất, mạnh hơn xa tất cả các xứ gọi là ‘văn minh’ Âu Châu đã có pháp trị cả ngàn năm trước khi nước Mỹ ra đời. Nhưng đó là nước Mỹ của vài thế hệ trước, của vài thập niên trước. Và bây giờ, nước Mỹ đã thay đổi và biến dạng. Nước Mỹ đang tiến đến đảng trị….Một tờ báo Mỹ đã có nhận định về chế độ pháp trị của Mỹ hiện nay. “In America, no one is above the law except those who are”. Chúng ta có thể hiểu, trong xứ Mỹ, không ai được ngồi trên luật pháp cả, ngoại trừ những người đã ngồi rồi…

Trên căn bản không ai có thể ngồi trên luật pháp hết. Phạm pháp là đi tù, bất kể lính hay quan, cũng như dân, giàu, nghèo, trắng, đen, hay vàng… Thế nhưng trong hơn một năm rưỡi qua, cũng như trong mấy năm trước khi ông Trump làm tổng thống, tức là thời Obama, ta đã chứng kiến rất nhiều chuyện quái dị, nếu không muốn nói là chuyện ‘những người ngồi chồm hỗm trên đầu luật pháp’ thì cũng phải nói đó là chuyện ‘những người được hưởng quy chế luật khác, chẳng giống luật áp dụng cho thiên hạ’, mà là được hưởng quy chế của … luật “riêng”

Điều này khi bản tin NBC kết tội ông Trump để nhớ lại việc làm của bà Hillary Clinton: tội thứ nhất là ‘không ai được phổ biến, chuyển giao, hay nhận tài liệu liên quan đến quốc phòng’, vi phạm có thể bị phạt 10 năm tù; tội thứ nhì ‘không ai được di chuyển, lấy đi các tài liệu khỏi các công sở chính thức’, vi phạm có thể bị phạt 5 năm tù; và tội thứ ba ‘không ai được phá hủy những tài liệu nhằm mục đích cản trở công lý’, vi phạm có thể bị phạt 20 năm tù. Tổng cộng 35 năm tù!

Trường hợp bà Clinton đã người công khai, vi phạm đầy đủ ba tội trên, được FBI xác nhận, nhưng lại không bị truy tố gì hết, không đi tù một ngày nào, cũng chưa bị NBC kết án. Nếu đọc kỹ và hiểu rõ ba điều luật trên, nhất là 2 hành vi ‘removal’ và ‘destruction’, thì mới thấy rõ bà Hillary đã phạm đủ cả ba tội, khi bà cho thiết lập nguyên một dàn hệ thống email trong phòng ngủ tại tư dinh của bà, không phải công sở, để trao đổi và lưu giữ tài liệu an ninh quốc phòng và ngoại giao của Mỹ, rồi sau đó khi bị điều tra, tự ý xóa bỏ hơn 33.000 emails mà chẳng ai biết có bao nhiêu tin bí mật an ninh quốc gia trong đó. 

Một mặt bà Hillary ra thông tư cho tất cả nhân viên bộ Ngoại Giao dưới quyền bà bắt buộc phải sử dụng hệ thống emails chính thức của bộ, cấm không được ‘làm việc’ qua hệ thống emails thương mại như gmail, yahoo,… để bảo đảm tính cách mật của các hoạt động ngoại giao. Mặt khác bà cho thiết lập nguyên một giàn máy email cá nhân cho riêng một mình bà trong phòng ngủ tại tư dinh của bà, để bà sử dụng, gửi, chuyển, nhận, lưu trữ và xóa tất cả emails, tài liệu, công văn, báo cáo, trao đổi liên lạc,… của bà với nhân viên ngoại giao khắp thế giới, luôn cả với TT Obama và nội các, bộ Quốc Phòng, bộ An Ninh Lãnh Thổ,… luôn cả thượng viện, hạ viện, cũng như liên lạc với các quốc trưởng, thủ tướng,… Không biết bao nhiêu là loại tối mật?! Ngay cả trong 33.000 emails bà tự ý xóa, ai biết được có mấy trăm hay mấy ngàn hay mấy vạn tin tối mật? Đừng nên quên tất cả những tài liệu trên, trên căn bản thuộc sở hữu quốc gia, của Nhà Nước chứ không phải của cá nhân bà Hillary.

Khi đó, FBI dưới quyền ông James Comey điều tra hai lần, kết luận bà Hillary vi phạm rất nhiều luật nhưng lại kèm theo câu ghi chú: FBI không phải là cơ quan truy tố mà chỉ là cơ quan điều tra, truy tố hay không là quyết định của bộ Tư PhápNghĩa là FBI bán cái qua cho bộ Tư Pháp để lấy quyết định truy tố hay không. Và quả nhiên, bộ Tư Pháp dưới quyền bộ trưởng Eric Holder do Obama bổ nhiệm đã xếp lại hồ sơ!

Cuộc đột kích tư dịch cựu TT Trump, Bộ Tư Pháp, theo lệnh của ông tòa Reinhart, đã công bố hồ sơ bộ đã nộp cho quan tòa để xin trát tòa đột kích khám xét tư dinh ông Trump. Chính xác ra thì đây là tờ trình hữu thệ của bộ Tư Pháp, trình bày đầy đủ lý do tại sao muốn xin trát tòa để được đột kích vào khám xét tư dinh ông Trump. Một điều rất ngạc nhiên Bộ Tư Pháp công bố một tập hồ sơ 38 trang thì đã bị bôi đen hết 20 trang, phần còn lại thì rời rạc coi như có mà không và chính điều này ông Trump đã đưa đơn kiện bộ Tư Pháp đòi bộ phải bổ nhiệm một luật sư chuyên gia ‘độc lập’ để cứu xét các tài liệu bộ và FBI tịch thu ‘trái phép’ từ tư dinh ông, và hoàn trả ngay tất cả những tài liệu không ghi cụ thể trong trát tòa. Tuy nhiên, quan tòa đã yêu cầu Trump giải thích rõ hơn tại sao lại cần một luật sư độc lập xem xét tài liệu, phải chăng ông Trump cho rằng FBI và bộ Tư Pháp không đáng tin tưởng?

Báo Wall Street Journal cũng đã có bài phân tích chi tiết do hai luật gia viết, giải thích việc bộ Tư Pháp ra lệnh cho FBI đột kích khám xét tư dinh của ông Trump, tịch thu tất cả mọi tài liệu liên quan đến toàn thể bốn năm cầm quyền của TT Trump, là việc hoàn toàn không có căn bản pháp lý. Bài viết dài, nhưng tựu chung khẳng định bộ Tư Pháp đã đi quá xa quyền hạn của mình. Ông Trump đòi hỏi bộ Tư Pháp công bố trọn vẹn hồ sơ nộp cho tòa để xin trát đột kích tư dinh ông, không có kiểm duyệt bôi đen hay đục bỏ.

Giáo sư DC Alan Dershowitz tiên đoán bộ Tư Pháp sẽ công bố hồ sơ FBI đột kích khám xét tư dinh ông Trump, nhưng theo kiểu ‘gạn lọc’ kỹ càng để loại bỏ những chi tiết bất lợi cho bộ Tư Pháp và FBI trong khi nhấn mạnh các chi tiết có hại cho ông Trump. Theo ông Dershowitz, việc công bố một tài liệu được gạn lọc như vậy hoàn toàn vô nghĩa trên phương diện pháp lý. Ông Dershowitz là cựu giáo sư luật của Đại Học Harvard, thuộc đảng DC đã từng bầu cho Obama và Hillary.

Theo ông Bill Barr, cựu Bộ Trưởng Tư Pháp thời ông Trump cho rằng Mỹ phải cần cải tổ rất nhiều, nhưng thay vì công kích loạn xạ, tốt nhất nên giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử để có đủ quyền lực sửa đổi. Chiến thắng của ông Glenn Young, thống đốc Virginia là một bước tiến của sự thay đổi. Trên căn bản, ông Barr nói không sai, đả kích và chỉ trích bộ Tư Pháp hay FBI thật ra đã đi quá xa.

Dù sao trong hai cơ quan đó, tất phải có nhiều người không hoàn toàn phe đảng quá lố bịch. Trong khi chưa rõ trắng đen, chúng ta nên bình tĩnh hơn, hãy chờ xem tình hình diễn tiến như thế nào và còn tùy vào lá phiếu của người dân quyết định có muốn thay đổi không. 

Đảng Dân Chủ đang nắm cả Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp. Tổng thống Biden phủ nhận không biết về vụ đột kích tư dinh của cựu TT Trump đến người nữ Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc nhưng lại chính người phụ tá của Tòa Bạch Ốc từ lâu làm việc với Bộ Tư Pháp tiết lộ là được phép của TT Biden!

Sự thật ai đúng ai sai và ai là người đã đứng trên luật pháp!

No comments:

Post a Comment