Saturday, September 3, 2022

Hạc Xưa Về Khép Cánh Tà

Hạc ít khi xuất hiện trong văn học Tây phương; tuy vậy, thường được nhắc đến trong huyền thoại và tôn giáo.

Khi Odysseus và Diomedes mang con ngựa gỗ Trojan đánh chiếm thành Troy thành công, nữ thần Athena gửi chim hạc đi khắp nơi để báo tin mừng. Hình dáng mảnh mai, bước đi khoan thai, và cái vẻ đơn độc của loài hạc luôn được khen tặng là biểu tượng cho nét quý phái, thanh lịch, và tự do; một vẻ đẹp tự nhiên của đất trời.

Thuở xưa người Ai Cập thờ thần Benu. Tiếng kêu của Benu đánh dấu sự khai thiên lập địa và một ngày nào đó, tiếng của Benu cũng sẽ báo hiệu ngày tận thế. Hình tượng hay tranh vẽ cho thấy Benu giống như con hạc. Người La Mã tin rằng hạc là biểu tượng của sự tái sinh. Ovid, nhà thơ La Mã sinh năm 43 trước Công Nguyên và mất năm 17 (hay 18), giải thích rằng Ardae, thành phố nhỏ phía Nam La Mã, bị tướng Aeneas của quân đội thành Troy, san thành bình địa. Giữa hoang tàn đổ nát có con chim màu xám tro xuất hiện. Con chim có hình dáng mảnh khảnh cổ cao và chân dài, giang cánh đôi cánh rộng ngửa cổ thoát ra một tràng âm thanh áo não. Người Anh gọi loài chim này là Ardea Cinerea có nghĩa là con hạc màu tro. Hình ảnh và tiếng kêu của chim hạc được xem là điềm lành.

Tôi từng nghĩ rằng hạc là loại chim chỉ có trong tôn giáo, huyền thoại, thi ca, và âm nhạc. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy hạc tận mắt. Tôi chỉ thấy hạc qua tranh vẽ, chim hạc ngậm tràng hạt bay đi về hướng nào đó, chắc là Thiên Thai hay Bồng Lai tiên cảnh.

Không biết tôi gặp con hạc nào trước. Hạc trong cái hạc bay lên vút tận trời[1] hay hai con hạc trắng bay về, về Bồng Lai[2]. Dù sao, tôi cũng biết thêm một điều, con hạc là loại chim màu trắng. Theo tranh vẽ, hạc có mỏ dài, cổ cong, cẳng cao, trông giống như con cò.

Năm 2007, về thăm Việt Nam tôi thấy tượng chim hạc trong vài đền thờ. Hạc rất cao lớn và dưới chân là con rùa nhỏ xíu. Tôi thắc mắc. Phải chăng người mình dùng hạc, để thay thế phụng của người Trung quốc, làm biểu tượng của sự trường thọ. Tôi tự hỏi vì sao một loài chim quý ở cõi tiên lại được đặt bên cạnh rùa, một loài vật của hạ giới. Hạc và rùa có lẽ cùng hiện diện ở chùa và đền thờ rất nhiều nên ca dao Việt Nam có hai câu:

Cảm thương con hạc ở chùa
Muốn bay da diết có rùa giữ chân

Tôi gặp hạc nhiều hơn trong thi ca Việt Nam. Chim hạc có màu trắng. Nhà thơ Phạm Thiên Thư nói thế.

Anh nằm gối cỏ chờ hoa
Áo em bạch hạc la đà thái hư (Phạm Thiên Thư)

Tôi biết bạch hạc là hạc trắng, nhưng la đà thái hư là gì và tại sao lại la đà thái hư? Tôi không hiểu hết nhưng đọc hai câu thơ vẫn cảm thấy hay hay, ngồ ngộ, vương vấn mùi hương Phật giáo.

Tuổi đời thêm một chút, tôi gặp con hạc vàng, qua bài thơ của Thôi Hiệu. Con hạc vàng này không có thật. Có người vào một quán rượu bên sông uống rượu mà không có tiền để trả. Để trả nợ, ông ta vẽ một con hạc màu vàng trên tường của quán rượu để trừ nợ. Sau khi ông ta đi rồi, có con hoàng hạc xuất hiện múa và hót cho khách trong quán thưởng thức. Khách đến mỗi ngày một đông hơn, chủ quán mỗi ngày một giàu hơn. Quán rượu xây thêm mấy tầng lầu lộng lẫy đặt tên Hoàng Hạc Lâu. Rồi có một ngày, hoàng hạc biến mất nhưng thi nhân vẫn tìm đến ngắm cảnh đẹp và uống rượu. Thôi Hiệu đến đề bài thơ lên vách. Lý Bạch đến sau đọc bài thơ của Thôi Hiệu ngậm ngùi than rằng vì bài thơ Hoàng Hạc Lâu quá hay nên ông không dám đề thơ. Câu thơ về con hạc vàng được thi sĩ Vũ Hoàng Chương phóng bút thành Vàng tung cánh hạc đi đi mất. Trắng một màu mây vạn vạn đời. Tuy nhiên, bài thơ lưu danh muôn thuở không phải chỉ vì phong cảnh mà vì nó nói lên nỗi lòng của người ly hương, cho dù có đứng trước rừng cây đẹp hay bãi cỏ xanh của xứ người, thì nhìn khói chiều trên sông nước lòng vẫn bâng khuâng nhớ về quê cũ.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai (Tản Đà)

Ngoài bài thơ Tống Biệt, Tản Đà cũng nhắc đến hạc trong một bài thơ khác

Trông khắp trần gian hết thú chơi
Thèm trông con hạc nó lên trời.
Hạc kia bay bổng tuyệt vời
Hỏi thăm cung Nguyệt cho người trọ không?

Câu chuyện hoàng hạc múa hát làm vui tửu khách khiến tôi nghĩ rằng tiếng hót của con hạc phải hay. Nhà thơ Nguyễn Du so sánh tiếng đàn của Kiều với tiếng hạc qua mấy câu thơ.

Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.

Cổ tích của Ai Cập và La Mã đều có nói đến tiếng kêu của loài hạc. Dù hạc và tiếng kêu của hạc là điềm lành, biểu tượng của sự tái sinh, nhưng các nhà viết cổ tích của Ai Cập và La Mã đều nói rằng tiếng kêu của hạc nghe chát chúa và áo não. Bạn có bao giờ được nghe tiếng hạc? Việt Nam có một vở tuồng cải lương có tựa đề “Tiếng Hạc Trong Trăng” nói về tình yêu của một cô gái mù. Trang phục của diễn viên trong vở tuồng này thấp thoáng nét của trang phục Nhật Bản. Tên vở tuồng cải lương và câu thơ của Nguyễn Du khiến tôi tưởng tượng tiếng hạc nghe chắc phải hay, thơ mộng, và lãng mạn. Chắc chắn phải ngược lại với lời miêu tả của các nhà văn cổ tích Ai Cập và La Mã.

Biết hạc màu trắng, giọng hạc trong, nhưng hạc có phải là loài chim có thật hay không? Nó ra làm sao? Mấy mươi năm trong đời, tôi chỉ biết vài loại chim như chim sẻ, con cò, và một vài loại chim khác qua mấy câu ca dao:

Cái cò, cái vạc, cái nông.
Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò.

Nghe câu hát vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi, tôi cho rằng con vạc cũng là con hạc. Hai câu ca dao nói trên khiến tôi đoán rằng con hạc có thể là loại chim có thật, và loài chim này sống ở nông thôn như con cò chứ không phải ở Thiên Thai. Nhà thơ Nguyễn Trãi có bài thơ.

Cò nằm hạc lặn nên bầy bạn
Ủ ấp cùng ta làm cái con

Mãi đến năm 2012 khi hiking trong rừng thường xuyên tôi mới biết hạc là loại chim có thật. Hạc thường tìm thức ăn ở đầm lầy, bờ sông, những nơi nước không sâu lắm. Nó không bay lên đáp xuống thoăn thoắt như các loại chim nhỏ, chỉ đủng đỉnh từng bước một và có thể đứng rất lâu ở một chỗ. Hạc thường đi kiếm ăn một mình và ở nó luôn toát ra một vẻ cô độc. Nhà thơ Nhật Bản Shiki bắt được nét cô độc của hạc trong bài haiku, bản tiếng Anh của R. H. Blyth.

Rose-mallows are blooming;
The widowed heron
Of the old pond.
Shiki.

Dâm bụt nở rộ
Con hạc góa bụa
Bên hồ cũ xưa.(NTHH dịch)

Khi lớp lông mềm bên trong bị ướt, hạc giang cánh ra thật rộng để phơi, nhưng có đôi ba lần tôi thấy con hạc xám lật ngửa hai cánh ra trước ngực như một người áo lam đứng vòng tay ngang rốn, tôi tưởng lầm nó bị gãy cánh. Tìm trên mạng biết nó lật ngửa cánh phơi cho khô ngực tôi đỡ thắc thỏm. Chim hạc phơi cánh thì thấy rồi còn con hạc khép cánh tà của Phạm Thiên Thư ra làm sao?

Hạc xưa về khép cánh tà
Tiếng rơi thành hạt mưa sa tần ngần.

Không biết. Nhưng câu thơ bổng trầm gợi trong tôi một vẻ đẹp chỉ có trong thi ca. Tiếng hạc đọng lại thành những giọt mưa và rơi xuống. Nhẹ nhàng. Trầm ngâm. Câu thơ khiến tôi, một người không biết làm thơ, suy nghĩ. Thơ là như vậy. Những con chữ được ghép lại một cách vần điệu, âm thanh trầm bổng, chứa đựng một hình ảnh đẹp của thiên nhiên, của kiều nữ. Người đọc không cần hiểu hết nghĩa của từng chữ từng câu. Chỉ cần cảm nhận được, dù một cách mơ hồ, cái đẹp của bài thơ.

Hạc tiếng Anh là crane thuộc nhóm Gruidae, người miền Bắc gọi là con sếu. Vạc tiếng Anh là heron thuộc nhóm Ardeidae còn được gọi là con diệc. Ardea Cinerea con chim màu xám tro xuất hiện ở cổ thành Ardae đổ nát của La Mã là con heron. Bạn hãy để ý cái nguồn gốc Ardea. Trước kia các nhà điểu học đã xếp vạc và hạc vào nhóm Ardeidae. Cò thuộc về nhóm Ciconiidae. Hạc, vạc, và cò có nét giống nhau ở chỗ cổ cong và cẳng cao. Hạc, vạc, và cò (stork) đều là loại chim to. Người ta tôn kính hạc có thể tại vì vóc dáng to lớn của hạc. Người xưa hay thờ những con vật có thể làm người ta sợ hãi. Khi Huy Cận viết câu thơ Lòng anh mở với quạt này, trăm con chim mộng về bay đầu giường tôi chắc chắn trăm con chim mộng này không phải là chim hạc. Nếu là hạc thì người ta phải dời cái giường ra giữa đồng mới đủ chỗ cho trăm con. Và người em nào đó nằm trên giường chắc là sợ mất vía với trăm con hạc đập cánh bay phần phật.

Ở đường trail Delaware và Raritan, dọc theo sông Millstone và Raritan, có loại vạc xám người Mỹ gọi là great blue heron để phân biệt với heron có hình dáng nhỏ hơn. Rất có thể Ardea Cinerea, trong huyền thoại La Mã, là great blue heron. Người Mỹ dùng chữ blue để miêu tả loạt màu từ xanh đậm cho tới xanh nhạt cho tới xám nhạt. Vạc trắng egret hơi nhỏ hơn loài vạc xám. Hạc và rùa thường đậu và nằm trên những gốc cây dọc bờ sông. Điêu khắc gia Việt Nam có lẽ đã mang hình ảnh này vào chùa và đền thờ qua những bức tượng.

Con hạc trắng (sếu) mãi đến bây giờ tôi cũng chỉ nhìn thấy qua phim ảnh. Ở Hokkaido có loại sếu trắng đầu đỏ nổi tiếng bay múa rất đẹp trong mùa gọi tình. Tôi chỉ được thấy tận mắt loại hạc - sandhill crane, màu xám nhạt nhỏ hơn con vạc xám -great blue heron cỡ một chín một mười, và trên má có màu đỏ. Mùa đông loại hạc này thiên di ngang New Jersey. Tôi gặp một đàn mười con đậu trên đồng cỏ khô.

Tôi cũng nhận ra một điều; tiếng hạc không hay, không êm ái du dương, như tôi tưởng tượng. Thỉnh thoảng tôi vô tình đến gần chỗ hạc đang đứng, khiến nó hoảng sợ vụt bay, để rơi lại trong thinh không một chuỗi âm thanh arck… arck… arck nghe chát chúa. Nguyễn Du bảo là trong, có lẽ là trong trẻo hay trong vắt, nhưng trong trẻo đâu có nghĩa là thanh tao dịu dàng. Bảo đảm, trong đêm, dù bạn đang ngủ nằm mơ cũng có thể bị tiếng hạc đánh thức nhưng không phải tiếng chim như trong mấy câu thơ của Phạm Thiên Thư.

Đôi uyên ương trắng bay rồi
Tiếng kêu tha thiết bên trời chớm đông.

Kể ra cũng khó phân biệt con vạc và con hạc. Có người quan sát bảo rằng con vạc khi bay rụt cổ lại, còn hạc thì giương cổ ra. Tôi đã nhầm lẫn vạc với hạc. Lần đầu tiên khi gặp great blue heron tôi đã gọi nó là con hạc xám thay vì vạc xám. Bài văn này không là bài nghiên cứu khoa học về chim, nên sự phân loại chính xác giữa vạc và hạc, tôi mong là có thể bỏ qua. Con hạc trong bài này là con vạc – heron chứ không phải là con sếu – crane. Mong độc giả tha lỗi.

– Nguyễn Thị Hải Hà
(08/30/2022)

No comments:

Post a Comment