Wednesday, September 21, 2022

*CON ĐẤU TỐ CHA*

*LT: Chuyện kể của chính tác giả trong giai đoạn "Cải cách ruộng đất"*

Trần Mạnh Hảo (sinh năm 1947) là một nhà thơ, nhà văn kiêm nhà báo Việt Nam. Ông từng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến năm 1989, viết cuốn Ly Thân và bị khai trừ khỏi đảng. Hiện ông sống ở Việt Nam như một tác giả tự do.

Ông cũng từng giữ chức danh ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam.

o0o

Quê tôi làng Bình Hải, năm ấy có tên là xã Thúc Kháng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định được trên ưu ái cho long trời lở đất làm cuộc cải cách ruộng đất vào đông xuân 1956-1957 khi tôi đã 10 tuổi; nên tôi đã là chứng nhân, là một thành viên trong cuộc cải cách đầy máu và nước mắt này.

Như có lần tôi đã kể, tôi có hai ông nội. 

Một ông nội nuôi bố tôi từ thơ bé, theo đạo Thiên Chúa, đã dựng vợ gả chồng cho bố tôi, rồi năm 1954 di cư vào Nam nên ông nội họ Trần của tôi và các cô chú tôi thoát khỏi tai nạn cải cách ruộng đất. 

Ông nội sinh ra bố tôi họ Phạm, theo đạo Phật, gia đình nuôi cán bộ trong kháng chiến nên không bị quy lên địa chủ, chỉ phải nhục nhã kiểm thảo trước nhân dân vì tội có học, biết chữ Hán và chữ quốc ngữ, nhà có nhiều sách, để cho ông em ruột có chữ, được vua ban cho chức quan thấp nhất là cửu phẩm.

Chính ra ông nội họ Phạm của tôi đã bị xử bắn vì bị quy lên hàng trí thức, nhưng vì có quý nhân là quan lớn cải cách che đỡ nên cho thôi. 

Chỉ có một ông em ruột, em út của ông nội họ Phạm của tôi là cụ sư Niên (Phạm Văn Niên) là sư cụ trụ trì một ngôi chùa to trong huyện bị quy lên địa chủ và bị đội cải cách lệnh cho phá chùa. 

Trước ngày bị đấu tố, biết chắc chắn sẽ bị chúng xử bắn, cụ sư Niên đã treo cổ chết phản đối chính quyền đã vu oan giá họa cho sư cụ nhằm phá chùa.

Bố tôi bị quy lên địa chủ, bị trói nhốt chuồng trâu chờ ngày đấu tố. Tôi đã chứng kiến Tây đi càn quét nhưng không khí làng tôi những ngày cải cách đấu tố bắn bỏ địa chủ còn kinh khủng hơn nhiều đầu năm 1954 quân Pháp càn quét tìm Việt Minh. 

Cùng với các ông đội bà đội trên cử xuống, hai ông Chi và Bính ( hai anh em ruột) trước kia làm nghề ăn trộm giờ là cốt cán trong cuộc đấu tố, đêm đêm đi vận động người tố điêu địa chủ : rằng vợ phải đấu tố chồng, con phải đấu tố cha mẹ, anh em phải đấu tố nhau, con dâu phải tố bố chồng hãm hiếp mình, phật tử nữ phải đấu tố nhà sư, vu cho sư cưỡng hiếp mình thì mới dễ xử bắn sư…

Bọn thiếu nhi thiếu niên chúng tôi con địa chủ cũng được hai ông Chi, Bính quán triệt trước, rằng các cháu chịu khó đấu tố bố mình đi thì bố mới được thả về, bằng không đội bắn bỏ đừng khóc…

Tin vào hai ông thần đấu tố ở làng và các ông bà đội, mấy đứa con địa chủ chúng tôi chấp nhận đấu tố bố mình trước đội thiêu nhi thiếu niên theo kịch bản tố điêu của cấp trên để hòng cứu bố khỏi bị bắn.

Để việc đấu tố bố tôi sáng mai tốt đẹp theo ý ông đội, họ tổ chức cho các con địa chủ đấu tố bố mình tối hôm trước. 

Đến lượt mình, tôi run bắn ấp úng thưa :
- Kính thưa các bác đội, con xin đấu tố bố con là bố Hiền ạ !

Ông đội hét :
- Không được gọi bố, vì nó là giai cấp bóc lột, em phải gọi nó bằng thằng!

Tôi run run lí nhí :
- Dạ em đấu tố thằng bố em ạ !

- Không, nó không còn là bố em nữa, em là con của đảng, nó là thằng đối kháng giai cấp, đã đảo tên địa chủ Hiền…

Tất cả bọn thiếu nhi hô to đả đảo làm tôi mất hết tinh thần, run lên như chính mình sắp bị xử bắn. 

Tôi bèn kể lể dông dài một cách điêu toa là thằng địa chủ Hiền kia đã bóc lột con gà nhà bà Lộng, bóc lột con chó nhà bà Y, bóc lột gạo thóc ngoài ruộng nhà bần cố nông…

Ông đội chỉ đạo cuộc đấu tố thí nghiệm hét lên :
- Tội nó ác hơn nhiều, em không đấu tố nó thì nó sẽ bị xử bắn.

Tôi hết hồn, điên lên hét thật to :
- Thằng địa chủ Hiền gian ác đã giết cả làng ta, đả đảo !

Trong tiếng hô đả đảo vang trời của bọn thiếu niên thiếu nhi con cái các ông bà nông dân, thì ông đội tát cái bốp vào mặt tôi, khiến tôi ngã dúi, vừa tát ông vừa hét :

- Thôi, câm ngay, đấu tố, chửi bố mình vượt chỉ tiêu trên giao !

Nghĩa là tôi đấu tố bố mình điêu hơn, ngoa hơn cả bài tố điêu tố gian của toàn đảng toàn dân ta đang long trời lở đất, kinh quá !

Trần Mạnh Hảo

No comments:

Post a Comment