Tuesday, August 30, 2022

Thú coi phim thời đi học


Tôi tiếp xúc với các rạp chiếu phim từ khi học ở Đà Lạt sau Mậu Thân 1968. Hồi đó, thành phố hoa này có 3 rạp: Ngọc Lan, Hòa Bình và Ngọc Hiệp. Không đi thường xuyên hàng tuần hay hai tuần như Huế sau này mà chỉ chọn rạp và phim đáng coi. Chọn rạp cũng giống như chọn nhà xuất bản mà mua sách thì ở Đà Lạt, rạp Ngọc Lan với anh em tôi là rạp “danh giá”, luôn chọn phim giá trị, rạp Hòa Bình chiếu phim phổ thông và rạp Ngọc Hiệp chuyên phim Tàu, phim Ấn Độ. Do vậy, tôi luôn mê Ngọc Lan và thường coi ở đó.

Ở Huế có 4 rạp: Hưng Đạo, Tân Tân, Châu Tinh và Z96. Ba rạp đầu cách chọn phim như nhau nhưng Hưng Đạo chỗ ngồi rộng rãi, đẹp và thoải mái hơn hai rạp kia, Z96 thì nghèo và phim… tệ! Tất nhiên, đây chỉ là nhận định chủ quan của tôi và bạn bè ngày ấy.

Ở Đà Nẵng, mỗi lần có dịp về, tôi thường coi ở rạp Kinh Đô trên đường Độc Lập gần Air Việt Nam; Trưng Vương trên đường Hùng Vương; chưa hề coi phim ở rạp Kim Châu (Độc Lập), Lido ở gần nhà lưu niệm cụ Phan Chu Trinh ngã năm và Tân Thanh (Chợ Cồn) bao giờ. Lý do cũng chỉ là chuyện các rạp họ chiếu phim gì. Các rạp chiếu phim trước 1975, ngoài áp phích (affiche) treo ngay ở trước rạp còn treo quảng cáo cho phim sắp chiếu ở các nơi đông người trong thành phố với chừng 5 – 10 bức rộng khoảng 60x100cm. Các bảng quảng cáo này do những họa sĩ chuyên nghiệp vẽ vội vàng với màu nước vì sẽ bỏ đi sau khi phim chiếu xong. Ngoài ra có những affiches lớn hơn do chính hãng phim in màu, có bức có hình tài tử cao bằng cả người thường đặt ngay gần phòng vé.

Tất cả các rạp, trước giờ chiếu (hoặc trước đó) thường phát cho khán giả tờ chương trình, giới thiệu tài tử và tóm tắt truyện phim thường gọi là pồ gam (programme). Tôi thích giữ lại những tờ này để khi nhớ đến tên phim, có cách nhớ nội dung nhưng qua thời gian, di chuyển nơi ở và chiến tranh loạn lạc nên mất mát nhiều, chỉ còn giữ lại một ít. Vừa rồi, vợ anh bạn nhắn tin xin vài tờ để cho con trai là một Kiến trúc sư biết. Tôi tìm ngay và chụp hình ít tấm gửi cho bạn. Tôi cũng hẹn nếu có địa chỉ, tôi sẽ gửi tặng cháu vài tờ. Nghe rằng “cháu là tip người hoài cổ”. Có lẽ thú vị vì không ngờ sau 54 năm, tôi vẫn giữ được những tờ programmes này nên anh đề nghị tôi viết lại.

Những người thích coi phim ngày xưa được gọi là “dân ghiền phim” hay “con ma ciné”. Tôi không nghe ai nói về mình như vậy dù tôi rất mê phim. Tôi thường không bỏ qua những phim kinh điển và nổi tiếng hoặc được giới thiệu trước với những tài tử mình mến mộ, từ những tên tuổi như Liz Taylor, Gina Lollobrigida đến Charles Bronson, Omar Sharif, từ Brigitte Bardot đến Paul Newman… Và chúng tôi vẫn nói đùa với nhau khi đọc một loạt tên tài tử như phù thủy đọc thần chú: “Jeanne Moreau, Brigitte Bardot, Fernando Sancho”. Thấy tôi thường coi phim, kể cả phim không hay, chị tôi than phiền, “Vì sao em coi cả những phim người đã coi trước chê dở?” Tôi nói nếu tìm ra điểm dở của nó thì mình hay. Chị chịu.

Đi coi phim có lần tôi cũng bị móc bóp ở rạp Tân Tân – Huế vào hôm trời mưa lạnh, mặc cả pardessus bên ngoài vẫn bị mất ví trong đó có ít tiền và giấy tờ. Về sau cảnh sát Đông Ba mời tới lấy cung, để hỏi tôi có “cung cấp giấy tờ cho bọn ăn trộm?”. Tôi chìa tờ cớ mất, họ trả lại giấy tờ mình mất chưa kịp xin lại. Có nhiều kỷ niệm khó quên trong “thiên cố sự” về phim ảnh này. Đêm trước ngày thi môn của thầy Lê Khắc Phò, vị giáo sư mà không có sinh viên nào không lo lắng, tôi và anh bạn thân nay đã qua đời là Hoàng Văn Tôn cùng đi coi, không may lại gặp thầy cũng đang chuẩn bị vào rạp Tân Tân. Thầy ngạc nhiên và hỏi ngay sau khi chúng tôi chào: “Mai đi thi mà anh Quý và anh Tôn cũng đi coi phim sao?”. Túng kế, tôi đáp bừa: “Thưa thầy, em đi coi để thư giãn và tìm cảm hứng thầy à”. Thầy chịu!

Dân ghiền phim thường có khuynh hướng tìm hiểu phim sẽ về các rạp ở thành phố mình, sắp tới là phim gì vì thông thường phim sẽ tuần tự từ SG ra đến Huế. Do vậy, khi biết phim Docteur Zhivago ra đến Đà Nẵng, từ Huế tôi đã về để coi trước mọi người. Không ngờ lúc đó Cha Phương cho thi ngay môn ngài vừa dạy xong, may có anh bạn cùng lớp giúp… làm bài hộ! Chuyện này nhiều người biết và tôi bị phỏng vấn nhiều lần ở hành lang Văn khoa mấy ngày sau đó! Riêng phim Love Story thì chúng tôi coi ở Hội Việt Mỹ khi biết ở đó sắp chiếu cho những độc giả giới hạn của Hội và mãi mấy tháng sau mới chiếu ở rạp.

Các rạp có lúc chiếu thường trực, liên tục, vừa hết phim lại bắt đầu chiếu lại gọi là “permanent” hoặc chiếu xuất trong ngày tùy phim và tùy rạp. Dù chiếu permanent (thường trực) như ở rạp Ngọc Lan Đà Lạt thì chúng tôi vẫn chờ đến khi hết phim, khách lục tục kéo ra thì mình mới vào xem để theo dõi từ đầu. Các rạp chiếu xuất thường gần hết xuất tối là không soát vé vào, nhiều người không có tiền mà mê phim thường đợi đến lúc này để vào coi cọp, dù chỉ là phần cuối! Tuy vậy, vẫn nói dóc với bạn bè là “Tau coi phim thả cửa!”. Các rạp bán vé theo hạng, hạng đắt tiền ngồi xa màn ảnh nhất và ít tiền ngồi… sát màn ảnh!

Thời chúng tôi, phim Hong Kong cũng luôn hấp dẫn khi có những tài tử nổi tiếng như Vương Vũ, Khương Đại Vệ, La Liệt xuất hiện. Minh tinh nổi tiếng đẹp, diễn xuất hay ngày ấy là Trịnh Phối Phối. Một lần nghe rạp Hưng Đạo chiếu phim có Trịnh Phối Phối đóng, tôi và bạn Tôn không thể không mua vé vào coi dù đang gạo bài thi. Khi Trịnh Phối Phối xuất hiện xong là chúng tôi đứng dậy để về nhà học bài tiếp! Lại nhớ hồi học địa lý với thầy Phò, thầy kể chuyện mặt trái của các phim trường. Khi thực hiện phim cao bồi ở Ý, không tìm được ngoại cảnh sa mạc, nhà làm phim phải giải quyết bằng cách cho trải cát trên mặt bằng rộng. Khi ngựa chạy qua, vết chân ngựa làm tróc lớp cát để lòi ra bên dưới màu đất đen!

Khi đến xứ Cờ Hoa hồi giữa năm 2019, tôi được thăm San Francisco, Los Angeles, Maryland, Florida… thăm phim trường Universal ở Orlando, MGM ở Maryland. Đặc biệt may mắn là được đứa cháu dẫn đi thăm phim trường Hollywood ở Los Angeles một ngày, ở đó, xe của Hollywood chở cả đoạn đường dài vài cây số và coi những ngoại cảnh thu nhỏ để dựng các phim cao bồi, phim hải tặc, phim mô tả những trận lụt ngày xưa và cả phim Harry Potter sau này. Đó là một trong nhiều tour khó quên ở đây. Hai bên đường đi thấy các tấm bảng giới thiệu những phim lừng danh từng chiếu hàng năm của một thời. Tất cả gợi lại cho mình nhớ rạp, nhớ phim, nhớ bè bạn ngày xưa!

Nhớ lại chuyện coi phim ngày xưa là nhớ về vùng trời kỷ niệm dễ thương thời đi học với những thành phố mình sống, những người bạn thân một thời, những kiến thức về các vùng đất xa lạ và tình trạng xã hội ở những nơi các sự kiện trong phim diễn ra. Những hiểu biết từ phim đã giúp tôi giàu thêm kiến thức, có thêm nhiều bạn mới mà sở thích về phim của họ gần gũi với mình. Tất cả là một thứ hành trang đem theo trong hành trình làm người rất khó quên được và sống dậy mỗi lần có một nhắc nhớ.

Cám ơn cuộc đời, cám ơn những cuốn phim tôi đã được coi với rất, rất nhiều kỷ niệm theo cùng.

– Nguyễn Hoàng Quý

No comments:

Post a Comment