Friday, August 19, 2022

SẮT SON 

Không ngờ tôi lại là người bưng tấm ảnh chị Ngà theo sau quan tài của chị. Và cũng chính tôi là người đào huyệt chôn chị. Đám ma của chị có lẽ là một đám ma buồn nhất mà tôi chứng kiến. Có cái chết nào lại không buồn. Những ngày ở trong trại “cải tạo”, tôi đã từng khiêng xác vài người bạn tù đi chôn ở ven triền núi hoang vắng đến lạnh lẽo, trong cảnh nhá nhem của buổi chiều đông trên khu núi rừng Việt Bắc. Nhưng đó là chuyện trong tù, còn hôm nay ngay trên làng quê mình, chị Ngà đến nơi an nghỉ cuối cùng mà không có một người ruột thịt tiễn đưa, ngay cả cái áo quan cũng do bà con láng giềng góp tiền mua cho chị.

Chị nằm bên cạnh cha mẹ cùng người em trai, trên một ngọn đồi đầy những cỏ may và cây hoa bộng giếng, nhìn xuống cái làng quê mà gần cả một đời chị sống quanh quẩn ở đây, cô đơn, lặng lẽ.

Chôn cất xong, mọi người ra về, tôi nán lại, dựng tấm bia bằng gỗ trước mộ chị. Khi ngồi một mình nắn nót viết cái tên của chị lên tấm gỗ, nước mắt tôi ràn rụa, mơ hồ như thấy mình đang trở về cái thời nào đó thật xa xăm.

Ngày xưa cha tôi làm thầy giáo, dạy trường Pháp Việt. Tôi mồ côi mẹ từ lúc mới lên ba, cho nên những ngày đi dạy học ông thường dắt tôi theo. Đến lớp, ông giao tôi cho mấy anh, chị học trò lớn của ông để tôi vừa chơi vừa học. Nhờ vậy mà lúc còn bé tí xíu tôi đã biết “con ngựa cheval nhảy qua hòn núi montagne ăn cỏ herbe uống nước de l’eau “.

Trong số các anh chị dạy tôi học, tôi thích nhất là chị Ngà. Chị là con gái lớn của ông bà Tần, chuyên nuôi tằm, bán tơ, một gia đình thuộc hàng khá giả trong làng, có ngôi nhà ngói lớn, ở cách nhà ông bà nội tôi chỉ mấy cái vườn cây. Chị Ngà có làn da trắng, mái tóc thật dài. Lúc nào gặp tôi chị cũng cười và nói năng nhỏ nhẹ. Nghe cha tôi nói lại, chị hiền lành ngoan ngoãn và học rất giỏi, nên là một trong số học trò cưng của cha tôi. Thấy tôi mồ côi mẹ, lại là con của thầy mình, nên chị rất thương tôi. Ngay cả những ngày nghỉ, chị cũng thường ghé lại nhà ông bà nội, dắt tôi đi chơi, mua cho tôi mấy con bò, con gà bằng đất. Có điều tôi ít khi đến nhà chị, vì rất sợ những con tằm. Tôi bảo đó là những con sâu, mặc dù chị tốn bao nhiêu công sức để nói về lợi ích của con tằm đã làm nên tơ lụa, và những con bướm đẹp đẽ đang bay ngoài vườn kia là hoá thân từ chính những con tằm. Nhưng lúc ấy tôi nghĩ là chị đã kể từ một chuyện thần thoại nào đó nên không tin những điều chị nói.

Cả một thời ấu thơ, lớn lên ở nhà ông bà nội, ngoài cô Út ra, chị Ngà là người mà tôi gần gũi nhiều nhất. Chị có một người em trai tên Ngọc, lúc nhỏ tôi rất phục tài đá banh của anh. Gần như không trận bóng nào có anh mà thiếu tôi trong hàng khán giả nhi đồng. Nhờ anh mà đội bóng cùa làng tôi giữ chức vô địch mấy năm liền trong huyện. Tôi mê anh đá banh, nhưng nhiều cô gái trong làng thì mê anh đẹp trai, cao lớn. Sau này anh đăng vào lính thủy quận lục chiến. Nghe nói anh đánh giặc hăng lắm, nên mới ba năm đã lên tới chức trung sĩ. Lâu lâu về phép dắt theo cô bồ có mái tóc quăn, trông anh oai phong lắm.

Khi tôi từ giã quê lên tỉnh học, cũng là lúc chị Ngà ra nghề làm cô giáo, dạy một lớp nhỏ trường làng, rồi lấy chồng. Tôi cũng vinh dự được mời, và quà cưới tôi cho chị hôm ấy là bức tranh chân dung của chị do chính tay tôi vẽ. Tưởng chồng chị là ai, hoá ra là anh Phúc, cũng là học trò của cha tôi, học trên chị một lớp, người cùng làng. Nghe nói anh học giỏi, nhưng thầm lặng, ít nói và không thích giao du với bạn bè. Anh là con trai một của bà ba Tịnh. Bà góa chồng từ lúc nào tôi không biết. Chỉ nghe người ta bảo ông Tịnh theo vợ bé, là một cô đào trong gánh hát rong, rồi biệt tăm luôn.

Anh Phúc thi đậu lấy bằng primaire, nhưng viện cớ mẹ goá con côi, nên không đi làm công chức như những người khác, mà lại tự mình khai thác một khu vườn bên kia sông Gốc, trồng nhiều loại cây và có ao nuôi cá. Trong làng ai cũng khen anh biết tính toán và có lòng hiếu thảo

Trong đám học trò của cha tôi cũng có vài anh khác ngắm nghé chị Ngà, nhưng vâng lời cha mẹ, chị lấy anh Phúc, bởi anh là con một của bà mẹ góa, được nhà nước cho miễn dịch, khỏi phải đi lính xa nhà, để chị còn được gần gũi săn sóc ông bà khi đến tuổi già. Đám cưới nhà quê, nhưng khách khá đông, mà hầu hết là bạn học của hai người và cũng là học trò của cha tôi.Trong lễ cưới, sau khi cô dâu chú rể lạy tạ cha mẹ hai bên, rồi xin được lạy cha tôi một lạy để đền ơn sư. Cha tôi cầm tay anh chị dặn dò nhiều thứ, tôi không nhớ hết, chỉ còn mang máng hai tiếng thủy chung.

Từ ngày chị Ngà lấy chồng tôi ít có dịp gặp lại chị. Mặc dù nhà chồng chị cũng không xa mấy, nơi ven làng, bên con sông Gốc, mà phía bên kia sông là khu vườn của anh Phúc và cánh rừng tiếp giáp với dãy trường sơn.

Tôi gặp lại chị đúng vào một ngày buồn. Chỉ đứng nhìn chị ấy khóc. Anh Ngọc, em trai duy nhất của chị, bị tử trận đâu trong Rừng Sát. Cha mẹ chị ngất xỉu khi nhận chiếc quan tài mà không hề được báo trước. Đám ma hôm ấy nghiêm trang lắm, có cả ông quận và mấy anh lính bồng súng chào đi theo. Tôi dìu chị đi sau linh cửu, tiễn đưa anh Ngọc đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Điều làm tôi – và nhiều người – ngạc nhiên là trong đám ma của anh Ngọc, không ai nhìn thấy mặt anh Phúc, chồng chị. Mọi người thì thầm “cha nào con nấy, chắc là lại mê con đào hát nào, bỏ con Ngà rồi! ’’

Tội nghiệp cho chị và oan cho anh Phúc. Vì trước đó mẹ anh Phúc đã thay mặt con trai xin lỗi gia đình sui gia, bởi anh Phúc ốm nặng bất ngờ phải nằm bệnh viện.

Hai tháng sau, một trận lụt lớn tràn qua làng tôi, kéo theo một số nhà cửa và trâu bò, nhưng không có ai chết, ngoại trừ cái tin anh Phúc bị nước cuốn đi, khi anh còn ở khu vườn bên kia sông Gốc, chưa kịp về nhà. Mẹ anh Phúc rước thầy ngồi đồng đi tìm xác anh Phúc suốt mấy ngày liền, nhưng người ta nghĩ là xác anh đã trôi ra biển.

Trong nhà cũng lập bàn thờ, nhưng chị Ngà nhất định không chịu để tang. Chị bảo linh tính báo cho chị biết là anh Phúc, chồng chị vẫn còn sống. Có thể trôi giạt đến một nơi nào đó rồi được người ta cứu như câu chuyện nàng Thúy Kiều mà chị thường đọc cho cha mẹ chị nghe…

Tôi rời quê vào Sài gòn học, rồi sau đó đi lính. Lâu lâu nghỉ phép về quê, tôi tìm đến thăm chị. Sau ngày cha mẹ mất, chị nghỉ dạy học, bán ngôi nhà ngói lớn của ông bà, đem tiền bạc về xây lại ngôi nhà mẹ chồng thành ngôi nhà lớn ba gian, mua luôn cả khu vườn bên cạnh có trồng đủ loại cây ăn trái. Chị dành lại một số tiền mở một nhà máy xay xát nhỏ, nuôi bà mẹ chồng bị đau bệnh mấy năm nay, chỉ nằm một chỗ.

Trong làng, có người thì bảo chị ấy “khôn nhà dại chợ, bán nhà cha mẹ để gây dựng nhà chồng, và mang cả bàn thờ cha mẹ, em út sang bên ấy, không sợ tủi hổ vong linh”. Nhưng cũng có người, trong đó có ba tôi, thì khen chị, bảo là “xuất giá thì phải tùng phu, con Ngà nó làm vậy là đúng theo sách thánh hiền !”

Không hiểu có phải vì chị nghe lời dặn dò của ông Thầy, từng khai tâm và dìu dắt chị nên người, thuộc lòng hai chữ thủy chung, nên dù chồng đã biệt tích từ lâu, chị vẫn ở vậy, thờ phụng nhà chồng, trong lúc chị vẫn còn trẻ và có nhan sắc trong vùng. Có mấy ông thầy giáo ở xa đổi tới từng mon men đến chị nhưng chị khước từ.

Ngày mẹ chồng chết, cũng chỉ có mỗi một mình chị mặc áo tang. Nghe nói cái đám ma đúng vào một ngày gió mưa, ảm đạm. Người ta không chỉ thương cho người chết, chẳng có chồng con trong phút lâm chung, mà còn tội nghiệp cho cả cô dâu, một mình cô đơn đi sau quan tài, tiễn đưa bà mẹ chồng về nơi chín suối, mà cũng đưa cuộc đời mình vào chốn quạnh hiu.

Chiến tranh càng lúc càng leo thang. Sau ngày mấy ông tướng nghe theo Mỹ hạ bệ và giết hai anh em ông Ngô đình Diệm, không biết đất nước có thực sự khá hơn không, nhưng ở quê tôi thì không còn bình yên như trước nữa. Một vài người làm việc trong chính quyền bị ám sát. Cứ vài ba tuần lại có một cuộc đụng độ giữa các toán dân vệ với quân du kích. Ba tôi phải bỏ quê, về sống ở thành phố, giao ngôi nhà từ đường của ông bà nội cho cô Út tôi chăm nom thờ phượng.

Tôi về phép thăm ba tôi đúng vào ngày giỗ ông nội, nên hai cha con cùng về thăm quê. Tôi gặp chị Ngà khi vừa bước chân vào nhà ông nội. Chị đến đây từ sáng sớm, phụ cô tôi dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ, chùi bóng mấy bộ lư đồng và mấy tấm liễn. Thấy ba tôi, chị vòng tay cúi đầu thưa Thầy như cái hồi còn bé. Chị nắm tay tôi, miệng nở nụ cười. Nhưng nhìn trong đôi mắt chị, tôi thấy phảng phất buồn.

Không biết ba tôi thay đổi quan niệm từ lúc nào, sau đám giỗ, ông bảo tôi tìm chị Ngà, dặn chị ở lại cho ông nói chuyện. Ông khuyên chị Ngà nên bước thêm bước nữa, hy vọng còn sinh đẻ được để có mụn con, hầu tránh cảnh tuổi già đơn chiếc, chẳng có ai lo lắng cho mình. Hôm ấy tôi cũng phụ họa nhiều điều và hứa sẽ làm mai cho chị. Lần này Chị không một mực khước từ, nhưng xin để tang mẹ chồng cho đủ ba năm. Tôi giận chị nhưng cũng cảm phục tấm lòng thủy chung của chị.

Tháng tư bảy mươi lăm, khi chị Ngà chưa mãn tang mẹ chồng, thì cả miền nam để tang cho đất nước. Cái “đại thắng mùa Xuân” của những người Cộng sản đã gây biết bao nhiêu thê lương tang tóc. Ba tôi bị bắt trong lúc tôi còn theo đơn vị từ cao nguyên “di tản chiến thuật” vào các địa danh xa lạ ở tận Long An tham dự những trận đánh cuối cùng cô đơn và buồn tẻ.

Miền Nam mất. Trong lúc những người Cộng Sản ngơ ngác hò reo chiến thắng, tôi lặng lẽ quá giang đủ các loại xe trở về quê. Tìm tới trại tù Đá Bàn, một mật khu lúc trước nằm sâu trong núi, nơi ba tôi bị giam giữ, nhưng cuối cùng tôi vẫn không được phép gặp ba tôi. Tôi về nhà ông nội thăm bà cô út và thắp hương từ biệt trước bàn thờ gia tộc.

Cô tôi đau lòng cho biết, người ký lệnh bắt ba tôi là một anh học trò của chính ông ngày trước. Anh bỏ nhà lên núi rồi tập kết ra Bắc. Bây giờ đang giữ một chức vụ khá lớn trong Uỷ Ban Quân Quản.

Cô tôi chưa kể hết câu chuyện thì chị Ngà đến. Chị nắm chặt hai bàn tay tôi, không nói điều gì. Tôi thấy chị đang khóc. Tôi nghĩ là chị thương và lo lắng cho cha con tôi trong cái cảnh sa cơ này. Tôi lấy lại bình tĩnh, chưa kịp nói lời trấn an, thì chị nhìn tôi nghẹn ngào:

– Em, em.. xin Thầy và em tha thứ cho chị. Chị không ngờ.., chị thật sự không ngờ.

Và chính tôi cũng không ngờ. Anh học trò ký lệnh bắt cha tôi chính là anh Phúc, chồng của chị. Tôi rút nhanh tay ra khỏi bàn tay của chị.

Dường như đây là lần đầu tiên trong đời, nhìn những giọt nước mắt – mà lại nước mắt của một người rất gần gũi thân quen – lòng tôi dửng dưng không hề xúc động. Tôi có cảm giác đắng cay của một người bị lừa gạt và phản bội. Tôi giận cho tình đời và thầm ân hận là cha tôi đã từng “nuôi ong tay áo”.

Tôi từ biệt làng quê và bà cô cả một đời nuôi nấng chăm lo cho tôi từ thời tấm bé, bước vào trại “cải tạo” với ngổn ngang trăm mối trong lòng. Tự dưng tôi mất mát gần như tất cả mọi thứ trên đời, kể cả những tình cảm mà tôi cứ ngỡ là nó sẽ không bao giờ mai một,

Hơn tám năm trong nhiều trại tù từ Nam ra Bắc, bị hành hạ đói khổ khốn cùng. Tôi sống còn có lẽ là nhờ những giấc mơ về quá khứ. Trong đó tôi bắt gặp lại hầu hết bóng dáng những người thân yêu của cái thời hạnh phúc. Và khuôn mặt xinh đẹp hiền hậu dễ thương của chị Ngà vẫn thường hiện lên rõ nét, mặc dù khi đầu óc tỉnh táo, tôi đã cố gắng xua đuổi hình ảnh ấy ra khỏi ký ức mệt mỏi của mình. Tôi thương chị mà hận chị. Tôi nghĩ là chị đã đồng lõa với nhà chồng để lừa gạt chúng tôi hơn mười mấy năm qua.

Ra khỏi tù, tôi không được phép về sống chung với vợ con ở thành phố Ninh Hòa, quê vợ. Lý do hết sức đơn giản là : chính quyền ở đó không nhận tôi tạm trú. Công an tỉnh bắt buộc tôi phải về “trình diện chính quyền” nơi sinh quán. Tôi lại một mình khăn gói về quê cũ, mà ở đó chỉ còn một bà cô già goá bụa sống âm thầm trong ngôi nhà từ đường có mái ngói âm dương của ông bà nội tôi để lại.

Nghe tin tôi về, bà con hàng xóm đến thăm. Mới hơn tám năm mà trông ai cũng già nua, khắc khổ. Trong số đó tôi để ý một người đàn bà, đứng ngoài cửa nhìn tôi, đôi mắt thất thần, đầu tóc rối bù, áo quần rách rưới bẩn thỉu. Tôi ngờ ngợ nhớ tới một người. Nhưng khi vừa đứng lên định bước tới hỏi thăm, thì bà ta vụt chạy về phía sau vườn. Tôi ngẩn người khi cô tôi bảo nguời đàn bà ấy chính là chị Ngà, vợ anh Phúc ngày xưa.

Buổi tối, sau khi dắt tôi lên căn nhà thờ thắp hương lạy ông bà, cô tôi đóng kín cửa, khêu ngọn đèn dầu, ngồi kể cho tôi bao nhiêu nỗi niềm tâm sự.

Cha anh Phúc – theo lời tiết lộ sau này từ những đồng chí thân tín của anh Phúc – thực ra không hề theo một ả hát rong nào cả, mà bỏ làng vào bưng từ khi anh Phúc mới lên mười. Ông đã chết từ lâu, nhưng hàng năm vợ con vẫn nhận được thư ông do một vài người lạ mặt mang tới. Trong mấy lá thơ, hầu hết là “động viên” tinh thần anh Phúc nối gót cha đi làm “kách mệnh”. Trước khi lên núi, anh Phúc làm quen, rồi tỏ ra yêu chị Ngà, nhưng thực ra đó là kế hoạch đã được các “đồng chí thủ trưởng “ giao cho anh Phúc phải thi hành, để giải quyết việc nuôi nấng mẹ của Phúc, mà bọn họ biết là bà đã trở thành goá bụa từ lâu rồi.

Những ngày làm vườn bên kia bờ sông, anh Phúc đã hoạt động cho phía bên kia. Dưới căn hầm trong khu vườn là sào huyệt từng che dấu cho nhiều cán bộ. Sau một trận tấn công chiếm trụ sở xã bất thành, sợ hành tung bại lộ, anh Phúc đã lên núi rồi tập kết luôn ra Bắc, sau khi dựng lên vở kịch chết trôi trong trận lụt năm nào.

Tất cả mọi việc không phải chỉ để qua mắt mọi người, mà còn đánh lừa cả chị Ngà. Chị nhẹ dạ cả tin, nên ban đầu cứ tưởng chồng mình còn sống bị trôi giạt ở đâu đó, nên vẫn chờ đợi trong hy vọng. Sau một thời gian dài bặt vô âm tín, chị mới nghĩ là anh đã chết. Tội nghiệp, chị không hề biết là mình đã bị lừa dối để uổng phí cả một đời xuân sắc.

– Thế bây giờ ông Phúc ở đâu và vì sao chị Ngà lại ra nông nỗi ? Tôi hỏi.

– Sau ngày “giải phóng” chưa đầy một tháng, thằng Phúc đưa vợ con từ ngoài Bắc vô đây, giành lấy ngôi nhà do công sức của con Ngà gầy dựng, trong đó phần lớn là tài sản của chính cha mẹ nó. Con Ngà phải ra phía góc vườn che một cái chòi tranh để trú nắng trú mưa.

– Còn cái máy xay xát ở đâu mà trông chị nghèo khổ đến như vậy ? Tôi thắc mắc

– Họ mang vào hợp tác xã. Thời gian đầu họ cho con Ngà làm công nhân xay lúa, nhưng lại trả lương bằng bo bo. Chỉ sau vài tháng tất cả các máy xay xát tâp trung về huyện, nó bị mất việc.

– Bây giờ gia đình ông Phúc vẫn còn bên ấy? Con không muốn có ngày gặp mặt ông ta.

– Thực ra nó giành nhà, nhưng chỉ ở một vài tháng rồi cho gia đình một “đồng chí” nào của nó cũng từ ngoài Bắc vào tá túc, trong khi chờ chia chác những ngôi nhà lớn mới tịch thu. Sau đó thằng Phúc bán cả nhà lẫn vườn tược lại cho người khác, vào thành phố nhận một chức hàm lớn hơn. Con Ngà nó phát điên từ dạo ấy. Ngày nghe tin ba con chết trong trại tù cải tạo, nó như một kẻ không hồn. Ban đêm, người ta nghe tiếng nó gọi Thầy ơi, Thầy ơi rồi khóc nức nở.

Tôi theo cô Út, đi dọc theo phía sau mấy khu vườn, tìm đến chị Ngà. Trong căn chòi lụp xụp tối tăm, chị Ngà đang ngồi thẫn thờ trên cái giường tre như một pho tượng cũ. Trên đầu giường có ba tấm ảnh của cha mẹ chị và anh Ngọc, em chị, nhem nhuốc, úa màu. Không ngờ cái ngày đổi đời, người chồng biệt tăm bao nhiêu năm bây giờ bỗng dưng về, trở thành ông lớn thì cuộc đời của chị lại tàn tạ bi thảm như hôm nay. Tôi ngồi xuống bên cạnh chị, ôm đôi vai gầy còm của chị mà trong lòng tựa hồ như bao nhiêu vết chém.

– Chị Ngà ơi, chị vẫn mãi mãi là chị của em mà. Em thương chị và sẽ lo lắng cho chị.

Chị Ngà ngồi bất động. Rồi bất ngờ òa lên khóc. Cô cháu tôi càng dỗ dành an ủi, chị lại càng khóc to hơn, tôi nghe tiếng ấm ức nghẹn trong cổ họng chị.

Tôi năn nỉ, khóc lóc với chị bao nhiều lần mới đón được chị về ở chung trong nhà ông nội. Tôi mang mấy tấm ảnh của cha mẹ chị và anh Ngọc về để một góc trên bàn thờ gia tộc. Từ ngày ấy chị khá hơn xưa. Những lúc ngồi tâm tình với cô cháu tôi, chị vui vẻ bình thường như thuở còn con gái, nhưng cũng có nhiều đêm khuya chị ngồi trước bàn thờ lẩm bẩm một mình và khóc sụt sùi. Từ ngày có chị, tôi cũng thấy mình đỡ bớt cô đơn, và có lúc còn thấy mình hạnh phúc trở lại với cái thời thơ dại.

Vậy rồi chị lìa bỏ thế gian này cũng thật bất ngờ. Buổi sáng thức dậy sớm, tắm rửa xong chị thay quần áo mới, kẹp lại mái tóc, trông chị trẻ ra. Cả ngày hôm ấy chị cười đùa hồn nhiên vui vẻ, ngồi ôn lại bao nhiêu kỷ niệm của những ngày tôi còn bé, và chị còn là cô học trò cưng của ba tôi. Khi vui, trí óc chị trở nên minh mẫn lạ thường. Chị còn nhớ bao nhiêu điều mà chính tôi đã quên từ lâu lắm. Trước khi đi ngủ, chị còn ôm đầu tôi vào lòng, nhại một câu hát đã lâu “ may mà có em đời còn dễ thương..”. Và sau đêm hôm ấy, chị không bao giờ thức dậy nữa.

Trước ngày vượt biển, phải cắt ruột bỏ quê mà đi, tôi đến nghĩa trang gia tộc thắp hương cho ông bà và mẹ tôi, rồi đến thăm mộ chị cuối cùng. Trong lúc cầm ba nén hương đứng trước mộ chị, tôi nghĩ đến thuyết luân hồi của nhà Phật, và hình dung bây giờ chị Ngà đang sống ở một thế giới khác, xinh đẹp và rất hạnh phúc với một người chồng xứng đáng, bởi chị là một nguời đàn bà thánh thiện, sắt son.

Một con bướm trắng không biết từ đâu bay lại đậu trên tấm bia bằng gỗ, mà chính tay tôi đã dựng lên cho chị, nhịp nhịp đôi cánh rồi vụt bay theo cơn gió lốc, biến mất trong bầu trời xanh.

Phạm Tín An Ninh

No comments:

Post a Comment