Tuesday, August 30, 2022

Người ấy ngày xưa

Mùa thu tím -- Tranh Lê Thúy Vinh.

Ở Quảng Ngãi, Trường trao cho tôi mảnh giấy nhỏ:
– Có dịp, nhớ tìm gặp Đoan. Lâu lắm rồi, tui cũng chẳng liên lạc với nó. Gặp bạn cũ, nó mừng lắm. Đoan bây giờ tướng tá ngầu xị. Tóc dài tới đây nề.

Trường chỉ ngang vai làm dấu. Tôi phì cười:
– Không chừng còn dài hơn tóc của Thùy nữa hả?

Ngày xưa cùng lớp, nhóm bốn đứa con gái chúng tôi, xưng là Hạ Thiên Tứ Hữu. Bởi, khi thầy dạy bài Đông Thiên Tam Hữu, nhóm chúng tôi cúp cua. Thầy để ý truy bài, cả đám ngậm tăm, thầy mắng cho một trận nên thân. Dù tai còn lùng bùng lời răn bảo thầy, tôi giấu tay dưới hộc bàn, viết vội tờ giấy chuyền tay mấy đứa bạn: “Tụi mình cần gì phải thuộc bài thơ. Bốn đứa đã là bài thơ hay rùng rợn”. Bên nam, một nhóm năm người, cũng có những màn biểu diễn rất ngoạn mục, trong và ngoài giờ học như chúng tôi. Có lần, chúng tôi cột vạt áo dài gọn vào nhau, tuần tự chui qua lỗ chó, ra hẻm sau trường đi ăn hàng. Khi chúng tôi đang hỉ hả sửa xiêm y ngay ngắn, bắt gặp năm chàng đã đứng xeo xéo góc hẻm quan sát tụi tôi. Trong “hoạn nạn” có nhau, từ đó tụi tôi hay “giao lưu” với nhóm nam này. Và ưu ái gọi là nhóm Halogen, mà chẳng cần xét năm chàng có hóa tính giống Fluor, Chlor, Brom, Iod, Astat chăng.

Tôi cất tờ giấy Trường đưa, chung với một xấp địa chỉ tôi sưu tầm trong gần hai tuần lễ đi từ nam ra trung. Một góc tờ lịch, mặt sau của tờ hoá đơn, tờ giấy bạc của bao thuốc lá... Tôi kỹ càng bỏ tất cả trong bao thư, sợ mất những sợi dây liên lạc tôi vừa tìm lại được. Xe chúng tôi đi tiếp ra Đà Nẵng, Huế. Bao thư địa chỉ của tôi càng lúc càng phồng to. Về lại Sài Gòn, tôi bắt đầu đem bao thư địa chỉ ra phân loại, nắn nót ghi lại trong sổ điện thoại của mình. Tôi để tờ địa chỉ của Đoan trên cùng, nôn nóng muốn hỏi thăm nhóm bạn xưa. Không nghe Trường nhắc đến Luân, nghĩ, có lẽ Luân đã xuất ngoại rồi. Lúc nói chuyện với Trường, tôi đã đôi lần chờ dịp thuận tiện vờ hỏi thăm Luân. Đã mấy lần đằng hắng, rốt cuộc, tôi chẳng hỏi. Tôi gọi Đoan tại sở làm. Một giọng nữ cất lên khô khan:

– A-lô.

– Chào cô. Tôi là Thùy. Cho tôi gặp anh Nguyên Đoan. – Tôi gò giọng thật mềm mại, lịch sự.

– Chị chờ một chút.

Tự nhiên tôi lúng túng, tôi sẽ giới thiệu mình như thế nào đây. Hơn 30 năm còn gì. Trong trí nhớ của tôi nhạt nhoà hình ảnh của Đoan. Nếu Đoan không nhận ra, tôi xin lỗi, gác máy. Nếu có, nói chuyện gì đây. Tốt nhất, người ta sẽ nói rằng Đoan đang bận, không nhận điện thoại được. Tôi hẹn lúc khác gọi lại...

– A-lô.

– Tôi là Thùy. Xin cho gặp anh Đoan.

– Tôi là Đoan đây.

– À, Thùy hồi xưa học lớp 10 ở Trần Quốc Tuấn. – Tôi bắt đầu bối rối, không biết sẽ khai chi tiết lý lịch của mình cỡ nào để Đoan nhận ra. – Ờ, Thùy cùng với nhóm...

– Ô, Thùy đó hả! Đoan nhớ chứ. Thùy học trò cưng của thầy Sinh Anh văn đó mà.

Sau vài dòng giới thiệu sơ sịa, rằng tôi đã ở Âu Châu hơn hai mươi năm. Đã đôi lần về Việt Nam, nhưng lần này mới thực sự gặp gỡ được bao nhiêu là bạn xưa. Đoan làm cho hãng ngoại quốc như một họa sĩ, chuyên phác họa phim hoạt hình.

– Sao, Thùy bây giờ chồng con ra sao?

– Thùy lập gia đình lâu rồi. Con Thùy lớn lắm. – Tôi thiệt thà. – Còn Đoan?

– Ừ, Đoan khác xưa nhiều lắm.

Tôi dỏng tai chờ Đoan “thành khẩn khai báo” như tôi. Nhưng Đoan lại tiếp lời:
– Chiều nay Thùy đã có chương trình gì chưa? Đi làm ra, khoảng năm giờ chiều Đoan đến gặp Thùy nghe.

Tôi vội vàng:
– Thùy ở nhà suốt ngày hôm nay. Lúc nào Đoan đến cũng được.

...

Tôi lại tiếc đã không đủ can đảm hỏi thăm Đoan về Luân. Tự nhủ, chiều nay, nhất định sẽ hỏi. Chiều, chị Thảo hỏi, có ế độ thì cho tháp tùng. Tôi vênh váo:

– Chiều nay tái ngộ cố nhân, sau bao năm mấy phương trời cách biệt. Hí hửng, hồi hộp, hân hoan...

Tôi tính mặc cái đầm màu xanh da trời bằng vải sợi, Quỳnh, nhỏ bạn thân, đưa cho mượn. Cái đầm đơn giản, trông thanh lịch. Tôi mặc vừa vặn, đúng ra hơi sít sao. Nhớ hôm đi ăn chiều với anh Tuấn, bạn chị Thảo, anh nhướng nhướng mày:

– Cha, Thùy lúc này coi...

Anh bỏ lửng. Tôi tò mò:
– Coi sao?

– Đẹp. – Anh nói gọn lỏn.

Nghe khen đẹp, tôi thích chí cười toe.

– Mà đô. – Anh Tuấn tiếp lời.

Tôi tắt ngay nụ cười vừa hé. Phản xạ tự nhiên, tôi thót bụng, thẳng lưng. Tưởng làm như vậy chiều dài cơ thể sẽ giãn ra, mà rút bớt bề ngang, bề dày.

Thôi, mấy mươi năm mới gặp lại, đừng để bạn xưa phải tiếc rẻ, phải chi lạc tin luôn, câu chuyện chắc đẹp hơn. Tôi xét lại mớ áo quần Quỳnh ưu ái đưa dùng. Quần short thì tôi nhất định loại khỏi phòng chiến ngay từ đầu. Chỉ còn cái quần capri, loại chó táp bảy ngày không tới, mặc với áo vải thô trắng, sát cánh, có thêu hoa trắng ở chân áo, trông cũng dễ thương. Không thướt tha như mặc đầm, nhưng tướng tá đỡ vẻ phương phi phốp pháp. Tôi chẳng có lựa chọn nào khác. Trời nóng, lúc nào cũng rìn rịn mồ hôi, hộp đồ trang điểm mang về, tôi không rớ tới. Ở Âu Châu, khi ra khỏi nhà, thoa nhẹ chút phấn, bôi phớt tí son, đối với tôi cũng quan trọng như áo quần giặt sạch sẽ, ủi thẳng thớm. Ở Việt Nam, áo quần vẫn phẳng phiu, nhưng tôi chỉ vác mặt trần ra đường. Tưởng tượng, nếu dùng phấn, thì vài phút sau mặt tôi giống trái dưa sọc.

Tôi ngồi trong phòng khách nhà chị Linh, vờ lơ đễnh mở tờ Kiến Thức Ngày Nay, mắt cứ liếc liếc đồng hồ. Chị Linh nói:

– Mày nóng ruột gì sớm vậy? Sáu giờ nó tới vẫn còn gọi là đúng giờ.

– Ủa, em nghe nói Việt Nam bây giờ hết xài giờ cao su rồi mà.

Vừa lúc đó điện thoại di động của tôi réo rắt.
– Thùy ơi, Đoan đây, chừng hai chục phút nữa Đoan mới đến được, vì còn chờ một bạn từ Long An về. Vậy khoảng năm giờ rưỡi nhe.

– Ô, – Tôi ngạc nhiên. – Vui quá ha. Ai vậy?

– Gặp sẽ biết.

Tôi khoe liền với chị Thảo:
– Bạn cũ của em tình– xưa– thắm– thiết chưa! Gọi đến bất thần vậy, mà vẫn thu xếp đến thăm em. Giờ lại kéo thêm người bạn khác, chạy tuốt từ miền tây về đây.

Tôi kéo dài chữ tuốt, làm như miền tây ở phía bắc của Hà Nội, cho chị tôi thấm được cái sự nhiệt tình của bạn xưa.

Tôi bồn chồn lật lui lật tới mấy tờ báo cũ, len lén nhìn đồng hồ. Chị Thảo mời mọc:

– Nếu bị hẹn lèo, thì tối ni mi đi uống cà phê karaoke với nhóm tao. Không chừng cứ chờ thêm nửa tiếng, hắn lại dẫn thêm đứa bạn nữa.

Tôi cảm thấy nhột ở gáy. Tôi mới “ta đây” về lòng thành của bạn xưa, muốn gặp lại tôi. Tái ngộ sau mấy chục năm mà đãi cho chầu thịt thỏ như vậy, tức bụng anh ách cho đến mấy chục năm nữa. Thì thôi, tấp vô đi chơi chung với bạn chị Thảo, chớ không lẽ ở nhà chị Linh giữ chùa sao.

Vừa lúc đó, chị Linh ở trước nói với vào:
– Thùy ơi, có bạn tới tìm.

Tôi lật đật phóng ra cửa. Nơi cầu thang tôi là một rừng dép, giày, không tìm được ngay đôi giày của mình, nên xỏ đại đôi dép nhựt. Tôi nhận ra ngay Đoan, mày râu nhẵn nhụi, chứ không là chàng hippie như Trường tả. Và Luân, tôi không giấu nỗi ngạc nhiên, vui mừng tôi tiến lại:

– Đoan, Luân. Còn đây là...

– Lê Thành Nhân đó. Nhân chạy từ Bình Dương về, nên tụi này đến hơi trễ. – Đoan liến thoắng. – Lúc trưa nghe Thùy kể có con đã lớn, nhưng Đoan quên hỏi là con trai hay con gái. Nên bây giờ gặp, ngờ ngợ, không biết là chào mẹ hay chào con.

Tôi lính quýnh:
– Trời ơi, mấy chục năm rồi...

Luân nhẹ nhàng:
– Nói vậy chớ mình nhận ra Thùy ngay. Bao nhiêu năm mà thấy Thùy như xưa. Vẫn trắng da, dài tóc.

– Và vẫn khòm khòm. – Nhân chen vô.

Vậy là cả bốn người cùng cười vui vẻ, tưởng như đang trong lớp học ngày nào. Ngày xưa, khi mới lớn, tôi cứ có cảm tưởng mình hơi dư bề dài. Cứ cảm thấy cao là khổ trong lòng một ít. Cho nên tôi hay khòm. Tới khi phát giác, mình chỉ có cao hơn người lùn một chút xíu chớ mấy. Hỡi ôi, tật khòm đã bám dính vào cột sống của tôi. Tôi chạy vô nhà báo tin cho hai chị, rằng đi chơi với bạn rồi tối về ở lại nhà Quỳnh. Chị Thảo cười:

– Thấy chưa, tao nói như thần mà. Không chừng mi chờ tới khuya, cả lớp kéo tới luôn.

– Thôi, nhiêu đó đủ rồi. Đi lè lẹ đi, cả ba chàng ngự lâm pháo thủ chờ. – Chị Linh khoát khoát tay như đuổi.

Tôi nhìn cả ba chàng:
– Thùy được phép “chở” ai đây?

Đoan nhìn qua Luân:
– Mày chở Thùy đi nhe. – Đoan quay qua tôi. – Luân chạy xe được lắm.

– Luân chạy chầm chậm cho Thùy ngắm phố nhe.

Tôi nói vậy, chứ tôi đâu có mê ngoạn cảnh. Chỉ lo tài xế chạy lả lướt quá, tôi sợ u đầu, sứt trán, sợ bỏ mạng sa trường. Tôi cảm thấy yên tâm, Luân chạy vững vàng, không lạng lách nhiều. Tả quân có Nhân, hữu quân có Đoan. Chúng tôi đến tiệm cà phê Thiên Lan, Luân kể:

– Đây là một trong những khách hàng của mình đó. Mình thầu bắt điện. Cho nên bươn bả khắp nơi, đông, tây, nam, bắc. Mình có học nghề này đâu. Ban đầu đi làm thợ vịn, từ từ, nghề dạy nghề. Mình chịu khó, nên bây giờ kể ra cũng khá. Có điều đi suốt ngoài đường, sương gió dãi dầu.

Tôi nhìn kỹ Luân, không đến nỗi phong trần như Luân kể. Ngày xưa học trong lớp, bạn bè gọi Luân là công tử bột. Luân lúc nào áo quần cũng bảnh bao. Là con một, mồ côi cha, mẹ khá giả nên Luân trông có vẻ cành vàng lá ngọc lắm.

Kể đủ chuyện lan man. Luân nhắc Nhân:
– Bây giờ có Thùy. Ông hỏi Thùy đi thì biết sự thật.

Nhân nhìn Luân cười đồng loã:
– Ờ, hỏi chớ! Không thôi hết đời tui đâu biết sự thể ra sao.

– Hồi đó, Nhân cứ khăng khăng là Thùy hay bênh vực mình tại Thùy... có cảm tình với mình. – Luân cười xoà. –

Biết sao không, có lần Nhân đang đưa bài vở cho Thùy, mình cần hỏi Thùy gì đó, nên chen vào. Nhân phán: “Đồ bất lịch sự”. Mình cảm thấy quê quá sá trời, dù lỗi của mình. Nhưng cũng khó chịu là Nhân “ác” với mình trước mặt Thùy. Thì lúc đó, Thùy chậm rãi: “Ngượi lịch sự không bao giợ nọi ngượi khạc bật lịch sự.“ – Luân còn giả giọng của tôi một cách... trật lất.– Mình đang bực thằng Nhân, nghe xong... hạnh phúc dễ sợ. Từ đó, Nhân né mình luôn.

Nhân gục gặc:
– Thiệt đó chớ. Học trong lớp, tui thấy Thùy nói chuyện líu lo với tụi con Chiêu, con Khánh, con Duyên. Mà với tụi tui, khi nào hỏi Thùy chỉ trả lời nhát gừng, không nói dư ra nửa chữ.

Đoan tán đồng:
– Thùy bước vô lớp, cặp mắt quét một vòng. Đoan tưởng tượng như mắt Thùy là máy quay phim, thâu hết mọi hình ảnh rồi đem về phòng thí nghiệm phân tích. Thùy không nói, nhưng mỗi lần đối đáp với đám thư chọc phá của tụi này, Đoan thấy toàn là chữ của Thùy không à.

Tôi rùn vai:
– Ui, trời, trời, Thùy hồi xưa nhiều tội quá. Thùy cứ đinh ninh, mình hiền nhất trong đám.

Nhân tiếp lời:
– Vậy mà khi không, Thùy binh Luân, tống cho tui một câu tối tăm mặt mũi. Thùy rời trường vô Sài Gòn. Lâu lâu nghe tụi con gái nói Thùy gởi lời thăm. Thăm cả đám tụi tui, chớ không phải riêng gì Luân, mà tui cứ một hai nghĩ là Thùy đặc biệt với Luân.

Trong ánh đèn mờ của tiệm cà phê, tôi nhìn Luân, rồi nhìn Nhân, nhìn Đoan, tưởng như thấy mấy anh chàng thanh niên mới lớn qua hình ảnh ba người đàn ông bước vào tuổi trung niên đang ngồi trước mặt. Thật ra, Nhân nghĩ không hẳn là sai. Thuở đó, tôi ít nói chuyện với bên nam, có lẽ do ngại giọng nói mô-tê-răng-rứa của mình.

Lần đầu tiên khi cả khối lớp 10 đi tuần lễ lao động, đào kênh ở vùng quê xa, đám học trò mới nếm mùi “vinh quang”. Con Nụ xí ngay chức nấu ăn cho cả lớp, mà nó cứ léo nhéo xài chữ chị nuôi nghe thiệt khó ưa. Thầy Sinh chủ nhiệm cất nhắc hai ba đứa. Rồi cuối cùng quyết định cho tôi phụ bếp với con Nụ. Tôi không cảm nổi cái giọng tiến– quân– ca của nó và cặp mắt cú vọ lom lom nhìn mọi người dò xét. Nhưng khỏi phải xúc đất, khiêng đá, khỏi cả ngày đứng dưới nắng thì quả là hạnh phúc, được ở trong bếp cho con Nụ bắt nạt. Con Nụ chê tôi không biết nấu cơm. Cũng đúng, ở nhà tôi chỉ biết xài nồi cơm điện National. Còn ở đây đun củi lửa phừng phừng, cái nồi to như thùng đựng gạo ở nhà, tôi chẳng biết xoay sở làm sao. Cho nên, nó phân công tôi lượm thóc, lượm sạn trong gạo, lặt rau, gọt bầu, xắt bí... Rồi đứng xớ rớ chờ nó sai vặt. Hết việc, nó bắt tôi chẻ củi để sẵn cho ngày hôm sau. Tôi loay hoay không biết vịn cây củi ra sao, để rựa đừng nhát xuống trúng tay. Con Nụ bực bội, khinh khỉnh ngó tôi vật lộn với đám củi. Nó chờ thầy Sinh về đến, để kêu người khác có khả năng thích hợp thay thế tôi. Vừa lúc đó cả lớp từ ngoài kênh đang lao xao về. Tôi bối rối vì cảm thấy mình vô tích sự. Thầy Sinh đâu còn lý do gì cho tôi ở nhà, du di cho tôi trốn nắng. Tôi chăm chú nhìn khúc củi, tay nắm chặt cái rựa, không biết Luân đã đến bên cạnh:

– Thùy để Luân phụ nghe. Gì chớ chẻ củi Luân rành lắm. – Vừa nói Luân vừa ngồi xuống.

Tôi mừng rỡ đưa rựa cho Luân. Tôi khuân những củi đã chẻ xong vào bếp. Con Nụ nhìn tức tối. Mỗi chiều, Luân và tôi cùng trong “dây chuyền sản xuất” củi. Mấy đứa bạn chọc tôi, nói, duyên quê. Tôi mắc cỡ, la đám bạn nói tầm bậy tầm bạ, ngắt véo. Chúng đau, la oai oái, nhưng vẫn cứ phá tôi. Tôi cảm kích lòng tốt của Luân lắm, cứ lo lắng không biết đám bạn của Luân có ghẹo Luân chăng.

Khi nhà của gia đình tôi bị tịch thu và buộc phải dời về xóm nhỏ cuối phố, cuộc sống của gia đình xuống dốc kinh khủng. Về chỗ mới, nhà như cái chòi, nước máy không đủ, nên phải chiều chiều thuê người gánh nước thêm về nhà xài. Tự nhỏ đến lớn tôi đâu biết gánh nước. Tôi đặt thử đòn gánh với cặp thùng rỗng lên vai, cảm thấy xương vai đau buốt. Có lần người gánh nước không đến được, các chị tôi ở xa, tôi thành con gái lớn trong nhà, đỡ đần Mạ tôi. Một tay cầm gàu, một tay xách xô, tôi qua giếng nước. Khi tôi đang thở hổn hển, đổ gàu nước vô xô, tôi chợt ngước lên. Tôi rụng rời, đầu gối như nhũn ra, Luân đang đứng trước hiên nhà ngó tôi chăm chăm. Tôi có nghe nhà Luân ở đâu đây, nhưng không dè ngay cái giếng lớn của cả xóm. Tôi xấu hổ, tôi ngượng ngùng. Mới qua một thời gian ngắn, vẻ mượt mà kín cổng cao tường đã bị thay thế bằng lam lũ, láo nháo giữa chợ. Tôi không biết đã lúng túng quấn quấn sợi dây dừa quanh bàn tay bao lâu, đã lắc lắc nhè nhẹ cái gàu trên thành giếng bao lâu. Luân chạy đến, giọng vui vẻ:

– Đưa gàu đây, Luân múc nước cho.

Luân lẹ làng, thả gàu, kéo dây, đổ đầy xô. Rồi Luân một tay xách xô, một tay xách gàu đầy nước xăm xăm đi trước. Tôi líu ríu theo sau.

Tới nhà, gặp Mạ tôi. Luân mau mắn:
– Chào bác. Cháu học chung lớp với Thùy. Thấy Thùy yếu ớt, xách nước coi tội nghiệp quá, cháu giúp một tay.

Rồi Luân bảo tôi lấy thêm cái xô. Sau đó chúng tôi đi nhiều vòng. Luân xách hai xô nước, còn tôi chỉ xách gàu. Đầy thùng phi, Luân còn kỹ càng xách thêm hai xô nước để bên cạnh. Tôi lí nhí cám ơn. Hôm đó tôi cứ bần thần mãi. Mỹ cảm tôi đã dành cho Luân đậm đà hơn nữa nhờ mấy xô nước giếng. Mà tôi nào có dịp tỏ cho Luân biết đâu. Tại, Luân không hỏi, làm sao tôi trả lời.

Tôi quay qua Nhân:
– Hơn 30 năm mới có câu trả lời cho câu hỏi đơn giản hả. Thì, đối với Luân có đặc biệt hơn mấy người khác chớ. Quay qua Luân– Nhứt là hồi Luân xách nước giúp Thùy đó.

Luân thoáng ngạc nhiên, xong cười vui:
– Trời ơi, Thùy nhớ dai thiệt. Không nhắc, chắc mình quên mất tiêu. Ừ, nhớ Thùy tiểu thư lắm. Thời gian đó cực ghê há.

Đoan chen vô:
– Ủa, sao có màn xách nước gì mà có bao giờ nghe mày kể đâu?

– Đâu phải chuyện gì cũng bật mí được.– Luân cười cười làm vẻ bí mật.– Ờ, sau đó ở Sài Gòn chắc đỡ hơn nhiều hả Thùy? Năm giữa lớp 11 mình bị bắt đi bộ đội truyền tin. Bị đẩy về Tây Ninh sát biên giới.

– Trời đất, còn nhỏ mà bị bắt đi lính à?

– Đâu có nhỏ. Hồi xưa, bà già cho mình đi học trễ. Năm 75 mình bỏ học, bà già năn nỉ hết nước. Thấy bà già buồn mình không đành, nên vô học với... con nít. Thùy con chuột phải không? Mình con gà mà.

– Chết, chết, vậy sao hồi giờ không nói. Tụi Thùy cứ tưởng là cùng tuổi nên chỉ kêu tên. Bất kính quá. Vậy phải điều chỉnh lại không?– Tôi tủm tỉm.

– Thôi khỏi, bạn bè thân lâu rồi, quen sao giữ vậy. À, mình kể tiếp. Hồi khi có lần nghỉ phép, mình từ Tây Ninh về, còn mang đầy đủ ba lô, máy truyền tin và cả súng. Mình tìm đến nhà Thùy, tính dành cho Thùy sự ngạc nhiên. Trời chạng vạng tối, mình đến con đường nhà Thùy, người đã mệt đừ. Mình nhớ, Thùy kể, nhà là chai ba ba, số 333 hay 335 gì đó. Mình hỏi khắp cả khu đó, chẳng ai biết chút xíu gì đến gia đình người Trung, có mấy cô con gái sàn sàn ngang tuổi. Đành bỏ cuộc, về nhà bà dì ở chợ Bà Chiểu ngủ lại. Sau đó đi xe lửa Thống Nhất về Quảng Ngãi. Gặp Chiêu, hỏi kỹ lại địa chỉ mới biết số nhà là 533. Mà rồi mình đâu có dịp đến nữa.

Tôi xuýt xoa, cảm thấy tiêng tiếc:
– Thiệt hả, thiệt hả.

Tôi cúi đầu, vờ lắc lắc ly nước đã cạn, muốn giấu mắt mình đang chớp nhanh. Tiệm cà phê có chàng ca sĩ với nhan sắc của một người đàn... ông không đẹp trai, nhưng giọng ca rất ấm, với những nhạc phẩm của Cung Tiến, Từ Công Phụng... Luân viết giấy yêu cầu bài Ngày Xưa Hoàng Thị. Nhưng ca sĩ bảo, nhạc phẩm này chưa được phép hát. Luân khuấy nhẹ tách cà phê đã nguội lạnh từ lâu:

– Hồi đó đi lao động, buổi tối tụ tập hát hò, mình hát bài này, thầy Sinh chưởi nát nước. Ổng phải giả đò vậy thôi, chứ mình biết ông cũng thích nhạc như tụi mình.

Rời tiệm cà phê, Luân dẫn đường, nói, để tôi ngắm Sài Gòn ban đêm, Nhân và Đoan chạy theo. Chạy dọc bến Bạch Đằng, trong gió đêm dìu dịu, hình như Luân đang ca nho nhỏ... Ai mang bụi đỏ đi rồi...

Chạy đến khu Cấm Chỉ có các món gà. Tôi lắc đầu. Chạy về khu Chợ Khuya có các loại thịt rừng. Tôi lắc đầu. Cuối cùng, chúng tôi lên khu bán thức ăn đặc sản Quảng Ngãi ở Ngã Tư Bảy Hiền. Món don vẫn còn hương vị xưa, với bánh tráng và ớt sim. Có điều tô don bằng nhựa, hoa hoè sặc sỡ. Nên tôi nhơ nhớ cái tô bằng đất, đôi khi có vài vết mích, mẻ, lỏng bỏng những nước, khoắng năm bảy vòng, may mắn mới thấy con don bé tí xíu. Không đói, nhưng gặp món ram khoái khẩu tôi thưởng thức tận tình. Ba chàng, nam thực như hổ, nhìn tôi ăn, phải gật gù, nữ thực như... nam.

Ba chàng đưa tôi về nhà Quỳnh, đã giữa khuya. Khi Quỳnh lịch kịch mở khoá, Luân dúi vào tay tôi cuốn 100 Bản tình ca tiền chiến và cuốn Tuyển tập thơ Nguyễn Bính.

Tôi rón rén bước vô nhà, áy náy quá:
– Mày lim dim đuợc chút nào không? Tội nghiệp mày quá. Tại, lâu quá mới gặp lại mà không biết bao giờ...

Quỳnh cắt ngang:
– Khỉ mốc. Mày với tao mà còn bày đặt thanh minh thanh nga. Tao hơi mệt, bữa nay dạy thêm đến chín giờ rưỡi mới xong. Đi chơi vui không? Ờ, khỏi hỏi. Coi cái mặt mày là biết.

Tôi lắc lắc vai, bây giờ mới thấy hai vai mỏi nhừ. Tay mân mê bìa cuốn nhạc, tôi nhỏ giọng:

– Ừ, mấy chàng chở lòng vòng cho đi ngắm phố đêm. Đi lâu, mà cứ vịn ngược đàng sau, mỏi tay quá trời.

– Mày vịn ngược kiểu đó nguy hiểm nữa. Thắng một cái, có khi văng ra khỏi xe.

Tôi nhớ có chị bạn kể, khi về Việt Nam, người ấy ngày xưa của chị đưa đi chơi. Chị hỏi người ấy, cho phép chị vịn ở đâu. Người ấy trả lời, ở đâu thấy tiện thì thôi. Chị đố tôi, sau đó, chị vịn thế nào. Tôi chịu, chẳng đoán già, đoán non gì được. Định hỏi chị đã “thực tế” như thế nào để lỡ khi mình gặp chuyện mà hành xử thích hợp. Tôi lại quên hỏi. Tự nhiên, tôi nghĩ vẩn vơ, nếu tôi hỏi Luân như vậy, Luân sẽ trả lời như thế nào. Nếu Luân không bảo tôi tùy tiện, mà bảo ôm eo hay vịn vai thì tôi phải làm sao đây. Ủa, mà Luân đâu phải là người ấy ngày xưa của tôi hồi nào đâu. Hay là, phút chạnh lòng cạnh đống củi, bên giếng nước và tưởng tượng cảnh Luân trong bộ vó bộ đội tìm thăm tôi, cũng có thể xem Luân như người ấy ngày xưa. Tôi thả người xuống salon, để hai cuốn sách lên đùi, hai tay tréo qua bóp bóp vai, cười khục khặc một mình.

Quỳnh lè nhè giọng ngái ngủ, kéo tôi khỏi dòng tưởng tượng:
– Khò cho rồi. Làm gì mà còn ngồi đó, nhăn răng cười như đười ươi vậy!

– Hoàng Quân

No comments:

Post a Comment