Sunday, August 21, 2022

Ngọn đèn vĩnh cửu

Tranh Đỗ Hoa.

Rẫy mía nhà họ Nguyễn đất Phước An rộng mênh mông, mía cao quá đầu người, vào giữa đám mía cứ ngỡ lạc vào mê cung, đến mùa ép mía làm đường thì rộn ràng cả một vùng quê. Vị tộc trưởng thường bảo: “Vùng này là đất thổ, vốn bồi đắp từ xa xưa bởi con sông Hà Thanh. Ngày xưa khi tổ họ Nguyễn từ vùng Thanh Nghệ di cư vào Nam đã chọn vùng này lập nghiệp, kể từ ấy đến giờ cũng đã mười mấy đời rồi.” Mé bên phải gần lối vào rẫy mía có mả tổ to như một ngọn đồi con con. Mỗi năm rẫy mía cho cả mấy tấn đường, phần làm thu nhập của nhà bác Ba chi trưởng của dòng họ, phần để cúng tế giỗ quải tổ tiên.

Ngày nhà nước lấy đất, ruộng, vườn của dân để làm hợp tác xã, rẫy mía nhà họ Nguyễn cũng cùng chung số phận, chỉ chừng một năm sau là xơ xác tiêu điều, của công ai cũng muốn hưởng nhưng việc chung chẳng ai làm. Thế rồi chính quyền bắt bỏ mía trồng mì, cây mì vậy mà lì đòn dẻo dai, chẳng cần chăm bón chi cả cứ sòn sòn lớn lên xanh mướt. Năm nọ vào vụ cuối muà dỡ khoai mì và cày ải đất, lưỡi cày bác Ba Khả va phải phiến đá lớn đến mẻ một miếng. Bác ba và mọi người xúm lại xem và lấy làm ngạc nhiên:

– Quái lạ thật! Đất thổ vùng này xưa nay tìm một cục đá chọi chim còn hổng có, sao lại có đá tảng ở đây?

Chú Tư Đờn vạch và cạy thêm tí rồi thốt lên:

– Hình như là một tấm bia thì phải?

Mọi người sanh nghi bèn lấy cuốc xuổng đào xuống chừng ba gang tay là lôi lên được nửa tấm bia, trên mặt có những chữ Hán nhưng đã vạt đi gần hết. Bác Ba Khả và mọi người cùng ồ lên:

– Mộ cổ!

Lâu nay trong họ Nguyễn vẫn thường kể cho nhau nghe về truyền thuyết ngôi mộ tổ có ngọn đèn vĩnh cửu. Tương truyền khi Nguyễn Huệ đem quân ra dẹp loạn Bắc Hà, tổ họ Nguyễn ở Thanh Nghệ có theo phò, sau khi Nguyễn Huệ về nam thì tổ mang theo một nhánh họ Nguyễn vào nam. Năm Nhâm Tý, Nguyễn Huệ băng, tổ họ Nguyễn đoán biết nhà Tây Sơn sắp hết số nên căn vặn con cháu sau khi chôn cất thì vỡ bia mộ ở sanh phần của mình, san bằng mặt đất. Nay nhờ cày đất mà phát hiện tấm bia này, phải chăng là bia của mộ tổ chăng? 

Bác Ba Khả và bà con dòng họ quanh vùng vừa mừng vừa lo. Họ cũng chẳng biết nên làm gì. Tiếng đồn phát hiện mộ cổ ở rầy mía nhà họ Nguyễn chẳng mấy chốc lan khắp nơi. Xã vội cử người đến canh giữ và diện báo về tỉnh, ngày hôm sau sở cử một nhóm khảo cổ về để khai quật mộ. Ngày đầu khai quật, người ta phát hiện đây là một ngôi mộ rất lớn, hỗn hợp đắp quách bên ngoài bằng vôi, ô dước, mật mía, dầu rái… hợp chất cứng không thua bê tông của thời đại hôm nay. Nhóm khảo cổ phải dùng đến máy khoan mới cắt được một mảnh của nắp quách, một làn hơi nóng phụt lên, mọi người vội giãn ra sợ nhiễm hơi độc, một lát sau mới dám quay lại tiếp tục, gỡ thêm vài mảnh nữa thì phát hiện một khoảng trống rộng lớn bên dưới, đến khi gỡ toàn bộ phần trên của quách thì nhận ra hầm mộ là cả một căn phòng, cuối hầm có cỗ quan tài bằng gỗ trắc, đầu quan tài có một cái lu lớn, kiểu cách giống hệt lu chứa đường của nhà họ Nguyễn xưa nay vẫn dùng. Mọi người tiến vào xem và ngạc ngạc nhiên đến tột độ, trong lu có một ngọn lửa liu riu cháy, lượng dầu trong lu chỉ hao hớt chừng một phần ba lu mà thôi. 

Vị tộc trưởng chứng kiến việc khai quật mộ tổ từ đầu đến cuối, bấy giờ ông khẳng định chắc chắn đây là mộ tổ họ Nguyễn, điều này hoàn toàn khớp với lời truyền trong gia tộc bao đời nay. Vị tộc trưởng bước ra ngoài, kêu con cháu thiết một linh sàng tạm thời để đốt hương bái vọng tổ. Những người tham gia khai quật cũng sợ nên quỳ gối thành tâm khấn xin tha thứ nếu công việc khai quật có làm phiền đến vong linh. Bọn họ cũng tạm dừng để chờ lệnh cấp trên.

*
Năm ấy Nguyễn Ánh về kinh, y lập tức hạ chỉ truy sát tận diệt tất cả những ai có liên can đến nhà Tây Sơn, quật mộ tổ phụ nhà Tây Sơn, mộ Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ... Cuộc trả thù thật tàn khốc, máu chảy thịt rơi, lòng người kinh hãi, nhật nguyệt ảm đạm. Ngay cả những người không liên can đến nhà Tây Sơn cũng nơm nớp lo sợ, ngày đêm sống trong thấp thỏm bất an, chỉ cần có kẻ nào ghét mà cáo gian thì tai họa ập xuống đầu ngay. Cơn truy sát tận diệt của Ánh đã thành công, cả Bắc Hà lẫn Nam Hà không còn một người nào có liên can đến Tây Sơn còn sống sót. 

Tương truyền chỉ có đô đốc Dõng và đô đốc Long là thoát khỏi cuộc truy sát này. Nguyễn Ánh liên tục hạ chỉ truy tìm nhưng hoàn toàn bặt vô âm tín, việc truy tìm mộ tổ họ Nguyễn Thanh Nghệ cũng không có tông tích gì, những vua kế nghiệp sau cũng tiếp tục hạ chỉ truy tìm nhưng không tìm được một vết tích nào cứ như thể mộ tổ họ Nguyễn Thanh Nghệ chưa từng tồn tại trên đời này.

*
Mùa hạ Nhâm Tý, Nguyễn Huệ băng, Quang Toản nối ngôi nhưng không nối được chí anh hùng võ lược, không giữ được nghiệp nhà. Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, đại thần trong triều chia bè lập phái tranh quyền sát hại lẫn nhau. Tổ họ Nguyễn Thanh Nghệ đoán biết vận nhà Tây Sơn hết số, ông lập tức thiêu huỷ hết sắc phong của nhà Tây Sơn ban cho, bia mộ ở sanh phần cũng đục bỏ chữ, những vết tích có liên quan đến nhà Tây Sơn đều xóa sạch. 

Tổ truyền miệng lại cho hậu duệ:” 

Sanh phần và mọi việc hậu sự ta đã chuẩn bị sẵn sàng, sau khi ta chết, chỉ việc đưa quan tài vào trong sanh phần, đốt ngọn đèn trong lu dầu phộng đã để sẵn ở đấy, trên mặt đất khỏa lấp bằng phẳng rồi trồng miá, trồng mì như đất vườn vẫn đang canh tác. Ta vốn phò Nguyễn Huệ, Tây Sơn lập công lớn, ra bắc dẹp Trịnh Lê vào nam đuổi Nguyễn, đánh Thanh, đập Xiêm… công lao hiển hách có một không hai trong sử sách nhưng mệnh trời ngắn ngủi. 

Sau chiến thắng Kỷ Dậu, ta theo chúa công vào nam và lập tức lui về vui thú điền viên ngay. Ta biết chốn quan trường không phải chí ta, nơi ấy đầy nguy hiểm và nghi kỵ, mặc dù ta đã từ quan rất sớm, tuy nhiên con cháu ngày sau e khó vượng, chí ít trong trong ba đời kế sẽ không được học hành thi cử, sẽ bị cấm tham chính, bề ngoài thì là họa, là bất hạnh nhưng bề trong lại ngầm chứa sự may mắn, cứ vui với đời nông phu vậy mà lại hay.”

Con cháu trong nhà im phăng phắc, người nào cũng lộ rõ sự căng thẳng sợ sệt, có kẻ khóc thút thít. Tổ Nguyễn Thanh Nghệ nhìn khắp một lượt rồi an ủi:

– Bọn các người chớ quá lo lắng! Nguyễn Ánh sẽ không làm tội đến các ngươi đâu, bởi lẽ các ngươi không trực tiếp liên can đến nhà Tây Sơn, một lẽ nữa là ta từ quan sớm, ngay lúc Tây Sơn đang cường thịnh. Yết thị cũng công bố rõ ràng:” Người không trực tiếp liên đới ngụy Tây thì miễn tội”.

Nguyễn Hộ là con trưởng, y vốn học hành cũng đủ để đọc sách thánh hiền. Y vui lòng sống đời nông phu, không thi cử, không có chí làm quan, tuy không có chức tước gì nhưng người khắp các tổng đều nể trọng y. Y theo tổ Thanh Nghệ vào đây và giờ y thay mặt tổ để đứng đầu chi họ. Nguyễn Hộ đến bên giường bệnh:

– Chúng con nghe lời cha, chúng con tuyệt đối không ham thích lập thân chốn quan trường. chúng con cũng an ổn thôi! Sách có câu thánh nhân đãi kẻ khù khờ, cứ giả mù mà sống đời nông phu thì tránh được họa quan trường chính sự.

Tổ nghe thế gật đầu ưng bụng, tuy nhiên tổ vẫn thao thức:

– Phận con dân như con sâu cái kiến, vận nước lênh đênh thì mạng dân cũng phập phều bèo giạt mây trôi, sống chết vô thường. Tuy sống đời nông phu nhưng nhiều lúc muốn an cũng không an nổi. Bắc Hà, Nam Hà hai trăm năm giặc giã điêu linh, chinh chiến liên miên. Nông phu cũng phải xiêu dạt tứ tán, đói khổ, chết chóc kể sao cho xiết. Vận nước thịnh suy vẫn thay đổi vô chừng, ta đoán hai trăm năm sau nước nhà lại một lần nữa chia cắt, vẫn là con sông Gianh này! Con sông hiền hòa vậy mà bị thiên hạ gán cho cái sứ mệnh nghiệt ngã chia hai sơn hà. Dân tình thống khổ vô cùng. Chi nhánh họ Nguyễn Thanh Nghệ ta từ khi vào nam đời sống khá giả, nhà cửa, ruộng vườn, đất đai đều đầy đủ, xem ra cũng có phước phần. Giờ phút này ta sắp về với tổ tiên, ta tiết lộ cho bọn các người biết: "Sanh phần của ta vốn là đặc ân do vua Thái Đức ban cho, năm ấy khi ta cáo lão, vua cho công binh đến xây sanh phần nhưng bề ngoài phao tin dựng công sự cho triều đình". Khi ta chết, các con khâm liệm đơn sơ, đừng bồi táng bất cứ vật gì, mọi vật chôn theo chỉ là tai họa, tang lễ không được làm rền rang, càng đơn giản càng tốt về sau.

Năm Nhâm Tuất, Nguyễn Ánh hạ được thành Quy Nhơn và lập tức đổi tên là Bình Định. Y tỏ ý đã dẹp yên được Tây Sơn. Y lập tức cho truy tìm mộ tổ họ Nguyễn Thanh Nghệ, ấy vậy mà không tìm ra, tính đến nay cũng đã hơn hai trăm năm rồi.

*
Khi hầm mộ được phá ra, cả đoàn khảo cổ lẫn bác Ba Khả, trưởng chi họ Nguyễn cùng những người hiếu kỳ vây quanh đều ngạc nhiên sững sờ thấy tim đèn trong lu dầu phộng vẫn còn leo lét cháy. Bác Ba Khả phấn kích xúc động:

– Hoàn toàn ứng với truyền thuyết ngọn đèn vĩnh cửu trong hầm mộ mà lâu nay họ Nguyễn vẫn truyền tai nhau. Bia mộ tuy đã đục bỏ chữ nhưng căn cứ vào điểm này đủ để khẳng định đây chính là mộ tổ của họ Nguyễn Thanh Nghệ ngày xưa.

Tối hôm ấy, đài truyền hình địa phương đưa tin cuộc khai quật mộ cổ và phỏng vấn ông trưởng đoàn khảo cổ học:

– Chúng tôi rất vui mừng khi khám phá ra được ngôi mộ cổ này, thật ra thì người phát hiện đầu tiên chính là con cháu họ Nguyễn, cụ thể là ông Ba Khả, người ấy hiện là trưởng chi họ Nguyễn và cũng là hậu duệ đời thứ mười bảy của họ Nguyễn ở đất này. Trong lúc cày ải đất, ông ấy đã đụng phải tấm bia chôn vùi trong đất, nhờ thế mà phát hiện ra ngôi mộ. Ngôi mộ to lớn khác thường, chứng tỏ chủ nhân của nó là người có uy tín và danh vọng. Ngôi mộ xây chìm dưới đất, hợp chất quách gồm vôi, mật mía, ô dước, đá ong… những hợp chất và vật liệu thường thấy ở những ngôi mộ cổ của vùng này. Trong mộ không có bất cứ vật tùy táng nào, ngoài quan tài ra chỉ có một lu dầu phộng và tim đèn vẫn còn cháy sáng, điều này khớp với huyền thoại ngọn đèn vĩnh cửu, nhờ lu đèn này mà ta mới biết đây là mộ tổ họ Nguyễn Thanh Nghệ. Trong mộ có hệ thống thông khí rất tinh vi giúp cho ngọn đèn cháy sáng mà không tắt, tuy nhiên qua thời gian năm tháng cùng với sự canh tác trên mặt đất, một số lỗ thông khí đã bị bít nghịt, trong cái rủi lại có cái may, chính vậy mà hay, nhờ giảm bớt lượng ôxy mà ngọn lửa cháy nhỏ lại giúp bớt hao tổn dầu. Khi chúng tôi khai quật thì ngọn đèn này đã cháy được hơn hai trăm năm rồi, căn cứ vào lượng dầu còn lại. Chúng tôi dự đoán ngọn đèn này có thể cháy bằng ba lần thời gian đã qua, nếu mà không được khai quật.

Kết luận ban đầu của chúng tôi thì ngôi mộ có ngọn đèn vĩnh cửu này mới chính là mộ tổ họ Nguyễn, còn ngôi mộ đồ sộ bên rẫy mía kia chỉ là mộ giả. Con cháu họ Nguyễn ngày xưa lập ra để đánh lừa tai mắt triều đình. Có một điều chúng tôi thắc mắc mà chưa tìm ra lời giải:

" Tại sao ngôi mộ giả to lớn vậy, có cả bia đá vậy mà người của triều đình truy tìm không thấy? Phải chăng chính kẻ truy tìm cũng biết là mộ giả nên vờ không biết để dùng kế dụ rắn ra khỏi hang? Dùng đó để làm chim mồi?". 

Tuy nhiên đây chỉ là giả thuyết, chúng tôi cần có thêm thời gian, tìm thêm sử liệu mới có thể kết luận một cách chính xác.

*
Mãi đến thời kỳ cải cách, chính quyền trả lại rẫy mía cho nhà họ Nguyễn, ngày cuối năm giẫy mả, con cháu tụ họp về và nhiều người tỏ ý muốn góp tiền xây lại mả tổ cho to lớn đàng hoàng hơn. Bác Ba Khả nói:

– Tình cảm con cháu dành cho tổ tiên rất quý nhưng ta không làm như thế được, vì làm thế khác gì phá huỷ vết tích ông cha. Mặt khác thì cũng không cần phải xây mồ to mả lớn làm gì, ngọn đèn vĩnh cửu vẫn cháy trong lòng chúng ta suốt hơn hai trăm năm qua có tắt bao giờ.

– Tiểu Lục Thần Phong
(Ất Lăng thành, 08/22)

No comments:

Post a Comment