Wednesday, August 17, 2022

Chữ nghĩa bây giờ

TRẦN C. TRÍ

Từ lâu nay ở hải ngoại đã có không biết bao nhiêu là bài viết nói về cách dùng chữ (chứ không phải “từ”!) ở Việt Nam. Bài này có nhan đề là “Chữ nghĩa bây giờ” bởi vì những từ ngữ “lạ” hay cách nói năng bừa bãi hiện nay không những chỉ ở trong nước mà còn lan tràn qua hải ngoại, len lỏi đến tận những ngõ ngách trong cộng đồng người Việt của chúng ta đến mức báo động.

Trong nước, người ta lúc nào cũng hô hào “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt,” nhưng thực tế lại là một sự trái ngược hết sức mỉa mai. Trước hết, tiếng Việt làm sao trong sáng cho được khi khuynh hướng lai căng càng ngày càng được thấy rõ trong cách dùng chữ của nhiều người. Từ những chữ sặc mùi Trung Cộng như “tham quan, đăng ký, đại sứ quán, hộ chiếu, giao lưu” đến những câu có chữ Tây chữ u chen vào như “thằng con tuổi teen của tôi,” “Cô ca sĩ muốn làm PR,” hay “Anh nhớ inbox em,” “Cô ấy đi làm ô-sin,” vân vân và vân vân.

Ngôn ngữ Việt trong nước ngày nay bỗng nghe sao vô cùng ngớ ngẩn và kệch cỡm. Ở hải ngoại, sống trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với tiếng Anh hay tiếng Pháp, cố nhiên những người tị nạn như chúng ta cũng nói tiếng Việt có pha chữ nước ngoài, nhưng chỉ là vì bị “nhập tâm” một cách chẳng đặng đừng những từ ngữ dùng hay nghe hằng ngày khi sinh hoạt hay làm việc với người bản xứ, chứ không phải để làm dáng thời thượng như người ở trong nước.

Nét lai căng của tiếng Việt cũng được biểu hiện qua cách dịch trực tiếp các từ ngữ hay thành ngữ của tiếng Anh chẳng hạn. Ví dụ như “as soon as possible” thì trở thành “sớm nhất có thể,” “mission impossible” là “nhiệm vụ bất khả thi” (vừa lai Tây vừa lai Tàu!), “a chance of rain” thành “khả năng mưa,” hay “going to an event” là “đi sự kiện”!

Nghe hay đọc những câu đại loại như thế, ta có cảm tưởng như tiếng Việt ngày nay không còn nghe “mùi Việt” nữa.

Hay khuynh hướng “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia.” Tiếng nọ xọ tiếng kia, nghe nửa nạc nửa mỡ vô cùng khó chịu. Xin mời xem Hán-Việt giao duyên: siêu sạch, siêu sao, tái mở rộng, hay Việt-Hán-Việt giao duyên như lò vi sóng (microwave oven!); Anh-Việt giao duyên: lướt phây (xem Facebook), còm sĩ (comment + sĩ); thậm chí Hán-Việt-Pháp cũng vui vẻ giao duyên nốt: siêu xuyệt (siêu + sur, để chỉ những căn nhà có địa chỉ chồng chéo lên nhiều tầng!). Đành rằng trong thứ tiếng nào cũng có thể có hiện tượng ráp từ ngữ từ nhiều gốc khác nhau, ví dụ như tiếng Anh “superman” là do “super” (La-tinh) và “man” (Germanic) ráp lại, hay “uber-rich” là do “uber” (tiếng Đức) và “rich” (Anh/Germanic) nói như tiếng lóng. Tuy nhiên, những hiện tượng ráp nối đó trong tiếng Anh hay nhiều thứ tiếng khác chỉ có tính cách chừng mực chứ không quá đáng như trong tiếng Việt bây giờ.

Mặt khác, câu cú của tiếng Việt ngày nay đang bị khủng hoảng nặng nề. Trật tự trong câu bị đảo lộn chẳng hạn. Trong cú pháp tiếng Việt, khi dùng chữ Hán-Việt thì thường hình dung từ đứng trước danh từ (yếu điểm, địa danh, túc từ), còn khi dùng chữ thuần Việt, hình dung từ đứng sau danh từ (nhà cao, cửa rộng, đất lành). Ấy vậy mà lâu nay báo chí trong nước (rồi từ từ lan ra báo chí hải ngoại) rất sính dùng cách đảo ngữ trong các tiêu đề, cho hình dung từ đứng trước danh từ, ý hẳn để làm cho tiêu đề hấp dẫn, cho “kêu,” gợi tò mò cho người đọc. Chẳng hạn như “Cơ cực những mảnh đời trên sông nước,” “kinh dị ngôi làng có ma,” hay “Xinh tươi vườn hoa ngày Tết.” Rằng kêu thì thật là kêu, nghe qua vui ít buồn nhiều ai ơi!

Đảo ngữ còn xảy ra với một số danh từ ghép hay nhóm chữ như “bảo đảm” / “đảm bảo,” “khai triển” / “triển khai,” “đoàn kết” / “kết đoàn,” “dược thảo” / “thảo dược,” “luật sư đoàn” / “đoàn luật sư,” “trưng cầu dân ý” / “trưng cầu ý dân,” vân vân và vân vân. Tình trạng ăn xuôi nói ngược này mà còn tiếp tục, chẳng bao lâu cộng đồng thế giới sẽ ghi nhận nước Nam Việt Nghĩa Chủ Hội Xã Hòa Cộng, phải không quý vị?

Nhiều tiêu đề của bài báo lại dùng một tính từ, động từ hay trạng từ nói về một tình trạng đứng phía sau trong câu, nhưng lại không có chữ gì để nối hai thành phần đó lại. Ví dụ như “cười té ghế (?) những kiểu áo cách tân,” “cay đắng (?) cô dâu Việt bị chồng Hàn đối xử tệ bạc,” hay “ngỡ ngàng (?) Việt kiều bị người thân ở Việt Nam lường gạt.” Độc giả ngày nay khi đọc những loại câu như thế ắt hẳn phải tập thói quen “đọc ít, hiểu nhiều,” hay nói theo kiểu Mỹ là “reading between the lines” (thậm chí “between the words”!).

Một hiện tượng phản cú pháp khác là bỏ bớt chữ trong một số nhóm chữ (chứ không phải “cụm từ”!). Trước hết, xin ghi nhận là trong tiếng Việt có rất nhiều trường hợp “bỏ chữ,” như một số giới từ được bỏ đi theo thói quen và đã trở thành “đúng.” Ví dụ như thay vì nói “đi đến phi trường,” chúng ta chỉ nói “đi phi trường,” hay “ba của tôi” có thể nói là “ba tôi.” Dạo sau này, trên báo chí trong nước xuất hiện cách nói như sau “những điều cần biết sau sinh” (thay vì “sau khi sinh”), hay “đường phố ngập nặng sau mưa” (thay vì “sau khi trời mưa” hay “sau cơn mưa”). Nói theo kiểu này thì chúng ta cũng có thể nói thêm những chuyện khác như “đi ngủ sau ăn,” “nghỉ ngơi sau làm việc,” “bật cười sau khóc”!

Hiện tượng bỏ chữ còn được ghi nhận qua những danh từ ghép thành lập bằng một danh từ cộng với một động từ. Ví dụ như “người lái xe” hay “người quay phim” thì chỉ còn là “lái xe” và “quay phim.” Chúng ta có thể nghe câu “Ngày mai tôi cần một lái xe và hai quay phim” trong ý nghĩa đó. Nói kiểu như vậy thì câu sau đây có thể có hai nghĩa: “Tôi thích lái xe lắm!”Một là “I like driving very much,” hai là “I like the driver very much.” Chẳng biết đằng nào mà lần! Nhân đây, xin được phép đố quý vị độc giả, “Bảo vệ đi mua điều hòa” là gì? Giải đáp (chứ không phải là “đáp án”!): The bodyguard went to buy an air conditioner!

Một khuynh hướng nữa tạm gọi là “khuynh hướng lập dị.” Nói một cách tóm tắt, chữ Việt truyền thống thường bị thay thế bằng chữ khác, cho nó khác đi vậy thôi! Hễ chữ Hán thì bị thế bằng chữ Việt (máy bay trực thăng / máy bay lên thẳng, đồng bào thiểu số / dân tộc ít người); (có khi thay mà thay không hết như “thủy quân lục chiến” thành “lính thủy đánh bộ,” mà tại sao lại không là “lính nước đánh đất”?). Chữ Việt thì bị thay thế bằng chữ Hán (người giữ trẻ/ bảo mẫu, ở lại lớp / lưu ban, trục trặc/ sự cố). Chữ Hán-Việt này thì bị thay thế bằng chữ Hán Việt khác (độc thân / đơn thân, đối thoại / đài từ (trên phim ảnh), thông hành / hộ chiếu, nhân đạo / nhân văn); hay chữ Việt này cũng bị thay thế bằng chữ Việt khác (màn ảnh / màn hình, xe gắn máy / xe tay ga (“ga” là tiếng tây!)).

Các ông cộng sản không biết học hành tới đâu, nhưng tài chơi chữ của các ông thì phải nói là tuyệt! Một đảng viên phản bội, các ông bảo là “tự diễn biến.” Các ông cảm thấy có một thay đổi gì không có lợi cho đảng của các ông mà không thấy rõ kẻ địch nơi đâu, các ông bèn gọi đó là “diễn biến hòa bình.” Các ông muốn núp dưới cái nhãn hiệu cộng sản đã giúp các ông leo lên tới tột đỉnh quyền lực, nhưng cũng muốn tập tễnh làm ăn buôn bán theo kiểu “tư bản giẫy chết” để bỏ đô-la xanh lét vào cái túi đỏ lè của các ông, bèn đẻ ra cái quái thai “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Các ông dặn lũ tay chân của các ông đi sang các nước tư bản để tha phương cầu thực, nhưng lại không muốn chúng tha hoá, lâu ngày quên mất đảng, nên các ông luôn luôn dặn dò chúng “hòa nhập chứ không hòa tan.” Thành phố mang tên “bác” dạo này bị kẹt xe khủng khiếp, nhìn từ trên xuống thấy lúc nhúc những người và xe, thấy thương dân mình phận long đong. Nhưng không, lãnh đạo thành phố quả quyết rằng đó chỉ là “ùn ứ chứ không ùn tắc!” Thật là “Fini leau dire!” Nếu chơi chữ như vậy thì chắc chúng ta ở hải ngoại cũng có thể chơi chữ được. Có lần trong lớp tiếng Việt, tôi đố các em sinh viên của tôi: “Các em có thể kể tên vài cái hồ nổi tiếng ở Việt Nam không?” Sinh viên của tôi, em thì biết hồ này, em thì biết hồ khác, thi nhau kể “hồ Xuân Hương, hồ Ba Bể, hồ Hoàn Kiếm.” Tôi cười bảo các em, “Còn một cái hồ nữa, to lắm mà mấy em không nhớ. Ở Sài Gòn, sau một cơn mưa lớn, cả thành phố chìm trong nước. Đó là hồ Chí Minh!.”

Chuyện chữ nghĩa tiếng Việt bây giờ, dễ cần đến nhiều pho sách mới tạm nói đủ, huống chi một bài báo cưỡi ngựa xem hoa như thế này. Nói cho cùng, ngôn ngữ nào cũng thay đổi theo thời gian và thời cuộc, ngôn ngữ nào cũng đầy tính sáng tạo, nhưng sự thay đổi, sự sáng tạo chỉ nên có tính chừng mực. Như người Pháp có nói “Tout excès est mauvais,” sự cực đoan nào cũng không hay ho gì cả. Sự “phát triển” ngôn ngữ bừa bãi và quá đáng ở Việt Nam chính là phản ảnh của một xã hội bị xáo trộn về chính trị, kinh tế, đạo đức và giáo dục. Khi nào đất nước thật sự thanh bình, dân chủ và được khai phóng đúng mức, tự nhiên lúc ấy tiếng Việt cũng sẽ trở nên trong sáng, hay đẹp và thâm thúy như nó đã từng như thế từ ngàn năm trước.

No comments:

Post a Comment