Thursday, August 18, 2022

Cách đặt dấu khi viết về các chữ số

Đỗ Văn Phúc

Cách viết các con số! Đơn giản quá mà; ai cũng biết viết cả trăm năm nay mà!

Không đơn giản thế đâu, thưa quý vị. Chúng tôi vẫn thấy nhan nhản các lỗi về cách viết và đặt các dấu chấm, dấu phẩy trong các chữ số trên báo chí, văn bản chính thức của nhiều tổ chức. Đặt các dấu chấm, dấu phẩy sai chỗ sẽ làm cho trị giá con số bị hiểu sai rất xa với trị giá thật. Sự đánh dấu sở dĩ sai vì các bài báo lấy từ trong nước Việt Nam dùng cách đánh dấu trái ngược với cách chúng ta ở Mỹ. Cách đánh dấu bên Việt Nam là do ảnh hưởng của Pháp mà chính chúng ta cũng thường áp dụng khi còn ở quê nhà.

Thử đọc báo Việt Nam viết giá một ly cà phê là 65.000 đồng!? Lương một kỹ sư ở Mỹ là 7.000 đô la mỗi tháng!? Tình theo trị giá tiền Hồ, thì với 65 đồng chẳng có giá trị gì cả! Còn tưởng rằng đồng là đô la thì cà phê gì mà giá cắt cổ đến 65 đô la? Kỹ sư ở Mỹ lương phải bạc ngàn chứ tệ cỡ nào mà lãnh 7 đô la mỗi tháng?

Người Việt Nam, theo cách của Pháp và đa số các nước Âu Châu, thường đánh dấu phẩy (comma) ở sau hàng đơn vị, và đánh dấu chấm (point) để ngăn cách ở số hàng ngàn, hàng triệu. Dấu chấm trong các con số tiếng Anh gọi là Decimal Point. Deci là tiếp đầu ngữ chỉ con số phần mười của đơn vị. Trái ngược hẳn cách của Pháp, cách đánh dấu ở Hoa Kỳ và các quốc gia nói tiếng Anh là: Dấu chấm đặt sau hàng đơn vị và dấu phẩy là để ngăn chia hàng ngàn, hàng triệu. Do đó, mỗi khi dịch tài liệu từ sách báo Việt Nam thì nên cẩn thận, chuyển đổi các dấu trong các hàng số cho phù hợp cách của Mỹ để tránh bị hiểu sai.

Như thế, với thí dụ trên thì phải viết: ly cà phê theo giá Việt Nam là 65,000 đồng; lương kỹ sư ở Mỹ là 7,000 đô la mỗi tháng.

Ví dụ cách đặt dấu:

 

Việt Nam (theo cách Pháp)

Theo cách Mỹ

Một ngàn lít

1.000 lít

1,000 liters

Hai mươi bảy kí lô và 350 gram

27,350 kilo

27.350 kilograms

Hai trăm mười ngàn bảy trăm đô la năm mươi xu

210.700,50 đô la

210,700.50 dollars

hay US$ 210,700.50

Ba triệu tám trăm ngàn một trăm lẻ bảy đồng hai mươi xu

3.800.107,20 đồng

3,800,107.20 đồng

 

Hệ thống số đếm

Từ cấp đơn vị trở lên, các con số nằm trước dấu chấm. Chúng ta có: Deca (10 lần), Hecta (100 lần), Kilo (1000 lần), Mega (1 triệu lần), Giga (1 tỷ lần), Tera (ngàn tỷ lần) vân vân.

Từ cấp đơn vị trở xuống, các số nằm sau cái dấu chấm. Chúng ta có: Deci (phần mười hay 1/10), Centi (phần trăm hay 1/100), Mili (phần ngàn hay 1/1,000), Micro (phần triệu hay 1/1,000,000), Nano (phần tỳ) vân vân.

Trong đời sống hàng ngày, có lẽ chúng ta chỉ quen con số hàng trăm, hàng ngàn. Có làm ăn buôn bán gì thì nghe hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn, hàng triệu; và chỉ khi tham khảo tới lãnh vực kinh tế quốc gia thì mới nghe đến hàng tỷ và ngàn tỷ.

Về các số dưới mức số đơn vị (từ 1 đến 9), chúng ta quen thuộc đến phần mười (thập phân, x/10 hay 0.0x), phần trăm (bách phân, x/100 hay 0.00x). Chỉ trong ngành kế toán thì mới dùng đến phần nghìn (thiên phân x/1000, hay 0.00x). Ghi chú: Chữ x trong các thí dụ chỉ là biến số tượng trưng cho các con số thật có thể là 2, 3, 4 … 9)

Ngày nay, với đà tiến bộ siêu việt của khoa học kỹ thuật, nhất là lãnh vực điện từ, chúng ta nghe nhiều đến chữ micro là phần triệu, nano tức là phần ngàn triệu của đơn vị. Thử tưởng tượng sợi tóc thường của chúng ta có đường kính hơn một phần tư millimeter hay 0.25 millimeters hay 25 micro; trong khi hiện nay, trên một con chíp điện tử, người ta gắn lên đó đến 20 tỷ mạch điện cho các transistors và làm các transistors chỉ lớn khoảng 7 nanometers.

Sai lầm trong cách viết bách phân

Sai lầm này thấy rất nhiều trên các báo hay các bài viết trên mạng. Trong một bản tin trên báo XYZ có tựa đề “Tin đáng mừng; thăm dò cho thấy có .63 phần trăm cử tri ủng hộ ông X.” (Xin để ý dấu chấm nằm trước số 63)

Nếu giải thích theo cách viết trên thì có .63 phần trăm là 0.63% tức 6.3 phần ngàn hay 63 phần vạn. Trong một vạn cử tri mà chỉ có 63 người ủng hộ. Thế là rất bi quan chứ có gì mà mừng vui. Lẽ ra phải viết đúng là 63 phần trăm hay 63% (xem bên dưới).

 

Cách viết 1

Cách viết 2

Cách viết 3

(Bách phân)

Một phần 10

0.1

1/10

10%

Ba phần trăm

0.03

3/100

3%

Sáu phần nghìn

0.006

6/1000

0.6%

Sáu ba phần trăm

0.63

6.3/10

63%


Nhân tiện, xin giải thích một câu hỏi của một quý bà từ San Jose về các chữ kỷ, thập niên, thế kỷ, thiên niên kỷ.

Dương lịch chúng ta đang dùng tính từ năm sinh của Chúa Jesus. Những năm trở về trước thì số năm được tính lùi và có kèm chữ tắt BC (Before Christ, trước Thiên Chúa).

Ví dụ; Vua Tần Thủy Hoàng bên Trung Hoa trị vì từ năm 221 BC đến năm 207 BC.

Những năm sau Chúa Giáng Sinh thì có kèm hai chữ tắt AD (Anno Domini. tức là năm của Chúa). Bây giờ người ta không cần ghi thêm hai chữ AD nữa.

Ví dụ: Nhà Hán bên Trung Hoa tri vì từ năm 202 BC đến năm 220 AD.

Trong thực tế, ngày và năm sinh của Chúa Jesus cũng có nhiều sách sử ghi khác nhau. Chúng ta không lạm bàn nơi đây.

Theo Hán tự, Niên Kỷ 年紀 (có khi viết là Kỉ) là năm tuổi, Nhất Kỷ 一紀 một đơn vị mười hai năm (một giáp). Chữ kỷ 紀 này khác chữ “kỷ” 幾 là bao nhiêu (kỷ hà 幾何?)

Thập niên là mười năm (decade); Bách niên là một trăm năm nhưng thường nói là thế kỷ” (century). Thiên niên kỷ là một ngàn năm (millennium).

Ví dụ: Thế kỷ 21 chúng ta đang sống bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2001 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2100. Những năm từ đầu năm 1701 đến cuối năm 1800 thuộc thế kỷ thứ 18. Những năm từ đầu năm 1901 đến cuối năm 2000 thuộc thế kỷ thứ 20.

Thiên niên kỷ thứ nhất tính theo dương lịch là từ ngày đầu năm 0001 đến cuối năm 1000; Thiên niên kỷ thứ hai là từ ngày đầu tháng 1 năm 1001 đến ngày cuối của năm 2000. Như thế chúng ta đang ở thế kỷ 21 của thiên niên kỷ thứ 3.

Cách viết một thập niên: theo cách thông dụng, thập niên tính từ năm có số sau cùng là 0 đến năm có số sau cùng là 9.

Ví dụ: Thập niên 1960 là từ năm 1960 đến năm 1969.

Nhưng cũng có khuynh hướng lấy từ năm có số cuối là 1 cho đến năm có số cuối là 0.

Ví dụ: Thập niên thứ ba của thế kỷ 21 là từ năm 2011 đến hết năm 2020.

Cách viết theo Anh ngữ của thập niên 60 thế kỷ 20 là là 1960s. Chúng ta đang ở đầu thập niên 2022 hay 2022s.

Đỗ Văn Phúc

No comments:

Post a Comment