Friday, July 15, 2022

Níu một sợi dây đứt

Một buổi sáng, người đàn bà chừng năm mươi tuổi bước vào sân nhà tôi, vẻ tự tin như đây là chốn quen. Gặp tôi ở sân, bà hỏi cháu có phải con ba Bình không. Tôi gật đầu dạ đúng. Bà nói “hèn chi giống đúc” rồi đi thẳng vào nhà, không chút khách sáo.

Ông nội tôi đau ốm mấy năm nay đang nằm liệt trên giường, nghe có người vào liền ngoái đầu lên. Giọng ông tự dưng khỏe hẳn.

- Có thằng Hòa về không con?

- Dạ ông. Nó mất rồi ông ạ.

- Mất thì mày còn về đây làm chi.

Nói rồi ông nằm xuống như không có chuyện gì xảy ra. Tôi không rõ người đàn bà này là ai, Hòa là ai. Và tại sao chỉ hai câu nói của ông nội lại có đến hai từ dành cho người đàn bà, đầu tiên ông xưng con, sau ông xưng mày.

Tôi chạy ra đồng gọi ba mẹ về, nhà có khách. Nghe tôi kể ngắn gọn chuyện người đàn bà ở nhà, ba tôi luống cuống dộng cái cuốc bên vệ cỏ định chạy về ngay.

Nhưng ông kịp liếc nhìn mẹ tôi, bà đang đứng chết lặng.

Mẹ nói: “Anh về gặp chị ấy đi”. Ba cứ nấn ná: “Có về thì mẹ mày về luôn, mà thôi, vội chi”. Phải tới trưa, cả ba và mẹ tôi mới về tới, khi đó trong nhà đông đủ các cô các chú của tôi đã có mặt.

Chú Ba bảo tôi phải gọi người đàn bà là dì Nga. Dì Nga là vợ đầu tiên của ba tôi. Trước bảy lăm, ba tôi làm trợ lý phiên dịch cho một nhóm lính Mỹ ở miền Nam. Dì Nga lúc ấy cũng làm lặt vặt trong sở Mỹ. Ba gặp dì Nga trong cái sở Mỹ đó.

Sau ba mươi tháng tư năm bảy lăm, ba tôi đưa dì Nga về quê, nơi ngôi làng miền Trung thuần nông này. Năm sau, dì Nga bồng đứa con trai là cu Hòa mới bảy tháng tuổi trốn đi. Từ đó nhà tôi không hề biết tin tức của dì.

Ba mươi năm rồi, nay dì mới tìm về lại quê chồng.

Các cô các chú xúm vào hỏi chuyện dì. Ba chục năm xa cách khi gặp lại hóa ra cũng chỉ mỗi chuyện nay dì sống ở đâu, làm nghề nghiệp chi. Thực tình tất cả các cô các chú rất muốn hỏi chuyện đứa cháu trai tên Hòa, nhưng ai cũng chỉ gợi chuyện bóng gió, không dám nói thẳng.

Kể ra, người tên Hòa đó mới là sợi dây thân thích níu kéo, giằng giữ dì Nga với gia đình tôi. Nếu không thì dì cũng chỉ người dưng mà thôi. Vì ba tôi đã lấy mẹ tôi và có đến ba mặt con trai gái đủ cả.

Mẹ tôi ngồi dưới bếp, lặng lẽ như một thanh củi khô. Cứ như thể chính mẹ mới là người vừa trở về, ngại ngùng rụt rè lo lắng xa lạ. Các cô các chú, kể cả anh em tôi đều quấn lấy dì Nga bắt chuyện.

Dì Nga bước xuống bếp gọi mẹ tôi:

- Dì Bưởi lên đây đi. Sao dì tránh tôi? Hay dì khó chịu khi thấy tôi về? Nói cho dì hay, dì mới là người... cướp chồng tôi, nhé. Nên nếu tôi bình thường, thì ít ra dì cũng phải vui vẻ với tôi chứ.

Tôi thương mẹ, nhưng tôi cũng giận mẹ. Đúng như dì Nga nói, lẽ ra mẹ cần phải niềm nở vui vẻ khi người vợ đầu của ba tôi vừa trở về sau ba mươi năm. Thái độ của mẹ cũng khiến cho ba tôi khó xử.

Ba không dám tỏ vẻ mừng khi dì Nga trở về, sợ mẹ tôi buồn. Ba cứ ngồi ngoài hiên đốt thuốc lá hết điếu này sang điếu khác. Thỉnh thoảng dì Nga liếc mắt ra chỗ ba tôi ngồi, rồi mỉm cười bảo: “Có gì tâm tư lắm đâu mà đốt thuốc hoài vậy ông Bình. Vô nói chuyện chơi”.

Dì Nga là người miền Nam đầu tiên tôi gặp, đúng như người ta hay bảo, dân trong đó sống vô tư thoải mái, ruột để ngoài da.

Mọi người hỏi vòng vo đâu đâu nhưng dường như dì Nga đoán ra tất cả đều muốn nghe chuyện về thằng cu Hòa. Dì kể:

- Khi tôi bồng cháu nó vào lại miền Nam, cũng kiếm được cái lán nhỏ để ở và nhận bán hàng đầu chợ. Lên bốn, một hôm nó chạy về sau nhà chơi thì rớt xuống hồ nước.

Dì Nga chỉ kể chừng đó về đứa con trai tên Hòa. Chỉ mấy chữ thôi nhưng câu chuyện cách đây ba chục năm nhắc lại vẫn thấy rùng rợn. Chừng ấy thời gian, có lẽ đã đủ để nỗi đau trong lòng người mẹ lắng xuống.

Phải vì thế nên dì kể rất bình tĩnh, không chút cảm xúc buồn bã. Dì không khóc ủy mị như khi người ta thuật lại một câu chuyện buồn có phần lỗi của mình trong đó.

Nhưng chính cái sự bình bĩnh đó của dì khiến cả nhà tôi nghi nghi. Biết đâu dì đang bịa ra tình huống xui xẻo, chứ thực ra đứa bé tên Hòa vẫn đang sống và là một chàng trai ba chục tuổi đời. Vì một lý do nào đó, dì không muốn đưa anh Hòa về quê chẳng hạn.

Sự nghi ngờ này cứ âm thầm, len lỏi, nhen nhúm dần lên. Các cô các chú cứ rục rịch rỉ tai nhau, bàn cách cố moi thêm thông tin về đứa cháu. Tôi cũng được giao trách nhiệm. Cô Năm bảo tôi: “Mày cố hỏi dì Nga về anh Hòa nhé, có khi anh mày còn sống đấy. Cô nghi lắm”.

Mấy ngày dì Nga ở quê, tôi là người tiếp xúc với dì nhiều nhất. Có mấy chỗ thăm chơi, dì cũng bảo tôi lấy xe máy chở đi. Nhờ vậy tôi được nghe nhiều chuyện của dì hồi ở đây. Mà dì chỉ ở có một năm rưỡi, sau đó lại đi xa gần ba chục năm nên kỷ niệm cũng không còn nhớ nhiều.

Dì kể lúc theo ba tôi về đây, cảnh làng xóm tiêu điều buồn tẻ. Lúc đó vẫn còn kiểu làm ăn tập thể, dì được xếp vào đội cấy gặt, đội cắt cỏ.

Mới ngoài hai mươi tuổi, dì đẹp và thon thả, da dẻ trắng trẻo, ra đồng làm chả được bao nhiêu đã đuối sức. Nghĩ cảnh lao động chân tay này còn dài dài, dì lượng sức không chịu nổi cực nhọc, nên mới bồng cu Hòa bỏ đi.

Mãi sáu năm sau ngày dì Nga đi khỏi làng, biết khó tìm được dì nên ba tôi cưới mẹ tôi, sinh ra ba anh em tôi. Chúng tôi lớn lên không hề nghe kể về dì Nga. Bà con thân thích cũng không ai nhắc lại chuyện về người đàn bà miền Nam từng về sống trong ngôi nhà này.

Tôi vẫn nhớ nhiệm vụ các cô các chú giao phó, nhưng tôi không muốn hỏi thêm dì Nga về anh Hòa. Chuyện nếu kể được, người ta sẽ tự kể, không cần khơi gợi. Mà có khi dì kể hết rồi đấy. Chỉ vì gia đình tôi cần nghe một cái kết khác, lạc quan hơn.

Tôi chở dì đi loanh quanh chơi. Dì bảo làng xã bữa nay khác quá, đẹp hơn trước nhiều, dì chẳng nhận ra chỗ nào cả. Tôi nói vui: “Hồi đó mà khang trang thế này chắc dì chẳng bỏ đi đâu nhỉ”. Dì cú vào đâu tôi: “Thế thì không có cháu đâu”.

Những ngày ở quê chính dì Nga đi chợ, vào bếp chuẩn bị bữa ăn. Vừa làm dì vừa kể hồi trước về đây dì không rành chuyện nấu nướng, với lại bếp củi lửa rơm khói um lên, dì toàn bị chê nấu ăn dở ẹc.

Bây giờ khác, thậm chí chúng tôi cảm giác dì Nga nấu ăn ngon hơn mẹ tôi. Mấy món ăn nấu theo kiểu miền Nam hơi ngọt, nhưng chúng tôi thích. Cả nhà ăn cơm dì nấu ai cũng khen. Có thể chỉ khen cho dì vui lòng. Mấy chục năm người dâu cả trở về, lại đa công đi chợ nấu nướng, không khen sao đành.

Mẹ tôi vẫn không tự nhiên được, cứ cố tình tránh dì Nga. Ban ngày mẹ tôi ra đồng, tới bữa về ăn cơm. Buổi tối mẹ ngồi miết trong bếp nấu rau cám cho heo, rồi đổ gạo ra giần sàng hết mẹt này tới mẹt khác.

Dì Nga lại bảo mẹ tôi: “Dì vui vẻ đi. Tôi chơi mấy bữa rồi vào lại chứ có ở đây đời kiếp đâu mà dì tỏ vẻ. Tôi mà thích ở đây thì hồi đó chẳng bỏ đi làm chi”.

Ba tôi vẫn ngồi đốt thuốc mỗi đêm, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn liếc qua hai người đàn bà của đời mình. Một người vợ đầu tiên nay đã trở về, hoạt bát nhẹ nhàng như chỉ mới đi chơi loanh quanh đâu đó. Một người vợ sau hơn hai chục năm sống với nhau giờ bỗng lạnh lùng im lặng.

Dì đi lại tự nhiên trong nhà, nói cười trò chuyện, dọn dẹp lặt vặt. Điều đó làm cho mọi người cảm thấy dì gần gũi, chân tình và cuộc sống gia đình không bị xáo trộn gì nhiều. Anh em chúng tôi cố gắng quấn lấy dì, không có chút cảm giác kiểu đó là “bà dì ghẻ”.

Đứa út còn rủ dì về đây sống luôn cho vui. Chắc vì nó thích kiểu nấu ăn vừa đậm đà vừa có bỏ đường ngọt của dì.

Ông nội tôi đã yếu nhưng mắt vẫn nhìn thấy, tai vẫn nghe tinh tường, chỉ không đi lại được thôi. Thế nhưng mấy ngày dì về, và nhất là những khi dì ngồi bên giường quạt thì ông nhắm mắt như giả vờ... chết. Đó là kiểu biểu hiện ông đang giận.

Lẽ ra cái hôm mới về, dì Nga đừng đáp lời ông vội vàng như thế, tránh cho ông biết chuyện cu Hòa, có khi ông không nằm yên như vậy.

Ngày chia tay, dì Nga vẫn không khóc. Từ lúc về cho tới lúc đi là bốn ngày, tuyệt nhiên dì không chảy một giọt nước mắt. Dì đến chào ông: “Ông ơi ông tha tội cho con. Tại hồi đó cực khổ quá con làm nông không nổi nên mới phải bỏ đi”.

Ông tôi vẫn nằm yên nhắm mắt như kiểu không nghe không biết không quan tâm. Rồi dì cũng chào các cô các chú của tôi với câu nói cầu xin tha thứ đó.

Mọi người hỏi địa chỉ của dì Nga nhưng dì vòng vo lảng tránh. Chắc dì nghĩ rằng nếu có cuộc thăm chơi thì dì là người chủ động về, còn những người ở đây chẳng ai đi tìm thăm dì đâu.

Giá như lúc chia tay dì tiết lộ thêm một chút thông tin về cu Hòa, hoặc nếu dì khóc chẳng hạn, chắc cả nhà tôi sẽ dễ chấp nhận chuyện đứa cháu đích tôn của ông nội đã rơi xuống hồ nước thật.

Sau ngày dì Nga đi, cô Năm bảo: “Dứt khoát thằng Hòa còn sống. Chỉ tại chị Nga không thích cho nó về thôi. Hoặc chị về thăm dò coi nhà này bây giờ sống sao, rồi mới tính chuyện đưa nó về thăm ruột rà chuyến sau cũng nên”.

Mấy lời của cô Năm cũng chỉ suy đoán, nhưng nó như tiếp thêm chút hi vọng cho cả nhà. Dì Nga cũng không cho ai biết địa chỉ nơi dì đang sống, nên chẳng ai biết đường đâu để lần mò tìm kiếm điều tra. Sau cùng các cô các chú bảo việc tìm kiếm đó giao cho tôi, vì tôi còn trẻ có thể đi nhiều được, và đằng nào “anh em nó cũng phải tìm nhau”.

Ông nội tôi mất. Khi làm đám, cả nhà băn khoăn không biết có đưa tên anh Hòa vào danh sách ghi trong tờ văn sớ không. Nếu anh Hòa con sống thì mới được đưa tên vào, và tất nhiên anh phải đứng đầu trong đám cháu, vì anh đích tôn.

Hỏi ý ba tôi, ba chỉ im lặng suốt buổi chiều. Tất cả mọi người đều muốn đưa tên anh Hòa vào, như một cách tin rằng anh vẫn còn sống đâu đó. Đến tối, lúc vị thầy chủ sám đã đến, ba tôi mới bảo thôi, không cần đưa tên Hòa vào nữa.

Không hẳn ông chịu chấp nhận đứa con đầu tiên đã mất, mà có lẽ ba muốn làm cho mẹ tôi đỡ buồn lòng thêm. Cả tên dì Nga cũng không có trong danh sách, dù dì vẫn còn sống.

***
Tôi là người duy nhất biết địa chỉ của dì Nga.

Bữa về thăm quê dì đọc địa chỉ cho tôi ghi và không bảo giữ bí mật. Nhưng lúc chép xong dì bảo cất kỹ đi, tôi đoán như vậy tức là dì không muốn có thêm ai khác biết nơi dì đang sống.

Tôi giữ bí mật cho riêng mình, dù có vài lần ba tôi, các cô các chú đều hỏi bóng gió xem dì Nga có tiết lộ chỗ ở không.

Có địa chỉ của dì trong tay, nhưng mãi đến ba năm sau, khi công ty cử tôi vào miền Nam dự khóa tập huấn ngắn hạn, tôi mới tìm đến nhà dì Nga.

Dì sống một mình, ở cái chỗ không quá đông đúc cũng không quá thưa thớt. Tôi xin phép dì được vào phòng thờ thắp hương. Tôi không có ý tò mò, đấy chỉ là lễ nghĩa được ông nội chỉ dạy. Dì đồng ý, còn khen tôi biết sống theo phong tục cổ truyền, đúng là cháu của ông nội.

Bàn thờ sạch sẽ và thanh tịnh. Chỉ có hai bát nhang, kèm theo ảnh của hai ông bà mà tôi đoán là các cụ thân sinh dì. Tôi ngó quanh, không thấy còn bát nhang nào nữa.

Nếu anh Hòa mất, thì phải có một bức ảnh hoặc chí ít là một cái bát nhang ở phòng thờ này chứ. Tôi có chút nghi ngờ, có lẽ như cô Năm từng nói là anh Hòa vẫn còn sống. Nghĩ vậy nhưng tôi không dám hỏi dì.

- Con vào được đây thăm dì thật quý. Dì nghĩ con là một người đàn ông độ lượng, rồi đây đứa con gái nào lấy được chắc hạnh phúc lắm.

- Dạ. Con đi công tác, tiện đường thăm dì luôn cho biết chỗ. Dì cũng như... mẹ của con thôi.

- Làm kỹ sư mà ăn nói khéo thế. À. Mà kể ra giữa dì và con đâu có mối quan hệ thân thích ruột rà gì đâu, đúng không?

Câu nói có vẻ hơi phũ phàng nhưng cả hai dì cháu bật cười vui vẻ. Dì lấy tập album ảnh, lật lật rồi rút một bức đưa tôi xem. Trong hình cặp vợ chồng và đứa con trai kháu khỉnh. Người chồng chừng ba chục tuổi.

- Vợ chồng Hòa đó con. Chúng nó ở trên Sài Gòn làm ăn. Cuối tuần, hoặc muộn nhất là hai tuần về đây chơi với dì.

Tôi lặng người đi, rồi gờn gợn nhớ lại hình ảnh từng tưởng tượng: một đứa bé vùng vẫy dưới nước. Chắc hẳn các cô các chú của tôi cũng từng tưởng tượng như vậy. Hóa ra chẳng có đứa trẻ nào đuối nước cả. Vậy là dì Nga đã nói dối cả gia đình tôi. Anh Hòa vẫn đang sống sờ sờ đây.

Tại sao dì lại đi nói dối chuyện tày trời như vậy được. Tôi mừng thầm, mình vẫn còn một người anh cùng cha. Và chắc cả nhà tôi ngoài quê sẽ vui lắm khi biết tin này. Tôi mân mê bức ảnh, săm soi khuôn mặt anh Hòa. Nhưng, tôi chả thấy giữa anh và tôi có nét nào giống nhau cả.

- Dì biết con độ lượng nên mới cho con biết tin này. Thứ lỗi cho dì trước đây phải nói dối. Nhưng dì có chuyện khó nói, nên chẳng đặng đừng mới phải bảo thằng Hòa nó mất rồi. Thực ra... Hòa không phải con của ba Bình.

Tôi hơi choáng. Niềm vui biết tin anh Hòa còn sống đã bị giội một gáo nước lạnh.

- Dì không cố ý lừa cả nhà đâu. Dì thương ba Bình của con thật lòng. Dì theo ba con về quê lúc đang mang thai và nghĩ là con của ba Bình thật.

Chỉ đến khi cu Hòa hơn một tuổi, ngó cái nét mặt dì mới biết là con một người khác ở trong sở Mỹ. Dì thấy xấu hổ nên mới phải bỏ quê mà đi, chứ việc đồng áng làm ăn tập thể, dì tuy yếu ốm nhưng đâu có ngại.

Đúng như dì nói lúc nãy, giữa tôi và dì Nga đâu có mối quan hệ thân thiết gì. Hóa ra lâu nay sợi dây mà cả gia đình tôi cố gắng nối với dì là một sợi dây bị đứt. Chỉ có dì thấy được chỗ đứt. Còn cả nhà tôi vẫn tưởng dây lành, và khi vớ được sợi dây, mọi người nghĩ lần theo đó sẽ hàn gắn lại được.

Tôi không ở lại chơi thêm hai ba hôm để đợi anh Hòa về gặp nhau. Dì Nga cũng không níu giữ thêm nữa. Chắc dì cũng linh cảm cái sợi dây đứt đó, nó đã bị buông thật rồi. Tôi chỉ ăn với dì một bữa cơm trưa đạm bạc, để cả dì cả tôi đều cảm thấy dễ chịu hơn.

Tôi cũng không có ý định, và chắc chắn không bao giờ tiết lộ chuyện này với gia đình mình. Cứ để ba tôi và các cô các chú đinh ninh anh Hòa còn sống, hoặc đinh ninh anh Hòa đã chết nhưng vẫn là máu mủ gia đình, như thế hay hơn.

Chiến tranh đi qua đất nước này, dù đó là nơi bình lặng nhất, nơi không có bóng đạn bom, thì vẫn để lại những nỗi đau. Không nên biết nhiều, và không nhắc lại có khi hay hơn. Đúng như câu nói của dì Nga lúc tiễn tôi: “Có nhiều chuyện trong sở Mỹ con không biết đâu. Và cũng không nên biết làm gì”.

HOÀNG CÔNG DANH

No comments:

Post a Comment