Tuesday, July 26, 2022

Đim sách “BÙI HUY TÍN với Thực Nghiệp Dân Báo và Tràng An Báo”

Đó là cuốn “BÙI HUY TÍN với Thực Nghiệp Dân Báo và Tràng An Báo” do Giáo sư Sử học Trần Viết Ngạc biên soạn và sẽ do con cháu của gia đình ông Bùi Huy Tín xuất bản trong năm 2022 này.

Nhà văn Bùi Bích Hà là con gái út của ông Bùi Huy Tín.

Giáo sư Trần Viết Ngạc đã gửi cho chúng tôi Chương Một của cuốn sách này để đóng góp cho số Tưởng Niệm Bùi Bích Hà hôm nay.

DĐTK

*
Chương I

Thân thế và sự nghiệp

Những năm đầu thập niên 80, thế kỷ XIX, trong một trận càn ở vùng Bãi Sậy (Hưng Yên) một đại úy quân đội viễn chinh bắt gặp một chú bé, thất lạc cha mẹ, trong ruộng mía.

Thằng bé mất cha mẹ chạy giặc Pháp, loanh quanh qua những ruộng mía cao gấp mấy lần, nó được một ông đại úy đoàn quân xâm lược bắt về nuôi vì thấy nó khôi ngô, lĩnh ngọ. Mãn hạn, ông về nước, giao lại cho một đồng ngữ kế nhiệm. Thêm mấy năm nữa, thằng bé khoảng 12, 13 tuổi, thì ông này mãn hạn, khác với ông trước, ông này quyết định làm giấy tờ nhận nó làm con nuôi và mang nó theo về Pháp cho ăn học.

Sáng sớm tàu nhổ neo, thằng bé lẻn trốn lên bờ, ở lại”. [1]

Thằng bé ở lại quê hương, nơi mà bố mẹ cậu “nghe kể lại”, đã chiến đấu và hy sinh trong trận càn, dưới ngọn cờ kháng chiến của “quan Đề”. Quan Đề tên gì?

Vì cậu quá nhỏ, cậu chỉ biết có thế.

Cậu thiếu niên đó chính là danh nhân Bùi Huy Tín (1875-1963) sau này.

Ông sinh ở Hà Nội, nhưng quê quán là làng Thượng Tầm, tổng Thượng Tầm, phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình.

Mười ba tuổi, Bùi Huy Tín bắt đầu cuộc sống tự lập.

Sáu năm sống trong trại lính, cậu bé mồ côi nói thông thạo được tiếng Pháp, tiếp thu được tính kỷ luật của quân đội và quen với nếp sống phương Tây.

Giúp việc cho các doanh nhân người Pháp, cậu vừa tự học để lấy bằng sơ học rồi thi vào trường Thông ngôn.

Cần cù, ham học hỏi và nhất là tính thật thà, ngay thẳng, chàng thanh niên họ Bùi chiếm được sự tin cậy và cảm tình của các ông chủ mỏ, các nhà thầu khoáng mà cậu giúp việc.

Đó là những năm đầu thế kỷ XX, cuối thế kỷ XIX, khi các doanh nhân Pháp bắt đầu khai thác các mỏ than, thầu công trình xây dựng đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng (1902), Hà Nội – Hải Phòng (1902), Hà Nội – Lào Kay (1906) cùng với một số ít nhà tư bản bản xứ: Nhu cầu thư ký, thông ngôn giữa chủ mỏ, nhà thầu người Pháp với công nhân bản xứ rất lớn.

Nhờ đó, Bùi Huy Tín đã học được cung cách làm việc, quản lý và phương thức kinh doanh. Các doanh nhân mà ông giúp việc rất bằng lòng tính ngay thẳng, ham học hỏi và cầu tiến nên hết lòng chỉ dẫn cho ông.

Ở tuổi 20, ông đã được chia cho những gói thầu nhỏ như thầu cá Hồ Tây theo mùa [2]. Và buổi đầu, ông đã thành công để thêm tự tin.

Đến đầu thế kỷ XX, lúc ông bước vào tuổi 25, 26, ông đã trưởng thành và là một nhà thầu uy tín.

Năm 1902 đến 1906: Ông đã thực hiện công trình xây dựng hạ tầng cơ sở tuyến đường sắt Việt Trì – Lào Cai.

Từ năm 1907 đến 1910: Xây dựng hạ tầng cơ sở tuyến đường sắt Sài Gòn – Nha Trang, Phan Rang – Đà Lạt.

Chính trong thời gian này, ông đã phát hiện nguồn nước suối khoáng chất Vĩnh Hảo (1909). [3]

Năm 1914-1918, thực hiện các công trình hạ tầng cơ sở của các lô 2 và lô 3 đường sắt Vinh – Đông Hà.

và cũng từ 1920 đến 1924, ông cung cấp đá sỏi (160.000m3) cho 4 lô trên đường sắt Vinh – Đông Hà.

Song song với việc xây dựng tuyến đường sắt, ông đã khảo sát tính hình ruộng đất các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An Hà Tĩnh, Quảng Bình. Do nhiều nguyên nhân, nhiều vùng đất bị bỏ hoang, dân cư xiêu tán. Để phục hồi ruộng đất hoang hóa, ông bỏ tiền ra lập đồn điền, xây dựng làng mạc, lập trường học, chợ búa. Có thể nói trong địa hạt này, ông đã góp công phục hồi nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho nông dân.

Tại tỉnh Thanh Hóa, ông thiết lập đồn điền Bỉm Sơn, rộng 6.000 mẫu tây. Gồm 400 mẫu ruộng mùa, 200 mẫu ruộng chiêm trên vùng đất gần ga Bỉm Sơn. Không bị ngập lụt và hạn hán đe dọa (Thủy hạn vô tai). [4]

Ông lập đồn điền Yên Lập, rộng 500 mẫu tây ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Ông lập tại đây làng Yên Lập với một ngôi chợ lớn và một trường học.

Hương Khê là vùng đất khởi nghĩa của Đình nguyên Phan Đình Phùng. Cuộc khởi nghĩa Hương Khê tồn tại 10 năm (1885-1895), chắc chắn trong cuộc đàn áp của quân Pháp và quân Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, dân bị xiêu tán, ruộng đất bỏ hoang.

Ngay tên Yên Lập, tự nó đã mang nhiều ý nghĩa. Phải chăng doanh nhân Bùi Huy Tín muốn lập lại cuộc sống an bình, tập hợp các nông dân bị xiêu tán, lập lại làng mạc một thời tan tác vì chiến tranh? Đồn điền Yên Lập ở Hương Khê sản xuất cây ăn quả như cam, chanh, bưởi…

Đồn điền Yên Lập, Hà Tĩnh sản xuất mỗi năm được hơn 200.000 trái chanh, giống Hương Cảng, to hơn trứng gà, vỏ mỏng, nhiều nước vị thơm”.[5]

Đồn điền Thạch Xá, Lệ Thủy, Quảng Bình

Đồn điền Thạch Xá, rộng 1.000 mẫu tây, dọc theo sông Kiến Giang, sát đường quốc lộ, cách Đồng Hới hai mươi cây số.

Cùng với việc thiết lập đồn điền, ông lập làng Động Hải gồm 300 dân. Cũng tại Lệ Thủy, ông lập một trại Phong (Trại Cùi), tập hợp những người bị bệnh phong để dễ chăm sóc và chữa bệnh.

Triều đình Huế ghi nhận công lao của ông trong việc tham gia xây dựng đường sắt Vinh – Đông Hà, khai hoang ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Cuốn sử biên niên của Quốc sử quán, Đại Nam thực lục chính biên, đệ thất kỷ viết:

Trao cho thương nhân Bùi Huy Tín (người Bắc kỳ) hàm Hàn lâm viện Trước tác.

Huy Tín từng nhiều lần nhận việc lãnh thầu quan trọng ở Trung kỳ, lại khẩn đất ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh được 500 mẫu tây, Tòa Khâm sứ hội thưởng nói tới. Cơ Mật viện đem việc tấu lên, chuẩn chiếu ngày 30-4-1918 Tây lịch, nghĩ định người bản quốc làm việc có ích vì nông công thương thì đặc cách thưởng cho. Năm thứ năm thăng hàm Thị độc. Về sau, dần dần thăng tới hàm ấn quan”.[6]

Tại Thừa Thiên, Huế, ông tham gia xây dựng một phần trường Quốc học, nhà thương Huế, lò Tế sanh (Abattoir).[7] Trong trí nhớ của gia đình, do quan hệ khá gần gũi với hoàng đế Khải Định, ông có tham gia xây dựng mặt tiền lăng Khải Định. Tuy nhiên chưa tìm thấy tư liệu về việc này.

Đối với Huế, việc ông lập nhà in Đắc Lập năm 1920 là một sự kiện quan trọng. Năm 1920 cũng là năm ông lập Thực Nghiệp ấn quán ở Hà Nội và bắt đầu lập tờ Thực Nghiệp dân báo (1920-1935).

Lập nhà in Đắc Lập là thể theo lời yêu cầu của tập thể các doanh nhân ở Huế trong Thuận Thành thương quán, trong phong trào tranh thương với Hoa kiều đang rầm rộ từ Nam kỳ rồi Trung và Bắc kỳ. Có mấy nhận xét thú vị :

Bỏ ra số tiền lớn để mua đất, xây nhà in, mua máy in và cơ khí (ba vạn rưỡi đồng, thời giá 1920) mà biết chắc sẽ lỗ vì không đủ việc làm nhưng vẫn làm vì “trộm nghĩ ở nơi đế đô là thủ phủ mà không có nhà in thì rất là một điều khuyết điểm, chẳng những là lo cho dân mà đến cả cho hai chính phủ nữa”. [8]

Một nhà kinh doanh đặt quyền lợi của dân chúng, xã hội lên trên lợi nhuận, thật là điều hiếm có.

Từ việc này chúng ta hiểu tấm lòng của ông khi lập đồn điền, lập làng, xây chợ, xây trường học…

Tấm lòng của ông đã được vua Khải Định cảm thông và trân trọng khi ban cho nhà in tên Đắc Lập dựa trên tên ông.

Buổi chầu ấy, tôi tâu xin đức Hoàng đế ngự tứ mạng danh cho nhà in. Ngài liền lấy tên tôi mà ban cho hai chữ Đắc Lập tức Đắc Lập ấn quán. Ngài lại ban nghĩa hai chữ ấy…: Sách có chữ nhân vô tín bất lập, hữu tín ư đắc lập, tôi lấy làm hân hạnh mà phụng lĩnh hai chữ Đắc Lập ngự ban”. [9]

Cùng lúc lập nhà in, ông cũng tâu lên vua nên lập báo quán ở Kinh đô nhưng các quan tỏ ra ngần ngại vì cho rằng có quá ít độc giả. Năm 1924, ông lại đề nghị, song Thượng thư bộ Công Võ Liêm tâu :

Báo quán ở Kinh đô sợ ít người mua, lập ra sẽ không được lâu!”. [10]

Tuy vậy, triều đình cũng đánh giá cao tờ Thực Nghiệp dân báo do ông sáng lập ở Hà Nội. Năm 1920, cùng với Thực Nghiệp ấn quán, thưởng cho ông hàm Hồng Lô tự Khanh, tứ phẩm, thuộc hàng ấn quan.

Chuẩn cho Thị giảng Bùi Huy Tín… được thăng đổi hàm Hồng Lô tự Khanh (Bùi Huy Tín đề xướng lập ra báo quán Thực Nghiệp dân báo ở Hà Nội, việc có quan hệ tới lợi ích chung, đại khai tổ chức cụm máy bơm nước ở Quảng Nam và khẩn hoang phần nhiều có thành hiệu” [11] Tháng 2 năm Quý Hợi, 1923).

Cụm máy bơm nước ở Quảng Nam đề cập ở đây là nhà máy bơm nước Tân Mỹ ở Duy Xuyên và nhà máy bơm nước Vĩnh Điện do các nhà kinh doanh người Pháp lập. Không điều hòa được lợi ích của chủ nhà máy và nông dân khiến nhà máy hoạt động kém hiệu quả. Ông Bùi Huy Tín mua lại các nhà máy trên với mục đích giúp bà con nông dân và phát triển nông nghiệp nên trong vòng mấy năm mà cụm máy bơm nước này phát huy hiệu quả. Việc này cho thấy, ông luôn đặt lợi ích của đồng bào lên trên lợi ích riêng, khiến ông được đồng nghiệp và triều đình quý trọng.

Năm năm sau, ông tăng cường năng suất của nhà máy Vĩnh Điện bằng cách xây thêm một nhà máy mới.

Trong ngày khánh thành nhà máy mới vào mồng 6 Tết Mậu Thìn (28-1-1928), sự hiện diện của Khâm sứ Trung kỳ Fries, các đại thần Cơ mật viện, Công sứ Quảng Nam Colombon, Tổng đốc Quảng Nam và đặc biệt Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ Huỳnh Thúc Kháng đã nói lên tầm mức quan trọng của cụm nhà máy nước Vĩnh Điện với đời sống dân sinh Quảng Nam.

Công sứ Colombon nhấn mạnh, nhà máy nước mới có thể tưới cho 1.000 mẫu cùng với nhà máy thứ nhất tưới hơn 1.000 mẫu, thiết thực giúp cho nông dân làm ăn phát đạt.[12] Ông không quên sự đóng góp của thương gia Bùi Huy Tín trong việc xây dựng đường sắt, đường bộ, lập nhà in, nhà báo, khai phá ruộng hoang lập đồn điền Minh Hạc (Phú Thọ), Bỉm Sơn (Thanh Hóa), Yên Lập (Hương Khê, Hà Tĩnh), Thạch Xá (Quảng Nam).

Phát biểu chào mừng, cụ Huỳnh Thúc Kháng chúc cho công ty Thủy nông Vĩnh Điện ngày càng phát triển và mong nhà nước chú ý đến lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao đời sống nông dân.

Ghi nhận công lao đóng góp của ông trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và nhất là văn hóa, chính phủ Pháp đã tặng ông Bắc Đẩu Bội tinh đệ nhị hạng (Officier de la Légion d’Honneur) và Nam triều tặng ông Huân chương Long Bội tinh (Commandeur du Dragon d’Annam). [13]

Xuất thân từ một đứa trẻ mồ côi, tự thân lập thân, ông đã vươn lên hàng danh nhân thành đạt trong nhiều lĩnh vực xây dựng, phát triển nông nghiệp, mở nhà in lớn cả ở Hà Nội và Huế, sáng lập hai tờ báo nối tiếp trong thời gian một phần tư thế kỷ (1925-1945). Có thời ông được xếp vào bốn doanh nhân giàu có nhất nước.

Nhất Bưởi, nhì Thu, tam Phu, tứ Tín”.[14]

Thế nhưng, đời sống gia đình không mấy suôn sẻ. Có phải vì ông miệt mài rong ruổi trên đường thiên lý, nơi có nhiều cơ sở kinh doanh như đồn điền Minh Hạc (Phú Thọ), Bỉm Sơn (Thanh Hóa), Yên Lập (Hà Tĩnh), Thạch Xá (Quảng Bình), Đắc Lập (Huế), Tân Mỹ - Vĩnh Điện (Quảng Nam)… mà ông không có nhiều thời gian dành cho tổ ấm gia đình. Ông có hai bà vợ chính thức nhưng cả hai không cho ông điều mong mỏi nối dõi tông đường.

Bà cả nuôi con nuôi, hy vọng sẽ đem đến may mắn.[15] Cả hai bà, khi đã luống tuổi, hết đường sanh nở, đã đồng lòng kiếm cho ông những người thiếp trẻ “ngắn hạn” (!)… song không đạt kết quả.[16]

Cuối cùng thì cơ may đã đến với ông dù hơi muộn. Bà vợ thứ, quê ở Bắc Ninh, “giới thiệu” cho ông một người em họ, kém ông những hai mươi lăm tuổi. Người thiếp trẻ, không chính thức, không hôn lễ này đã sinh cho ông trong thời gian 8 năm, ba người con mong ước: hai gái một trai. Vậy là ở quá tuổi “tri thiên mệnh”, ông có con gái đầu lòng, và niềm vui có con trai nối dõi tông đường cũng đến lúc ông sáu mươi tuổi [17] và con gái út tài hoa lúc ông sáu mươi ba tuổi. [18]

Niềm vui không trọn vẹn vì sự cách biệt tuổi tác, quan hệ vợ chồng, cha con… có điều gì đó không bình thường.

Bà thiếp trẻ của ông, khi hai bà vợ già đã khuất núi, lần đầu tiên được giới thiệu là vợ của ông, là mẹ của các con trong hôn lễ của người con gái út. Hẳn là lần đầu tiên, bà có tên trong hôn thú của con gái, là vợ chồng với ông và thân mẫu của các con, của cô dâu, chỉ mấy tháng trước khi ông từ trần (9-1-1963). [19]

Bà là người phụ nữ cho ông nhiều hạnh phúc, hạnh phúc được làm cha, làm ông. Bà khuất sau cánh cửa sự nghiệp của ông. Bà nhẫn nhịn, không so đo địa vị với hai bà vợ trước và trong thâm tâm bà hẳn biết rằng bà có hạnh phúc, có may may mắn hơn họ nhiều. Bà hiểu sự ghen tị của họ, song bà cũng hiểu họ không được hạnh phúc như bà nên nhẫn nhục chấp nhận quyền uy của họ trong gia đình. Hẳn bà dành cho ông một tình yêu lớn để không vì là người đem lại hạnh phúc cho ông mà đòi hỏi địa vị xứng đáng cho mình trước mặt mọi người.

Tất nhiên, các con bà không mấy vui với hoàn cảnh của mẹ, nhưng do cách biệt tuổi tác, các con không thể hiểu tình cảm của bố dành cho mẹ. Khi ông đã bước qua tuổi già. Từ năm 1930, khi ông được 55 tuổi mới cùng bà chăn gối. Và trong mười năm, đã cho ông hạnh phúc có được trưởng nam trước lúc 60 tuổi, và có cháu đích tôn lúc 85 tuổi. Hẳn trong thâm tâm, ông khâm phục sự nhẫn nhịn của người thiếp nhỏ hơn ông một thế hệ và không thể không cám ơn bà đã cho ông hạnh phúc vào những năm cuối đời. Bà đã tâm sự với con gái: 

Được sinh con, được làm mẹ là hạnh phúc tuyệt đối của mọi người đàn bà trời đất tạo ra, để gánh vác nhiều hơn an hưởng như mẹ. Như cả đời mẹ. Cho nên mẹ không than thở… Với mẹ, những đứa con là ân huệ từ trời, là ý nghĩa thiêng liêng nhất, là phần thưởng đích đáng nhất cho mọi bà mẹ trên mặt đất bi ai này!”. [20]

-----------------------------------
[1] Bùi Bích Hà, Chuyện tình của bố tôi, xem trong phần Phụ lục
[2] Theo phỏng vấn của UC Irvine, 22-7-2012 với Bùi Bích Hà, thứ nữ của ông Bùi Huy Tín.
[3] Công ty Nước suối Vĩnh Hảo hiện nay cũng ghi nhận thương gia Bùi Huy Tín là người phát hiện đầu tiên suối nước khoáng Vĩnh Hảo.Ông vay Ngân hàng Đông Dương một triệu đồng để thiết lập cơ sở nhà ở công nhân, trường học, chợ… và nhà máy sản xuất.Nhưng chính quyền Đông Dương lại ngăn cản, lấy cớ suối khoáng chất là tài sản nhà nước. Ông kiện chính quyền Đông Dương, vụ việc kéo dài 10 năm, qua đến tòa án Phá Án, Paris. Nhưng cuối cùng ông thua kiện, nếu không có các cơ sở kinh doanh khác, ông suýt phá sản (phỏng vấn của UC Irvine, tlđd).
[4] Tràng An báo, ngày 5-7-1940.
[5] Tràng An báo, 8-1940.
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, đệ thất kỷ, bản dịch của Cao Tự Thanh, Nxb. Văn hóa – Nghệ thuật TP. HCM, 2012, điều 0435, trang 224. Năm Kỷ Mùi (1919), tháng 2.
[7] Souverains et Notabilités d’Indochine,Editions du Gouvernement General de l'Indochine, nhà in IDEO, Hà Nội, 1943, tr.91, 92.
[8] Tràng An báo, số 479, ngày 12-12-1939.Độc giả có thể đọc toàn văn bài “Nhị thập chu niên Đắc Lập ấn quán” của chủ nhiệm Bùi Huy Tín trong phần Phụ lục sách này.
[9] Tràng An báo, số 479, ngày 12-12-1939. “Phải biết rằng tôi lập nhà in ở tại Kinh đô này, chỉ vì sự mở mang và vì nghĩa vụ đoàn thể của đồng bào trong buổi tranh thương”.
[10] Đại Nam thực lục, Sđd, tr.458, điều 1033.
[11] Đại Nam thực lục, Sđd, tr.405, điều 0916. Quý Hợi, 1923, tháng 2.
[12] Trần Đình Hằng, “Chuyện nhà máy nước Vĩnh Điện”, báo Quảng Nam online, ngày 25-4-2021.
[13] Các sự nghiệp văn hóa của ông như Nhà in Đắc Lập, Thực Nghiệp dân báo, Tràng An báo, Lagazette de Hué sẽ được trình bày thành những chương riêng trong sách này.
[14] Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu, Hoàng Trọng Phu…
[15] Bà Bùi Thị Lộc
[16] Gọi là “ngắn hạn” vì họ đến với ông trong hai năm. Nếu không cho ông con cái, họ sẽ “hồi tôn” với món quà 3 mẫu ruộng và đôi xuyến vàng, Một trong số họ đã không trở lại đời thường mà xuất gia, Bùi Huy Tín đã viết tiểu thuyết Hương sen, Cô Mộng Thu đi tu, với bút hiệu Minh Châu, nhà in Đắc Lập, 1942, Huế.
[17] Sáu mươi tuổi, một năm ông có hai người con:Trưởng nam BHĐ (1935) và đứa con tinh thần: Tràng An báo với phiên bản chữ Pháp La Gazette de Hué (1935-1935).
[18] Nhà văn Bùi Bích Hà (1938-2021) với các tác phẩm: Buổi sáng một mình (truyện ngắn), 1989; Bạn gái nhỏ to (1991); Hạnh phúc có thật (Văn Mới, 2001); Đèn khuya, 2 tập (Người Việt, 2018).
[19] Bà thiếp trẻ, quê Bắc Ninh là bà Ngô Thị Sữa (1900-1990).
[20] Mai tôi về Huế (Bùi Bích Hà, 2021).


No comments:

Post a Comment