Wednesday, July 20, 2022

Giữa Biển Trầm Luân

Hình minh họa

Bánh mì nóng giòn đây, ai bánh mì nóng giòn !

Bầu trời còn mù sương, mới đầu mùa đông mà thời tiết đã lạnh quá, Miền Nam chưa từng bao giờ gặp cái lạnh như vầy, mọi người nói thời tiết bỗng trở nên khắc nghiệt vì thành trì vững chắc chống lại bọn cộng phỉ ở Miền Nam đã sụp đổ nên những cơn gió lạnh thấu xương tượng trưng cho những áp đặt độc tài của chế độ từ miền bắc đã tự do tung tẩy hoành hành trong oán than ngấm ngầm.

Trời lạnh như vầy chỉ có cách nằm trùm chăn trong nhà, ai cũng nghĩ thế nhưng ngoài kia tiếng rao bánh mì vẫn vang dội như thách thức cái lạnh:

- Bánh mì nóng giòn, ai ăn bánh mì nóng giòn.

Tiếng rao trong trẻo có âm hưởng quen thuộc quá, có nhà mở cửa gọi:

- Bánh mì, bán cho một ổ!

Khi thằng bé quay mặt lại, người mua ngạc nhiên kêu to:

- Ủa Phúc ! Sao con phải đi bán vậy?

Vài nhà khác có người ló đầu ra nhìn, họ thấy thằng bé mười hai tuổi, trắng trẻo khôi ngô tay đang cắp cái giỏ bội tre nhỏ trong có cái bao tải đậy bọc giấy dầu đựng đầy những ổ bánh mì đang đi dọc hành lang chung cư rao bán, có tiếng chép miệng tội nghiệp rồi gọi lại mua giúp nó ổ bánh. Thằng bé đi khuất mọi người đưa mắt nhìn nhau, có người than nhỏ:

- Đúng là “Quốc phá gia vong!”

Chỉ mới hơn nửa năm thôi chứ đâu có lâu lắc gì, trước kia hầu như tất cả những đứa trẻ con trong cư xá buổi sáng nào cũng đều được cha mẹ chở đến trường trong bộ đồng phục sạch sẽ, mặt mày tươi tắn bụng dạ no nê vì bữa ăn sáng đầy đủ mà mẹ chúng sửa soạn ở nhà. Bây giờ thời buổi đổi thay rồi không chỉ là người lớn ngay cả đứa con nít cũng vậy bởi đi đâu cũng đụng đầu với hàng chữ “Lao động là vinh quang” tởm lợm.

Ngay cả mấy người trước kia là ông bà chủ, bác sĩ, kỹ sư chẳng cần tìm vinh quang cũng phải cầm chổi quét đường, đi lao động bằng tay chân mới được những chủ mới của đất nước đánh giá là người giác ngộ. Chuyện Phúc không đi học lăn thân vào đời kiếm miếng cơm là chuyện tất nhiên ai cũng hiểu không sớm thì muộn và có không muốn cũng không được!

oOo

Bữa nay bán chậm phải gần trưa mới hết giỏ bánh mọi hôm giờ này đã được hai giỏ, ghé tạt về nhà uống miếng nước trước khi lấy thêm giỏ nữa Phúc thầm nghĩ “Điệu này phải bán thêm buổi chiều mới hết !”

Vừa bước vào nhà Phúc thấy út An đang ngồi góc nhà sụt sịt nên hỏi con bé:

- Sao em ngồi đây khóc, chị Hạnh với hai đứa kia đâu?

- Em hỏng biết, chị Hạnh còn ngủ.

Rồi nhão nhoẹt rên ư ử:

- Anh Phúc ơi, em đói bụng quá!

- Dưới bếp còn lưng tô cơm nguội anh lấy cho em ăn

- Hu hu ! Anh Tâm ví anh Bình ăn “hết chơn hết chọi dồi”. Má đâu rồi anh?

- Má đi ra bến xe hồi khuya, thôi còn ổ bánh mì bán chưa hết anh lấy cho em ăn đỡ, chiều má đem gạo về nấu cơm. Em ở nhà khi chị Hạnh thức dậy nói chị giặt thau đồ giùm má, anh đi lãnh bánh bán tiếp đây.

Phúc khép cửa đi dọc hành lang về phía cầu thang, gặp ông cụ Sáu đang chống gậy chầm chậm bách bộ tay vịn thanh sắt, ông cụ nhìn nó lắc đầu thương hại nói:

- Phúc đi bán hả con, bữa nay bán đắt không?

- Dạ cũng tạm thôi ông.

- Ừa, thôi đi bán đi con, thời buổi này tội nghiệp cho mấy đứa nhỏ tụi bây quá. Ông già rồi không làm gì giúp cho con cháu được hết.

Giọng ông run rẩy nghẹn ngào, đôi mắt già khô khốc không còn nỗi giọt nước mắt để rưng rưng!

Hôm đầu tiên đi bán Phúc thấy hơi mắc cỡ, rao hàng không dám rao lớn tiếng, bây giờ thì quen rồi bởi thấy nhiều người trong khu cư xá ai cũng như ai. Hồi trước khu chung cư này là của chính phủ VNCH xây cất bán trả góp cho dân chúng và quân nhân, công chức nên sau đổi đời nhà nào cũng ít nhất có một người bị bọn phỉ quyền Hà Nội bắt tập trung đi tù lao động khổ sai, có nhà chủ gia đình may mắn làm cho các ngành điện, nước, bưu điện, bệnh viện thì còn được tiếp tục đi làm. Có nhà cả hai vợ chồng đều là sĩ quan nên bị đi tù lao động khổ sai hết bỏ lại bầy con nheo nhóc.

Tội nghiệp ông cụ Sáu là thầy giáo già hưu trí bây giờ không còn đồng lương hưu sinh sống nên bà cụ phải nấu nồi cháo huyết sáng sáng mang xuống sân chơi của cư xá mà bán. Anh con trai may mắn còn được cho đi dạy lại sau mấy tháng học chính trị. Bữa trước Phúc nghe lóm anh nói với anh Đông con trai ông ký giả cạnh nhà:

- Anh được cho tiếp tục đi dạy nhưng chẳng biết đến khi nào thì “mất dạy” bởi hôm đi học chính trị, bà bộ trưởng giáo dục của phỉ quyền Hà Nội là Nguyễn thị Bình đã nói, mấy người giáo viên cũ như anh không thể thay đổi tư duy khi đứng trên bục giảng dạy học trò những điều khác với trước kia đã được chế độ cũ đào tạo mặc dù đã được nhà nước cho đi học mấy tháng chính trị tẩy não, ai cũng hiểu mình được đi dạy lại bởi chế độ mới họ chưa đủ người để thay thế mà thôi.

Đi đâu cũng nghe người ta nói “Thời buổi đổi thay sâu bọ lên làm người rồi” nên chuyện của Phúc nghỉ học đi bán cũng chỉ là chuyện nhỏ trong xã hội ! Đừng nói đâu xa chỉ cần nhìn dãy hành lang của tầng lầu nhà Phúc thôi đã thấy hết những thay đổi ấy. Anh Đông con trai ông ký giả ngụ đầu dãy là dân học trường Tây gia đình bị đuổi khỏi căn biệt thự về tá túc cùng bà chị lớn có chồng là sĩ quan bị đi tù lao động khổ sai, nghe nói ông bố anh Đông nửa đêm bỗng dưng bị bọn công an vào nhà còng tay khép tội dính líu đến “vụ án Hồ con rùa“ mà báo chí trong nước nói do bọn “biệt kích cầm bút” phá hoại.

Lý lịch anh Đông như vậy lại ốm yếu, không nghề nghiệp nên xuống phố ngồi sửa giày với người quen, còn bà chị thì nhấc cái máy may trong nhà ra góc chợ nhận vá sửa quần áo cũ. Lang thang đi bán dạo Phúc quen biết nhiều cảnh đời của các gia đình khác rất giống với nhà mình, khi người đàn ông trụ cột trong nhà đi tù lao động khổ sai, mẹ và con đều phải nai lưng ra chợ trời bán buôn đủ thứ ở lề đường; quần áo cũ, phim phổi, bơm mực bút bi, vá xe đạp, mua ve chai giấy vụn....

Nhiều vốn hơn thì bán cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc”, gánh bún riêu, nồi cháo huyết. Vốn nhiều nữa thì mua đi bán lại đồng hồ, ti vi, radio, bàn ghế, tủ giường, xe đạp, vải vóc, sợi len cho đám bộ đội mang về Bắc. Ai gan to thì lén lút sang bán các băng nhạc vàng là loại hàng được liệt vào thứ “đồi trụy phản động” nhưng lại được các tên bộ đội ưa thích nhất.

Trưa nào Phúc cũng mang giỏ bánh ghé quán trà đá của bà ba Huế cạnh bến xe liên tỉnh ngồi bán, luôn tiện vừa nghỉ chân vừa hóng chuyện người lớn. Mấy anh đạp xích lô quen mặt ngồi tụm một bàn chờ khách kể toàn những chuyện rất tức cười, Phúc thích nhất anh Phú trong nhóm, người to con vạm vỡ kể chuyện rất có duyên giống như hai lúm đồng tiền trên má của anh:

- Không biết mấy ông ra nghề làm sao chứ khi học cải tạo ba bữa về nằm nhà đi ra đi vô hai ba tháng buồn bực quá, vừa không tiền, không nghề nghiệp ăn bám của bà già “quài” chịu không thấu, bữa đầu tiên tui mướn được chiếc xích lô đẩy ra ngõ mắc cỡ thấy bà nên cứ cúi gầm mặt xuống sợ người quen nhìn thấy, trong bụng thầm nghĩ điệu này mình hỏng dám đạp xe luôn quá nếu không có khách, thời may có bà già tàu đi tới kêu “Ê, xích lô chở tao “li” chợ An “long” bi nhiêu dậy?”

Hồi trước tui đâu có đi xích lô đâu mà biết giá cả, nghe bả kêu tui mừng quá nên nói:

“Bà lên xe đi trả bao nhiêu cũng được!”

Ra tới chợ lại có khách kêu đi Chợ Lớn vậy là tui bắt trớn vô nghề luôn.

Một người khác gật đầu xác nhận:

- Ờ, ăn thua là bước đầu tiên, hồi đó tui cũng vậy. Từ cha sanh mẹ đẻ có biết đạp xích lô hồi nào, leo lên yên bụng đánh lô tô, cầm càng quẹo qua quẹo lại cứ sợ nó lật chỏng gọng thì bà “hú”.

Phúc nhỏ nhất trong đám cũng ráng góp chuyện:

- Em cũng vậy đó, hồi mới lãnh bánh đi bán em đâu có dám đi về khu nhà chung cư của mình, từ ngã tư Hàng Xanh em đi ngược về chợ Thị Nghè, ôm giỏ bánh em mắc cỡ không dám rao hàng cứ như vậy lầm lũi đi hoài, cũng may tới gần chợ có bà bạn hàng chắc đói bụng thấy em đi tới bả kêu: “Bánh mì bán cho tao một ổ”. Em mừng quá bạo dạn rao luôn “Bánh mì đây, bánh mì nóng giòn đây!”

Đang vui chuyện, bỗng có một bà khách nhìn cách ăn mặc là biết ngay cán bộ từ Bắc vào, bà thuê cuốc xe đi đến nhà trưng bày “Tội ác Mỹ Ngụy”. Mấy người lớn không ai đi nên đùn đẩy cho thằng Xuân Lâm, chiếc xích lô chở bà ta đi khuất, Phú cười ha hả nói:

- Trời ơi đi tới nhà trưng bày đó làm gì, ở đây cũng có nè đi tới đó làm gì.

Phúc ngây thơ đảo mắt nhìn quanh ngạc nhiên hỏi:

- Anh nói ở đây cũng có sao em không thấy?

Phú cười cười chỉ vào từng người:

- Ông này là Nhẩy Dù, cha này là Mũ Xanh, anh Ba là Mũ Đen Thiết Giáp, hai ông kia một ông Bộ Binh, một ông là Cọp Ba Đầu Rằn....

- Còn anh..?

- Tao hả, tao là “Người Nhái” thôi. Cho mày coi cái này nè.

Nói xong Phú xăn tay áo cho Phúc xem hai chữ “SC” xâm trên hai bắp tay, thấy Phúc vẫn không hiểu Phú giải thích đó là hai chữ “Sát Cộng” được viết tắt.

Anh Thanh đột nhiên hỏi:

- Ba của Phúc có gởi thơ về nhà chưa? Anh Hai của anh có gởi thơ về xin quà biểu ở nhà ra bưu điện gởi theo hòm thư.

- Dạ chưa, nhà em chưa được tin tức gì của ba em hết, mà sao gởi theo hòm thư nghe ghê thấy mồ.

- Ừ, họ gọi là hòm thư chứ không phải hộp thư. Miền Nam mình gọi cái quan tài là cái hòm, mà hòm hay hộp gì cũng vậy, hết thảy những người Sĩ Quan VNCH giống như ba em bị kêu đi tập trung lao động khổ sai thì coi như đi tù nói nôm na là vô hộp theo từ bình dân, “vô hộp” của phỉ quyền Hà Nội thì kể như vô “hòm” mấy hồi.

Nghe anh Thanh nói khiến Phúc nhớ tới ba, nhớ cảnh nhà, Phúc ứa nước mắt hồi nào không hay.

Gia đình nào cũng vậy, nếu mẹ là mái nhà che mưa nắng thì người cha là trụ cột đỡ cho mái nhà đứng vững. Nhà vắng đàn ông giống như nhà không có cây cột mái nhà xiêu vẹo đổ sập là lẽ tự nhiên. Đàn con giống như bầy gà con xao xác, một mình gà mẹ bới móc kiếm mồi làm sao đủ sống. Gánh nặng năm đứa con đổ ập lên vai mẹ Phúc, đồ đạc trong nhà ra đi dần dần, mẹ Phúc gắng chạy chợ cầm cự cho đủ ba năm chờ ba Phúc trở về theo như chính sách nhà nước đăng trên báo chí, nhưng chưa đến ba năm chừng như mẹ đã mỏi mòn.

Chỉ có mình Phúc còn biết đi bán phụ giúp cho mẹ nhưng tiền lời bán bánh hằng ngày như muối bỏ biển. Mẹ theo xe đò buôn chuyến về bỏ mối kiếm dăm đồng lời nhưng với các trạm kiểm soát ngăn sông cấm chợ, mỗi lần bị bắt là bị tịch thu hết vốn, đồ đạc trong nhà bị bán lần hồi khiến căn nhà trống trơn chẳng còn gì để bán nữa. Phúc bỏ học đã đành ba đứa em không người chăm sóc cũng thành lêu lổng, chị Hạnh là đứa con lớn tưởng được nhờ ai ngờ ngay từ năm tháng đầu tiên chị là người gây nhiều buồn khổ cho gia đình nhất.

Dạo này khu chung cư hay bị cúp điện thường xuyên, những đêm cúp điện nhưng có trăng sáng người ta hay ra ngồi trước nhà nhìn trời chuyện vãn, mẹ Phúc than với bà Sáng ở bên cạnh khi bà hỏi thăm chuyện nhà:

- Nhiều nhà nhận được giấy thăm nuôi rồi nhưng nhà tôi thì chưa có, bà thấy đó ! 5 miệng ăn thời buổi này khiến tôi mệt mỏi quá chỉ trông cho ba con Hạnh trở về tiếp tay dạy dỗ tụi nó. Hồi đó ảnh còn ở nhà tôi chỉ biết đi chợ nấu cơm phụ với con nhỏ giúp việc giữ em thuê, buổi tối cơm nước xong ảnh ngồi dịch sách kèm mấy đứa nhỏ học hành đâu phải như bây giờ ăn xong ba hột là mất dạng, hỏi thì nói đi sinh hoạt ca hát gì đó.

Bà Sáng chép miệng:

- Con gái xóm này riết hư hết trơn, con nhỏ út nhà tui cũng vậy, mười sáu tuổi cứ “nập nợn” ăn no xong là biến mất dạng, hỏi tới thì nói đi sinh hoạt, nghe nói làm “chị phụ trách” dạy mấy đứa con nít tập trung ca hát, nhảy “sol,đố” tới nửa đêm mới mò về! Sinh hoạt kiểu gì con trai, con gái lớn theo lớn, nhỏ theo nhỏ tập trung lại chỉ để trửng giỡn với nhau, cấm không cho đi thì vi phạm chính sách nhà nước bị kiểm điểm là cha mẹ lạc hậu, con út còn nói muốn sinh hoạt “thoát ly” gia đình giống như mấy anh chị lớn nữa kìa nên bị ông nhà tui chửi cho một trận.

- Con Hạnh nhà tui cũng vậy, hỏi nó sao đêm nào cũng đi hết nó nói mấy anh chị đoàn viên nói nó cố gắng sinh hoạt trở thành người đã giác ngộ cách mạng cho ba nó mau về. Ba nó được về sớm hay muộn là do thái độ của gia đình, mà nó mới mười ba, mười bốn tuổi đã biết gì đâu !

Bà Sáng ghé gần hỏi nhỏ mẹ Phúc:

- Trước kia chú Xuân là Đại Úy nhưng ở ngành gì trong quân đội vậy? Con út tui đi sinh hoạt chung với con Hạnh nghe nó hí hửng khoe với anh Tường cảnh sát khu vực cũng là bí thư chi đoàn thanh niên phụ trách sinh hoạt ở Phường, khi anh ta hỏi nó hồi trước ba làm gì phải là an ninh tình báo mới được đi Mỹ chứ. Con Hạnh còn nói ba nó giỏi lắm nói chuyện như người Mỹ hôm ba nó dẫn nó tới Hội Việt Mỹ chơi.

- Tui đâu có để ý mấy chuyện đó, ảnh chỉ phụ trách dịch tài liệu,báo chí thôi. Ba con Hạnh đi Mỹ là muốn học thêm tiếng Anh là môn ưa thích, ảnh muốn lấy thêm bằng cấp về báo chí của Mỹ nữa để về già dạy học môn này. Ảnh mà còn ở nhà thì con Hạnh đố có đi ra ngoài ban đêm được với ảnh.

Thời gian lần lữa cũng đã quá ba năm, Phúc không còn vác bao bánh mì đi bán rong nữa, nó đã về đầu quân hẳn cho hợp tác xã nhôm tái chế chuyên làm thau, nồi nhôm, ấm nước, loại hàng này ngoài bắc đang hút hàng. Không ai nhận ra Phúc vì mặt mũi nó giờ lem luốc bụi nhôm đen như thằng hề bởi ăn ở luôn tại nơi làm việc.

Mẹ của Phúc bán nhà dọn về khu kinh tế mới Đồng Xoài khi nhận được thư ba Phúc cho biết đang ở tại trại cải tạo Vĩnh Phúc tận phía Bắc. Chị Hạnh nó muốn “thoát ly” theo anh bồ đi thanh niên xung phong nhưng chưa đủ tuổi với lại nghe anh bồ than “ăn thịt cọp” tức là đâm muối hột ăn cơm nghe cộp, cộp hoài ớn quá nên không dám đi.

Phong trào sinh hoạt thanh niên địa phương giờ không còn rình rang như năm đầu tiên nữa, bầy con nít bị ăn độn, ăn đói do gia đình kiếm sống khó khăn nên hết hứng thú nghe lời kêu gọi của các anh chị phụ trách tụ họp ca hát nhẩy múa nữa. Miếng chanh vắt hết nước thì người ta quăng vỏ đi, theo sinh hoạt mãi chẳng thấy ba được thả về, cũng chẳng ai cần đến mình nữa chị Hạnh của Phúc đành chấp nhận đi theo mẹ buôn chuyến kiếm sống qua ngày.

oOo

Cổ nhân có câu “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” huống hồ ông Lâm đã phải ở trong tù mười bốn năm, ngày trở về đứng trước gian nhà cũ ông ngỡ ngàng bởi vợ chẳng hề cho ông biết đã bán nhà, bây giờ chẳng phải một mình ông mới thấm thía câu “Nước mất nhà tan”.

Giấy ra trại vẫn ghi địa chỉ căn nhà cũ, cũng may gia đình bà Sáng cám cảnh thương tình cho ông ngủ trên cái ghế bố đặt cạnh cửa sổ sát cửa ra vào, ông tạm ở đậu nhà ông bà Sáng để tiện việc trình diện công an địa phương. Tình láng giềng hàng xóm đối với ông bây giờ cũng như xưa, vẫn nhận được sự trân trọng như ngày nào, ngoại trừ người mới dọn tới sau này.

Những người lớn tuổi vẫn quen miệng gọi ông là “ông Đại Úy”, ông cảm nhận được sự ân cần tử tế thật lòng không phải là thương hại của họ. Qua họ ông mới biết thăng trầm xảy ra cho gia đình ông. Điều đau đớn nhất bây giờ ông mới biết tại sao ông bị giam giữ những mười bốn năm tù so với những người cấp bực như ông nhiều lắm chỉ là năm sáu năm mà thôi!

Ông hiểu ra tại sao chỉ mình ông bị tra vấn hỏi đi hỏi lại, bị cho là chưa thành khẩn khai báo về những ngày tháng ông đi tu nghiệp bên Mỹ, sự “ngoan cố” của ông đã phải trả giá đến mười bốn năm ! Nghiệt ngã xảy đến chẳng phải chỉ riêng ông, khắp bầu trời miền Nam ở đâu cũng nhan nhản có điều người ta chưa biết hết.

Ngay như ông cũng đâu có ngờ hai người thanh niên ngụ tầng lầu một phía dưới mà ông thỉnh thoảng vẫn trông thấy khi đi làm về, một người là thầy giáo dạy tiểu học, người kia là lính mang lon chuẩn úy vậy mà ngày ba mươi tháng tư chính họ là kẻ treo lá cờ của Mặt trận giải phóng trước hành lang chung cư đầu tiên và lộ mặt là hai tên nằm vùng.

Ông Long là Hạ Sĩ già ngành Cảnh Sát Đặc Biệt sau ba ngày học tập cải tạo tưởng đã yên thân nào ngờ chỉ vài tuần sau bị tố cáo là “thành phần ác ôn” bị tập trung đi tù lao động khổ sai tận miền Bắc những mười hai năm, được thả về chỉ tháng sau là qua đời. Thằng con trai lớn của ông nghi ngờ người hàng xóm nằm vùng đã tố cáo ba mình bởi phải là lời nói có “trọng lượng” mới khiến bọn phỉ quyền Hà Nội tin tưởng buộc tội.

Cũng phải mất cả tháng trời ông Lâm mới bớt suy sụp tinh thần, gặp một vài người bạn cũ ra tù trước ông giới thiệu vài chỗ dạy kèm Anh văn cho người có giấy xuất cảnh, nhờ vậy ông có tiền xuống dưới đất mướn căn chái nhỏ sát chung cư kê một cái giường, cái bàn làm chỗ ở.

Ngày ông về còn ở đậu nhà ông bà Sáng, nghe kể thời gian đầu bỏ khu kinh tế mới trở về vợ ông và ba đứa nhỏ nhất tối tối nằm ngủ ở cầu thang chung cư. Con Hạnh qua thời gian buôn chuyến giờ đang sống kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng” với một tay tài xế, nhờ vậy vợ ông theo ở chung với hai người. Thằng Phúc lấy đứa con gái làm chung tổ hợp ăn ở nhà chủ, ba đứa còn lại là Tâm, Bình, An gặp ông chẳng thấy chúng mừng rỡ hay tha thiết gì cả. Có lẽ vì ngày xưa lúc ông còn ở nhà chúng còn nhỏ quá, thời gian làm chúng phôi pha những ấn tượng về tình cha con với ông. Quen với cung cách sống lêu bêu không nhà cửa, không người dạy dỗ bấy lâu chẳng đứa nào chịu nghe lời ông khuyên bảo.

Điều làm ông buồn và thất vọng nhất là con bé Út An, đứa con gái ông cưng nhất khi ra đi chưa đầy bốn tuổi nay đã thành thiếu nữ, nghe nói có lần bị đưa lên Phường giáo dục về tội “làm gái”. Thằng Bình còn có biệt danh “Bình giang hồ” từ khi mới bảy tuổi !

Ông Lâm nghe hàng xóm kể chuyện những đứa con mình mà cảm thấy đầu nặng, mắt hoa, dưới chân không phải là đất nữa; ông đang chìm lỉm giữa biển đời trầm luân khi thấy gia đình giờ không phương cứu vãn, nếu ông trở về sớm hơn có lẽ còn có thể ! Ông không dám trách vợ ông tuy mỗi năm chỉ nhận được một hai gói quà gửi kèm qua người khác và trong suốt thời gian đi tù vợ ông chỉ có thể khăn gói gặp ông một lần duy nhất, ông rất hiểu những khó khăn vợ ông phải gánh vác thay mình và ông vẫn còn may mắn là bà đã không ôm cầm sang thuyền khác !

Ông lại nhớ đến lời gợi ý của gia đình ban sáng khi ông đến dạy học, họ đề nghị ông làm giấy kết hôn với bà chị vợ của chủ nhà để bà này được đi theo ông diện HO khi nộp hồ sơ, bù lại họ sẽ trả ông một số vàng.

Suy nghĩ cả đêm không chợp mắt, sáng ra trước khi đi dạy ông ghé nhà Hạnh con gái ông, ông dặn nó nói với mẹ chiều tối ghé qua ông có việc quan trọng bởi từ khi về đến giờ đã hơn nửa năm hai người vẫn ở riêng. Sự hư hỏng và thất học của các con, tuổi tác cùng thời gian xa cách là rào cản vô hình khiến tình cảm giữa ông và vợ bỗng dưng không còn mặn nồng như xưa, giữa hai người giờ chỉ còn cái nghĩa.

Bà Liên vào nhà ngồi cạnh mép giường hỏi:

- Ông nhắn con Hạnh muốn nói chuyện quan trong, là chuyện gì?

- Có người đề nghị kết hôn giả để đi theo tôi, bù lại họ đưa một số vàng. Tôi thấy qua bên Mỹ sống không dễ với một người không nghề nghiệp, không biết một tiếng Anh như bà, phần tôi hơn năm mươi tuổi chưa biết có thể tìm được việc dễ không. Nếu bà muốn ở lại lấy vàng làm vốn thì tôi với bà phải làm giấy ly dị. Việc này tùy bà quyết định.

Bà Liên nói rất nhanh không cần suy nghĩ:

- Tôi muốn đi theo ông sang Mỹ, bao nhiêu năm tôi chịu cực rồi, giờ phải được đền bù.

- Vậy thì tôi làm hồ sơ cho bà và các con đi theo tôi.

- Mấy đứa nhỏ chưa chắc chịu đi, tụi nó đâu biết tiếng Anh.

Ông Lâm thở dài:

- Cha làm thầy, con đốt sách ! Bà với tôi đi rồi chúng ở lại với ai? Đi hay không thì tùy chúng chọn lựa nhưng bổn phận của tôi là ghi tên tất cả cho chúng đi theo tôi. Riêng với con bé Út An tôi bắt buộc nó phải đi để làm lại cuộc đời, hy vọng sang môi trường mới nó sẽ không còn bị khinh rẻ như thời gian qua, dù rằng bên ấy kiếm tiền không phải dễ dàng ! Tiền không phải như lá vàng ngoài đường muốn lượm bao nhiêu cũng có nhưng ở đây chúng không còn chỗ đứng cho chúng đâu.

oOo

Ngày 30/ 04/ 1975 mở đầu một trang sử đổi đời thê thảm, không biết đã có bao nhiêu gia đình tan tác như gia đình ông Lâm. Bao nhiêu mái đầu xanh ngây thơ bị bọn phỉ quyền Hà Nội tiểu nhân đê tiện lợi dụng để khai thác tin tức trong việc xúi giục con tố cha, vợ tố cáo chồng.

Bao nhiêu cái chết oan uổng trong những trại tù lao động khổ sai khắc nghiệt, bao nhiêu thân xác vùi sâu trong lòng biển xanh, trong rừng sâu trên đường vượt thoát tìm tự do sau ngày im tiếng súng.

Chiến thắng và vui mừng của một số người lại là nỗi đau đớn chia lìa, buồn đau của rất nhiều người Miền Nam khác.

Xin đừng nói đến câu “hãy quên đi quá khứ” sau ngày này bởi là lời vô tình nhắc nhở khiến người ta lại nhớ đến chúng hơn bao giờ hết.

Cỏ Biển

No comments:

Post a Comment