Thursday, June 30, 2022

Gặp Gỡ Chú Long Hồ

Tôi gặp chú Long Hồ lần đầu tiên trong buổi họp mặt của gia đình Mũ Xanh năm 2018. Năm ấy, chú vừa được bầu làm Tổng Hội Trưởng của Tổng Hội TQLC QLVNCH.

Nhìn ông tân Tổng Hội Trưởng đọc diễn văn trên sân khấu, ý nghĩ đầu tiên của tôi là chú Long Hồ trông rất oai. Dù đã ngoài bảy mươi tuổi, dáng của chú vẫn thẳng tắp như một cây tre, rắn rỏi trong bộ quân phục rằn đen. Với nét mặt xương xương và sống mũi cao, trông chú vừa có nét của văn quan vừa có dáng của võ tướng. Tôi và người bạn nói nhỏ với nhau rằng trông chú cũng phong độ ngang ngửa với những người hùng mặt lạnh do Clint Eastwood thủ vai. Đùa với nhau vậy thôi, chứ chúng tôi thấy ngại, không dám đến hỏi chuyện chú vì trông chú rất nghiêm trang. Những lời phát biểu của chú tuy rất chân thành nhưng vẫn đầy sự cẩn trọng, chừng mực; giọng Huế của chú tuy ấm áp nhưng vẫn gợi nhớ cái xa cách, khép kín của đất cố đô.

Sau đó, tôi có dịp liên lạc với chú Long Hồ qua điện thư về việc giúp đỡ các thương binh, quả phụ của gia đình TQLC. Tôi rất cảm phục khi biết rằng ngay sau khi nhậm chức chú đã hoàn thành các thủ tục để Hội TQLC VNCH trở thành một cơ quan bất vụ lợi (NPO – Non-profit Organization) của Hoa Kỳ. Đây là một tiến trình khá phức tạp; đơn vị đứng xin phải xác định rõ mục đích của hội, đáp ứng được nhiều điều kiện của chính quyền, và cung cấp nhiều tài liệu để chứng minh rằng các việc làm của họ phù hợp với tiêu chí của hội. Từ khi trở thành NPO chính thức của Hoa Kỳ, Hội TQLC VNCH có một số căn cước (identification number) riêng, và mọi đóng góp tài chính cho những hoạt động của hội của đều có biên lai ghi rõ số căn cước để trừ thuế.

Những trao đổi của tôi với chú Long Hồ thường ngắn gọn, đi thẳng vào điều cần nói. Tôi chẳng dám chuyện trò lan man hay hỏi thăm về công việc mà chú đang gánh vác. Tuy vậy, tôi vẫn thấy rõ biết bao công sức của chú âm thầm bỏ ra trong suốt mấy năm làm Tổng Hội Trưởng.

Tổng Hội TQLC đã hoạt động được mấy chục năm, nhưng tôi biết đến hội khá muộn màng nên không có dịp nhìn thấy công lao của những vị đã lèo lái hội trong quá khứ. Tuy vậy, tôi vẫn hiểu được rằng họ thường được trả công bằng… những đêm mất ngủ.

Với chỉ vài người, ban chấp hành phải chu toàn nhiều nhiệm vụ, từ kêu gọi yểm trợ các thương binh, quả phụ đến lo liệu gởi tiền về VN đến nơi đến chốn, và rành mạch sổ sách chi thu. Vị Tổng Hội Trưởng còn phải đại diện hội trong những giao tiếp trong ngoài, hỗ trợ hoạt động của các phân hội, và giữ gìn sự an vui, đoàn kết của một tập thể gồm những Mũ Xanh từng ngang tàng trên chiến trận, những người nhiều nhiệt tình nhưng cũng đầy cá tính. Chỉ có tình yêu binh chủng, yêu đồng đội sâu xa mới giúp cho Ban Chấp Hành có đủ sức để vác cái ngà voi rất nặng này.

Và, chú Long Hồ cũng không ngoại lệ.

Như tôi đã cảm nhận từ lần gặp đầu tiên, chú Long Hồ là một người rất cẩn thận. Sau này, tôi thấy chú còn hơn thế nữa. Mỗi đóng góp của tôi cho thương binh TQLC đều được chú gởi điện thư cám ơn, tiếp theo là thông báo ngay khi chi phiếu vừa đến tay thủ quỹ, rồi đến giấy biên nhận có số NPO và cập nhật trong sổ sách. Trên những bản tin điện tử của Tổng Hội, nơi các thành viên có thể tìm đọc bất cứ lúc nào, có bảng tổng kết ghi rõ từng người đóng góp, và số chi thu rõ ràng từng xu. Đến cuối năm lại có bản tin in giấy gởi đến tận nhà.

Những khi hoàn thành một công việc lớn cho hội, chú Long Hồ đều gởi tin với một sự vui mừng và tự hào kín đáo. Chẳng hạn như khi hội hoàn thành bản tin điện tử rất hiện đại (có cả tiếng trang giấy cọ vào nhau loạt xoạt khi lật trang). Chẳng hạn như khi hội chi một con số kỷ lục là 209,806.35 đô la trong hai năm 2021 và 2022 để giúp đỡ thương binh, quả phụ TQLC tại Việt Nam. Chỉ trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, mỗi thương binh được nhận 420 đô la, riêng ba mươi sáu người bị thương tật nặng được nhận đến 520 đô la.

Chú Long Hồ làm việc miệt mài với một sự kỹ lưỡng đến… phát khiếp. Sổ sách không những luôn minh bạch, chú còn giao cho hai, ba người cất giữ ở hai, ba máy khác nhau. Chú lại còn lưu một bản ở trên mạng để “lỡ mất chỗ này còn tìm ở chỗ khác” (*). Nhiều lúc tôi nghĩ phải chi chú bớt kỹ một chút thì sẽ đỡ mệt và có sức để làm việc lâu dài hơn. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng tôi rất hiểu. Hiểu rằng chú muốn chuyện tiền bạc phải được chính xác và rõ ràng tới mức tuyệt đối để mọi người vững lòng tin tưởng và hăng hái hỗ trợ lâu dài.

Những điện thư gởi đi lúc nửa đêm, những lời nhắn được viết lúc năm giờ sáng… chỉ là điều tôi thấy được. Ở đằng sau còn có những phiền muộn, trằn trọc vì những điều không hay do một vài cá nhân gây ra.

Tôi cảm thấy chú rất bận rộn và luôn nghĩ đến công việc. Vì thế, tuy rất kính mến chú Long Hồ, tôi chẳng dám bàn chuyện phiếm hay dài dòng chuyện văn chương như với chú Cần Thơ. Những trao đổi chỉ gói gọn trong những dòng điện thư gọn và rõ như lời nhắn qua máy truyền tin.
Tháng 5, 2022, chúng tôi có việc sang Houston. Đã có dịp đến nơi này thì chúng tôi hết lòng muốn thăm hai người là Đại Tá Tango, Tư Lệnh Phó TQLC, và chú Long Hồ.

Tôi nhờ chú Cần Thơ hỏi chú Long Hồ trước. Điều ngạc nhiên là chú Long Hồ niềm nở nhận lời và nhanh chóng giúp sắp xếp ngày giờ. Chúng tôi sẽ đến nhà chú Long Hồ và cùng chú sang thăm Đại Bàng Tango vào sáng thứ Ba, ngày 17 tháng Năm, 2022.

Hôm đó, tôi và anh xã đến thật đúng giờ. Trên suốt đường đi, chúng tôi còn băn khoăn không biết sẽ nói gì với chú Long Hồ. Rồi chúng tôi đùa, cùng lắm là tụi mình sẽ hát tặng chú bài Cờ Bay để mở đầu, kiểu như ngày xưa các cụ dùng miếng trầu để mở đầu câu chuyện.

Chúng tôi vừa đến cửa thì chú Long Hồ bước ra. Gọn ghẽ, trẻ trung trong quần jean, áo sơ mi, chú vừa nạt con chó nhỏ vừa mời chúng tôi vào nhà. Chú kể rằng con chó là thú cưng của con gái út, hiện đang làm việc ở nhà. Nét mặt chú tươi vui, cách nói chuyện của chú thật gần gũi và cởi mở. Chỉ trong vài phút, chúng tôi thấy như đã quen biết với chú từ lâu, và chúng tôi trò chuyện rôm rả về những sự việc mới tinh cho tới những chuyện xa xưa thời chú vừa bước chân vào binh nghiệp.

Qua câu chuyện, tôi khám phá rằng chú Long Hồ là niên trưởng của tôi tại Đại Học Dược Khoa Sài Gòn, trước sau khoảng hai mươi năm.

Xuất thân từ một gia đình học thức ở Huế, “chàng tuổi trẻ” LQL cũng đã từng muốn trở thành chuyên viên trong ngành y tế. Dù đạt kết quả tốt dưới khung trời đại học, tiếng sông hồ réo gọi vẫn mạnh hơn tương lai dược sĩ ấm êm nên “chàng” đã rời trường. Chú Long Hồ bỏ Dược Khoa vào Khoá 20 Võ Bị Đà Lạt. Còn tôi, giống như chú, cũng không có duyên với nghề bán thuốc. Sau một năm, tôi bỏ trường đi vượt biên. (Việc chú Long Hồ xém trở thành dược sĩ làm tôi thích thú vì điều đó giải thích cho phong thái văn quan của chú. Thì ra tôi cũng có chút khả năng… xem tướng.)

Nhắc đến đời lính, chú Long Hồ lấy cho chúng tôi xem hai tấm hình quý. Một tấm chụp lúc chú năm chú hai mươi sáu tuổi, đã phục vụ bốn năm trong TQLC. Trong hình, chú tươm tất trong bộ quân phục thẳng nếp, mỉm cười khoe hai đồng tiền trên má. Chúng tôi xuýt xoa, “Úi chà, chú đẹp trai ghê!”

Tấm hình thứ hai có lẽ được in lại từ bản gốc, hơi mờ mờ, trong đó chú Long Hồ cao và gầy, đứng cạnh Đại Tá Đồ Sơn Ngô Văn Định, Trung Tá Thái Dương Đỗ Hữu Tùng, và Đại Uý Nguyễn Phúc Định trước một đống đổ nát cao như một ngọn đồi.

“Tấm hình này chụp ngày16 tháng 9, 1972, ngay bên cạnh Dinh Tỉnh Trưởng Tỉnh Quảng Trị, nơi Cộng Sản Bắc Việt đặt bộ chỉ huy mặt trận của chúng. Đại Đội 4 / Tiểu Đoàn 2 chiếm lại mục tiêu này ngày 15 tháng 9, 1972, và ngay ngày hôm sau, Đại Bàng Đồ Sơn đã đến thăm. Lúc đó, thỉnh thoảng địch vẫn pháo kích bằng đạn 130 ly. Chỉ huy mà ra tận tuyến đầu thăm lính như ông Đồ Sơn là vô cùng hiếm”, chú giải thích.

Nhìn tấm hình tôi nhớ lại lời của Đại Tá Đồ Sơn, một chỉ huy cao cấp đã sát cánh cùng binh sĩ trong suốt chín mươi ngày của chiến dịch tái chiếm Quảng Trị, 

Quảng Trị hàng ngày có mưa bom, mưa pháo không ngừng nghỉ, địa thế lúc nào cũng rung chuyển như là đang có động đất… Cuộc tái chiếm Quảng Trị là một cuộc chiến kinh hoàng nhất và tổn thất nhiều nhất cho cả hai bên trong chiến-tranh VN.” (**)

Những hy sinh xương máu khốc liệt của các chiến hữu có lẽ không bao giờ ngừng đau xót trong lòng mỗi người đã từng tham chiến tại Quảng Trị, dù chiến thắng đó cũng là niềm tự hào và đem lại nhiều vinh dự cho họ. Bên cạnh các sĩ quan của các đơn vị bạn, tám sĩ quan của TQLC đã được đặc cách thăng cấp tại mặt trận ngày 20 tháng 9 năm 1972 trong một buổi lễ trọng thể do Tổng Thống VNCH chủ toạ để tưởng thưởng tất cả các binh chủng đã góp phần vào chiến thắng. Hôm đó, Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH đã gắn lon Thiếu Tá trên ngực áo chú Long Hồ.

Sau đó, chúng tôi quay lại với đề tài giúp đỡ các thương binh. Chú Long Hồ kể rằng chú vẫn thường xuyên điện thoại thăm hỏi các thương binh ở Việt Nam và tìm mọi cách để giúp đỡ họ. Trong số đó có một người cụt một chân và mù cả hai mắt. Giọng chú đầy bùi ngùi, thương cảm, “Chú có hỏi chuyện vợ con, nhưng chú em nói, ‘Em tật nguyền như vầy từ năm mười chín tuổi, ai mà lấy, anh?’ ” Chú ngưng lời, trầm ngâm trong một khoảnh khắc. Chỉ một vài giây thôi, nhưng cũng đủ cho tôi thấy rằng tình cảm của chú với các đồng đội kém may mắn vẫn sâu đậm như những ngày cùng sống chết năm xưa.

Tôi khẩn khoản, “Trong mấy năm nay, chú đạt được rất nhiều thành quả trong việc giúp đỡ các thương binh. Cháu mong chú tiếp tục làm Tổng Hội Trưởng để các chú thương binh tiếp tục được nhờ.”

Chú Long Hồ lắc đầu, “Vì có dịch Covid-19 nên chú đã làm Tổng Hội Trưởng đến bốn năm rồi. Có nhiều người cũng muốn chú làm tiếp, họ gởi tin nhắn rồi gọi điện thuyết phục, nhưng chú cũng thấy vừa đủ rồi. Với lại, chú nghĩ chuyện gì dính đến tiền bạc thì không nên làm quá lâu…”

Tôi còn cố nói thêm vài lời nữa, nhưng chú Long Hồ mỉm cười, “Chú quan niệm việc phục vụ cho Tổng Hội là luân phiên, luân nhiệm. Chú vẫn còn ở đây, sẵn sàng hỗ trợ người kế tiếp, cũng như các vị Tổng Hội Trưởng đi trước đã giúp chú. Mọi công việc về tài chánh đã được sắp vào nề nếp, cho nên cũng nhẹ nhàng hơn. Chỉ cần hết lòng vì TQLC thì ai cũng làm được. Chú tin là với người mới, sáng kiến mới, hội sẽ có nhiều thành tựu mới.”

Rồi để chuyển đề tài, chú Long Hồ mời chúng tôi đi ăn trưa ở tiệm Phở Danh gần nhà chú. Vừa bước vào tiệm, chú nhanh nhẹn đưa tay chỉ chiếc bàn ở trong góc. Chỉ là một hành động nhỏ nhưng dáng vẻ dứt khoát, đầy phong độ của chú làm tôi mường tượng đến ngày xưa ở chiến trường, lúc chú khoát tay ra lệnh cho lính tiến lên. Rồi tôi cười cho sự liên tưởng của mình vì nhớ ra rằng trên chiến trường mọi thứ đều vô cùng căng thẳng và gian khổ, chứ không đơn giản như trong trí tưởng tượng của tôi.

Như để phụ hoạ cho ý nghĩ “chiến trường gian khổ” của tôi, chú Long Hồ kể, “Trên trận mạc, thật ra là đạn tránh người chứ người không thể tránh đạn. Gần cuối tháng 7, 1972, chú đóng quân ở Quận Triệu Phong, phía Bắc Cổ Thành Quảng Trị. Một hôm, chú đang ngồi trên võng thì bị pháo của đơn vị bạn bên kia sông bắn lầm. Ba cái máy truyền tin chung quanh chú vỡ nát, hai bên dây võng đứt, chú ngã lăn xuống đất. Đó là lần đầu tiên chú có cảm giác sợ chết. Chỉ huy của chú tưởng là chú tiêu rồi!”

Lần đó, trong số người bị thiệt mạng có một vị sĩ quan trẻ sắp thành hôn với một cô giáo. Khi chú Long Hồ gặp cô dâu chưa kịp cưới đang vô cùng đau khổ đó, cô ấy đã trách móc chú Long Hồ rất nhiều. Chú Long Hồ lại ngậm ngùi ngừng nói, và nỗi buồn trong mắt chú như ứa ra thành nước mắt.

Rồi tôi hỏi đến câu chuyện mà tôi muốn nghe từ chú Long Hồ nhất, câu chuyện về lần rút lui hỗn loạn vào tháng 3, 1975 trên bãi biển thuộc thôn An Dương, tỉnh Thừa Thiên.

“Thưa chú, cháu nghe nói chú đã lên tàu rồi nhưng quay trở lại?”

“Đúng rồi. Em trai chú đi theo đoàn quân để về Sài Gòn, nhưng bị lạc khi đơn vị của chú chạm địch rồi bị Cộng Sản Bắc Việt bắn chết. Khi tàu vào đón, chú và hai quân nhân TQLC đã cố gắng đưa xác em chú ra đến tàu. Vừa lên tàu thì Việt Cộng lại pháo kích dữ dội. Tàu hối hả đóng bửng lại và de ra. Trong giây phút hỗn loạn đó, chú suy nghĩ thật nhanh, ‘em mình dù sao cũng đã chết, nhưng mình còn sáu, bảy trăm anh em đang ở trên bờ’. Chỉ nghĩ đến đó thôi là chú vội ghì hai tay vào sợi dây xích để treo bửng tàu, đôi chân đạp vào những gờ ngang của bửng để đánh đu người rồi nhảy ùm xuống nước. Anh em Hải Quân thất kinh, thét lớn trong tiếng đạn pháo nổ rền.

Thiếu tá! Thiếu tá làm gì vậy?

Lính của tôi đang chờ trên bờ biển.”

“Chú gan quá! Ai cũng tìm cách chạy về Sài Gòn mà chú dám quay lại!”

“Như chú vừa nói, lúc đó chú chỉ nghĩ rằng em chú đã mất rồi, chú không làm gì hơn được. Nhưng đối với anh em còn kẹt lại trên bãi biển thì khác. Dù chú chỉ tình cờ có mặt ở trên tàu lúc nó chạy đi, nhưng khi binh lính của chú nghe chuyện đó, ai mà tin? Họ sẽ chấn động, thất vọng lắm. Rồi ai sẽ tìm đường cho họ rút? Bao nhiêu năm sống chết có nhau, họ đã bao nhiêu lần nghe lệnh chú mà xung phong dưới mưa đạn, giờ đến lúc ngặt nghèo, chú làm sao có thể bỏ họ mà đi một mình?”

Tôi đã từng đọc câu chuyện chú Long Hồ đã lên đến tàu mà còn quay trở lại qua ngòi bút của chú Cần Thơ. Nhưng khi nghe chính chú Long Hồ nói về hành động của chú trong giây phút bị dồn đến chân tường, tôi vẫn bàng hoàng đến lạnh người. Chú biết rõ địa thế của bãi biển này, phía Đông là Biển Đông, phía Bắc là cửa Thuận An, phía Nam là cửa Tư Hiền, và phía Tây là phá Tam Giang. Nếu không có tàu vào đón thì nơi đây trở thành tử địa, chỉ làm mục tiêu cho địch bắn. Trở lại nghĩa là treo mạng sống trên sợi chỉ. Vậy mà chú vẫn quay lại, như thể đó là chuyện tất nhiên. Đúng như tôi cảm nhận được từ trước tới nay, đối với chú Long Hồ, không có gì quan trọng hơn trách nhiệm và danh dự.

*
Hôm đó, chúng tôi không thể đến thăm Đại Bàng Tango vì Bác bận chuyện gia đình bất ngờ. Tôi rất tiếc vì đã không được gặp tác giả của câu “Một ngày TQLC là một đời TQLC” đã trở thành châm ngôn của các Mũ Xanh. Tôi luôn muốn được thăm để tỏ lòng biết ơn và nghe chuyện từ những cây tùng trước bão, những người hùng thật sự trong lòng chúng tôi.

Nhưng chúng tôi rất vui vì đã gặp được chú Long Hồ, một bằng chứng sống để chúng tôi bồi đắp niềm tự hào về QLVNCH.

Trước đó, chúng tôi đã từng ngưỡng mộ chú qua hào quang của người sĩ quan trẻ, cao ráo, đẹp trai, của buổi lễ hùng tráng để tưởng thưởng và thăng cấp các chiến sĩ ngay tại mặt trận. Khi gặp chú, tôi hiểu rõ hơn về những cay đắng sau ánh hào quang đó, những dòng nước mắt xót thương cho đồng đội và gia đình họ, những lần cái chết lướt qua mang tai, những cuộc hành quân biền biệt gần một năm trời trong rừng thiêng, nước độc, và lần quay trở lại để cùng đồng đội đương đầu với số phận bị bỏ rơi trong vòng vây của biển và mưa pháo. (Sau khi chú vào bờ, không có tàu nào đến nữa. Cả Lữ Đoàn 147 TQLC gồm 2,800 quân nhân đã mở đường máu dọc theo bờ biển để về Nam, nhưng phải lọt vào tay giặc sau khi chiến đấu đến hết tất cả đạn dược.)

Những điều đó quá đau đớn, khổ sở, và uất ức. Càng hiểu biết, tôi càng thấy rằng tất cả những ai đã từng được hưởng cuộc sống tự do ở miền Nam Việt Nam trước 1975 đều mang nợ những người lính tác chiến.

Tuy nhiên, điều làm tôi quý mến chú Long Hồ hơn cả là những việc mà chú đã và đang làm một cách tận tuỵ và lặng lẽ ở tuổi trên bảy mươi. Tôi nghĩ, việc chú sống khoẻ sau mười ba năm tù trong đó có bốn năm bảy tháng hai mươi bốn ngày liên tiếp bị cùm trong ngục biệt giam đã là một điều phi thường, nhưng việc chú vẫn còn nguyên phong độ người quân nhân, còn vững lòng tự hào, còn hăng hái dấn thân làm việc cho tập thể sau thời gian chịu đựng khổ sở, tủi nhục tận cùng đó mới là điều vô cùng đáng kính.

Có lẽ niềm quan tâm đến những người bất hạnh cũng là một phần trong bản tính của chú Long Hồ. Năm 1972, chú đã được thưởng Dân Vụ Bội Tinh vì đã cưu mang, giúp đỡ 1,600 đồng bào ở Quảng Trị trong những ngày chiến tranh tàn khốc. Bây giờ, chú vẫn đau đáu lo chuyện cưu mang những chiến hữu mang thương tật ở quê nhà.

Năm nay là 2022, năm mươi năm sau chiến thắng tái chiếm Quảng Trị. Có những người lập bia để kỷ niệm. Có những người – quên rằng đường vào Cổ Thành được lót bằng xác của các chiến sĩ VNCH thuộc mọi binh chủng – đã lớn tiếng tranh cãi để giành công trạng mà không hiểu được rằng những điều đó chỉ gây buồn phiền cho lớp trẻ.

Vì thế, tôi thấy may mắn đã quen biết chú Long Hồ. Không cần tượng đồng, bia đá, những việc làm đầy nhân ái và tín nghĩa của chú đã bồi đắp niềm kính mến và biết ơn của chúng tôi với những chiến sĩ QLVNCH.

Dù ở đâu cũng có một số “con sâu làm rầu nồi canh”, phần lớn các chiến sĩ QLVNCH là những người đầy tự trọng, không xưng công nhưng thực sự làm người hùng bằng những hành động mà họ chỉ gọi là “hoàn thành trách nhiệm”. Họ xứng đáng cho những thế hệ sau kính mến và tự hào. Tôi tin như vậy vì tôi đã được gặp nhiều người như vậy, trong đó có chú Long Hồ.

– Khôi An

(*) Lời chia sẻ của chú Long Hồ.

(**) Trích bài viết “Tái Chiếm Cổ Thành Quảng-Trị Ngày 16-9-72” của Đại Tá Đồ Sơn.

No comments:

Post a Comment