Sunday, May 1, 2022

Viện Mồ Côi Escoubet

Ký – Tháng Tư Đen
(Viết cho Lưu-Linh Vũ)

– Sau cướp biển và bão tố, với một thuyền nhân khi đặt chân đến nước thứ ba là một hồi sinh. Nhưng có thật hồi sinh với tâm tư nguyên vẹn? Ra đi và chia cắt là một vết thương vĩnh viễn.

*
Escoubet là tên một biệt thự cổ nằm bơ vơ giữa những cánh đồng thênh thang miền Nam nước Pháp. Chủ nhà mấy trăm năm trước không thể nào ngờ sẽ có ngày nó biến thành viện mồ côi dành cho trẻ tị nạn không có cha mẹ đi theo. Tôi đến giữa mùa hè, ngày vàng rực hoa hướng dương, rạng rỡ những mới lạ của một văn hóa Tây phương chờ tôi khám phá. Nhưng khi đêm phủ trùm, Escoubet trồi lên giữa nền tinh tú, nhìn càng bơ vơ như đã một mình rơi vào vũ trụ. Bơ vơ. Tôi thường nghĩ đến bơ vơ ở mỗi địa điểm chuyển tiếp. Không phải cô đơn vì bốn chị em tôi luôn bên cạnh nhau. Mà như gốc cây trốc rễ bị gió cuốn tha phương mãi hoài không thể nào bám đất. Chuyển tiếp không ngừng. Tương lai càng hiện rõ thì tôi càng thấy bơ vơ. Có khi tôi liên tưởng đến chú bé hoàng tử của Saint-Exupéry, đi quá xa quá mỏi mệt muốn bỏ lại thân xác để hồn bay về nhà.

Đêm đầu tiên thấy chúng tôi lên giường với quần jean áo sơ mi, cô Jocelyne quay lại với ba cái áo đầm ngủ mới tinh còn trong bao, tôi cảm động, muốn tin có thể xem đây là nhà. Chỉ có mẹ mua áo mới cho chị em tôi. Từ khi vượt biên, chưa ai nhìn chúng tôi dịu dàng vậy. Tôi viết thư kể với bố mẹ, ba chị em được một căn phòng xinh xắn vừa đủ kê một chiếc giường đơn và một giường hai tầng; khăn phủ giường có vân xanh lơ điểm hoa đỏ tiệp màu giấy dán tường, còn có phòng tắm nhỏ. Em Long ở bên dãy nam. Viện có sáu éducateurs thay phiên chăm sóc đám trẻ hơn ba mươi đứa. Ba bữa ăn có đầu bếp đến nấu nướng dọn dẹp. Mỗi người được phát một trăm quan tiền túi hàng tháng. Mỗi sáu tháng được chở ra tỉnh mua sắm quần áo mới. Tháng chín tựu trường, chị em tôi sẽ được đi học ở trường làng. Nơi đây còn tốt hơn nội trú ở những trường tư, chúng tôi được chăm lo đầy đủ và sẽ cố gắng học hành. Tôi kể một hơi tất cả những chi tiết lạc quan, mong bức thư chuyển tải âm thanh tôi vui mừng. Chắc mẹ sẽ cho rằng chúng tôi đã được tái sanh vào một thế giới tốt đẹp. Chắc bố mẹ sẽ mãn nguyện với viễn tượng tương lai của chúng tôi. Tôi không nhắc đến viện chỉ chứa chấp trẻ em dưới mười tám tuổi, năm sau tôi sẽ phải một mình ra ngoài và chưa biết sẽ đi về đâu.

Tháng tám thời tiết đẹp nhất trong năm. Tôi thích ngắm nhìn bầu trời xanh mênh mông trên cảnh bình dị của đồng quê buổi sớm mai, khi tôi đi qua hành lang nối với tòa nhà bên cạnh để xuống phòng ăn, nắng mang hương cỏ cây hắt lên da. Bữa ăn sáng luôn có bánh mì bơ mứt và một tô sữa tươi. Uống sữa bằng tô thì ngộ nghĩnh nhưng tôi không hỏi. Cô đầu bếp Florence mang chiếc nồi to đến nông trại mua sữa tươi về đun sôi rồi múc ra tô. Tôi khoe trong thư, sữa ở đây nguyên chất và béo ngậy, Sài Gòn không có đâu. Ý là trước 75. Sài Gòn sau 75 không có gì cả. 

Cô Florence bày thức ăn, tô đĩa và dao trên quầy, ai đến trước đem phân phát mỗi bàn. Phòng bày tám bộ bàn ghế gỗ nâu sẫm, thoáng rộng. Tôi luôn chọn bàn thứ nhì, nhìn ra bãi cỏ xanh bên ngoài qua hai cánh cửa kính lớn, nghe chung quanh tiếng chào hỏi khi mọi người lục tục kéo đến, pha lẫn tiếng cười đùa, uống ngụm sữa nóng, thấy ấm áp trong lòng. Ăn xong, mỗi người đem đồ mình dùng đặt lại trên quầy. Chỉ có xứ văn minh mới nuông chìu trẻ mồ côi như vậy. Khi khám phá ra bình cà phê nóng dành riêng cho người lớn, lòng tôi rạng rỡ biết mấy, quyết chí uống cho bằng được. Tôi xin vào bếp phụ rửa bát. Cô Florence dặn mỗi cái tô tráng nước xong thì đặt ngửa trên khăn, sau khi rửa xong hết mới úp xuống. Cũng ngộ. Úp xong đống tô, tôi xin cô một ít cà phê. Từ đó sáng nào tô sữa của tôi cũng pha chút cà phê, dù chỉ đủ làm nâu đi màu sữa, không đủ đậm để dậy mùi thơm, tôi không đòi hỏi hơn. Ngày hôm qua tôi đã mất tất cả. Giờ, tôi được sống trong sự bảo bọc của những tấm lòng bác ái bao la, ở một ngôi nhà đá di sản của thế kỷ XVIII, học và chơi với một đám trẻ cùng lứa, cùng số phận. Tôi cám ơn Thượng Đế đã đưa tôi đến nơi này, nhưng giá mà Ngài cho phép tôi sống tuổi trẻ và chết già nua ở Sài Gòn của chúng tôi.

Đám trẻ không hỏi nhau đến từ đâu, tuy chúng tôi nhận ra sự khác biệt giữa những màu da. Hiểu ngầm đoạn đường mỗi người vừa đi qua không gì hấp dẫn đáng tò mò. Cùng một câu chuyện thôi. Giá đã trả, cơ hội làm người ở xứ tự do đã đến tay, và Escoubet là món quà từ Trời cho những bước đầu tập tễnh. 

Ba chị em tôi thân với chị Nguyệt Sương nhất, chị trên mười tám nhưng khai rút tuổi, ít biểu hiện nhưng thương mến ai thì mở lòng tràn trề như sông nước Rạch Giá. Chúng tôi đã gặp nhau ở foyer Créteil, một địa điểm chuyển tiếp vùng ngoại ô Paris, trước khi được đưa đi xe lửa năm trăm cây số về Escoubet. Chung chuyến xe lửa còn có chị Hiếu, cũng khai rút tuổi, có giọng Bắc của Bùi Chu Phát Diệm khiến tôi nhớ chị Ba ở nhà. Chúng tôi thường trao đổi những kỷ niệm về Đà Lạt, tiệm bán ô mai của gia đình chị và những ngày hè của gia đình tôi. Chị còn dạy ba chị em tôi đan áo len chuẩn bị cho mùa đông. Em Lan học đan chăm chỉ nhất vì nó sợ lạnh. Về đây, em Long chơi thân với cậu bé trạc tuổi tên Hiển khiến tôi rất mừng. Gia đình có năm anh em trai, Long vượt biên với ba chị gái, cô đơn vương vất trong mắt nó. Trong trại tị nạn Mã Lai, người đàn bà ở lều bên cạnh có lần nói với tôi, “Bác thấy Long ngồi một mình nhìn xa xăm buồn đẵm, bác lại nghĩ thương đứa con trai hồi trước đi vượt biên chắc cũng nhớ nhà như vậy”. May giờ có Hiển và các cậu bé khác. Chị của Hiển mang tất cả mộng mơ của thiếu nữ tuổi mười lăm, mắt ướt môi ướt, tự đổi tên là Ánh Sương vì cho rằng cái tên Mai của cha mẹ đặt không thích hợp với mình. Ánh Sương thân với Oanh, hai cô gái Việt đầu tiên ở Escoubet. Hai người đi cạnh nhau, Oanh cao hơn một cái đầu, gương mặt xinh đẹp lập tức lôi cuốn người đối diện với má lún đồng tiền và chiếc răng khểnh. Oanh nũng nịu như đứa con út được gia đình cưng chìu, thường ôm cánh tay ngả đầu vào vai cô Jocelyne hoặc cô Christine; thời gian đầu chưa quen chắc Oanh lạc lõng khủng khiếp. Tôi còn khá thân với Mỹ Tiên. Hai đứa cùng tuổi và được xem là lớn nhất. Mỹ Tiên nhỏ nhẹ hiền lành, giọng người miền Nam sống ở Chợ Lớn gợi cho tôi nhớ mấy cô bạn trường Bác Ái. 

Ngoài những trẻ đến từ Việt Nam, Mi phải là người Việt lớn lên ở Lào vì cô nói thông thạo hai thứ tiếng. Thêm nữa, Mi và anh chàng Phayvanh người Lào như một cặp thanh mai trúc mã, chắc chắn họ phải là đôi bạn thân từ nhỏ. Ai cũng nhận ra Phayvanh say mê cô bạn của mình. Mi mang sắc đẹp và giọng nói của miền thượng du Tây Bắc, và một thân hình người mẫu. Sự thân thiết này khiến tôi nhớ Vũ. Giá mà Thượng Đế cho phép Vũ ở đây. Tôi cũng nhận ra mình chưa dốc tâm vào tương lai. Tâm trí chờ chực bất cứ chi tiết nào gợi lên quá khứ để nhấn chìm tôi vào nỗi u sầu. Làm sao để đừng nhớ nhưng cũng đừng quên.

Chú Denis đưa những người mới đến lớp cô Isabelle để học thêm Pháp văn và khảo sát trình độ của chúng tôi cho việc xếp lớp vào tháng Chín. Con đường nhựa eo hẹp uốn éo, hai bên đường không một bóng người, không nhà cửa; cây cỏ cao lớn mạnh mẽ ngự trị mặt đất, chọc thẳng lên trời. Sự chế ngự của thiên nhiên hoang dã khiến tôi thấy chơi vơi giữa một biển cỏ trùng trùng nhấp nhô. Tôi sợ hãi với ý nghĩ nếu phải ở đây một mình. Cuối cùng xe dừng lại trước một khoảnh sân rộng ngập lá vàng khô, gió xao xác, không khí đậm mùi cũ kỹ tựa đã đọng lại nhiều đời kiếp. 

Lớp, đơn giản là một ngôi nhà chỉ có bốn vách tường đá chắc đã đứng hơn trăm năm, một bộ bàn ghế và một tấm bảng. Cô Isabelle tóc vàng cột đuôi, ánh mắt sau lớp kính cận dày cộm cười đón chúng tôi. Tôi chưa thấy cô giáo nào chìu học trò như vậy. Ngày học từ sáng đến chiều, cô nói ai chán thì cứ chơi, muốn biết thêm gì thì cô dạy. Nghĩ lại, tất cả mọi người lớn đều nuông chìu chúng tôi. Trưa, chú Denis quay lại với thức ăn nóng hổi luôn cả đĩa và dao nĩa, nhưng khi bày ra thì không thấy phần của cô Isabelle, và cô chỉ gặm một quả táo. Đám học trò nài nỉ mời cô ăn chung. Tôi thấy rõ vẻ ngần ngại cùng sự cố gắng cưỡng lại. Nhưng cuối cùng, cô chịu thua cho mùi hương thơm phức đang lấn áp không khí vào đến tận cùng hơi thở. Cô ngượng ngùng hơn nữa khi một hôm bà giám đốc Escoubet mà chúng tôi gọi là Madame Arnoux ghé bất chợt trong giờ ăn, và bắt gặp. Tôi không hiểu tại sao chú Denis không chuẩn bị cả phần của cô Isabelle để cô tự nhiên hơn. 

Sau một tuần, cô Isabelle cho biết trình độ Pháp văn của tôi đủ, những người khác cần học thêm vài tháng. Vậy là tôi không cần đến lớp, không bao giờ gặp lại cô nữa. Em Lan xin cô dạy đàn guitare, tôi mới chợt nhớ em mình đang ở tuổi mộng mơ, và nhận ra trong lòng chính mình tất cả mộng mơ đã tan mất. Thỉnh thoảng tôi nghĩ về cô Isabelle, không biết gia đình cô có ruộng vườn, quanh đây không có bao nhiêu công ăn việc làm, mấy tháng hết lớp cô sẽ đi về đâu.

Gương mặt tôi chưa gì đã tròn ra, tôi viết trong thư như vậy. Nhìn lại tấm ảnh khổ 4x6 chụp ở đảo thấy xơ xác đen đủi. Thức ăn ngon, có khi được ăn bánh gâteau tráng miệng, à, rất ngộ là sữa uống bằng tô và súp ăn bằng đĩa, tôi hỏi thời Pháp thuộc của bố có vậy không. Tôi khoe thêm sáng nay được đưa ra phố Éauze mua sắm để chuẩn bị nhập học. Và cười, phố chính của Éauze nơi bày chợ trời nhỏ hơn bùng binh Ngã Bảy của mình. Mà Éauze là thủ phủ của tỉnh Armagnac. Vũ có đến nhà tìm con không.

Quảng trường của Éauze chừng hai mươi mấy thước vuông, thưa người qua lại cho buổi sáng thứ bảy. Lần đầu được thăm viếng phố cổ hai nghìn năm, tôi dán mắt khắp nơi. Cô Gaillard hướng về quán ăn, chỉ trỏ những chạm trổ còn sót lại trên bức tường đá xây từ khi La Mã xâm chiếm Pháp. Những hàng quán chung quanh đều xây bằng đá và khung gỗ, mộc mạc nhưng vô cùng mỹ thuật. Cô rẽ vào một con đường hẹp, đi thoăn thoắt trên những đoạn vẫn còn lót đá, một lúc đến tiệm tạp hóa. Mỗi chúng tôi được mua một túi ba-lô dưới một trăm quan, thì ra ở Pháp học sinh không dùng cặp táp. Các quầy chất đủ thứ đồ dùng của học sinh lạ mắt. Tôi đi lên đi xuống, mê mẩn xem hàng xem giá, miễn tổng số dưới một trăm quan thì cô Gaillard sẽ cho phép mua. Cuối cùng, tôi chọn một chiếc ba-lô màu xanh ô liu, nhìn hơi bụi đời như bụi bặm trên Éauze mộc mạc, và một hộp đựng viết màu hồng rất xinh xắn. Cô Gaillard tử tế, kiên nhẫn chờ đám trẻ ở quầy trả tiền. Chúng tôi đi ngược ra quảng trường. Lên xe ra về, tôi đem theo chút hoài niệm vương vất trong không khí của phố thị. 

Đi lại con đường làng năm cây số đưa đến Escoubet, tôi nghĩ lại thân phận của mình hôm mới đến trong cùng chiếc xe. Ký ức của bốn tháng trước đó và sáu lần chuyển tiếp chợt kéo về. Rồi cảm giác chơi vơi ập đến. Làm sao để xem nhẹ quá khứ. Tối đó tôi ôm hộp viết màu hồng đi ngủ, nằm trăn trở nhớ nhà. Hôm mẹ đưa cả nhà đi thương xá Tax, tôi cũng đã dán mắt trên các tủ kính, và cuối cùng chọn một con búp bê tóc vàng với đôi mắt xanh biết chớp. Mẹ nói thưởng tôi thi đậu vào lớp Sáu trường Saint Éxupery. Năm tôi học lớp Nhất, bố đi Nhật mua về cho tôi một con búp bê mặc kimono đỏ biết quay vòng vòng khi vặn nút âm nhạc. Tôi không thể ngừng mơ ước trở về những thời gian đó. Sự tĩnh lặng của ban đêm và bóng tối làm mù mờ hiện tại. Tôi đi vào giấc ngủ với sự nhọc nhằn, lại mơ thấy mình về nhà và căn nhà của mình chìm trong u ám.

Tôi đến cổng trường với tất cả bở ngỡ của ngày đầu tiên đi học. Vũ quá xa xôi để có thể cùng đi vào lớp, nên lớp học lạnh lùng xa cách. Thầy hiệu trưởng bất chợt vào cắt ngang cô giáo, nét mặt nhăn nhó, đi thẳng đến bảng cầm phấn lên viết phương trình bậc hai và bảo tôi giải. Loại này tôi đã học hai năm trước nên cho ngay kết quả không cần suy nghĩ. Ông nhún vai, “Lớp Chín là phải rồi!” Vậy là tôi được xếp vào lớp Chín cũng là lớp cao nhất trường làng. Tôi viết nốt bức thư, báo tin cuộc sống mà tôi rời bỏ đang nối tiếp trở lại. Rồi gửi về nhà.

Nhưng là một nối tiếp trớ trêu như mình đã đầu thai vào kiếp đời mới, mà vẫn mang theo ký ức của đời trước. Tôi bây giờ là trẻ mồ côi sống trong một cô nhi viện ở miền Nam nước Pháp. Cha mẹ hiện diện trong một căn nhà mà tôi chỉ có thể về trong những giấc mơ. Khi ngoan, tôi cám ơn Thượng Đế; bốc đồng thì muốn trả lại món quà Ngài đã ban. Trả lại rồi về đâu khi nơi mình muốn về chỉ còn là hình ảnh? Tất cả chỉ vì miền Nam đã bị cướp đi sự nhân bản.

Phải, chúng tôi đã trả một giá rất đắt cho kiếp đời mới này. Nhưng dần tôi hiểu ra, việc trả giá sẽ không ngưng. Vì quá khứ tôi yêu mến khiến hiện tại dù thế nào cũng không hoàn chỉnh. Tôi mười bảy tuổi, hiểu mình sẽ đem theo quá khứ suốt cuộc đời.

– Vũ Thị Thanh Mai
(Buena Park, 4/2022)

No comments:

Post a Comment