Friday, May 27, 2022

Tháng Năm, nhớ nhà thơ lớn của miền Nam Tô Thùy Yên

Ảnh: Trần Triết

Nhà thơ Tô Thùy Yên, tác giả của những bài thơ để lại sự lưu luyến trong lòng người đọc yêu văn chương miền Nam, nhẹ bước đến cõi thiên thu, vào ngày 21 Tháng Năm 2019 ở Houston, Texas hưởng thọ 81 tuổi.

Tên khai sinh là Đinh Thành Tiên, nhà thơ Tô Thùy Yên sinh ngày 20 Tháng Mười 1938 tại Gò Vấp, Gia Định, là cựu học sinh trường Petrus Ký và trường tư thục Les Lauriers, ông từng theo học Văn chương Pháp ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, nhưng quyết định bỏ dở.

Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu” (được xem) là bài thơ đầu tay của Tô Thùy Yên, sáng tác năm ông còn là một thiếu niên. Ông có thơ đăng trên báo Đời Mới từ những năm 16, 17 tuổi. Năm 1956, Tô Thuỳ Yên là người miền Nam duy nhất tham gia vào nhóm Sáng Tạo, một nhóm văn nghệ sĩ sáng tác có cùng “ý thức văn nghệ mới”, bên cạnh các cây bút từ miền Bắc di cư vào Nam như Mai Thảo, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền..

Thơ Tô Thùy Yên xuất hiện nhiều trên tạp chí Sáng Tạo, cùng với Thanh Tâm Tuyền và Quách Thoại, ông được biết đến với phong trào khai sinh “Thơ tự do” và ở miền Nam vào thập niên 1960. Ngoài ra ông còn cộng tác đều đặn với nhiều tạp chí văn học khác ở miền Nam, và chủ trương nhà xuất bản văn học Kẻ Sĩ.

Cuối năm 1963 đầu năm 1964 ông nhập ngũ, phục vụ ngành chiến tranh chính trị, chức vụ sau cùng của ông là Thiếu tá, Trưởng phòng Văn nghệ của Cục Tâm lý chiến. Sau năm 1975, ông vào nhà tù cộng sản hai lần, một lần 10 năm và một lần ba năm. Sau khi ra tù, nhà thơ Tô Thùy Yên và gia đình sang Mỹ định cư năm 1993, ban đầu đến Saint Paul, Minnesota. Đến năm 2000 thì gia đình chuyển về Houston, Texas cho đến khi ông qua đời.

Không in thơ nhiều, đến cuối đời, nhà thơ Tô Thùy Yên chỉ có Thơ tuyển (tự xuất bản, Minnesota, Hoa Kỳ, 1995) và Thắp Tạ (An Tiêm, Houston, Hoa Kỳ, 2004) trong tủ sách người yêu thi ca.

Nhà thơ Du Tử Lê trong một bài viết trên blog cá nhân của mình, như một bạn thơ đã trân trọng gọi nhà thơ Tô Thùy Yên là “một tiếng thơ lớn của miền Nam” và khi nhớ về ông như một người đồng nghiệp ở Cục Tâm lý chiến Sài Gòn, như là một người rất là nguyên tắc, rất kỷ luật trong công việc.

Nhà báo T. ở Nam California tri nhận nhà thơ Tô Thùy Yên đã “để lại một dấu ấn lớn trong sinh hoạt văn học của miền Nam”, nhắc đến một kỷ niệm với nhà thơ Tô Thùy Yên liên quan đến bài thơ nức tiếng Ta về mà ông viết khi trở về sau 10 năm trong nhà tù cộng sản.

Ông T. kể khi anh em từ Việt Nam phát động phong trào xây dựng nhà cho gia đình các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974, nhà thơ Nguyễn Duy ở trong nước hâm mộ thiết tha muốn mời được Tô Thùy Yên từ hải ngoại trở về, cùng làm một đêm thơ ở Sài Gòn. Tô Thùy Yên không về được vì sức khỏe không cho phép, nhưng đã chép nguyên văn bài thơ Ta về để tặng cho chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa, và bài thơ đó đã được những người tổ chức bán đấu giá để góp tiền xây nhà cho gia đình các chiến sĩ VNCH đã tử trận trong trận chiến Hoàng Sa 1974. “Bây giờ ngồi nhớ lại Tô Thùy Yên thì nhớ lại nụ cười rất hiền của một người miền Nam, nhớ lại điếu thuốc, và nhớ lại hai câu thơ: “Chút rượu nồng xin rưới xuống, Giải oan cho cuộc biển dâu này,” ông T. kể lại.

Trước sự ra đi này của nhà thơ Tô Thùy Yên, nhiều văn nghệ sĩ thế hệ sau tiếc thương ông và nhớ về ông và nhớ đến bài thơ Ta về – sau 10 năm tù cải tạo mà tuyệt nhiên không oán hận, không nguyền rủa, chỉ có tình người. Có lần trả lời phỏng vấn của Đài SBS Úc Châu, từ Sài Gòn, nhà thơ Trần Tiến Dũng tưởng nhớ nhà thơ Tô Thùy Yên và nhắc mãi về “chất hành giả” trong thơ ông, “vừa cốt cách cổ xưa vừa mang hình ảnh rất hiện đại trong ngôn ngữ hình ảnh của Tô Thùy Yên” và cho rằng không gian thơ của Tô Thùy Yên khó tìm thấy ở một ai khác vì đó là “một giọng thơ nửa hào hùng, nửa bi tráng, nửa phẫn uất, nửa yêu thương… rất nhiều thứ cảm xúc trộn lẫn”.

Chỉ có người như Tô Thùy Yên, nhà thơ của những câu chữ đã đi đến cái tận cùng của nỗi sống và cái chết, cái tận cùng của da diết lẫn dửng dưng, mới viết nên những dòng thơ tự thân nó phát sinh ra một nguồn năng lượng khác, đẹp lành như thứ ánh sáng đầu ngày nhưng cùng lúc lại day dứt lạ lùng như những tia nắng cuối trong chiều. Võ Phiến (1925-2015), trong bộ sách Văn học miền Nam nổi tiếng, đã dành nhiều mỹ từ khi nói về “triết lý” trong thơ Tô Thùy Yên, “nếu miễn cưỡng phải là triết gia, ông là thứ triết gia ràn rụa nước mắt, triết gia héo hắt tâm can… Cái triết này không tháp ngà tháp nghiếc gì.”

Có thể nói thơ Tô Thùy Yên đầy vũ trụ quan, nhưng hoàn toàn không đấng toàn năng nào có chỗ trong thơ ông. Những câu chữ trong kinh Phật thảng hoặc xuất hiện nhưng lại mang màu sắc triết lý của Tô Thùy Yên rất riêng. Thơ Tô Thùy Yên là nơi ông gửi gắm những trăn trở của thi sĩ trước cái bí ẩn muôn đời của vũ trụ, nơi cất giữ những băn khoăn siêu hình. Triết nhưng không làm dáng, triết nhưng nghiêng về “cảm” nhiều hơn khi đứng trước cái vô định vĩ đại của không gian, thời gian và sự hữu hạn bé nhỏ của kiếp người.

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời
(Trường Sa hành)

Luôn có một “cuộc đi” trong thơ Tô Thùy Yên, một thúc giục lên đường trong cuộc đi đã bắt đầu từ vô lượng kiếp và có lẽ không bao giờ có sự kết thúc.

Đến ngã ba, đành theo một lối
Tiếc ngẩn không cùng theo lối kia.
(Đãng tử)

Đọc thơ Tô Thùy Yên tức là cùng ông vào sinh ra tử, đàm đạo với cả hai phía âm dương và cái tận cùng. Cả những lúc không dấn thân vào cuộc đi, ngồi yên hít thở thì cái triết không làm dáng trong thơ ông cũng mời mọc người đọc cùng ông nghe cái cựa quậy của đất trời, để cùng luận bàn về sự mong manh trong kiếp nhân sinh.

Gặp buổi trời mưa bay phới phới
Lá cành sáng rỡ sắc hồi xuân
Ta nhìn ngọn cỏ, lòng mê mẩn
Nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân
Sống trên đời, chuyện ghê gớm quá
Vậy mà ta sống có kỳ không?
Nước mắt ta tuôn khi nghĩ tới
Những người đã chết, chết như rơm.
(Hề, ta trở lại gian nhà cỏ)

Giữa không gian chiến tranh chết chóc trong cuộc chiến tàn khốc nhất, không có cay nghiệt thắng thua, chỉ có tình người, chỉ có tấm lòng rốt ráo cảm thương thân phận bé nhỏ của người lính, một sinh linh mà nhà thơ muốn khóc cùng. Mở lòng ra với vạn vật và vô tận như vậy, nhưng ngôn ngữ trong thơ Tô Thùy Yên được chắt lọc rất cẩn thận. Thơ ông có những chữ không thể thay thế bằng những chữ tương tự nào khác được, vậy mà lại không có vẻ sắc nét điêu luyện hay trang trọng đến mức xa cách của miền Bắc.

Tứ thơ, cảnh thơ, tiếng thơ và tim thơ Tô Thùy Yên mang cốt cách rất miền Nam, đầy chất liệu bình dân từ ca dao, câu hò, điệu ru của đồng bằng Nam Bộ. Nam Bộ nhưng không xuề xòa, dễ dãi, càng không cẩu thả. Tô Thùy Yên như một phù thủy, nhà thơ hóa phép cho những hình ảnh từ chất liệu văn học dân gian một trường ý nghĩa mới.

Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay
Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó,
Người thức nghe buồn tận cõi xa
Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?
(Ta về)

Sự ra đi của Tô Thùy Yên là thứ mất mát không gì bù đắp được, sự mất mát không có thế hệ truyền thừa trong lịch sử thi ca và văn học Việt Nam, không chỉ của miền Nam trước 1975, dù không biết bao nhiêu người nói tiếng Việt đang 16, 26, 36, 46 tuổi hôm nay biết Tô Thùy Yên là ai, nói gì chuyện họ biết đến cái đẹp lạ lùng trong thơ ông.

Với những người yêu thi ca, trên cửa nhà sẽ còn mãi nhiều dòng thơ của một Tô Thùy Yên da diết và dửng dưng “cài hờ” lên tặng:

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi.
(Ta về)

Xin được vinh danh ông, Tô Thùy Yên, “bếp lửa nhân quần ấm tối nay”. Mong ông đang vui với hoa cỏ nơi xa, như bài thơ ông viết trong ngày đã vừa cũ.

Y Nguyên

24 tháng 5, 2022

 

 

No comments:

Post a Comment