Wednesday, May 4, 2022

DĨA CƠM

Một ngày cuối tháng 4 nắng đẹp, 2 mẹ con ngồi trong quán cơm tấm gần nhà ở miền Nam California.

Đồ ăn được mang ra, 2 dĩa Cơm tấm bì chả- thịt nướng-tàu hủ ky-trứng ốp la bự sư, thật "bao la bát ngát" với lỉnh kỉnh những món.

Một dĩa được đặt trước mặt mẹ. Mẹ ngắm nghía dĩa cơm một hồi rồi bảo:
- "Nhiều thế này rồi sao mẹ ăn hết được hả con, sao không kêu cho mẹ dĩa nhỏ hơn?"

Người con đang múc muỗng nước mắm ớt chan lên cơm, ngước mắt lên nhìn mẹ trả lời:
- "Dĩa người ta giá bấy nhiêu, giờ mẹ muốn ít hơn thì người ta bỏ ra bớt nhưng cũng vẫn y nguyên giá đó. Thôi thì ăn được bao nhiêu thì mẹ cứ ăn, không hết thì mình xin cái hộp, bỏ mang về ..."

Mẹ cười:
- "Ờ nhỉ…"

Mẹ ngồi ngược nắng, ánh sáng bên ngoài chiếu xuyên qua cánh cửa kiếng rọi lên làm mái tóc bạc của mẹ trắng phau, người con giật mình nheo mắt.
Ánh sáng chói quá, he hé mở lại mắt ra người con như bỗng thấy thấp thoáng mẹ phía trước trẻ măng trong chiếc áo bà ba vàng tươi lụa nội hoá, tóc đen nhánh cột đuôi gà phía sau.

Cái ánh nắng chói chan trên đường Nguyễn Huệ của Sài gòn lúc 11h trưa làm mồ hôi rươm rướm ra 2 bên màng tai người đàn bà vừa bước qua tuổi 40.

Chen vào cái khoảng trống nhỏ giữa 2 người bán hàng, mẹ cố tung lên để trải miếng ny-lông nhỏ lên trên mặt vỉa hè.

2 người bán hàng hai bên la bải hải, cố tình đẩy dàn ngay những cái thùng giấy chứa hàng ra để ngăn lại & đuổi đi.
- "Cô ơi, chỗ này không được đâu. Đi đi, đi kiếm chỗ khác đi…"

Từ sáng sớm tới giờ bị đuổi biết bao nhiêu bận ở nhiều chỗ rồi, tủi thân - giọt nước tràn ly, mẹ hất phăng miếng ny-lông của mình ngồi bẹp luôn xuống lề đường ôm mặt hu hu nức nở khóc:

- "Mấy người dã man lắm. Mấy người có con, tôi cũng có con. Con tôi chết đói ở nhà, có một chỗ ngồi bán nhỏ thôi mà các người cũng đuổi tôi đi. Ở đâu có được chỗ thì tôi đã đi rồi, ai cũng xua cũng đuổi, tôi đi đâu được bây giờ? Hú hu …"

2 bà bán hàng 2 bên sững người liếc lẹ nhau, thở nhẹ, rồi kéo xịch miếng ny lông lót sàn, xếp gọn bớt đồ của mình lại, nhường cho mẹ một khoáng trống rộng hơn.

Thế là từ ấy mẹ có được một khoảng vỉa hè để buôn bán mưu sinh ...

Sài gòn của năm 1976 vẫn còn hoảng loạn lắm.
Thành phố một năm sau khi đổi tên đổi chủ, chưa có gì là rõ ràng cả. Dân thành phố cố gắng để sống qua ngày, của cải trong nhà được bán dần để ăn. Những gia đình có người làm ngành nghề gì trong guồng máy của chế độ Cộng Hoà cũ là coi như mất việc ngồi nhà.

Bố cũng thuộc trong diện mất việc đó.
Cả một năm trời nuôi đàn con 5 đứa đang trong tuổi lớn, ăn uống như hạm cũng đủ làm bay đi dần của cải dành dụm từ bấy lâu nay.

Bố mẹ đã thử qua bao nhiều nghề để kiếm tiền qua ngày từ làm giấm bán, qua tới làm giá, chẳng có nghề nào thành công!

Một lần có một bác bạn của bố trước đó có một tiệm pharmacy ở đâu đó, còn thuốc. Bác muốn giúp, đưa ra ý kiến:
- "Tôi còn một số thuốc, hay là cô chú mang đi bán cho tôi đi, để kiếm lời nuôi các cháu?"

Bố thì không thể tông ra ngoài buôn bán rồi vì thuộc diện "công chức chế độ cũ" sẽ bị để ý, có thể bị bắt bớ.

Thế là mẹ từ một bà nội trợ ở nhà nuôi con, phải tông ra đường một mình trên chiếc xe đạp mini ngược xuôi kiếm mối để bán mớ thuốc tây kiếm lời.
Thời ấy dọc trên đường Nguyễn Huệ có những kiosk nho nhỏ xinh xinh đã bị đóng từ ngày 30 tháng 04, 75, không biết ai bắt đầu mà tự dưng tự phát họp lại thành một ngôi chợ bán thuốc Tây. Ai tới trước dành chỗ, trải được miếng ny-lông ra thì khoảng vỉa hè đó sẽ thành "đặc khu" của người đó.

Mẹ ra trễ hơn mọi người nhưng cũng may kể từ ngày hôm đó cũng đã được 2 bác 2 bên (sau trở thành bạn) nhường cho một khoảng nhỏ xíu.

Khoảng buôn bán của mẹ nhỏ xíu xiu, chỉ đủ để bầy lèo tèo dăm ba hộp thuốc, so với những người kế bên trông tội lắm. Hàng ngày thằng con được ra phụ mẹ. Chỉ việc đứng đàng sau, mẹ sai gì thì làm đấy. Cần gì thì lấy phụ.

Nói cho oai thế thôi chứ đồ hàng thuốc thang của mẹ chứa hết cũng chỉ đúng trong một cái giỏ đi chợ. Phải cho thật gọn gàng để bữa nào xui lỡ công an xuống ruồng thì còn gom lẹ tất cả mọi thứ bỏ vào giỏ mà chạy thoát thân chứ không thôi là mất hết vốn liếng!

Phía đàng sau khoảng hàng của mẹ là một quầy bán cơm. Những nồi thịt kho, chảo đồ xào trông hấp dẫn lắm, lúc nào lỡ mắt ngó qua là cũng phải nuốt nước miếng ừng ực.

Sài gòn thời ấy đói ăn mà, ở nhà nồi cơm đã phải nấu độn với hạt bo bo phường khóm bán. Quán cơm ấy bán những dĩa cơm gạo trắng phau, những miếng thịt mỡ bóng nhay nháy, những trái trứng kho mượt mà đến độ chỉ muốn mút tới mút lui, không nỡ cắn.

Khoảng buôn bán của mẹ nhỏ bé, bày ít thuốc nên dĩ nhiên là cũng ít khách mua. Người ta chỉ bu vào kiếm trong những xập hàng lớn hơn, nhiều thuốc hơn. Nhiều khi ngồi cả buổi cũng chẳng ai buồn dừng chân tới đảo mắt qua dùm chứ nói chi tới mua.

Buổi trưa là giờ mà thằng con mong chờ nhất, vì được mẹ cho mua một dĩa cơm.

Ôi dĩa cơm của thời ấy sao mà nó ngon đến thế?
Miếng thịt be bé thôi mà sao nó béo đến thế? Thơm đến thế?
Ngay cà miếng dưa leo, miếng cà rốt ngâm ngó cũng đẹp thật đẹp mắt luôn.

Đang tuổi lớn, ăn xong cả dĩa mà chả lúc nào no cả, lúc nào cũng còn thòm thèm. Ấy thế mà lúc nào mẹ hỏi: "Ngon không con, no không con?" là thằng con lúc nào cũng: "Ngon quá mẹ ạ. Con no quá!"

Mà chẳng bao giờ thằng con thấy mẹ kêu cơm ăn cả, lúc nào cũng thấy mẹ mua khoai mì mà ăn. Trong khi khoai mì phường khóm bán cho nhà nhà ăn độn với cơm. Khoai mì là món rẻ nhất thành phố thời ấy...

Thoáng thế mà đã 46 năm rồi đấy. 46 năm vật đổi sao dời...
Mẹ giờ không còn phải ăn khoai mì để nhường dĩa cơm lại cho bầy con nữa rồi, nhưng tóc mẹ lại đã bạc phơ, lưng mẹ bắt đầu còng còng ...

Đĩa cơm thật to trước mặt trông thật hấp dẫn, bảo đảm ăn no ứ hự mà vẫn còn dư. Nếu mang ngược trở lại thời bán thuốc tây dạo thuở nào, dĩa cơm này có thể đủ no cho 4 người ăn.

2 dĩa cơm của 2 mẹ con lúc này mà mang ngược trở lại sẽ cho cả gia đình được một bữa ăn linh đình vì thuở ấy bữa cơm gia đình nhiều khi có được 3 trái trứng hột vịt thôi mà gói ghém đủ cho tới những 7 miệng ăn.

Bỗng dưng muỗng nước mắm trên tay thấy nhạt hẳn màu đi, nặng trình trịch, nhỏ tong tong trên phần cơm như những giọt nước mắt nhọc nhằn của những ngày xưa cũ ấy đang lã chã rơi ...

Don Hồ
Thứ bảy 30/04/2022

No comments:

Post a Comment