Wednesday, May 4, 2022

Bến phà kỷ niệm

Thanh Minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh (*)

Mỗi năm một lần, vào dịp lễ Thanh Minh, má tôi thường thu xếp dắt các con về quê ngoại, trước là để thăm bà con họ hàng, sau là để viếng thăm mồ mả ông bà và những người thân đã khuất núi.

Đường về miền Tây xa lơ xa lắc, phải qua mấy cái Bắc mới đến được quê nhà. Đường đi Bạc-Liêu phải qua Bắc Mỹ-Thuận và Bắc Cần-Thơ, muốn về Rạch Giá phải xuôi theo Bắc Mỹ-Thuận và Bắc Vàm-Cống. Hai bên đường là những cánh đồng xanh bát-ngát. Tháng ba lúa mới kịp trổ đòng-đòng. Những cơn gió mát rượi mang theo hương lúa đồng quê len qua mấy khung cửa xe đò đã làm dịu hẳn cái oi ả của những ngày mùa hạ sắp về.

Xe đến Bắc Mỹ-Thuận, phải nối đuôi những chiếc xe đi trước và sắp thành một hàng dài vô tận. Vì chỉ có hai chiếc phà, một chuyến đi và một chuyến về nên hành khách hai bên bờ phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi. Có nhiều vị gấp gáp một chút, họ chọn chiếc xe đầu tiên sắp được xuống phà để mau đi qua Bắc. Trường hợp này được gọi là “sang xe” hay “nhảy xe” và đương nhiên họ phải trả tiền lần nữa cho quãng đường còn lại. Ai nấy cũng tranh thủ thời gian “kẹt Bắc” để xuống xe cho giãn gân giãn cốt, đi vệ sinh hay kiếm cái gì đó lót lòng trên chặng đường còn xa thăm thẳm. Tôi mê mẩn thu vào mắt cái khung cảnh lạ lẫm nơi này. Đây là những khóm lục bình với những chùm bông tim tím lặng lờ trôi giữa dòng nước ngầu đục phù sa. Kia là những đợt sóng lăn-tăn như trải dài để trời nước được giao nhau. Chân trời dù xa xôi tăm tắp nhưng cũng có lúc được hòa với dòng nước một màu xanh ngọc bích. Thích hơn nữa là nhìn cảnh sinh hoạt mua bán nhộn nhịp nơi này, kẻ gánh người bưng, tiếng rao hàng inh ỏi, vui tai .. mía ghim ướp lạnh, cóc ổi ngâm nước đường, mấy túi trái ấu đen thui có hình thù lạ lẫm như cái mão ông quan trong mấy tuồng cải lương chiếu trên ti-vi. Trên mỗi chuyến phà, tôi đều gặp những người hát dạo thường đi cùng một em bé dẫn đường. Mấy anh, mấy chị thường bị mù hay bị mất một cánh tay hoặc bên chân đã bị đứt lìa một đoạn. Có thể, họ là những nạn nhân của chiến tranh hay những thương phế binh đã bỏ lại đâu đó trên quê hương đau khổ này một phần thân thể. Giọng ca buồn não nuột trên phà làm cho hành khách ai nấy cũng bùi ngùi cho một kiếp nhân sinh.
Khi phà cập vào bến, bà con reo vui hớn hở vì con đường trước mắt sẽ được thu ngắn thêm chút nữa. Qua Bắc Mỹ-Thuận dẫn đến hai ngả rẽ, một hướng Cần-Thơ, xuôi về Bạc-Liêu, Cà-Mau, hướng kia đi Rạch-Giá, nối liền Long-Xuyên, Châu-Đốc với Hà-Tiên.

Xe đến Bắc Cần-Thơ, cảnh chờ đợi mỏi mòn cũng như bán buôn tấp nập trên phà dưới bến được lập lại y như vậy một lần nữa. Quê hương tôi nơi đâu cũng trời nước một màu xanh. Cuộc sống trên bến dưới thuyền của người dân tôi bao đời vẫn cơ cực.

Ngày nay, cuộc sống đã thay đổi khá nhiều, những phương tiện giao thông cũng dần được cải tiến. Những bến phà được thay thế bằng những chiếc cầu xây dựng mới mẻ. Thời gian di chuyển từ Sài Gòn về miền Tây hay ngược lại được rút ngắn lại rất nhiều. Quang cảnh hớn hở, nhộn nhịp, kẻ mua người bán, trên bến dưới thuyền đã lui dần vào dĩ vãng, để lại dòng sông buồn trôi lững lờ giữa trời nước bao la !
Ở những xứ sở văn minh, bên cạnh những chiếc cầu được xây dựng kiên cố, hiện đại, người ta vẫn giữ lại những bến phà cũ kỹ và hoạt động thường nhật mỗi ngày đôi ba bận. Nơi xứ mình thì khác, cái cũ đều bị xóa sạch để nhường chỗ những cái mới mẻ hơn, nhưng tiếc là họ đã bỏ quên những nét thẩm mỹ cần thiết trong cuộc sống.

Thế hệ các em, các cháu sau này chỉ còn có thể nghe lại những câu chuyện di chuyển trên phà, qua Bắc qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Năm tháng đã đi qua, những chiếc phà đưa khách sang sông dần chìm trôi vào dĩ vãng, và đã trở thành huyền thoại. Quê hương giờ đã xa mờ, nhưng tôi vẫn nhớ hoài những lần được về quê cùng cha mẹ, được xuống phà qua Bắc, lòng trẻ dại nôn nao vui sướng và những kỷ niệm ngày thơ như vẫn còn đâu đây trong cõi nhớ nhạt nhòa.

08.02.2019
(*) truyện Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du

Vưu Văn Tâm

No comments:

Post a Comment