Friday, April 1, 2022

Ông Putin 'to gan' cỡ nào?

Ngọc Minh - Đông Bắc

Những ngày qua, cú phản đòn của Tổng thống Putin đã khiến các nước phương Tây bối rối, khi tuyên bố những quốc gia "không thân thiện" với Nga phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp. Động thái này không những ảnh hưởng đến các nước châu Âu mà còn “đấm” thẳng vào hệ thống petrodollar vốn tạo nên thế độc tôn của đồng USD.

Vậy petrodollar là gì và vì sao Putin lại “to gan” đến vậy?
Ngày 28/3 vừa qua, trong cuộc họp mặt các bộ trưởng G-7, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã coi việc phải thanh toán bằng đồng rúp đối với các hợp đồng khí đốt tự nhiên là "sự vi phạm hợp đồng đơn phương". Ông tuyên bố việc này là “không thể chấp nhận được và chúng tôi kêu gọi các công ty liên quan không tuân theo đòi hỏi của Vladimir Putin”.

Đáp lại, Điện Kremlin nhanh chóng bác bỏ bình luận của Bộ trưởng Kinh tế Đức và lập trường của G-7 về đồng rúp, và theo hãng thông tấn TASS, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin cho biết: “Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí, đó là điều chắc chắn”. Điều này có nghĩa là nếu G7 từ chối thanh toán bằng đồng rúp, Nga sẽ tạm dừng cung cấp nguồn khí đốt cho châu Âu.

Thậm chí, Tổng thống Putin còn được cho là ra “tối hậu thư” cho "các quốc gia không thân thiện" phải chuyển sang thanh toán khí đốt bằng đồng rúp Nga trước ngày 31/3
Việc Nga tiếp tục phản ứng cứng rắn cho thấy nước này hoàn toàn nghiêm túc với việc loại trừ đồng đô la ra khỏi các hợp đồng mua bán dầu. Phải chăng điều này đồng nghĩa với việc khai tử từ từ hệ thống Petrodollar?

Petrodollar là gì?
Ngày nay, thế giới tiêu thụ hơn 100 triệu thùng dầu mỗi ngày, và vì thế ai làm chủ được nguồn cung dầu mỏ là làm chủ được nền kinh tế toàn cầu…

Giá trị của đồng đô la Mỹ nằm ở sự bảo chứng và hiển nhiên nó trở thành đồng tiền quyền lực bởi nó gắn với giá trị bảo chứng.

Từ năm 1944 đến 1971, đồng Đô la Mỹ được đo bằng bản vị vàng. Sau sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods vào năm 1971, Mỹ đã ký một thỏa thuận với Arập Xêút vào tháng 6/1974, theo đó Mỹ cung cấp viện trợ kỹ thuật và quân sự cho quốc gia này để đổi lấy việc Arập Xêút chỉ chấp nhận USD làm đồng tiền trong mua bán dầu thô.

Sau Arập Xêút, lần lượt các nước Ả Rập tại Trung Đông đã sử dụng đô la để thanh toán các hợp đồng dầu khí. Năm 1975, toàn bộ OPEC cũng đều thực hiện điều khoản trên để đổi lấy cam kết viện trợ quân sự của Mỹ.

Nói một cách đơn giản, trước kia bạn sẽ dùng đô la Mỹ để đổi lại vàng, thì giờ hầu như chỉ được dùng đô la Mỹ để mua dầu mỏ.

Như vậy tài nguyên Dầu mỏ - một thị trường nguyên liệu lớn nhất, quan trọng bậc nhất thế giới đã được thanh toán hoàn toàn bằng đôla Mỹ. Điều này có nghĩa là nếu bạn muốn mua một thùng dầu, bạn phải đổi tiền của quốc gia bạn sang đồng đôla Mỹ và dùng nó để trả cho nhà cung cấp dầu. Từ đó, nó còn được biết đến với cái tên “petrodollar” nghĩa đôla dầu mỏ.

Chính hệ thống “petrodollar” đã nâng đồng USD lên vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới và là một trong số nhiều yếu tố đã giúp Mỹ trở thành cường quốc kinh tế số 1. Hệ thống “petrodollar” cũng mang lại cho các thị trường tài chính Mỹ nguồn cung cấp thanh khoản và dòng vốn nước ngoài thông qua “xoay vòng petrodollar”.

Với hệ thống petrodollar này, hẳn bạn sẽ nghĩ chính phủ Mỹ có thể thoải mái in tiền để chi tiêu và quyết định cuộc chơi của toàn thế giới?

Thách thức petrodollar - nước cờ nguy hiểm của Nga?
Thực tế, quyền in tiền không thuộc về chính phủ Mỹ mà thuộc về Ngân hàng Trung ương Tư nhân và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Tổ chức này trớ trêu thay, lại là một tổ chức tư nhân được sở hữu bởi nhiều tổ chức, cá nhân và không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Mỹ.

Để quản lý kế hoạch in tiền tệ rộng lớn và toàn cầu, năm 1973 Mỹ và Tây Âu đã thành lập “Hiệp hội Toàn cầu Hệ thống Thông tin Tài chính liên ngân hàng” (SWIFT) - hệ thống nhắn tin kết nối mọi ngân hàng trên thế giới và chuyển hàng tỷ USD mỗi ngày.

Bản thân chính phủ Mỹ phải vay tiền của FED dưới dạng trái phiếu chính phủ. Chỉ cần có một lượng tài sản đảm bảo nhất định thì FED sẽ có quyền in tiền và cho cả chính phủ và dân Mỹ vay, mà tài sản đảm bảo là gì? Lại chính là trái phiếu chính phủ
Chỉ cần có một lượng tài sản đảm bảo nhất định thì FED sẽ có quyền in tiền và cho cả chính phủ và dân Mỹ vay (Ảnh: Mark Wilson / Getty Images)

Với việc tổng thống Putin yêu cầu những quốc gia "không thân thiện" với Nga phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp, có khả năng sẽ tạo ra thế đối đầu trực tiếp giữa Nga với tổ chức tài phiệt hùng mạnh bậc nhất: FED.

Một số nhà quan sát nhận định, đây là một nước cờ thách thức liều lĩnh đầy hiểm nguy cho nước Nga, bởi lịch sử đã chứng kiến những bí ẩn mỗi khi quốc gia nào đó dám thách thức vị thế của đồng USD, đều phải nhận kết cục không mấy tốt đẹp.

Cái giá phải trả khi hủy bỏ petrodollar
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến Chiến tranh Vùng Vịnh hay các cuộc nổi dậy của Mùa xuân Ả Rập, nhưng một trong số đó là cái giá phải trả khi ai đó muốn bãi bỏ hệ thống petrodollar.

Năm 2000, Tổng thống Iraq là Saddam Hussein khi ấy tuyên bố sẽ bãi bỏ hệ thống “petrodollar” và thay vào đó sẽ dùng đồng euro để lượng giá dầu bán ra thị trường toàn cầu. Tháng 2/2003, tờ Guardian ghi nhận, Iraq đã “thu được lợi nhuận” sau khi thực hiện thay đổi chính sách này.

Không lâu sau, lấy cớ Iraq phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, và có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda, Mỹ đã tiến hành chiến tranh xâm lược Iraq và lật đổ chế độ Saddam Hussein. Điều đó cũng đồng nghĩa Iraq phải giã từ hệ thống “petro-euro” để trở lại hệ thống “petrodollar” như cũ.

Tại Libya, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đã bị trừng phạt thê thảm vì một đề xuất tương tự. Sinh thời, ông Gaddafi từng có kế hoạch tạo ra một đồng tiền thống nhất của châu lục Đen, được vàng hỗ trợ, dùng để mua bán dầu mỏ khai thác từ khu vực châu Phi.

Giờ đây, Châu Âu nhập khoảng 40% lượng khí đốt từ Nga, và mỗi ngày có khoảng từ 200 triệu đến 800 triệu euro mà khối này trả cho nhà cung cấp dầu khí Nga.

Câu hỏi đặt ra là: Vậy nếu mỗi ngày số tiền ấy phải quy đổi sang đồng rúp thì liệu có phải đang đe dọa quyền lực của petrodollar hay không? Và liệu FED có dễ dàng để Nga qua mặt không? Và điều gì khiến ông Putin có thể “lớn mật” thiết lập lại luật chơi trên thị trường tiền tệ đến như vậy?

Quyết định mang tính “lịch sử”
Lầm lũi và chắc chắn, gấu Nga dường như đã tính trước những nước cờ phải đi trước khi ông Putin đưa ra tuyên bố này. Đơn giản, Putin đang có trong tay những con át chủ bài, gồm:

Quân đội hùng hậu, vũ khí tối tân
Một điều có thể khẳng định là quân sự của Nga thay đổi rất nhiều so với trước năm 1991 - thời điểm ông Putin lên nắm chính quyền. Dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, quân đội Liên Xô (cũ) rút ra khỏi lãnh thổ các nước Đông Âu, quân số giảm xuống một nửa, trang thiết bị quân sự nghèo nàn, lạc hậu, binh lính trong tình trạng rệu rã, thiếu sức chiến đấu và tham nhũng tràn lan trong giới chức cấp cao quân đội.

Dưới thời Tổng thống Putin, từ một lực lượng lạc hậu, yếu kém, quân đội Nga trỗi dậy và vươn ra toàn cầu nhờ chương trình cải cách quy mô lớn.

Đầu tháng 3 năm nay, trong thông điệp gửi Hội đồng Liên bang Nga, Tổng thống Putin đã công bố về các loại vũ khí mới được phát triển ở Nga, bao gồm cả những loại có thể vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Trong đó đáng chú ý nhất là tên lửa siêu thanh liên lục địa, được gắn đầu đạn Avangard, có khả năng đạt tới tốc độ gấp 20 lần tốc độ âm thanh, và có khả năng vượt qua được mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có trên thế giới.

Ngày 19/3 vừa qua, Nga đã sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal để phá hủy một kho vũ khí ở gần thành phố Ivano-Frankivsk ở miền Tây Ukraine. Tên lửa siêu thanh Kinzhal được cho là có thể xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng không nào, nhờ di chuyển với tốc độ cực đại lên tới Mach 10 và liên tục cơ động trong suốt hành trình bay.

Liệu lần “trình diễn” Kinzhal này có phải là thông điệp mà Putin muốn gửi tới chính quyền Joe Biden, khi chính Bộ quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận, Mỹ chưa có hệ thống phòng thủ đủ hiệu quả để ngăn chặn vũ khí siêu thanh hiện đại này của Nga.

Thậm chí ngày 22/3, ông Putin còn tuyên bố có thể sử dụng vũ khí nguyên tử nếu nước Nga “bị dồn đến đường cùng”. Rõ ràng việc Nga sở hữu 6.257 vũ khí hạt nhân chiến lược, nhiều hơn cả NATO gồm Mỹ, Anh, Pháp cộng lại là 6.115, thì hẳn nhiên tuyên bố này của Putin không phải là chuyện đùa.
Thống kê các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân 2022, nguồn: marifilmines.com (Ảnh chụp màn hình)

Vũ khí Dầu mỏ
Cho đến nay chưa có quốc gia nào thay thế được vị trí của Nga trong hệ thống cung ứng khí đốt cho phương Tây, đặc biệt là EU. Năm 2021, Nga xuất sang EU khoảng 155 tỉ m3 khí đốt, và bất chấp các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này, Đức, Hungary, Bulgary, Thổ Nhĩ Kỳ - vốn trong khối NATO - đã từ chối thi hành các lệnh trừng phạt ngành năng lượng của Nga.

Bởi đơn giản, các chuyên gia cho rằng châu Âu sẽ khó tìm được nguồn năng lượng thay thế Nga trong ngắn hạn.

Ngay cả Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), một thành viên chủ chốt của OPEC+, cũng nhấn mạnh không nước nào có thể thay thế nguồn cung dầu từ Nga, nước hiện sản xuất khoảng 10 triệu thùng/ngày và là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới: "Gạt chính trị sang một bên, chúng ta cần lượng dầu đó (từ Nga)... trừ khi có ai sẵn sàng cung cấp một lượng dầu như vậy, nhưng chúng tôi không thấy ai có thể thay thế Nga".

Thêm nữa, những nước có khả năng cạnh tranh với Nga trong lĩnh vực dầu khí thì lại “cùng trục” với Nga như Iran, Venezuela. Trong khi ấy, Trung Quốc và Ấn Độ (hai nước đông dân nhất thế giới) lại có thỏa thuận mua dầu của Nga với các thỏa thuận kéo dài tới 20, 30 năm thì các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây cũng không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu khí đốt của nước này.

Rõ ràng, dầu khí đã trở thành vũ khí lợi hại mà Putin có thể sử dụng để khiến phương Tây có thể phải theo luật chơi của nước Nga.

Đẩy mạnh đối tác với ĐCSTQ
20 ngày trước khi Nga bắn tên lửa khởi đầu cuộc xâm lược Ukraine, ngày 4/2/2022, Tổng thống Vladimir Putin được Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp long trọng tại Bắc Kinh. Kết quả của cuộc gặp này là bản thỏa thuận dầu khí trị giá 117,5 tỷ USD mà Nga bán cho Trung Quốc.

Điểm mấu chốt trong Tuyên bố chung Trung-Nga là hợp đồng mua bán dầu khí được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ và đồng rúp. Điều này rõ ràng là để đối phó với lệnh trục xuất các ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), và giúp Nga “né” được các đòn trừng phạt của phương Tây.
Kết quả của cuộc gặp này là bản thỏa thuận dầu mỏ - khí đốt trị giá 117,5 tỷ USD mà Nga bán cho Trung Quốc. (Nguồn ảnh của Reuters qua Getty Images)

Đương nhiên, cả Nga và Trung Quốc đã có phương án "dự trù" có thể cung cấp một giải pháp thay thế cho SWIFT: Đó chính là Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc, với khoảng 80 tổ chức tài chính thành viên vào cuối năm 2021.

Trên thực tế, điều gì có thể tốt hơn cho Trung Quốc khi nền kinh tế Nga bị phương Tây cô lập hoàn toàn? Tất cả khí tự nhiên thay vì chảy về phía Tây (châu Âu) sẽ chảy về phía Đông - nơi Trung Quốc đang khát năng lượng. Nhiều khoáng sản ở Siberia của Nga cần vốn và kỹ thuật của phương Tây giờ sẽ chỉ dành cho Trung Quốc.

Lợi dụng nước Mỹ suy yếu
Những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden đã thu hồi giấy phép đối với đường ống Keystone XL. Quyết định này không chỉ phá hủy ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch của đất nước, đưa Mỹ từ nhà xuất khẩu lớn nhất trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất, mà còn giết chết hàng chục nghìn công ăn việc làm vào thời điểm mà nước Mỹ cần vực dậy sau khi nền kinh tế bị phá hủy bởi đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, chính quyền Joe Biden lại "tặng" cho nước Nga một món quà “vô giá”, với việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với dự án “huyết mạch” Nord Stream 2 của nước này, trao cho Putin một cơ hội “vàng ròng”.
Trạm tiếp nhận của đường ống dẫn khí Nord Stream 2, gần Lubmin, Đức, ngày 02/02/2022. (Ảnh: Sean Gallup / Getty Images)

Quyết định này đã đẩy các đồng minh châu Âu và các đối tác của Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn năng lượng của Nga, và giúp nền kinh tế Nga - vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu - bỗng dưng trở nên sung túc nhờ giá dầu tăng.

Hiện tại, nước Mỹ đang chứng kiến lạm phát tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 40 năm, đạt mức 7% so với năm 2020, khiến giá cả mọi mặt hàng tiêu dùng ở Mỹ đều đang tăng với tốc độ phi mã.

Thêm nữa, chính quyền Joe Biden ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga vào Mỹ càng đẩy giá khí đốt thế giới tăng cao. Nguy hiểm là, châu Âu đang trong mùa đông lạnh giá, nước Mỹ đang phải vật lộn với lạm phát, tất cả khiến mọi lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh dường như vào thời điểm này không còn hiệu nghiệm với Nga nữa.

Ngày 25/7/2021, vòng tham vấn chiến lược an ninh Nga - Trung lần thứ 16 diễn ra tại Moscow. Tại đây, Tổng thống Putin nói Nga cam kết thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc ở cấp độ cao, và cho rằng quan hệ hai nước đang ở thời kỳ "tốt nhất trong lịch sử".
Trung Quốc đang theo dõi sát sao diễn biến tại Ukraine, cũng như lưu ý bất kỳ dấu hiệu yếu kém nào của Mỹ và các đồng minh trước các hoạt động quân sự của Nga. (Ảnh tổng hợp)

Cả Trung Quốc và Nga khi ấy có vẻ đã trở thành liên minh chống Mỹ, khi cùng uyên bố: “Mỹ đã ngã khỏi chiếc ghế bá quyền trong bàn cờ địa chính trị”.

Đây chính là cơ hội “ngàn năm có một” của Bắc Kinh và Moscow bắt tay xây dựng tìm ra trật tự toàn cầu mới - ở những khu vực mà Mỹ bỏ ngỏ, hoặc không đủ khả năng giải quyết, ví như xung đột Palestine, Israel, rút quân khỏi Afghanistan dẫn đến bạo lực gia tăng.

Một trật tự thế giới mới, với Nga và Trung Quốc là trung tâm, dường như đã bắt đầu hình thành…

Ngọc Minh - Đông Bắc
Source: ntdvn.net

Tham khảo:


No comments:

Post a Comment