Sunday, April 24, 2022

Đây đó dấu chân Việt

Nguyễn Trần Diệu Hương
Minh họa: leonard-von-bibra-unsplash

Chia tay nhau ở cổng trường sau khi xong trung học, hơn hai mươi cô cậu học trò tuổi mười bảy, mười tám lớp 12 chuyên toán, mỗi đứa đi mỗi đường, “đời cua cua máy, đời cáy cáy mò”, chúng tôi bặt tin nhau trong nhiều năm dài. Mùa hè năm 1996, lần đầu chúng tôi gặp lại nhau từ khi xong trung học không phải là ở cổng trường xưa mà là ở Phi trường LAX, Nam California. Xin ghi lại những thăng trầm theo những bước chân Việt Nam in dấu khắp địa cầu.

Chưa xong năm đầu Y khoa ở Huế, Huyên vượt biển qua Galang, Indonesia. Ở đó chỉ hai tháng, nhờ vốn liếng tiếng Pháp từ trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn, Huyên đến Pháp và làm lại từ đầu bằng nghề “serveuse”, bưng bê thức ăn cho một tiệm ăn sang trọng bên cạnh sông Seine. Sáng đi học, trưa đeo “tạp dề”, lấy order, dọn thức ăn cho dân Tây, và du khách ngoại quốc đến thăm Paris; chiều làm bài trong lab (thời thập niên 1980, computer cá nhân dù còn thô kệch và chậm như rùa, nhưng rất đắt giá, ngoài tầm tay sinh viên, nhất là sinh viên tỵ nạn); tối theo học những lớp đại học ban đêm…

Hai năm cuối ở trường Nha, phải học và đi thực tập tốn nhiều thời gian hơn, Huyên đổi việc khác, chẳng liên quan gì đến quá khứ lẫn tương lai: Chăm sóc người già. Cô gái Việt Nam lưu lạc xứ người ở mùa Xuân của cuộc đời tập làm quen với việc chăm sóc cho một bà cụ người Pháp ở mùa Đông của đời người nhưng không muốn vào sống ở nơi dành cho người lớn tuổi. Vậy mà tuổi tác và màu da không tạo ra khoảng cách nào hết.

Với tiếng Pháp lưu loát, đúng giọng gần như người bản xứ, và quan niệm “kính lão đắc thọ” học được từ trước năm 1975 của Huyên nên cô được bà cụ thương vô cùng. Ngoài tiền công trả hàng tháng, bà còn cho Huyên những món quà đắt giá, những thứ xa xỉ phẩm nằm ngoài khả năng tài chánh của một cô sinh viên tỵ nạn. Nhiều lần Huyên đưa bà đi mua sắm ở các cửa hàng sang trọng đắt tiền, lúc về, bà cho Huyên khi thì chai nước hoa Christian Dior, lúc thì cái áo khoác Dom Perignon. Biết giá trị các món quà, biết mình không có khả năng đáp trả, Huyên không dám nhận. Nhưng bà cụ – giàu cả tiền lẫn từ tâm – cứ ép Huyên phải nhận, còn bảo Huyên: Con gái đương thì rất cần mấy thứ này, cháu cứ lấy về dùng. Khi nào cháu ra trường trả lại cho bà cũng được.

Sáu năm ròng rã như vậy. Là một học sinh giỏi một thời đi học ở Việt Nam, qua Pháp, Huyên thành một nha sĩ với tấm bằng ra trường loại giỏi. Huyên ra trường đi làm, không còn chăm sóc cho bà cụ người Pháp nhân hậu nữa, đã định ra trong đầu một chương trình trả nợ ân tình cho cụ. Chưa kịp lãnh tháng lương nha sĩ đầu tiên, bà cụ đã ra đi trong giấc ngủ ngàn đời. Từ đó mỗi năm đến ngày giỗ bà cụ, dù không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo, Huyên vẫn không quên gửi tiền đến nhà thờ ngày xưa bà cụ vẫn đi lễ mỗi tuần để xin lễ cho bà và để trả lại món nợ ân tình thời chân ướt chân ráo ở quê người.

***
Ở Canada, Chung vất vả không kém, một thân một mình, làm đủ việc, từ nghề bellman chuyên đẩy hành lý cho khách ở các khách sạn sang trọng vùng Ontario, nghề cào tuyết trên driveway mùa Đông, đến nghề giao báo ròng rã ba năm trời để học xong y khoa. Khó khăn lớn nhất với Chung không phải là ngoại ngữ (thời đi học Chung đứng nhất lớp nhiều môn, kể cả Anh và Pháp văn) mà là cái lạnh thấu xương của Canada. Mặc bao nhiêu lớp áo quần cũng bị cái lạnh dưới độ đông đá của mùa Đông Bắc Mỹ len lỏi vào tận xương tủy (cold to the bone), nhất là khi Chung phải đi bỏ báo từ 4 giờ sáng mùa Đông.

Vượt biển muộn hơn Huyên, Chung học hết năm thứ tư y khoa ở Sài Gòn, nên có “vốn lận lưng” nhiều hơn Huyên. Ở Canada, chi phí học đại học rẻ hơn Pháp và Mỹ nên Chung kiên quyết đi theo ước mơ từ nhỏ, mặc dù biết mình sẽ mất tám năm dài một mình “tả xung hữu đột” với cả nợ áo cơm lẫn nợ đèn sách. Hai năm đầu chân ướt chân ráo, Chung phải học mọi thứ ở quê người. May là chương trình học còn dễ nên thời gian đi làm nhiều hơn đi học. Càng lên cao, học càng khó, phải đi thực tập, thời gian đi làm ít dần. Sang đến năm thứ sáu, Chung không tìm ra thời gian để sinh nhai, học bổng không đủ sống, không có thân nhân bên cạnh để giúp đỡ, Chung đành sống bằng student loan, nợ chính phủ cho sinh viên mượn.

Là đàn ông con trai, nhắc lại “thuở ban đầu khốn khó” đó, Chung chỉ diễn tả ngắn gọn “Cực và lạnh hết biết!”. Chỉ đơn giản như thế nhưng phải là người trong cuộc hoặc có hoàn cảnh tương tự mới hiểu hết nỗi niềm của hai chữ “hết biết”. Đúng tám năm sau ngày đến Canada, Chung ra trường, hoàn thành gần hết ước mơ từ thời nhỏ dại, chỉ thiếu phần “vinh quy bái tổ” vì không còn quê hương tự do dân chủ để về.

Những năm gần đây, mỗi năm, Chung vẫn về Việt Nam vài tuần, về vùng quê nghèo khám bệnh và phát thuốc cho các em nhỏ, người già. Hơn ai hết, Chung biết điều đó không thể có tác dụng hoàn hảo như kiểu khám sức khỏe định kỳ và follow up như ở Canada nhưng theo cách nói bình dị của Chung thì chẳng thà “có còn hơn không”.

***
Tận “miệt dưới”, Nam bán cầu, chính sách lương bổng của Úc không có khoảng cách giữa người khoa bảng và người không có bằng cấp nên Tuân đỡ vất vả hơn bạn bè lưu lạc ở các nước khác. Dù cũng đến xứ người tay trắng như chúng tôi, Tuân không có “thời hàn vi” mà đã “nhà cao cửa rộng” từ năm thứ ba, nhờ công việc coi kho hàng cho một công ty vận tải. Tuân đùa: Người miệt dưới chúng tôi sống an phận hơn không bon chen như các ông bà ở “cõi trên”.

Dù biết có bằng đại học ở Úc cũng không kiếm được nhiều tiền hơn làm công việc lao động phổ thông, Tuân cũng có bằng master về nông nghiệp với ước mơ một ngày nào đó rất gần, được về hướng dẫn nông dân miền Tây canh tác khoa học hơn, có hiệu quả hơn.

***
Cuối cùng xin được nói một chút về tôi vì “đời mong manh lắm, kể chi chuyện mình”. Cũng như các bạn, tôi là một thuyền nhân, đến Mỹ với một cái xách tay của Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) phát. Không may mắn như các bạn, thuộc “thành phần thứ 14” vào thập niên 1980 ở Việt Nam, tôi bị “cấm cửa đại học” nên chỉ có kiến thức lớp 12 của “xã hội chủ nghĩa”. Mọi thứ ở quê người bắt đầu từ số không. Để nuôi thân, tôi phải đi làm nhiều nghề, từ bán xăng, bán hàng cho các cửa tiệm từ Ross, Sears, đến Macy’s trong lúc đi học. Thời gian đó, cuối tuần nào tôi cũng “chạy show” từ cửa hàng này qua cửa hàng khác, không phải để đi mua sắm mà để đi làm. Đời sống lúc đó thu gọn trong một hình tam giác mà ba đỉnh là nhà, trường, và nơi làm việc. Không có giờ giải trí và không có giờ để nhớ nhà và… buồn.

Có một lần vội vã chạy ra từ một lớp học đến nơi làm việc, tôi không ngừng full stop ở một chỗ quẹo phải khi có đèn đỏ, bị cảnh sát chặn. Nhìn trong xe thấy sách vở ngổn ngang bên cạnh một thùng mì gói và vài hộp mì ly, thấy mặt mày tôi thiểu não vì nghĩ đến số tiền nộp phạt và hệ quả của nó, và có lẽ cũng chạnh lòng nghĩ đến “thời hàn vi” của chính mình, ông cảnh sát chỉ “lên lớp” vài câu về luật giao thông mà không ghi giấy phạt. Tôi rất vui và thấy câu “cảnh sát là bạn dân” đúng vô cùng. Còn nhớ ông cảnh sát đã bật cười khi tôi buộc miệng “You make my day, my week and even my month”.

Ngày ra trường, một ngày trọng đại của đời sinh viên, tôi vẫn phải tất tả chạy đến một department store để làm việc, không có giờ để tự thưởng cho mình một chuyến vacation ngắn hạn như hầu hết bạn học bản xứ. Lòng cũng chùng xuống khi ra bãi đậu xe, thấy có vài chiếc xe mới được trang trí bằng bong bóng đủ màu, và một cái nơ đỏ rất lớn là quà mừng cho một số tân khoa cùng ra trường với mình. Nỗi buồn chỉ thoáng qua khi nghĩ đến các bạn cùng hoàn cảnh vẫn còn sống cam chịu ở quê nhà.

May mắn hơn các bạn cùng lớp thời trung học, tôi ở gần San Jose, California, nơi có cộng đồng Việt Nam tỵ nạn đông nhất nhì thế giới nên sách báo tiếng mẹ đẻ và thông tin về cộng đồng, về quê nhà rất nhiều. Một trong những mục tôi đặc biệt quý là mục giới thiệu sách mới, củng cố niềm tin “tiếng Việt còn người Việt còn” cho cộng đồng Việt Nam lưu vong. Ở quê người, ở thời đại mà người ta đọc mọi thứ trên internet, cầm và đọc một quyển sách hay, nhất là những tác phẩm có gửi cả tấm lòng của tác giả với quê nhà, với riêng tôi, vẫn là một hạnh phúc tinh thần quý hiếm. Ở khắp năm châu bốn biển, mỗi lần về California, các bạn của tôi vẫn khuân về Pháp, Úc, Canada, Thụy sĩ… cả một túi sách tiếng Việt.

Sau lần tái ngộ lần đầu ở quê người giữa thập niên 1990, lúc đã học hành xong xuôi, có điều kiện đi thăm nhau, vài ba năm chúng tôi gặp lại nhau một lần, khi thì ở Pháp, ở Úc, ở Mỹ, khi thì Canada. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể gặp lại nhau ở quê nhà vì tôn trọng “lời nguyền” của Tâm “chỉ về nước khi nào đất nước có tự do dân chủ”. Dù vậy bằng cách này hay cách khác, bạn tôi vẫn làm tròn bổn phận với quê hương chôn nhau cắt rốn của mình.

Trong thùng thuốc của Chung mỗi lần về khám bệnh ở quê nhà, luôn có phần đóng góp của Tâm từ California. Mỗi lần quê nhà gánh chịu thiên tai, vẫn có check của Tâm gửi đến Hội Hồng Thập Tự ở Mỹ với memo cụ thể “for Vietnamese natural disaster victims”. Mỗi lần có dịp hội ngộ, chúng tôi thấy mình hồn nhiên, vô tư như năm xưa. Vì nhìn vào mắt nhau, chúng tôi thấy lại cả một quê nhà với tuổi thơ hạnh phúc trước năm 1975. Đâu đó trên khắp thế giới, có những con chim thiên di luôn hướng lòng về nơi mở mắt chào đời.

Santa Clara, California, Tháng Tư Đen 2022

No comments:

Post a Comment