Wednesday, February 16, 2022

Một Hoàng Tử Không Ngai -


Truyền thông Pháp loan tin về người con ngoại hôn của Cựu Hoàng Bảo Đại.

Nam Phương Hoàng Hậu
Cựu Hoàng Bảo Đại chánh thức có 5 người con: 2 trai là Thái tử Bảo Long và Hoàng tử Bảo Thắng, 3 gái là Công chúa Phương Mai, Phương Liên và Phương Dung. Nói chánh thức vì với bà Nam Phương có lễ cưới đúng theo truyền thống Hoàng tộc. Mặt khác, Bà Nam Phương, trước lễ cưới, có đặt điều kiện Bà phải được phong Hoàng Hậu ngay sau lễ cưới, Bà giữ đạo Công giáo và các Hoàng tử, Công chúa theo phép rửa tội, Hoàng đế Bảo Đại vẫn giữ Đạo Phật, dẹp bỏ cung phi.

Dĩ nhiên tin nhà vua sẽ kết hôn với một phụ nữ dân dã xứ Nam kỳ và Công giáo đã làm cho Hoàng gia và Triều đình rúng động và phản đối kịch liệt. Ông Bảo Đại đã phải nói : «Trẫm cưới vợ cho trẫm đâu phải cưới cho cụ Tôn Thất Hân và Triều đình".

Trong lúc đó cái khó về phía Bà Nam Phương là phải được Tòa thánh Vatican cho phép vì lúc bấy giờ luật của Vatican không cho phép người Công giáo kết hôn với người ngoại đạo. Gia đình bà vận động xin phép Vatican qua đại diện Tòa thánh ở Đông Dương. Tiếp theo, nước Pháp cũng nhập cuộc bằng đường lối ngoại giao vì Pháp thấy sẽ có lợi về chánh trị và tôn giáo trong vụ hôn nhơn này. 

«Nước Pháp thấy, về mặt chính trị, người con gái này có thể hoá giải các sự chống đối và đố kỵ. Trong khi đó thì tất cả các cô gái được tuyển chọn do hàng quan lại đều không có được một nền học vấn Tây Phương và sẽ không tránh rơi vào ảnh hưởng của các bà Mẫu Hậu...» (Charles Roux, Đại sứ pháp ở Rome).

Nhưng rồi cuộc hôn nhân vẫn được tiến hành mặc dầu không được Vatican chấp thuận. Tờ Osservatore Romano, cơ quan ngôn luận của Tòa thánh, cũng phủ nhận mọi tin đồn và xác nhận Tòa thánh vẫn giữ lập trường như cũ, không thay đổi. Vì thế sau 63 năm khi bình luận về tin vua Bảo Đại băng hà, phái viên hãng Reuters vẫn còn nhắc lại một cuộc hôn nhân «không chính thức» của bà Nam Phương Hoàng Hậu, như một con chiên.

Trong lúc khó khăn đó, trước khi có quyết định dứt khoát, ông Bảo Đại có lần viết «Ở trong cung, chỉ có một ông Trời, đó là Hoàng đế, con ông Trời" (Au palais, il n'y avait qu'un Dieu : L'empereur, fils du ciel).

Ngay hôm sau đám cưới, lễ tấn phong Hoàng hậu được diễn ra rất trọng thể ở điện Thái Hòa. Hoàng đế phong bà vợ dân dã xứ Gò Công Nguyễn Hữu Thị Lan tước vị Nam Phương Hoàng Hậu. Ông kể về sự kiện này trong hồi ký như sau:

«Vâng, tôi đã quyết định đặt vợ tôi lên làm Hoàng hậu trong cuộc hôn nhân này, cái chức mà chỉ dành cho mẫu hậu khi mà nhà vua đã qua đời. Mặc phẩm phục triều đình với chiếc áo choàng rộng, đi giầy hài mũi cong nhọn, chít khăn có đính những viên đá quý. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Annam mà một người đàn bà đã tiến lên một mình giữa sự chào đón của triều đình. Cũng vẫn chỉ một mình, cô đã vào trong đại sảnh đã có tôi đợi ở đó, và ngồi ở một cái đôn để ở thấp hơn». (Le Dragon d'Annam, Plon, Paris, 1980).

Và cũng theo hồi ký, chỉ sau khi xong đám cưới, nhà vua mới gửi thư cho Giáo hoàng Pie XI qua trung gian người Pháp, vì thời đó Triều đình chưa có quan hệ ngoại giao với Vatican.

Về Nam Phương Hoàng Hậu, cô dâu Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong Hoàng hậu ngay sau lễ cưới là một điều rất đặc biệt trong triều Nguyễn vì trong các đời vua trước chỉ có Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, chánh thất của Gia Long và Lệ Thiên Anh Hoàng Hậu, chánh thất của Tự Đức, 2 người được phong Hoàng hậu khi còn sống. Vì vậy, khi nói chuyện với Hoàng Hậu Nam Phương hoặc nói về bà, người ta dùng cách xưng hô Ngài Hoàng thay vì Hoàng Hậu.

Về tên Nam Phương đặt cho Hoàng hậu, vua Bảo Đại giải thích : «Tôi chọn tên trị vì cho bà là Nam Phương. Nam Phương có nghĩa là «hương thơm của miền Nam», và tôi cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng – màu dành riêng cho Hoàng đế» (sdd).

Ở trong Hoàng cung, công việc hằng ngày của Hoàng hậu Nam Phương là dạy dỗ các hoàng tử, công chúa. Thỉnh thoảng bà phải cùng các quan ở Bộ Lễ bàn thảo các lễ tiệc trong cung đình, lo việc cúng giỗ các tiên đế và đi thăm sức khỏe các bà tiên cung và Từ Cung Hoàng thái hậu, tức mẹ của Bảo Đại. Hoàng hậu còn tham gia các việc xã hội và từ thiện. Hằng năm bà đều tham dự các buổi phát giải thưởng cho các học sinh giỏi. Hoàng hậu còn cho Bộ Giáo dục đem môn nữ công gia chánh vào chương trình giáo dục quốc gia.

Không giam mình trong cung cấm như các bà trước kia, Hoàng hậu Nam Phương thường xuất hiện bên cạnh ông Bảo Đại trong các nghi lễ ngoại giao như đón tiếp các Quốc khách. Hoàng hậu cũng cư xử rất khéo với mọi người tôn sùng đạo Phật trong hoàng tộc. Bà năng đi lễ chùa và tham dự các ngày lễ lớn của Phật giáo, có khi cho cả các con cùng đi theo. Nhưng bà can ngăn Thái hậu đeo bùa ở cổ tay cháu nội của bà. Bà cũng đi thăm các lăng tẩm, luôn đứng thẳng người nhưng hai tay bao giờ cũng chắp lại ngang ngực với một thái độ kính cẩn.

Hai năm sau ngày cưới, đêm mùng 4 tháng 1 năm 1936, người dân Huế nghe những tiếng súng lớn báo tin mừng Nam Phương Hoàng Hậu hạ sanh một Hoàng tử. Mờ sáng lại một lần nữa 7 tiếng súng thần công làm lay động cả Hoàng thành. Đó chính là Đông cung Thái tử Nguyễn Phúc Bảo Long. Tiếp theo, cứ năm một, sau cùng là Hoàng tử Bảo Thắng. Nhưng cả 2 Hoàng tử này đều không có con nối ngôi.

Ngày 23/10/1955, sau kết quả Trưng cầu dân ý, nhờ Phong trào Cách mạng Quốc gia tích cực vận động: Nghe vẻ, nghe ve, nghe vè Bảo Đại/ Là quân ăn hại, theo gót thực dân... và trên lá phiếu ghi, thêm hướng dẩn nhiệt tình của cán bộ thông tin để cử tri dễ chọn lúc bầu: Phiếu đỏ ta bỏ vô bì/ Phiếu xanh Bảo Đại ta thì vứt đi, Hoàng hậu và gia đình từ giã Việt Nam, lưu vong ở Pháp. Bà mất năm 1963 ở Chabrignac, Corrèze (Miền Tây Nam Pháp). Mộ của bà chỉ làm tạm, rất đơn sơ vì chờ xin phép nhà cầm quyền Sài Gòn đem về an táng trong phần mộ gia đình ở Đà Lạt nhưng bị từ chối (Văn khố Tòa Thị xã Chabrignac).

Mãi gần đây mộ mới được xây lại tươm tất. Mộ Cựu Hoàng cũng phải mất mươi năm do bà vợ 2 Monique gây khó khăn, nay Hoàng tử Bảo Ân vừa xây lại tử tế. Thật ra cả hai mộ đều không bằng một góc của ngôi mộ một tên huyện ủy ở Việt nam!

Những Thứ phi và tình nhơn của Bảo Đại
Chấp nhận điều kiện của bà Nam Phương, Ông Bảo Đại dẹp bỏ cung phi. Riêng ông, ông cũng chủ trương cải cách nề nếp sanh hoạt cũ của Triều đình như bãi bỏ lễ quỳ mọp chào vua khi lâm triều

Nhưng trong đời sống cá nhân, khi hoàn cảnh thuận lợi, ông lần lượt, chớ không cùng một lúc, cặp bồ với nhiều bà. Người đầu tiên là Bà Mộng Điệp lúc ông ở Hà Nội làm Cố vấn Tối cao cho chánh phủ Hồ Chí Minh. Tuy lúc này ông đã thoái vị để làm «công dân một nước độc lập», bà Mộng Điệp vẫn được mang tước Thứ phi Mộng Điệp. Bà thường sát cánh giúp ông rất nhiều việc quan trọng. Cả lúc ông bị Hồ Chí Minh đưa qua Hồng Kông và không cho trở về, bà lặn lội qua Hồng Kông, đem tiền bạc giúp ông sanh sống.

Kế tiếp là các bà Lý Lệ Hà, nghệ sĩ, bà Hoàng Tiểu Lan (Jenny Wong), bà Phi Ánh, bà X. Vicky. Riêng bà Phi Ánh là Thứ phi có với ông 2 người con, một trai là Hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Ân, sanh năm 1951, hiện sống cùng với gia đình ở Nam California, Huê kỳ. Trước giờ, người ta biết Hoàng tử Bảo Ân là con trai út của Cựu Hoàng và nghĩ Hoàng tộc nhà Nguyễn may mắn còn hậu duệ. Với Hoàng tử Bảo Ân, ai cũng nghĩ việc nối dõi rất chánh đáng. Đúng! Nhưng Hoàng tử Bảo Ân có phải là con trai út của Cựu Hoàng hay không? Câu trả lời là: Không!

Bán lâu đài Thorenc ở Cannes, Cựu Hoàng và gia đình dọn lên Alsace (Đông Bắc Pháp) mua một nông trại để sanh sống. Ông vẫn không bỏ được sở thích săn bắn. Ở đây, ông thường cùng với một người bạn Pháp tổ chức săn heo rừng. Mỗi lần đi săn, họ mang theo café để uống trong thời gian ngồi chờ heo rừng xuất hiện. Vừa uống café vừa hút thuốc, heo rừng ngửi mùi không dám xuất hiện. Nên mỗi lần ông đi săn đều về không. Bỗng một hôm, trong một bữa tiệc săn bắn heo rừng, ông săn được, không phải heo rừng, mà một bà đầm xinh đẹp, tóc vàng óng ánh. Hai người gặp nhau, ăn ý với nhau nên giữ quan hệ đến tận năm 1970. Năm 1958, bà sanh cho Cựu Hoàng một người con trai đặt tên là Patrick-Edouard Bloch-Carcenac. Không khai được theo họ Nguyễn Phúc như những người khác vì mẹ của anh và chồng, cả hai đều không muốn ly dị. Đây mới là người con cuối cùng của Bảo Đại. Năm nay, người này được 63 tuổi, vẫn sống ở Alsace.

Duyên với Hoàng tử không ngai
Phần lớn người Việt Nam hải ngoại chỉ biết ông Bảo Ân ở California là người con trai út của Cựu Hoàng Bảo Đại. Nay Patrick-Edouard xuất hiện xác nhận chính anh mới là người con út thiệt tình của ông Bảo Đại tuy anh không được mang họ hoàng tộc Nguyễn Phúc như những người khác

Nói «duyên với Hoàng tử», thật đúng như vậy vì bỗng một hôm, bác sĩ Trần Ngọc Quang, ở ngoại ô Đông Paris, được Patrick-Edouard trực tiếp liên lạc. Từ đó hai người trao đổi thông tin với nhau và Patrick-Edouard không ngần ngại gởi cho bác sĩ Quang nhiều tài liệu về mẹ của anh với Bảo Đại và về riêng anh. Patrick cũng gom góp những bài báo địa phương viết về gia đình anh, những buổi phát hình của đài Fr3 địa phương sau khi họ khám phá ra được trường hợp đặc biệt của thành phố Strasbourg của Alsace có một Hoàng tử Việt Nam là dân địa phương.

Patrick-Edouard liên lạc được với bác sĩ Quang nhờ đọc bài «La fin de la dynastie des Nguyên» của ông đăng trên Ái hữu Cựu Học sinh Trung học Jean-Jacques Rousseau ở Sài Gòn trước đây, sau đó bài báo được phổ biến thêm ra bên ngoài. Tuy nhiên Patrick đã phải mất bốn năm kiên trì sau cùng mới gặp được ông Quang. Nay hai người trở thành khá thân với nhau tuy chưa gặp mặt. Ông Quang, qua trao đổi bằng điện thoại và Internet, hỏi Patrick-Edouard nhiều chuyện cũ, đều được anh ấy trả lời. Có những chuyện éo le, những giai đoạn khó khăn trong đời sống, v.v… đã làm ông Quang thật sự cảm động. Nhứt là về tuổi thơ của Patrick.

Trở lại thời điểm Bảo Đại gặp gỡ mẹ Patrick, đó là khoảng năm 1957, ông Rochereau, người tùy tùng của Cựu Hoàng giới thiệu với ông bà Christiane Bloch, nhũ danh Carcenac, ở Strasbourg nhơn chuyến ông đi săn heo rừng ở Alsace cùng với người bạn Bá tước Jean de Beaumont. Bà Christiane Bloch lúc đó 35 tuổi, đẹp, tóc vàng, nhưng chẳng may bị ông chồng Georges Bloch vì quá say mê kinh doanh mà lơ là với bà. Ông chồng thường ở Algérie theo dõi cơ sở làm ăn ở bên đó. Trong đời sống, bà Christiane Bloch không thiếu thốn điều gì cả, tiền bạc được ông chồng cung cấp đầy đủ.
Cựu Hoàng Bảo Đại với một trong những tình nhân của ông, bà Christiane Bloch.

Christiane Bloch là một phụ nữ kín đáo, ít giao thiệp, kết hôn với ông Georges Bloch năm 1941 ở Dordogne (Tây Nam Pháp) lúc bà 19 tuổi. Hai người có chung một người con trai Jean-Paul Bloch sanh năm 1942, hiện sanh sống ở Espagne.

Ông Georges Bloch gốc Do Thái nên gia đình bên ông không muốn ông kết hôn với người Công giáo. Điều ít nhiều không tránh khỏi gay cấn giữa gia đình ông với bà vợ.

Trở lại với Cựu Hoàng, ngay khi vừa gặp bà Christiane Bloch-Carcenac, ông như bị hớp hồn. Để được gần bà, ông liền thuê biệt thự Les Muriers ở Gerstheim, cách ngôi nhà nguy nga của bà Christiane đang sanh sống ở thành phố Erstein chừng 5 km. Mối liên hệ này bị Hoàng Hậu Nam Phương biết. Bà tỏ ra vô cùng khó chịu. Với bà Christiane, đây có lẽ là lần thứ hai ông liên hệ tình ái với một phụ nữ Pháp. Mối liên hệ giữa hai người rất khăng khít, cho ra đời một cậu trai đặt tên Patrick-Edouard nhưng khai theo họ Bloch, họ chồng của bà Christiane. (Lần trước, cũng ở Alsace, ông liên hệ với bà Vicky và có một người con gái tên Nguyễn Phúc Phương Từ đang sanh sống ở Pháp).

Ông Bảo Đại vẫn giữ liên lạc với bà Christiane Bloch và thường xuyên tới thăm con. Patrick-Edouard gọi ông bằng «Sa Majesté» hoặc «Sire» chớ không Papa vì nguồn gốc của anh bị giấu kín, cho tới một hôm ông Bảo Đại đưa Patrick tới một khách sạn giới thiệu đây là con trai của ông, lúc Patrick được sáu bảy tuổi. Nhưng trong thời gian đó, dân địa phương ở thành phố Erstein đều gọi Patrick là le petit Bảo Đại.

Con của một ông vua và mẹ là nhà tư sản nhưng tuổi trẻ của Patrick lại đầy bất hạnh. Không được sống nuông chìu đầm ấm trong tình thương trọn vẹn của cha mẹ, tuổi trẻ của Patrick là kéo lê va-li và cạt-táp qua hết nội trú này tới nội trú khác. Những món đồ chơi như xe hơi, xe điện, anh cũng không có được trong lúc đó phải nhìn đám bạn trang lứa chơi mà thèm. Có lẽ vì sự thiếu thốn đó mà sau này, khi lớn lên, Patrick mê xe hơi. Anh chơi xe hơi gần như người sưu tập xe vậy.

Năm Patrick 20 tuổi, anh có bạn gái tên Claudine Lang và hai người cưới nhau ngày 10/10/1992 tại thành phố Strasbourg. «Sa Majesté» tới dự đám cưới của con trai út. Dĩ nhiên là cơ hội cho báo chí địa phương tới làm phóng sự. Rất tiếc hai người ăn ở với nhau suốt 8 năm dài mà không có con. Phải chăng do tình trạng sức khỏe của Patrick, vì năm 1972, anh bị mổ tim 2 lần và hậu quả không tốt? Năm 2000, hai người xa nhau. Từ đó tới nay, Patrick không có vợ khác.

Con trai của «Sa Majesté» mà anh hoàn toàn không giống cha về mặt bay bướm! Chỉ giống mê xe hơi thôi! Không chỉ riêng Patrick, mà cả những Hoàng tử khác cũng không ai giống cha về máu «có nhiều Thứ phi» như người đời thường nói. Có lẽ cái gène «mê» đó của Cựu Hoàng tới đây cũng kết thúc như ông là Hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn!

Vế nghề nghiệp, Patrick hoạt động trong ngành địa ốc.
Cựu Hoàng Bảo Đại với Hoàng tử không ngai Patrick-Edouard.

Ông vua hai mặt
Cựu Hoàng có 2 vợ chánh thức là Nam Phương Hoàng Hậu và Monique Baudot. Ông thật sự không có cung phi trong hoàng cung nhưng ông có tất cả 4 bà Thứ phi Việt và 2 tình nhơn bà đầm. Hoàng hậu, Thứ phi và tình nhơn cho ông tất cả 13 người con vừa trai vừa gái.

Thật ra không có gì là quá đáng đối với một ông vua thời Việt Nam còn ảnh hưởng văn hóa phong kiến hủ lậu của Tàu «trai năm thê bảy thiếp». Hơn nữa, ông chỉ cặp những người lớn tuổi và công khai thừa nhận những mối quan hệ ngoại hôn và luôn luôn nhìn con. Cả lúc khó khăn về đời sống như lúc có cậu con trai út Patrick-Edouard ở Strasbourg.

Trước sau, về mặt này, ông vẫn tỏ ra là một người lương thiện. Về chánh trị, ông đã không xoay được tình thế có lợi cho Việt Nam nhưng ông giữ được bàn tay không dính máu đồng bào như Hồ Chí Minh trong vụ Cải cách ruộng đất, Cải tạo công thương nghiệp, vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế, đánh cướp Miền Nam, tập trung tù tội dân miền nam,v.v…

Cựu Hoàng tỏ ra một người thật lòng thương nước. Năm 1945, tin vào tình thế, nghỉ Việt Nam được độc lập, ông không ngần ngại thoái vị để làm «công dân một nước độc lập». Năm 1948, ông chấp nhận với các đảng phái Quốc gia thành lập «Quốc gia Việt nam» (Etat du Việt nam) để xác định chủ quyền Việt Nam Độc lập và Thống nhứt trong lúc Hồ Chí Minh và cộng sản đã chạy lên rừng Việt Bắc, và chánh phủ VNDCCH xuất hiện theo cách du kích hôm 2/9 không được quốc tế nhìn nhận, ngoại trừ Liên Xô.

Lúc ông làm Quốc trưởng, nhiều vị quan lại cũ của Triều đình yêu cầu ông trở lại làm vua vì tình hình thuận lợi, ông từ khước và bảo rằng «Tôi trở lại làm vua không khác gì rước Pháp trở lại cai trị». (Cụ Trần Trọng Kim ghi lại lời này của Cựu Hoàng).

Ngoài Tuyên ngôn Độc lập ngày 11/3/1945, ông tuyên bố Việt Nam hoàn toàn thống nhứt và độc lập, ban hành chế độ dân chủ, qui định các quyền căn bản như quyền tự do đi lại, tự do lập hội, tự do nghiệp đoàn, quyền phụ nữ, v.v… Ông vẫn kiên trì đòi Việt Nam ra khỏi Liên Hiệp Pháp. Tháng 10 năm 1953, ông ban hành sắc lệnh tổ chức Đại Hội Toàn Quốc tại Tòa Đô chánh Sài Gòn qui tụ đại diện 3 Miền Nam, Trung, Bắc. Mỗi Miền gởi tới 100 Đại biểu. Đại Hội họp liên tiếp 3 ngày, mọi chi phí do Bảy Viễn đài thọ.

Nhiệm vụ chủ yếu của Đại Hội -- tạm thế Quốc hội vì chưa có Quốc hội -- không gì khác hơn là đưa ra một bản kiến nghị để Quốc trưởng cầm qua Paris, nhơn danh toàn dân Việt Nam, đòi dứt khoát Việt Nam không đứng trong Liên Hiệp Pháp. Phải độc lập hoàn toàn về kinh tế, tài chánh, quân sự và ngoại giao. Paris với Chánh phủ Laniel đã chấp thuận.

Người Việt Nam biết về ông Bảo Đại, ai cũng bảo đó là «ông vua mê gái»! Do ảnh hưởng tuyên truyền vừa của phe quốc gia vừa của cộng sản. Về chuyện ông có nhiều thứ phi và tình nhơn như đã biết, ký giả pháp Daniel Grandclément được ông thẳng thắn trả lời 

« …luôn có nhu cầu đối với đàn bà, một thứ nhu cầu thường xuyên không thể dập tắt được như đồ ăn thức uống. Từ khi đến tuổi lớn, đêm nào cũng phải có một người đàn bà nằm bên, mỗi đêm một người». (Bao Đai ou les derniers jours de l'Empire d'Annam -- Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam).

Vẫn theo Daniel Grandclément, Bảo Đại là ông con Trời hai mặt. Báo chí cho ông là một người mê thể thao, thích cờ bạc, một tài tử về đàn bà và xe hơi. Với những người thân cận, ông là người chỉ có một mục tiêu duy nhứt là Độc lập và thống nhứt đất nước của ông, một áp lực lên các chánh phủ của ông với ít nhiều cứng rắn phải phục vụ dân chúng».

Khi quý bạn đọc đang đọc những dòng này thì báo chí, TV vùng Đông Bắc Pháp lần lượt tường thuật, phóng sự về một «Hoàng tử Việt Nam không ngai», Patrick-Edouard. Trong những nhà báo này, còn có cả Stephane Bern, nhà báo lớn của TV Pháp chuyên về những «bí ẩn lịch sử».

Phải chăng chuyện «một Hoàng tử Việt Nam không ngai» cũng là một «bí ẩn lịch sử» cần được khám phá?

-- Nguyễn thị Cỏ May

No comments:

Post a Comment