Sunday, February 27, 2022

10 bê bối tại Olympic Bắc Kinh 2022

Vivian Đỗ
Sau hơn hai tuần tổ chức, các cuộc tranh tài tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 cũng đến hồi kết. Có lẽ đây là một trong những sự kiện thể thao gây tranh cãi nhất ở thời điểm hiện tại bởi câu chuyện không chỉ xoay quanh các trận thi đấu mà còn là vấn nạn nhân quyền tồi tệ dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trước thềm lễ bế mạc ngày 20/2, mời độc giả cùng Trí Thức VN điểm lại 10 sự kiện được cho là những bê bối “có một không hai” của Thế vận hội này.

1. Thế vận hội mùa đông đầu tiên không có tuyết
Olympic Bắc Kinh 2022 là thế vận hội mùa đông đầu tiên trong lịch sử dựa hoàn toàn vào tuyết nhân tạo. Lượng tuyết này đã huy động đến 400 máy tạo tuyết chạy liên tục. Theo ước tính của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), để sản xuất đủ tuyết phục vụ Thế vận hội cần dùng đến 49 triệu gallon nước – tương đương với lượng nước uống trong ngày của gần 100 triệu người và đủ để lấp đầy 3.600 bể bơi cỡ trung bình.

Việc tuyết nhân tạo được phủ khắp nơi cũng đã dấy lên nỗi bất an cho các vận động viên (VĐV). Theo VĐV người Pháp Clement Parisse, loại hình tranh tài trên nền tuyết nhân tạo không phải là hiếm tuy nhiên, nguy cơ chấn thương cũng rất cao.

Cô Laura Donaldson, VĐV trượt tuyết tự do người Scotland, đã phản đối việc dùng tuyết nhân tạo: “Nếu các máng trượt được tạo thành từ tuyết nhân tạo, thành và sàn máng trở nên rất cứng. Điều đó thật sự nguy hiểm cho các VĐV, một số người đã thiệt mạng.”

Được biết địa điểm diễn ra Olympic Bắc Kinh từng là một khu đất hoang công nghiệp lớn bị đóng cửa vào năm 2011 và hiện đang được tái sử dụng như một điểm thu hút khách du lịch.

2. Nước dột lênh láng, chảy “như thác” tại làng Olympic Bắc Kinh
Mới đây, VĐV trượt tuyết băng đồng người Phần Lan, cô Katri Lylynpera đã đăng tải trên Instagram cá nhân những hình ảnh cho thấy nước rò, chảy lênh láng “như thác” từ trần nhà xuống, tại làng Olympic mùa đông Bắc Kinh.

Cô Lylynpera đã gửi thông điệp SOS trong video, với một chữ đơn giản là “giúp đỡ” (HELP), và nói đùa “thác nước đẹp đấy!”

Không lâu sau, Lylynpera nhận được thông điệp từ BTC Olympic Bắc Kinh, yêu cầu xóa ngay lập tức các video khỏi trang cá nhân, nếu không sẽ phải “lãnh hậu quả”.

Sự cố “nhà dột” này góp thêm vào loạt các hình ảnh đáng xấu hổ của chính quyền Bắc Kinh gần đây, vốn đang phải đối mặt với chỉ trích vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ, và nghi vấn thiên vị có lợi cho VĐV nước chủ nhà tại Thế vận hội.

3. Chế độ dinh dưỡng của VĐV nước ngoài không được đảm bảo
Như đã biết, VĐV tham gia Olympic cần phải duy trì được thể trạng tốt nhất sẵn sàng cho thi đấu. Tuy nhiên trong thời gian cách ly vì dịch bệnh, các VĐV nước ngoài tại Bắc Kinh đã được cung cấp những bữa ăn không đạt tiêu chuẩn. VĐV hai môn phối hợp người Nga kể lại rằng họ cho cô ăn mì Ý sốt thịt và khoai tây trong cả bữa sáng, bữa trưa và bữa tối suốt năm ngày liên tiếp. Cô viết: “Tôi bị đau bụng, người rất xanh xao và có những quầng đen rất lớn xung quanh mắt. Tôi muốn tất cả những điều này kết thúc. Tôi khóc mỗi ngày. Tôi vô cùng mệt mỏi.” Bên cạnh đó, điều kiện phòng ốc cũng không hợp vệ sinh, không có thiết bị tập luyện; Internet hầu như không có hoặc rất yếu.

Huấn luyện viên đội trượt tuyết núi cao người Đức, ông Christian Schwaiger chỉ trích: “Đồ ăn của Olympic rất đáng ngờ vì nó hoàn toàn không phải là một bữa ăn. Không có đồ ăn nóng, chỉ có khoai tây chiên, một số loại hạt và chocolate, ngoài ra không có gì khác. Điều này cho thấy sự thiếu quan tâm của ĐCSTQ đối với các môn thể thao thành tích cao.

Ông Schwaiger nói với tờ “The Sun” của Anh rằng: “Hầu như mọi môn thể thao Olympic đều yêu cầu các VĐV phải ăn nhiều. Nếu các VĐV không ăn đủ, thành tích của họ sẽ bị ảnh hưởng, cho dù là trong quá trình thi đấu hay tập luyện.”

Đội của Hoa Kỳ thì may mắn hơn vì đã chuẩn bị kỹ lưỡng, và mang theo một số thức ăn nhanh, như mì Ý đóng gói có thể nấu chín bằng nước nóng.

4. Nhà báo Hoà Lan bị an ninh xua đuổi khi đang phát sóng trực tiếp Olympic Bắc Kinh
Vào tối thứ Sáu (ngày 4/2), trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, Sjoerd den Daas, phóng viên trú tại Trung Quốc của Đài Phát thanh Công cộng Hoà Lan (NOS), đã bị xô đẩy bởi một người đàn ông mặc thường phục đeo phù hiệu đỏ của phía Trung Quốc, bị cưỡng chế phải rời khỏi cảnh quay khi đang phát trực tiếp Thế vận hội. Cảnh tượng này khiến nữ MC Hoà Lan trong trường quay ngẩn người vì bất ngờ.

Trả lời về vụ việc, người phát ngôn của IOC, ông Mark Adams cho biết: “Những việc này xác thực là đã xảy ra, tôi nghĩ đó là một sự việc đơn lẻ. Tôi hy vọng đó là một sự việc đơn lẻ, chúng tôi sẽ đảm bảo với các bạn rằng trong phạm vi cho phép các bạn có thể tiếp tục công việc của mình.”

Tuy nhiên phóng viên Sjoerd đã đăng trên Twitter rằng: “Mấy tuần nay, chúng tôi cũng như vài đồng nghiệp nước ngoài, khi đưa tin về các chủ đề liên quan đến Thế vận hội, đã nhiều lần gặp phải sự cản trở, phá rối của cảnh sát. Do đó, rất khó để coi sự việc tối qua (ngày 4/2) là một sự cố đơn lẻ như IOC đã tuyên bố.”

Tờ NOS cũng đã tweet: “Các phóng viên của chúng tôi … đã bị an ninh kéo khỏi máy quay. Thật không may, điều này đang dần trở thành hiện thực hàng ngày đối với các phóng viên ở Trung Quốc.”

5. Chính quyền Bắc Kinh thu hút lượng lớn các “VĐV nhập tịch”
Việc Trung Quốc sử dụng lượng lớn “VĐV nhập tịch” tại Thế vận hội Mùa đông đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi bởi các kênh truyền thông nước ngoài. Ngày 9/2, Washington Post đăng một bài viết nói rằng Trung Quốc đang phụ thuộc hơn bao giờ hết vào các VĐV nhập tịch để tham gia những môn thể thao mà trước đây họ khó có thể giành huy chương, bao gồm trượt băng nghệ thuật, khúc côn cầu trên băng và trượt tuyết.

Tờ Washington Post dẫn lời bình luận viên thể thao Sean Wang của Bắc Kinh, cho biết trọng tâm tìm kiếm của Trung Quốc chủ yếu là các VĐV gốc Hoa, bởi vì “đối với những người dân Trung Quốc bình thường, nếu đội tuyển quốc gia của chúng ta hoàn toàn do những gương mặt không phải người Trung Quốc tập hợp lại, đặc biệt là hội thể thao mùa đông được tổ chức trên sân nhà, điều này có thể khiến người khác khó chấp nhận.

Tuy nhiên cách các “VĐV nhập tịch” này bị đối xử tại Bắc Kinh lại không giống nhau, người thắng được tung hô, người thua thì bị sỉ vả. Cô Eileen Gu (Cốc Ái Lăng) là VĐV trượt tuyết tự do người Mỹ gốc Hoa, được truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi là “Công chúa trên tuyết” hay “cô gái thiên tài”. Cô đã được làm đại diện cho nhiều nhãn hàng ở Trung Quốc. Trong nội dung thi trượt tuyết tự do vào ngày 8/2, Eileen Gu đã giành chức vô địch, và thông tin ngay lập tức bùng nổ trên Internet, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin “Eileen Gu làm nên lịch sử”.

Lúc này, truyền thông nước ngoài lại chú ý đến một VĐV nhập tịch khác là Zhu Yi (Chu Dị). Kể từ sau khi bị ngã trên sân thi đấu Thế vận hội, Zhu Yi đã bị chế giễu và liên tiếp bị châm biếm, bị chửi đổng trên mạng xã hội Trung Quốc. Những người theo chủ nghĩa dân tộc đã xúc phạm vì cô nói tiếng phổ thông Trung Quốc không lưu loát, đặt câu hỏi liệu cô có thích hợp để thi đấu tại Thế vận hội, đồng thời còn chế nhạo cô “hãy học tốt tiếng Trung Quốc trước, rồi mới nói về yêu nước”. Ngày 7/2, Zhu Yi thừa nhận rằng những bình luận xúc phạm trên mạng xã hội Trung Quốc đã gây rất nhiều áp lực cho cô.

Ngoài ra, sự bất cập của Trung Quốc trong cách xử lý các “VĐV nhập tịch” cũng đã dẫn đến những trường hợp kỳ lạ, chẳng hạn như thủ môn khúc côn cầu trên băng nữ, cô Kimberly Newell được sinh ra tại Canada, cho biết cô không được phép dùng tiếng Anh để trả lời phóng viên khi xuất hiện trên truyền thông sau trận đấu ngày 6/2.

6. Nơi tra tấn tù nhân lương tâm chỉ cách khu vực thi đấu 16km
Ngày 8/2/2022 vừa qua, Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (Falun Dafa Information Center) có trụ sở tại New York đã công bố một bản đồ số tương tác, cho thấy các “điểm nóng” về bức hại và tra tấn người tập Pháp Luân Công tại Bắc Kinh, và khoảng cách của chúng tới những địa điểm diễn ra các cuộc thi đấu Olympic.

Một số “điểm nóng” gần nhất có thể liệt kê như: Trung tâm giam giữ Triều Dương, cách Sân vận động Quốc gia 16km; Trung tâm phân phối lao động cưỡng bức Bắc Kinh, cách Sân vận động Trượt băng Quốc gia 19km; Trại lao động cưỡng bức Đoàn Hà Bắc Kinh, cách Sân vận động Trượt băng Quốc gia 19km…

Trên bản đồ tương tác, người dùng có thể bấm vào từng trung tâm giam giữ hoặc nhà tù, và xem thông tin về cơ sở, cũng như các trường hợp nổi bật về bức hại và tra tấn người tập Pháp Luân Công từng diễn ra tại các địa điểm này. Một số hình thức tra tấn được liệt kê như: kéo căng cơ thể, treo người, đánh đập, bức thực, sốc điện bằng dùi cui, đâm vật nhọn vào các điểm nhạy cảm, cưỡng bức tiêm thuốc…

Được biết trước khi Olympic Bắc Kinh 2022 diễn ra, chế độ cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch “duy trì ổn định xã hội” mới, trong đó đặc biệt tập trung đàn áp người tập Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số khác tại 3 khu vực diễn ra các cuộc thi Olympic là Bắc Kinh, Diên Khánh (Tây Bắc ngoại ô Bắc Kinh), và Trương Gia Khẩu (tỉnh Hà Bắc).

Trang Minghui.org, một cổng thông tin của Pháp Luân Công ở hải ngoại, đã tiết lộ tài liệu “Công khai thông tin ngân sách của Sở Công an Trương Gia Khẩu năm 2020”, đề cập đến việc tăng kinh phí cho công tác an ninh của Thế vận hội Mùa đông 2022. Trong số đó, cột “Quỹ Công tác An ninh Quốc gia Đặc biệt” cho thấy Pháp Luân Công được liệt vào mục tiêu tấn công đầu tiên.

7. ĐCSTQ bất chấp mọi thủ đoạn để giành được huy chương
Vào ngày 7/2, hai VĐV trượt băng tốc độ cự ly ngắn Hwang Dae-heon và Lee June-seo của Hàn Quốc đã bị hủy thi đấu do phạm quy trong trận bán kết 1000m nam. Trong trận chung kết tiếp theo, Lưu Thiếu Lâm (Liu Shaolin Sándor) người Hungary vượt qua vạch đích đầu tiên, nhưng kết quả đã bị loại và huy chương vàng rơi vào tay á quân người Trung Quốc.

Giới truyền thông Hàn Quốc bày tỏ sự bất mãn mạnh mẽ của họ với những từ như “sốc, tức giận và vô lý”, cáo buộc các trọng tài của Olympic Mùa đông đã thiên vị Trung Quốc. Cả Hàn Quốc và Hungary đều đệ đơn khiếu nại lên Liên minh Trượt băng Quốc tế (ISU), nhưng cả hai đều bị bác bỏ. Do đó, đội tuyển Hàn Quốc quyết định đâm đơn kiện lên Tòa án Trọng tài Thể thao Quốc tế (CAS) và kháng nghị với ông Thomas Bach, Chủ tịch IOC.

Trong trận trượt băng tốc độ cự ly ngắn 2.000m nội dung đồng đội hỗn hợp diễn ra tối ngày 5/2, đội Trung Quốc ban đầu để thua Hungary và Mỹ ở bán kết. Nhưng sau khi kháng cáo, trọng tài đã tua lại màn hình và nhận định Hoa Kỳ và Nga phạm lỗi với đội Trung Quốc. Vì vậy, đội Trung Quốc đã được thăng hạng vào trận chung kết và cuối cùng đã đánh bại Ý để giành Huy chương vàng.

Các nữ VĐV đến từ Đức, Áo, Na Uy và Nhật Bản, bốn quốc gia có thế mạnh về môn nhảy trên băng, đã bị truất quyền thi đấu vì lý do trang phục không phù hợp.

Ngày 7/2, Mạng tin Seoul của Hàn Quốc đăng một bài viết với tiêu đề “Hãy để nước chủ nhà Trung Quốc ẵm hết huy chương”, nhưng cả bài chỉ có 10 câu, mỗi câu đều là “Hãy để nước chủ nhà Trung Quốc ẵm hết huy chương.”

Nhà bình luận Nhật Bản Cao Phong Nhất cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times rằng ĐCSTQ có thể đã hối lộ trọng tài, là một trọng tài, lẽ ra nên công bằng, nhưng từ biểu hiện của trọng tài, rõ ràng là họ thiên vị đội Trung Quốc. “Tôi nghĩ rằng ĐCSTQ bất chấp mọi thủ đoạn để lôi kéo và lừa dối, cũng như ngang nhiên tận dụng Thế vận hội để thể hiện sức mạnh của mình. Bởi họ tin rằng thế giới bên ngoài không có cách nào để đối phó với họ.”

8. Ngôi sao quần vợt thế giới người Trung Quốc mất tích, sau đó xuất hiện lại và tuyên bố giải nghệ
Bành Soái là tay vợt đơn số 14 thế giới và là nhà vô địch đôi nữ tại Giải vô địch quần vợt Wimbledon, giải đấu quần vợt lâu đời và có uy tín. Năm ngoái, cô đăng trên mạng xã hội rằng ông Trương Cao Lệ, cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc, đã tấn công tình dục cô, bài đăng nhanh chóng bị gỡ bỏ và Bành Soái sau đó cũng mất tích.

Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, vào ngày 7/2, Bành Soái xuất hiện trở lại, trả lời phỏng vấn với tờ báo thể thao L’Equipe của Pháp dưới sự “tháp tùng” của các quan chức ĐCSTQ. Tờ L’Equipe tiết lộ, thủ tục cho cuộc phỏng vấn lần này rất phức tạp. Bành Soái chỉ có thể trả lời bằng tiếng Trung do quan chức Ủy ban Olympic Trung Quốc đi cùng phiên dịch lại. Có nghĩa là Bành Soái không được phép sử dụng tiếng Anh hoặc bất kỳ ngoại ngữ nào khác để đảm bảo rằng các quan chức Trung Quốc và giám sát hậu trường có thể nghe hiểu được; còn khi các quan chức Trung Quốc phiên dịch lại thì đó có thể là lời gốc của Bành Soái, hoặc có thể được sửa đổi. Các quan chức Trung Quốc có toàn quyền kiểm soát nội dung các câu trả lời.
Bành Soái nói rằng cô đã gặp mặt ông Thomas Bach, Chủ tịch IOC, tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Trong cuộc phỏng vấn, Bành Soái một lần nữa phủ nhận việc mình bị tấn công tình dục, cô cũng tuyên bố từ giã quần vợt và nói rằng cuộc sống của mình không có gì đặc biệt. Gần đây, trong một lần ngồi cạnh ông Thomas Bach cùng xem VĐV Eileen Gu giành huy chương vàng tại Olympic, Bành Soái được bắt gặp đang mặc trang phục với biểu tượng yêu nước của Trung Quốc.

9. ĐCSTQ chọn VĐV Duy Ngô Nhĩ làm người cầm đuốc Olympic
Trong bối cảnh cộng đồng phương Tây và các nhóm nhân quyền cáo buộc Chính phủ Trung Quốc về tội ác diệt chủng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông 2022, Bắc Kinh đã cố tình sắp xếp cho VĐV người Duy Ngô Nhĩ – Dinigeer Yilamujiang và VĐV người Hán – Zhao Jiawen (Triệu Gia Văn) cùng nhau thắp đuốc, làm dấy lên những nghi vấn về việc chính trị hóa thể thao.

Ngày 6/2, báo chí nước ngoài tiết lộ rằng Dinigeer Yilamujiang đã lặng lẽ “biến mất” khỏi ánh đèn sân khấu sau khi thắp đuốc. Tờ WSJ của Mỹ chỉ ra, Yilamujiang là người giành huy chương đầu tiên của Trung Quốc trong một sự kiện trượt tuyết băng đồng quốc tế, và cũng là một VĐV yêu thích giành được huy chương. Tuy nhiên, trong trận thi đấu vào ngày 5/2, cô chỉ đứng thứ 43, đứng thứ 3 trong số 4 VĐV Trung Quốc. Sau đó, cô cùng 3 VĐV khác của Trung Quốc vội vã rời hiện trường qua “khu hỗn hợp”, khiến hơn 10 nhà báo Trung Quốc và nước ngoài phải chờ đợi hơn 1 tiếng đồng hồ trong giá lạnh.

Mặc dù Yilamujiang “chuồn” mất khỏi tầm mắt của các phóng viên truyền thông nước ngoài, nhưng cô vẫn nhận lời phỏng vấn của truyền thông Đại Lục. Khi Yilamujiang xuất hiện trên truyền hình, truyền thông nhà nước Trung Quốc lập tức phát cảnh quay người nhà cô hoan hô khi xem chương trình phát sóng.

Một bài viết được đăng trên tờ Nhật báo Tân Cương (tờ báo do ĐCSTQ quản lý) đã trích lời của Yilamujiang nói, “Trung Quốc (ĐCSTQ) đã làm những gì có thể cho tôi, và bây giờ tất cả những gì tôi phải làm là tập luyện chăm chỉ và giành vinh quang cho đất nước.” Mẹ của cô thậm chí còn ca ngợi chính quyền Bắc Kinh: “Cảm ơn đất nước đã giao cho con gái tôi một sứ mệnh quan trọng như vậy.”

Về vấn đề này, dư luận cho rằng mọi thứ đều là sự sắp xếp “tài tình” của chính quyền ĐCSTQ, và đang diễn kịch cho cộng đồng phương Tây xem.

Ngoài ra, Twitter đã xóa khỏi nền tảng đoạn video ngắn quay cảnh vận động viên người Duy Ngô Nhĩ thắp sáng ngọn lửa Olympic kèm theo bình luận của người dẫn chương trình NBC về cáo buộc của Hoa Kỳ trước tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ.

NBC lấp lửng thừa nhận rằng họ đã hành động phụ thuộc vào Bắc Kinh sau khi được IOC hoặc các đại diện của tổ chức này vận động hành lang. Nhưng cả Twitter và IOC đều khoa trương rằng họ làm như vậy vì bảo vệ “luật bản quyền”.

Nhà văn Mỹ Jackson Richman đã lên Twitter chia sẻ phần bị xóa của đài NBC về lễ khai mạc. Tuy nhiên, video này hiện đã bị chặn.

Vận động viên người Đức, cô Geisenberger và vận động viên Nils van der Poel của Thụy Điển, mỗi người giành được 2 huy chương vàng tại Olympic Mùa đông Bắc Kinh 2022, đã chỉ trích vấn đề nhân quyền của Trung Quốc sau khi trở về nước.
Cô Natalie Geisenberger năm 2017.

Geisenberger năm nay 34 tuổi, hiện là cảnh sát. Cô đã giành huy chương vàng nội dung trượt băng đơn nữ tại Olympic Mùa đông Bắc Kinh vào ngày 8/2. Khi truyền thông hỏi cô về nhân quyền ở Trung Quốc, Geisenberger nói rằng cô phải cẩn trọng về thời gian và địa điểm phát ngôn, cô ấy sẽ bình luận về Trung Quốc sau khi rời khỏi đây.

Sau khi về nước, ngày 16/2, Geisenberger nói trong một chương trình trò chuyện trên “Đài truyền hình số 2 của Đức” (ZDF) rằng dù biết về vấn đề nhân quyền và vấn đề môi trường tại địa điểm thi đấu, nhưng gia đình đã làm rất nhiều để hỗ trợ cô trong quá trình rèn luyện. Bởi vậy sau khi cân nhắc, cuối cùng cô vẫn quyết định tham gia. Khi hoàn thành nhiệm vụ và trở về nước, cô quyết định “từ giờ sẽ không bao giờ đến Trung Quốc nữa.”

Gần đây, vận động viên Thụy Điển, anh Nils van der Poel, 25 tuổi đã giành được 2 huy chương vàng trượt băng tốc độ 5.000m và 10.000m nam tại Olympic Mùa đông Bắc Kinh, và thành công trở thành người phá kỷ lục thế giới cũng như kỷ lục Olympic. Trước Thế vận hội Mùa đông, giới truyền thông Thụy Điển từng hỏi quan điểm của Nils van der Poel về Olympic Bắc Kinh. Khi đó, anh đang tập huấn ở Đức. Anh nói với giới truyền thông rằng có vẻ không khôn ngoan khi sắp vào Trung Quốc mà lại chỉ trích chế độ nước này. Tuy nhiên, anh ấy cũng hứa sẽ nói với giới truyền thông rằng anh ấy nghĩ gì khi trở về Thụy Điển sau trận đấu. Sau khi trở về, Nils van der Poel đã thẳng thừng chỉ trích rằng để một quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng như Trung Quốc đăng cai Thế vận hội là điều cực kỳ vô trách nhiệm.

10. ĐCSTQ vướng nghi án thu thập DNA của VĐV
Tờ South China Morning Post đưa tin rằng Trung Quốc đang tuyển chọn các VĐV trong nước dựa trên cấu trúc DNA của họ và nếu điều này vẫn chưa đáp ứng đủ tham vọng chiến thắng của chính quyền, thì các VĐV sẽ tiếp tục trải qua những cuộc huấn luyện khắc nghiệt. Một cựu VĐV trượt băng nghệ thuật người Trung Quốc đã mô tả việc đào tạo một cách mất nhân tính mà cô ấy phải chịu đựng. Cô thường xuyên bị đánh bởi đế đựng giày bằng nhựa sau khi phạm lỗi, và bị đá rất mạnh bằng mũi giày trượt băng có răng cưa đến mức ống chân của cô bị chảy máu và để lại sẹo trong nhiều năm.

Ngoài ra, ĐCSTQ cũng vướng phải nghi án thu thập DNA của các VĐV nước ngoài để thí nghiệm ra những siêu chiến binh Trung Quốc. Bà Patricia Adams, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Probe International có trụ sở tại Canada cho rằng, ĐCSTQ “rất có thể” sẽ thu thập DNA của các VĐV có thành tích tốt nhất tại Thế vận hội.

Họ [ĐCSTQ] đang tiến hành xét nghiệm hàng ngày… và hoàn toàn không có sự giám sát nào đối với việc sử dụng các sản phẩm của họ,” bà Adams phát biểu trong một hội thảo trên web hôm 26/1 trên chương trình “Vạch trần Trung Quốc Cộng sản” của EpochTV.

Trong sự kiện trực tuyến, ông Stephen Yates, giám đốc điều hành của công ty tư vấn DC International Advisory đã nói về mối đe dọa khi chế độ Trung Quốc thu thập hàng loạt thông tin cá nhân và dữ liệu sức khỏe. Các quan chức và chuyên gia Hoa Kỳ trước đây từng gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng Bắc Kinh đang tích lũy một cơ sở dữ liệu lớn bao gồm thông tin cá nhân và sức khỏe của người Mỹ, có thể được sử dụng để tăng cường hệ thống trí tuệ nhân tạo và lĩnh vực y học, cũng như hỗ trợ các hoạt động gián điệp và quân sự.

Theo ông Yates, ĐCSTQ có thể sử dụng bộ dữ liệu khổng lồ để tạo lợi thế cạnh tranh cho các VĐV của họ, hoặc tăng cơ hội chiến tranh tâm lý. Ông Yates nhấn mạnh, mối nguy hiểm nằm ở chỗ ĐCSTQ sử dụng bộ dữ liệu này cho các mục đích phi đạo đức.

Trung Quốc đã vũ khí hóa trí tuệ nhân tạo và rất nhiều nghiên cứu khác về quá trình con người, theo những phương thức mà các nước văn minh không cho phép. Vì vậy chúng ta không có cách nào thực sự biết được điều u tối gì đang chờ đợi ở tương lai,” ông bày tỏ.

Vivian Đỗ

No comments:

Post a Comment