Sunday, January 2, 2022

Những sự kiện thế giới nổi bật năm 2021

Năm 2021 dần khép lại với nhiều biến động trên phạm vi toàn cầu, từ việc Taliban nắm quyền trở lại ở Afghanistan đến căng thẳng Mỹ - Trung, hay cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á.


Ngày 20/1 Ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tại Điện Capitol, trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. 
Ngày 1/2 Chính biến quân sự diễn ra ở Myanmar sau khi quân đội cáo buộc cuộc bầu cử gian lận, bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và tổng thống của chính phủ dân sự Win Myint, cùng các nhân vật cấp cao khác của đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing sau đó lên nắm quyền.
Ngày 10/5 Khủng hoảng Israel - Palestine diễn ra khi lực lượng Hamas tại Gaza phóng rocket về phía Jerusalem, sau các cuộc đụng độ kéo dài nhiều ngày nổ ra giữa người biểu tình Palestine với cảnh sát Israel tại thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa. Israel đáp trả các cuộc tấn công này bằng việc tiến hành hàng trăm cuộc không kích. Phải sau 11 ngày, hai bên mới thông qua thỏa thuận ngừng bắn.
Ngày 16/6 Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu hội đàm trực tiếp tại Geneva, Thụy Sĩ nhằm tìm hiểu rõ hơn lợi ích mỗi bên và thiết lập "lằn ranh đỏ" để ổn định quan hệ song phương, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga ngày càng xấu đi. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Nga và phương Tây, xung quanh việc Nga đưa gần 100.000 lính đến biên giới với Ukraine, chưa tìm thấy hướng giải quyết trong năm nay.
Ngày 7/7 Tổng thống Haiti Jovenel Moise bị ám sát ngay tại nhà riêng. Vụ việc khiến đất nước càng chìm sâu vào bạo lực, sự chia rẽ và kinh tế tuột dốc. Nhóm nghi phạm đã bị bắt, bao gồm nhiều lính đánh thuê là cựu quân nhân Colombia.
Ngày 15/8 Taliban chiếm thủ đô Kabul, lật đổ chính quyền Ashraf Ghani do phương Tây hậu thuẫn mà hầu như không gặp phải sự chống cự nào. Nhiều người lo ngại chính quyền Taliban, từng nổi tiếng với việc áp đặt luật Hồi giáo hà khắc, có nguy cơ gây ra khủng hoảng nhân đạo, khiến các phần tử cực đoan trỗi dậy và gây bất ổn cho khu vực.
Ngày 31/8 Quân đội Mỹ tuyên bố hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan, chấm dứt 20 năm can thiệp quân sự ở đất nước Nam Á. Cuộc chiến bắt đầu và kết thúc với lực lượng Hồi giáo Taliban nắm quyền, bất chấp hàng tỷ USD Mỹ đã chi để cố gắng tái thiết đất nước chìm trong xung đột.
Ngày 15/9 Mỹ, Anh và Australia ra thông báo chính thức về thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên - AUKUS. Đây là bước chuyển to lớn về chiến lược và chính sách trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà mục đích chủ yếu để đối phó với Trung Quốc. Các trung tâm quyền lực đều đang tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự, khiến nguy cơ xung đột vũ trang gia tăng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
31/10 -12/11 Hàng trăm nhà lãnh đạo thế giới tham gia Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 diễn ra tại Glasgow (Anh). Hội nghị kết thúc với gần 200 quốc gia đồng thuận Hiệp ước Khí hậu Glasgow, tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C và hoàn thiện các phần chưa được thống nhất của Thỏa thuận Paris.
8-11/11 Kỳ họp thứ 6 Đại hội 19 Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc. Qua sự kiện này, ông Tập Cận Bình được nâng tầm vị thế ngang hàng các lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình trong lịch sử đảng. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng được đặt vào trung tâm hạt nhân của Ban Chấp hành Trung ương và toàn đảng, vai trò gắn liền với kỷ nguyên phát triển mới của đảng và Trung Quốc.
Ngày 2/12 Sau 16 năm giữ chức thủ tướng Đức và cũng là nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu, bà Angela Merkel chuyển giao trọng trách cho ông Olaf Scholz và rời nhiệm sở với buổi đại quân lễ - nghi lễ trang trọng nhất dành cho một nhân vật dân sự.
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron những ngày cuối năm 2021 cho thấy đại dịch vẫn chưa thể kết thúc trong năm 2022 vì những thách thức tồn đọng về bất bình đẳng vaccine. Dẫu vậy, các chuyên gia kỳ vọng tình hình sẽ chuyển biến tích cực hơn, khi thế giới đã hiểu rõ hơn về đại dịch, cũng như có vũ khí cần thiết để chiến đấu với virus corona.

No comments:

Post a Comment