Thursday, January 27, 2022

NGÀY XUÂN ĐỌC LẠI MỘT CHUYỆN BUỒN

Cách đây gần 40 năm, vào ngày 17.7.1980 tại con đường mòn mang tên Cirus Road, thuộc vùng East Hills - một tai nạn xe hơi thương tâm đã làm thiệt mạng một thanh niên Việt Nam lúc ấy mới 24 tuổi, và làm bị thương một người khác - khi cả hai đang trên đường từ khu tạm trú dành cho người tị nạn mới tới, lội bộ ra ga xe lửa để đến chỗ làm.

Đó là anh Mai Hữu Trí, một cựu sinh viên Phú Thọ, người mới vượt thoát khỏi Việt Nam trên một chuyến đi sinh tử, khi ghe của anh phải hỗn chiến với hải tặc, rồi sau đó lênh đênh đói khát suốt 23 ngày trên biển, và cuối cùng vận may đã mỉm cười với anh khi tàu dầu Anh quốc mang tên Entalina cứu vớt họ và đem đến gửi tại vùng Bắc Úc.

Sau một vài tháng ở trại kiểm dịch, vì có người chị ở Mỹ nên anh Trí đã được chuyển đến East Hills Hostel để chờ thủ tục bảo lãnh. Trong thời gian này, một người em của anh là Mai Thanh Trác đã vượt biên đường bộ và đến trại Sikiew, Thái Lan. Cuộc sống của Trác ở các trại cấm vùng biên giới rất khổ sở, thiếu thốn, và triển vọng được nhận đi định cư rất mù mờ, nhưng cả hai anh em đều mừng vui vì đã đến được bến bờ mong ước.

Thông hiểu hoàn cảnh cực khổ của em, nhưng vì là người chờ đi Mỹ nên Trí không nhận được bất cứ một sự trợ giúp tài chánh nào từ Bộ Xã Hội Úc, ngoại trừ hội từ thiện St Vincent De Paul mỗi tuần cho năm đồng để xài vặt và tem gửi thư cho thân nhân. Lúc ấy công việc rất nhiều, nên Trí đã đi làm tại một hãng sơn để mong có tiền gửi giúp cho người em thân yêu của mình - và không ngờ định mệnh éo le đã xảy ra, kết liễu cuộc đời đang tràn đầy hy vọng về ngày đoàn tụ của anh.

Vào lúc 5g45 sáng, khi khu East Hills Hostel ẩn chìm trong sương mù và giá lạnh, Trí và Minh, hai người bạn cùng tàu đang rảo bước trên con đường mòn từ chỗ ở dẫn ra ga xe lửa, thì một chiếc xe hơi đổ dốc, lại chạy với vận tốc khá nhanh tông phải. Hai người đều bị đụng, nhưng Minh nhờ kịp nhảy vào phía trong nên chỉ bị thương nhẹ, trong khi Trí bị hất văng ra giữa lộ và chết trên đường xe cứu thương chở tới bệnh viện!

Buổi sáng mùa đông hôm ấy, sương mù đậm đặc phủ chụp trong vùng nhiều cây cối của khu chung cư tị nạn, khiến ánh đèn xe bị che khuất và tầm nhìn giới hạn, khiến người lái xe lẫn kẻ bộ hành khó mà nhận diện được cảnh vật cách xa mình chỉ một vài thước!

Vì không có bất cứ thân nhân nào ở Úc, xác của anh Mai Hữu Trí đã được hội St Vincent De Paul chôn cất theo diện "không thân nhân" tại khu nghĩa trang Công Giáo ở Rookwood, Lidcombe ngày 25 tháng 7 năm 1980 - trong một tang lễ do Linh mục Mark Trần An Thạt cử hành, với sự tham dự của vài chục người đi cùng chuyến tàu với anh.

Câu chuyện đến đây tưởng đã chìm dần vào quên lãng, nhưng vào tuần qua (năm 2006), người em ruột của anh Trí là Mai Thanh Trác hiện đang định cư tại Hoa Kỳ đã tìm đến Úc, với hy vọng sẽ tìm được mộ anh mình và hỏa táng đem về lại Việt Nam, để anh được gần gũi với những người thân trong gia tộc.

Với một vài chi tiết có được trong tay, anh Trác đã mở đầu cuộc hành trình bằng cách tìm đến những người đã có liên lạc với gia đình anh cách đây 26 năm (để báo về cái chết của anh Mai Hữu Trí), nhưng anh không thể tìm ra ai bởi họ đã không còn ở chỗ cũ. Anh định tìm đến các tờ báo để đăng nhắn tin, nhưng khi đọc báo Văn Nghệ, anh thấy tên một người đã đứng trong tờ cáo phó và cảm tạ thay mặt cho gia đình anh trong tang lễ của Trí, và người đó hiện là chủ nhiệm của tờ báo này. Và câu chuyện buồn cách đây 26 năm của gia đình anh đã được lần mở...

Thế nhưng mọi chuyện lại càng trở nên bế tắc và phức tạp hơn khi anh liên lạc với Ban giám đốc Nghĩa trang Công giáo ở Rookwood để xin bốc mộ. Anh Trác không ngại tốn kém, nhưng phần mộ của anh Trí đã có một người Úc chôn chồng lên trên, trong khu đất dành cho những người không thân nhân (hay chưa tìm ra thân nhân). Nếu muốn bốc mộ, phải được sự ưng thuận của gia đình người nằm chung mộ, nhưng chi tiết cá nhân về người này thì hội St Vincent De Paul lại không có quyền tiết lộ!

Trước đó anh Trác đã đến một công ty mai táng và nhờ họ lo thủ tục bốc mộ, và chi phí lên tới trên 20 ngàn Úc kim, bao gồm: $6.859 tiền chôn lại cho người nằm chung mộ, 2 khoản tiền để có 2 giấy phép bốc mộ (một cho anh Trí, và một cho người Úc kia) đóng cho Health Department (bộ phận kiểm dịch) mỗi khoản $7,000, và $4,200 để hỏa táng hài cốt anh Trí và xin giấy phép đem ra khỏi Úc..
.
Anh Trác đã đồng ý với tất cả các khoản kể trên, kể cả việc trả lại chi phí mà Hội St Vincent De Paul đã bỏ ra cách đây 26 năm để mai táng cho anh Trí, nhưng vẫn không được chấp nhận - bởi đó là luật đã được Hội này minh định.

Quá thất vọng, anh Trác xin số mộ và khu nghĩa trang để đến thăm nơi an nghỉ của người thân - nhưng lạ lùng thay cả mấy tiếng đồng hồ quanh quẩn anh vẫn không tìm ra ngôi mộ ấy! Khi chán nản định bỏ về, thì anh lại thấy bia mộ của Mai Hữu Trí nằm sát ngay chỗ xe đậu, nơi rất dễ nhìn thấy và chẳng cần tìm đâu xa!

Tâm sự với báo Văn Nghệ, anh Trác nói:

-Thấy anh mình bị một ông Úc nằm đè lên trên suốt mấy chục năm, tội quá! Muốn bốc anh ấy lên ngay mà cũng không được! Số phận anh ấy trớ trêu quá!

Anh Trác cho biết, khi tới Úc anh đã lần mò đến tất cả các nơi có liên quan đến cái chết, và những ngày tháng sống tại đây tại của anh mình. Anh đã thu nhận được rất nhiều giấy tờ và bút tích, từ cái thẻ được cấp tạm từ Bộ Di Trú đến chứng từ gửi tiền từ ngân hàng Westpac. Anh Trác thổ lộ:

-Cầm cái giấy biên lai gửi tiền của anh Trí, gửi sang Thái Lan, mà tôi không cầm được nước mắt! Số tiền ấy chỉ 20 đồng, cộng với lệ phí ngân hàng $1.50 là $21.50, nhưng vào thời điểm cách đây 26 năm ở bên trại cấm Thái Lan thì số tiền ấy rất lớn, có thể cho cá nhân tôi sinh sống cả tháng!

Anh Trác cho biết thêm, điều cay đắng là số tiền ấy anh chẳng nhận được, và có lẽ đã rơi vào tay bọn chủ trại bên Thái! Và điều ngậm ngùi ray rứt hơn nữa là Trác luôn có sự ám ảnh là chính vì mình mà anh mình mất mạng:

-Nếu tôi chưa vượt thoát được đến Thái, và nếu tôi không kể khổ về tình trạng ở trại cấm, thì có lẽ anh Trí đã không đi tìm việc làm, để rồi bị xe đụng chết!

Đó chính là lý do mà anh Trác sau 26 năm định cư tại Minnesota đã lặn lội tìm đến tận nơi chôn cất anh mình ở Sydney, với hy vọng sẽ đưa anh mình về lại với gia đình - nơi mà anh đã sinh ra, lớn lên và phải bỏ ra đi. Anh Trác nói:

-Cái mong muốn là thế, nhưng cái quan trọng hơn là gia đình tôi muốn đến để ngỏ lời cảm ơn những người bạn đã lo lắng cho anh Trí, trong những giờ phút mà anh cô đơn và hiu quạnh nhất trong cuộc đời!

Lúc ấy anh Trí không là thường trú nhân ở Úc, nhưng các hãng xưởng thiếu người vẫn nhận, và lương lúc ấy chỉ khoảng 150 đôla một tuần, nhưng vì nhu cầu không nhiều nên ai nấy đều có tiền dư, và số tiền dư ấy thường là để gửi hết về Việt Nam giúp đỡ gia đình. Điều đáng tiếc là không ai trong gia đình anh Trí lúc ấy đứng ra kiện để lấy bồi thường, bởi đến nay thời hạn cho phép ấy đã hết quá lâu rồi!

Khi nói về chuyện này, anh Trác tâm sự:

-Mình không nghĩ tới chuyện ấy, và giả sử nếu có tiền bồi thường thì gia đình cũng tặng cho hội từ thiện để cứu giúp những người khác. Gia đình tôi chịu ơn huệ của nhiều người lắm, nên lúc nào cũng muốn làm một việc gì đó để đền đáp.

Sau đó anh Mai Thanh Trác đã trở lại East Hills Hostel để tìm lại nơi đã xảy ra tai nạn. Khu chung cư dành cho người tị nạn (một thời sau này dành làm nơi trú ngụ cho quân đội) nay đã được phá bỏ, và thay vào đó là những căn nhà nguy nga mới mẻ. Cảnh quang đã bị thay đổi hoàn toàn, khiến người đã từng cư ngụ ở đây vẫn không thể nào tìm lại được con đường mòn cũ, nơi dẫn ra chiếc cầu gỗ để sang ga xe lửa East Hills. Và cũng trong lúc tràn trề thất vọng thì Trác lại vô tình nhìn thấy tên đường Cirus Road, dù xe đã quành qua quành lại đường này đến mấy lần. Khu này bây giờ toàn nhà sang trọng, và tên đường thì chập chùng do có quá nhiều đường mới. Cây cầu gỗ ọp ẹp bắc qua bên kia sông nơi có nhiều người ngồi câu cá cũng không còn nữa, mà thay vào đó là một cây cầu sắt vững chắc sơn mầu nhà binh.

Khúc đường quanh và dốc, nơi xảy ra tai nạn vẫn còn, nhưng khu rừng chung quanh đã bị đốn trụi. Đưa tay chỉ vào khu rừng nhỏ còn lại, Chủ nhiệm báo Văn Nghệ nói:

-Hôm anh Trí chết, tụi tôi đã vào khu này để tìm hoa rừng, kết thành một vòng hoa, đi xin miếng vải trắng và viết lên hàng chữ "Đại gia đình tàu Entalina vô cùng thương tiếc anh Mai Hữu Trí". Và đó là cái vòng hoa duy nhất có trong tang lễ và sau đó được đặt lên mộ của anh Trí!

Anh Trác đã quay rất cặn kẽ những hình ảnh này để mang về Hoa Kỳ và Việt Nam, để cho những người thân trong gia đình xem. Anh nói:

-Thay mặt gia đình, tôi xin cảm ơn tất cả những ông bà, anh chị em trong chuyến tàu Entalina. Tuy việc bốc mộ anh Trí không thành công, nhưng tôi nghĩ anh Trí lại vẫn còn các anh chị, những người đã đồng cam cộng khổ trong suốt chặng đường gian nan trên biển cả, và những ngày đầu bơ vơ nơi xứ lạ quê người. Linh mục Mai Thanh Trường là anh của chúng tôi ở Xuân Lộc lúc nào cũng dâng lời cầu bình an đến cho tất cả quý vị...

Đúng như lời anh Trác nói, chuyến vượt biển "tìm cái sống trong cái chết" của anh Trí hồi đó đã được báo chí viết rất nhiều, bởi 152 người trên ghe vượt biển này đã phải hỗn chiến với hải tặc - khi hải tặc cướp và đụng chìm ghe của họ. Những người trèo qua được thuyền hải tặc đã chiến đấu bằng chính mạng sống của họ, lấy được tàu nhưng lại không biết sử dụng khiến tàu chết máy và lênh đênh trên biển suốt 23 ngày. Đến lúc tuyệt vọng nhất, và đã có người chết vì đói khát thì họ lại được tàu dầu vớt và đem vào Bắc Úc. Trong số 4 người thiệt mạng trên biển, gồm 3 người trong cuộc dành lại sự sống nơi hải tặc, 1 người vì yếu đói, và cái chết đầu tiên khi đến được bến bờ là của anh Mai Hữu Trí, khiến những người đồng hành cùng anh rất cay đắng và tiếc thương!

Câu chuyện của 26 năm trước, nếu không có sự trở lại dò tìm của anh Mai Thanh Trác thì chắc chắn nó đã được chôn vùi, như thân xác của anh Trí đã được chôn vùi dưới 3 thước đất. Cuộc đời tưởng dài, nhưng lại quá ngắn, trái đất tưởng xa, nhưng lại quá gần! Nếu ai có dịp đưa tiễn người thân hay bạn bè của mình, xin hãy nhìn lại những khu nghĩa trang, nơi hiu quạnh và lẻ loi khi xưa mà nay đã có cả một cộng đồng khá đông đảo, của những người phải bỏ nước ra đi! Điều ấy nghĩ thật ngậm ngùi!

*Nguyễn Vy Túy
(viết để tưởng nhớ anh Mai Hữu Trí - 2006)

No comments:

Post a Comment