Wednesday, December 15, 2021

Từ Sài Gòn Đến Hoa Lệ Ước

10/12/2021
Trần C. Trí
Trong những năm cuối cùng của miền Nam tự do, tôi hãy còn là một cậu bé tuổi vừa lớn. Ngay từ lúc đó, tôi đã nghe ba tôi nhiều lần nhắc đến thành ngữ “Giấc Mộng Hoa Kỳ”. Ông giải thích cho tôi biết thành ngữ đó ngụ ý gì, và bảo rằng có một tác giả người Mỹ đã dùng nó lần đầu trong một cuốn sách xuất bản trong thập niên 30. Chính ba tôi lúc ấy cũng đang nuôi giấc mộng đó. Một hôm ông về nhà khoe với má tôi rằng, sau một thời gian âm thầm nộp đơn xin đi tu nghiệp quân sự ở Mỹ, ba tôi đã được cấp trên chấp thuận. Trái với sự hào hứng của ba, má tôi chỉ tiếp nhận cái tin vui đó một cách lạnh nhạt.

– Anh đi Mỹ rồi vợ con ở nhà biết làm gì đây? —Má tôi buông thõng một câu làm ba cụt hứng.

Dường như sau đó ba tôi có cố gắng thuyết phục má nhiều lần, nhưng không thành công. Rốt cuộc, giấc mộng Hoa Kỳ của ba cũng chỉ là... giấc mộng. Trong khi đó, chung quanh gia đình tôi, có nhiều đồng nghiệp của ba đã được đi Mỹ, hay các anh chị tôi có vài người bạn du học bên đó, gần như là cả một phong trào hết sức rộn ràng trong giai đoạn cuộc chiến đang ở cảnh dầu sôi lửa bỏng.

Giấc mộng Hoa Kỳ của tôi, trái lại, chỉ bắt đầu sau khi miền Nam rơi vào tay những người cộng sản. Tôi học xong những năm cuối của bậc trung học, rồi vào đại học, trong lớp nào cũng phải nghe những luận điệu tuyên truyền sặc mùi vô sản. Bạn bè, người quen trong thành phố dần dần thi nhau vượt biên. Rồi những cánh thư, những bức hình màu từ bên kia đại dương được gởi về, nội dung thật tương phản với cuộc sống ngột ngạt của người dân miền Nam dưới chế độ hà khắc mới.

Tổng cộng, tôi kẹt lại trong nước mất mười một năm trời. Trong suốt thời gian đó, giấc mộng Hoa Kỳ lúc nào cũng mãnh liệt trong tôi. Mỗi lần nhìn ra biển cả xa xa, tôi mơ màng nghĩ đến một ngày được vượt sóng trùng dương, đến bến bờ bên kia, được hít thở không khí tự do, được tiếp tục học hành đến nơi đến chốn, và nhất là được... xem những cuốn phim Mỹ của thủ đô điện ảnh Hollywood, vì tôi vốn mê nghệ thuật thứ bảy, hay nói theo chữ lóng mà bây giờ người Mỹ hay dùng, tôi là một “movie buff”!

Lúc còn trong nước, mỗi lần nghĩ đến nước Mỹ, đến những cuốn phim Mỹ mà tôi không được xem, nỗi khắc khoải càng lúc càng tràn ngập trong tôi. Đã vậy, những cuốn phim ngớ ngẩn của miền Bắc, của “phe xã hội chủ nghĩa” lại càng như trêu ngươi một kẻ mê phim ảnh như tôi. Chắc phần lớn chúng ta không thể nào quên được cuốn phim có tựa đề ngô nghê như “Năm Người Từ Trên Trời Rơi Xuống”, “Trẻ Mãi Không Già”, hay “Rút-Xơ-Lan Lút-Mi-La”, vân vân và vân vân. Càng đi xem những cuốn phim tệ hại đó, lại còn phải nghe phần “thuyết minh” bằng tiếng Việt (chắc vì nhà nước cộng sản sợ nhân dân không biết đọc phụ đề!), tôi lại càng đau khổ, càng mơ màng đến những cuốn phim bên trời xa thăm thẳm đó. Tôi không biết bây giờ bên Mỹ, bên Tây có thêm những tài tử mới nào, ngoài những người mà tôi biết được từ hồi trước. Càng nghĩ ngợi, càng tưởng tượng, tôi càng thấy buồn thấm thía.

Tôi mê xi-nê từ nhỏ. Ngày đó, mỗi lần được đi coi phim đối với tôi là cả một sự kiện lớn lao. Ba má tôi hiếm khi cho chúng tôi đi xi-nê ở rạp. Một trong những cuốn phim Việt Nam mà tôi còn nhớ đã được coi hồi nhỏ là cuốn phim đen trắng “Đôi Mắt Người Xưa” do cô Thanh Nga thủ vai chính. Trong lúc đó, trong cư xá sĩ quan nơi gia đình tôi cư ngụ, thỉnh thoảng có ông thiếu tá này hay ông đại uý nọ thường mượn máy chiếu phim của đơn vị về chiếu ngoài trời cho lũ trẻ trong xóm chúng tôi thưởng thức. Những cuốn phim đó không nhiều, thường là do Bộ Thông Tin & Chiêu Hồi sản xuất theo đơn đặt hàng của cục chiến tranh tâm lý thời đó. Phim thường nói về những cái ác của lính việt cộng và kêu gọi những kẻ lầm đường lạc lối đó hãy mau trở về với chánh nghĩa quốc gia. Hay có phim ca ngợi nét hào hùng của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, cùng nỗi niềm của người vợ lính có chồng đang xông pha nơi trận mạc, chưa biết ngày nào trở về đoàn tụ với gia đình. Có vài cuốn phim đó thôi, được chiếu đi chiếu lại hoài mà lũ nhỏ chúng tôi không bao giờ thấy chán.

Một trong những cuốn phim đó, tôi không bao giờ quên được, là cuốn “Tiếng Hát Đêm Khuya”, do nữ ca sĩ Phương Dung và nam tài tử Huy Cường đóng. Trong phim, cô Phương Dung đóng vai người vợ có người yêu là chú Huy Cường làm sĩ quan trong quân đội, phải đi tác chiến xa nhà. Tôi còn nhớ cảnh nhân vật nam về thăm nhà, gặp nhân vật nữ. Hai người đi sóng đôi, chuyện trò với nhau trong một đêm tối. Hay cảnh cô đang ngồi trang điểm trước bàn phấn, có cô người làm bước vào, đưa cho cô một lá thư và nói: “Thưa cô, cô có cái thơ!”. Hoặc cảnh nhân vật nữ ra tiền đồn để uỷ lạo chiến sĩ, thấy các anh có vẻ lơ là trong công tác, cô đứng lên gay gắt tỏ ý không hài lòng với điều mà cô cho là sự thiếu sót của các anh về tinh thần chiến đấu chống cộng để bảo vệ miền Nam tự do. Còn nhiều, còn nhiều phân cảnh trong phim mà tôi vẫn nhớ mãi như thế nữa.

Qua cuốn phim này, tôi còn thưởng thức được nhiều nhạc phẩm do chính cô Phương Dung trình bày. Những lời ca trong các bản nhạc ấy vẫn còn đọng mãi trong ký ức của tôi. Nào là “Ngày anh xa vắng, em không trang điểm đợi chờ...”, “Xuyên lá cành trang qua lều vải, lòng đất ấm xui tình đôi mươi...”, hay “Trời hôm nay thanh thanh gió đưa cành mơn man tà áo...”, “Anh về với em rồi mai lại đi, đường xa mang theo bao nhiêu tình ý...”, và “Không bao giờ, không bao giờ ân tình lại vỡ đôi...” Phim “Tiếng Hát Đêm Khuya” được chiếu đi chiếu lại hoài trong xóm tôi, vào những đêm trời trăng thanh gió mát. Quen đến nỗi bọn trẻ chúng tôi gọi nó một cách thân mật là “Phim Phương Dung”! Cứ dăm tháng, lại có một đêm chúng tôi thấy mấy anh lính trẻ của một đơn vị nào đó lúi húi dựng cái chân màn ảnh và bày bàn ra, để cái máy chiếu phim lên trên. Thế là lũ chúng tôi lập tức kháo nhau “Tối nay có phim Phương Dung, tụi bây ơi!” Rồi chúng tôi ăn vội vàng cho xong bữa tối, đoạn lễ mễ mang ghế ra tranh nhau chỗ ngồi gần màn ảnh nhất, hồi hộp chờ đợi. Các phân cảnh trong phim, những lời đối thoại của các nhân vật, nhất nhất chúng tôi đều biết trước. Nhưng không vì thế mà chúng tôi mất đi nỗi say sưa, niềm háo hức theo dõi cuốn phim đến lúc chữ HẾT hiện ra trên màn ảnh, mới luyến tiếc đứng lên, vác ghế về nhà, trong lòng vẫn lâng lâng sung sướng cho mãi đến hôm sau…

Một “ân nhân” khác của tôi trong “địa hạt” phim ảnh là anh Nho, người anh chú bác của tôi. Anh Nho là lính trong quân đội, chắc lúc đó anh chỉ là hạ sĩ hay trung sĩ gì đó thôi. Gia đình anh ở tận ngoài Đà Nẵng nên mỗi lần về phép anh thường ghé nhà tôi hơn là về miền Trung. Cả nhà tôi đều quý anh vì anh hiền lành, tính tình dễ dãi, xuề xoà. Lần nào về ở lại nhà chúng tôi vài ngày, thế nào anh Nho cũng dẫn tôi đi xi-nê. Trong nhà, có lẽ tôi là người hằng mong anh Nho về phép hơn ai hết. Nhờ có anh Nho, tôi được dịp xem nhiều phim hay, nhất là phim kiếm hiệp tàu. Lúc nào ngồi bên anh Nho trong rạp, náo nức chờ phim bắt đầu, tôi cũng thấy xao xuyến trong lòng, tự hỏi có thật là mình đang được ngồi trong rạp để chờ coi phim hay không. Thời gian đó là lúc tôi được thưởng thức những kiệt tác võ hiệp của điện ảnh Hồng Kông như “Thập Tam Thái Bảo”, “Thập Tứ Nữ Anh Hào”, “Nữ Hiệp Hắc Hồ Điệp”, “Mãnh Long Quá Giang”, Đường Sơn Đại Huynh”… Tôi thuộc nằm lòng tên các nam nữ tài tử màn bạc như Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Lý Tiểu Long, Trần Quang Thái, Địch Long, La Liệt, Trịnh Phối Phối, Lý Thanh, Lăng Ba, Miêu Khả Tú…

Ngày đó, rạp chiếu bóng nào cũng có một cái bảng to tướng đằng trước, chạy suốt theo chiều ngang của rạp, vẽ những cảnh hấp dẫn trong phim đang trình chiếu bằng những nét hết sức điêu luyện của các hoạ sĩ tài ba chuyên vẽ hình cho rạp hát, khiến ai đi ngang qua rạp cũng phải thấy động lòng, không mua vé vào coi chắc chịu không nổi! Ngày nay, các rạp chiếu phim không còn những tấm bảng đó nữa. Những ai mê phim ảnh như tôi chắc đều ngậm ngùi nhớ lại nét đẹp văn hoá đó của một ngày xưa không còn tìm đâu thấy.

Lớn lên một chút, vào trung học, tôi đã có thể đi coi xi-nê với bạn bè mà không cần phải đợi có người lớn nào dắt đi. Thời kỳ đó cũng là lúc nền điện ảnh nước nhà đang nở rộ, tôi lần lượt xem các phim “Chân Trời Tím”, “Người Tình Không Chân Dung”, “Trường Tôi”, “Nhà Tôi”, “Hè Muộn”, “Năm Vua Hề Về Làng”, “Tứ Quái Sài Gòn”, “Chiếc Bóng Bên Đường”, “Biển Động”… Ôi thôi, kể sao cho xiết! Tự hồi nào không biết, tôi bắt đầu sưu tập các tờ chương trình của những cuốn phim mình đã xem qua. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường ngồi hàng giờ, xếp đi xếp lại các tờ chương trình thú vị đó, phim Tàu theo phim Tàu, Phim Việt theo phim Việt, phim Tây theo phim Tây… Phim nào tôi đi coi mà không xin được tờ chương trình vì đã hết, tôi cứ tiếc hùi hụi.

Lúc này tôi đã có một kẻ đồng điệu mê phim ảnh như mình là Thảo, bạn học của tôi từ tiểu học, thường cúp cua đi coi phim với tôi. Đây là thời gian tôi làm quen với phim phương Tây, hoặc là phim Pháp, hoặc là phim Mỹ nhưng chuyển âm qua tiếng Pháp. Tuổi mới lớn của chúng tôi được làn gió hương xa của những nền điện ảnh tân tiến từ phương tây phả vào, làm chúng tôi choáng váng, ngất ngây. Tiếng Pháp là sinh ngữ phụ của tôi ở trường, nhưng nhờ đi coi các phim Pháp, hay phim Mỹ dịch qua tiếng Pháp, mà tôi được học thêm ngữ vựng rất nhiều. Đặc biệt, tôi phục lăn các nhà nhập cảng phim Pháp vào Việt Nam đã dịch những tựa đề bằng một thứ tiếng Việt vô cùng phóng khoáng và lôi cuốn, nghe còn hấp dẫn hơn là tựa đề trong nguyên bản nữa. Những “dịch giả” tài hoa ấy lắm khi không cần phải dịch nữa, mà chỉ cần dựa vào nội dung phim để đặt ra những tựa đề bay bướm bằng tiếng Việt mà hơn nửa thế kỷ sau vẫn còn có người nhớ! Ví dụ như phim “Tu Peux ou Tu Peux Pas” được dịch là “Thử Lửa Với Tình”, “Meurtres au Soleil” (từ phim Mỹ “The Summertime Killer”) là “Tình Thù Rực Nắng”, “Belle de Jour” là “Gái Ngoan”, “La Fille de Ryan” (từ phim Mỹ “Ryan’s Daughter”) là “Tình Chàng Mãi Mãi”, “La Nuit Américaine” (từ phim Mỹ “Day for Night”) được dịch là “Lấy Đêm Làm Ngày”, “Au Risque de se Perdre” (từ phim Mỹ “The Nun’s Story”) là “Nợ Trần Chưa Dứt”, “La Mélodie du Bonheur” (từ phim Mỹ “The Sound of Music”) là “Luỵ Tình Chưa Dứt”, “Sur un Arbre Perché” là “Lơ Lửng Trên Cành”… chắc tôi phải viết riêng một bài về phim Pháp/Mỹ mới đủ chỗ để liệt kê hết những cuốn phim mình đã xem thời đó!

Ngoài việc rủ nhau cúp cua đi xi-nê, Thảo và tôi đôi lúc còn “xé rào” đi coi những phim cấm trẻ em dưới 18 tuổi (không hiểu sao chúng tôi lại mua vé được!). Hai “trẻ em” hư đốn này không có nhiều tiền nên chỉ mua nổi loại vé cá kèo hạng ba, ngồi sát màn ảnh, tha hồ thưởng thức hết những cảnh ướt át trong phim. Khi ngồi cạnh nhau trong lớp học, thay vì để ý đến lời thầy giảng, chúng tôi lại bày ra một trò chơi điện ảnh thú vị: Trong vòng năm phút, chúng tôi thi nhau viết xuống giấy xem đứa nào nhớ được nhiều tên tài tử Pháp Mỹ nhất! Thế là đứa nào đứa nấy thi nhau ghi xuống hàng loạt tên của các minh tinh điện ảnh thời đó. Về nam tài tử thì có Alain Delon, Steve McQueen, Jean-Paul Belmondo, Marc Porel, Mark Lester, Christopher Plummer, Christopher Lee, Clint Eastwood, Jean-Louis Trintignant, Louis de Funès… Về nữ tài tử thì có Catherine Deneuve, Jacqueline Bisset, Olivia Hussey, Brigitte Bardot, Claudia Cardinale, Sophia Loren, Raquel Welch, Annie Giradot, Sarah Miles, Audrey Hepburn, Simone Signoret, Ali McGraw… hai danh sách này cũng sẽ kéo dài nhiều lắm nếu tôi chịu khó ngồi nặn óc nhớ thêm nữa.

Những năm tháng tươi đẹp cuối cùng của miền Nam thanh bình qua nhanh như những tờ lịch mỏng manh còn sót lại trên tấm lịch buồn bã. Tôi còn nhớ cuốn phim cuối cùng coi ở rạp Rex trước khi cộng quân tiến vào chiếm Sài Gòn là “Nàng Đẹp Và Chàng Lang Thang”, tựa đề dịch thật dễ thương từ tiếng Pháp “La Belle et le Clochard” (từ nguyên bản tiếng Anh “Lady and the Tramp”), một tuyệt phẩm hoạt hoạ của hãng Disney mà phân cảnh mấy mươi năm sau tôi vẫn nhớ là Nàng Đẹp cùng Chàng Lang Thang ăn chung một sợi spaghetti từ hai đầu để cuối cùng chụm môi vào với nhau hết sức tình tứ…

***
Tôi đến Mỹ vào cuối thập niên 80. Sau khi mọi thứ tạm ổn định: có chỗ ở, tập lái xe, kiếm việc làm, xin đi học lại… tôi bắt đầu hâm nóng đam mê điện ảnh của mình. Mới qua, tôi còn ít đi đến rạp để xem phim, vì lúc đó ai cũng có thể thuê băng video về nhà thưởng thức. Tôi cảm thấy choáng ngợp với nền điện ảnh Mỹ vì đã bị thụt lùi hơn một thập niên qua. Có bao nhiêu phim Mỹ đã ra đời trong khoảng thời gian đó? Có những tên tuổi màn bạc mới nào tôi chưa biết? Những người tôi đã biết có còn đóng phim không? Xem phim Mỹ không có phụ đề có nghe nổi hết tiếng Anh không? Thắc mắc lớn nhất của tôi là, nếu chưa hết đối thoại trong phim thì làm thế nào có thể biết được tài tử đó đóng hay hay dở, diễn tả có đúng tâm trạng của vai trò hay không…

Một trong những việc đầu tiên tôi làm là tìm những phim nổi tiếng mà hồi còn ở Việt Nam tôi không được coi, ví dụ như phim “Gone With The Wind”. Đến đây, cũng cần phải mở ngoặc để ca tụng tài dịch thuật của các “dịch giả điện ảnh” của Việt Nam thời đó một lần nữa đối với cuốn phim này. Tựa đề tiếng Anh trong nguyên tác, chắc quý độc giả cũng đồng ý với tôi, là hết sức tầm thường. Quá khứ phân từ “gone” là từ động từ “to go”, một động từ dùng hằng ngày trên cửa miệng mọi người. Nếu dịch sát tựa đề từ tiếng Anh ra tiếng Việt thì sẽ là “Đi Với Gió”! Tựa đề bằng tiếng Pháp đã khá hơn một chút: “Autant en Emporte le Vent”, đại khái là “gió mang đến đâu thì theo đến đó”, Nhưng qua đến tiếng Việt thì quả là tuyệt vời: “Cuốn Theo Chiều Gió”! Động từ “cuốn” trong tiếng Việt cũng bình thường thôi, nhưng dùng nó để diễn tả chuyển động của cơn gió như một ẩn dụ thì thật là đắc! Nó diễn tả sâu sắc tâm trạng buông xuôi của nhân vật theo dòng đời nghiệt ngã…

Ở Việt Nam thời trước, lỡ dịp coi một cuốn phim nào là gần như đành phải ngậm ngùi tiếc nuối. Hoạ hoằn lắm mới có một hai phim được chiếu lại. Còn ở Mỹ, cuốn phim cũ nào cũng có thể tìm lại được qua các cuốn băng video. Trong những lúc rảnh rỗi, tôi lần lượt xem một số phim đã từng nghe nói đến ở Việt Nam nhưng không được coi vì còn quá nhỏ, hay vì lý do nào đó mà một số phim đang chiếu tôi cũng không có dịp coi. Thôi thì bây giờ tôi tha hồ xem cho mãn nhãn. Nào là Casablanca, Roman Holiday, The Exorcist (cũng được trình chiếu vào những ngày cuối cùng ở Sài Gòn nhưng tôi không dám coi!), Zorba the Greek, Snow White and the Seven Dwarfs, The Bridge on the River Kwai, v.v.

Tôi cũng coi lại phim “The Sound of Music”, lần đầu tiên được nghe tiếng Anh trong nguyên bản và những bài hát quen thuộc chính gốc mà ngày xưa tôi nghe qua tiếng Pháp. Tôi vô cùng thích thú khi nghe Julie Andrews hát bài “Do Re Mi” trong phim có câu “Fa, a long, long way to go…” và so sánh với lời chuyển âm tiếng Pháp là “Fa, c’est facile de chanter…” để thấy thán phục tài chuyển âm của các chuyên viên điện ảnh, nhất là chuyển âm lời ca, vừa khéo léo để giữ ý nghĩa và âm điệu, vừa tài tình sắp xếp chữ nghĩa cho thích hợp với số âm tiết nhất định mà mỗi câu hát chứa đựng.

Khi con gái đầu lòng của vợ chồng chúng tôi chào đời, tôi đã có sẵn một bộ sưu tập băng video hoạt hoạ nho nhỏ dành cho con bé. Con chúng tôi lớn lên trong tình thương tràn đầy của bố mẹ, và trong một khung trời điện ảnh thu nhỏ tuyệt diệu, đúng với cái tên “nghệ thuật thứ bảy” mà thiên hạ ưu ái đặt cho. Thú thật, tôi sưu tầm phim cho con, mà cũng là cho chính mình! Đến khi kỹ thuật LaserDisc ra đời, tôi lại hào hứng chuyển qua mua cho con bé nhiều phim hoạt hoạ Disney mà chúng tôi chưa có dưới dạng băng video. Rồi cơn bão kỹ thuật khác lại kéo đến, những cuốn DVD đầu tiên xuất hiện cũng làm tiêu hao hầu bao của người bố mê phim, không do dự khi mua cho con gái tuổi teen những cuốn phim mà giờ đây đã trở thành loại “classic”, bố con vẫn thường xem đi xem lại hoài không chán: “Madeline” (phim hoạt hoạ lẫn phim người thật), “Jungle to Jungle”, “Big Fat Liar”, “Sister Act”, “Legally Blonde”, “Shallow Hal”, “I’ll Be Home for Christmas”, “Curly Sue”, “Death Becomes Her”… là những cuốn phim ra đời trong khoảng thập niên 90, đến bây giờ vẫn còn nguyên trong tủ sưu tập ở nhà tôi. Những ngày lễ nhàn nhã, con gái tôi đi làm xa về thăm nhà, chúng tôi lại cùng nhau xem vài cuốn phim cũ kể trên, để hâm lại những niềm vui cũ, và để nhớ lại những ngày tháng êm đềm thuở trước.

Danh sách tên tuổi của những tài tử điện ảnh trong đầu tôi bắt đầu dài thêm ra, tỷ lệ thuận với thời gian tôi sống ở Mỹ. Đôi lúc nghĩ lại cũng thấy giật mình, vì thấy thời gian sống ở Mỹ của mình đã dài hơn thời gian sống ở Việt Nam. Có những cái tên trong danh sách của tôi đã bắt đầu nhạt nhoà theo thời gian, phần lớn là tên tài tử Pháp vì ở Mỹ tôi không có dịp xem phim Pháp nhiều, hoặc một số người trong danh sách đó không còn đóng phim hay đã qua đời. Bên cạnh đó, tôi còn yêu những cuốn phim Việt Nam hiếm hoi được thực hiện ở hải ngoại như “Thời Hùng Vương Thứ Mười Tám”, “Vượt Sóng”, “Rồng Xanh”… hay những cuốn phim do Mỹ sản xuất nhưng nói về Việt Nam như “Heaven and Earth”, “The Dear Hunter”, “Indochine”…

Phim ảnh cũng được phổ biến mạnh mẽ qua các hệ thống truyền hình. Song song với kỹ thuật truyền hình càng ngày càng tân tiến (từ trắng đen qua màu, từ analog qua digital, từ 2D qua 3D, từ HD (2K) qua UHD (4K), và bây giờ đến cả 8K; thậm chí kỹ thuật hỗ trợ phẩm chất hình ảnh cũng không ngừng thay đổi: từ LED đến QLED, rồi qua OLED!) các hãng sản xuất ti-vi đua nhau cải tiến sản phẩm của mình, từ ti-vi nhỏ đến loại projection to tướng, rồi từ từ mỏng lại như những bức tranh mà ngày nay nhà nào cũng có. Tôi không bao giờ tưởng tượng được có ngày rạp xi-nê bây giờ đã về đến tận nhà của mình! Chẳng vậy mà từ ngữ “home theater” đã ra đời. Bao giờ cũng vậy, mỗi lần ngồi (hay nằm) thưởng thức một cuốn phim màu sắc rực rỡ, rõ nét trên màn ảnh truyền hình sáu, bảy chục inches, lòng tôi cũng thấy phơi phới một niềm vui tràn trề, một niềm hân hoan lúc nào cũng mới mẻ, và một tấm lòng biết ơn chan chứa đối với tất cả những ai đã góp phần vào kỹ thuật và nghệ thuật điện ảnh lẫn truyền hình. Những người đó đã làm tất cả những ai say mê nghệ thuật thứ bảy như tôi có được những giây phút giải trí nhàn nhã sau một ngày làm việc mệt nhọc.

Tuổi tác và kinh nghiệm sống đã cho tôi thấy rằng khiếu thẩm mỹ của mỗi người (hay dùng chữ tiếng tây tiếng u cho sang là cái “gu”), về mặt phim ảnh nói riêng, cũng thay đổi theo thời gian. Hồi mới qua Mỹ, còn trẻ trung và đầy nhiệt huyết, tôi không ngại tìm đến những cuốn phim mang lại cảm giác mạnh như các loại phim ma quái, phim trinh thám, phim tội phạm… Nhưng ngày tháng qua đi, tuổi đời chồng chất, cảm xúc như chín muồi với thời gian, con người trở nên mềm yếu hơn, cả tôi và vợ tôi bây giờ rất ngại xem những phim chất chứa nhiều nghịch cảnh, nhiều buồn đau, mà quay sang xem những phim hài hước hay tình cảm nhẹ nhàng. Nếu trước đây hai vợ chồng thường say mê các cuốn phim dữ dội của đài Lifetime, thì bây giờ cả hai chúng tôi chỉ muốn thưởng thức những cuốn phim mà chúng tôi gọi đùa là phim “mì ăn liền” của đài Hallmark.

Các cuốn phim của đài này thường theo một công thức na ná nhau: Nàng sống và làm việc ở thành thị, có nghề nghiệp vững chắc, có vị hôn phu bảnh bao. Một hôm nàng có việc phải về một thị trấn nhỏ, tình cờ gặp chàng (thường là va phải nhau, người này làm đổ cà-phê vào áo người kia, hay vô tình vấp vào nhau vào nhau ngoài đường). Rồi lại tình cờ gặp nhau lần nữa, dần dần thấy mến nhau hồi nào không biết. Việc này dẫn đến việc kia, hai người hiểu lầm nhau vì một duyên cớ gì đó nên giận nhau (chỗ này thường xảy ra đúng 15 phút trước khi phim kết thúc!). Về sau gương vỡ lại lành, hai người xin lỗi nhau rối rít. Rồi đùng một cái, vị hôn phu của nàng thấy lâu quá nàng chưa trở lại, mới về tận nơi xem sự thể ra sao. Đến lúc này thì nàng mới thấy ra rằng người nàng yêu thật sự không phải là anh chàng công tử thành thị kia, lúc nào cũng đặt sự nghiệp lên trên tình yêu, lúc nào cũng bận rộn trả lời điện thoại. Còn người nàng vừa quen thật bình dị, tình cảm tràn trề, chăm sóc nàng rất mực. Thế rồi nàng trả lại nhẫn đính hôn cho anh chàng ở thành phố, rồi, trăm phim như một, hai nhân vật chính trao nhau một nụ hôn thật ngọt ngào để kết thúc cuốn phim.

Vợ tôi có một bí quyết xem phim mà cho tới bây giờ tôi vẫn không thể nào hiểu nổi. Cô rất đảm đang, làm hầu hết mọi việc trong nhà (tôi chỉ là thợ vịn!), chẳng bao giờ tôi thấy cô ngồi không mơ mộng hay dán mắt vào cái ti-vi. Nhưng lúc hai vợ chồng cùng mở một phim lên xem với nhau, thì mười lần hết chín lần, cô đều phán một câu xanh dờn:

– Ô, phim này em coi rồi!

– Em coi hồi nào mà bảo rồi? Thử kể cốt truyện anh nghe xem! —Tôi thách thức.

Không đợi tôi nói lần thứ hai, vợ tôi kể vanh vách tình tiết trong phim, xem tới đâu tôi thấy cô kể đúng tới đó. Tôi tức lắm, nhưng chẳng biết làm sao. Có lần, tôi cười nhạt bảo:

– Điệu này hãng Hallmark phải mời em tới trổ tài kể chuyện phim của họ ra, rồi tặng em một cái cúp để ghi công!

Vợ tôi tỉnh bơ, không trả lời trả vốn chi cả. Nhưng cũng có lúc cô bị tổ trác. Số là các nam nữ tài tử “mì ăn liền” của Hallmark quanh đi quẩn lại cũng có bấy nhiêu người, bị xào tới xào lui hết phim này qua phim hát. Cũng có lần một phim vừa bắt đầu, thấy hai nhân vật chính quen thuộc xuất hiện, vợ tôi lại hùng hồn tuyên bố:

– Tưởng phim gì chớ phim này thì em coi mấy lần rồi!

– Vậy thì em tóm tắt truyện phim đi! —Tôi lại sắp cáu.

Lần này, cô trật lất, kể tới đâu sai tới đó. Cô nói một đằng, phim đi một nẻo. Tôi khoái chí cười lên hinh hích.

– Tiểu nhân đắc chí cười ha hả! —Cô buông một câu đầy khinh bạc, quay qua nhắm mắt, không thèm coi phim với tôi nữa.

Hai vợ chồng tôi thường khắc khẩu, chuyện gì cũng có thể ủng oẳng cãi nhau được. Những lúc chúng tôi không cãi không nhất thiết vì đồng ý với nhau, mà nhiều khi chỉ vì mệt quá, không hơi sức đâu mà cãi nữa. Tuy vậy, hai chúng tôi rất tâm đầu ý hợp về chuyện mê coi phim với nhau. Trừ những lần cãi nhau về việc phim nào coi rồi, phim nào chưa coi, hai chúng tôi thường đợi nhau mỗi tối, khi công việc đã xong xuôi, để cùng thưởng thức những cuốn phim mì ăn liền, trong đó chỉ toàn nhân vật đẹp cả người lẫn… y phục, khung cảnh đẹp, đầy màu sắc, tình tiết nhẹ nhàng, chuyện phim lúc nào cũng có hậu. Xem xong phim, chúng tôi đều cảm thấy trong lòng khoan khoái, thơ thới, cùng lúc với cơn buồn ngủ cũng vừa kéo đến. Cả hai dần dần chìm vào giấc ngủ êm ái, mong có một cơn mộng đẹp, và sẵn sàng cho cho một ngày khác sắp bắt đầu…

No comments:

Post a Comment