Wednesday, December 29, 2021

Trịnh Vĩnh Bình - người hạ 'bên thắng cuộc' (kỳ 2)

Tác giả Khánh AnNguồn-VOA Tiếng ViệtNgày đăng: 2021-12-25

Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình (thứ 1, bên phải) và "chú Sáu Khải" - tức cựu Thủ tướng Phan Văn Khải (giữa). Photo: Courtesy Photo
(tiếp theo Kỳ 1)
Với tất cả thiện chí trở về đóng góp xây dựng đất nước, nhưng sau hơn hai thập kỷ bị chính chính quyền tại quê hương “vùi dập” tơi tả, triệu phú Việt kiều Trịnh Vĩnh Bình không khỏi xót xa thừa nhận rằng “có sự kỳ thị” trong cách đối xử của chính quyền Việt Nam đối với “khúc ruột ngàn dặm”, đặc biệt là những người đã rời khỏi đất nước theo diện tị nạn sau biến cố 1975, và rằng ông đã quá chủ quan khi thực hiện cung cách làm ăn “ngược đời” và “đi trước thời đại” tại Việt Nam vào những năm 1990.
Ông chia sẻ với VOA về những “bài học xương máu” dành cho những ai cũng đang ấp ủ giấc mơ như ông ngày xưa: trở về đầu tư để gầy dựng quê hương!
Cưỡi cọp
Bình luận trong bài viết về việc doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình đang chuẩn bị ít nhất là 2 vụ kiện chống lại chính phủ Việt Nam trước toà án quốc tế nếu như quá trình thương lượng giữa hai bên bất thành, nhiều độc giả, thính giả của VOA cho rằng luật pháp quốc tế vẫn công minh hơn, phổ quát hơn khi tôn trọng thỏa thuận giữa 2 quốc gia. Có người nói ông “may mắn” là “nhờ tấm bùa hộ mạng Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Vương quốc Hoà Lan và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Một số người khác còn so sánh ông với trường hợp của Tăng Minh Phụng, doanh nhân đã bị xử tử hình vào năm 2003 với cáo buộc về các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Phản hồi về những bình luận này, Trịnh Vĩnh Bình công nhận ông có ưu thế hơn những người Việt Nam bị mất đất đai hay tài sản khác nhờ tư cách công dân Hoà Lan. Tuy nhiên, ông cho rằng có những yếu tố “khác biệt” giữa ông và Tăng Minh Phụng khi cả hai đều là những “đại gia” đã bỏ tiền mua rất nhiều đất đai vào những năm 1990.
“Về sự khác biệt của Bảy Phụng (Tăng Minh Phụng) làm về địa ốc ở Vũng Tàu thời đó và tôi là Bảy Phụng vay vốn ngân hàng làm địa ốc, còn tôi có bao nhiêu tôi làm bấy nhiêu. Tôi là bỏ tiền túi vào làm”, ông Bình nói với VOA.
Đây là yếu tố vô cùng quan trọng mà ông Trịnh Vĩnh Bình cho rằng nó đã cứu ông không bị rơi vào hoàn cảnh như Tăng Minh Phụng.Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình tại lễ động thổ khách sạn 10 tầng ở Sài Gòn.
Doanh nhân Hoà Lan lưu ý tỷ lệ lãi suất quá cao của các ngân hàng Việt Nam vào thời điểm đó là một rủi ro rất lớn đối với các doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng. Chưa kể, một khi xảy ra tình trạng vỡ nợ, việc kê biên tài sản để “cấn nợ” của các cơ quan nhà nước vào thời điểm này rất “không công bằng”.
Ông nói: “Công chuyện của Bảy Phụng khi bùng nổ, sau này tôi tìm hiểu lại thì tôi biết là nếu ở một sân chơi sòng phẳng, thì chưa chắc Bảy Phụng sa lầy trong vấn đề nợ nần. Là vì trong đánh giá vụ của tôi là tôi đã thấy được là đánh giá của các cơ quan về tài sản, nhiều khi của người ta là 300.000 đô la, nhưng họ đánh giá còn có 50.000 – 70.000 đô la. Cái đó không ai cản được. Việt Nam luật pháp lung tung lắm. Những người bên ngành công an, viện kiểm sát hay gì đó, họ làm việc theo kiểu ‘vua một cõi’. Vùng nào họ tự quyết định lấy, rồi họ câu kết, làm hồ sơ giả… theo ý họ. Tức là họ không có một sân chơi luật pháp nhất định. Do đó, cho tới ngày hôm nay, Việt Nam đừng tuyên bố ra là một nhà nước pháp quyền. Điều đó là không đúng!”
Một điểm khác biệt nữa, vẫn theo lời ông Trịnh Vĩnh Bình, là ông không mua đất đai theo mục đích đầu cơ đất đai, mà chỉ mua để xây dựng các cơ sở cho kế hoạch hợp tác kinh doanh nhằm đưa các kỹ nghệ của châu Âu về “thay máu” tại Việt Nam.
Nhưng dù là với mục đích kinh doanh gì, thì việc doanh nghiệp đầu tư vào một đất nước không có một cơ chế “pháp quyền”, theo doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình, thực sự là một rủi ro rất lớn, có thể khiến họ không những mất mát tài sản mà thậm chí có khi phải đánh đổi cả tính mạng.
… và ‘bài học xương máu’
Nhìn lại hành trình hơn 20 năm trở về Việt Nam đầu tư, khi được hỏi điều gì làm ông hối hận nhất, Trịnh Vĩnh Bình chua xót nói “Việt Nam chưa có đủ nhân tài và người tốt để điều hành đất nước nên chuyện tôi về và gặp nạn là chuyện đương nhiên”.
“Tôi về lúc đó gia đình tôi đã phản đối rồi, và tôi đã cân nhắc cái rủi ro đó rồi. Tôi nghĩ có thể thoát được, có thể thôi, và tôi phải thử thách!”, doanh nhân Hoà Lan gốc Việt cho biết.
Doanh nghiệp người Hoà Lan gốc Việt, như mô tả trong các bài viết trước của VOA về vụ kiện “Trịnh Vĩnh Bình vs. Chính phủ Việt Nam”, là một triệu phú có tiếng ở Hoà Lan thời đó với biệt hiệu “Vua chả giò”. Ông rất tâm huyết với việc trở về quê hương đầu tư, thay vì đem tiền đi kinh doanh ở các quốc gia khác và làm lợi cho họ.
Trong kế hoạch của Trịnh Vĩnh Bình không những ấp ủ giấc mơ kéo các công nghệ tân tiến của châu Âu về Việt Nam, mà còn là những dự án “kiến thiết và làm giàu” cho đất nước như dự án phủ xanh các đồi trọc bằng giống thông Carribean đẹp như mơ mà ông đã bị ấn tượng mạnh trong một lần đi chơi ở Thuỵ Điển, các dự án nuôi trồng và xuất khẩu thuỷ sản để cạnh tranh với thế giới, làm các khu du lịch tầm cỡ để giới thiệu nét đẹp Việt Nam, dự án nạo vét làm sạch sông Thị Vải…
Nhưng hết lần này đến lần khác, doanh nghiệp của ông bị vùi dập tơi tả, khiến những giấc mơ trở nên dang dở…
Ngoài vấn đề về cơ chế, ông Trịnh Vĩnh Bình, sau hơn 20 năm cố công đầu tư tại Việt Nam, ngậm ngùi thừa nhận rằng nhà nước Việt Nam trên thực tế có sự phân biệt đối xử, “kỳ thị” đối với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là những người Việt mang thân phận “tị nạn”.
Ông nói: “Về Việt Nam đầu tư, nếu là thân phận người tị nạn, tôi vẫn cam đoan là dù không có (gì để) kỳ thị thật sự thì cũng bị người ta bịa đặt để kỳ thị để người ta giành phần. Người ta không muốn mình lấn sân”.
Ông cho biết vào thời gian đầu khi ông mới đem tiền và vàng về Việt Nam đầu tư. Thời đó, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp có tầm cỡ như ông.
“Lúc đó anh em Đông Âu cũng chưa về, người Việt trong nước lúc đó cũng chưa có nên con đường của tôi cũng hơi thênh thang. Thành thử lúc đó còn đỡ về vấn đề đó. Nhưng thời bây giờ, công việc thì thấy rõ hơn, nhưng một cái về bản chất chưa thay đổi là sự kỳ thị vẫn còn ngấm ngầm. Đó là sự thật. Nếu chính phủ Việt Nam cho là không có, tôi sẵn sàng đối chứng. Tôi có bằng chứng để đối chứng”.
Chính vì vậy, khi được yêu cầu chia sẻ kinh nghiệm với những Việt kiều có ý định đầu tư tại Việt Nam, doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình nói ngay “Khoan”.
“Thứ nhất, nên chờ một hành lang pháp lý thực sự tốt”, ông Bình nói với VOA, “Không thể nghe nhà nước khuyến khích, hứa hẹn hay thậm chí là trên văn bản. Tôi thấy giữa lời hứa, sự khuyến khích với thực tế nó vận hành ngược. Gần đây nhất như tôi nói vấn đề ở Phú Yên, cả một sự ray rứt. Mình về đóng góp và có công trong ngành, là những con chim về sớm, những đầu tàu làm cho ngành du lịch mũi nhọn mạnh lên. Nhưng họ không giúp đỡ mà tìm cách làm khó. Do đó, tôi nghĩ là khoan, chờ. Chờ thực sự khi nào mình thực sự kiểm tra được”.
“Chính phủ Việt Nam phải có trách nhiệm thấy rằng muốn có một sân chơi bình đẳng, lành mạnh, được mọi giới yên tâm về đầu tư, thì phải xem lại guồng máy của Việt Nam về hành chánh, luật pháp như thế nào. Khi một đất nước chỉ cơ cấu những người làm việc về tư pháp, hành pháp bằng cách là (người của) Đảng, ‘hồng hơn chuyên’ thì muôn đời sẽ không thể nào khá được”.
Chọn trở về, chọn đấu tranh giành lại công bằng qua việc khởi kiện chính phủ Việt Nam ra các toà án quốc tế, chiến thắng của Trịnh Vĩnh Bình trong những năm qua không những giúp phơi bày phần nào những góc tối trên thực tế của các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, mà còn tạo ra một tiền lệ đấu tranh mới cho những “nạn nhân của chế độ”. Doanh nhân gốc Việt cam đoan, với những chuẩn bị sắp tới, ông sẽ buộc chính phủ Việt Nam phải nhìn nhận và sửa chữa sai lầm, không thể cứ “ém” mãi các sai trái khi hội nhập vào sân chơi thế giới.
Mời quý vị đón xem tiếp phần cuối “Trịnh Vĩnh Bình: Tôi sẽ cho Việt Nam thấy ‘để lâu cứt trâu hoá… vàng!”
-----

No comments:

Post a Comment