Monday, October 18, 2021

VIẾT CHO MỘT NGƯỜI MÌNH ĐƯỢC GẶP GẦN 50 NĂM TRƯỚC...

Mình có một ông anh, chơi cũng không thân nhưng quý nhau lắm, dù rất ít gặp. Tuy vậy, anh thường gửi nhiều thông tin về Sài gòn xưa cho mình xem.

Đôi khi cao hứng, anh còn khen mình khi đọc vài status ngẫu hứng viết về thời gian gia đình Thỷ lùn ở Sài Gòn. Thuở ấy, mình mới chập chững đi mẫu giáo, vô lớp học còn ị đùn ra quần nè.

Nhớ hoài lời bình của ổng: “Ê Thỷ Lùn, hổng ngờ mài có trí nhớ tốt đấy... Ráng hồi ức và viết để dành nhé!”

Hôm nay, anh gửi bức hình này cho mình kèm lời nhắn: “Ê! Thỷ... Đệ nhất phu nhân Mai Anh - vợ cố Tổng Thống đệ nhị VNCH Nguyễn Văn Thiệu mới qua đời, hưởng thọ 90 tuổi. Cầu xin linh hồn bà về cõi Thiên Đàng, tận hưởng hồng ân thánh Chúa. R.I.P.” Tin anh viết có bi nhiêu thôi.

Vậy là có 1 khoảng mây ký ức nhẹ trôi trong tim về một kỷ niệm bé bé cùng vị Đệ nhất phu nhân có cuộc sống rất bình dị và thầm lặng, nhưng bà đã khắc trong trái tim non một hình ảnh không phai dù kỷ niệm ấy đã gần tròn ½ thế kỷ.

Trở lại mùa tựu trường năm 1972, lúc đó mình chỉ mới 6 tuổi và được vào lớp 1.

Ngôi trường mình học có tên là tiểu học Phước Bình, hiện nay nó thuộc quận 9, tọa lạc đâu đó trên con đường Đỗ Xuân Hợp thì phải?

Ngày xưa, ba mình vốn là thương phế binh thời đệ nhất VNCH, để ghi nhớ những công lao người lính mất một phần thân thể hay sức khỏe vì cuộc chiến, khi ba xuất ngũ, chánh phủ có cấp cho gia đình 1 căn nhà tại Làng Phế binh Thủ Đức. Hình như làng này có 2 địa danh là Phước Bình và Phước Long. Căn nhà mình cư ngụ thì nằm tại khu Phước Bình, tọa lạc tại đường 5, và nhà có số là 56. Nhà mình dọn ra đó vào tháng 8 năm 1972. 

Khi mẹ vừa sanh nhỏ Trâm, em gái mình chừng 3 tháng.

Vậy là mình đã có kỷ niệm vào lớp 1 ngay tại ngôi trường mới toanh mang tên tiểu học Phước Bình xinh xắn.

Ngày đầu đến trường...
Trong không khí chộn rộn, ngoài tiếng loa hướng dẫn học sinh xếp hàng chào cớ. Hôm ấy, tụi mình còn được nhà trường phát cho mỗi đứa 1 cái bóng bay đủ sắc màu.

Cô giáo dặn, sau màn chào cờ, sân khấu sẽ có 2 anh chị lên đọc lời hiệu triệu tinh thần” tiên học lễ hậu học văn”, kêu gọi các học sinh hãy tham gia rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe giúp cho đất nước sau này. Sau lời hiệu triệu đó, tất cả các học sinh đều hô vang “Xin hứa!” và thả bong bóng lên trời.

Nhưng bất ngờ nhất, trường mình đã đón tiếp một vị khách đến bất ngờ và bà muốn xin vào thăm các học sinh trong vòng mươi phút. Vị khách ấy chính là Phu Nhân Tổng thống mà người miền nam quen gọi là bà Thiệu.

Lý do bà đến thăm trường mình bởi hôm ấy bà Thiệu có chuyến công vụ đến thăm các hoạt động của làng. Sau khi khảo sát trường học chợ, trạm xá, nhà thờ và chùa, cùng các khu nhà ở, bà Thiệu đã đề nghị phải xây thêm một ký nhi viện để nuôi dưỡng các em bé có hoàn cảnh mồ côi cha hoặc mẹ trong chiến tranh. Dự án này do không nằm trong quy hoạch ban đầu nên khởi động xây dựng có muộn hơn.

Đến mùa xuân năm 1973, khu ký nhi viện mới hoàn thành, và nhỏ Trang em gái mình từng được gửi học tại viện ấy.

Hồi ấy, mình chỉ nhớ loáng thoáng ban giám hiệu và các soeur báo tin có Phu nhân tổng thống ghé thăm dự lễ chào cờ. Do người nhỏ bé nhất lớp nên mình ngồi ngay hàng đầu, thấy bà cùng vài người nhẹ nhàng đến cúi đầu chào các thầy cô, sau đó bà nhẹ ngồi xuống ghế chăm chú nhìn hai anh chị học sinh lớp năm đọc lời hiệu triệu.

Khi tiếng hô chấm dứt, bong bóng được thả lên trời. Lúc bấy giờ, thầy hiệu trưởng bước lên sân khấu nói ngắn: 

Thay mặt cho các thầy cô của trường tiểu học Phước Bình. Xin cảm ơn Phu nhân tổng thống đã ghé thăm và dự lễ chào cờ cùng các học sinh. Ban giám hiệu chân thành cảm ơn Phu nhân đã quan tâm sức khỏe cho các cháu qua chương trình tài trợ sữa và bánh mì vào bữa xế hàng ngày cho trường. Xin cảm ơn Phu Nhân đã ghé thăm và mời quỹ Hồng Thập tự cùng tham gia tài trợ.”

Lúc bấy giờ, có 2 chiếc xe màu trắng khá lớn chở bánh mì và sữa tới. Mình còn nhớ rõ xe ấy có biển quảng cáo là của hãng Con chim và Foremost, nhưng bánh mì cho tụi mình ăn không phải loại dài, mà nó giống như loại bánh mì trên máy bay nhưng to hơn nhiều.

Hồi đó, uống sữa của trường phát là hổng có đường nên mình không thích. Cứ đến giờ ra chơi là các học sinh xếp hàng đi rửa tay xong thì được phát bịch sữa và cái bánh mì ngồi ăn. Do sữa lạt nhách nên mình uống rất ít, hay lén đem đổ bỏ (bây giờ nhớ lại, tiếc thí mồ tổ).

Đặc biệt, buổi phát sữa và bánh mì của ngày đầu đến trường chính tay bà Thiệu phát cho các em bé lớp 1 và dĩ nhiên mình cũng đã được bà trao tặng món quà ấy.

Trong ký ức, mình chỉ nhớ hình ảnh bà bận áo dài màu vàng nhạt có hoa văn nho nhỏ màu xanh. Tóc bà bới và đánh bồng cao giống như bức ảnh này, trên cổ của bà là chuỗi ngọc trai màu ngà. Mỉm cười, bà nhẹ nhàng quỳ xuống bên đám học sinh nhỏ xíu rồi cẩn thận trao bánh và sữa với lời dặn: “Tụi con ăn bánh uống sữa để mạnh khỏe và học giỏi nha.”

Vậy thôi... Mình chỉ có bi nhiêu ký ức về Bà.

Hôm nay, hay tin bà đã rời cõi hồng trần và an nghỉ mãi mãi, chợt nhớ chút ký ức xưa. Và cũng lẩn thẩn đọc lại các dòng thông tin về bà - người được mệnh danh là vị phu nhân hiền thục của một thời kỳ lịch sử của miền nam Việt Nam xưa.

Khi nhắc hay kể về bà, ai ai cũng kính trọng vì chỉ khi chạm mắt, ở bà toát lên một vẻ đẹp thùy mị và nghiêm trang. Thuở còn trẻ, bà vốn làm về ngành dược. Hơn hết, gia đình bà vốn theo Đạo gốc, luôn yêu kính và tin Chúa nên bà sống rất thánh thiện và hiền thục. Bà chỉ xuất hiện trong các dự án về giáo dục và y tế, giúp đỡ phụ nữ học và làm nghề chứ không tham gia hay hô hào gì về chánh trị chánh em gì ráo.

Có lẽ vì thế nên bà chọn cuộc sống rất thầm lặng, không so đo hay lên kể lại quá khứ huy hoàng hoặc chửi bới tiếc nuối một thời đã xa. Có lẽ bà cũng thấm hiểu đỉnh và vực, ánh sáng và bóng tối của cuộc sống, nên khi thế thời thay đổi, bà vẫn yên lành sống cho gia đình và đợi ngày trở về cùng Chúa.

Hôm nay biết tin bà đã đi xa...Cũng như tại Sài Gòn 4 tháng qua, có nhiều người ra đi bởi Đại dịch lắm bà ạ! Hy vọng bà sẽ gặp mọi người trong nước Chúa. Amen...

PS: Cảm ơn một thoáng ngày xưa trở lại trong tim khi con hay tin và nhớ về bà.

* Các bức hình tư liệu ghi lại lúc bà Mai Anh tham dự lễ khánh thành bệnh viện Vì Dân (nay là bệnh viện Thống Nhất) và Thư viện trường Quốc gia Nghĩa tử.

Theo Fb Dương Thuỷ

No comments:

Post a Comment