Monday, October 25, 2021

VACCINE COVID VỚI NGƯỜI BỆNH DỊ ỨNG HẢI SẢN, CÔN TRÙNG

Hôm nay sau 1 tuần kể từ ngày kinh hoàng đó xảy ra, tôi nghĩ mình nên viết lại trải nghiệm này để những ai bị dị ứng có ý định tiêm vaccin covid thì hãy cẩn trọng hơn tôi.

Sáng ngày thứ 6 hôm nay, sau khi ăn sáng xong tôi quyết định sẽ đến địa điểm tiêm vaccin covid với tinh thần tiêm vét sau 3 lần đi tiêm bất thành. Lần 1 tôi xin chuyển viện, Lần 2 tôi cũng xin chuyển viện, Lần 3 thay vì được tiêm tại viện như mong muốn thì tôi được chuyển sang khoa khám chữa bệnh dị ứng do mề đay toàn thân nhức nhối. Dù bị từ chối tiêm, nhưng tôi luôn hướng tinh thần mình với khẩu hiệu đã nghe mòn tai mấy tháng nay "Chống dịch như chống giặc".

Hôm nay khi vào khám sàng lọc, vị bác sĩ đã cho tôi chuyển viện 2 lần trước từ chối cho tôi lên viện tiêm. Dù tôi có cố gắng xin bác sĩ chuyển lên viện tiêm, nhưng bác sĩ chắc nịch khẳng định cứ tiêm ở đây đi, em bị dị ứng thì tiêm xong phải theo dõi cẩn thận trong 3 ngày nhé! Tôi cũng không muốn ky` kèo thêm, vì danh sách người đợi tiêm xếp hàng quá dài. Rồi lại nghĩ hôm nay là đợt tiêm vét rồi, ai bị làm sao thì cũng đã có vấn đề cả rồi, mình rồi cũng sẽ ổn thôi. Nghĩ rồi tôi ký vào tờ xác nhận đồng ý tiêm mà không biết rằng chỉ 15-20 phút nữa thôi, nhiều thứ sẽ thay đổi trong tôi vĩnh viễn. 

Tiêm xong, tôi thấy mũi mình bắt đầu hẹp lại, nghẹt thở như khi bị cúm. Rồi chóng mặt đến ngay sau đó. Tôi thấy hơi lạ lạ nên báo ngay cho 1 bạn y tá đang trực trong phòng chờ sau tiêm. Bạn y tá quan sát và nhanh chóng đến đo huyết áp và đề nghị mình vào giường nằm chống chân để thấy thoải mái hơn. Nằm được 2-3 phút mặt và cánh tay bắt đầu tê rần rần, và mất cảm giác, và sau đó co cứng lại. Bác sĩ và y ta của khu tiêm chủng tập trung lại cấp cứu cho tôi ngay lập tức. 

Cơ thể tôi bị hàng tấn đá đè lên tay, chân, bụng và mặt khiến tôi không thể thở và cử động được nữa. Tôi chính thức bị co giật, mất kiểm soát cơ thể và giọng nói của mình. 2 mũi tiêm chống dị ứng ngay lập tức bơm vào bắp tay tôi cũng không thể làm thuyên giảm cảm giác bất lực tột độ với cơ thể mình khi đó. Một ai đó gào rất lớn yêu cầu tôi đọc mật mã điện thoai và gọi vào s điện thoai người nhà. Tôi cố gắng dồn sức từng từ 1...2....3...o.. x. Tôi bắt đầu ngưng thở, run cập cập, các khớp trên cơ thể một cách mất kiểm soát, các bó cơ tay chân co rút cứng chặt lại. Bác sĩ...y tá. ..người tiêm thuốc chống dị ứng, người lấy ven truyền nước, người đo huyết áp, người xoa bóp tay chân tôi, người gọi điện thoai cho người nhà, người gọi xe cấp cứu, người kéo dây ôxy... Không phải là bộ phim mà mình đã từng xem nữa, tôi thực sự trong tình trạng nguy kịch thật rồi. Xe cứu thương đến, tôi được chuyển lên cáng và vào xe ngay lập tức. Các bác sĩ ở trạm y tế đã bàn giao lại tôi cho bệnh viện chỉ trong chớp mắt. Đây có lẽ là quãng đường xa xôi và khó khăn nhất tôi từng đi. 

Khi kể lại chuyện này cho bạn bè, họ hỏi tôi là lúc đó bạn nghĩ gì? Nghĩ con mình rồi ai sẽ nuôi? Nghĩ gì về cái chết như thế nào? Nghĩ liệu người thân có đến kịp lúc còn sống không?.... Thực ra, tôi không nghĩ nhiều được như vậy. Tôi chỉ nghĩ làm sao để hít được oxy cho nhịp thở này, và liệu tôi có sống và đến bệnh viện để cấp cứu kịp hay không...

Trong cơn mê man, tôi choàng mở mắt hốt hoảng khi thấy bố tôi đang nằm trên giường bệnh của phòng cấp cứu. Bình tâm lại 3s. Nhìn kĩ sang giường bên là một người đàn ông đang cố gắng giành giật từng hơi thở khó nhọc. Người đàn ông đó không phải là bố tôi. Tôi chợt thở phào nhẹ nhõm vì cảm thấy may mắn khi đó không phải là người thân của mình. Qua trở về với thực tại, tôi chợt nhận ra mình cũng đang nằm trong phòng cấp cứu. Một bạn y tá bước đến hỏi tôi cảm thấy thế nào? Và động viên tôi thật bình tĩnh, có gì đâu mà run lên như thế hả em. Nhưng thực sự tôi không run vì sợ mà run vì cơ thể đang mất kiểm soát. Sau khi lấy vài ống máu, chích ít máu động mạch đau thắt tim, tôi lại thấy các dấu hiệu sốc phản vệ quay trở lại, trời đất chao đảo, SpO2 giảm khiến máy kêu inh ỏi. Mũi tiêm chống dị ứng lần 3 lại nhanh chóng đi vào cơ thể. 

Cá nhân tôi sau vài lần tiêm thuốc chống sốc dị ứng thì tôi cho rằng, thuốc này là nguyên nhân khiến tôi bị phản vệ mạnh mẽ, chứ tôi bị dị ứng đâu đến mức hãi hồn như thế. Nhưng tôi chỉ võ đoán thôi, mũi tiêm lần này giúp tôi dịu cơn dị ứng nhanh chóng và chẳng có phản vệ nào xảy ra như mấy lần trước nữa cả. Yên tâm để tiếp tục hóng hớt xung quanh.

Tôi thấy người đàn ông ấy nằm cạnh giường tôi. Từ góc nghiêng ấy, tôi thấy đường nét của bố tôi hiện lên trước mắt.. Nhưng giờ tôi đủ tỉnh táo để biết đó không phải bố mình. Ở phía cửa tự động của phòng cấp cứu, một người phụ nữ quần đỏ, áo gió hồng lật đật cầm theo đủ thứ lỉnh kỉnh bước vào. 

Bác sĩ hỏi: bà là người thân của bệnh nhân số 4 à? Tôi cần người thân ký giầy tờ cho ông ấy đặt nội khí quản gấp. Phổi ông ấy trắng hết rồi, không làm nhanh là không giữ được mạng sống ông ấy đâu. 

Người phụ nữ ấy bảo: không, tôi chỉ chăm ông ấy thôi, nhưng người nhà bảo tôi quyết định hết cho ông ấy ở trong này. 

Bác sĩ gắt lên: ông ấy chết bà có chịu trách nhiệm được không? Gọi cho người nhà đến đây ký giấy thì tôi mới làm được. 

Người phụ nữ ấp úng một hồi rồi gọi điện thoai cho ai đó, nhưng câu chữ không thoát, nên hơn nửa tiếng sau ông ấy vẫn nằm đó và không có người nhà nào ký giấy cả.... Còn bà ấy- bà giúp việc, vẫn tất bật sắp xếp đồ đạc mà không mấy để tâm đến người đàn ông đang hấp hối trên giường. Căng cứng toàn cơ thể mỗi lần hít thở. Tôi bỗng thấy ông ấy nhỏ lệ nơi khóe mắt. Người đàn ông ở tuổi ngoài 60 ấy, không vợ con, không người thân thích, nằm một mình trong phòng cấp cứu, một mình chống chọi với hơi thở của chính mình mà không thể cử động, không thể nói. Ông ấy bị liệt nửa người. Tôi vẫn chưa có cơ hội được nhìn thấy mặt người thân của ông, qua lời bà giúp việc thì đó là em trai ông. 

Khi nằm trong phòng bệnh, người ta mới thấu được rằng, người thân quan trọng đến thế nào. Dù có tiền thuê giúp việc, thì họ vẫn chỉ là người giúp những việc vặt cho ta, họ không thể giúp gì cho cảm xúc trống rỗng của một người bệnh nặng nằm trên giường. Cuối cùng thì ông ấy cũng được đặt nội khí quản và đưa lên phòng hồi sức tích cực cùng với tôi sau 6 tiếng đằng đẵng trong phòng cấp cứu.

Sốc phản vệ khi tiêm vaccin, không đơn giản như ngày tôi mới sinh con, và lỡ ăn con nhộng do không biết rằng mình đã đổi máu. Lần này tôi phải nằm lại viện để theo dõi 72 tiếng sau đó. Mọi chuyện có lẽ êm xuôi và khả năng tôi được xuất viện sớm trong 48 tiếng là hoàn toàn khả thi, cho đến nửa đêm... Nghĩa là sau tiêm vaccin 12 tiếng, tôi bị ngưng thở trong lúc ngủ, khiến mình choàng tỉnh. Chồng tôi hốt hoảng gọi y tá. Bộ phận cấp cứu vội vàng mang máy đo SpO2 và đo huyết áp, điện tim vào. Một lúc sau tôi lại được tiêm mũi chống dị ứng lần 4. Mọi thứ dịu xuống ngay tức khắc, hết khó thở, hết đau tim, hết tức ngực. Tôi yên tâm ngủ đến sáng.

Ngày hôm sau, tôi bị chuyển lại phòng cấp cứu vì mỗi lần nằm, tim tôi tức muốn vỡ tung, còn mỗi lần ngồi, ngực tôi tức khó thở. Lại tiếp tục công cuộc chụp chiếu X-quang, điện tim, huyết áp. Nằm cùng phòng cấp cứu lần này toàn những người cao tuổi mà tiếng ho của họ thực sự kiến tôi ám ảnh những tiếng rít của người sức cùng lực kiệt, tiếng đờm khản đặc đang cố sức đẩy ra từ miệng những người chẳng còn đủ hơi để thở bình thường. Thế nhưng, họ vẫn bật những bài nhạc văng vẳng kèn đồng chủ đạo, đặc trưng cho một thế hệ ông bà. Không những bật trên điện thoại, họ còn bật bằng loa bluetooth để cả phòng cùng được thưởng thức âm nhạc  tiếng nhạc át tiếng máy móc y tế. Họ vẫn thật yêu đời. Dù nằm thở oxy, chân tay run rẩy, huyết áp vùn vụt, nhưng chẳng gì có thể khiến họ ngừng enjoy cái moment này hết.

Ngày thứ 3, tôi được chuyển về phòng bệnh nhân khoa Nội1 ngay lúc 3h đêm. Do có bệnh nhân nặng hơn vào cấp cứu, do đó mà người sắp khỏi như tôi được chuyển phòng vào giờ hoàng đạo. Chuỗi ngày nằm giường riêng chấm dứt tại đây. Tôi nằm ghép cùng với em gái mới sinh con và bị sốt xuất huyết. Phòng có 8 giường, mỗi người một giường cho đến khi tôi vào. Sáng hôm sau, phòng bệnh 10m2 kín 17 người chưa kể người nhà bệnh nhân. Tôi xin ra viện để theo dõi, dù vẫn còn tức ngực và đau tim. Phòng bệnh thì đông, vui và an toàn do 3 ngày bệnh viện sẽ test covid một lần. Nhưng ở trong phòng này ngột ngạt, khiến tôi khó thở hơn nên xin ra viện luôn.

Về nhà tôi mới chợt nhận ra, tôi và nơi đã tiêm cho tôi không chút liên quan. Không giấy tờ xác nhận tiêm mũi 1, không có cam kết trách nhiệm nếu có vấn đề gì xảy ra... Mọi thứ họ đã giữ lại ở trạm y tế. Vậy là tôi thiệt rồi! Khi mình muốn lương thiện, muốn đỡ khổ cho những bác tổ trưởng, những bạn thanh niên xung phong, dân quân tự vệ đã căng mình bảo vệ vùng xanh. Nghĩ cao cả quá nên thường nhận thiệt thòi về mình, chấp nhận tiêm ở trạm y tế ngay cả khi biết bản thân dị ứng nặng. Vậy những người không được may mắn sống sót như tôi, họ sẽ ra đi oan ức như thế nào? Ra đi vì sự tắc trách và chủ quan của người khám sàng lọc ư? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những tổn thất về tinh thần, của cải, tính mạng của người đi tiêm vaccin như tôi? Ai quen tôi đều biết tính tôi không đòi hỏi nhưng lên tiếng vì công bằng, luôn đặt cộng đồng, và đất nước trên hết. Nhưng những người làm công việc phụng sự cho đất nước đối xử với tôi như vậy thì tôi sao dám tin tưởng nữa? Tôi đã ký vào cam kết tiêm, nên tôi không thể trách móc ai, và lòng luôn tâm niêm rằng luật nhan quả không trừ một ai. 

Vì vậy, bài viết này tôi viết để những người bị dị ứng như tôi cần cẩn trọng hơn khi tiêm vaccin, và viết để lưu giữ lại kỉ niệm mà suýt nữa tôi đã mãi mãi tuổi 30.

21/10/2021
FB: Vincy Tran

No comments:

Post a Comment