Wednesday, October 13, 2021

Thủ khoa Văn Khoa | VĐH Đà Lạt

Nguyễn Văn Xô - Người thợ sửa giày ở chợ Trần Hữu Trang - Phú Nhuận

Được biết từ thập niên 70, Nguyễn Văn Xô học tại Đại học Văn khoa Viện Đại Học Đà Lạt, ban Triết. Sau 4 năm đèn sách anh đỗ thủ khoa. Nhưng “sinh bất phùng thời” khi miền Nam thay đổi chế độ (thay vì được phụ giảng ở Đại học Đà Lạt) anh phải về dạy ở trường trung học ở Đơn Dương - Lâm Đồng. Làm thầy giáo được một thời gian nuôi cha già và gia đình rồi anh cũng “tháo giày” vì không chịu nổi nền giáo dục cứng nhắc và thiếu tính sáng tạo trong tư duy. 

Bỏ dạy năm 1991 anh về Sài Gòn mưu sinh bằng nghề mới: Sửa giày dép ở chợ Trần Hữu Trang, Phú Nhuận. Nhờ có đầu óc và cần mẫn, lại khéo tay, anh đã tạo được uy tín với khách hàng. Lúc về Sài Gòn anh đã gặp được một hồng nhan tri kỷ có nhà ở đường Huỳnh Văn Bánh nên ngày ngày hai người ra chợ khâu vá giày dép cho khách. Sạp của anh trước mặt chợ Trần Hữu Trang. Tôi quen anh cũng từ đây. Cuộc sống của hai người kha khá lên. Chiều chiều anh có thể ngồi uống rượu với bạn bè. Khi thì hoạ sĩ Trần Hoài. Khi thì nhà thơ Lương Viết Khiêm. Khi thì tôi. Anh cũng làm thơ trên bao thuốc lá hay trên giấy trắng nào có thể. Anh đọc trong lúc cao hứng và anh cũng rất mê mấy câu thơ trong bài Hành Phương Nam của thi sĩ Nguyễn Bính:

“…Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi
Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười…”

Thời gian cứ thế trôi đi. Không ngờ đến năm 2006 anh đột quỵ, chết trên tay người tình Trúc Oanh như những câu thơ trước đó anh đã tiên cảm. Trong đời sống cũng như trong thơ, anh qua đời đẹp như mơ… Sau ngày anh chết, bạn bè đã gom góp lại để in cho anh tập thơ: Như Áng Mây Trôi. Chỉ phát hành nội bộ.

Để biết thêm về Nguyễn Văn Xô, tôi xin trích những đoạn văn của Dương Anh Sơn, cùng thơ trích của Xô:

…xã hội sang trang, cuộc đời điên đảo. Cách nhìn đời của hắn xoáy sâu vào bản mệnh của sự sống và cái chết, của cuộc tình:

Có cái chết dềnh dàng quá thể
Cứ rõ dần, theo thời khắc, rõ dần thêm
Tự lúc nào hoa bắt đầu héo úa
Tình yêu phai và anh chết trong em?
Có cái chết nhanh hơn đột quị
Đang chói lòa, vụt tắt ánh sao băng
Vẫn đinh ninh suốt một đời chung thủy
Phút không ngờ, em phản bội tình anh.
Có cái chết không hẳn là đã hết
Cuộc hóa sinh chỉ đổi dạng thay hình
Ngôn ngữ chết cho ý nghĩa khai sinh
Tia nắng chết để bóng râm thành tựu
Nốt nhạc chết và làm nên giai điệu
Hờ hững chết đi, yêu mến viên thàn
Ái ân còn, sao em lại mất anh?
(Chết, sđd, tr. 94)

Và y như lời thơ của hắn, hắn đã chết đột quị trên tay tình nhân. Và “ái ân còn, sao em lại mất anh?”. Thầy Lê Quang Phách từng là phụ tá giám học của Trung Học Ninh Hòa và cũng là người yêu thơ rất thích bài thơ này. Thầy đã chóng thuộc bài thơ khi đi trên tàu lửa từ Sài Gòn về Nha Trang!

Bạn bè rất cám cảnh cho cuộc sống của Xô. Biết làm sao bây giờ! Hắn cũng như biết bao người có chọn lựa cuộc đời như thế đâu! Thời cuộc biến dời, trật tự xã hội cũ bị phá tanh banh, cái họ đem dí vào cho thiên hạ chẳng có gì hay ho! Hắn chán chường chẳng muốn ngó ngàng chuyện đổi thay. Lịch sử chỉ còn là tro than có cơi lên, mồi thêm củi cũng vẫn lụi tàn. Thôi cứ mặc kệ hắn!:

Người ta dùng các vương triều để đo lịch sử
Mong học khôn từ quá khứ tro tàn
Trước cái đã qua tôi nghiêng mình lịch sự
Đầu tôi chật rồi, những xác của tro than
Làm ơn để tôi yên ổn nhẹ nhàng
Bước thanh thản mênh mang phía trước
Khỏi mất công ngoái nhìn cảnh giác phía sau lưng
Đừng ngại ngùng, nếu muốn gửi hành trang
Tôi sẽ nhận, hân hoan không tính cước
Xin máng giùm trước ngực, chỗ trái tim!
(Một cách lên đường, sđd, tr. 157)

Hắn đã chọn sự yên ổn trong những cơn say, hắn đã được thanh thản trong cuộc tình với cô gái Châu Đốc yêu hắn tha thiết và đã chia ngọt xẻ bùi với hắn. Và thực sự hắn có được yên ổn không, có được sự thanh thản không, hay chỉ còn lại vết thương lòng “ráo máu”?!:

Tuổi em từ độ theo người
Bỏ quên mắt khóc môi cười anh mang
Giờ anh còn trái tim khan
Vết thương ráo máu chưa tàn khát khao
(Thất tình, sđd, tr. 180)

Hắn đã tự hỏi mình và hỏi tình nhân về cái duyên và sự lựa chọn tìm đến với nhau giữa một khách đi sửa giày và anh chàng trung niên già ngồi khâu vá giày dép bên lề chợ:

Em đã đến cuối đời anh, rất muộn
Thấy tan hoang bừa bộn xác tình khô
Em có hối gì không khi đã chọn
Làm đài hoa nghiêng đón bướm giang hồ?
Anh đã cắm lưỡi dao tình sắc nhọn
Giữa đời em đau đớn đến đê mê
Cánh bướm anh đập nát cả trăng thề
Phủ hương phấn che cả trời uất hận
Sao lại hối?! Đã yêu thì chẳng muộn!
(Hỏi em, sđd, tr. 70)

Em đã đến cuối đời anh, rất muộn! Lúc ấy hắn khoảng trên năm mươi và mất đi lúc tuổi năm mươi lăm như một lời tiên tri về bản mệnh! Thông thường “bướm giang hồ” dùng để ám chỉ những thân phận nữ giới buộc phải vào lầu xanh! Còn hắn lại tự nhận như thế để bay lượn giữa cuộc đổi thay một cách tự tại, tự do cứ để thiên hạ ai nắm quyền thì cứ làm, ai làm dân đen thì cứ làm. Trong hắn vẫn còn đó bầu trời tự do và cõi mộng!!

Có gì chung giữa thơ ca, cơm áo
Đầy nửa trang thơ, vơi nửa bát cơm?
Có gì chung giữa Tình Yêu, Giông Bão
Nghiêng nhẹ trái tim, chao đảo nhân gian?
Có gì chung giữa Khổ Đau, Sáng Tạo
Chết điếng tâm hồn, cân não hồi sinh?
(Thắc mắc, sđd tr.152, th. 6-1992)

Giữa thơ ca và áo cơm, giữa sáng tạo và khổ đau đều là những cặp bài trùng tương tác với nhau. Từ sự mệt nhoài của áo cơm hay khổ đau mới nẩy sinh ra thơ ca và sự sáng tạo. Hắn lơ mơ giữa thực và mộng:

… Tấp vào đâu, lỡ dỡ mộng cơ đồ
Có chút tình anh em cho làm vốn liếng
Máu đỏ đen thua sạch ván bài to
Xó chợ nhỏ xếp hàng tìm chỗ đứng
Kiếm chén cơm vất vưởng nửa hồn thơ
… Chỉ còn thơ! Riêng chỉ một mình thơ
Ru anh ngủ giữa đôi bờ Mộng-Ảo!
(Ngủ giữa đôi bờ, sđd, tr. 158)

Những dự tính của một đời người phải vất bỏ để làm người thợ khâu giày dép giữa chợ đời. Một người từng là người học hành giỏi giang, từng làm người đi dạy phải lăn lộn để kiếm sống vất vả. Cuộc đổi đời thấm đẫm bao đau đớn trong tâm trí bao nhiêu người và trong lòng hắn. Nếu không có nàng thơ vực dậy và xoa dịu nỗi đau, đời của Xô sẽ toàn là một màu đen vây bủa:

Lúc chán chường muốn làm thương lái bến Tầm Dương
Mua kỹ nữ, bỏ tỳ bà, quên bóng trăng suông
Không cần lệ chứa chan lòng Tư Mã
Muối hay đất cũng tan trong biển cả
Anh hay em dẫu đã chẻ thành hai
Sầu một mối - Cuộc đời, chung nỗi chết
(Sầu một mối, sđd, tr.171, 3/1992)

Có nàng thơ để an ủi nhưng “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh, nghĩ mình mình lại thương mình xót xa” (câu 1233, 1234 Truyện Kiều, Nguyễn Du). Hắn trầm ngâm về thời thế, về đời mình và ám ảnh về “nỗi chết”. Kẻ sống như đã chết. Thời thế đưa đẩy hắn làm anh thợ khâu giày dép giữa chợ nhưng hắn cứ ray rứt, tự trách mình đã “lỡ tay” làm rơi mất tương lai, rớt mất ngày mai trong “đáy huyệt”:

Anh đâu muốn làm anh chàng tư lự
Ngắm bóng mình rồi tự nhủ buồn thay!
Những khi sầu váng vất những cơn say
Anh muốn gào to: tôi chỉ lỡ tay
Làm rớt ngày mai trong đáy huyệt!
(Tự tình, sđd, tr. 85)

Trách ai bây giờ. Có lẽ nên trách cuộc đời hay là trách hắn?!

Một buổi sáng cuối năm Bính Tuất, tôi và các bạn thân nhận được tin hắn mới ra đi lúc bốn rưỡi sáng (17/12/2006). Người tình tên Trúc Oanh của hắn kể lại là cứ tưởng hắn ngủ say trên tay mình. Ai dè đó là cơn đột quị như hắn đã dự đoán! Thật là một sự ra đi nhẹ nhàng như mơ ước của hắn! Hắn đã để lại 169 bài thơ thu thập từ những tờ giấy vụn hay từ vỏ giấy bạc bên trong gói thuốc lá. Bạn bè tạm đặt là NHƯ ÁNG MÂY TRÔI và in lưu hành nội bộ làm kỷ niệm. Những bài thơ của Xô là những lời tự tình, những cảm xúc về thân phận hay những rộn ràng của tình yêu. Hắn đã tìm thấy trong khe ngách của cuộc sống áo cơm ràng buộc để thấy mình tồn tại và ham sống hơn.

Anh từng viết những bài thơ xé lòng
(Nhiều mảnh lòng cần để xé chia nhau)
Anh đâu biết cuộc đời còn những kẻ
Chỉ đáng nghe những bài thơ chó đẻ
Tim chúng toàn những mụt ghẻ thối tha
Bụng lúc nhúc những mưu ma chước quỷ
Miệng trét đầy những xảo ngữ lộng ngôn!
Chúng hôi tanh, nhớp nhúa đến buồn nôn
Chúng làm anh vấy bẩn cả tâm hồn
Anh phải viết những bài thơ chó đẻ
Lôi chúng khỏi vũng máu dơ nhầy nhụa
Để may ra chúng có nửa dáng người
Còn nửa kia! Ôi lạy Chúa tôi!
Của đáng tội: nửa đười ươi, nửa ngợm
Nên trông chúng bất thành nhân dạng
Tệ hơn đồ chó đẻ, em ơi!
(Bài thơ chó đẻ, sđd, tr. 46)

Cuộc sống càng lúc càng tệ mạt nên từ chán chường, buồn nôn (Cái buồn nôn thật sự chứ không ngồi trong “tháp ngà” để buồn nôn theo kiểu J. P. Sartre, nhà triết học hiện sinh Pháp), hắn từ trong tâm tưởng đã chán sống. Hắn đã tiên tri về cái chết của mình trong bài thơ CHẾT

Nhát búa đam mê đập vỡ tan hoang quá khứ
Tung nỗi buồn đến tận vũng trăng sao
Tim mệt lã tím bầm giòng máu ứ
Rửa niềm đau trong huyết quản luân lưu
Sầu tử biệt đã đành cao chất ngất
Chẳng đau bằng chua chát nỗi sinh ly
Ngày tháng còn mà lòng yêu đã mất
Nghiến hồn ta rệu rã cõi âm ty.
(Đoản khúc sầu, sđd, tr.181, 7/1992)

Nhà thơ Trần Dzạ Lữ khi Xô còn sinh thời đã vẽ cho chúng ta hình ảnh chân thực về hắn:

THƠ TẶNG NGƯỜI THỢ GIÀY
(Tặng Nguyễn Văn Xô)

Nắng chực lò qua vai
Mưa chực chờ chụp xuống
Lỡ thành người thợ giày
Anh vẫn ngồi khâu mộng…
Anh ngồi đây với bóng
Bỏ quá khứ sau lưng
Xa rồi thời dạy học
Chuyện áo cơm rất gần
Cuộc tình sầu xe bon
Đoạn trường qua tóc trắng
Giang hồ nhớ quê hương
Ngồi một mình muốn khóc
Người thợ giày cô độc
Ngồi khâu trái tim mình
Giữa chợ đời đông đúc
Treo lòng mình buồn tênh!
(Trích Hát dạo bên trời, thơ Trần Dzạ Lữ, NXB Trẻ, Sài Gòn, 1995)

Những bạn bè có nhiều cách nhìn khác nhau về hắn. Anh Lương Viết Khiêm xem sự ra đi thanh thản của hắn chỉ NHẸ NHƯ ÁNG MÂY TRÔI. Hắn đã đi qua “cuộc trăm năm”, “ra khỏi cuộc đời” chẳng còn vướng bận gì nữa:

Bước ra khỏi cuộc đời
Nhẹ như áng mây trôi
Chuyện thế gian gác lại
Cuộc trăm năm xong rồi
(Vĩnh biệt bạn Nguyễn Văn Xô, 12/2006)

Trong cuộc trò chuyện với nhà thơ Lương Viết Khiêm, anh đã cho biết về Xô:

Thầy Nguyễn Khắc Dương dạy Triết ở Đà Lạt đã đã nhận xét - trong đời dạy học của tôi bao nhiêu năm rồi mới thấy một sinh viên xuất sắc như thế.” 

Và lời chân của anh Khiêm thốt lên:”Nguyễn Văn Xô luôn là kẻ sống bất cần. Nhưng đời lại rất cần một con người như thế”

Nguyễn Văn Xô về bên kia thế giới đã 15 nam nhưng mỗi khi tôi ghé chợ Trần Hữu Trang ai cũng hỏi thăm và tưởng tiếc. Phải chăng đó là nhân cách sống của một con người? Một trí thức, một tri thức đã sống dấn thân và chết cũng đẹp vô cùng…

Trần Dzạ Lữ
(Xuyên Mộc 15.9.2021)

No comments:

Post a Comment