Monday, October 4, 2021

Đọc chuyện bà Mai để biết dân khổ ra sao

Trân Văn
15-9-2021

Tờ Công Luận – cơ quan ngôn luận của Hội Nhà báo Việt Nam vừa kể một câu chuyện mà nội dung khiến độc giả không biết nên xác định thân phận con người và đạo lý ở Việt Nam vào loại nào trong đại dịch…

Bà Trương Thị Tuyết Mai, 54 tuổi, cư trú ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM. Ngày 28/6/2021, bà Mai rời nhà, dùng xe hai bánh gắn máy về xã Tường Đa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre để chăm sóc thân mẫu lâm trọng bệnh…

Thượng tuần tháng 7, chính quyền TP.HCM bắt đầu áp đặt những biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt theo yêu cầu “ai ở đâu ở đấy” của Thủ tướng nên bà Mai bị kẹt lại tại Bến Tre không thể về nhà.

Bà Mai dự tính sẽ chờ đến 15/9/2021 – thời điểm mà chính quyền TP.HCM nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại – nhưng chồng bà đột ngột lâm trọng bệnh. Ngày 11/9/2021, bà Mai đến Văn phòng UBND tỉnh Bến Tre, trình bày hoàn cảnh của mình và xin nơi này cấp cho bà Giấy đi đường. Chính quyền tỉnh Bến Tre đã cho bà một tờ giấy. Họ xác định bà Mai được rời Bến Tre vào ngày 12/9/2021 để về nhà ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM. Yêu cầu bà tuân thủ các qui định về phòng chống dịch. Đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp cho phép bà Mai được băng qua các trạm gác vì chồng bà cần người chăm sóc…

Có giấy xác nhận đã xét nghiệm COVID-19 với kết quả âm tính, có giấy đi đường, bà Mai dùng xe hai bánh gắn máy rời khỏi Bến Tre nhưng chỉ đi được đến thành phố Tân An, thuộc tỉnh Long An…

Một trạm kiểm soát đi lại ở thành phố Tân An, tỉnh Long An không cho bà Mai qua trạm vì… Giấy đi đường do UBND tỉnh Bến Tre không có… số văn bản! Muốn qua trạm này, bà Mai phải quay lại Bến Tre, xin giấy đi đường… hợp cách!

Thế là bà Mai phải lộn trở lại Bến Tre để xin Giấy đi đường mới. May cho bà là Văn phòng UBND tỉnh Bến Tre thông cảm, chấp nhận cấp lại Giấy đi đường có… số văn bản theo đòi hỏi của chính quyền tỉnh Long An…

Với Giấy đi đường mới, bà Mai hăm hở trở về thêm một lần nữa ngay trong ngày 12/9/2021. Lần này bà băng qua được tỉnh Long An nhưng khi xe hai bánh gắn máy của bà gặp trạm kiểm soát đầu tiên của TP.HCM ở huyện Bình Chánh thì bà không được đi nữa! Công an ở trạm này không chấp nhận cho bà Mai – cư dân TP.HCM – quay về nhà của bà để chăm sóc chồng vì theo họ, lý do đó… không chính đáng! Bà Mai kể với phóng viên của tờ Công Luận rằng: Công an dọa sẽ lập biên bản, phạt bà vi phạm quy định phòng, chống dịch nếu bà tiếp tục năn nỉ… Bà Mai đành ngậm đắng, nuốt cay quay về Bến Tre thêm một lần nữa.

TP.HCM đã quyết định kéo dài thời gian hạn chế đi lại thêm nửa tháng nữa. Chưa rõ sau 30/9/2021 bà Mai có được trở về nhà của bà không? Đến lúc đó chồng của bà có còn cần người chăm sóc nữa không hay đã…

Tờ Công Luận đã đem câu chuyện của bà Mai và những Giấy đi đường bà được chính quyền tỉnh Bến Tre cấp để hỏi đại diện Công an TP.HCM xem… vì sao lại thế? Một viên thượng tá tên Lê Mạnh Hà là Phó phòng Tham mưu của Công an TP. HCM, bảo rằng: Công an TP.HCM chưa nhận được… văn bản của chính quyền tỉnh Bến Tre! Chẳng lẽ ngoài Giấy đi đường đã cấp cho bà Mai, chính quyền tỉnh Bến Tre còn phải gửi văn bản cho Công an TP.HCM để thông báo họ cho phép bà Mai rời khỏi Bến Tre?

Viên thượng tá vừa đề cập nói thêm, công an ở các chốt, trạm chỉ làm theo qui định “ai ở đâu, ở đấy”. Giấy đi đường liên tỉnh chỉ có giá trị khi có cả sự đồng ý của bên cho đi và bên tiếp nhận! Dường như đây là chỉ thỉ của Bộ Công an nên viên thượng tá tên Hà cho biết, Công an TP.HCM đang đề xuất Bộ Công an có văn bản chỉ đạo, tránh tình trạng mỗi địa phương thực hiện một kiểu! Viên thượng tá bảo, những trường hợp như bà Mai thì… CÓ THỂ giải quyết linh động hơn, hỗ trợ người dân về nhà an toàn.

CÓ THỂ có nghĩa là chấp nhận cũng được và từ chối cũng… chẳng sao! Không chỉ bà Mai, hoàn cảnh của bà, mà sự chấp thuận – cho phép đương sự đi lại – của chính quyền một tỉnh cũng… chẳng là gì cả!

Đại dịch COVID-19 đã lột trần từ trí tuệ, khả năng đến bản chất phi nhân của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam. Khi Thủ tướng bật đèn xanh cho hệ thống truyền thông chính thức hướng dư luận vào việc chỉ trích hệ thống chính trị, hệ thống công quyền địa phương vì… xét nghiệm chậm, lỏng lẻo trong quản lý người về từ vùng dịch (2) thì chuyện xem việc ai đó muốn về nhà để chăm sóc thân nhân lâm trọng bệnh là… không chính đáng sẽ mang tính tất nhiên.

Không chỗ nương thân, đói khát, thiếu người chăm sóc nếu bệnh tật hay chẳng may nhiễm COVID-19, tuyệt vọng vì tương lai mù mịt, nhiều người Việt tìm đủ mọi cách để thoát khỏi vùng dịch, kể cả chấp nhận những phương thức nguy hiểm tới tính mạnh trốn trong thùng xe vận tải chở hàng đông lạnh (3). Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn thế, vẫn bất chấp thực tại, răm rắp thực thi nghiêm lệnh của Thủ tướng dù nghiêm lệnh chỉ khiến thực trạng tồi tệ hơn để khỏi bị phê bình, khỏi bị Thủ tướng biến thành bung xung, thay chính phủ gánh trách nhiệm vì chiến lược và các giải pháp phòng ngừa chung chung, thiếu cụ thể, không hiệu quả nhưng vẫn khoác tấm áo choàng… chính đáng!

No comments:

Post a Comment