Friday, September 3, 2021

Kẹt Cứng Gọng Kềm

Khi Tiến đang học đại học, thì Hoa mới tấp tểnh vào trung học. Hoa là em gái nhỏ của bạn. Con bé sạch sẽ, áo quần đơn giản gọn gàng, mặt mày sáng sủa. Tiến hay đến nhà chơi. Nhiều khi Hoa đem bài toán nhờ Tiến giảng giúp. Để cho mau xong, Tiến giải bài toán cho Hoa, con bé không chịu, bảo rằng nó không muốn ai làm bài giúp, chỉ nhờ giảng cho hiểu, để từ đó nó có thể tự làm bài lấy.

Tiến ngạc nhiên, chưa thấy một đứa bé nào có cái ý tưởng lạ như vậy. Một lần Tiến nhìn cuốn vở nháp của Hoa, thấy sáng sủa, ngăn nắp, gọn gàng, các bài toán được gạch bằng thước thẳng thắn, chứ không phải quẹt nghiêng những đường ngang dọc.

Sau mỗi đoạn nháp, có gạch ngang thẳng thắn bằng thước kẻ để tách biệt phần nầy với phần kia. Thấy tập vở nháp của con bé còn sạch sẽ và thứ tự hơn cuốn vở bài học của nhiều người khác, Tiến cười và nói:

“Chết rồi em ơi!”

“Chết cái gì hở anh?”

“Chết cái thằng nào sau nầy xui xẻo lấy em làm vợ. Ngăn nắp, sạch sẽ thế nầy, thì chỉ khổ cho thằng chồng mà thôi!”

Hoa cười toe, nhìn Tiến với ánh mắt tinh nghịch, nói lớn:

“Em không lấy ‘thằng’ nào cả. Chỉ lấy anh thôi. Cho anh khổ. Đáng đời”

Tiến nạt: “Con nít chưa biết gì, đừng nói bậy!”

Nhìn cái bàn học của Hoa ngăn nắp, sách vở vuông vắn sạch sẽ, bao bì gọn gàng. Tiến nói tiếp:

“Lời tiên tri của anh sẽ đúng như thần phán. Mai mốt mở mắt ra mà xem! Cái thằng nào vô phước lấy em làm vợ, sẽ chết nhăn răng ra.”

Tiến lui tới với bạn, ăn ngủ trong nhà, thân mật, xem Hoa như em gái nhỏ.

Tiến tốt nghiệp đại học, đi làm xa. Nhiều năm sau, khi có dịp trở về thành phố cũ, Tiến ghé thăm gia đình bạn. Gặp lại Hoa, Tiến ngẩn ngơ đứng nhìn như bị trời trồng, mất hồn mất viá trước nét đẹp thanh tú của em bạn đang ở tuổi dậy thì. Thân thể đầy đặn, ngực nở nang, vòng eo thon, chiếc quần ôm bó mông, chân dài. Đôi môi hồng nhạt he hé như cười, má trắng mịn trong suốt, có nhiều đường gân máu lăn tăn, với hai núng đồng tiền thoang thoáng. Chiếc mũi thon nhỏ, thẳng. Đôi mắt dài, hơi xếch, như đang cười, có đuôi, long lanh sáng. Chiếc cằm chẻ trên cổ cao trắng, có tóc đen dày cắt ngang ót. Hương con gái thơm mùi sữa thoang thoảng trong không gian. Thấy Hoa đẹp như thiên thần, Tiến quên mất lời tiên tri năm xưa.

Hoa cười, nụ cười duyên dáng làm Tiến ngẩn ngơ. Nhờ tình thân ngày xưa làmTiến bạo dạn liều lĩnh:

“Chết anh rồi Hoa ơi!”

“Sao mà chết?”

“Hoa đẹp quá. Anh không ngờ! Ngày xưa mà biết được thế nầy, thì…”

“Thì sao hở anh?”

“Thì… thì, thì anh có vợ đẹp.”

“Chưa muộn mà anh! Em vẫn chờ anh đây. Ngày xưa em có nói là không lấy ‘thằng’ nào. Chỉ lấy anh thôi, cho anh khổ!”

“Có thật không? Anh tình nguyện chịu khổ suốt đời vì em.”

Thế là Tiến và Hoa nắm tay nhau bồi hồi sung sướng, lòng lâng lâng như bay trên mây, muốn lắm nhung chưa dám ôm nhau vào lòng.

Đám cưới được tổ chức một thời gian ngắn sau đó.

Tiến có hai bộ áo ‘vét’ còn mới, đẹp, trang trọng, có thể lịch sự mặc trong lúc đám cưới. Nhưng Hoa lắc đầu không chịu, vì đám cưới thì phải mang áo quần mới. Tiến bảo: “Có ai biết mới hay cũ đâu mà sợ?” Hoa nhăn nhó: “Nhưng em biết. Em biết là đủ rồi.”

Hoa dẫn Tiến đi tìm thợ may nỗi tiếng trong thành phố, chọn vải may áo quần cưới cho chồng, lựa giày vớ mới có màu sắc hoà hợp với áo quần. Lựa cái “cà-vạt” sao cho nổi trên màu “sơ-mi” trắng, nhưng không chìm vào áo vét bên ngoài. Tiến chìu cho vợ vui, và thấy rắc rối đã khởi đầu.

Hoa kỹ lưỡng soạn sẵn chương trình hôn lễ, từng chi tiết một, đưa cho Tiến bắt học thuộc. Những lời cám ơn, giới thiệu, dặn dò trong tiệc cưới của hai họ cũng được viết sẵn, đưa cho hai bên đọc và sửa chữa, in thành nhiều bản, để từng người học cho thuộc lòng. Ông chú đại diện nhà trai nạt rằng: “Tao già đầu thế nầy, mà ăn nói không ra hồn hay sao mà đứa con nít mới nứt mắt phải dạy dỗ, bắt học thuộc lòng?”

Hoa yên chí mọi việc sẽ được tiến hành xuôi chèo mát mái. Thế mà trong tiệc cưới, ông đại diện họ nhà gái không đọc bài soạn sẵn, ứng khầu nói nhiều chuyện lang bang không liên hệ gì đến đám cưới, làm Hoa giận tím mặt, khóc, Tiến phải dỗ dành mãi mới tạm yên. Phần Tiến, dù vợ đã dặn dò kỹ lưỡng, thế mà vì nể bạn, uống rượu say mèm, khuya đó phải khiêng xác về phòng, và ngủ vùi đến sáng, bỏ mất đêm động phòng. Hoa nằm khóc rấm rứt. Hôm sau tỉnh rượu, bị vợ giận, Tiến thì thầm vào tai Hoa: “Gấp chi chuyện đó, ngày tháng còn dài mà”. Hoa xì một tiếng và đẩy chồng ra, không dám giận tiếp, vì sợ Tiến hiểu lầm.

Tiến sung sướng có vợ đẹp, giỏi, đảm đang, ngăn nắp, cẩn thận. Làm việc gì cũng nghiêm chỉnh, đàng hoàng. Nhưng Tiến vẫn cảm thấy có cái gì đó quá lễ nghi và trang trọng, dường như không ổn, thiếu tự nhiên, nguội mất cái lửa nồng nàn mỗi khi vợ chồng vui thú gối chăn. Cả hai phải chuẩn bị mọi chuyện thật kỹ mới được khởi sự nhập cuộc vui: Tắm rửa kỳ cọ sạch sẽ, giường màn thay mới, khăn lót, chăn đắp đầy đủ, cẩn thận. Khi vợ chồng vui vầy, thì cái thế nằm cũng phải thẳng thắn, ngay ngắn, nghiêm trang.

Rồi như một cổ máy vận hành đều đặn. Vợ Tiến nằm bất động, hai tay buông xuôi, nhắm mắt như e thẹn, như đang phạm tội tày trời, và không có một động tác hòa hợp nào. Những khi không kiểm soát được cảm xúc dồn dập, thì Hoa chỉ nghiến răng và hít hà nhè nhẹ. Việc e thẹn và thiếu hợp tác nồng nàn trong khi yêu nhau, làm cho Tiến cũng cảm thấy mất mát phần lớn cảm xúc, vơi đi niềm hoan lạc. Nhiều lần Tiến muốn thay đổi thế nằm trong lúc yêu, Hoa gạt phắt, không chịu.

Những lúc nầy Tiến cúi đầu, che dấu nụ cười thầm kín với ý nghĩ vợ anh còn khó hơn cả ông Khổng Tử ngày xưa, thịt cắt không vuông không ăn, còn Hoa thì nằm không ngay thẳng, đừng hòng có cuộc mây mưa. Nhưng Tiến thấy thương vợ biết kềm chế cảm xúc, không lộ liễu như những người đàn bà trong phim ảnh, khi khoái lạc dâng tràn thì lồng lộn, la hét rú gào như hổ động rừng.

Tiến kể cho Hoa nghe chuyện vợ chồng anh Năm, họ yêu nhau bất kỳ nơi đâu, trong phòng tắm, phòng khách, bàn viết, sàn nhà, bếp, nhà xe, rừng cây, bãi biển, trên du thuyền, khách sạn…khắp nơi, bất cứ lúc nào mà thấy lửa lòng bốc cháy, thì họ nhập cuộc ngay. Hoa lắc đầu nghiêm khắc nói: “Anh đừng nói chuyện bậy bạ đó với em. Em không muốn nghe!”

Kể từ ngày lấy được vợ, Tiến mất cái thú ăn ở bừa bãi. Xưa áo quần quẳng lung tung trên ghế, bàn, giường, tủ. Sách vở, báo chí chất đống khắp nơi. Hoa cần mẫn sắp đặt lại mọi thứ vật dụng ngăn nắp, thứ tự, cẩn thận, đâu ra đó. Cái gì ở vị trí nào, dùng xong thì phải cất lại nơi cũ. Tủ áo quần, loại mùa đông, mùa hè treo riêng. Sách vở xếp theo thể loại, có danh mục, thứ tự. Chén bát cũng mỗi thứ để riêng. Đặt ra nội quy hai mươi mấy điều, viết dán trên tường. Không ai được phá lệ. Tiến hoa mắt với những điều khoản ghi trong nội quy. Tiến nhìn vợ vừa cười vừa nói: “Em ơi, đây là tổ ấm hạnh phúc hay là quân trường huấn luyện lính?” Hoa đáp: “Anh có nghe câu ‘Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu không’?”

Thời độc thân, Tiến thường cơm hàng cháo chợ, qua loa cho xong bữa. Khi ăn tại nhà, thì cũng chỉ một cái dĩa lớn với muỗng nĩa. Vừa ăn vừa nghe nhạc, xem truyền hình hoặc đọc sách, có khi chăm chú đọc quên cả ăn. Bây giờ mỗi bữa cơm trịnh trọng ngồi vào bàn, phải có khăn ăn, khăn bàn với màu sắc phù hợp, muỗng nĩa, thứ nào để bên phải, bên trái của người dùng. Mọi thứ ngăn nắp, không được để lộn xộn. Khi ăn thì có món ăn trước, món ăn sau, theo thứ tự quy định. Tiến thường đùa: “Rồi thứ nào nó cũng vào bụng, hoà lẫn với nhau, ăn trước hay sau thì cũng thế thôi.” Hoa nhăn mặt nghiêm khắc bảo chồng đừng nói chuyện tào lao.

Khi ăn, Tiến được vợ nhắc nhở mãi, không được chống cùi chỏ lên bàn, ăn uống phải từ tốn, húp canh đừng tạo thành tiếng, đang nhai nhồm nhoàm thì không được nói. Tiến lầu bầu: “Ngăn nắp. kỷ luật quá đáng, làm mất cái tự nhiên, mất ngon một phần, và mất luôn cả cái hạnh phúc được tự do ăn uống theo ý mình.”

Từ ngày Hoa bước chân về nhà nầy, phòng ốc sáng sủa, sạch sẽ ngăn nắp hẳn. Báo chí, thư từ, hoặc các thứ vật dụng khác đều được dọn sạch, cất kỹ. Mỗi lần muốn đọc, Tiến phải đi tìm, lục lạo hết nơi nầy qua nơi khác, mà không dám than một tiếng. Cái bàn được lau chùi sạch sẽ mỗi ngày, trống trơn, với cái bình hoa còn tươi, cánh hoa nào hơi héo phải ngắt ra ngay.

Mấy cái hộp bấm tự động điều khiển máy truyền hình, máy chiếu phim, máy hát, thứ nào phải để vào vị trí thích hợp gần máy đó. Các loại chìa khoá khi đi về phải treo ngay vào hộp, ở đúng vị trí đã quy định. Không được thuận tay mà móc đại vào. Kính đeo mắt cũng có nơi chốn riêng. Hoa thường nói đùa, nếu không có nàng, thì chồng phải phí phạm cả một phần năm đời người để đi tìm chìa khoá xe và kiếng đeo mắt.

Ban đầu, Tiến cũng hơi bực mình khổ sở vì sự ngăn nắp quá đáng, nhưng cũng phải gắng làm theo cho vợ vui. Lâu dần, thành thói quen, nhưng vẫn không thấy thoải mái.

Lần hai vợ chồng đi thăm viện bảo tàng nghệ thuật D’Orsey ở Paris, Tiến muốn chụp hình vợ với các bức tượng đàn ông đẹp, nở nang, bằng đá trắng khỏa thân loã lồ, Hoa không chịu và nói nhỏ: “Ngượng chết! Đừng. Gì mà lõa lồ, chàng hảng chân tay, phơi bày tục tĩu” Khi đi qua một bức tranh lớn bằng khung cửa sổ, vẽ hình cái bộ phận kín của đàn bà, râu ria đen rậm rì như lau sậy của một khe núi, Tiến dừng lại ngắm nhìn. Tưởng cái đó là tục tỉu sổ sàng, phải che đậy, dấu diềm kỹ, không ngờ mấy ông Tây cũng khám phá ra được nét nghệ thuật, đem ra trưng bày cho thiên hạ chiêm ngưỡng chơi.

Hoa kéo tay dục chồng đi và nói: “Đi, đi! Nhìn gì mà kỹ thế? Không biết xấu hổ với thiên hạ sao? Kỳ lắm. Chẳng phải là nghệ thuật.”

Tiến gượng lại: “Để anh xem ông hoạ sĩ nầy vẽ cái gì mà lạ quá, nghĩ mãi không ra!”

Hoa cằn nhằn; “Cái gì nữa. Ai có lạ gì thứ nầy?”

“Anh chưa thấy cái gì lạ như thế nầy bao giờ cả!”

“Đừng có giả vờ. Anh biết chán!”

Tiến thở dài: “Của vợ, còn chưa được thấy, làm sao thấy được của ai?”

Hoa nhéo vào vai Tiền, rồi kéo áo lôi chồng đi.

Một sáng chủ nhật Tiến bắc thang leo lên mái nhà để tìm hiểu tại sao có mấy vết ố vàng trên trần. Loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra nơi hư hỏng làm nước thấm xuống. Tiến bò qua phía mái nghiêng bên kia, nhìn xuống thung lũng, thấy nhà cửa, đường sá, xe cộ và một vùng hồ rộng thơ mộng, mải mơ màng.

Đứng trên mái nhà cũng có cái khoái cảm lạ, lâng lâng. Đến lúc nhìn ngắm đã chán chê, định trở xuống, thì cái thang không còn đó nữa. Tiến cười, biết vợ tưởng cái thang để quên từ hôm nào nên mang cất. Tiến gào xuống thật to tiếng:

“Em ơi, định nhốt anh trên mái nhà sao? Tội nghiệp anh. Đem thang ra cho anh xuống! Anh đang ở trên mái nhà đây!”

Tiến kêu mãi mà vợ vẫn không nghe. Tiến dùng cây gõ vào máng xối, tạo thành tiếng để báo hiệu, vẫn không kết quả. Lúc nầy Hoa đã lái xe đi xuống phố rồi. Gào mãi khản cả cổ, không ai đáp lời. Tiến bò qua mái bên kia ngắm cảnh và làm vài ba câu thơ cho qua thì giờ chờ đợi vợ về.

Rồi nổi hứng, đứng trên mái nhà mà khoa tay múa chân ca hát vu vơ. Nắng càng lúc càng nóng nực, vừa khát nước, vừa mót tiểu. Khát khô cả cổ. Muốn ngồi trên mái nhà xả vòi rồng xuống nhưng sợ, hàng xóm biết. Tiến mệt nhoài và đổ cáu. Thấy ông cụ hàng xóm ngồi phơi nắng trước hiên nhà, Tiến gào lớn gọi ông, để nhờ kêu điện thoại cho vợ về. Gọi mãi mà cụ chẳng nghe. Gõ mạnh vào máng xối ông cũng tỉnh bơ, Tiến chợt nhớ cụ nầy đã điếc đặc từ lâu rồi. Chán quá và thấy mệt, Tiến ngồi lên đường nóc, hai chân gác hai bên để giữ cho an toàn, sợ ngủ gục, té xuống chết tươi.

Mãi đến quá trưa mới thấy Hoa lái xe về. Tiến vội la thật lớn và khua tay múa chân cho vợ nghe, sợ khi vào nhà, thì không còn nghe được nữa. Hoa ngước nhìn lên mái nhà:

“Anh làm gì trên mái thế ? Cứ leo lên mái nhà mãi! Coi chừng, cẩn thận kẻo té. Bác Long rơi từ mái nhà, nằm liệt mấy năm nay rồi đó. Xuống ngay đi!”

“Em cất mất cái thang rồi, anh làm sao mà xuống đây! Em phạt anh ác quá! Giam trên mái từ sáng đến giờ. Khát khô cháy cổ họng, lại mót gần tiểu ra cả quần rồi đây”

“Chết, chết, khi cất thang em đã nhìn lên mái không thấy anh, tưởng đâu anh để quên thang từ hôm nào khác. Thôi em xin lỗi anh.”

Dằn cơn giận, Tiến nói đùa cho lòng nhẹ bực tức:

“Mau lên. Đem thang ra! Đừng để hàng xóm họ tưởng anh giận vợ làm reo, leo lên mái nhà ngồi hát vu vơ!”

Nhiều lần, đang định sửa chữa một cái gì đó, Tiến để tạm mấy cái kềm buá trên bàn, đi xuống kho tìm thêm mấy món dụng cụ khác, khi quay lại, thì các thứ kia biến mất. Tiến bâng khuâng không biết mình lẩn thẩn, quên trước quên sau, như bị bệnh mất trí nhớ, mộng mị. Rõ ràng, mới để mấy cái dụng cụ trên bàn nầy, bây giờ bay mất tiêu. Tiến không dám hỏi vợ, ngại bị cằn nhằn to tiếng.

Khi bị hỏi, thường vợ Tiến hay gắt gỏng: “Em không đụng vào cái gì của anh cả. Cứ đổ thừa cho em hoài. Ai mà chịu nổi?” Tiến không muốn cãi vã ồn ào, đi lục lại thùng dụng cụ, và thấy cái búa, kềm nằm đó. Tiến cứ nghĩ không chừng, chính anh, lẩm cẩm, chưa lấy ra mà tưởng để trên bàn. Sự thực, thì Hoa thấy chướng mắt, tưởng Tiến bừa bãi, mà đem cất đi.

Đôi lần, Tiến vừa kéo cái máy hút bụi ra, chưa kịp cắm điện, thì vội vã chạy vào nhà cầu tiểu tiện. Khi quay ra, thì không thấy cái máy đâu cả. Tiến bực mình: “Cái máy hút bụi đâu rồi? Anh mới để đây! Em có cất đi không?”

Vợ Tiến gắt: “Để bừa bãi lung tung. Khi nào dùng mới lôi ra. Để giữa nhà chướng mắt lắm.”

Bất cứ lúc nào, khi Tiến đặt tạm một cái gì đó ở đâu, để đi tìm thêm cái khác, khi quay lại thì đã biến mất. Biết vợ đã cất đi, dọn dẹp lại cho ngăn nắp, thứ tự. Tiến cứ âm thầm tìm lại, không muốn nói ra. Bực nhất là chùm chìa khoá và đôi mắt kiếng, cứ mới để tạm đâu đó, thoắt một cái, là biến ngay, chúng trở vào nằm đúng vị trí đã chỉ định.

Một lần lái xe định đi chơi xa trong vài tuần. Trước khi khởi hành, Tiến cởi cái áo khoác ngoài máng lên ghế, để vào cầu tiểu xả cho hết nước thừa trong cơ thể Khi quay lại, thấy cái áo đã biến mất, biết vợ đã cất giúp. Tiến mở tủ lôi áo mặc lại vào người, nhưng đã lấy lộn áo khác, vì hai cái cùng màu, giống nhau.

Khi đi xa đã ba trăm dặm, mới khám phá ra cái ví nằm trong túi áo kia, tất cả giấy tờ, bằng lài xe, tiền bạc, thẻ tín dụng, đều nằm ở nhà. Đi tới thì không được, đi lui thì mệt quá. Bực lắm, mà Tiến chỉ dám than nhẹ nhàng:

“Em làm hư cuộc hành trình của chúng ta rồi!”

“Ai bảo anh bừa bãi, máng áo vào ghế làm chi? Trước khi mặc áo vào, thì phải kiểm soát lại chứ! Không có quyền ỷ y chuyện gì cả.”

Cứ mỗi lần đi đâu, vừa lái xe ra khỏi nhà chừng vài dặm, thì vợ hỏi:

“Anh đã khoá cửa nhà rồi chứ?”

“Rồi”

“Chắc không? Chắc anh đã khoá rồi chưa?”

Dù đã khoá rồi, nhưng vợ hỏi bất ngờ, hỏi tới, làm Tiến lúng túng, nghi ngờ, không biết mình đã thực sự khoá rồi hay chưa. Nhiều khi phải quay xe lại để kiểm soát. Lần nào cũng đã khóa rồi. Tiến giận bảo: “Lần sau có hỏi, thì hỏi ngay khi xe chưa nổ máy, nếu đã đi ra rồi, anh sẽ không trả lời đâu! Có những lúc em ra khỏi nhà sau anh, mà cứ hỏi anh đã khoá cửa chưa thì làm sao anh trả lời được? Em cẩn thận quá, lo lắng quá, làm mất cái thanh thản tâm hồn đi.” Hoa cười rất tự nhiên: “Nếu chưa biết chắc cửa đã khoá, thì cứ áy náy, lo âu, làm sao mà lòng thanh thản được?”

Mỗi đêm, vợ Tiến cứ hỏi đi hỏi lại nhiều lần, cửa ngõ nầy đã khoá chưa, nhà xe có quên đóng cửa, đèn tắt chưa, có mở bếp nấu gì không, nếu có thì đã tắt bếp chưa. Dù đã trả lời, mà vợ cứ đi hỏi lại đến năm bảy lần nữa làm Tiến phải cáu gắt gỏng.

Từng đêm, vợ bắt Tiến đi ngủ đúng giờ, không cho đọc sách ru giấc, lấy lý do đèn chói mắt. Thèm đọc sách lắm, mà Tiến đành chịu thua. Sáng nghe đồng hố báo thức thì phải dậy, không được nằm ngủ nướng. Tiến thèm thuồng những giấc ngủ nướng tuyệt diệu đó, nhưng không bao giờ có được.

Có người hỏi Tiến sao khi nào cũng ăn mặc trịnh trọng, áo quần thẳng thắn, tóc tai gọn gàng như đi ăn đám cưới. Tiến cười, đùa rằng: “Bắt chước người xưa mà nói, sau lưng một người đàn ông ăn mặc chững chạc, có con mắt nghiêm khắc của một bà vợ ngăn nắp kiểm soát.”

Những lúc Tiến ôm đầu khổ sở vì cái ngăn nắp thứ tự sạch sẽ của vợ, Hoa đến ôm vai, vò tóc chồng đùa nhắc lại lời nói của Tiến ngày xưa:

“Lời tiên tri của anh đã chứng nghiệm như thần!”

Rồi tiếp:

“Biết là sẽ khổ, mà cũng cứ liều chết xung phong nhào vào! Ráng chịu thôi”

Tram Ca Mau 

No comments:

Post a Comment