Monday, August 30, 2021

Sự thông thái là có thật

24/08/2021
Chu Mộng Long

Nhìn thấy trên mạng 3 bài báo (hình dưới), tôi không có điều kiện xem hết, và nghĩ có xem hết cũng chưa chắc đã hiểu những gì cao siêu trong đó, bèn hỏi một cán bộ tuyên giáo để học nhanh, học liền.

Câu 1: Tôi đọc Các Mác, Ăng Ghen, Lê Nin khá nhiều nhưng chưa hề thấy mấy ông này nói về chống dịch. Hầu như trước tác của các ông này đều hướng vào đấu tranh giai cấp thôi. Vậy phương pháp chống dịch có giống phương pháp đấu tranh giai cấp không?
Ảnh chụp màn hình

Câu này nhà tuyên giáo trả lời gọn trơn: “Không giống thì làm sao vận dụng được? Anh phải hiểu con virus là một thứ giai cấp ngồi mát ăn bát vàng, bóc lột thậm tệ người lao động. Ngồi mát nghĩa là nó thích nghi với phòng lạnh, rồi chui vào tận trong phổi người ta để ăn, ăn đến khô máu. Kết quả là người càng nghèo càng phải chết nhanh vì nó!”

Tôi gật đầu bái phục. Chỉ hỏi thêm: “Vậy là ta phải dùng chuyên chính vô sản để trấn áp virus?” Tưởng anh ta không thể trả lời được, nhưng vẫn nói gọn trơn: “Hiển nhiên phải dùng bộ đội, công an mới dẹp được dịch!”

Câu 2: Toàn tập Hồ Chí Minh tôi đọc xong từ khi học cấp ba, cũng không thấy có tư tưởng chống dịch. Vậy thì phải “vận dụng sáng tạo như thế nào?”

Nhà tuyên giáo cũng không cần phải bóp trán suy nghĩ. Ngài tuôn ra một hơi, thông hơn nước chảy trong ống cống: “Vấn đề nằm ở chữ “sáng tạo” ấy. Bác Hồ của chúng ta chỉ nói chống giặc, ta sáng tạo thành chống dịch. Hoạt động như nhau: vẫn đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết thành công đại thành công, thi đua là yêu nước”.

Tôi cũng gật, nhưng lại thắc mắc: “Nhưng chung chung quá. Cho ví dụ cụ thể đi!”

Nhà tuyên giáo trả lời, suôn hơn cả tóc duỗi: “Ví dụ thế này. khi thực hiện giãn cách, truyền hình quốc gia kêu gọi mọi người tập thể dục tại nhà là áp dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh “Tự tôi ngày nào cũng tập!” Ra thế, tôi hết thắc mắc.

Câu 3: Còn phát huy những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám để chống dịch là bài học gì vậy? Kêu gọi nhân dân biểu tình hay vùng lên phá kho thóc của bọn dịch ngồi mát ăn bát vàng à?

Nhà tuyên giáo đến câu này thì mới bóp trán suy nghĩ. Khoảng vài ba phút trầm tư như một nhà triết học, ngài nói: “Biểu tình là phạm luật, gây rối nơi công cộng. Phá kho thóc của nhà nước là phạm tội phá hoại xã hội chủ nghĩa. Không ổn…”

Tôi chen vào: “Hay là phá mấy cái biệt phủ của quân ôn dịch, lấy vàng bạc chia cho dân đói?”

Nhà tuyên giáo giật mình thon thót: “Càng không được. Biệt phủ hiện nay người ta thừa kế từ cha mẹ để lại hoặc buôn chổi đót, nuôi gà, nuôi heo đến thối móng tay đấy. Phải yêu thương người giàu có như yêu con ngươi của mắt mình. Vậy mới gọi là áp dụng sáng tạo!”

Giời ạ, cái sự sáng tạo khó như vậy mà họ vẫn nghĩ ra được. Nói làm thối móng tay còn nghe được chứ quân ôn dịch này có lý lịch ba đời đi ở đợ thì làm gì được thừa kế biệt phủ hay vàng bạc của cha mẹ để lại? Tôi phải thán phục lần nữa bằng cách kể câu chuyện triết gia cho nhà tuyên giáo nghe.

Rằng ngày xưa có triết gia trước khi chết, chỉ vì khó thở đã để lại một di huấn hào hùng: “Mở cửa ra!” Những học trò của triết gia chép lại câu nói ấy và diễn giải, rằng mở cửa ra có thể áp dụng sáng tạo trong mọi tình huống. Mở cửa ra để nhìn xa trông rộng, mở cửa ra để được tự do, khai phóng, mở cửa ra để được giao lưu, hội nhập…

Hoá ra nhà thông thái, tức gì cũng biết, biết tuốt, là có thật!

Bình Luận từ Facebook

No comments:

Post a Comment