Wednesday, August 25, 2021

PHỐ BỖNG LÀ DÒNG SÔNG UỐN QUANH

( Bs. Võ Xuân Sơn)

Hôm qua, như tôi đã kể, có lúc đã dự định đi mua thực phẩm, rau để gởi về Sài Gòn, mới biết có rất nhiều người đi mua với mục đích như vậy. Không biết rau vườn nào rẻ, chứ rau, trứng, thịt, gà… tất cả đều lên giá so với tuần trước. Đó là giá ngay tại chợ Đà Lạt, và các hàng tạp hóa ven đường.

Hai ngày trước, tôi đặt hàng rau cho bệnh viện. Đặt buổi chiều tại Đà Lạt, thì ngay sáng hôm sau bệnh viện ở Sài Gòn đã nhận được. Thế nhưng hôm nay thì lại khác. Nghe nói các trạm đã được lập lại. Xe thì bị dừng dọc đường nhiều giờ. Tới Sài Gòn thì phải có phép mới chuyển được. Đã vậy còn bị mưa tầm tã. Nên đến giờ này vẫn chưa nhận được.

Chắc sau mưa là ngập. Nếu hôm nay là triều cường thì có lẽ đó là thời điểm lịch sử của Sài Gòn, triều cường, mưa lớn, hệ thống chống ngập tốn kém hàng đầu thế giới, và virus Vũ Hán, cùng lúc tấn công Sài Gòn.

À, tôi xin lỗi. Không phải virus Vũ Hán tấn công Sài Gòn. Nó tấn công bao nhiêu thành phố lớn trên thế giới, với cả triệu người, hoặc ít thì hàng trăm ngàn người bị nhiễm, hàng chục ngàn ca tử vong. Sài Gòn, với mười mấy ngàn ca nhiễm, vài ca tử vong, thì có thể nói là con virus Vũ Hán mới chỉ ghé qua thăm viếng Sài Gòn chút chút, đang ngắm nghía Sài Gòn mà thôi.

Cái tấn công Sài Gòn, cùng với triều cường, mưa lớn, hệ thống chống ngập tốn kém… thật tiếc, không phải là con virus Vũ Hán, mà là phương pháp chống dịch kiên định theo con đường bất chấp đời sống người dân, bất chấp phản ứng của xã hội, tốn tiền, hao sức, làm cạn kiệt tiền của dân, làm cạn kiệt sức lực của đội ngũ chống dịch. Quan trọng hơn, nó làm cạn kiệt niềm tin của người dân vào khả năng thực sự của chính quyền, cũng như niềm tin vào sự minh bạch về ly' do kiên định với đường lối chống dịch đã không còn hiệu quả.

Một trong các thứ bị mất qua vụ dịch này, là độ tin cậy của các thông tin chính thống từ miệng các quan chức của chính quyền. Cách đây chưa đến một tuần, chính tai tôi nghe ông Chủ tịch UBND TPHCM, và các vị giám đốc các siêu thị cam kết có đủ hàng bán cho người dân, đừng mua tích trữ. Thế mà bây giờ, chỉ có 4, 5 ngày sau các tuyên bố hùng hồn ấy, các siêu thị lại hạn chế, chỉ cho mỗi người được mua một lượng hàng nhỏ.

Ai đó nói đùa, rằng TPHCM không ngăn sông, chỉ cấm chợ thôi. Có thể chiều nay câu nói này sai, khi đường Sài Gòn đã biến thành sông, nhờ hệ thống chống ngập đỉnh cao trí tuệ của TPHCM.

Toàn bộ hệ thống cung ứng hàng hóa thiết yếu đã bị đứt gãy, khiến người dân ở một thành phố đầy sức sống phải sắp hàng dài hàng cây số, chờ mấy tiếng đồng hồ, để được vào siêu thị mua một chút ít thực phẩm theo những qui định hạn chế một cách hết sức ngu ngốc. Bản thân tôi đã hết sức bất ngờ, khi tất cả các siêu thị tôi gọi điện đến đều từ chối bán hàng online.

Tin đồn về người F0 ở BVDC nào đó nhảy lầu tự tử, về những bất cập đang xảy ra trong các BVDC được đưa lên mạng. Nhiều người hỏi tôi, tôi không dám khẳng định hay bác bỏ. Trên thực tế, những thông tin chính thống đã không còn đáng tin cậy, những lời đồn lại thường xuyên trở thành sự thật, nên tôi không thể liều lĩnh bác bỏ lời đồn, và cũng không thể hi sinh danh dự, và sự chính trực của mình, để nghe theo các quan chức chính quyền.

Tôi thường nhận được câu hỏi, nếu bây giờ dương tính rồi thì làm sao. Tôi vẫn trả lời là phải làm theo qui định. Nhưng nói thật là bây giờ, tôi sẽ không cảm thấy yên tâm với câu trả lời ấy của mình, dù nó hợp pháp. Trong thâm tâm, tôi muốn nói họ cứ ở nhà, tự cách ly với người ngoài và người nhà, mua thuốc sốt, long đàm uống, mua máy đo oxy theo dõi, khi nào nặng, khó thở, hoặc SpO2 giảm nhiều, thì tự đi vô những bệnh viện trị bệnh thực sự để trị.

Nhưng tôi không dám khuyên ai như thế, vì điều đó vi phạm các qui định hiện hành. Cho dù các qui định ấy ngày càng trở nên bất hợp ly', nhưng họ sẽ vin vào đó để bỏ tôi vào tù, vì vi phạm qui định của họ, rồi họ đổ thừa chuyện bùng phát dịch cho tôi, để biện bạch cho sự kiên định không rõ vì mục đích gì của họ.

Đà Lạt đã hết mưa, trời sáng rực dưới ánh nắng chiều. Không biết Sài Gòn bây giờ thế nào? Các bạn đi giao rau có vượt qua được nước ngập và các trạm kiểm soát hay không?

KHÔNG THỂ HIỂU CHUYỆN GÌ ĐANG XẢY RA !

19.08.2021
Bác sĩ Võ Xuân Sơn

Hôm qua nay dư luận ồn ào về vụ xét nghiệm toàn TPHCM. Tôi cứ tưởng ai đó giỡn, đưa cái vụ hồi tháng 6 vừa rồi. Hôm nay mới thấy cái văn bản. Mà vẫn còn nghi ngờ, cái văn bản ấy là fake. Vì không lẽ những người tư vấn, những người ra quyết định lại có thể quyết định như vậy sao?

Vụ xét nghiệm tràn lan mới cách đây hơn 1 tháng, góp phần làm cho dịch bùng phát mạnh hơn. Mà hình mẫu là nhà thi đấu Phú Thọ, tưởng đã làm cho những người chủ trương xét nghiệm toàn dân phải tỉnh ngộ, rằng việc làm đó là làm hại cho dân, cho nước, làm hại cho thành phố vô cùng.

Đã có rất nhiều nhà khoa học đưa ra ý kiến về việc này. Xét nghiệm toàn thành phố để làm gì? Nếu để tìm người nhiễm, thì truy vết, xét nghiệm theo khu vực trọng điểm. Cả thế giới này làm như vậy. Không ai đi xét nghiệm cả thành phố gần 10 triệu dân để đi tìm người nhiễm, ngoại trừ người ta cần phải tiêu thụ lượng kit, test nào đó, phục vụ lợi ích cho các tập đoàn dược.

Còn muốn biết về bức tranh lây nhiễm virus Vũ Hán của thành phố, người ta có thể làm xét nghiệm ngẫu nhiên, chọn lựa những nhóm đại diện, với số cỡ mẫu đủ độ tin cậy. Đây là phương pháp cả thế giới người ta làm, là một trong các phương pháp cơ bản của dịch tễ, y học dự phòng. Mới hơn 1 tháng trước, nhiều nhà khoa học đã phân tích về việc này.

Chỉ nói đến một khía cạnh: chi phí cho việc xét nghiệm. Với kế hoạch mỗi tuần thực hiện 1 triệu xét nghiệm (Phần IV, mục 2), cho 4 tuần liên tục. Thì chỉ tính số tiền cho kit xét nghiệm nhanh, theo giá tôi mua cá nhân (chắc chắn là rẻ hơn nhà nước mua), thì đã là 648 tỉ. Ít nhất là bằng bấy nhiêu cho công tác tổ chức xét nghiệm, là 1.296 tỉ đồng. Đây là chưa tính đến số xét nghiệm PCR đi kèm, chi phí có thể gấp 3, hay 4 lần số tiền đó.

Số tiền đó nếu mang đi cứu trợ cho dân, thì sẽ có bao nhiêu người không phải lao ra đường kiếm cái ăn, sẽ có bao nhiêu vụ lây nhiễm được ngăn chặn, sẽ hạn chế bao nhiêu người trong làn sóng trốn chạy khỏi TPHCM?

Phòng khám của tôi có 3 nhân viên bị nhiễm. Cả 3 đều là nhiễm sau khi đi chích vaccine cộng đồng về. Chỉ có 1 trong 3 người là ở vùng phong tỏa vì có dịch. 1 người khác là bác sĩ lớn tuổi đã về hưu, mà tôi đã kiên quyết không cho tham gia bất cứ công việc thiện nguyện nào có phơi nhiễm theo lời kêu gọi của Bộ Y tế cũng như Sở Y tế.

Mà đó mới chỉ là chích vaccine cộng đồng, đối tượng lại là nhân viên y tế, khả năng lây nhiễm thấp hơn nhiều so với việc lấy mẫu cộng đồng. Vậy mà còn lây nhiễm như vậy. Thì lần lấy mẫu cho gần như toàn dân này, sẽ có bao nhiêu người tham gia vào quá tải ở Bình Hưng Hòa?

Thưa các vị lãnh đạo TPHCM,

Thưa các vị đức cao trọng vọng trong cái ban tư vấn cho TPHCM,

Tôi không tin là các vị lại không hiểu điều mà người ta, các nhà khoa học, nói ra rả suốt. Nếu văn bản này là thật, thì khả năng cao là có những người đang ngồi ở vị trí tư vấn hay lãnh đạo của thành phố này nhắm tới một mục đích nào đó, không phải mục đích chống dịch.

Liệu có ai đó muốn TPHCM sẽ bị chìm vào dịch bệnh mãi hay không? Liệu có ai đó muốn TPHCM cứ bị phong tỏa mãi hay không? Liệu có ai đó muốn người dân thành phố này phải kiệt quệ, phải quì xuống van xin họ miếng ăn để sống sót hay không? Liệu có ai đó muốn thành phố này phải bất ổn, đến mức người dân phải vùng lên, giống như năm 1945, phá kho thóc, và từ đó, lật đổ chính quyền?

Hay đơn giản, chỉ vì lợi lộc từ những đồng tiền thuế của dân bỏ ra cho xét nghiệm, mà họ bất chấp tất cả?

No comments:

Post a Comment