Tuesday, August 17, 2021

Nghề Học Nhanh , Kiếm Tiền Lẹ…

13/08/2021
Nguyên Ngọc

***
Cái chứng chỉ tốt nghiệp “Phlebotomy Technician.” Nguồn ảnh:

Tuần trước, Tina bạn tôi ở Washington, Mỹ, gọi về thăm. Bạn ấy báo tin mừng là cô con gái rượu T. vừa tốt nghiệp cấp III mùa Hè năm nay đã được một trường đại học danh tiếng ở Mỹ nhận và cho học bỗng toàn phần bốn năm đại học. Tôi nghe mà thật hảnh diện và mừng giùm cho cháu. Học bỗng toàn phần là điều mà rất nhiều sinh viên kể cả Út của tôi, mơ ước được có, nên tôi rất hào hứng chúc mừng cho bạn và cháu T. Nhưng tôi không ngạc nhiên chút nào, vì vốn dĩ bé T. rất ngoan hiền và học thì rất giỏi.

Mỗi khi mẹ bé gọi về hay tôi gọi qua thăm đều được bạn chia sẻ những niềm vui của bé, nào là nhận huy chương vàng của mỗi học kỳ, rồi giải thưởng từ những cuộc thi toàn trường, rồi những bằng khen vì bé tham gia các hoạt động xã hội, làm thiện nguyện gây quỹ cho người không nhà....Cho đến những tháng ngày đại dịch, trường lớp đóng cửa, các hoạt động xã hội cũng ngưng luôn, thì mọi hoạt động phải ngừng lại và học sinh phải học qua hệ thống mạng. Vậy mà bé cũng vẫn học với thành tích thật là xuất sắc.

Tina rất hạnh phúc và hảnh diện mỗi lần kể về con gái. Và tôi cũng vui vì được dịp học hỏi thêm về những quyền lợi tối đa của học sinh trên đất nước Hoa Kỳ, khi các em còn đi học mà đã biết tham gia làm thiện nguyện, làm những công tác xã hội, để rồi kết quả được tưởng thưởng xứng đáng. Tôi được biết, nếu các em vừa học giỏi mà vừa có nhiều thành tích làm thiện nguyện hay tham gia các hoạt động nhà trường, giỏi về các môn thể thao, bóng bầu dục, bóng bàn, bóng đá thì cơ hội các em được nhận vào trường tốt có học bỗng rất cao. Là một nhà giáo, tôi tâm đắc nhất chuyện nhà trường Mỹ luôn khuyến khích và cho cơ hội các em thể hiện tài năng khi còn nhỏ, để mai sau thành người hữu dụng. Hèn chi nước Mỹ không bao giờ thiếu nhân tài.

Nhân nói đến nước Mỹ không thiếu nhân tài, tôi chợt nhớ lại bé My My, con gái Tuyết Vân, em ruột người bạn thân của tôi là Lệ. Cách đây cũng được mấy năm, bé My My, tên ở nhà, tên Mỹ là Nguyễn Hoàng Ly Na mới 13 tuổi, học cấp II ở trường “Liberty Bell Middle School” thuộc tiểu bang Tennesse, đã thắng giải và trở thành một trong những học sinh cấp II, khối lớp 7-8 được vinh danh tại cuộc thi sáng tạo khoa học trẻ “Junior Scientist Awards của Genes in Space” tại Mỹ. Khi ấy báo chí trong và ngoài nước đều rộn ràng đăng tải tin vui này, “Bé Nguyễn Hoàng Ly Na, 13 tuổi, đạt được giải thưởng với công trình có chủ đề “Tác động của vi trọng lực lên thành phần dịch não tủy và sức khoẻ thần kinh của phi hành gia,” cùng với nhiều chi tiết rất hay. Thật là khâm phục cô bé.

Người ta thường nói “hổ phụ sinh hổ tử,” nhưng có lẽ ở đây tôi xin đổi lại là “Hổ mẫu...” mới đúng, vì Tuyết Vân mẹ bé My My thông minh vô cùng; cô ấy từng là nhà kinh tế học thật giỏi, làm lương rất cao, nhưng đã rời VN đi định cư ở Mỹ. Vân và chị cô ấy Lệ bạn tôi, cũng là hai vị ân nhân mà tôi suốt đời ghi nhớ, cưu mang trong lòng dù đã mười mấy năm trôi qua. 

Mười mấy năm về trước, khi tôi vướng phải căn bịnh quái ác mà tôi đã có viết trong bài đầu tiên “Mầm Sống Trên Đất Mới,” Lệ người bạn thân thiết hay tin dữ về căn bịnh của tôi thì hoảng quá gọi điện thoại tứ tung, vừa báo tin vừa vận động mọi người quyên góp tiền giúp cho cô giáo nghèo là tôi đi Sài Gòn chữa bịnh. Sau này khi lành bệnh, tôi nghe người nhà Lệ kể lại chuyện mà thương bạn đến rưng rưng. 

Chuyện thế này: “Khi ấy Lệ vừa gọi điện thoại đi tứ tung vừa khóc um sùm, người nhà hỏi: “Gọi ai mà khóc dữ vậy?” Lệ nói bạn của Lệ là tôi bị bệnh ung thư nên Lệ khóc, thì người em của Lệ là một vị chân tu, hứa sẽ giúp cho hai triệu, và Lệ khóc dịu xuống một chút, đến khi Tuyết Vân mẹ của bé My My hứa cho triệu rưỡi nữa, thì Lệ...nín khóc luôn, quẹt nước mắt chạy đi lấy tiền đem tới cho tôi kịp đi sài Gòn. Quả là những tấm lòng. Thật không còn tình nghĩa nào hơn thế nữa.

Trở lại chuyện T. Con gái người bạn Tina của tôi. Tina dạy con khéo lắm, bé vừa học giỏi lại lễ phép và nói tiếng Việt ngọng nghịu rất dễ thương vì bé có đi học lớp Việt ngữ, tuy bé viết tiếng Việt chưa khá chỉ chút ít các câu thông thường. Nhưng như thế cũng quý lắm rồi, nhiều Việt Kiều tôi quen đưa con về thăm quê mà các cháu không nói được tiếng Việt nên rất lạ lẫm với quê cha đất tổ thật là tội nghiệp. Bé T. học rất giỏi môn sinh và dự tính vào ngành y.

Tôi có nghe bạn tôi kể hồi tháng Năm vừa rồi khi gần cuối năm học, mặc dù tình hình dịch Covid, bé vẫn xin mẹ đi làm thiện nguyện ở những trung tâm chích ngừa, vài trung tâm mở tại chùa và các trung tâm chích ngừa của thành phố. Mẹ bé sợ bé lây bịnh nên không cho đi, nhưng bé nói hiện tại nơi đâu cũng thiếu người, họ rất cần sự giúp đỡ để chích ngừa cho cộng đồng, hơn nữa bé cần lý lịch hoạt động tốt để xin vào các trường tốt, nên Tina đành chập nhận cho con gái đi làm thiện nguyện chỗ chích ngừa, và bé hứa sẽ giữ gìn thật cẩn thận.

- Bà biết hôn? Tina nói. - Tui cản nó không được nên phải mua những cái mặt nạ y tế loại “xịn” N95 làm từ USA thật mắc tiền và mua tấm mặt nạ trong như gương che chắn cả khuôn mặt cho bé mang đi làm. Khi bé về thay đồ hết ngoài nhà để xe, bỏ vào máy giặc xong mới vô nhà tắm rửa.”

Nhưng nhờ đi làm thiện nguyện, bé được chích ngừa đủ hai mũi rất sớm vì bé đã đủ 18 tuổi, nên bạn tôi cũng cảm thấy an tâm nhiều.

Người ta nói, làm chuyện tốt sẽ gặp điều tốt, là rất đúng với trường họp bé T. Tôi nghĩ vậy, khi bạn tôi khoe thêm tin mừng khác. Bé vừa xong một khóa học về kỷ thuật lấy máu, mà Tina nói tiếng Anh gọi là “Phlebotomy Technician,” chỉ chờ đi thi lấy bằng Tiểu Bang nữa là bé có thể xin việc làm ngay, mà việc làm này có liên quan đến ngành y bé sẽ học, lương cũng rất khá, sau này vô đại học bé có thể đi làm thêm vài ngày cuối tuần để có tiền chi phí.

Tôi khâm phục cách dạy con sống tự lập của người bên Mỹ. Không giống như ở VN, cha mẹ nghèo hay giàu đều phải nuôi con ăn học tới khi xong đại học nếu đứa con có ước mơ, rất ít đứa trẻ tự đi làm để lấy tiền trả học phí, vì cơ hội việc làm không có đã đành, mà cha mẹ nào cũng muốn lo cho con tới khi học hành thành đạt, dựng vợ gả chồng xong là mới gọi là xong trách nhiệm. Trẻ ở Mỹ tới học cấp III là đã đi ra ngoài làm thêm sau giờ học rồi.

Nhờ đi làm thiện nguyện, bé T. biết được cái nghề này hiện tại bên y tế rất cần, học thì lại rất nhanh không tốn nhiều thời gian, một khóa chỉ cần 4-6 tuần và sinh viên chỉ cần thực hiện đủ 50 lần rút máu từ mạch máu bằng kim tiêm là đủ đi thi, nên khi vừa đúng sinh nhật 18 bé xin mẹ ghi danh đi học.

- Bồ biết hôn, sau khi nghe bé ghi danh học ngành này, người bà con của mình ở Cali nói là con trai anh ấy cũng có bằng Phlebotomy Technician, hiện đang làm trong bệnh viện, lương rất khá, và không bao giờ sợ bị...mất việc. Anh nói thằng con anh sau khi thi đậu bằng tiểu bang là xin được việc làm ngay, bắt đầu họ trả $17/giờ, nhưng chỉ sau vài tháng họ tăng lên $20/giờ, đến nay thì mức lương toàn năm cũng bốn mấy nghìn/năm. Thằng bé đó làm việc toàn thời gian nên có bảo hiểm y tế và các quyền lợi khác thật đầy đủ. Bạn tôi kể.

Tôi nghe quá hấp dẫn nên hỏi tới ngay, và sau đó tôi lên mạng tìm kiếm thì càng thích thú vì quả thật là bạn tôi nói đúng: Cái nghề lấy máu xét nghiệm này lại là một ngành rất đơn giản, học nhanh, học phí rẻ, thi lấy bằng lẹ, xin việc làm thì chỉ trong ...nháy mắt.

Tôi liền kêu bạn tôi gửi cho trang mạng về trường học nghề của bé T để tôi đưa cho Út của tôi và vài đứa cháu bà con của tôi bên đó nghiên cứu xem sao, biết đâu ngày nào đó mấy đứa có cơ hội sẽ đi học thêm cái nghề “dễ kiếm việc làm này.”

Cháu T. sau đó gửi cho tôi 2 trang mạng về trường học và địa chỉ ghi danh cho cái ngành Phlebotomy này: https://www.npce.org/cpt/phlebotomy-certification-united-states/california-phlebotomy-certification/washington-california-phlebotomy-certification/


Nhưng khi tôi mở ra thì thấy toàn là một rừng chữ tiếng Anh rối rắm, mờ mắt luôn, mày mò lắm copy từng câu thảy vào nhờ “ông Gồ” giúp, tôi cũng chỉ hiểu qua loa. May thay cuối cùng tôi tìm thấy một trang web tiếng Việt dưới đây, thì tôi mới “sáng mắt” đọc hết từng lời những điều kiện và lợi ích cũng như mức lương của ngành này, và ...mê tít thò lò luôn! Mời quý bạn đọc vào đây xem nhé: (https://worldscholarshipforum.com/vi/l%C3%A0m-th%E1%BA%BF-n%C3%A0o-t%C3%B4i-c%C3%B3-th%E1%BB%83-tr%E1%BB%9F-th%C3%A0nh-m%E1%BB%99t-phlebotomist/)

Theo như trong trang web này thì hiện nay “Triển vọng công việc Phlebotomy ở Washington và California đang tăng lên; BLS báo cáo rằng các chuyên gia phlebotomy được dự đoán sẽ thấy sự phát triển nhiệm vụ là 25% từ năm 2014-2024...”

Và mức lương của họ trả cũng quá... ngon lành. Có những tiểu bang mà nhân viên Phlebotomist được trả lương cao hàng đầu, tôi xin trích ra đây vài chỗ trong cái danh sách thật dài:

California - $ 45,030/năm
Alaska - $ 42,290/năm
District of Columbia - $ 41,600/năm
Newyork - $ 40,630/năm

Và những công việc mà một Phlebotomy Technician có thể xin làm là ở:

-Bệnh viện Cơ sở chăm sóc cấp tính
-Phòng khám tại bệnh viện
-Trung tâm cấp cứu tại bệnh viện
-Phòng khám Sở Y tế
-Trung tâm Y tế Cộng đồng
-Phòng khám tại trường học
-Trung tâm lọc máu
-Văn phòng bác sĩ, v.v...

Và còn nhiều nơi nữa, thiệt là nhiều, không kể xiết...

Trong trang web này còn nói, một người không cần phải giỏi toán mới học được ngành Phlebotomy này, vì công việc rất ít liên quan đến tính toán, vì vậy chương trình đào tạo Phlebotomy “sẽ chỉ bao gồm giải phẩu, giữ an toàn trong phòng thí nghiệm, và các quy trình, lấy máu tĩnh mạch, kinh nghiệm thực hành và ghi nhãn mẫu, thay vì toán học...” (Trích trong trang web trên)

Nghe thiệt là...hấp dẫn!

Sau khi tìm hiểu kỹ càng rồi thì tôi gọi cho cho Tina, xin được nói chuyện với bé T. để hỏi thêm. Bé vui vẻ cho biết, học ngành này rất dễ dàng, và thú vị nữa, khi vào học thực hành, và thời khóa biểu học cũng rất là thư giãn, dễ chịu và tiện lợi cho sinh viên. Có rất nhiều khóa học để chọn lựa ghi danh, khóa cuối tuần, giữa tuần, hay đầu tuần, và có cả lớp ban đêm. Cho nên sinh viên có thể ghi danh thuận theo lịch học của mình. Muốn học cho nhanh thì học toàn thời gian, xong sớm sẽ đi thi sớm.

-Vui lắm dì ơi! T. kể xong nói. - Những ngày thực tập chung với các bạn Mỹ, vì con ốm nên đường gân nổi lên xanh lè dễ thấy, ai cũng “giành” vô nhóm với con hết, còn các bạn Mỹ to con nhiều mỡ che khuất, nam nữ gì cũng vậy, họ tìm hoài mà vẫn không thấy cái “vein” nó nằm ở đâu cả. Cho nên con thấy tội nghiệp họ, con để cho mọi người tha hồ lấy máu của con, cả những người ngoài nhóm, và ai cũng thích con, nên chiều về là cái tay của con chi chít vết mũi kim, chắc con mất cũng không ít máu, nhưng mà không sao, cơ thể người tạo ra máu rất nhanh mà. Bé nói với tiếng cười khúc khích.

Tôi nghe bé kể một cách vô tư mà xúc động khôn cùng, từ bên kia nửa vòng trái đất tôi như thấy được nét mặt tươi vui của bé. Quả T. là đứa trẻ có lòng nhân hậu, biết vì người, vì bạn bè, vì tập thể. Thảo nào mà bé đã đoạt được nhiều thành tích đến vậy.

Tôi nói với Tina bạn tôi:
-Bồ có phước lắm! Bé T. tương lai sẽ là một bác sĩ giỏi.

Gác máy xong, tôi còn ngồi lặng im một hồi lâu, tưởng tượng ra khuôn mặt dễ thương nhân hậu của bé T., một cô bé Việt Nam da vàng mảnh mai, đang ngồi tỉnh bơ “oai hùng” chìa cánh tay ra cho đám bạn Mỹ cao lớn cùng lớp xúm nhau dùng kim tiêm... “hút máu” mà miệng bé vẫn mỉm cười...

No comments:

Post a Comment