Sunday, July 11, 2021

Lụy Đàn Bà - Truyện Về Thằng Bạn Thân 

Đỗ Duy Ngọc

Tôi và Nam là đôi bạn thân. Thân lắm. Hai đứa tôi học chung lớp từ Tiểu học, lên đến Trung học rồi Đại học. Đúng ra Nam thi vào Kỹ sư Phú Thọ nhưng vì thích gắn bó với tôi nên cũng ghi danh học Văn khoa cùng tôi dù Nam không có khiếu văn chương là mấy. 

Nhà tôi ở đầu dãy cư xá, nhà Nam ở cuối cư xá. Đó là cư xá dành cho sĩ quan ở đường Bắc Hải nên mọi người gọi luôn là cư xá Bắc Hải, có người gọi là cư xá sĩ quan Chí Hoà. Bố tôi là Trung tá làm việc ở Bộ Tổng tham mưu quân đội, bố Nam là Thiếu tá Quân cụ, chuyên cung cấp vũ khí, đạn dược và nhiều trang bị khác cho quân nhân. Gia đình tôi và Nam đều là dân Bắc di cư năm 1954 lại là gia đình quân nhân nên khá thân nhau. Bố Nam người gầy, rất hiền và vui vẻ, gặp ai trong cư xá cũng chào hỏi thân tình, ai cần chi cũng giúp tận tình.

Ông còn là một cư sĩ Phật giáo, ăn chay trường. Mẹ Nam là một phụ nữ đẹp, rất đẹp lại có dáng dấp rất quý phái, xuất thân từ gia đình trâm anh thế phiệt, là dược sĩ, làm cho một viện bào chế lớn ở Sài Gòn nên cũng hơi kiêu kỳ một chút. Nam đẹp trai giống mẹ và hiền lành giống bố. Hắn có dáng dấp và khuôn mặt như diễn viên Alain Delon, một tài tử nổi tiếng của Pháp thời đấy. Nam học giỏi lại rất thân thiện với bạn bè. Trong lớp học, hắn luôn tìm cách giúp đỡ mọi người, không bao giờ từ chối những yêu cầu của bất cứ ai, miễn là trong khả năng của Nam. Học chung với hắn lâu năm, tôi để ý là trong lớp có bạn nào khó khăn trong đời sống, hắn tìm cách giúp ngay, không quần áo, sách vở thì tiền bạc. Hắn tặng một cách kín đáo, tế nhị nên người khác không ai hay. Dưới mắt tôi Nam là một người tốt, quá tốt. Vừa học giỏi lại ngoan hiền nên Thầy Cô nào cũng quý hắn lắm. Chắc là ảnh hưởng lối giáo dục và tính cách tu hành của cha.

Hồi đấy, tôi có lần dạy kèm cho con chiêm tinh gia Huỳnh Liên, nhà ở đường Phan Thanh Giản. Ông này lúc đó nổi tiếng lắm, đến Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu còn phải tin những lời của ông. Một hôm tôi và Nam đến thăm ông, không biết lần đó ông hứng tình chi mà bảo hai thằng ngồi cho ông bói một quẻ. Tôi thì ông bảo chỉ làng nhàng, thuận lợi, không có chi trúc trắc, chỉ có điều như cái tuổi Canh nên canh cô mồ quả, già sống một mình. Đến Nam thì ông cứ ngồi nhìn Nam mãi, hết nhìn mặt đến cầm tay, lại bảo Nam vén tóc nhìn tai, nhìn gáy. Cuối cùng ông phán một câu: Cậu này rồi sẽ luỵ đàn bà, sẽ khổ vì đàn bà. Tôi muốn bật cười mà không dám. Đẹp trai con nhà giàu như Nam, tướng ngon như tài tử như Nam mà bảo luỵ và bị khổ vì đàn bà thì ai tin được. Đàn bà, con gái khổ vì hắn thì có. Thế rồi cũng quên đi, chẳng có thằng nào nhắc đến.

Mà kể cũng lạ, suốt mấy năm sinh viên, Nam chẳng hề yêu ai dù có rất nhiều cô gái theo hắn. Nhiều khi tôi nghĩ hay là hắn đồng tính, chỉ thích đàn ông. Nhưng chắc chắn là không phải thế, bởi nhiều khi bạn bè rủ đi chơi gái, hắn cũng hăm hở và làm tròn nghĩa vụ như bất cứ thằng đàn ông nào. Chỉ có điều khác là lần nào nó cũng cho thêm tiền các cô gái và cư xử rất đẹp với các cô ấy. Đến đâu hắn cũng được khen là người chơi đẹp và thanh nhã, lịch sự như một quý ông.

Năm 1972, tốt nghiệp đại học lại là lúc chiến tranh dữ dội hơn, tất cả sinh viên tới tuổi đều bị động viên, Nam đi vào quân trường Thủ Đức khoá 72. Tôi thi vào một cơ quan chính phủ nên được hoãn dịch. Ra trường, Nam chọn binh chủng nhảy dù trước sự ngạc nhiên của mọi người. Hiền như hắn mà sao lại làm sĩ quan nhảy dù được nhỉ? Hơn nữa bố hắn cũng chạy cho hắn về một đơn vị tiếp liệu cùng ngành quân cụ như ông, khỏi ra mặt trận. Nhưng Nam không bằng lòng, một mực về nhảy dù cho được. Và ngược với suy nghĩ của mọi người, hắn đánh giặc ra trò, lính lác thương hắn lắm vì hắn cũng xem lính như anh em một nhà. Lính hắn thằng nào tử trận hắn cũng về tận gia đình, giúp đỡ tiền bạc, lo lắng tận tình vợ con lính nên ai cũng quý. Nhưng mãi cũng chưa có vợ. 

Nhiều khi tôi nghĩ hay là hắn băn khoăn câu nói của ông Huỳnh Liên nên hắn sợ không dám lập gia đình. Cũng có lần tôi hỏi hắn về chuyện này, hắn bảo đời lính, hòn tên mũi đạn biết đâu mà tránh, lấy vợ rồi lỡ có chuyện gì chỉ khổ cho người ta. Nhưng rồi cuối cùng tôi phát hiện ra hắn yêu Ngọc Lan, em gái tôi. Chẳng là tôi có cô em gái nhỏ hơn tôi hai tuổi, đang học Luật. Ngọc Lan đẹp, thuỳ mị, nết na và rất hiền lành. Hai đứa này mà lấy nhau chắc hợp. Nhiều lần hành quân về, Nam cùng tôi và Ngọc Lan đi chơi với nhau. Hôm thì đi ra Rex xem phim, bữa thì ra Thanh Thế, Givral ngồi cà phê, ăn kem. Khi phát hiện ra hai đứa có tình ý với nhau, tôi hay tìm cách từ chối để Nam và Ngọc Lan có dịp ngồi riêng tâm sự. Nhưng một thời gian khá dài, hình như tình cảm của hai người chẳng đi đến đâu. Tôi thấy Ngọc Lan buồn, rất buồn. Tôi tra hỏi mãi thì em chỉ khóc mà không nói. Một hôm, có lẽ là không thể im lặng mãi được, Ngọc Lan mới bảo với tôi rằng Nam bảo rất yêu Ngọc Lan, nhưng không thể cưới vì ra chiến trường biết chết giờ nào mà gây khổ đau cho người mình yêu. Nói thế nào Nam cũng không lay chuyển. Không kết cuộc được thì đành chia tay. Đành vậy. Hơn năm sau, khi lấy xong cử nhân Luật, em gái tôi lấy chồng. Chồng em là sĩ quan không quân lái trực thăng, cũng đẹp trai chẳng khác gì Nam nhưng tánh tình thì hơi cộc cằn và ăn chơi cũng dữ.

Tháng 4 năm 75, Nam từ trại Hoàng Hoa Thám chạy về chỗ nhà trọ của tôi ở đường Trương Minh Giảng, từ lúc đi làm, có lương, tôi xin phép bố mẹ thuê nhà ở riêng cho tiện. Nam trông bơ phờ, quần áo chẳng có chi ngoài chiếc quần đùi và cái áo ba lỗ. Hắn bảo cởi bỏ lại ở ngoài đường rồi. Hắn ngồi một lát rồi ôm mặt khóc hu hu. Tôi cũng chẳng biết nói gì với hắn vì tôi cũng đang rối tinh, chưa biết phải tính sao đây nữa. Hai thằng rú xe về cư xá Bắc Hải, mọi người trong cư xá cũng đang nháo nhào lo sợ. Đã có nhiều nhà khoá cửa ra đi. Bố mẹ tôi cũng chẳng biết làm gì, ngồi thở dài thườn thượt. Gia đình tôi cũng có giấy của Toà Đại sứ Mỹ lên danh sách di tản, nhưng bố mẹ tôi không đành để bà ngoại ở lại, bà đã quá già cho một cuộc hành trình sẽ chẳng biết về đâu. Ngọc Lan cùng chồng leo lên trực thăng bay ra biển từ tối hôm qua. Bố mẹ thấy tôi về cũng mừng. Bên nhà Nam cũng thế, Bố Nam cũng kẹt cụ bố ông, tuổi cũng đã già, không đi được, đành cả nhà ôm nhau ở lại, chờ chuyện chi tới cũng đành.

Rồi bố tôi, bố Nam và cả Nam bị kêu đi trình diện học tập cải tạo. Tiếp đó gia đình tôi cũng như gia đình Nam và nhiều nhà khác trong cư xá đều bị cưỡng chế ra khỏi nhà và có lệnh đi kinh tế mới. Cũng may tôi được lưu dung, làm việc tại chỗ cũ với những người chủ mới nên tránh được vụ đẩy đi kinh tế mới.

Nam học ở Suối máu, Long Khánh. Thời gian đầu bố tôi và bố Nam cùng bị tập trung một chỗ nhưng thời gian sau thì bị chuyển ra Bắc. Trong cuộc hành trình trên chiếc tàu lênh đênh ngoài biển, bố Nam không đi tới nơi, ông đã chết trên tàu, xác đành quăng xuống biển. Bố tôi bị bảy năm trong trại cải tạo, di chuyển từ Lạng Sơn đến Hà Nam Ninh rồi Yên Bái.

Khó khăn lắm, mẹ con tôi chỉ đi thăm bố được bốn lần, mỗi lần thấy thân hình còm cõi của bố, mẹ tôi chỉ biết khóc và tôi thì lòng như lửa đốt. Bố tôi đi cải tạo một năm thì bà ngoại tôi mất, ba năm sau đến lượt mẹ tôi qua đời trong lúc ngủ, chắc tại buồn nhớ bố tôi. Mẹ của Nam cũng được làm tiếp ở viện bào chế đã đổi tên, nhưng rồi nghe thiên hạ xì xào là bà đang cặp kè với tay phó giám đốc. Mà thật sự là cũng chẳng phải cặp kè gì nữa mà đã trở thành vợ chồng, hiện ở trong một biệt thự ở quận nhất sau khi ông nội của Nam đã mất. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, tan hoang cả, thay đổi cả, phận người lắm éo le. Tôi chỉ còn một mình, chắc đúng như ông thầy bói nói năm xưa, canh cô mồ quả. Nhiều người rủ tôi vượt biên, tôi còn bố trong trại, sao đành nỡ ra đi. Với lại tiền vàng lúc đó có đâu mà đi được.

Cải tạo được hơn hai năm thì Nam được về, chức trung uý thì tội ác không nhiều nên về sớm. Hơn nữa bản tính hiền lành, giúp nhiều anh em đồng cảnh ngộ, lao động tốt, không có thái độ chống đối gì nên Nam cũng được ưu tiên. Hắn giận mẹ, không thèm tìm gặp, cắt đứt luôn tình mẹ con. Không nghề nghiệp, hắn làm nghề đạp xích lô. Tôi với hắn thuê một cái phòng nhỏ trong căn nhà xập xệ ở gần kênh Nhiêu Lộc, sống qua ngày.

Đùng một cái, hắn báo tin sắp lấy vợ, vợ hắn làm nghề đổi đô la ở đường Nguyễn Huệ. Trong quá trình chở đi, chở về hàng ngày mà thành vợ chồng. Đó là một cô gái đẹp nhưng có vẻ từng trải. Hỏi Nam về lai lịch của vợ, hắn chẳng biết gì, gặp nhau, quen nhau, yêu nhau thì về sống với nhau thế thôi. Hai vợ chồng khắng khít, thương yêu nhau lắm. Nam nghe lời vợ, bỏ nghề chạy xích lô, vợ hắn nhờ quen biết chi đó xin cho hắn làm công nhân. Hai vợ chồng sáng chở nhau đi, chiều chở nhau về trông rất là hạnh phúc. Nam thuê một căn lầu khá khang trang ở đường Công Lý, hai vợ chồng làm ăn có vẻ khấm khá, cũng mừng cho hắn. Tôi làm việc thêm được mấy năm rồi cũng bị cho nghỉ, đành xin làm việc chữa mô rát cho một nhà in nhờ có bằng cử nhân Văn khoa chế độ cũ. Mỗi đứa đều có công việc riêng, đời sống riêng nên chỉ thỉnh thoảng gặp nhau, chẳng gần nhau như trước.

Hai năm sau, một bữa Nam tìm đến tôi, mặt buồn như đưa đám, hỏi gì cũng chẳng trả lời. Rồi hắn rủ tôi đi uống rượu. Trời đất quỷ thần ơi, thằng này từ xưa đến nay có biết rượu chè là gì đâu. Ngay cả thời hắn cầm súng trong binh chủng nhảy dù, hắn cũng không uống rượu bia, sống như nhà tu. Bây giờ lại rủ tôi đi uống rượu, chắc chắn là hắn phải có tâm sự gì ghê lắm đây. Hai thằng ra vỉa hè ngoài chợ Phú Nhuận, hắn gọi rượu, tôi kêu mồi. Ngồi uống cả buổi chiều cho đến khi nhập nhoạng tối. Hắn say khướt, giọng lè nhè. Nhìn khuôn mặt càng đỏ càng đẹp của hắn, tôi mới hỏi nguyên do. Lúc đầu hắn lặng im, rồi nâng ly uống một ngụm, hắn nói. Hắn kể hôm nay xí nghiệp cúp điện được về sớm. Hắn về nhà định chở vợ ra bờ sông Thanh Đa ngồi chơi. Ai dè vừa vào cửa hắn nhìn thấy vợ hắn đang làm tình với người đàn ông lạ. Tôi chồm lên bảo thế thì vào vạch mặt chúng nó, làm một trận cho chúng biết mặt chứ. Hắn cúi mặt bảo làm thế để làm gì, dù sao thì chúng nó đã ngủ với nhau, đã làm tình với nhau, coi như gương vỡ rồi, hốt lại được chăng? Làm rùm beng chỉ xấu mặt nhau thôi. Tôi bảo mày lại tốt kiểu tào lao rồi, uýnh một trận rồi ra sao thì ra chứ, sao mà hiền quá vậy? Hắn cười méo mó nói để làm gì chứ. Thế là hắn bỏ vợ mà đi. Hắn ở với tôi mấy ngày rồi đi mất biệt. 

Mấy hôm sau vợ hắn đến kiếm tôi, bảo anh Nam bỏ đi đâu mất cả tuần nay. Tôi giả vờ hỏi vợ chồng em có gây gỗ gì không? Cô nàng bảo không, vợ chồng em vẫn yêu thương, hạnh phúc lắm mà. Tôi tự nhủ trong bụng con mẹ này kinh thật, đã ngủ với nhân tình mà miệng còn xoen xoét yêu đương với hạnh phúc. Lòng dạ đàn bà khó hiểu thật. Tôi cười nhếch mép mà bảo rằng Nam chẳng thấy ghé đây, cô tìm xem chỗ khác đi, mà tôi nghĩ cũng chẳng nên tìm kiếm làm chi, hắn bỏ đi chắc có lý do gì đấy, nhiều khi cô biết mà cô không nói đấy thôi.

Mấy năm rồi tôi không gặp Nam. Ngày tôi lấy vợ, cố đi tìm hắn mà cũng không tìm được. Đám cưới tôi đơn giản, chỉ có mấy người bạn cùng cơ quan cùng dự. Bố tôi sống bảy năm trong tù rồi cũng chết trong trại cải tạo, thỉnh thoảng tôi cũng nhận thư và quà của em Ngọc Lan gởi về từ Mỹ. Vợ chồng em đã ly dị, giờ em sống một mình ở San Jose, đi làm cho một hãng phần mềm ở đấy, sống cũng khá sung túc, cũng không có đứa con nào. 

Tôi cứ băn khoăn về Nam, người bạn thân nhất của tôi, giờ không biết trôi giạt phương nào, sống chết ra sao? Đúng lúc không ngờ nhất, Nam lại tìm đến tôi dù tôi đã đổi địa chỉ vì mua được một căn nhà nhỏ trong hẻm cũng ở đường Công Lý. Hắn mời tôi đi ăn đám cưới hắn, hắn bảo lúc trước hắn lấy vợ chẳng cưới hỏi gì, cũng tội nghiệp cho đời con gái người ta. Bây giờ lấy vợ thì nên cưới hỏi cho đàng hoàng. Hắn nhìn mập mạp, hàng râu mép càng tôn lên nét đẹp vốn có của hắn. Nhìn hắn chẳng khác gì diễn viên điện ảnh. Tôi mừng cho hắn. Đám cưới hắn đầy đủ lễ nghi, chỉ thiếu cha mẹ chú rể, tôi làm rể phụ cho hắn, vui lắm. Vợ hắn người Huế, là cô giáo dạy Văn trường trung học khá lớn trong thành phố. Cô ấy ăn nói nhỏ nhẹ, đằm thắm, thuỳ mị, dễ thương khác hẳn nhan sắc rực rỡ của người vợ trước. Tôi tin hắn sẽ hạnh phúc dài lâu. Năm sau thì vợ hắn sinh cho hắn thằng con trai. Hắn mừng lắm, thằng bé đẹp như thiên thần, đẹp trai hơn cả hắn. Hắn bảo tôi làm cha đỡ đầu cho con hắn. Tôi thấy hắn hạnh phúc và đôi mắt, nụ cười của vợ hắn cũng thể hiện điều đó.

Thế mà, chưa được năm năm, một hôm hắn lại tìm tôi, hốt hoảng báo tin vợ hắn đã ôm con bỏ đi đâu mất rồi, hắn tìm khắp nơi không thấy. Đến trường vợ hắn dạy thi trường cho hắn biết vợ hắn làm đơn xin nghỉ dạy rồi. Hắn cuống quýt, hắn buồn đau, hắn nhớ con, hắn thương vợ mà chẳng biết tìm đâu. Tôi với hắn chở nhau đi cả tuần đến những địa điểm mà hắn nghi vợ hắn đến. Nhưng bặt vô âm tín. Tôi cùng hắn mua vé máy bay ra Huế, tìm đến nhà cha mẹ vợ hắn, người nhà vợ hắn cũng ngơ ngác như hắn, chẳng biết cô ấy đi đâu. Hắn không ăn, không ngủ, người gầy rạc đi, râu ria mọc tua tủa, áo quần xộc xệch, suốt ngày lang thang ngoài đường như kẻ điên. Tôi lo cho hắn lắm, khuyên nhủ hắn mãi và hứa sẽ tìm cho ra tông tích của vợ con hắn. Hắn nhớ con, đêm đêm nằm khóc trong lặng lẽ. Vợ trước hắn bỏ đi, vợ sau bỏ hắn đi. Đời hắn cũng quái thật. Lần nào nó cũng đau như dao khứa trong lòng. Lần này nó càng đau hơn vì có đứa con, hắn nhớ con lắm, hắn khóc vì con hơn là vì vợ. Đau buồn làm hắn đổ gục, phải vào nằm bệnh viện cả tháng trời. Bác sĩ bảo hắn bị tâm bệnh chứ tim gan phèo phổi hắn rất tốt, chẳng bệnh tật chi. Bác sĩ cũng bảo nếu như không giải quyết được tâm bệnh, hắn sẽ bị tâm thần và đưa đến điên loạn. Tôi cũng bất lực, không biết giải quyết cách nào ngoài những lời khuyên bảo sáo mòn.

Một lần đi Long Thành thăm một người bạn đi tu ở Thiền viện Thường Chiếu. Lúc về trời bỗng nổi cơn mưa lớn, chúng tôi đành phải vào núp mưa trong một ngôi chùa nhỏ ven đường. Cơn mưa kéo dài, tôi lang thang vào trong và ngạc nhiên khi lại gặp cô vợ người Huế của Nam đang ở đây. Lúc đầu cô ấy né không muốn gặp, gặp rồi lại không muốn nói chuyện. Cô ấy bảo cô chưa xuất gia nhưng đang tu học ở đây, tháng tới sẽ xuống tóc và thành ni cô ở ngôi chùa này. Trời vẫn mưa mãi và tôi cũng nói hết những đau đớn, những nỗi khổ sở của Nam khi không tìm thấy vợ và con. Tôi cũng kể cho cô nghe hiện trạng của Nam bây giờ, sẽ điên nếu không chữa lành nỗi đau trong lòng anh ấy. Đến đó thì cô khóc, cô bảo với tôi là anh Nam là người tốt, quá tốt nên cô ấy không thể tiếp tục sống với anh được nữa vì cô đã lừa dối anh ấy, đã một lần ngủ với người tình cũ khi người ấy từ Mỹ trở về du lịch Việt Nam. Cô ấy đã không giữ được lòng ngã vào người tình cũ, cô hối hận, cô thấy mình không còn xứng đáng với con người quá tốt như anh ấy. Cô cũng đã nhiều lần muốn nói hết cho anh ấy biết để xin tha thứ nhưng cô không dám, cô không nỡ khiến anh ấy đau đớn vì bị phản bội. Cho nên cô đành chọn cách ra đi. Tôi hỏi đứa bé giờ ở đâu? Cô ấy càng khóc nhiều hơn, nước mắt tràn cả mặt. Cô nức nở mãi mới thốt lên được: cháu mất rồi, anh ạ. Rồi lại khóc. Tôi hoảng hốt hỏi tới, tại sao vậy, làm sao mất. Cô bảo cách đây một năm, cũng tại chùa này, cháu ra hồ chơi rồi bị chết đuối. Khi vớt lên thì cháu đã chết rồi. Bởi vậy cô ấy cũng sẽ ở chùa này cho đến già, đến chết để mong vẫn được gần con, để mỗi đêm tưởng tượng ra dáng hình con đang nô đùa cùng mẹ. Cô bảo thôi thì duyên phận của cô và Nam đã hết, đừng báo cho anh Nam biết cô ấy ở đây, đừng cho anh Nam tìm đến làm gì. Nhờ anh cố khuyên nhủ anh ấy, giúp anh ấy chóng khuây khoả để lành bệnh. Còn đời cô xem như đã chết rồi.

Tôi đi về lúc trời đã tối, cơn mưa cũng đã nhẹ hạt, tự nhủ có nên nói cho Nam biết không, có cho Nam tin con anh đã chết không? Lòng tôi rối như tơ vò. Cũng may sau hôm đó Nam cũng ít gặp tôi. Mỗi lần gặp hắn vẫn lầm lì, không nói, không cười, mặt lạnh như tiền, hàm răng cắn chặt và uống rượu như nước lã. Hắn luôn say khướt, khuyên mãi mà vẫn uống, hắn bảo uống để khỏi nhớ. 

Và rồi đến một ngày, Nam đi mất biệt, không một lời từ giã. Tôi tìm khắp bệnh viện, những nơi hắn thường tới, những chỗ hắn thường ngồi uống rượu, tất cả không có một manh mối nào. Căn nhà của vợ chồng hắn, đã bán từ lâu nhưng tôi cũng vào hỏi hàng xóm xem hắn có về đấy lần nào không, nhưng ai cũng lắc đầu. Hắn ít bạn, toàn bạn rượu, hỏi thì họ cũng chẳng biết gì. Tôi đành buông tay, đầu hàng với số phận biết tìm hắn nơi đâu, biết đâu nẻo đất, phương trời?

Thời gian chẳng đợi ai, tháng ngày cứ vùn vụt trôi đi. Vợ tôi qua đời sau cơn bạo bệnh khi chưa đến lúc gọi là già. Tôi có hai đứa con, cũng đã học ra trường, đã có công ăn việc làm để sống, đã có gia đình riêng. Tôi một mình lủi thủi trong căn nhà vắng. Mỗi chiều đốt nén nhang trên bàn thờ tôi cũng thường khấn nhớ về Nam, thằng bạn thân nhất đời tôi không biết giờ thế nào? Còn sống hay đã chết?

Rồi tôi nhận được thư Ngọc Lan, em báo cho tôi biết vừa gặp Nam ở San Jose, Nam nhắc anh hoài mà không viết thư cho anh vì đã làm phiền anh nhiều quá lại không biết địa chỉ mới của anh vì anh đã đổi nhà. Em có đưa địa chỉ cho anh và Nam hứa sẽ viết thư liên lạc với anh.

Tôi mừng lắm, mừng mà nước mắt cứ tuôn, mừng vì bạn còn sống, mừng vì bạn đã qua được cơn u uất, mừng vì bạn đã có một môi trường sống khác để có thể xoá nhoà những nỗi đau của quá khứ. Từ đó, tôi và Nam cứ viết thư cho nhau. Nam kể trong những ngày bế tắc, Nam đã về Bà Rịa làm nghề cá và rồi có một chuyến vượt biên, Nam đi theo đến được đảo rồi qua Mỹ nhờ ngày xưa là sĩ quan nhảy dù của quân đội chế độ cũ, Nam bảo gặp được Ngọc Lan, Nam mừng lắm vì ở xứ người gặp được người thân là điều quý giá vô cùng. Thời gian sau nữa, tôi lại nhận được thiệp cưới cùng lời xin phép của Nam được cưới Ngọc Lan. Tôi vui. Cuối cùng, hai đứa cũng đến được với nhau. Hai đứa là tình đầu của nhau, mong cũng là tình cuối của hai người. Hai con người cô đơn trên đất khách giờ đây được hạnh phúc bên nhau, còn gì vui hơn. Thằng bạn thân lấy em gái mình sau những đổ vỡ của cuộc đời, sau những phũ phàng, có phải đó là duyên phận trải qua những thử thách.

Họ sống hạnh phúc với nhau được bảy năm, không có con nhưng căn nhà tràn ngập tiếng cười. Đến năm thứ bảy thì Ngọc Lan bị ung thư, y học không cứu được và qua đời trên tay Nam, mặt Nam đầy nước mắt. Tôi biết Nam đau khổ vô cùng, có lẽ còn đau nhiều hơn hai lần trước. Tôi thương cho người em gái vắn số nhưng không qua đó được để tiễn em làn cuối cùng. Tôi nghe tin mà sững sờ. Đến lúc này thì tôi tin lời của ông Huỳnh Liên, đời Nam đau khổ và luỵ vì đàn bà, đời tôi tuổi già cô quạnh. Buồn quá là buồn.

Giờ đây Nam đã về hẳn Việt Nam, sống cùng tôi. Chiều chiều hai thằng ngồi bên bờ kè nhìn nước chảy. Nước trôi về đâu? Chẳng biết. Nhìn mây bay, hỏi mây về đâu? Chẳng hay. Hỏi mình sẽ về đâu trong mốt mai, không ai trả lời. Có nhiều người cứ bảo hai ông này còn ngon quá, sao không kiếm mỗi người một bà cho vui tuổi già? Hai thằng nhìn nhau cười, nghĩ trong lòng cái số đã thế thì chịu số cho rồi, vẫy vùng làm chi nữa cho khổ người, khổ ta.

8.6.2021
DODUYNGOC

No comments:

Post a Comment