Thursday, July 29, 2021

Chiếc Giường Tre Bông

Tường Lâm
Khúc quanh cuộc đời đôi khi khiến người ta chọn cho mình một nghề bất đắc dĩ. Tự róc cho mình một khúc mía để ăn tôi chưa từng làm, đi tù về tôi theo Ðức – một người rất kém đạo đức – mua mía ép đường. Theo lời Ðức, anh là một tay lái mía sừng sỏ nhứt ở huyện này.

Hai đám mía mở hàng đầu tiên đều lỗ, một – mía bón phân trâu, hai – Ðức leo lên cây cao ước lượng đám mía mua mão, quên trừ đi diện tích mương rãnh.

Rã hùn, tôi tự đi mua mía một mình. Quan sát kỹ thế đất cao thấp, đất thịt hay đất cát, mía đứng hay ngả, tôi lấy móng tay bấm vào vỏ mía để đánh giá mía non, già để định độ đường.

Tôi đếm từng cây mía của một liếp, lấy số trung bình nhân lên với số liếp, tôi có được trọng lượng toàn đám mía một cách tương đối chính xác! Do đó đám mía nào tôi mua đều có lời. Ðốn mía, cân vác xuống ghe, chở mía đến nhà che ép và nấu thành đường cũng lắm cảnh gian nan.

Gặp lúc mía ứ đọng, che máy hư, nhìn mía nằm phơi giữa nắng hè, lòng buồn muốn bốc hơi! Mía khô lượng đường nấu ra sẽ ít đi. Còn phải có thuốc hút cho toán che, có như vậy che mới được xiết chặt, mía mới hết nước. Riêng thợ nấu và đánh lao, biết điều với hai tay này, lửa tốt, nước, đường sang chảo không bị khét, đủ lượng vôi và thuốc tẩy, mặt đường ra giòn, vàng ươm, đắt như tôm tươi và được cao giá.

Qui ước bất thành văn tự trên, người lái mía nào cũng phải biết, nếu không muốn nói thuộc nằm lòng.

Ðang thiu thiu ngủ trên võng mắc giữa hai cột của nhà che, Lực thợ nấu đường, lay chân, đánh thức tôi dậy và nói:

– Lên quán “Ðêm màu hồng” uống cà phê ông thầy.

Tôi ngồi dậy, vuốt tóc lầu bầu:

– Ðang ngủ ngon mày phá tao hoài! Nhớ kêu hết tụi nó đi với, ở xứ hóc bà tó này quán cà phê bày đặt lấy tên dancing Sài Gòn.

Lực khẽ đưa ngón tay lên môi, ra vẻ bí mật, cười cười nói:

– Gặp mặt cô chủ quán, ông thầy đi hết nổi luôn.

Cả bọn sáu thằng cùng đi. Chữ ông thầy nói lên sự nể nang về tuổi tác giữa đám công nhân lò đường và tôi, đồng thời khẳng định trước khi rời quán tôi là người trả tiền.

Quán nằm trên con đường đất lớn và lối rẽ vào cơ ngơi của bà cả Quờn, một tay giàu có nhất vùng, thuở vàng son mỗi năm bà cả thâu vào cả mấy chục ngàn giạ lúa, ông Cả cưỡi ngựa đi thăm ruộng. Sáu tháng sau ngày Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, bà Cả chỉ còn giữ lại một mẫu gồm một bờ lớn trồng hai hàng phượng vĩ già chạy dài tới cổng gạch loang lổ rêu phong, qua sân gạch đầy cỏ cú và rau càng cua, ngôi nhà gồm năm gian nền cao tới ngực, lẫm lúa lợp ngói và máng xối không còn. Ngôi nhà chống đỡ bằng mấy cây cột gỗ lim, người ôm không giáp. Có người biết chuyện nói lại rằng, ngày xưa vào ngày giỗ kỵ hay Tết, ông Cả mướn người ôm bao bố tẩm dầu trong, quấn quanh cột leo lên ôm, tuột xuống mấy chục lần – cột trở nên bóng lộn, tủ thờ, bàn ghế, tràng kỷ đều cẩn ốc xà cừ, hoành tráng và sang trọng vô cùng. Ông Cả qua đời từ lâu, bà không có con cái, giờ sống với hai vợ chồng người giúp việc mà chính bà đứng ra cưới hỏi.

Quán cà phê đầu ngõ bề ngang độ ba thước, bề dài gấp ba, cột làm bằng dầu u bào láng, vừng mê bồ, nền lát gạch tàu đỏ gạch tôm trông gọn gàng và sạch sẽ. Cửa cái hai cánh bằng gỗ thông, riêng vách hai bên cửa là hai tấm tôn lớn chống lên treo bằng hai sợi kẽm to móc lên đòn tay tre. Bên phải bày bán thực phẩm khô và một thùng thuốc lá lớn đủ loại. Bên trái một bàn hình chữ nhật, mặt bằng đá mài màu xanh, bày biện ly tách keo đựng đường, cà phê, chanh muối và cạnh bên lò lửa lúc nào cũng cháy, đun bằng trấu, một nồi nước sôi bốc khói. Ðặc biệt bên trong sát vách trên đầu tủ kiếng một cassette to hai hộp, hai bên về phía trên, kệ đóng tựa vào vách hai loa nhạc rộng gần ba tấc phát ra tiếng nhạc trung thực và hấp dẫn vô cùng.

Trời tháng Năm mấy cây phượng già ra hoa đỏ thắm. Bàn ghế cho khách ngồi làm bằng cây tầm vông, chắp nối bằng mộng, không dùng đinh nhưng chắc chắn và mỹ thuật. Mé mương bên cạnh chủ quán cho bồi bùn, trồng hoa mười giờ Thái Lan, một chỗ uống cà phê lý tưởng mà chỉ cách đây năm năm thôi, lúc còn chiến tranh hoang tàn không một bóng người. Cũng cần nói thêm bàn ghế làm bằng cây tầm vông là sản phẩm độc đáo của bác Tám Tước, một thợ mộc khéo tay nổi tiếng trong vùng. Sản phẩm làm nên tên tuổi bác là chiếc giường ngủ bằng tre bông, một loại tre suông, thẳng, mỏng cơm, da nổi bông như mai con đồi mồi. Như nói ở trên, sản phẩm của bác Tám Tước chỉ đục mộng chứ không dùng đinh. Tre bông mỏng cơm là thế, giường đóng xong đánh dầu trong, chắc chắn và đẹp mắt vô cùng. Ðặc biệt dọc theo chiều dài hai bên thân giường được khoét dãy lỗ tròn bằng ngón tay út, được chêm vào bằng những nan tre vót thật mỏng làm lưỡi gà, gió thổi vào phát ra âm thanh vi vu như ai thổi sáo, dễ đưa người nằm đi vào giấc ngủ bình yên.

Trong kia có mấy bàn đầy khách đang nhâm nhi cà phê, nhả khói. Mải mê, đứng tần ngần nhìn quang cảnh quán, Lực vỗ vai tôi và nói:

– Xin giới thiệu! Ðây chú bảy Ánh sư phụ tụi em.

Ðưa tay về phía người đàn bà mặc bộ bà ba màu mỡ gà:

– Và đây cô ba Khanh chủ quán cà phê “Ðêm màu hồng”.

Người đàn bà lịch sự mỉm cười chào tôi:

– Hân hạnh được tiếp anh Bảy.

Tôi đứng sững quên cả câu chào xã giao, đưa mắt nhìn theo tà áo màu mỡ gà, thon dài, hông xẻ cao, Khanh lảnh khảnh bước đi, gió mát từ cánh đồng thổi vào, tà áo bay bay phô thêm phần da thịt trắng ngần. Hôm đó – tôi – một trong những người hiếm hoi – biết rõ nghĩa câu hát… tà áo em phơi bày.

Thái độ ngẩn ngơ của tôi đã làm đám thằng Lực cười khoái trá.

Lát sau Khanh trở ra, tay bưng bình trà tay kia dĩa đậu phộng rang và ôn tồn hỏi:

– Anh Bảy và mấy chú dùng chi?

Không cần hỏi ý kiến ai, Lực vọt miệng:

– Cô Khanh cho bảy ly cà phê đá và một gói Capstan.

Khanh trở vào và từ hai chiếc loa trong quán, tiếng Thanh Thúy gào thét, nhừa nhựa, ma túy… “Giết người đi, giết người đi… giết người quên tình nghĩa phu thê…”.

Tôi hớp một ngụm cà phê đầy bọt, nghe nghèn nghẹn trong lòng vì giọng hát lời ca ma quái liêu trai đó.

Lâu lắm rồi tôi đâu còn được nghe loại nhạc ru lòng người hết thảy dân miền Nam đó. Nhạc vàng! Một loại quốc cấm. Lúc đi cải tạo, cách đây mấy năm, bạn bè và cả Ánh nữa vì lén hát nhạc vàng, có người bị nhốt vào conex, có người bị phạt lao động ngày chủ nhật suốt tháng. Mấy chú bộ đội trẻ dẫn chúng tôi lao động trong rừng Xuyên Mộc phát biểu:

– Mấy anh đi cải tạo phải chịu kỷ luật! Chứ ngoài Hà Nội nhà nào, phố nào… Thanh Thúy, Lệ Thu, Khánh Ly… ra rả suốt ngày “có làm sao đâu!!!”.

Ðặt gói Capstan xuống bàn, Khanh hỏi:

– Anh thấy cà phê và nhạc ở quán em thế nào?

– Tuyệt! Nhưng cô dám sử dụng nhạc vàng?

Khanh cười:

– Của công an Xã đem tới, em biểu ký tên vào băng nhạc rồi cho hát! Phép vua thua lệ làng mà anh. Lúc chiến tranh vùng này là vùng trắng, ở đây toàn dân theo cách mạng, bộ đội không hà! Nên chẳng sợ ai! Họ nghe thoải mái. Riêng em dân Sàigòn, bao giờ có dịp em sẽ tâm sự với anh nhiều hơn, tuy không bị đi cải tạo như anh, do chú Lực nói lại, ở cùng phía bại trận mình dễ thông cảm nhau lắm phải không? Những bản nhạc trong cuốn băng chọn lọc này em xin dành tặng mỗi lần anh đến quán em mới mở thôi.

Con nước lớn chảy vào rạch, chiều xuống chầm chậm, gió mát hây hây, lòng mềm rã rời bên mùi cà phê độc đáo, khói thuốc Capstan thơm lừng và hồn tôi trôi đi theo “Nửa hồn thương đau…” và “Chuyến tàu hoàng hôn…” đã chở tôi về những tháng ngày áo trận, giày sâu và bóng dáng những người tình mà giờ đây chỉ còn là kỷ niệm khói sương.

Những ngày sau đó, đám thằng Lực vô mánh, chưa mở lời tôi đã rủ chúng nó lên quán, rồi qua nhiều lần nhìn ngắm bóng dáng Khanh qua đủ màu áo, tôi thấy thượng đế đã tặng cho Khanh quá nhiều ân sủng, tóc đen huyền hờ hững ngang lưng, trán thông minh, mắt to đen lay láy, môi hơi dày vẩu lên nét bướng bỉnh nhưng lúc nào cũng nở nụ cười thật tươi, thân hình đàn bà tròn lẳn… Gặp Khanh và nói chuyện một lần ai cũng muốn gặp lại lần thứ hai.

Có lần lên quán một mình, vắng khách, Khanh trút hết nỗi lòng cùng tôi:

– Em tên Vương Thụy Khanh, con một, ba má em đã mất. Em là cháu ruột ông cả Quờn. Trong đất hương hỏa này có em một phần, ông cả Quờn và ba em là hai anh em ruột. Cơ ngơi này em để cho bà Cả hưởng hết. Trước đây em được gia đình gởi học nội trú ở Sàigòn. Xong trung học em lên Ðà Lạt và tốt nghiệp chính trị kinh doanh. Em làm ngân hàng, lập gia đình năm hai mươi bốn tuổi với Minh, tốt nghiệp quốc gia hành chánh, làm phó một quận thuộc tỉnh B.H. Ngày trời sập 30 tháng 4 năm 1975, trước đó cả tuần em trông Minh từng ngày để quyết định di tản bằng cách nào. Sau này người quen cho biết Minh ra đi với cô thư ký, hai người đều chết mất xác vì gặp sóng to đánh bể thuyền. Em bị tịch thu tài sản nhà cửa. Em tá túc nhà người bạn, làm đủ nghề buôn bán quần áo ở chợ trời lề đường, buôn lậu thuốc Tây bó trong mình để vượt trạm… Có được chút đỉnh em tìm đường vượt biên, lần sau cùng ra tới hải phận quốc tế gặp tàu Liên Xô kéo vào, lo mấy chỉ vàng em trốn trại giam về đây, công an đang truy nã.

Chở về được cặp loa, em mở quán cà phê chờ thời, tiện tặn tìm đường đi nữa. Còn quán có tên “Ðêm Màu Hồng” để nhớ lại những ngày huy hoàng cũ cùng bạn bè uống cà phê nhảy nhót nghe ban Thăng Long và đặc biệt em mê tiếng hát Thái Thanh của Dancing Ðêm Màu Hồng.

Dừng một lát với nụ cười buồn, Khanh tiếp:

– Quán của em đúng nghĩa phải đặt “Ðêm màu bùn” màu của đời em.

Khanh cúi xuống dừng tay lau nước mắt, tôi mồi thêm điếu thuốc.

Khanh chờ thời nhưng thời gian không cho Khanh bình yên. Ba chị gái đều có chồng miệt xa, Năm Hoàng, trưởng nam bà tám Khôi chủ lò đường là khách trung thành nhất của quán, học ở Cần Thơ, đi bộ đội, bất mãn ôm ba-lô trở về quê cai quản lò đường thế mẹ.

Năm Hoàng lên đây không nghiện cà phê mà ghiền hương vị cô chủ quán.

Nghe đám thằng Lực nói lại, Năm Hoàng thường xuyên kêu tụi nó vác thùng đường vàng, ngon tặng cô chủ quán bán lẻ. Những lần Năm Hoàng lái chẹt lên tỉnh bán đường y như là quán cà phê “Ðêm Màu Hồng” đóng cửa. Khanh về trước, chiều Năm Hoàng và đám đệ tử lái chẹt về sau chở theo đồ tạp hóa cho Khanh.

Trung bình mỗi tuần tôi chở một ghe từ mười đến mười lăm tấn mía vào lò ép, nấu thành đường đem bán cho các lò cối ly tâm thành đường cát trắng. Trừ đi tiền lò và mọi chi phí khác tôi lời khoảng năm trăm ngàn, thời điểm đó thu nhập như vậy là khấm khá lắm.

Ghe chưa dừng hẳn, tôi nhảy lên bờ kéo dây buộc vào gốc dừa, nghe nhiều tiếng khóc trong nhà bà Tám Khôi, người tụ đông phía trước. Thằng Lực mắt đỏ hoe chạy ra mé sông báo:

– Chú Bảy ơi! Năm Hoàng chết rồi.

Tôi sững đi một lúc rồi rẽ đám đông bước vào nhà. Xác Năm Hoàng liệm vào quan tài, mắt mở trừng, da tím đen, nét đau đớn còn in rõ, chưa đóng nắp vì thầy coi chưa đúng giờ tốt.

Tôi đến cạnh bà Tám Khôi, tóc tai bà bù rối, thân hình rũ xuống như tàu lá héo. Ngước lên, thấy tôi bà khóc rống lên kể lể:

– Chú Bảy ơi! Thằng Hoàng nó bỏ tôi đi rồi chú Bảy ơi! Nó bị con đĩ ngựa rù quến mới chết tức chết tưởi, chết đau đớn bầm đen mình mẩy hết con ơi! là con ơi. Trời tru đất diệt con đĩ ngựa đó đi. Chú Bảy ơi! Là chú Bảy ơi! Con già này làm sao sống nổi đây chú Bảy ơi! Con ơi! Là con ơi.

An ủi, lau nước mắt cho bà, tôi bước ra ngoài, trên bàn đầy tách, bình trà, bánh ngọt thuốc rê. Ðám thằng Lực kể lại đầu đuôi:

– Khoảng tám giờ tối, ngày hôm qua, tắt bếp, lau chùi chảo, lò, tụi cháu xúm lại ăn cơm, Năm Hoàng cũng ngồi ăn chung, có con vịt luộc tụi cháu sáu thằng cả anh Năm Hoàng nữa là bảy, chơi hết hai lít đế. Tụi này cườm cườm, anh Năm Hoàng cũng đã rồi, rủ tụi cháu lên quán cô Khanh uống cà phê.

Ngồi ngoài trời nghe nhạc, hút mới nửa điếu thuốc anh Năm than chóng mặt, tụi em đưa vào quán cạo gió, cô Khanh pha cho anh một ly chanh đường nước sôi. Tụi cháu ngồi nghe nhạc tới khuya, anh Năm nằm ngang trên giường cô Khanh ngủ, chân quay vào vách. Cô Khanh vừa giăng võng vừa bảo tụi cháu: “Mấy chú về đi để anh Năm nằm ngủ cho khỏe, chị nằm ngoài võng không có gì trở ngại đâu”.

Sáng sớm tụi cháu lên quán uống cà phê đồng thời kêu anh Năm về, lái chẹt đi tỉnh bán đường cho kịp nước.

Chị Khanh nấu nước, dọn bàn, tụi cháu vào lay anh Năm dậy mới hay mình mẩy anh lạnh ngắt, cứng đơ bầm tím, tụi cháu đem xác anh Năm về đây, tắm rửa mua quan tài, liệm ảnh xong thì chú Bảy vừa tới. Tôi rót một cốc trà, hớp một ngụm và ngồi lặng thinh.

Trời sụp tối tôi băng đường tắt lên quán. Quán đóng cửa, Khanh ngồi gục đầu bên ngọn đèn dầu leo lét. Tôi gõ cửa, Khanh ngước lên mừng rỡ.

– Cám ơn anh Bảy đến với em lúc này.

Khanh nấu nước pha hai ly cà phê đen. Những điều Khanh kể y chang như những điều đám thằng Lực kể cho tôi nghe. Khanh khóc tức tưởi, đôi lúc dừng kể vì nghẹn:

– Anh Bảy anh đã lớn, em cũng vậy. Chúng mình đều có gia đình, em xin thề độc với anh một điều, đêm qua em không có ăn nằm với anh Năm Hoàng. Sự việc xảy ra người ta đồn Năm Hoàng bị thượng mã phong mà chết.

Từ chiều đến giờ nhiều người đi ngang chửi đổng vào quán: “Ðồ con đĩ ngựa!” Với nhục nhã này làm sao em sống được đây anh Bảy ơi!

Tôi uống hết ly cà phê và nói với Khanh:

– Anh tin và thông cảm những điều Khanh nói, ước vọng của Khanh là vượt thoát ra nước ngoài! Phấn đấu lên, đừng tự ti mặc cảm về tội lỗi mà mình không hề làm. Tụi anh đi tù người ta cũng gán cho biết bao điều xấu xa: Phản quốc, tay sai đế quốc Mỹ, cướp giựt tài sản đồng bào, đốt nhà, giết trẻ con, hãm hiếp phụ nữ… tụi anh cũng phải cắn răng yên lặng cam chịu đó thôi. Anh tin em thừa can đảm nghị lực vượt qua.

Tôi đưa tay, Khanh đưa bàn tay ướt nước mắt siết chặt tay tôi thật lâu mỉm cười nói:

– Cám ơn anh, em sẽ vượt qua, một điều em muốn nói thêm cho anh rõ, Năm Hoàng rất tốt, sở dĩ em giữ mối liên lạc vì Năm Hoàng đang đóng ghe vượt biên.

Một tuần trôi qua, tôi chở ghe mía vào, quán cà phê “Ðêm Màu Hồng” mở cửa trở lại. Dư luận cũng không còn khắt khe với Khanh vì một lần sau tiệc cưới và một lần đám giỗ nhà bà tám Khôi; thằng Lực một mình chơi hết một lít đế, đứng lên bàn, nước mắt nước mũi quyện vào nhau vừa khóc vừa nói:

– Anh Năm Hoàng người chủ rất tốt, nước mắt này là của thằng Lực khóc thương ảnh đó. Còn nói ảnh chết vì thượng mã phong là không đúng! Chính tay tụi này tắm rửa và tẩm liệm cho ảnh mà, con cu ảnh thụt mất chỉ còn miếng da không hà. Người chết vì thượng mã phong con cu cương cứng, dựng đứng như cột buồm. Con nói, mấy cụ lão ông nghĩ lại xem có đúng không? Hu! Hu! Hu.

Nhiều lão ông có dự trong tiệc cưới và đám giỗ đều gật gù đồng ý về lối chẩn đoán của thằng Lực.

Khách cà phê vẫn đông như xưa, nhưng đôi mắt cô chủ quán thẫn thờ, xa vắng không còn long lanh như ngày nào.

“Chém cha cái kiếp ba đào
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi”

Sáu Hốt! Trưởng công an Xã gặp Khanh lần đầu ở nhà bà Cả Quờn. Suốt cuộc đời chăn trâu và đi làm cách mạng. Sáu Hốt chưa bao giờ thấy người đàn bà nào đẹp mê hồn như Khanh. Hôm đó bà Cả Quờn mời Sáu Hốt đến nhà ăn cơm đồng thời nhờ Sáu Hốt cấp cho Khanh giấy tạm trú sáu tháng.

Sáu Hốt đồng ý, rút trong “sà cột” điền giấy tạm trú đóng dấu công an Xã đưa cho Khanh liền. Chữ viết của Sáu Hốt thật khó đọc và nhiều lỗi chính tả, nhưng dù sao Khanh cũng yên tâm với tờ giấy tạm trú.

Sáu Hốt lui tới quán “Ðêm Màu Hồng” nhiều lần, tịch thu được bao nhiêu nhạc vàng đồi truỵ, phản động… đều đem tới cho Khanh lựa.

Vào một đêm mưa, nực nồng mùi rượu, Sáu Hốt đập cửa quán đốt nhờ điếu thuốc, nắm tay Khanh và nói:

– Anh thương em lắm! Nếu chịu làm vợ bé, anh sẽ ghi tên em vào hợp tác xã, cấp cho em năm công ruộng! Anh làm luôn cho em, tới mùa anh cho người chở lúa đến nhà em. Tội nghiệp anh mà, hơi thở dồn dập của Sáu Hốt gồm mùi thuốc lá, rượu, thức ăn… dính kẽ răng phả vào mặt làm Khanh muốn nôn mửa.

Một lần khác, nửa đêm Sáu Hốt đến gõ cửa báo Công an quận năm TPHCM, gởi giấy truy nã Khanh. Sau hai giờ đẩy đưa để cho Sáu Hốt hôn tay, sau đó Sáu Hốt gởi trả lại lệnh truy nã với lời phê: “Ðương sự không có cư ngụ trong Xã”.

Vụ Năm Hoàng chết trong quán, công an Xã đến điều tra, gọi Khanh lên trình diện. Sáu Hốt báo cáo lên Huyện “Ðương sự chết vì trúng gió”, sau khi đóng cửa phòng ôm Khanh và nói: “Thằng Năm Hoàng chết cũng vừa tội! Nó dám dê người yêu của anh. Thằng nào muốn em, phải bước qua xác chết của Sáu Hốt này”.

Có lần Khanh than với tôi lo ngại và sợ sự nham nhở của Sáu Hốt quá, có lẽ Khanh phải đi thôi, nhưng chẳng biết đi đâu.

Hai tuần sau vừa dọn dẹp đóng của quán xong, Khanh ngồi tính sổ để ngày mai đi Trà Vinh bổ đồ thêm bán. Sáu Hốt say nhừ tử, bước đi nghiêng ngả, xô cửa bước vào, nồng nặc mùi rượu, lưỡi liếm môi liên hồi, thều thào:

– Khanh ơi! Anh chờ đợi và chịu đựng hết nổi rồi! Tối nay giá nào anh cũng nhập phòng với em! Chiều anh nghe cưng.

Sáu Hốt nhào tới ôm, Khanh tránh né chạy vòng vòng bàn, nước mắt chảy thành dòng trên má. Thấm mệt, Sáu Hốt thều thào:

– Anh vô ngủ trước, em vào sau, nhớ đóng cửa cẩn thận và tắt đèn nghe em.

Nói xong, Sáu Hốt vén màn, bước vào buồng và nằm sà xuống giường, chân còn mang đôi dép râu đầy bùn sình, nhơm nhớp.

Khanh nhúng nước khăn lau mặt, mở rộng cửa quán, vặn đèn to ngọn, quán sáng trưng, bắc ghế ngồi sau bàn pha cà phê.

Trời về khuya, gió lạnh từ cánh đồng xa thổi vào, Khanh gục đầu xuống bàn và ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Mấy người khách bước vào và khen:

– Trời lạnh thấy đèn quán sáng trưng, biết cô mở cửa sớm, dân ghiền cà phê tụi tui hoan nghênh cô chủ lắm nghen.

Sương sớm vừa tan, mặt trời lấp ló sau hàng dừa nước bên kia con rạch, khách vào thêm đầy mấy bàn.

Mấy chú du kích vào quán mua thuốc hút, chợt thấy đôi chân còn mang dép của Sáu Hốt ló ra vội thắc mắc.

– Ê! Chủ quán, ông nào ngủ trong giường bà vậy?

Khanh tiếp tục pha cà phê không quay lại, trả lời:

– Ông trưởng công an Xã nhậu xỉn ở đâu, nửa đêm nhảy đại vô giường tôi nằm! Báo hại suốt đêm tôi ngủ gục ngoài bàn cà phê! Mệt và buồn ngủ thấy mồ.

Ðể lấy lòng, tiểu đội trưởng du kích lay chân Sáu Hốt dậy, mời uống cà phê. Anh ta hét lên một tiếng, mắt trợn dọc vì thân thể Sáu Hốt cứng đờ, miệng và mũi rỉ máu! Sáu Hốt đã chết từ lúc nào.

Tin Sáu Hốt trưởng công an Xã chết trên giường quán cà phê “Ðêm Màu Hồng” loan đi như ánh chớp. Vài phút sau, dân hiếu kỳ; già, trẻ, bé, lớn bu chật trong ngoài quán độ hơn con số trăm.

Ngoài sức tưởng tượng, tai họa chết người lần thứ hai lại đến với mình, hai tay bụm lấy mặt, chân đứng không vững. Khanh ngồi bệt, rũ xuống đất, đầu tựa vào chân bàn khóc rấm rứt nghẹn ngào.

Du kích giữ trật tự đuổi mọi người ra khỏi quán, để nguyên hiện trường cho công an Huyện xuống làm việc.

Một giờ sau, xe Jeep công an Huyện, một xe hồng thập tự chạy đến đậu trước quán.

Sau một lúc biên chép, lấy lời khai của Khanh và tiểu đội trưởng du kích, chụp hình quán trong ngoài với nhiều góc cạnh, xác Sáu Hốt tím bầm được khiêng ra xe và Khanh bị áp giải lên xe jeep về Huyện.

Trăm ngàn ý kiến được thốt lên lời. Cánh đàn ông: “Vụ này là một vụ án đại hình vì người chết là cán bộ cấp Trưởng ngành công an”.

Cánh đàn bà lao nhao nhóm chợ: “Con nhỏ chủ quán này xui thiệt, có số sát phu. Thằng đàn ông con trai nào đụng đến đều chết trên bụng nó”.

Một bà sồn sồn, bụng mang bầu, cao giọng:

– Thượng mã phong này không biết cách là chết thôi. Hồi xưa mấy bà bới đầu thường hay dùng móc tai hay lông nhím, ghim giữa búi tóc! Nếu lúc ăn nằm bị thượng mã phong người đàn bà nằm dưới lấy móc tai đâm vào đốt xương cùng sau đít người đàn ông, máu phong bầm đen chảy ra là hết.

Cái móc tai là một dụng cụ y khoa thần kỳ mà bấy lâu nay tôi nghĩ nó chỉ có công dụng: Giữ búi tóc, lấy ráy tai và xỉa răng.

Một bà nách con, đứng giữa đám đông lớn tiếng cố ý cho mọi người cùng nghe:

– Tui nghe mấy bà già xưa kể lại, có cặp vợ chồng trẻ nọ đang hành lạc, anh chồng bị thượng mã phong sùi bọt mép, cô vợ la hoảng và hất ông chồng xuống giường! Cô chị chạy vào thấy vậy vội đỡ em rể lên bụng, trật quần tiếp tục thế cô em, lấy móc tai đâm vào xương khu, em rể thoát chết. Sau đó hai chị em có chung một chồng.

Cánh thanh niên vỗ tay cười khoái trá:

Ai bảo thượng mã phong là khổ.
Thượng mã phong sướng lắm chớ.

Cánh con gái đỏ mặt, nguýt con mắt có đuôi:

– Nghèo mà ham! Sùi bọt mép chết bà luôn.

Hôm sau, vừa buộc ghe mía vào thân cây mù u xong, tôi và đám thằng Lực thả bộ lên quán. Ðến nơi tôi đã thấy bà cả Quờn và hai vợ chồng người giúp việc đang đứng trong quán.

Bà Cả Quờn hai tay chắp sau đít, chân bước đi tới lui run run, mặt tái xanh vì tức giận, bà cầm gậy chỉ tay về phía cánh đồng hướng trụ sở công an Huyện:

– Tổ mẹ nó! Nó làm đĩ thì đi xứ khác mà làm! Danh giá ông bà, tổ tiên, dòng họ nhà nó đem nhận xuống hồ cá vồ. Trời tru đất diệt mày đi Khanh ơi! Trận này mày ở tù rục xương, về đây tao cũng cạo đầu bôi vôi mày cho ông bà tổ tiên đỡ tủi hổ.

Bà bước vô quán, tay quơ giật cái màn cửa buồng xuống đất, bà ra lệnh cho hai vợ chồng người giúp việc khiêng chiếc giường tre bông ra sân dùng búa chặt gãy bốn chân, đạp xẹp xuống, mở họng đèn con gà, đổ dầu lửa lên và bật hộp quẹt đốt.

Bà Cả Quờn giậm chân, đay nghiến từng lời:

– Ðây là cái giường tội lỗi, cái giường để mày làm đĩ, trai trên gái dưới của mày Khanh ơi! Ðốt giường xong tao đốt quán mày luôn! Trời ơi! là trời!!!

Ngọn lửa phựt dầu, các thanh tre bông vừa bén lửa, mọi người kể cả tôi la lớn:

– Có con rắn bò ra.

Con rắn to và dài bằng nửa chiếc đũa ăn, ba khoang trắng, đen, đỏ cuống quít bò nhanh ra khỏi đống lửa.

Ai đó đứng sau lưng tôi nói:

– Rắn này tên là rắn chúa nàng, ba khoang cắn ai kể như trời cứu.

Từ nãy giờ sự việc xảy ra tôi chỉ biết mở to mắt, ngạc nhiên đứng nhìn, bây giờ tôi mới có phản ứng:

– Lực! Vào quán lấy cái keo có nắp, bắt con rắn bỏ vào, ra trình công an Huyện.

Tôi ôm keo rắn, xuống ghe mía chưa kịp vác lên lò, giựt máy chạy hết tốc lực ra hướng Ủy ban Huyện.

Ban chấp pháp đang quan sát keo rắn, sau khi nghe tôi trình bày diễn tiến sự việc, đồng thời có công điện pháp y Tỉnh xác nhận: Trưởng công an Xã Sáu Hốt chết vì nọc rắn.

Ðêm đó, công an Huyện hoàn tất hồ sơ và thả Khanh về.

Từ đó trong làng, khu đập nhà lầu, không ai còn trông thấy Thụy Khanh, chủ quán cà phê “Ðêm Màu Hồng” đâu nữa.

***
Hết mùa mía năm đó, tôi cũng giải nghệ luôn, lo hoàn tất thủ tục cho cả gia đình sang Hoa Kỳ theo chương trình H.O.

Ðời sống ở Mỹ khác xa ở Việt Nam. Mọi người tất bật chạy theo kim đồng hồ, bù lại tiền thu nhập khá cao, sung túc và đầy đủ tự do của một con người. Các con tôi bước vào ngưỡng cửa đại học, nếu ở Việt Nam, với lý lịch của tôi các con tôi có nằm mơ cũng chẳng bao giờ vào được đại học.

Tôi cũng được nguồn vui, xách túi đi du lịch, mỗi năm qua nhiều tiểu bang Hoa Kỳ và bây giờ tôi đang ở tiểu bang Florida thăm Kim, anh bạn dễ thương cùng đơn vị và gia đình sang Mỹ cùng một ngày với gia đình tôi.

Cả gia đình Kim ra phi trường Tampa đón tôi, thật cảm động tình nghĩa bạn bè.

Thành phố St. Petersburg tuyệt vời, bãi biển cát trắng phau chạy dài cuối chân trời. Hàng cây Palm tree lá đung đưa theo gió, thứ cây có lá như mái tóc người da màu chơi nhạc rap.

Chiếc cầu Skyway chói chang trong nắng, những sợi dây thép căng, sáng lấp lánh xa trông như hai chiếc nón lá, tít đằng xa là sương mù, pha lẫn trời xanh! Một thứ không khí mát dịu, trong lành, ai cũng muốn hít thở căng buồng phổi.

Chúng tôi đi bắt ghẹ với chiếc vợt to, cán dài nơi cây cầu gãy độc đáo, chỉ vài giờ chúng tôi vớt được cả thùng thứ ghẹ to, chắc thịt, luộc chấm muối tiêu chanh, hớp cạn lon bia… bao nhiêu muộn phiền chạy đi đâu mất.

Nằm cạnh nhau lúc đêm về, sau một ngày đi tàu câu cá ngoài biển, ôn lại những ngày hiểm nguy chiến đấu, gian lao tù đày trong các trại hai miền Nam, Bắc và bùi ngùi thương nhớ nhắc tên từng thằng bạn, ai còn, ai mất.

Hôm sau cả gia đình Kim và tôi đi ăn ở nhà hàng cất trên biển Pier, có lối đi dành riêng cho xe hơi, xe ngựa và người đi bộ, công viên, nơi tập thể dục, bơi lội, có lò nướng thịt cho nhiều người cắm trại.

Ăn xong giữa cảnh trời nước bao la, gió mát hây hây tôi ngả người ra ghế đánh một giấc ngon lành.

Kim mời tôi sang thành phố Tampa, rất đông người Mễ có nông trại bán bò độc đáo, khách hàng được phát súng, bắn vào con bò lớn nhỏ tùy mình chọn và có dụng cụ mổ xẻ tại chỗ, thịt tươi mang về để tủ lạnh ăn dần. Tôi cám ơn và từ chối săn bò vì lòng tôi đã giã từ vũ khí và nguội lạnh căm thù. Vũ khí thì tàn nhẫn nhưng không biết căm thù, lòng căm thù còn tàn nhẫn gấp trăm ngàn lần vũ khí.

Tôi đề nghị trưa nay ra sân bay để trở về tiểu bang Missouri nơi tôi và gia đình định cư trên mười năm. Sáng sớm yêu cầu Kim cho tôi ra bãi biển St. Peter beach, mang cà phê theo uống ngồi ngắm mặt trời mọc mãi từ xa, tận vịnh Mexico.

Trời yên, biển lặng, hơi nước mờ phai và mặt trời to bằng chiếc thuyền thúng màu tròng đỏ trứng gà, hoành tráng trữ tình làm sao, đang từ từ trồi lên mặt biển.

Tôi hớp một ngụm cà phê ngon chi lạ, phía sau nhiều tiếng chân người chạy dọc trên lối đi tráng bằng cement, cư dân thành phố tập thể dục buổi sáng.

Mặt trời nhô lên khỏi mặt biển độ một sào, sau lưng tôi có tiếng người đàn bà Việt Nam.

– Xin lỗi ông! Có phải là anh Bảy Ánh không?

Tôi quay lại, trố mắt ngạc nhiên và hét to:

– Vâng tôi đây! Thụy Khanh đó phải không?

Người đàn bà mặc bộ đồ thể thao thun trắng, áo gió buộc ngang eo, tóc búi cao, nhào tới ôm tôi khóc ngất.

Tôi gỡ tay Khanh ra, giới thiệu Kim với Khanh, hai người chào nhau.

Khanh đưa tay lên lau nước mắt cười và hỏi tôi:

– Anh đến Florida hồi nào?

Anh đến đây thăm gia đình anh Kim, bạn chiến đấu, bạn tù đã bốn ngày rồi. Sáng nay ra đây ngắm cảnh mặt trời mọc và hai giờ trưa anh ra phi trường về tiểu bang Missouri nơi anh ở. Khanh nắm tay tôi:

– Mời anh và anh Kim đến nhà em cách đây hai trăm thước, anh em mình có thật nhiều chuyện kể cho nhau nghe.

Xe dừng trước nhà Khanh! Một biệt thự to, lộng lẫy thật nhiều hoa hồng, quay mặt ra biển. Kim trao tôi chiếc vali, mắt trái nheo nheo rất lém, cười nói:

– Biết nhà chị Khanh, hôm nào tôi đến thăm. Bây giờ bàn giao bạn tôi cho chị và phiền chị đưa bạn tôi ra phi trường giùm.

Khanh cố mời nhưng Kim từ chối ra xe vẫy tay cười chào Khanh và tôi.

Tôi bước vào căn nhà đẹp, rộng thênh thang trang hoàng kiểu Ý, thảm màu Bordeaux. Ðặc biệt trên tường và những bàn chạy dài dọc theo vách bằng gỗ mun, trưng bày nhiều mẫu máy bay đủ loại. Trên vách tường chính, một khung hình thật to chân dung thiếu tá phi công không lực Hoa Kỳ trong bộ đồ bay, tươi cười trông thật bảnh trai. Tôi say mê ngắm mấy chiếc độc bình cổ, những thanh kiếm Samurai Nhật Bổn và tủ rượu hàng mấy trăm chai đủ loại, rượu quý và đắt tiền.

– Mời anh ăn sáng. Tiếng Khanh vẫn trong trẻo như ngày nào.

– Em đãi anh món nai lúc lắc. Anh dùng tí rượu vang nhé.

– Khanh đãi gì anh dùng nấy. Tôi đáp.

Ngồi vào bàn có dịp quan sát Khanh thật kỹ, những hạt nước còn vương trên mái tóc chải vội, một phần rũ xuống che vầng trán. Thời gian thất bại trước nhan sắc của Khanh, khêu gợi và đẹp não nùng từ đôi mắt, sang trọng cuộn mình trong chiếc Kimono màu đọt chuối non. Khanh nâng ly:

– Mừng cuộc tao ngộ chúng mình.

Trong lúc ăn Khanh nhắc đến hàng phượng đỏ và những bản nhạc tình bất hủ trong quán “Ðêm màu bùn” mà Khanh chết đuối trong đó.

– Em đi rồi dư luận bàn tán về em như thế nào?

Tôi hớp một ngụm rượu:

– Khách cà phê tiếc ngẩn ngơ cô chủ xinh đẹp, bà Cả hối hận vì đã hiểu lầm em, bà tám Khôi mất trước khi anh đi. Lò đường đóng cửa, quán của em do hợp tác xã quản lý không có khách đóng cửa luôn, tới bây giờ người trong làng tội nghiệp em bị hàm oan, mọi người kể cả anh không biết em đi đâu.

Khanh thở dài:

– Ðời em gian truân lắm anh ơi! Tội nghiệp anh năm xưa đã ngồi nghe em tâm sự nửa cuộc đời em, bây giờ không biết anh còn đủ kiên nhẫn ngồi nghe em kể nốt nửa cuộc đời thương đau của em sau này không?

Tôi ái ngại:

– Ðã là bạn bè! Quý anh em mới chia sẻ chuyện đời cùng anh chứ! Anh nghĩ mình có duyên mới được em tâm sự.

– Cám ơn anh.

Khanh xin phép đốt thuốc, sau khi mời tôi.

– Cám ơn em, xin cứ tự nhiên.

Bằng giọng trầm buồn pha chút rã rời, Khanh vào chuyện:

– Anh thấy đó, em có hai tật xấu: uống rượu và hút thuốc. Nửa đêm thức giấc, một mình trong căn nhà rộng thênh thang này! Không có ly rượu và điếu thuốc chắc em đã tự treo cổ mình từ mấy năm nay rồi.

Vâng, em kể tiếp quãng đường còn lại cho anh nghe.

Ðêm đó công an Huyện thả ra, em vừa đi vừa chạy vấp té mấy lần. Lúc đó hình ảnh anh ôm keo rắn, tóc tai bù xù, chạy ra trình công an Huyện để minh oan cho em, trong nỗi cô đơn tuyệt vọng, hình ảnh đó làm tim em thổn thức qua song sắt phòng giam. Em phải rời đi ngay vì không sớm thì muộn, công an Huyện cũng biết em có lệnh truy nã. Về tới quán, em đào dưới chân giường lấy lên mười chỉ vàng, quơ vội chiếc áo ấm, em trở ra đường cái, đón xe lên tỉnh ở nhờ bà chủ tạp hóa em thường bổ đồ. Em trao hết số vàng cho bà, yêu cầu bà móc nối ghe cho em đi, thoát được còn thiếu bao nhiêu em sẽ gởi về trả cho bà. Gặp người tốt và may mắn, một tuần sau em tới đảo Pulau Bidong an toàn. Biết tiếng Anh cùng một vài người nữa, chúng em ở trong toán thông dịch cho trại.

Chỉ tay về khung ảnh thiếu tá Không quân treo trên tường, Khanh tiếp:

– Robert Oliver sĩ quan tùy viên quân sự, đặc trách phỏng vấn quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Lần đầu gặp em Bob say mê ngay. Sau mấy lần ngỏ lời xin cưới em, lúc đó tâm trạng em rã rời về những điều xảy ra ở Việt Nam, một mình thân gái xứ người rồi sẽ ra sao đây? Em bằng lòng. Một đám cưới gọn nhưng trang trọng tất cả nhân viên tòa đại sứ Mỹ ở Mã Lai đều đến tham dự.

Một tháng sau ngày cưới, em mặc áo màu hồng, tay cầm tấm ảnh, em và Bob chụp ngày cưới để cha mẹ Bob ra đón con dâu Việt Nam bước xuống phi trường Tampa Florida.

Gia đình Bob thật giàu có, mười mẫu trồng cây ăn trái đủ loại bốn mùa, năm biệt thự và nhiều shop bán trái cây tươi đi các tiểu bang và du khách đến Petersburg.

Nửa năm sau Bob giải ngũ; về cai quản cơ ngơi. Hai năm sau cha mẹ Bob lần lượt qua đời. Tụi em có với nhau đứa con trai tên Robert J.Carter.

Bob say mê lái máy bay vô cùng. Bob bán bớt một biệt thự để mua máy bay, cuối tuần lái tà tà bay trên biển. Mẹ con em riết rồi cũng thích ngồi máy bay đi khắp các tiểu bang của Mỹ.

Tháng Bảy này đúng hai năm, em mắc bận ở nhà điều động nhân viên đóng gấp mấy trăm kiện trái cây gởi gấp qua Texas, hai cha con đi bay. Khoảng mười giờ sáng, sau một giờ cất cánh, máy bay nổ không tìm được xác máy bay lẫn người trên biển. Sau này em được biết do sự thanh toán vì bất đồng ý kiến giữa Bob và một số người có phần hùn trong đội bóng cà na Tampa Bay.

Những ngày sau đó em như điên dại! Bỗng chốc mất chồng mất con! Số phận nghiệt ngã cứ theo em mãi. Nói chuyện cho tôi nghe, Khanh đốt thuốc liền tay.

Do Khanh hỏi, tôi nói về phần mình.

– Gia đình anh sang Mỹ trên tám năm theo diện H.O. Anh chị có bốn cháu, ba trai một gái, hai đứa lớn đi làm hai đứa nhỏ đi học. Anh chị đi làm hãng gần nhà, cuộc sống tạm ổn định.

– Anh chị hạnh phúc quá. Khanh thì thầm như cơn gió thoảng.

Khanh đề nghị chở tôi ra nhà hàng ăn trưa. Tôi từ chối vì còn no, thích ngồi đây nghe Khanh nói chuyện.

Khanh gói cho tôi hai chai rượu, lái xe đưa tôi ra shop trái cây đông lạnh. Khanh mang ra xe một thùng mãng cầu dai, một thùng nhãn làm quà cho vợ tôi và mấy đứa nhỏ.

Khanh đưa tôi ra sân bay sớm vì khám xét hành lý rất lâu, sợ nạn khủng bố.

Ðến phi trường mọi thủ tục Khanh giành làm hết, tôi đứng yên nhìn và cảm động vô cùng.

Hành khách bắt đầu lên máy bay, tôi chìa tay ra bắt tay Khanh nói lời cảm ơn, từ giã. Khanh cắn môi xúc động, nén khóc, ôm chầm lấy tôi hôn, thì thầm bên tai, hơi thở thơm tho của Khanh phả vào mặt làm tôi ngây ngất.

Khanh đứng nhìn theo đến khi tôi đi khuất. Vào ghế ngồi, nhớ gương mặt xúc động và câu nói thì thầm của Khanh khi từ giã:

– Phải chi anh có một mình sang đây sống suốt đời còn lại với em. Em cho anh ngủ giường nệm kingsize chứ không phải giường tre bông đâu mà sợ!!!

Tôi nghe ớn lạnh chạy dài theo sống lưng, nhìn xuống thấy tay mình nổi da gà. Tôi kéo mền đắp ngang ngực, hình ảnh Khanh cắn môi, gương mặt ràn rụa nước mắt theo tôi suốt chuyến bay.

Mấy lần tôi cố chợp mắt nhưng không tài nào ngủ được, thân tàu rung nhè nhẹ, nhìn qua cửa kính tôi thấy máy bay đang trôi vào vùng mênh mông mây trắng.

Tường Lâm

No comments:

Post a Comment