Saturday, June 26, 2021

THỦ TỤC FILIBUSTER CỦA THƯỢNG VIỆN LÀ GÌ?

Cụ Biden đang gặp khó khăn lớn, khó có thể thực hiện được các chương trình vĩ đại của cụ. Lý do giản dị là thế đa số của đảng DC của cụ quá mong manh.

Tại hạ viện, DC chỉ nắm đa số có khoảng hơn nửa tá, nghĩ là chỉ cần 3-4 dân biểu DC nhẩy rào là cụ bị kẹt.

Tại thượng viện, đa số DC là đúng … zero khi cả hai đảng đều có đúng 50 ghế đồng đều. Đảng DC trên thực tế nắm đa số tại thượng viện vì Hiến Pháp dự trù nếu biểu quyết hai bên ngang nhau thì phó tổng thống có quyền bỏ lá phiếu quyết định. Hiện nay PTT là bà Kamala Harris của DC. Tuy nhiên, chỉ cần một nghị sĩ nhẩy rào là DC sẽ thua.

Phiền toái hơn nữa là thượng viện lại có cái thủ tục lạ lùng, gọi là filibuster, là thủ tục kẻ này gọi là ‘thủ tục câu giờ’ khiến dù đảng DC nắm đa số, cũng vẫn chẳng làm được chuyện lớn nào. Do đó, hiện nay, phe DC đang nỗ lực hủy bỏ thủ tục này.

Ta thử tìm hiểu cho rõ filibuster là gì để hiểu thêm về chính trị Mỹ.

Phải nói ngay thủ tục filibuster này cực kỳ quan trọng vì sẽ cản cụ Biden và phe cấp tiến DC thực hiện được những chương trình vĩ đại ‘đổi đời’ của họ. Nôm na ra, đó là cách cụ thể và hợp pháp để đảng CH chặn đảng DC và cụ Biden mang nước Mỹ lao đầu xuống hố cả nước.

Nước Mỹ là nước dân chủ nhất thế giới, cũng là nước có chế độ thượng tôn luật pháp, bất cứ chuyện gì cũng phải có luật được cả hạ viện lẫn thượng viện thông qua theo đúng túc số cần thiết trước khi tổng thống ký thành luật phải thi hành.

Ở mức hạ viện, tương đối dễ dàng hơn vì mọi chuyện đều có thể thông qua với đa số trên 50% khi đảng DC nắm đa số. Ở cấp thượng viện khác rất xa, chính vì cái thủ tục filibuster.

Tuần rồi, đảng DC đưa ra dự luật mới về bầu cử tổng thống, nhằm mục đích hợp thức hóa vĩnh viễn những thay đổi giờ chót trong cuộc bầu tồng thống vừa qua, liên quan đến việc bầu bằng thư. Trên căn bản luật mới dễ dãi hóa tối đa việc bầu bằng thư, chẳng hạn như không cần lý do chính đáng mới được miễn đến phòng phiếu, phiếu bầu bằng thư không cần nhân chứng, không cần kiểm tra chữ ký, và nhiều biện pháp khác. Đảng DC muốn dễ dãi hóa tối đa dĩ nhiên nhắm mục đích khó kiểm tra nên dễ gian lận hơn, một người có thể bầu hai ba lần, đảng có thể gửi người đi tận nhà từng người áp lực họ bầu cho đảng, thâm chí cũng có thể giúp di dân lậu bầu luôn. Dự luật mới đưa ra thượng viện bị phe CH dùng chiêu filibuster để chặn, do đó, thất bại hoàn toàn.

Filibuster là gì? Danh từ này không thể dịch chính xác vì không có tương đương trong tiếng Việt, do đó phải giải thích cho rõ.

Theo luật Mỹ ngay từ ngày lập quốc, tại thượng viện, tất cả các nghị sĩ đều có quyền phát biểu ý kiến liên tu bất tận, không bao giờ ngừng, khi tranh luận về một dự luật hay bất cứ chuyện gì khác như phê chuẩn thỏa hiệp quốc tế và bổ nhiệm nội các hay một số quan chức quan trọng. Thậm chí, chỉ có một thượng nghị sĩ không đồng ý, cũng có thể một mình ông ta, đọc diễn văn liên tục không ngừng, ngày này qua ngày khác để cản biểu quyết. Lý do có việc này là nhu cầu bảo đảm những người có ý kiến thiểu số vẫn phải được tôn trọng, vẫn phải cho họ quyền được phát biểu ý kiến, chứ không thể lấy chuyện đa số tự động chèn ép thiểu số.

Thủ tục này ban đầu ít được sử dụng, nhưng về sau, khi chính trị Mỹ càng ngày càng phân hóa, thì lại được viện dẫn ra ngày càng nhiều. Bị lạm dụng nhiều lần, đưa đến bế tắc không biểu quyết được gì, thượng viện không làm được chuyện gì, năm 1970, thượng viện ra luật tu chính, có thể chấm dứt fiflubuster, hay chấm dứt thảo luận, không cho phát biểu ý kiến nữa mà phải đi tới biểu quyết ngay, nếu có ít nhất 60 nghị sĩ đồng ý chấm dứt. Hậu quả cụ thể và thực tế là tất cả mọi chuyện, muốn được thượng viện thông qua, phải có ít nhất 60 nghị sĩ đồng ý.

Dưới thời Obama, phe CH triệt để khai thác thủ tục filibuster này để chặn TT Obama, bị coi là đang cố thực hiện những chính sách cấp tiến, thiên tả quá xa.

Thí dụ điển hình là Obamacare. Tháng 11/2009, hạ viện do DC nắm đa số, thông qua Obamacare, và tháng 12/2009, thượng viện cũng thông qua với đúng 60 phiếu DC, đủ phiếu để thoát qua cửa ải filibuster, nhưng với nhiều khác biệt so với luật hạ viện đã biểu quyết. Hai bộ luật phải được kết hợp với nhau và biểu quyết lại một lần nữa. Hạ viện sửa lại và thông qua Obamacare mới tháng 2/2010.

Thượng viện cũng phải thông qua lần nữa. Nhưng ngay trước đó có biến cố đặc biệt thay đổi hoàn cảnh. TNS Ted Kennedy bất ngờ qua đời. Tháng Giêng 2010, tiểu bang Massachusetts bầu ông Scott Brown lên thay thế. Ông này thuộc đảng CH, ứng cử dựa trên có đúng một lời hứa: bỏ phiếu ngăn không cho DC có đủ 60 phiếu để thông qua Obamacare. Một cách thực tế, có nghĩa là ngay cả dân Massachusetts, là tiểu bang cấp tiến nhất Mỹ, cũng bác bỏ Obamacare, bầu ông Brown lên để cản Obamacare.

Vì chỉ còn 59 ghế tại thượng viện, phe DC biết là sẽ không thể nào vượt qua được bức tường filibuster và Obamacare sẽ không ra đời được, nên phe DC khi đó nắm đa số kiểm soát thượng viện, cho thượng viện biểu quyết Obamacare như là một phụ đính của tu chính dự luật về Ngân Sách mới, Budget Reconciliation Act, tạm dịch là luật hòa hợp hay điều chỉnh ngân sách, mà theo Hiến Pháp, chỉ cần đa số 51 phiếu của thượng viện là có thể thông qua được. Lý do phe DC có thể viện dẫn luật ngân sách họ đưa ra là Obamacare sẽ có tác động lớn trong ngân sách, nên coi như là một chi tiêu của ngân sách. Thế là Obamacare được thượng viện phê chuẩn như một phụ đính của ngân sách với 59 phiếu DC, zero phiếu CH.

Obamacare, gia tài lớn nhất của TT Obama, đi vào lịch sử như bộ luật lớn đầu tiên được thông qua bằng cách lách luật, báo Mỹ gọi là “qua cửa sau” –thru the back door.

Quan trọng và gây khó khăn cho TT Obama hơn nhiều, là việc phê chuẩn nội các. TT Obama tái đắc cử cuối năm 2012, nhưng gặp chống đối mạnh của CH trong khi mất 6 ghế tại thượng viện, chỉ còn có 53 ghế, không đủ túc số vượt qua filibuster. Một số bổ nhiệm của TT Obama bị CH ngâm tôm qua thủ tục filibuster, không thông qua được. Phe DC lấy quyết định, biểu quyết hủy bỏ thủ tục filibuster cho việc phê chuẩn nhân viên nội các và thẩm phán liên bang, ngoại trừ thẩm phán TCPV. Việc bỏ filibuster lạ lùng thay, chỉ cần đa số 51 phiếu là được thông qua, trong khi DC có tới 53 ghế. Từ đó về sau, tất cả nhân viên nội các cao cấp và các thẩm phán liên bang đều có thể được phê duyệt với 51 phiếu, tuy mọi phê chuẩn thẩm phán Tối Cao Pháp Viện và phê chuẩn luật đều vẫn bị thủ tục filibuster chi phối, tức là vẫn cần 60 phiếu tối thiểu.

DC viện dẫn lý do filibuster đã trở thành công cụ phá rối, làm tê liệt guồng máy chính quyền trong khi tổng thống cần có quyền bổ nhiệm người của ông để làm việc. Phe CH tố cáo ầm ĩ đây là hình thức độc tài của khối đa số, bóp nghẹt tiếng nói của thiểu số đã được Hiến Pháp bảo đảm. Phe DC bất chấp, vẫn tiến hành với sự cổ võ nhiệt tình của TT Obama dĩ nhiên.

Phe DC một phần có ý giúp TT Obama, hủy hỏ filibuster trong việc bổ nhiệm nội các, một phần nữa cũng vì tự tin sảng, nghĩ rằng sau hai chiến thắng vĩ đại của TT Obama, sẽ nắm quyền vài chục năm tới, không thắc mắc gì về hậu quả ... gậy ông đập lưng ông, nếu như DC bị lọt vào thế thiểu số.

Thiên bất dung... Gian Chủ! Năm 2016, đảng CH đại thắng, chiếm Tòa Bạch Ốc, rồi cả hạ viện lẫn thượng viện, tuy CH chưa đủ túc số 60 ghế để vượt tường filibuster nếu phe DC dựng lên. Bây giờ thì hậu quả vụ DC hủy bỏ filibuster trở ngược lại đập phe DC. Nội các TT Trump được dễ dàng phê chuẩn, không có một người nào bị bác hết vì CH chiếm đa số 52 ghế tại thượng viện và chẳng ai cần 60 phiếu nữa.

Câu chuyện đến đây chưa chấm dứt. Thủ tục filibuster vẫn còn bị áp dụng trong trường hợp phê chuẩn thẩm phán TCPV và thông qua mọi luật.

Đưa đến câu chuyện thẩm phán Merrick Garland.

TP Tối Cao Pháp Viện Antonin Scalia, bất ngờ qua đời giữa năm 2016, vài tháng trước ngày bầu cử tổng thống tháng 11/2016. TT Obama vội vã đề cử thẩm phán cấp tiến Merrick Garland. Thay thế một thẩm phán bảo thủ nặng như ông Scalia bằng một thẩm phán cấp tiến nặng như ông Garland, là chuyện CH không thể chấp nhận được.

Phe CH khi đó nắm đa số 54 ghế tại thượng viện, quyết định ngâm tôm, nêu lý do sắp sửa có tổng thống mới vì TT Obama không thể ra tranh cử nữa được, nên không cho mang việc phê chuẩn ông Garland ra biểu quyết, phải chờ tổng thống mới, bất kể người đó là ai, bà Hillary hay ông Trump. Hiển nhiên các nghị sĩ CH liều mạng đánh cá, hy vọng ông Trump sẽ thắng bà Hillary. Dù hy vọng mong manh cũng còn hơn không.

Kết quả, ông Trump đắc cử thật trước sự ngỡ ngàng của cả thế giới. Cuộc cá độ liều mạng của cánh CH đã thành công. TT Trump đắc cử, thu hồi đề nghị bổ nhiệm TP cấp tiến Garland để bổ nhiệm TP bảo thủ Neil Gorsuch. Nhưng lại kẹt filibuster vì đảng CH khi đó chỉ có đa số 52 (mất 2 ghế năm 2016), chưa đủ túc số 60 để vượt qua filibuster.

Phe DC nhất định dùng thủ tục filibuster để chống đến cùng việc bổ nhiệm ông Gorsuch vì hai lý do, thứ nhất là vì quan điểm mà phe DC tố là bảo thủ cực đoan của ông Gorsuch, và thứ nhì để trả thù việc mà phe DC tố phe CH không chịu phê chuẩn thẩm phán Garland do TT Obama bổ nhiệm.

Cả hai lý do đều không chính đáng vì tính giả dối. Ông Gorsuch năm 2006, dưới thời TT Bush con, được thượng viện phê chuẩn làm thẩm phán Tòa Phá Án khi cả hội trường đứng lên vỗ tay hoan nghênh –voice acclamation- không cần biểu quyết vì không có tới một người chống. Bây giờ thì tất cả nghị sĩ phe DC đã từng đứng lên vỗ tay lại đổi giọng, cho rằng ông Gorsuch quá bảo thủ, không đủ công tâm làm quan tòa tại TCPV.

Thế là lãnh tụ CH, TNS Mitch McConnell, dùng gậy DC đập DC, cho biểu quyết hủy bỏ thủ tục filibuster cho việc phê chuẩn thẩm phán TCPV, không cần 60 phiếu nữa mà chỉ cần 51 phiếu thôi. TP Neil Gorsuch được phê chuẩn khi đảng CH có 52 ghế.

Câu chuyện vẫn chưa xong. Vì tất cả các dự luật muốn thông qua thượng viện vẫn bị kẹt filibuster. Đưa đến ý định hiện nay của phe DC muốn hủy bỏ filibuster cho tất cả mọi biểu quyết của thượng viện, để giúp dễ dàng thông qua tất cả các chính sách và dự luật của cụ Biden. Nhu cầu này thể hiện rõ nét nhất khi các đề nghị mới của cụ Biden như gói trùng tu hạ tầng cơ sở 2.250 tỷ, gói cải thiện giáo dục 1.800 tỷ, và số tiền 1.800 tiền ‘tùy hỷ’ trong ngân sách năm nay, đều bị đe dọa chìm xuồng vì sẽ không bao giờ có đủ phiếu hậu thuẫn. Cũng như tuần rồi khi biểu quyết về dự luật bầu cử mới có đúng 50-50, không đủ túc số 60 phiếu vượt qua filibuster nên không được thông qua.

Vì nhu cầu chính trị cấp bách này, đảng DC đang cố gắng hủy bỏ filibuster. Hay ít nhất cũng sửa đổi hay giới hạn filibuster.

Việc giữ hay bỏ thủ tục filibuster thật ra trải qua cảnh... cuốn theo chiều gió, tùy theo phe nào nắm quyền. Khi phe DC hủy thủ tục này cho việc bổ nhiệm nội các để giúp TT Obama, phe CH nhao nhao đả kích. Khi phe CH đáp lễ, hủy bỏ thủ tục trong việc phê chuẩn thẩm phán TCPV để giúp TT Trump thì đến phiên DC rầm rộ la ó. Bây giờ DC nắm quyền lại, muốn hủy bỏ filibuster để giúp thông qua các chính sách cấp tiến của cụ Biden thì tới phiên phe CH ồn ào chống đối.

Tức là khi gió đổi chiều, cả hai phe đều đảo ngược quan điểm. Chỉ phơi bày ra mặt trái của chính trị Mỹ: tất cả quan điểm mà cả hai phe hô hào hay chống đối, đều có thể hoán chuyển dễ dàng khi thay phiên nhau nắm quyền, và cả hai phe đều dư thừa lập luận để bảo vệ sự thay đổi quan điểm. Và dân Mỹ, kể cả dân tị nạn chúng ta, chỉ là nạn nhân của những trò ảo thuật “nay có mai biến” này thôi. Nhắc nhở chúng ta trước khi gân cổ hò hét làm loa cho các chính khách, nên cẩn trọng hơn, kẻo bị kẹt làm con rối cho chính khách.

Theo luật hiện hành, sẽ chỉ cần 51 phiếu là đủ để hủy filibuster. Hiện nay DC có 50, chỉ cần thêm một ông bà CH là phe DC có thể hủy filibuster. Nhưng coi vậy mà không dễ chút nào. Không có một ông/bà nghị sĩ CH nào dại dột biểu quyết bỏ filibuster để cụ Biden thực hiện các chương trình thiên tả quá xa của cụ. Chẳng những vậy mà ngay trong khối DC, đã có ít nhất hai nghị sĩ công khai xác nhận sẽ chống việc hủy bỏ filibuster, là TNS Joe Manchin của tiểu bang West Virginia và bà TNS Kyrsten Sinema của Arizona. Tức là phe muốn hủy bỏ filibuster hiện nay chỉ có tối đa là 48 phiếu, nếu không phải là ít hơn.

Cuộc vận động trong hậu trường đang tiếp tục.

Hiển nhiên là nhìn đường gần, tất cả mọi bên đều hiểu cái thủ tục filibuster này rất phiền toái và còn có hại trong tình trạng phân hóa hiện nay, và sẽ khiến mọi chính quyền bị tê liệt hết, chẳng phê chuẩn hay thu hồi được luật nào, trừ phi một đảng chiếm được đa số ít nhất 60 ghế, là chuyện khó trần ai trong tình trạng nước Mỹ phân hoá ngang ngửa hiện nay.

Bù lại, nhìn đường xa thì bỏ filibuster còn nguy hiểm hơn nhiều, vì chẳng ai biết đảng nào sẽ nắm quyền khi nào, và sẽ đưa ra những dự luật quá khích nào.

Nhìn vào những diễn tiến trên, ta thấy rõ ràng chính trường Mỹ đã phân hoá đến chỗ khó có thể có được một đồng thuận nào như trước đây. Bây giờ, kiếm được đa số 60 phiếu đã thành hầu như vô vọng. Chỉ có kiếm được 51 là may, dù ai cũng biết đó là cách duy nhất có thể bớt tắc nghẽn.

Việc hủy bỏ thủ tục filibuster này đương nhiên làm giảm tư thế của khối đối lập thiểu số, khiến khối đa số có tiếng nói mạnh hơn. Về lâu về dài, khối đa số sẽ có cơ hội thống trị khối thiểu số mạnh hơn.

Những quyết định của cả hai chính đảng cho thấy cả hai bên đều có cái nhìn có thể nói là thiển cận, cần có thành quả ngay trong ngắn hạn mà không để ý đến hậu quả lâu dài. Ngày trước DC thống trị, loại CH ra, rồi CH thống trị, quét DC ra ngoài. Bây giờ DC thắng thế, quyết tâm đuổi CH về nuôi gà. Mai này, ai biết được đảng nào nắm đa số lúc nào?

Nhiều chuyên gia chính trị lo sợ việc bỏ thủ tục câu giờ này cho việc phê chuẩn các luật mới sẽ đi đến chỗ các luật, cho dù quá khích, cũng có thể được phê chuẩn dễ dàng hơn, đồng thời cũng có thể bị thu hồi dễ dàng luôn, trong khi ai cũng đồng ý luật mới nào cũng cần hậu thuẫn mạnh của cả hai đảng mà cũng cần phải có giá trị lâu dài, khó thay đổi, thì mới có ý nghĩa và giá trị.

Việc thay đổi luật sẽ có những hậu quả cực tai hại. Ngoài việc tạo bất ổng định chính trị, còn đưa đến tình trạng các tổng thống tìm cách lách, như TT Obama đã làm nhiều lần, không cho phê chuẩn các thỏa ước quốc tế như Thỏa Ước Khí Hậu Paris, Thỏa Ước Liên Thái Bình Dương TPP, và ngay cả thỏa ước kiểm tra vũ khí nguyên tử với Iran, không được quốc hội phê chuẩn và không có giá trị trói chặt chính quyền Mỹ nữa, để rồi các tổng thống có thể dễ dàng hủy bỏ, rồi tham gia, rồi biết đâu chừng lại hủy bỏ. Vì không được quốc hội chính thức phê duyệt, đã bị TT Trump thu hồi dễ dàng, rồi bây giờ Cụ Biden lại dễ dàng không kém khôi phục lại.

Trong các vấn đề đối nội, các tổng thống đã tự cho mình quyền ký sắc lệnh lung tung, bất cần ra luật. Như cụ Biden đã phá kỷ lục, trong có mấy tuần đầu đã ký một loạt hơn 50 sắc lệnh đủ loại, một số không nhỏ đang bị thưa kiện vì tính bất hợp pháp và bất hợp hiến.

Đáng tiếc thay, cách suy nghĩ này có vẻ hết hợp thời trang rồi, mà bây giờ các chính khách của cả hai đảng đều lo nghĩ đến ngày hôm nay, không ai lo lắng gì cho ngày mai hết, khác xa với những tư tưởng lớn, nhìn rất xa của những cha già lập quốc. Vì thực tế chính trị hiện đại của Mỹ là tất cả các chính khách đều phải trực diện với cử tri trong vài ba năm chứ không phải trong vài ba chục hay vài ba trăm năm, không ai rảnh nghĩ chuyện tương lai lâu dài.

Filibuster có lợi là cản đảng nắm quyền không thể một mình tha hồ múa võ Sơn Đông, nhưng bù lại, có thể đưa chính quyền đến bế tắc, chẳng còn làm gì được nữa. Vấn đề là làm sao tìm ra được một giải pháp vẹn toàn, là việc luôn luôn nói dễ làm khó.

Vũ Linh

ĐỌC THÊM:

Dân Chủ không đủ phiếu – CNN:

Filibuster - Wikipedia:

No comments:

Post a Comment