Wednesday, June 2, 2021

Phỏng vấn nhạc sĩ Phan Văn Hưng 

Đặng Phú Phong thực hiện.
Nam Dao & Phan Văn Hưng

Đặng Phú Phong: Một cách sơ lược, xin anh chị vui lòng giới thiệu tiểu sử của mình.

Phan Văn Hưng: “Tiểu sử” chúng tôi, so với những gian truân mà người Việt nói chung đã phải gánh chịu suốt mấy thập niên qua, thì chẳng có gì nhiều để mà đáng nói. Năm 1969 tôi được học bổng đi du học ở Pháp, và ở đó, tôi được may mắn sinh hoạt trong Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris. Tôi phải dùng chữ “may mắn” là vì tôi mong tất cả các bạn trẻ Việt Nam khi lớn lên cũng có được một cơ hội như tôi, được sống qua những ngày tháng hăng say, đem tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ để cố làm một cái gì đó mà mình tin là có ích cho xã hội và đất nước. Trong cái môi trường tranh đấu trong sáng thời đó, tôi đã được học hỏi rất nhiều – học những thứ mà học đường không bao giờ có thể dạy cho mình – và đồng thời tôi cũng đã được hưởng những tình bạn thật hiếm có trong cuộc đời.

Nếu phải ghi ra những biến cố đã đập mạnh nhất vào ý thức Việt Nam của tôi thời bấy giờ, có lẽ tôi phải kể:

Thứ nhất là biến cố 30/4/75, khi là một sinh viên mới ra trường, tôi cũng phải nếm mùi cái đau đớn của một kẻ “mất nước”, có lẽ chưa đến mức đâm vào thớ thịt mình như đồng bào ở trong nước, nhưng cũng đủ làm xoay chuyển toàn bộ cái thế giới cố hữu của mình. Đối với một người ở Paris, đất nước Việt Nam đã xa thì lúc đó tưởng chừng như càng xa thêm nữa, vì bao nhiêu hy vọng trở về quê hương hoàn toàn tan vỡ…

Thứ nhì là khi anh em chúng tôi ra mắt tờ báo Nhân Bản năm 1977, một trong những tờ báo hiếm hoi của người Việt bấy giờ ở hải ngoại.

Sau đó tôi phải kể đến những đêm Tết Tổng Hội Sinh Viên và những sinh hoạt văn nghệ tranh đấu của sinh viên. Chính đi từ những sinh hoạt này mà tôi đã khoác lên cổ cái “nghiệp” làm nhạc và viết nhạc. Cái nghiệp đó đã đeo đuổi tôi suốt hơn 30 năm qua, đến bây giờ vẫn chưa “nhả” tôi ra! Từ một đứa bé chỉ thích hát nhạc ngoại quốc, qua tới là một thanh niên cầm đàn hát vui chơi với bạn bè, tôi bỗng chuyển hướng, chỉ toàn hát về quê hương… Cái ý thức muốn hát cho quê hương đó, vào thời buổi đó khi toàn thể dân tộc Việt bị chìm trong oan nghiệt không nguôi, có lẽ chẳng ai có thể cưỡng lại được, huống hồ là tôi, một người trẻ trong một tổ chức trẻ lý tưởng…

Và cuối cùng, có lẽ tôi phải nhắc tới rất nhiều những kỷ niệm vui buồn của thời bấy giờ, trong số đó không thể quên được hình ảnh của anh Trần Văn Bá giữa đám sinh viên tụi tôi.

Đặng Phú Phong: Sinh viên Trần Văn Bá đã đi vào lịch sử với giấc mộng chưa thành, anh là bạn của anh ấy và theo như lời của anh, cho phép tôi nghĩ rằng anh rất thương yêu và kính trọng anh ấy. Cuộc đời tranh đấu của Trần Văn Bá có ảnh hưởng như thế nào trong việc sáng tác nhạc của anh?

Phan Văn Hưng: Anh Bá là một người lãnh đạo không giống như ý nghĩa thông thường. Khi nói đến lãnh đạo, người ta hay nghĩ đến một người hùng biện, phất cờ xông pha, chỉ tay, vạch đường lối. Anh Bá không như thế. Sự kiên quyết thì anh có thừa, nhưng luôn luôn được bộc lộ ra ngoài bằng những lời lẽ ôn tồn, thân thiện. Lòng can đảm anh cũng chẳng thiếu, nhưng không bao giờ thấy anh hô hào kêu gọi bất cứ ai đi theo anh. Anh có một viễn kiến chính trị rất sâu sắc, nhưng hiếm khi nào thấy anh tranh luận. Ảnh hưởng của anh trong đám sinh viên tụi tôi nhẹ nhàng nhưng rất sâu. Ngay cả thời tôi làm báo cho anh, anh cũng chỉ đôi ba lần gợi ý về những điều cần nói, còn tất cả để mặc cho tôi lo liệu. Chỉ đến khi anh ra đi thì anh em sinh viên tụi tôi mới thấy thiếu anh…

Tôi không biết có phải là sự ngẫu nhiên hay không, nhưng tôi cũng muốn nhạc của mình như thế. Tôi không muốn dùng nhạc để hô hào, mà chỉ muốn lay chuyển nội tâm của người nghe. Lòng kiên quyết có khi cần nằm ẩn đằng sau những nốt nhạc mềm mại. Chuyện hô hào, thúc giục thì có lẽ nên để cho mỗi người tự làm lấy, vì một khi cái tâm phụng sự được nuôi lớn thì người đó sẽ tự mình tìm thấy cách thực hiện hay nhất trong hoàn cảnh riêng của mình.

Đặng Phú Phong: Anh là Kỹ Sư Hầm Mỏ và Cơ Khí , công việc này có vẻ như không dính líu đến nhạc, vậy anh có thể nói duyên cớ làm sao mà anh trở thành nhạc sĩ ?

Phan Văn Hưng: Bây giờ nhắc lại thì cảm thấy hơi xấu hổ, nhưng thời đó, tôi có bao giờ tới trường đi học như người ta đâu? Cuối cùng thì tôi cũng tốt nghiệp ra trường, rất may mắn học xong, nhưng phần lớn thì giờ của tôi và các bạn bè bỏ ra là để hoạt động sinh viên và tranh đấu. Tuy có hơi xấu hổ, nhưng không hối hận, vì ý nghĩa của tuổi trể là đeo đuổi hoài bão của mình, và hoài bão của chúng tôi là tìm con đường tự do cho dân tộc, mặc dầu với khả năng nhỏ bé của mình.

Ngay sau tháng 4/75, anh em chúng tôi không còn nhạc để hát nữa. Thật tình là như vậy. Đa số những bài hát của tuổi trẻ tranh đấu trước 75 bỗng nhiên trở thành lỗi thời, lạc điệu, ngượng nghịu làm sao ấy, không thể hát được nữa. Còn lại duy nhất là một vài bản Du Ca mà chúng tôi vẫn hát, nhưng nói chung thì chúng tôi rất thiếu những loại nhạc thích hợp với cuộc tranh đấu mới của thời hậu 75. 

Không có nhạc để hát thì phải tự sáng tác mà thôi. Từ đó, một số anh em chúng tôi làm nhạc, làm thơ, viết báo. Lúc đầu, ký chung một tên là “Nhóm Sáng Tác THSV”, chẳng hạn như bài Ai Về Xứ Việt xuất hiện năm 1977 là dưới bút hiệu “Nhóm Sáng Tác THSV” đấy chứ; về sau này mới để tên thật. Hết bài này rồi tới bài khác, chúng tôi tự khuyến khích lẫn nhau sáng tác; có những đứa chẳng biết tí nhạc lý nào như tôi cũng sáng tác, hòa âm. Bây giờ nghe lại, có lẽ phần kỹ thuật thì kém lắm, nhưng cái tâm hồn nhạc và cái tâm hồn yêu nước thì không thể chối cãi được, nó cuồn cuộn trong những ca khúc mộc mạc đó, với những giọng ca non nớt đó. Mỗi lần nghe lại, tôi vẫn rùng mình, một phần vì vẫn cảm xúc, phần khác vì tự hào là khi tất cả đã sụp đổ, thì giữa sự đổ nát, tiếng nói của tuổi trẻ và tình yêu dân tộc vẫn có thể trổi lên, không sờn lòng, không màng thất bại.

Đặng Phú Phong: Bài nhạc đầu tiên của anh viết từ năm nào, anh viết lời hay phổ từ thơ của một thi sĩ khác?

Phan Văn Hưng: Như đa số những đứa trẻ Việt Nam, tôi chơi guitar theo kiểu học lóm, nghĩa là nghe radio (thời đó chưa có cassette, CD) xong cố bắt chước theo. Tất cả là dùng lỗ tai để thẩm định đúng hay sai, hoàn toàn không có sách vở. Về sau này đến khi qua Pháp, tôi mới mua sách hoà âm về học, thì mới biết những hợp âm mình đã chơi từ thuở nào tới giờ mang tên là C trưởng, E thứ, G7sus4, hay Ddim v.v. Tuy không biết tên các nốt và các hợp âm mình chơi, nhưng lại chơi rất chính xác.

Hồi tôi 12, 13 tuổi gì đâu đó, anh tôi đem về nhà một cây đàn guitar từ đâu đó, có lẽ là bạn cho anh ấy mượn. Thấy cây đàn để đó, tôi cũng bày đặt ra bấm bấm, gẩy gẩy. Một lúc sau thì “sáng tác” được một “bài nhạc” gồm hai câu! Tôi đem ra khoe với anh tôi thì bị anh mắng cho một trận: “Mày bắt chước ở đâu chứ làm gì có chuyện mày sáng tác!” Tôi ức lắm, vì đó là “tác phẩm đầu tay” của mình!

Nhưng nói chơi cho vui vậy thôi, chứ ca khúc đầu tiên mà tôi còn nhớ (và có ghi lại trong tập nhạc “Hát Cho Một Thời” mới xuất bản năm nay) là bài Lá Bay Lá Vàng, một bài tình ca của tuổi son trẻ vào năm 1970. Lời và nhạc đều là của tôi – chẳng hay ho gì, nhưng lại mang nhiều giá trị tình cảm đối với tôi.

Đặng Phú Phong: Việc bỏ Pháp để qua định cư tại Úc có liên quan gì đến việc sáng tác của anh không?

Phan Văn Hưng: Thưa không, không liên quan gì đến việc sáng tác, mà hoàn toàn là chuyện đi tìm một chân trời mới cho cuộc đời mình.

Đặng Phú Phong: Anh chị có thể tiết lộ bí mật là hai ngưòi yêu nhau rồi lấy nhau có liên quan đến nhạc của anh và thơ của chị không?

Phan Văn Hưng: Hai đứa chúng tôi gặp nhau trong môi trường Tổng Hội Sinh Viên Paris, cho nên hồi nãy tôi mới nhắc đến những kỷ niệm không thể quên được của thời đó! Chúng tôi gặp nhau ngay trước biến cố 75, đến sau 75 thì mới bắt đầu “quen” nhau. Tôi đoán chừng là Nam Dao để ý tôi trong những lúc sinh hoạt văn nghệ nhóm; tôi là người cầm đàn, nhiều lúc điều khiển ban tốp ca lẫn ban hợp xướng THSV thời bấy giờ. Nhưng tôi không nghĩ Nam Dao thích tôi vì nhạc của tôi, vì thời đó tôi đã có làm nhạc gì đâu! Phần tôi thì đâu có biết là Nam Dao biết làm thơ! Tất cả những bài hát sau 75 hầu hết đều ra đời sau khi chúng tôi lấy nhau; và cũng chẳng bao giờ chúng tôi lại có ý định lấy nhau để mà làm nhạc chung với nhau cả! Chuyện cộng tác văn nghệ đến một cách rất tự nhiên, chẳng ai bảo ai; giống như khi tôi ngồi đánh đàn tửng tửng, ca hát nghêu ngao, thì Nam Dao cũng xen vào cho ý kiến. Gọi thế là sáng tác chung cũng được.

Có lẽ bài đầu tiên có sự cộng tác có ý thức là bài Thằng Bé Tát Dầu. Bài đó tôi làm nhạc ra hết rồi, tưởng tượng trong đầu nguyên cái cảnh thằng bé đi vớt dầu bị trúng đạn AK, rõ ý từng câu, từng đoạn, lúc đó tôi mới nhờ Nam Dao viết lời. Tôi nói rõ cho nàng: “Chỗ này nhạc dồn dập, là lúc thằng bé đang cố thoát khỏi bàn tay tử thần của chiếc AK đang nhắm vào nó. Chỗ này phải nức nở như người đang khóc câm. Chỗ này phải đau uất lên, v.v.” Xong tôi thâu nhạc vào cái máy cassette để Nam Dao nghe đi nghe lại cho thấm. Khi thấm rồi thì lời sẽ tuôn ra… cũng giống như khi mình tự đặt mình trọn vẹn vào một tâm thức nào đó thì cái tâm thức đó nó mở cửa ra, mình vào muốn lấy gì thì lấy… Nam Dao làm lời bài đó rất đạt, mỗi khi tôi hát, như có luồng điện chạy rần rần khắp sống lưng…

Sau này, sự cộng tác giữa Nam Dao và tôi rất đa dạng. Có khi tôi viết cả nhạc lẫn lời, Nam Dao chỉ sửa thôi. Có khi tôi phổ nhạc trên thơ của Nam Dao, hay Nam Dao viết nguyên phần ca từ, đổi luôn nhạc tôi. Có khi trong nguyên bài thơ của Nam Dao tôi chỉ thích có đúng một câu, lôi câu đó ra để hoàn thành cả bản. Lại cũng có khi, Nam Dao làm cả nhạc lẫn lời, tôi sửa. Nói tóm là gần như không có một bài nào là không có bàn tay của Nam Dao, ít hay nhiều, gián tiếp hay trực tiếp.

Đặng Phú Phong: Bài thơ “ Nếu Em Nghe Bài Hát Này” là tâm sự của một người bị Việt Cộng bỏ tù và chị Nam Dao đã viết nó thật tới, giống như là chị từng ở tù, nhưng theo tôi biết thì chị chưa hề. Vậy thì xin chị cho biết nguồn xúc cảm này chị có từ đâu?

Nam Dao: Cảm hứng là một điều bí ẩn rất lớn. Tôi vẫn hay so sánh cảm hứng như một đám mây chứa đầy hạt mưa lởn vởn trên đầu mình. Mây sẽ tiếp tục là mây nếu cảm hứng không xảy đến. Nhưng khi nào do một động lực nào đó, đám mây tự nhiên xối xuống thành cơn mưa trong vắt, thì đó là cảm hứng. Trong tôn giáo, người ta gọi hiện tượng này là sự hiệp thông, sự kết hợp, sự trầm mình. Đối với một người làm nhạc, đó là sự cảm thông trọn vẹn giữa câu chuyện kể và tâm hồn người nghệ sĩ.

Vậy thì nếu không sống qua, làm sao có thể cảm thông được? Tôi cũng không hiểu nữa, chỉ biết rằng trong những giai đoạn sáng tác phong phú nhất, gần như trọn vẹn cuộc đời chúng tôi xoay chung quanh những vấn đề đất nước, không bận bịu tổ chức cái này thì bù đầu làm lụng cái kia, không viết lách thì đọc báo, không gặp mặt người này thì viết thư tâm sự với người kia, v.v. Nói tóm lại là trầm mình vào hoàn cảnh của từng mảnh đời tơi tả của người Việt Nam ở trong nước lẫn ngoài nước, chia xẻ từng tâm tư và lắng nghe từng tiếng nấc… Tôi đoán chừng có lẽ sự cảm thông đến từ đó.

Đặng Phú Phong: Một nhà văn đã gọi dòng nhạc anh là “Bi Phẫn Ca”. Anh nghĩ sao về nhận định này? Tiện thể xin anh cho biết anh đã từng đặt tên cho dòng nhạc của mình?

Phan Văn Hưng: Thưa vâng, nhà văn Trịnh Thanh Thủy có gọi nhạc của Nam Dao và tôi là như thế. Có lẽ không sai lắm đâu. Nhưng khi viết nhạc thì tôi không nghĩ người làm nhạc ý thức rõ rệt là mình đang viết một loại nhạc nào đó dưới một nhãn hiệu nào đó. Tại sao như thế? Là vì trong khi mình trầm mình vào câu chuyện mình muốn kể, bất cứ một ý nghĩ nào đi ra ngoài câu chuyện đó đều có nguy cơ bẻ gẫy cái tâm thức “hiệp thông” vừa được nói ở trên, khiến cho mưa ngừng xối xuống, và nguồn cảm hứng bị khô cạn…

Chỉ sau khi công việc sáng tác đã xong thì người làm nhạc mới nhìn lại đứa con của mình. Lúc đó muốn đặt tên nó là gì cũng được, nhưng trong khi đẻ đau thì chẳng hơi đâu mà nghĩ tới tên con! Nhìn lại toàn bộ những bài hát mà chúng tôi đã viết trong hơn 30 năm qua, có lẽ có một đặc tính bật ra rất rõ: đây là những bài hát làm chứng cho một thời – thời hậu 75. Cũng vì vậy mà tập nhạc chúng tôi vừa cho xuất bản mang tên Hát Cho Một Thời. Một thời mà chẳng ai có thể quên được, thậm chí vẫn chưa thể tha thứ được, vì cái thời đó vẫn còn kéo dài những ngày tháng ê ẩm ngay trong lúc này…

Đặng Phú Phong: Đối với những người lớn tuổi ( khoảng 40, 50 tuổi trở lên) thì có thể hiểu, thông cảm và thích Hát Cho Một Thời – những bài hát làm nhân chứng cho thời hậu 75 – . Nhưng đối với giới trẻ sinh sau 75 nhất là lớp trẻ sinh ở hải ngoại, anh chị có nghĩ rằng Hát Cho Một Thời ( ngay cả cái tên) không phù hợp với họ không? Và nếu như thế anh chị có hướng tới lối sáng tác nào dành cho số người trẻ này?

Phan Văn Hưng: Nhạc của hai vợ chồng chúng tôi có rất nhiều bài được tuổi trẻ ưa thích đấy anh ạ. Tôi đã từng thấy những bạn trẻ ngồi hát mê mệt những ca khúc đó đến nỗi không dứt nổi nữa! Tôi nghĩ có lẽ vì trong cái sầu bi luôn luôn chúng tôi lồng vào một thông điệp hy vọng, một cái gì rất mới. Do quá trình hoạt động sinh viên của tôi và do vẫn giữ được một tinh thần tương đối trẻ trung, cho nên có nhiều em thường hay lui tới hỏi han về những vấn đề hoạt động và đeo đuổi lý tưởng. Đây là những chuyện về tương lai chứ không có gì về quá khứ đâu anh.

Tôi nói một thời, và anh nghĩ ngay đến một thời quá khứ, một cái gì đã qua. Nhưng thưa anh, thời đó vẫn còn ngay đây, nó nằm chình ình ngay đây thôi. Cái chế độ chuyên chế đã làm khổ dân mình trong bao năm vẫn giữ nguyên cái cốt lõi chuyên chế của nó đấy chứ. Nếu có thay đổi thì chẳng qua thay vì dùng cộng sản để xây dựng giai cấp thống trị bạo lực thì ngày nay họ dùng đồng tiền để củng cố cũng chính cái giai cấp đó. Tuổi trẻ hôm nay muốn thay đổi đất nước thì phải chấm dứt thời buổi của chúng, mà muốn chấm dứt thì cần nghe và cần hát về những chứng nhân của thời buổi đó. Và các em cũng cần ý thức rằng chính các em cũng là chứng nhân chứ không ai khác. Anh nghe nhạc tụi này thì sẽ thấy ngay, có rất nhiều những vấn đề cụ thể thuộc về năm 2008 được nói đến chứ không phải toàn là chuyện 75.

Đặng Phú Phong: Nhạc và lời của anh mang tính chất tranh đấu, tố cáo những cái ác, những phi nhân của một xã hội bất nhân, nhưng tôi vẫn thấy chất du ca trong đó. Anh có thấy như vậy không? Anh thích nhạc sĩ nào nhất và nhạc sĩ nào ảnh hưởng anh nhiều nhất?

Phan Văn Hưng: Thưa, cuộc tranh đấu này không vì thù hận. Mình đòi hỏi tự do dân chủ chẳng phải vì thù hận Việt cộng, mà vì thương cảm những nạn nhân của Việt cộng và vì kỳ vọng cho quê hương đất nước mình thôi. Tôi thích chữ “bi phẫn” để diễn tả về nhạc của tôi… Nhưng chữ “du ca” mà anh nói đến thì hoàn toàn đúng. Tôi viết cho người trẻ nhiều lắm, đi đây đi đó, sinh hoạt, trao đổi… Thời trẻ khi ngừng hát nhạc ngoại quốc, hai nhạc sĩ mà tôi mê nhất là Nguyễn Đức Quang và Phạm Duy. Nguyễn Đức Quang với những bài hát thẳng thừng, không nhân nhượng, không giấu giếm. Từ Nguyễn Đức Quang tôi còn học được cách viết ca khúc kể truyện, như bài Người Anh Vĩnh Bình của anh ấy chẳng hạn. Còn Phạm Duy thì tôi yêu thích nhất các bản dân ca cùng hai bài trường ca của ông, là những sáng tác mà tôi coi thuộc giai đoạn trong sáng lý tưởng của ông.

Tuy nhiên nếu nói về ảnh hưởng trên mặt âm nhạc thì tôi phải kể đến Simon & Garfunkel và nhóm dân ca Mỹ Peter, Paul & Mary. Ngay cả lối móc và búng giây đàn cũng có lẽ từ đó mà ra… và Simon với lối hát kể truyện đầy syncopation, vừa giựt mà vừa trôi ngọt như đường… Đó là lối hát mà tôi dùng trong hai bản Hai Mươi NămSinh Ra Làm Người Việt Nam.

Đặng Phú Phong: Trong ca từ của anh chị hay ca từ của người khác đi nữa, thường nó trúc trắc và không xuất hiện trong âm nhạc.( tôi không kể những bài nhạc tuyên truyền của mấy người Cộng Sản) Tôi xin đưa ra một ví dụ điển hình trong bài Thằng Bé Tát Dầu

. . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Chết như một kẻ thù vô danh
Phản động chăng hay là đế quốc?
Biết đâu rằng chỉ chủ nghĩa giết em!
Bé tát dầu, thằng bé tát dầu!
Chết nơi cầu cạnh xưởng Ba Son
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Những từ kép như “phản động”, “đế quốc”, “chủ nghĩa” anh xử dụng nó khá tài tình trong nhạc khiến cho người nghe không cảm thấy thô, sượng. Tôi muốn hỏi anh lúc anh phổ nhạc lên những từ như vậy anh có bị “nghẽn mạch” hay không? Anh có nghĩ rằng đặc điểm này là một trong những yếu tố giúp dòng nhạc của Phan Văn Hưng đi thẳng, đi mạnh vào lòng của thính giả?

Phan Văn Hưng: Thưa vâng, cảm ơn anh đã chia xẻ như thế. Tôi xin được trả lời hơi dài dòng như thế này.

Nếu theo học các lớp về nghệ thuật viết ca khúc (songwriting) ở Âu Tây, một trong những nguyên tắc căn bản được các tay viết chuyên nghiệp dạy là: “Hãy viết ca từ giống như mình đang nói chuyện vậy. Bất cứ câu nói nào mà thốt ra được một cách trơn tru thì không lý do gì mà không hát lên được thành ca khúc.”

Đó là chủ trương của người Âu Mỹ, thế nhưng khi áp dụng vào tiếng Việt thì sẽ gặp khó khăn ngay. Lời ca trong các bài hát tiếng Việt đòi hỏi nhiều hơn thế nhiều. Thứ nhất là vì tiếng Việt có dấu, mà dấu thì quyết định phần lớn sự trầm bổng của giai điệu.

Thứ nhì, không như nhạc Âu Tây, nhạc Việt đòi hỏi một tính chất “thơ”, một nét thi vị nào đó, một sự quan tâm về mỹ thuật, mà tôi cho rằng là do người Việt chúng ta không phân biệt rõ rệt giữa nhạc với thơ. Dân ca của chúng ta thời xưa hoàn toàn là thơ đấy là gì? Đó là lý do tại sao lời ca nào mà quá thô kệch, mang âm hưởng xấu xí sẽ bị người nghe gạt bỏ ngay là “sượng”, khó nghe.

Thứ ba nữa, các đề tài được các nhạc sĩ Việt khai thác thường không vượt ra ngoài một số tiêu chuẩn “lễ giáo” nào đó.

Tôi nghĩ có lẽ do ba yếu tố trên mà chúng ta thấy lời ca tiếng Việt thường ít dám mạo hiểm ra ngoài một số từ “chung chung” nào đó. Lại nữa, vì nhu cầu âm điệu, các nhạc sĩ Việt nhiều khi phải chọn những từ dấu huyền, dấu sắc, hoặc không dấu, thay vì dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng; và điều này lại càng giới hạn số từ hơn nữa, với kết quả là những chữ có thể dùng được rất ít, chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng tiếng Việt mà thôi. Đó là chưa nói tới những vận cộc lốc, chết người, phải lánh xa như đỉa!

Riêng tôi thì muốn đi tìm một con đường trung dung giữa hai con đường nói trên. Nếu theo hẳn Âu Tây thì e rằng sẽ quá phóng khoáng, rơi vào tệ đoan hát chuyện tầm phào và không coi trọng người nghe. Còn theo hẳn cách Việt Nam cố hữu thì sợ sẽ bị gò bó. Vả lại, những đề tài mà tôi muốn hát là những đề tài vô cùng hiện thực, phải dùng chữ cho chính xác thì mới bộc lộ được cái thực của nó.

Vậy thì làm sao bây giờ? Trong cách viết nhạc, tôi quyết định là sẽ không ngần ngại dùng những từ ngữ mới lạ, khúc mắc, thậm chí có thể chói tai, khi nào bài hát đòi hỏi như thế. Nhưng phải đi đôi với hai điều kiện. Thứ nhất, lời ca phải tôn trọng tình cảm của người nghe. Và thứ nhì, phải gợi lên những tình cảm đẹp. Tôi nghĩ, có thế thì người thưởng thức nhạc mới chấp nhận những thách đố mà người làm nhạc tung ra tới tấp về phía họ.

Anh hỏi tôi có bao giờ bị “nghẽn mạch” không? Có chứ, dài dài thôi. Nhất là khi phổ thơ. Và điều này cho thấy người làm thơ có nhiều tự do hơn người làm nhạc nhiều lắm…

Đặng Phú Phong: Thưa anh chị, nếu chứng ta không chấm dứt câu chuyện bây giờ thì khó mà biết chúng ta sẽ chấm dứt ở lúc nào nữa vì càng nói càng nảy sinh ra nhiều vấn đề thú vị khác. Xin cảm ơn anh chị và chúc anh chị thành công với nét nhạc thật riêng của mình.

Đặng Phú Phong
10-12-2008



Phan văn Hưng và bi phẫn ca

Tác Giả: Trịnh Thanh Thủy
Thứ Tư, 01 Tháng 6 Năm 2011 18:01

Người nghệ sĩ cúi xuống trên mười ngón tay nhả những thanh âm phừng phừng rực lửa

Khuôn mặt anh chứa chan cảm xúc, rập rờn âm điệu. Thính giác khán giả căng, dãn, đàn hồi, nhảy múa theo hấp lực của từng làn điệu, lời ca. Những ca từ hiện thực, tả chân cuộc sống con người đang ở đáy địa ngục. Những truyện ca có thật tạo năng lực cấu nhoi nhói tim đỏ người nghe. Nếu mỗi người là một cá nhân khác biệt có nhiều điểm khó hoà hợp, thì phút giây hiện tại này, mức đồng cảm giữa người và người ở khán giả đang lên cao nhất. Mọi vật rơi vào thể tĩnh của bất động ngoại trừ anh. Những đôi mắt không kịp nháy, tụ hội về vóc hình người đàn ông có dáng dấp thư sinh. Thế rồi bất chợt họ hiểu ra bài hát đã đến hồi dứt. Tiếng chuyển động rào rào của những bàn tay vỗ nhất loạt oà lên bao vây lấy hội trường, phủ lấp hình hài nhỏ bé của người đàn ông đang ngồi ôm đàn ấy.

Anh cúi chào khán giả với một phong thái nho nhã, điềm đạm. Anh, Phan Văn Hưng, đến từ Úc, đem tiếng hát, dòng nhạc trải dài khắp vòng quay trái đất. Nơi nào mời anh, anh đến, nơi nào đón anh, anh lại. Anh giản dị, chân tình, nhẹ nhàng, thư thái, nhưng khi cây đàn được đặt vào vòng tay bồng bế, nó biến anh thành một con người khác.

Nhắc đến Phan Văn Hưng người ta không nhắc đến một giọng hát điêu luyện, trầm ấm hay đằm thắm mà người ta tưởng tượng ra được một giọng hát thấm đẫm chân thật, xoáy sâu chọc thủng bức tường trái tim con người. Chúng ta cảm được cái hay của nó nhưng không phân tích được tại sao. Bởi anh hát từ tim nên tim ta và tim người giao cảm. Giọng anh không thể lẫn với bất cứ giọng hát nào khác vì anh có một phong cách rất riêng trong lối nhả chữ. Kỹ thuật luyến láy chữ của anh phải nói là “được tinh luyện và rất khác biệt’. Một phong cách rất “Phan Văn Hưng”. Vả lại khi anh hay bất cứ ai hát loại nhạc của anh sáng tác, người ấy không cần một giọng hát thiên phú thật hay mà chỉ cần hát thật có hồn, hát bằng tất cả trái tim của người ấy.

Phan văn Hưng không những mang giọng hát của mình đến với khán thính giả khắp nơi ở hải ngoại mà anh còn đem dòng nhạc rất đặc biệt của mình gieo rải bất cứ nơi nào người nghe muốn nghe. Nhạc của anh phần lớn là phổ thơ nhưng anh nổi tiếng đầu tiên ở những ca khúc chính anh viết như “Bạn bè của tôi”, sau này là “Bài ca tuổi trẻ”, “Dìu nhau”, “Nhớ những dòng sông” ….. Thơ anh phổ nhiều nhất của Nam Dao, “người bạn đời” của anh từ những ngày hoạt động trong các phong trào sinh viên ở Paris . Người bạn đời sát cánh bên anh còn chung lưng cùng anh trong việc sáng tác. Có khi anh phổ thơ Nam Dao, có khi anh viết dựa trên lời thơ ND, rồi từ đó viết cả ca từ và nhạc. Có lúc anh viết cả hai nhưng ND sửa lời và góp ý. Cũng có một vài bài ND viết cả nhạc lẫn lời, anh sửa nhạc.

Ngoài ra anh phổ thơ của nhiều thi sĩ khác trong cũng như ngoài nước. Mối giao cảm giữa thi sĩ và nhạc sĩ trong một bài thơ phổ nhạc như một hôn ước nhịp nhàng, du dương và hoà điệu. Nhưng không phải cuộc hôn phối nào cũng đẹp đẽ và hạnh phúc. Có những bài thơ hay bị giết chết thê thảm khi được phổ nhạc nhưng cũng có những bài thơ khi được phổ nhạc bỗng trở thành vang danh và bất tử. Theo ý riêng của tôi những bài thơ được anh Hưng phổ nhạc là những đứa con may mắn được đặc biệt ưu ái chạm vào van tim của những người nghe biết mở lòng.

Phan Văn Hưng biết chọn cho mình một phong cách riêng trong âm sắc cũng như lối soạn nhạc và chơi đàn của mình. Âm Sắc là thứ màu sắc của âm thanh. Màu Sắc đóng vai trò tối quan trọng trong một tác phẩm nghệ thuật của người hoạ sĩ thì đối với nhạc sĩ, Âm Sắc cũng đóng vai trò tương tự. Nó là chữ ký, ngôn ngữ, âm thanh, tính khác biệt, nét độc đáo, tất cả đúc kết thành phong cách của một nhạc sĩ.

Anh kể cho tôi nghe một thói quen đặc thù khác người. Người chơi guitar classic thường bằng bốn ngón trong khi anh chơi chỉ bằng hai ngón, ngón trỏ và ngón cái.

Thế hệ ngày mới lớn của anh là những thập niên 60, 70, được nuôi dưỡng bằng dòng nhạc của The Beatles, Simon & Garfunkel, Peter,Paul & Mary và Cat Stevens nên một điều không thể phủ nhận là nhạc anh có mang âm hưởng nhạc Mỹ và dân ca Mỹ (Folk Music).

Sau này khi ra ngoại quốc anh lại chỉ chơi nhạc Việt Nam, tuy nhiên, vì sống trong một môi trường đa dạng và phong phú ở hải ngoại nên anh biết cách pha chế rồi tổng hợp nên một dòng nhạc riêng cho mình bằng một tinh thần bạo dạn khai phá của người làm nhạc. Tỷ như trong bài “Những đứa bé” có nhiều gam chõi, lạ, và mang âm hưởng jazz và blues.

Những đứa bé không chiếu chăn/ Nằm lây lất giữa hè phố
Nằm chui rúc nơi những xó tối tăm, rác rưởi.
Những đứa bé trong quán bia/ Em đón khách nơi phồn hoa

Những đứa bé không cánh tay/ Những đôi mắt không còn thấy
Đời em giam trong ngõ tối/ Hắt hiu, lụt lội
Những đứa bé đi bán rong/ Đạp xe mướn hay lượm rác

Một ngày về trên quê hương
Tôi muốn nấc lên đau thương
Tôi muốn khóc cho tủi hờn
Tôi muốn ôm em vào lòng
(Những đứa bẻ/Phan văn Hưng-Nam Dao)

Nói đến PVH người ta nhớ ngay đến bài hát “Bạn bè của tôi”. “Bạn bè của Tôi” không những là nhân chứng của một thế hệ, hai thế hệ mà có lẽ của các thế hệ tiếp nối. Nó không đơn thuần là một bài hát mà là cuốn nhật ký ghi lại sự thật xảy ra ở Việt Nam , không chỉ của một cá nhân mà cả một dân tộc. Nó gắn chặt tên tuổi anh vào nó hay nói ngược lại nó đã khai sáng một PVH, một dòng nhạc mới ở hải ngoại.

Bạn bè của tôi,
Từng chiếc lá trong trận bão dân tộc
Tuổi trẻ đôi mươi bị lãng phí như cỏ rác thôi

Bạn bè của tôi
đi lây lất trong cuộc sống vô vọng

Ai thấu cho oan khiên này
Người có lắng nghe ….
Tiếng ai than dài
(Bạn bè của tôi/Phan Văn Hưng)

Trong một bài phỏng vấn anh Hưng tâm sự:

Tôi sẽ hát những bài hát đầu tay của Nam Dao và tôi, những bài hát mộc mạc không tham vọng, nhưng cũng là những bài hát đã đánh dấu cuộc đời chúng tôi cũng như của các bạn của tôi. Thời đó chúng tôi đã khóc cho quê hương, cho đồng bào mình, thì ngày hôm nay tiếng khóc đó vẫn chưa dứt. Ngày hôm nay chúng tôi vẫn viết ca khúc, có thể kỹ thuật làm nhạc đã già dặn hơn, đề tài cũng có thể đã thay đổi theo những biến đổi của đất nước, nhưng trong tiếng uất nghẹn chưa nguôi đó, tôi vẫn cảm thấy lòng mình rực lửa vì con đường dân tộc mình đi nhất định sẽ có ngày rực sáng.”

Anh khóc cho quê hương trong ca khúc “Hai mươi năm”

Hai mươi năm, nhiều kẻ gian trong làng xóm
Người hiền khô mang gông cùm
Kẻ mộng du lên bạo chúa
Người ngồi khóc trên sân chùa

Hai mươi năm, những nụ hoa cho người hái
Những thể xác cho ai đầy
Một thầy cô trong nhà chứa
Gặp trò xưa bỗng khóc òa”
(Hai mươi năm/ Phan Văn Hưng-Nam Dao)

Anh cũng đã khóc cho quê hương khi khúc đầu, khúc trán, khúc tai, hình chữ S bị xẻo ngang ngày đó, bây giờ lần lượt tới Trường Sa, Hoàng Sa:

“PVH: Làm sao mà không nói cho được về chuyện mất Ải Nam Quan sau hàng chục thế kỷ tổ tiên ta đã giữ vững bờ cõi ở phương Bắc? Đau mất đất chỉ là một, nhưng đau và tủi nhục đối với tổ tiên là mười. Đã hát về đất nước VN ngày hôm nay thì đương nhiên ta phải hát về Nam Quan chứ.”

Ải Nam Quan ơi ta đã mất tên em/ Như một phần hồn tự nghìn năm.
Lòng ta đau như ai đem dao/ Xé nát da non cứa trên thịt gan.

Ai đem hình hài/ Giang sơn đọa đày/ Cho thân lìa cành/ Cho cây lìa đất
Cho ta lìa cội/ Như sông bỏ nguồn/ Ta nghe tủi nhục/ Dâng vào lòng”
(Vọng Nam Quan/ Phan Văn Hưng-Nam Dao)

Ba mươi ba năm lưu vong, dòng nhạc Phan Văn Hưng để lại cho kho tàng âm nhạc hải ngoại một dòng nhạc tranh vẽ những thao thức, khắc khoải tâm tư: “Trái tim tôi là bến” phổ thơ Bắc Phong, “Giết một ước mơ” phổ thơ Chế Lan Viên, “Nơi phía bình nguyên” Ý văn Dương Thu Hương, “Kiểm tra” phổ thơ Hà Sĩ Phu, “Khát” ý thơ Thanh Thảo, “Ai trở về xứ Việt” thơ Minh Đức Hoài Trinh. Dòng nhạc truyện kể những mảnh đời bi thảm của “Bài ca cho bé Thảo” phổ thơ Nam Dao, “Em bé và viên sỏi” phổ thơ Trần Trung Đạo, “Em bé lên 6 tuổi” phổ thơ Hoàng Cầm, “Bậu”, “Con bé nhà quê” phổ thơ Thái Sơn, “Tiễn em rời K18”…. và còn nhiều nữa. Anh bắt đầu sáng tác từ năm 1970 cho tới nay, 38 năm anh có tất cả là 121 ca khúc. Bấy nhiêu tâm huyết làm nên dòng nhạc Phan Văn Hưng.

Có người gọi dòng nhạc này là nhạc Tranh Đấu. Nghe kỹ lại những CD anh đã phát hành, từ “Sinh ra là người Việt Nam”, “Khát”, “Có phải em chờ mùa Xuân”, “Hai mươi năm”, cho đến “Nơi phía bình nguyên” ….người ta không thấy một dấu hiệu nào anh gào thét tranh đấu, đòi cái này, cái nọ. Anh không kêu gọi, ủng hộ, hay tuyên dương cho một chủ nghĩa nào. Người bảo nhạc anh là Hưng Ca. Tôi không thấy anh có ý phục quốc, xây dựng một chính thể khác, đòi làm mới hay ẩn dấu trong dòng nhạc một tư tưởng vùng dậy nào cả. Nhưng có lẽ tác động tranh đấu và phục hưng của nó nảy sinh từ trong tâm thức thính giả sau khi nghe các bài nhạc vạch rõ những áp bức, bất công, lầm than, nên người ta đặt tên cho dòng nhạc này như thế chăng? Kẻ góp ý nhạc anh là Dân Ca. Tuy những dòng nhạc anh viết hầu hết cho người dân lầm than nhưng không thể ghép nó vào dòng nhạc dân gian.

Theo giáo sư Trần Quang Hải, Dân Ca nghĩa là:

Định nghĩa danh từ dân ca, theo tôi, là những bài ca không biết ai là tác giả, được truyền miệng từ đời này sang đời khác, dính liền với đời sống hàng ngày của người dân quê, từ bài hát ru con, sang các bài hát trẻ em lúc vui chơi, đến các loại hát lúc làm việc, hát đối đáp lúc lễ hội thường niên.

Dân ca lại mang một màu sắc địa phương đặc biệt, tùy theo phong tục, ngôn ngữ, giọng nói, và âm nhạc tính từng vùng mà khác đi đôi chút. Nhưng nhìn chung, vẫn là bài hát thoát thai từ lòng dân quê với tính chất mộc mạc, giản dị của nó.
(Trích Dân Ca Việt Nam-Giáo sư Trần Quang Hải)

Nét bi ca và phẫn uất rực lên trong dòng nhạc. Riêng tôi, tôi nghĩ chúng ta nên gọi dòng nhạc này là “Bi phẫn ca” thì đúng hơn. Chữ “Bi” ở đây có thể hiểu là buồn vì cái buồn của người khác và khổ vì cái khổ của người khác.

Bàng bạc trong những ca khúc của anh điều nguời ta phát hiện nhiều nhất, rõ nhất là tính nhân bản của con người. Nghệ sĩ thì nhạy cảm. Họ nhìn thấy trước cái thiên hạ thấy, cảm trước cái thiên hạ cảm. Nên anh cảm và thấy cái khổ đau, thống thiết, bất công, tàn nhẫn, ngược đãi, nghèo đói, bạo lực, lầm than, áp bức, tù tội … nhan nhản trên đất nước Việt Nam từ thời điểm 1975 cho đến nay. Sự nhạy cảm cấu mềm sự tích cực, lúc ấy người ta chỉ thấy toàn tiêu cực. Khi nước mắt người nghệ sĩ nhỏ xuống cung bậc sẽ lên ngôi. Dòng nhạc hát cho người dân, hát cho đồng bào tôi ra đời. Hầu hết các ca khúc của anh viết cho quần chúng, đối tượng của anh phần lớn là trẻ thơ, người nghèo, anh bạn tù, những thân phận bị vùi dập, những cay đắng, thống khổ triền miên mà những kẻ yếu không thể nói hay không có cơ hội nói lên được. Anh không bao giờ nghĩ rằng chính mình mang sứ mạng của một người đánh chuông, nhưng dòng nhạc thay anh gióng tiếng chuông tỉnh thức tới mọi nơi, mọi nhà, viết dùm, nói dùm nỗi uất ức của những người không nói được. Những nét chấm phá bi thảm cuộc sống ấy pha màu cho những bức tranh màu xám, đầy gai, bấu rách màng tim người nghe. Dòng nhạc vô tình chuyên chở được nhu cầu được nói của kẻ yếu trong cái hữu tình của người soạn nên ca khúc.

Tất cả sự việc vô tình và hữu tình ấy tình cờ kết duyên tao ngộ làm nên dòng nhạc “Bi Phẫn Ca” của Phan văn Hưng.


No comments:

Post a Comment