Saturday, June 5, 2021

CÂU CHUYỆN AN SINH XÃ HỘI VÀ BẢO HIỂM Y TẾ

Trong một bài tham luận mới đây của cụ Chu Tất Tiến, cụ đã viết đại ý đảng CH mỗi lần nắm quyền đều cắt bớt các trợ cấp, bảo hiểm y tế và cả tiền già của thiên hạ. Kẻ này xin cụ cho biết một ví dụ cụ thể nào, cho biết ông tổng thống CH nào đã cắt, khi nào, bao nhiêu,… nhưng dĩ nhiên cụ tảng lờ, làm thinh.

DĐTC đã vạch ra nhiều lần đây là loại bài ca con cá vàng mà phe cấp tiến đã nhai đi nhai lại để hù dọa thiên hạ từ cả mấy chục năm nay mà không thấy nhàm chán. Mà cái lạ là họ nhai không biết bao nhiêu lần trong nhiều năm qua, trong khi trong thực tế từ hồi ra đời đến giờ, những trợ cấp hay bảo hiểm y tế nêu trên trên chưa hề bị cắt một xu nào dưới bất cứ ông tổng thống CH nào. Hiển nhiên, họ chỉ là những tên học trò chăm chỉ nhưng thiếu sáng kiến của Goebbels, tay tổ tuyên truyền của Hitler, nhai miết có ngày sẽ có người tin là thật.

Dù sao, đây cũng là dịp ta xem lại những chương trình giúp đỡ này.

Trước hết phải nói ngay, trong khuôn khổ giới hạn của Diễn Đàn Trái Chiều, sẽ không đủ chỗ để viết trọn vẹn tất cả mọi chương trình, mà bài này chỉ bàn về hai chuyện, nôm na gọi là tiền già và bảo hiểm y tế, vì lý do giản dị là hai thứ ‘quà’ của Nhà Nước này, hầu như tất cả mọi người đều nhận, trong khi các loại trợ cấp khác có tính hạn hẹp hơn, dành cho từng tình trạng cá nhân, chẳng hạn trợ cấp thất nghiệp chỉ có những người thất nghiệp mới nhận được, hay trợ cấp đông con chỉ có các gia đình đông con mới nhận được.

Ngay cả hai vấn đề phức tạp và quan trọng này, cũng không đủ chỗ để bàn về mọi chuyện liên hệ, mà chỉ có thể viết một cách đại cương về những vấn đề chính. Do đó, kẻ này cũng có kèm theo link chi tiết của Wikipedia để quý độc giả tham khảo.

Kẻ này cũng xin nói ngay vì tính phức tạp của vấn đề, bất chấp mọi cố gắng của tác giả, bài viết dưới đây không thể tránh khỏi thiếu sót hay thậm chí sai lầm nghiêm trọng. Quý độc giả thấy những điểm đó, xin chỉ giáo để tác giả có thể sửa chỉnh hay bổ túc.

TIỀN GIÀ
Trước hết ta bàn về chuyện thiên hạ thường gọi là tiền già.

Cuộc khủng hoảng tài chánh lớn nhất lịch sử Mỹ trong những năm cuối thập niên 1920, đầu thập niên 1930, đã mang ra ánh sáng quá nhiều lỗ hổng của chính sách dân sinh của chính phủ Mỹ. TT Roosevelt, một vị tổng thống được coi như một trong những tổng thống vĩ đại nhất Mỹ, đã phải đối phó với đại khủng hoảng tài chánh này, nên đã thấy rõ những kẽ hở, và tìm cách cải tiến.

Một trong những khám phá của ông là dân Mỹ chẳng có tiền hưu dưỡng gì, đến khi về già không đi làm nữa đều có cuộc sống hết sức chật vật. Chỉ có một số rất nhỏ các đại công ty mới có các chương trình cấp tiền hưu cho nhân viên về hưu.

TT Roosevelt ra luật tạo ra một chế độ hưu dưỡng do Nhà Nước quản trị, có tên là Social Security Act 1935. Tóm tắt lại, mỗi người khi đi làm, bị bắt buộc phải để dành ít tiền cho ngày về hưu, và các công ty thuê họ làm, cũng phải có một đóng góp vào tiền hưu đó. Số tiền đóng góp sẽ được gửi cho Nhà Nước giữ, đến khi về hưu, 65 tuổi, sẽ được lãnh tiền mỗi tháng để sống cho đến khi qua đời. Đó là nguyên tắc tổng quát chứ trên thực tế, suốt gần 100 năm qua, chế độ hưu dưỡng này đã có rất nhiều thay đổi trong chi tiết.

Ngay từ nguyên tắc thành lập quỹ hưu, ta cũng thấy ngay đó phản ảnh quan điểm Nhà Nước Vú Em của đảng DC: Nhà Nước bắt buộc mọi người phải để dành tiền cho ngày hưu, và Nhà Nước giữ giùm số tiền đố, rồi trả lại dần dần luôn. Nói trắng, ra, Nhà Nước không tin mọi cá nhân biết tự lo cho mình, nên lo giùm, từ đầu vào tới đầu ra.

Hiện nay, chương trình hưu dưỡng có một số đặc điểm:

- Chương trình được quản lý bởi cơ quan Social Security Administration -SSA-, nên thường được gọi là tiền SSA. Ở đây, cần phải hiểu rõ chương trình này khác xa chương trình SSI, tức là chương trình Supplemental Security Income, trợ cấp những người già yếu, bệnh tật, không có lợi tức hay lợi tức rất thấp. Một số khá lớn dân HO qua đây, sống bằng tiền SSI.

- Mỗi người đi làm bị khấu trừ trong phiếu lương khoảng 6% và hãng cũng phải đóng thêm 6%. Những con số này có thể thay đổi ít nhiều, tùy chính sách của tổng thống và đảng nắm quyền. Số tiền này cho vào quỹ Social Security, tức là quỹ an sinh xã hội, mà nhiều người bôi bác là quỹ ‘ăn xin’ xã hội, dùng để trả tiền hưu sau khi người đóng tiền đã về hưu ở tuổi chính thức 65. Số tiền thuế này được gọi là ‘payroll tax’.

- Thực tế, payroll tax cao hơn mức 6%, vì còn phải đóng thêm khoảng 1,5% lương cho quỹ bảo hiểm y tế Medicare, là bảo hiểm y tế dành cho người 65 tuổi trở lên.

- Đóng góp này giới hạn mức lương tối đa nào đó, hiện nay là 142.800 đô một năm, nghĩa là mức lương cao hơn sẽ không bị đóng thêm thuế payroll. Tùy tổng số tiền đóng góp, khi đến tuổi hưu, sẽ nhận lại được ‘tiền già’ mỗi tháng, xấp xỉ đâu từ 800 đến hơn 2.000 đô một tháng, lãnh cho tới chết. Những giới hạn này có nghĩa đây chỉ là tiền già tối thiểu Nhà Nước bắt mọi người phải có để giúp đỡ phần nào thôi, không có nghĩa là có thể bảo đảm một cuộc sống thoải mái về già. Muốn về già được khấm khá hơn, tất nhiên mỗi người tự ý tiết kiệm, dành dụm thêm cho chính mình.

- Mọi người đều có quyền về hưu non, lãnh tiền già sớm hơn, từ 62 tuổi, tuy lãnh mỗi tháng ít hơn là nếu chờ đến đúng 65 tuổi. Nếu về hưu non, thì có thể được đi làm lãnh thêm ít tiền, nhưng số lương lãnh thêm này bị giới hạn ở mức tối đa (mức tối đa của năm 2021 là 18.960 đô một năm), nếu làm hơn thì sẽ phải đóng thuế payroll phạt khá nặng, làm 2 đô đóng 1 đô. Nếu muốn tránh thuế ‘phạt’ này thì phải hoàn trả lại tất cả số tiền hưu non đã nhận được trước khi đi làm việc, trả một lần một. Qua 65 tuổi thì không còn giới hạn, lãnh đủ tiền già mà vẫn có quyền đi làm kiếm thêm bao nhiêu lợi tức cũng được.

- Hai vợ chồng cùng lãnh tiền già, nếu một người qua đời, người còn lại sẽ hưởng một phần tiền già của người quá vãng.

- Những người làm nghề độc lập, trên căn bản phải tự nguyện đóng payroll tax, nhưng trên thực tế, rất nhiều người không đóng, với hậu quả dĩ nhiên, khi về hưu sẽ không nhận được bao nhiêu tiền già.

Thuế payroll lúc sau này, đã trở thành một thứ công cụ cho chính sách kinh tế. Khi muốn kích cầu, tức là muốn cho người dân có thêm tiền trong túi để xài, kích động sản xuất kinh tế, thì Nhà Nước cho phép giảm tỷ lệ 6% đóng góp vào payroll, hay miễn luôn, như TT Bush con và TT Obama đã làm. Dân bớt phải đóng ít tiền thuế, mừng rỡ mà quên mất quỹ hưu của mình cũng sẽ bớt đi ít tiền, về già lãnh ít hơn.

Quỹ tiền già này đang gặp nạn lớn. Nếu tiếp tục không có thay đổi gì, thì quỹ sẽ giảm lần trong vài năm tới, và trong hai ba chục năm tới có thể sẽ cạn, hết tiền và thiên hạ sẽ lãnh ngày một ít đi, cho đến khi cạn quỹ, không còn ai lãnh đồng nào nữa.

Có hai yếu tố gây nên khủng hoảng dài hạn này:

- Thứ nhất, tình trạng dân số Mỹ thay đổi, đi đến tình trạng nhờ những tiến bộ y khoa cũng như lối sống, cách ăn uống, tập thể dục,… số người già ngày càng nhiều, càng sống lâu, trong khi giới trẻ ham vui, ngày càng ít chịu đẻ. Nói cách khác, số người lãnh tiền già càng ngày càng nhiều, lãnh tiền càng lâu năm, trong khi những người đóng tiền vào quỹ ngày càng ít đi.

- Thứ nhì, tiền quỹ được quản trị một cách cực kỳ bảo thủ, muốn tránh rủi ro tối đa để bảo đảm không bị mất tiền, tránh việc nhiều người mất tiền dành dụm oan. Tiền trong quỹ được đầu tư vào công khố phiếu quốc gia -US Treasury bonds- với lãi suất hết sức thấp, khoảng 2% cho công khố phiếu dài hạn 30 năm, hay 0,13% cho công khố phiếu ngắn hạn 2 năm (lãi suất hiện hành). Trong khi đó, số tiền hưu mỗi người nhận được lại tự động được điều chỉnh theo chỉ số lạm phát do Nhà Nước ấn định, mỗi năm tăng một ít, khoảng vài chục đồng một tháng. Trong vấn đề này, TT Bush con trước đây đã có ý định cho phép mỗi người trích ra một phần tiền của mình để tự đầu tư vào những chỗ lãi suất cao hơn, với hy vọng khi về già sẽ lãnh được nhiều tiền hơn, nhưng ý kiến không được ủng hộ vì có quá nhiều rủi ro.

Vấn nạn này cho đến nay, vẫn chưa ai có giải pháp. Không phải vì thực sự không có giải pháp, mà chỉ vì mọi giải pháp đều đòi hỏi một sự hy sinh nào đó của dân chúng, chẳng hạn như tăng tuổi lãnh tiền già lên (chẳng hạn 67 hay 70 tuổi mới được lãnh đầy đủ), hay giảm số tiền mỗi người được lãnh, hay tăng số tiền mỗi người phải đóng mỗi tháng,… Trong thể chế chính trị dân chủ của Mỹ, mỵ dân là phương cách hữu hiệu nhất để được cử tri bầu, cho nên không có một chính trị gia nào, tổng thống hay dân biểu hay nghị sĩ nào có cái gan bằng trời, dám đề nghị những giải pháp 'mích lòng' trên. TT Bush con chỉ đề nghị một giải pháp tương đối rất nhẹ, mà cũng bị đánh tơi bời đến độ không dám đưa đề nghị ra trước quốc hội để làm luật nữa.

Dù muốn hay không, cải tổ hệ thống tiền già SSA bắt buộc sẽ phải thực hiện nếu không muốn thấy chương trình này xập tiệm hoàn toàn trong hai ba chục năm nữa.

Một vấn đề khá đặc biệt của payroll tax. Các đại gia Mỹ thích thuê di dân lậu làm người giúp việc trong nhà như tài xế, vú em, đầu bếp,… Lương rất rẻ mà di dân lậu rất siêng năng, phần lớn khá lương thiện, vì sợ phạm luật sẽ bị bắt và trục xuất. Các đại gia, nhất là tại Cali, thuê di dân lậu thường không khai báo và không trả thuế payroll 6% cho Nhà Nước, và di dân lậu dĩ nhiên cũng không khai báo và đóng thuế, do đó về già thì trắng tay, không có tiền hưu gì.

Cái mánh này của các đại gia nổi bật dưới thời TT Clinton khi hai bà bộ trưởng của ông bị bắt quả tang đã thuê di dân lậu không khai báo và không đóng payroll tax, khiến cả hai bà đều phải rút lui trước khi thượng viện phê chuẩn.

Chẳng phải các đại gia không mà nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ, kiểu như các tiệm phở Việt, cũng thích thuê di dân lậu, không khai báo, khỏi cấp bảo hiểm cũng chẳng đóng thuế payroll tax gì hết.

BẢO HIỂM Y TẾ
Đây là chương trình bảo hiểm y tế do Nhà Nước cung cấp và quản trị. Có hai loại: MedicaidMedicare. Dưới đây là tóm lược sơ sài về hai chương trình, một cách tổng quát. Muốn biết chi tiết, quý độc giả phải tham khảo chuyên gia, nhất là về Medicaid, luật lệ có nhiều khác biệt tùy tiểu bang.

Dĩ nhiên đây là hai chương trình đặc biệt cho người nghèo và người cao niên, những người khác có thể có bảo hiểm tập thể của công ty mình làm việc, nếu không có thì phải tự mua qua các công ty bảo hiểm y tế tư nhân, hay qua hệ thống Obamacare.

Cả hai chương trình Medicaid và Medicare đều ra đời năm 1965, dưới thời TT Johnson. Điều mỉa mai lớn là ngày nay, đảng DC luôn luôn hù dọa dân chúng là các tổng thống CH sẽ cắt bớt cả Medicare lẫn Medicaid, trong khi phe DC lại là phe trước đây chống các luật này rất mạnh, và TT Johnson đã phải trông cậy vào hậu thuẫn của đảng CH mới ra được những luật này.

Cả hai chương trình đều là bảo hiểm y tế, có bệnh mới được chữa trị qua hai chương trình này, chứ không có ai sống bằng Medicaid hay Medicare hết.

MEDICAID
Là chương trình bảo hiểm y tế cho những người có lợi tức thấp. Chương trình này có hai phần, một phần do liên bang gánh chịu và phần còn lại do tiểu bang nhận. Ở cấp liên bang, gọi chung là Medicaid, trong khi ở cấp tiểu bang có thể là Medicaid, nhưng cũng có thể có tên khác như MediCal của Cali chẳng hạn.

Tiêu chuẩn được nhận có thể khác biệt khá nhiều, tùy tiểu bang, nhất là sau khi có Obamacare, vì Obamacare muốn mở rộng tiêu chuẩn, nhận nhiều người vào hơn, nhưng có nhiều tiểu bang không chấp nhận làm chuyện này vì tiểu bang không có đủ tiền, nhất là những tiểu bang nghèo miền nam nước Mỹ.

Một khi được nhận, Medicaid đáp ứng hầu hết nhu cầu y tế, kể cả việc trả tiền cho các bệnh tinh thần, răng và mắt, mang bầu và sanh đẻ, nằm bệnh viện lâu dài,…

Chương trình Medicaid thực tế đã giúp rất nhiều người có lợi tức thấp, nhưng bù lại cũng bị lạm dụng, khai thác, gian lận nhiều nhất.

MEDICARE
Một cách tổng quát, đây là bảo hiểm y tế cho tất cả công dân từ 65 tuổi trở lên, bất kể tình trạng giàu nghèo. Không cần xin gì, khi đến tuổi là tự động có, tuy cũng phải làm thủ tục giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên, dân đại gia nhiều tiền thường không cần vì dư tiền tự lo cho mình đi bác sĩ và nhà thương đắt tiền, tốt hơn.

Đây là chương trình của chính phủ liên bang, áp dụng đồng loạt cho tất cả công dân, bất kể tiểu bang nào.

Medicare trên căn bản có 4 phần:
- Part A: căn bản là trả tiền bệnh viện, các trung tâm phục hồi -rehab- lâu dài, tiền chữa trị tại gia, và các y tá chuyên môn.

- Part B: căn bản là trả tiền bác sĩ, dụng cụ trợ giúp như xe lăn, máy móc tại gia, việc phòng bệnh như chích ngừa.

- Part C: chương trình này bao gồm cả hai chương trình trên.

- Part D: giúp trả tiền thuốc. Chương trình này do các công ty bảo hiểm tư phụ trách dưới sự chỉ đạo của luật y tế của Nhà Nước.

Medicare một phần do mỗi người tự trả bằng cách đóng phụ thu thuế payroll mỗi lần lãnh lương, khoảng 1,5% số tiền lương.

Một chuyện ít người biết vì được giấu nhẹm khá kỹ, Medicare thật ra là sáng kiến của tổng thống CH, Eisenhower. Ông bắt đầu thử nghiệm bằng cách sáng chế ra loại bảo hiểm do Nhà Nước quản lý này để áp dụng với gia đình các quân nhân Mỹ. Vì thành công lớn, nên sau đó, TT Johnson bành trướng cho tất cả dân cao niên. Thế mới nói những người nói các chương trình ‘dân sinh là của đảng DC’ chỉ là những người không biết gì mà thích nói bừa.

Nhân đây, DĐTC xin phép bàn thêm về các chương trình trên.

Tuần rồi, Vũ Linh có viết bài tham luận về cụ Chu Tất Tiến, trong đó có nêu lên 13 điểm cụ CTT xuyên tạc hay viết nhảm.

Tuần qua, qua hệ thống email của cộng đồng tị nạn, đã có một người ‘phản bác’ giùm cụ CTT, ký tên là Lê Minh Tú, mà tôi chẳng biết là ai, biết đâu chừng là tên bí mật của cụ CTT không chừng? Ai cũng biết cụ CTT là vua dùng đủ thứ tên trên các emails gởi tứ tung. Email này giúp cụ CTT phản bác điều số 1 trong bài tham luận của VL. 13 điều mà chỉ phản bác một, nghĩa là 12 điều còn lại đều đúng hết, không thể phản bác được sao? Cũng đủ vui rồi!

Dù sao, kẻ này cũng cám ơn phản bác này vì giúp có dịp làm rõ vấn đề hơn.

Đây là nguyên văn tiết mục này (chữ nghiêng là nguyên văn của cụ CTT, chữ thẳng là lời bàn của VL).

1. Đảng [CH] không muốn người nghèo cứ dựa dẫm mãi vào sự yểm trợ của chính phủ, do đó, trong thời kỳ mà đảng cầm quyền, các chính sách về Medical, tiền hưu dưỡng cho người già đều bị cắt bớt.

MediCal là chương trình bảo hiểm y tế cho những người có lợi tức thấp của tiểu bang Cali, nằm trong chương trình chung của liên bang gọi là Medicaid. Tên MediCal là tên riêng của tiểu bang Cali, các tiểu bang khác có thể có những tên khác. Kẻ này chưa bao giờ nhận được Medicaid hay MediCal, cũng mới nhận được tiền già được ít năm nên không rõ tiến trình lịch sử của hai thứ này. Xin cụ CTT vui lòng liệt kê giùm cho thiên hạ biết các tổng thống CH nào đã ‘cắt bớt’ tiền Medical và hưu dưỡng được không? Medicaid ra đời 1965, từ đó tới nay đã có 6 tổng thống CH: Nixon, Ford, Reagan, Bush cha, Bush con, và Trump, xin cụ CTT vui lòng cho biết ông nào hay tất cả 6 ông đều đã cắt bao nhiêu, qua luật nào, ngày nào. Nếu cụ không nêu ra được thì xin phép hỏi có phải cụ đang tung fake news không?

Cái anh chàng LMTú này phản bác bằng cách đưa ra một cái link của một bản tin nào đó, cho thấy trong ngân sách của năm 2020, TT Trump đã đề nghị cắt cả mấy trăm tỷ tiền Medicare và Medicaid, có luôn cả đề nghị cắt giảm ngân sách của quỹ tiền già, trong mục đích chứng minh VL đã viết sai, TT Trump đã cắt Medicare, Medicaid, và SSA/SSI.

Hiển nhiên, cái phản bác này không những chẳng phản bác được gì mà còn phơi bày sự thiếu hiểu biết căn bản của tác giả phản bác.

Không sai là trong đề nghị ngân sách 2020, TT Trump có đề nghị cắt ngân sách các chương trình trên. Tuy nhiên có nhiều chuyện tác giả LMT không biết hay cố tình không nêu ra, mà kẻ này phải bàn thêm để mọi người hiểu rõ hơn.

- Thứ nhất, đây chỉ là đề nghị, chưa được thảo luận gì với quốc hội thì ông Trump đã không còn làm tổng thống nữa, đề nghị này bị vào thùng rác. Moi một đề nghị nằm trong thùng rác ra để tranh cãi thấy có vẻ… thật gượng ép, có lẽ vì quá bí.

- Thứ nhì, tác giả hiển nhiên không hiểu gì nhiều về khác biệt giữa ngân sách nói chung và những quyền lợi thực tế người dân được hưởng. Cái anh ta trình làng là đề nghị về ngân sách, tuyệt đối không đụng chạm gì đến quyền lợi của mỗi người dân trong các chương trình đó.

Trong cả 3 ngân sách cho Medicare, Medicaid, và tiền an sinh xã hội, đều có hai phần tiền: một là tiền thật sự dùng để giúp thiên hạ, mà thiên hạ được hưởng, gọi là ‘benefits’, chẳng hạn tiền hoàn trả bệnh viện, thuốc men, số tiền già lãnh mỗi tháng; và hai là chi tiêu chung có tính cách hành chánh, như tiền lương cho công chức lo những chuyện này, tiền giấy tờ, thủ tục này nọ,… Ngoài ra còn có một số tiền rất lớn mà lại vô hình, không ai có con số chính xác, đó là tiền do gian lận, khai gian, biển thủ, lạm dụng, phí phạm trong các thủ tục hành chánh,…

Điều TT Trump đề nghị cắt bỏ bớt là ‘ngân sách’ chứ không phải ‘benefits’, nghĩa là cắt bớt tiền thuộc nhóm tiền cuối cùng trên. Nói trắng ra, TT Trump muốn thanh lọc để giảm lạm dụng, bớt gian lận,… Số tiền lớn nhất là tiền hoàn trả cho các bệnh viện và bác sĩ, mà TT Trump muốn cắt giảm bớt qua một số thủ tục chi trả mới, vì hầu hết các bệnh viện và bác sĩ đều tính tiền chính phủ quá cao -overcharged-. Nói cho rõ, Ủy Ban Kiểm Tra Ngân Sách viết TT Trump đề nghị giảm ‘chi phí’ chứ không cắt quyền lợi (nguyên văn “Committee for a Responsible Federal Budget said the Medicare proposals “represent reductions in costs not cuts to benefits.”)

Tình trạng overcharged đã có thật và kéo dài từ đời này qua đời nọ cả mấy chục năm nay, nhưng vì tiền Medicare và Medicaid là loại tiền ‘cha chung chết, không ai khóc’ nên chẳng ai để ý, hay có để ý nhưng cũng không đi đến đâu, chẳng làm được gì. Các bác sĩ và bệnh viện rất giàu đã đấm mõm các dân biểu, nghị sĩ quá kỹ khiến đám này không dám hó hé làm luật cắt quyền lợi của bệnh viện và bác sĩ.

Nếu nói về cắt giảm ngân sách thì phải nói ngay ông Obama trong 8 năm làm tổng thống, cũng như hai ông tiền nhiệm TT Clinton và TT Bush con, cũng đã liên tục đề nghị cắt giảm ngân sách Medicare và Medicaid, chứ không phải chỉ có TT Trump. Và trong đề nghị cắt giảm của TT Trump, cũng đã có khá nhiều đề nghị do chính TT Obama đã đưa ra trước đây.

Tất cả các tổng thống đều muốn cắt bớt những phí phạm, những gian lận, trong ngân sách, nhưng tuyệt đối không có một ông nào muốn đụng đến cái phần ‘benefits’ của mỗi người. Và thực tế là chưa một người nào từ ngày 2 bảo hiểm này và SSA/SSI ra đời, đã bị cắt một xu benefits nào.

Một phần trong đề nghị cắt giảm của TT Trump cũng thật sự không phải là cắt giảm, mà chỉ là chuyển tiền qua một trương mục khác của ngân sách thôi.

Một điều quan trọng cuối cùng không thể không nói tới: quỹ Medicare Part A được dự tính là sẽ kẹt tiền kể từ năm 2026, trên căn bản vì đóng góp thuế với 1,5% lương như đã bàn ở trên, quá ít. Trong tương lai rất gần, sẽ cần phải cải tổ, kiểu như tăng thuế hay giảm benefits. Để xem tổng thống nào có gan làm chuyện này.

Tóm lại, nói TT Trump cắt giảm Medicare, Medicaid và tiền già là xuyên tạc, nói láo, hay nói bừa mà chẳng hiểu gì rõ ràng.

Vũ Linh

ĐỌC THÊM:

Kiểm chứng sự thật trong vụ Trump cắt tiền – Factcheck:

Obama cắt ngân sách bảo hiểm y tế – KHN.org:

No comments:

Post a Comment