Monday, June 21, 2021

Câu chuyện Minamata

Tôi muốn kể câu chuyện về Minamata (Nhật Bản), không chỉ là những con cá, tôm cua nghêu sò ốc hến nhiễm thủy ngân độc hại cỡ nào, mà còn muốn nói về hành trình đi tìm chân lý khoa học đã bị trắc trở ra sao bởi kim tiền thế lực, cùng với những đau thương và tủi nhục mà nạn nhân phải chịu đựng. Nhưng chân lý khoa học không thể bị bôi bác và che đậy một cách bỉ ổi như thế. Câu chuyện bắt đầu thế này…

Từ em bé đến vũ điệu của mèo
Chân lý khoa học không phải lúc nào cũng suông sẻ. Đôi khi nó cũng chịu chung số phận bầm dập như nạn nhân ô nhiễm.

Một ngày tháng tư năm 1956, một bé gái 5 tuổi được đưa tới bệnh xá của nhà máy Chisso ở Minamata, thành phố nằm trên hòn đảo cực nam của Nhật Bản. Bé đi đứng run rẩy, ăn nói khó khăn, và bị co giật liên tục. Hai ngày sau, em gái của bé cũng nhập viện với triệu chứng tương tự. Mẹ của hai bé cho biết, nhiều trẻ em láng giềng cũng bị như thế. Bác sĩ cho rằng các biểu hiện liên quan đến hệ thần kinh trung ương, và có thể đó là nạn dịch truyền nhiễm. Các bệnh nhân lập tức bị cô lập, buồn tủi và mặc cảm do sự phân biệt đối xử và xa lánh của cộng đồng địa phương.

Chưa hết, những con mèo bỗng lên cơn, múa may quay cuồng rồi chết. Trên trời quạ rơi xuống đất, mặt biển cá chết nổi lềnh bềnh, dưới biển rong tảo không thể sống…

Sự việc không còn đơn giản nữa. Trường đại học Kumamoto được mời nhập cuộc. Kumamoto là tỉnh mà thành phố Minamata trực thuộc. Nhóm nghiên cứu nhận thấy, ngoài các triệu chứng kể trên, nhiều người còn bị tê tay, tê chân, không tự cài được nút áo, mắt mờ, tai lãng, khó nuốt, co giật, hôn mê sâu và sau cùng tử vong. Vài tháng sau đó, 40 bệnh nhân được ghi nhận, 14 người trong số đó đã chết.

Kim loại nặng bị tình nghi
Nhóm nghiên cứu nhận thấy bệnh nhân đều là những người dân sống ở làng chài ven vịnh Minamata, và đều ăn cá, tôm cua sò ốc hến ở đó. Họ cho rằng, có thể là do ngộ độc thực phẩm, và có lẽ là do kim loại nặng.

Nhưng kim loại nặng thì nhiều loại lắm: đồng, chì, thủy ngân, manganese, arsenic, selenium, thallium,…. Trong đó mangan bị “chiếu tướng” kỹ nhất vì dư lượng khá cao được tìm thấy trong cá. Tuy nhiên, triệu chứng do ngộ độc các kim loại nặng nêu trên (trừ thủy ngân), không giống với những gì quan sát được nơi những bệnh nhân ở Minamata.

Sự việc cứ lình xình như thế, hết giả thuyết này đến giả thuyết nọ, chẳng đi đến đâu. Gần 2 năm sau, tháng ba năm 1958, một nhà thần kinh học người Anh, Douglas McAlpine sau chuyến viếng thăm Minamata, mới nêu ý kiến, các triệu chứng của Minamata rất giống với ngộ độc thủy ngân hữu cơ, và cho lời khuyên, nên hướng nghiên cứu nên tập trung vào thủ phạm này.

Mẫu tóc của bệnh nhân và cư dân vùng Minamata được đem đi xét nghiệm. Mức thủy ngân ở bệnh nhân là 705 ppm max, và cư dân (chưa phát bệnh) là 191 ppm. Trong khi mức trung bình của cư dân ngoài vùng Minamata chỉ có 4 ppm. Một sự chênh lệch khủng khiếp!

Nghêu sò ốc ốc hến tôm cua cá biển ở vùng vịnh Minamata cũng được đem xét nghiệm. Bùn cặn nơi đây có mức thủy ngân rất cao, nhưng cao nhất là ở vùng xả thải của nhà máy Chisso, và giảm dần khi đổ ra biển. Ở gần miệng cống thải, không thể tưởng tượng nổi, mức thủy ngân tìm thấy trong bùn cặn lên tới 2 kg/tấn. Đây phải xem là “mỏ thủy ngân” rồi chứ đâu còn là chất thải. Chuyện thật như đùa, sau này công ty Chisso cho tái chế đống bùn này để lấy thủy ngân đem bán.

Lãnh chúa Chisso là ai?
Chisso là một trong những công ty hóa chất hàng đầu của Nhật Bản, thành lập năm 1908, và có nhà máy đặt tại Minamata. Ban đầu Chisso chỉ sản xuất phân bón, sau mới sản xuất thêm nhiều loại hóa chất khác, trong đó có chất acetaldehyde, liên quan tới thủy ngân.

Năm 1932 Chisso mới bắt đầu sản xuất acetaldehyde ở mức 210 tấn/năm, và tăng dần lên tới 45.245 tấn vào năm 1960. Công nghệ sản xuất acetaldehyde đòi hỏi phải dùng nhiều loại chất xúc tác, trong đó có sulfate thủy ngân và oxýt mangan. Năm 1951 Chisso đã thay oxýt mangan bằng sulfur sắt (III) để có giá thành rẻ hơn. Tuy nhiên phản ứng phụ trong chuỗi xúc tác này tạo ra methyl thủy ngân, một dạng thuỷ ngân hữu cơ độc hại nhất, độc hơn sulfate thủy ngân nhiều.

Như vậy, Chisso đã bắt xả đầu thải thủy ngân ra vịnh Minamata từ năm 1932. Cùng với sản lượng tăng dần, và tai hại nhất là năm 1951 xả thêm methyl thủy ngân, và cho mãi đến năm 1968 mới ngưng công nghệ “đổi chất xúc tác” này. Thảm họa Minamata bùng nổ từ năm 1956.

Vào thập niên 50, hiểu biết của khoa học về ngộ độc của thủy ngân, và những hợp chất của nó còn hạn chế nhiều, chỉ luẩn quẩn trong phòng thí nghiệm, hoặc ở quy mô nhỏ, chứ còn ô nhiễm do xả thải công nghiệp ở diện rộng, rồi ngộ độc qua tôm cá, và chỉ đích danh được methyl thủy ngân là thủ phạm là điều không dễ dàng. Và cũng vì không dễ dàng, nên khoa học mới bị nhập nhằng đổi trắng thay đen.



Và cũng nên biết rằng, những năm 50, 60, dân Nhật đang nỗ lực rất nhiều để xây dựng lại công nghiệp và phát triển kinh tế gần như từ zero sau khi thất trận ở thế chiến II. Thế nên thành công của Chisso là niềm tự hào của cả dân tộc Nhật lúc đó. Những nạn nhân đòi hỏi bồi thường, và những người liên quan đều bị dư luận Nhật xem là những kẻ phá rối.

Những con tim chân chính vì chân lý
Khi nhóm nghiên cứu của đại học Kumamoto đến làm việc, Chisso đã bỏ mặc họ muốn làm gì thì làm, muốn đoán sao thì đoán, chứ không cho biết công nghệ ra sao, đã sử dụng những chất gì, hay chất nào đáng ngờ nhất. Lý do đây là bí mật công nghệ, mà niềm tự hào dân tộc đã nâng cấp thành “bí mật quốc gia”. Tất cả công nhân viên Chisso đều nhiệt tình che đậy sự thật.

Bác sĩ Hosokawa, giám đốc bệnh xá nhà máy đã làm thí nghiệm bằng cách cho những con mèo lành mạnh ăn thức ăn có trộn nước thải từ Chisso. Hơn 70 ngày sau, những con mèo này biểu hiện triệu chứng múa may cuồng loạn và chết. Chisso ra lệnh ngưng thí nghiệm, và không được phép tiết lộ ra ngoài. Thực nghiệm của Hosokawa tuy không chỉ được đích danh thủ phạm là methyl thủy ngân, nhưng cũng chỉ ra được mối quan hệ giữa chất xả thải của Chisso và thảm họa đang xảy ra.

Sau này bác sĩ Hosokawa, trước khi chết vì ung thư đã ra làm chứng trước tòa, và là nhân chứng sáng giá nhất trong vụ kiện đòi đền bù.

Khi biết nhóm nghiên cứu của đại học Kumamoto sẽ tập trung khảo sát và lấy mẫu ở khu vực cảng Hyakkken, nơi Chisso xả thải.

Chisso ngưng xả theo hướng đó, mà cho xả trực tiếp xuống sông Minamata luôn. Hậu quả là ô nhiễm lan rộng hơn đến các khu vực lân cận. Cá chết, người bệnh tràn lan thêm. Chơi ngông đến thế là cùng!

Tìm cách đánh lạc hướng khảo sát của đại học Kumamoto đang nhắm vào methyl thủy ngân, Chisso đã “móc ngoéo” với Bộ Ngoại thương và Kỹ Nghệ, và Hiệp hội Kỹ nghệ hóa chất Nhật Bản để tài trợ cho những nghiên cứu khác, nhằm chứng tỏ căn bệnh thần kinh đó là do nguyên nhân khác chứ không phải do nước thải của Chisso, và rằng nhà máy Chisso “cương quyết” tiếp tục hoạt động.

Chưa hết, Chisso còn vận động để chính phủ cắt luôn tài trợ nghiên cứu về bệnh Minamata của đại học Kumamoto, nhưng nhóm khoa học gia “ngoan cố” của Kumamoto vẫn âm thầm đi tiếp công việc của mình. Năm 1962, giáo sư Irigayama đã tách được methyl thủy ngân từ trong hệ xúc tác thải ra của Chisso khi sản xuất acetaldehyde. Chân lý đã sáng tỏ, nhưng là thứ chân lý hẩm hiu, vùi dập. Cộng đồng khoa học Nhật hồi đó đã nhắm mắt làm ngơ với chân lý methyl thủy ngân.

Chỉ đến tháng 6 năm 1965, một thảm họa tương tự như Mianmata xảy ra ở thành phố Niigata (cách xa Minamata). Hai nhà máy sản xuất acetaldehyde ở đây đã xả thải ra thượng nguồn sông Agano. Hậu quả là cư dân và động vật ở hạ nguồn Agano mắc bệnh và có những triệu chứng tương tự như ở Minamata. Chân lý ngộ độc methyl thủy ngân không thể bị vùi dập được nữa.

Vì sao bà bầu nên hạn chế ăn cá biển?

Hậu quả không dừng lại ở những nạn nhân ăn tôm cá nhiễm thủy ngân. Năm 1961 người ta nhận thấy một số trẻ em ở Minamata bị bệnh bại não (cerebral palsy), và có hội chứng gần gần giống với bệnh Minamata, nhưng mẹ của chúng lại không bị mắc bệnh này. Hơn nữa chúng lại ra đời sau sự cố Minamata xảy ra (1956), và cũng đâu có ăn tôm cá đánh bắt ở vùng này.

Thời đó khoa học tin rằng, nhau thai có thể ngăn chặn độc tố ngấm vào thai nhi. Điều này đúng với rất nhiều độc chất. Nhưng sau khi giải phẫu tử thi hai em bé bị chết về bệnh này, mọi chuyện đều sáng tỏ: nhau thai đã rút methyl thủy ngân ra khỏi máu mẹ để đưa vào thai nhi. Đó là lý do vì sao, khoa học khuyên các bà bầu nên hạn chế ăn cá biển.

Có thể bị bôi nhọ, nhưng không thể bị dập tắt

Ô nhiễm thuỷ ngân nhiều do con người gây ra đến từ các nhà máy nhiệt điện (đốt than) chiếm nhiều nhất (65%), khai thác vàng (11%), luyện sắt thép, xi măng, pin, đèn huỳnh quang,… thải thủy ngân ra không khí, ao hồ, sông biển…Thủy ngân dù ở dạng nguyên tố (Hg), hay dạng muối vô cơ, khi đi vào nguồn nước đa số đều bị các vi sinh vật chuyển hoá thành methyl thủy ngân, tích tụ trong rong tảo. Đây là dạng độc hại nhất của thuỷ ngân trong thực phẩm.

Thế rồi, nghêu sò ốc hến, cua bé, cá bé ăn rong rêu, cá lớn nuốt cá bé, chim chóc ăn cá, cá làm thức ăn gia súc. Đến lượt người ăn cá, ăn thịt,…. Tất cả đều mang theo và tích lũy methyl thủy ngân, chỉ có nhiều hay ít, và nhiễm ở mức nào thì gây hại cho sức khỏe. Cá càng lớn càng tích lũy nhiều thủy ngân.

Mới đây báo chí đưa tin, vài lô hàng cá xuất khẩu của Việt Nam bị trả về vì dư lượng mức thủy ngân cao hơn mức cho phép. Tuy nhiên, đó là cá biển đánh bắt xa bờ, việc tích lũy thủy ngân cao là điều có thể, chứ xưa nay cá biển ven bờ, và nhất là cá nước ngọt ở Việt Nam có mức thủy ngân rất thấp, không đáng ngại.

Tuy nhiên, thủy ngân chỉ là một trong những kim loại nặng, còn cadmium, arsenic, crom,… thì sao? Vẫn còn là dấu hỏi buồn từ sau vụ Vũng Áng. Có nhà khoa học trong nước đề xuất, cứ để nước biển tự làm sạch. Nhà chỉ còn lon gạo, vợ con chết đói tới nơi, không ra ngoài lượm ve chai, chạy phu hồ,…Chẳng lẽ nằm nhà rung đùi “chờ Trời cứu”?

Đã 60 năm kể từ khi những nạn nhân đầu tiên về ngộ độc thủy ngân được phát hiện ở Minamata do xả thải công nghiệp. Nhìn lại để thấy, chân lý khoa học không phải lúc nào cũng suông sẻ. Đôi khi nó cũng chịu chung số phận bầm dập như nạn nhân ô nhiễm.

Chân lý khoa học có thể bị bôi nhọ, nhưng không thể bị dập tắt.

Vũ Thế Thành

No comments:

Post a Comment