Sunday, May 2, 2021

Hệ Quả của 30 Tháng Tư

30/04/2021
Nguyễn Trần Diệu Hương

Sáng ngày 30 tháng 4, bà Nội ôm Huyên, nước mắt bà rơi trên tóc Huyên, bà thì thầm "Khổ rồi các con, các cháu ơi!".

Huyên hồn nhiên hỏi "Tại sao khổ vậy bà ?"

Bà im lặng, trả lời bằng những giọt nước mắt tiếp nối nhau rơi xuống tóc, xuống tay Huyên. Đó có lẽ là ngày khác thường, và dài nhất trong đời của Huyên, của rất nhiều người miền Nam .

Vài năm sau, càng lớn, Huyên càng nhận ra lời bà vào sáng tháng 4 năm 1975 đúng vô cùng. Bà nói bằng kinh nghiệm của một người quê Nam Định, di cư vào Nam năm 1954, bỏ lại cả một tài sản ông bà chắt chiu gầy dựng. Khi người ta nhận xét bằng kinh nghiệm, nhất là bằng kinh nghiệm sống của một người đã đi dạy từ năm 18 tuổi, đã "bỏ của chạy lấy người" thì vô cùng chính xác .

Tối ngày tháng 30 tháng 4, mâm cơm trên bàn còn nguyên, không ai còn lòng dạ để ăn uống. Mấy anh chị em của Huyên còn thơ dại, không hiểu nhiều, nhưng có linh cảm đời sống sẽ hoàn toàn thay đổi theo chiều hướng xấu đi,không còn nụ cười, mà chỉ còn nước mắt. Nhiều, nhiều năm sau này, Huyên nhận ra linh tính của con nít trước những biến cố lớn cũng đúng như kinh nghiệm của người từng trải.

Với con nít như Huyên, linh cảm cho thấy, mọi người đều phải chịu đựng rất nhiều, nên không dám đòi hỏi điều gì. Và như thế tuổi thơ của anh chị em Huyên, của cả một thế hệ sinh vào thập niên 60, và thập niên 70 bị biến cố 30 tháng 4 năm 1975 cướp mất.

Giờ ra chơi cuối thập niên 70, trước những "con mắt mang hình viên đạn" của nhóm học sinh "bạn từ ngoài Bắc vô đây.." luôn để ý đến những thành phần có nguồn gốc từ những “gia đình có nợ máu với nhân dân", Châu phải kéo tụi bạn thân đến gốc cây bàng già ở sân sau của trường, thầm thì về chuyện cô Diệp, vốn dạy Cổ Văn trước 30 tháng 4 năm 1975, phải bán từng cái áo trong nhà để lấy tiền nuôi con trong khi chồng cô, một cựu Sĩ quan QLVNCH đang bị tù đày trong các trại "học tập cải tạo".

Cả bọn tìm cách giúp Cô, đi mời gọi mọi người mua giúp Cô. Cô Diệp thường "hết hàng" sớm, không hề biết đằng sau lưng mình có cả một đội ngũ "marketing" hùng hậu là học trò cũ thầm lặng giúp Cô .

Lâu lâu, có đứa nào có quà bánh đặc biệt, đều chạy bay đến nhà Cô Diệp, cho hai con nhỏ của Cô. Đứa lớn 7 tuổi, coi nhà, nấu cơm, và trông chừng em trong khi Cô giáo Việt văn ("mất dạy" vì có chồng đi "học tập cải tạo") trở thành một bà Tú Xương của thời đại, tần tảo kiếm sống giữa chợ đời.

Tưởng mình đã khôn ra nhiều vì một ngày cuối tháng 4 u ám của đất nước, nhưng hai đứa bé con cô Diệp còn khôn hơn. Hãy nghe em lớn đối đáp với chúng tôi :

- Em cảm ơn các anh chị đã cho tụi em bánh. Em sẽ để dành cho bé Út, nó nhỏ hơn cần ăn hơn em, vì nó không được uống sữa.

- Em có nhớ Ba không?

- Nhớ chứ, nhưng Ba đi tù không biết bao giờ mới về!

- Em giỏi lắm biết giúp đỡ Mẹ khi người lớn vắng nhà.

- Em chỉ ao ước mình mau lớn để có thể giúp Mẹ nhiều hơn.

- Em có mơ ước gì không?

- Em chỉ mong Ba sớm được về để Mẹ đỡ cực khổ....

Thời đó, những người cầm quyền ở địa phương "có nét chữ như gà bới" nhưng biết "phê duyệt" vào lý lịch của các thí sinh thi vào Đại học có cha đang sống đời "tù không tội ở các trại tù đầy sơn lam chướng khí:

"Có cha đang học tập cải tạo, thuộc thành phần thứ 14 của xã hội"
(Tưởng cũng nên biết xã hội VN thời đó chỉ có 15 thành phần)

Đâu đó trên những nẻo đường của miền Nam, có những thanh niên mắt sáng môi tươi, bỏ dở học trình, thay cha, giúp Mẹ nuôi em. Thời đó, người ta sẽ thấy những anh lơ xe mặt mũi sáng láng, ăn nói hòa nhã lễ độ; những anh thanh niên xung phong đội "mũ tai bèo che khuất tương lai,chong đèn dầu mỗi đêm đọc sách.

Như thế đó, nên đã 46 năm trôi qua, mỗi năm vào mỗi độ tháng 4, chúng tôi không thể có được nụ cười khi nghĩ về chuyện chung của đất nước, và chuyện riêng của gia đình. Chúng tôi đã tha thứ cho những người đã gây ra tai họa cho đất nước, cho gia đình từ lâu. Nhưng quên thì thú thật, những tổn thương chúng tôi đã chịu đựng sau 30 tháng 4, và các thế hệ kế tiếp vẫn đang chịu đựng, vẫn là một vết hằn không bao giờ nhòa trong tâm hồn.

Trong nỗi buồn sâu lắng mỗi cuối tháng 4. Chúng tôi vẫn tin sẽ có một ngày quê hương sẽ có tự do, dân chủ, để không một em bé Việt Nam bị cướp mất thời mới lớn như chúng tôi, và để chất xám Việt Nam ngưng chảy ra quê người.

Nguyễn Trần Diệu Hương
APR 30 2021

No comments:

Post a Comment