Saturday, April 10, 2021

Tôi Với Hội An…

Phan


Tôi biết Hội An qua những bài học về địa lý và lịch sử từ khi còn học trường trung học. Nhưng Hội An không ở lại trong lòng chú bé con sinh ra và lớn lên ở Sài gòn. Tôi cũng không hiểu sao những tình cảm đầu đời với quê hương của một đứa con nhà người bắc di cư lại thuộc về sông nước miền nam. Hình ảnh miền tây mùa nước nổi in đậm trong tôi cảm xúc dạt dào từ nhỏ tới bây giờ đã xa quê mấy mươi năm mà lòng vẫn muốn về thăm lại một lần. Vậy so với Hội An mà tôi cũng đã từng đến sao chỉ ẩn hiện trong tôi bất ngờ vào một lúc nào đó trong đời lưu lạc như bất chợt nghe ai nói giọng Huế ở chân trời góc biển xa quê, tôi chỉ lưỡng lự trong đầu, không biết người Huế với người Hội An phát âm có giống nhau không, vì ai nói mình cũng không nghe rõ được nên không phân biệt được. 

Nhưng nhớ lần đó tôi lái xe vận tải ra Đà nẵng, giao hàng xong nhưng hàng về phải đợi một hai hôm mới có. Thời ấy không thể về lại Sài gòn xe không vì sẽ lỗ sở hụi bởi xăng nhớt thời bưng bít, đổ một hai lít cho cái xe gắn máy thì không sao nhưng đổ dầu tính trăm lít thì có người vặn hỏi, vượt biên hay đi đâu mà đổ lắm dầu chạy máy? Câu trả lời trớt quớc nhất lại thoả mãn nhất cho câu hỏi đỉnh cao trí tuệ là nhét vào họng nó nùi tiền như nùi giấy vệ sinh sau khi…  lại còn tiền chung chi cảnh sát giao thông, cảnh sát kinh tế, lại còn thêm bọn quản lý thị trường đông như kiến cỏ. Tôi tính về Nha trang kiếm hàng về nhưng cầu may thời bao cấp thì cứ cầu nhưng hiếm khi được may trong thời bưng bít, nên nhận lời người bạn tài xế khác cùng nhau về Hội an chơi cho anh thăm người cô ruột của anh.

Lần đầu tôi đến Hội An cũng không có gì lưu lại trong tâm tư cho đến bây giờ… mới hoá ra là có. Tôi cũng không hiểu là mình đến vào lúc đói nghèo cả nước nên thấy Hội An nghèo xác xơ và và buồn rũ rượi, hay cố hữu của Hội An là thế? Nên đêm Hội An rè rè băng nhão, loa cũ điệu nhạc bolero trong quán cà phê cũng không khác gì đêm buồn tỉnh lẻ dưới miền tây; làm tôi nhớ những năm sau hoà bình miễn cưỡng ở quê nhà, tôi theo ghe thương hồ phiêu bạt về miền tây buôn bán sống qua ngày thì dân tình cũng đói nghèo, không có gì xơ xác xác xơ đến mủi lòng như cánh buồm của những chiếc ghe thương hồ thời ấy thường được may bằng bao cát của lính ngày xưa cho bền chắc với gió mưa, nhưng gió mưa bền bỉ hơn nên cánh buồn nào cũng tả tơi như những người lính cũ trở về từ những nhà tù cải tạo. Họ sống như những oan hồn ở bến xe, bến phà, chợ nổi dưới ánh trăng vằng vặc trên sông nước mênh mông, bóng những con thuyền củi mục, những cánh buồm rách nát cỡi sóng lăn tăn rồi tan vào hư vô như những người lính cũ…

***

Rồi Hội An sống lại trong tôi mỗi ngày khi làm báo toàn thời gian ở hải ngoại. Trong ban chủ biên tờ báo có người bạn sinh ra và lớn lên ở Hội An, là người bạn khả tín nhưng hơi khó gần với những thâm trầm khó đoán của anh. Tôi quý mến anh từ cảm nhận anh là người đối phó với sinh tồn vất vả hơn tôi ở miền nam nên anh kỹ tính toán và cả kỹ tính tình. Ơn trên cho quan hệ vẫn tốt đẹp tới bây giờ dù không còn làm báo chung với nhau nữa thì tôi vẫn còn món quà tặng vĩnh viễn của anh cho tôi là lòng tin tưởng về người Hội An trong làm ăn vì họ rất chịu thương chịu khó, có tài và coi trọng chữ tín. Nói chung anh là người bạn không vồn vã lúc đầu gặp nhau, nhưng mưa lâu thấm đất, qua lại với anh theo thời gian làm tôi hiểu hơn về tính cách con người ảnh hưởng phong phổ, địa dư như thế nào? Tính tình anh cũng trầm mặc như trời đất Hội An, lòng dạ anh cũng mặn mà như mấy món muối trong bữa cơm Hội An ngày giông tháng bão đã đi vào ký ức riêng tôi.

Và người Hội An tiếp theo tôi gặp ở Mỹ càng làm tôi tin tưởng hơn những suy nghĩ của mình về người Hội An. Khi báo giấy tiêu đời với báo mạng ở Mỹ, tôi trở lại hãng xưởng để tìm thu nhập ổn định hơn cho gia đình thì quen biết anh bạn Hội An. Trong việc làm, tôi tin tưởng anh nhất vì nhờ anh việc gì anh cũng hoàn thành tốt đẹp. Tôi càng qúy mến anh ở tính tình không nói qua trung gian mà nói thẳng với người cần nói, vì thế tôi với anh có phần chơi thân với nhau hơn. Những bữa ăn trưa ở hãng đúng là ăn cho qua bữa theo cách nói miền nam, nhưng nhìn phẩn ăn trưa của anh tôi cũng đoán ra được sự tươm tất, không cầu kỳ nhưng đâu ra đó. Có lần tôi hỏi anh, “ai là người giỡ cơm trưa cho ông đi làm?” Anh trả lời, “Ông đừng có đụng tới nỗi đau lòng của tôi. Hồi xưa thì mẹ tôi giỡ cơm cho con trai đi làm, qua Mỹ thì vợ tôi giỡ cơm cho chồng đi làm. Cả hai người họ như nhau là cứ giỡ cơm cho tôi quá nhiều. Mình cố ăn hết vì xuất thân đói nghèo nên không thể đổ bỏ cơm vô thùng rác, nhưng cố ăn hết thì làm sao làm việc nổi buổi chiều vì quá no. Ngày xưa làm mẹ không vui thì bây giờ làm vợ giận, vợ chồng bất hoà mỗi ngày chỉ vì chuyện giỡ cơm đi làm.”

“Tôi có kế hay giúp vợ chồng ông vui vẻ. Từ nay tôi đi làm chỉ đem theo cái tô không, mỗi ngày ông cứ sớt cho tôi một nửa phần ăn trưa của ông. Thế là tôi đủ no, ông cũng vừa bụng, chiều về vui vẻ với vợ con thì đừng quên ơn tôi. Chiều thứ sáu mỗi tuần dẫn tôi ra quán làm vài ve là được, tôi cũng không đòi hỏi nhiều…”

“Bạn tôi trả lời, “Năm ngoái cũng có người đề nghị với tôi giống hệt như anh vừa nói. Nhưng tôi mới đi đám giỗ bạn tốt hôm qua…”

Tôi rất thích bạn có những câu trả lời xứng tầm để quên đi ngày dài và vất vả hãng xưởng. Nhưng lần khác lại nghe anh kể lể chuyện nhà… “Đứa con gái lớn của tôi giỡ cơm cho ba đi làm thay mẹ để cha mẹ đừng ồn nữa, ăn cơm xong thì để chúng con yên ổn học hành. Nhưng nó lại có chuyện với mẹ vì mày giỡ cơm như cơm cúng, cơm cho mèo ăn thì ba mày làm sao no bụng để làm việc được? Con nhỏ khủng hoảng nên không về nhà mỗi ngày nữa, ở ké chung cư với bạn bè tới xong đại học thì đi làm, tới lấy chồng cũng chỉ về nhà vài hôm để làm lễ cưới… Từ đó tôi tự giỡ cơm đi làm sau khi ăn cơm chiều. Nhưng tôi đã lo giỡ cơm đi làm thì tôi không rửa chén nữa. Bà xã tôi sinh sự, anh dọn rửa thì em giỡ cơm cho cả hai người ngày mai đi làm. Bây giờ anh để em dọn rửa nhưng anh không giỡ cơm cho em ngày mai, như thế có công bằng không?”

Tôi ngắt lời anh, “À! Trong chỗ mình làm có miếng ván ép nhỏ nhỏ và không xài tới. Chiều nay ông cầm về nhà. Gắn lên tường cho thật ngay ngắn vào…”

“Làm gì?”

“Thỉnh bà xã ông lên đấy ngồi. Mỗi ngày ông dâng cơm, rót trà… đừng ồn nữa, cho tôi ăn cơm.”

“Tôi không hiểu bằng cách nào ông có thể sống tới bây giờ vì lẽ ra như ông thì đã bị chúng đánh chết từ khi biết nói…”

“Thôi ăn cơm đi cha, hết giờ rồi…”

Lần khác ăn cơm chung bàn, anh lại tâm sự, “Tôi chợt nhớ lời cha tôi từng nói, không có con gì mê con trai hơn con gái, nên ông trời sắp đặt không có con gì rắc rối hơn con vợ khi con trai cưới con gái về nhà mình…”

Tôi sặc cơm bất nhã mới nói được, “Hôm nào cho tôi ghé nhà ông thắp nén hương bái sư với hồn thiêng bác trai được không? Tôi cho ông làm sư huynh, tôi làm sư đệ cũng được, miễn đừng ồn nữa cho tôi ăn cơm. Hết giờ rồi…”

“Ông cứ nhìn thố cơm của tôi như cái mả thằng cùi thế này thì ông cũng dư biết là chiều qua, vợ chồng tôi lại gây gỗ về việc giỡ cơm đi làm. Tôi đã cố nhịn nhưng chiều qua là giọt nước tràn ly…”

“…không, không, không. Hạt cơm trào máu.”

“Đúng đấy! Mùa lạnh mà, thấy bồn rửa bát đóng mỡ dầu kinh khủng quá nên tôi thường ra tay rửa bát ông ạ! Con rắc rối nó kinh dị thể nào cũng là lỗi mình đã làm ra thế! Tôi hệt cha tôi xưa, giận quá đấm cột nhà cho mẹ tôi bóp dầu hai bàn tay sưng húp mà còn nói cứng, mẹ mày liệu có cứng hơn gỗ lim không? Vở kịch đời màn hai cảnh một. Bà xã tôi giỡ cơm đi làm cho cả hai, tôi tránh bất hoà làm con cái buồn nên tôi tự đổi cái thố cơm trưa của mình, tôi lấy cái thố nhỏ hơn… thì bà ấy nhồi nhét căng hơn, nên cái thố cơm trưa nay của tôi, nó ra thế đấy!”

“Lúc chèn ép, chị nhà có nói gì không?” Tôi hỏi.

“… yên lặng đi, cho tôi giỡ cơm. Tối rồi!”

“Không phải, câu ấy của tôi. Anh làm tôi nhớ tới người bạn làm chung ở hãng cũ, anh ấy cũng rất giống anh, nhưng vợ anh ấy thì khác xa vợ anh. Lúc nhồi nhét thố cơm trưa cho chồng ngày mai đi làm… anh bạn tôi cũng hay cằn nhằn như anh nên anh ta nói với vợ, ‘anh ăn có hết đâu mà em ém chi nhiều cơm vậy?’ Anh biết chị vợ trả lời sao không? ‘Nhà không nuôi chó thì anh ăn hết đi, chứ ai ăn?”

 “Rồi anh ta có ăn không?”

“Có. Nhưng từ đó anh ta ăn đám giỗ vợ, vì giận quá mất khôn, anh ta lỡ tay thôi đó mà…”

“Hay. Ăn lẹ đi cha. Hết giờ rồi…”

Chiều tan hãng, hai thằng ghé Wing’s stop làm hai vại bia, nhấm nháp cánh gà chua cay lại hơi mặn mặn mới đủ để hưởng ứng chỉ thị của thống đốc tiểu bang chịu chơi là mở cửa trăm phần trăm. Bạn Hội An lại kể tôi nghe, “Hồi sau hoà bình, cha con tôi đi buôn than bằng xe đạp thồ, mẹ tôi cũng giỡ cơm cho cha con tôi ăn trưa, giỡ tới không đậy được cái nắp lon guigoz ngày xưa; cha con tôi ăn không hết hai lon cơm trưa, trong khi ở nhà thì mẹ tôi đói thường xuyên vì nhường cơm còn lại cho mấy đứa em tôi được ăn no để đi học. Mẹ tôi rụng răng sớm vì ăn cơm cháy suốt những năm sau hoà bình. Nhưng rắc rối lớn là khi có tiền mua thịt cá về nhà ăn rồi thì lại không cho chồng con ăn đã thèm vì sợ đói kém trở lại như những năm sau hoà bình. Nay vợ tôi rắc rối như mẹ tôi xưa. Nghĩ cho cùng cũng bởi họ thương chồng con, nhưng giá đàn bà…”

o0o

Cứ mưa lâu thấm đất, tôi hiểu được bạn tôi qua những chuyện kể lúc làm chung, hồi tán gẫu, những hôm gần giờ tan hãng, hắn hay mắc thằng bố. “Hôm nay trời đẹp quá. Ông không bận gì thì nghé nhà tôi, làm vài ve…” Tôi thích nhà anh ngăn nắp, sạch sẽ từ ngoài vào trong. Ghé nhà anh, ngồi ngoài mái hiên cạnh vườn rau thơm đủ loại, làm vài ve, hai khứa cùng thời ngồi nhắc chuyện đi thồ than kiếm sống sau hoà bình ngoài trung, chuyện phiêu bạt trên ghe thương hồ trong nam. Trao đổi với nhau chút thời sự toàn cầu, tình hình nước Mỹ và viễn cảnh quê nhà. Tôi trổ tài làm món nhậu nhanh gọn lẹ, món nào bạn tôi cũng thích nên tôi chỉ anh làm món cá nục chiên gừng kiểu Đài loan, ăn với cải lùn xào tỏi, chấm maggi Pháp nhưng giằm ớt Việt nam. Anh làm được món đầu tiên trong đời anh, ngay trong lần đầu đời anh đứng bếp. Anh cũng không ngờ được vợ con tán thưởng quá chừng. Anh lên ngôi bếp trưởng trong nhà sau khi học được món thứ hai là cá lưỡi trâu hấp kiểu Hồng Kông. Nhưng sau đó lại chửi tôi, “Từ nay ông không được xui dại tôi nữa nha. Không được chỉ tôi thêm món nào nữa vì vợ con tôi cứ đòi ăn cá chiên Đài loan, cá hấp Hồng Kông. Bọn rắc rối ấy chơi chiêu đấy ông ạ! Con rắc rối mẹ xui mấy con rắc rối con cứ hùa nhau bảo mẹ làm không ngon bằng ba. Ba làm đi, ba làm đi ba. Tụi con phụ ba… Mình nghe khoái nên đi chợ. Về đến nhà thì chúng chở mẹ đi mua sắm cuối tuần. Mình tốn tiền chợ lại rước cực vào thân. Hồi làm xong là cả đám về đến nhà như ở ngoài shopping mà ngửi được mùi cá hấp chín tới ở nhà. Ăn xong lại gạt mình, đứa mua cho ba cái bóp da, đứa mua đôi giày, mua cái áo lạnh ba thích để cảm ơn ba nấu ăn ngon hơn nhà hàng; đến thằng rể cũng bị dụ mà không hay, ba với anh rể đi rửa chén nữa là hào phóng với phụ nữ không ai bằng! Thằng rể trẻ người non dạ nên tôi để nó rửa bát một mình cho khôn ra…” 

“…”

Chuyện hai người đàn bà với con vịt là cái chợ đã đầu hàng chúng tôi vì tôi quý mến anh qua những chuyện kể ở nhà anh vừa vui vừa mắc cười với một gia đình người Hội An. Cuộc sống đã vốn là những liên tiếp đấu tranh cùng nghịch cảnh thì cuộc sống của người miến trung nói chung còn thêm phần đấu trí không mệt mỏi. Hình thành nên tính cách vùng miền thì hầu như người miền trung nói chung của nước Việt chịu thương chịu khó vì thiên nhiên không ưu đãi như miền nam nên họ chịu học hỏi, thông minh… để đấu trí. Tôi phục tính kiên nhẫn của người miền trung nói chung, họ như mưa trung phần, cứ rỉ rả mà thành câu ngạn ngữ mưa lâu thấm đất. Tôi hiểu ra, thiếu kiên nhẫn với người trung thì không thành bạn được, nhưng thành bạn nhau rồi thì được nhiều hơn mất vì thỉnh thoảng anh lại rỉ tai tôi, “chiều nay có bận gì không, về ghé nhà tôi chơi chút. Tôi có mồi bén lắm!”

Lần nào ghé nhà bạn tôi cũng nhớ là anh chỉ ghé ngang nhà tôi để đi câu chung xe với tôi cho tiện. Lần nào tôi cũng làm món ngon thật ngon đem ra hồ câu để trước tạ ơn bạn hiền và sau là dụ cha nội này học nghề, để thành đầu bếp chính trong gia đình anh ta cho hoàn hảo một gia đình đấu trí rất vui nhộn chứ không để lòng vì oán dễ quên nhưng ơn khó đền. Hồi quen nhau, anh nói vợ anh biết tôi từ lâu lắm rồi vì chị nhà là bạn đọc đã theo tôi từ lâu, nay anh mới biết tôi. Nhưng tôi ghé nhà anh chỉ làm vài ve sau tan hãng thì chị nhà đi làm chưa về nên không có dịp gặp. Tới hôm đám cưới con gái lớn của anh chị thì tôi mới có dịp chào chị và cảm ơn sự ái mộ của một độc giả. Chị nhà cũng cho tôi quà lớn không ngờ, “Vợ chồng em qua Mỹ mấy chục năm rồi, chỉ mỗi mình anh là bạn tới chơi nhà với ông xã em…”

Tôi về. Nhiều ngày suy nghĩ về anh bạn cũng biết nói chơi không thua tôi, nhưng không ngờ anh kỹ tính nết đến thế! Ngoài cửa nhà là giao tiếp xã hội, chỉ bạn hữu mới được bước vào bên trong cánh cửa rạch ròi của bạn hữu hay bạn bè. Cảm ơn anh bạn không còn trẻ với thân tình, và cảm ơn anh chị đã cho tôi thêm một hiểu biết về người Hội An.

Phan-

No comments:

Post a Comment