Tuesday, April 13, 2021

Người, Nghề và Hành Động Hạ Cấp!
NguồnHuỳnh Quốc BìnhNgày đăng: 2021-04-12
… chính thành phần có học nhưng không hiểu đâu là danh dự, đạo đức, mới là thủ phạm làm nhục tập thể người Việt chân chính, gồm những người làm ăn lương thiện, cần cù…
***
Mỗi vị trí trong xã hội đều có giá trị riêng của nó. Trong sinh hoạt xã hội, mọi người thường tôn trọng những người trí thức (tôi nói trí thức chứ không phải có nhiều bằng cấp) và tôi cho điều này là hợp lý. Người ta tôn trọng giới trí thức là vì trong xã hội phải có đẳng cấp. Đẳng cấp để nêu cao tinh thần thăng tiến của con người, chứ không phải để khinh thường người bình dân. Dù vậy, người thất học hay ít học cũng không thể vì mặc cảm mà vỗ ngực xưng là “bần cố nông” là “vô sản” rồi chạy theo cái đám gian ác, sử dụng chiêu bài “cách mạng” để san bằng các giai cấp, hầu che đậy hành động cướp của giết người của chúng, giống như bọn Việt cộng tại Việt Nam hay các nước độc tài trên thế giới.
Ngay những quốc gia dân chủ, tự do, nếu ai cũng là bác sĩ thì ai chữa bệnh cho ai? Nếu không có người làm nghề chân tay, cực khổ đóng thuế cho chính phủ, làm sao những bạn trẻ có điều kiện học ra trường thành bác sĩ, kỹ sư? Ai cũng làm thầy ký hay cô ký, ai lo đổ rác và lau chùi, dọn dẹp phòng ốc hay những nơi công cộng được ngăn nắp, sạch sẽ? Nếu không có những người nông phu hay người đánh cá và thợ thuyền, dân khoa bảng, trí thức, nhà giàu, hay quan quyền cạp đất mà ăn, hay trần truồng mà sống hay sao? Trong gia đình, nếu không có những bậc cha mẹ, anh chị, chấp nhận lao khổ để hy sinh cho con mình, em mình, làm sao con em của họ có thể trở thành người học cao, hiểu rộng, có nhà cửa cao sang? Người ta cũng thấy một số điều nghịch lý hay phũ phàng xảy ra, đó là trong những buổi tiệc tùng của ga đình và họ hàng, những người “thất học” hay “mù chữ” từng là ân nhân của những người khoa bảng, lại bị bỏ quên hay bị lu mờ trước những người có học.
Xã hội Việt Nam trước và sau 30-4-75, có lẽ nghề chạy xe lôi hay xích lô, khuân vác, hốt rác, nói chung là nghề lao động chân tay, thường bị người đời cho là “nghề hạ cấp”. Xét cho kỹ, ở đâu cũng vậy, một người tuy sống nghề lao động chân tay, nhưng có tư cách, tử tế, lương thiện, vẫn đáng trọng hơn những kẻ làm nghề trông rất cao trọng, mở miệng nói toàn chuyện thiêng liêng, nhưng luôn gian dối trong lời nói và việc làm.
Dù những nghề bị cho là “hạ cấp” đã và đang đóng nhiều tiền thuế cho chính phủ, từng cung cấp, nuôi dưỡng trực tiếp hay gián tiếp nhiều người “cao sang” trong xã hội vào thuở họ còn hàn vi. Tuy nhiên họ vẫn bị những người từng được họ cưu mang, tỏ ra khinh thường.
Nghề thu lượm đồ phế thải
“Recycle man” là nhóm chữ người Mỹ sử dụng để gọi những ai chuyên làm công việc thu lượm các loại thùng giấy, báo cũ và các loại ve chai hay lon nhôm… Không ít người thuộc thành phần “Recycle man” đã nhờ nghề lương thiện và khiêm tốn này mà nuôi cả bầy con ăn học đến nơi đến chốn. Các bạn trẻ của các gia đình đó đã tốt nghiệp kỹ sư, bác sĩ bằng tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ mình.
Nghề cắt cỏ
Tôi có ông bạn vong niên từng là sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, sau khi ra khỏi tù cộng sản, vượt biên, đến Hoa Kỳ ông chọn làm nghề cắt cỏ. Có lần ông tâm sự với tôi rằng, người anh vợ và bà chị dâu của vợ ông đã nói lời xách mé, “bộ hết nghề làm rồi sao mà cô lại để cho chồng cô chọn cái nghề hạ cấp ấy?” Ông bạn tôi làm nghề lương thiện nuôi vợ con mà gọi là nghề hạ cấp là thế nào?
Cựu Giáo Sư Đại Học
Một cựu giáo sư toán, ngoài kinh nghiệm giảng dạy tại Việt Nam, sau khi sang Hoa Kỳ, ông tốt nghịệp cao học. Sau khi ra trường làm việc một thời gian, vì hoàn cảnh, vì nhu cầu tài chánh gia đình thế nào đó, ông và vợ cũng là cựu giáo chức Việt Nam Cộng Hòa, cùng hai người con trai lớn đi học thêm nghề nails và ra mở tiệm nails. Ông bà làm thường trực, hai người con trai lớn chỉ làm cuối tuần. Kết quả, bốn bạn trẻ trong gia đình này đã ăn học thành tài, tất cả đều là kỹ sư, luật sư và dược sĩ.
Một phụ nữ có trình độ đại học
Hồi còn ở Việt Nam, chị có trình độ đại học, nhưng sang Hoa Kỳ phải sống nghề tính tiền và làm việc lặt vặt cho một tiệm bán thức ăn nhanh do ba mẹ chị và người trong họ hàng làm chủ. Sau đó chị chuyển sang nghề nails để có thể phụ giúp ba mẹ chị nuôi đàn em gần mười người còn cắp sách đến trường. Chị cùng ba của chị tạo nhà và các tiện nghi cho các em chị sinh sống, học hành. Sau hơn mười năm, các em của chị đều trở thành người khoa bảng. Người học thấp nhất cũng có bằng cử nhân, người học cao nhất là bác sĩ y khoa, chỉ có chị là “mù chữ” tại Hoa Kỳ. Ba của chị đã ngã bệnh ngay thời điểm các em của chị hầu hết đều chưa ra trường. Chị là cánh tay đắc lực của gia đình chị. Dù đã có chồng con, nhưng chồng chị vẫn thoải mái để chị phụ giúp gia đình chị. Tại Hoa Kỳ, chị không có bằng gì cả ngoài bằng lái xe và bằng giũa móng tay. Chị bị “mù chữ” là để cho các em của chị trở thành người khoa bảng, nhà cao cửa rộng như ngày nay.
Một bà mẹ goá
Một đoạn trong bài viết “Tâm Sự Bảy Năm Định Cư” của tác giả Tuyết Bùi, là tâm sự bà mẹ goá, một mình làm nghề nails nuôi con, “Thiên hạ thường đưa ra lời bóng gió chê bai nghề nails hạ cấp, dân không có học không biết tiếng Mỹ rành mới làm Nails. Tôi thì thấy nghề nào cũng là nghề, cũng mồ hôi nước mắt đổ ra mới kiếm được đồng tiền… Đây cũng là nghề làm dâu trăm họ, phải khéo chìu chuộng những bà khách khó tính như chìu bà mẹ chồng, đến khi khách hàng mỉm cười hài lòng, nói thank you, lúc đó mới nhẹ cả người…” Bà mẹ góa này có phải là thành phần hạ cấp không? Chắc chắn là không.
Ai làm nhục hay làm xấu cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ?
Thập Niên 80 tại Hoa Kỳ, đã có hằng trăm bác sĩ người Việt tại Tiểu Bang California bị sở y tế và an sinh xã hội phối hợp với cảnh sát Liên Bang bố ráp, bắt về tội gian lận thẻ y tế. Các văn phòng bác sĩ này đã cấu kết với bệnh nhân, hoặc chính họ lạm dụng thẻ y tế của bệnh nhân để trục lợi. Họ không chỉ gian lận một lần, mà có thể nói là họ làm giàu bằng sự gian lận này lâu ngày, cho đến khi bị phạt tù và bị rút bằng hành nghề. Cũng thời điểm đó, có những bạn trẻ sang Hoa Kỳ không có phụ huynh đi cùng, học hành dở dang, phạm pháp qua các hành động lấy cassette, trộm xe, ăn cắp vặt tại các siệu thị, cướp của người khác. So với hành động ăn cắp vặt của mấy người thất học và hành động gian lận quy mô, có tính toán của những người có học, tôi nghĩ chúng ta đã thấy ai hạ cấp hơn ai? Dù vậy, thói đời thường lên án những kẻ ăn cắp vặt và cho rằng những thanh niên Việt Nam trộm cướp đã làm xấu hay làm nhục người Việt tại Mỹ. Tôi nghĩ khác, chính thành phần có học nhưng không hiểu đâu là danh dự, đạo đức, mới là thủ phạm làm nhục tập thể người Việt chân chính, gồm những người làm ăn lương thiện, cần cù.
Nghề cao cấp và nghề hạ cấp
Nói đến nghề sang trọng hay “hạ cấp” tôi bổng nhớ đến bài báo nào đó mà tác giả có nhắc đến lời một ông thủ tướng của một đất nước thật sự phát triển về kinh tế, và biết tôn trọng quyền làm người, khi ông nhắc đến những câu chuyện về mấy thường dân đặc biệt của đất nước ông. Một trong những người được ông đề cao, là bà cựu thư ký 63 tuổi, người đàn bà này vì hoàn cảnh, đã phải đổi nghề nhiều lần. Cuối cùng, bà nhận một công việc lau chùi cầu tiêu để kiếm thêm tiền cho các con đi học. Con cái của bà không muốn bà làm nghề đó, vì chúng thẹn với bạn bè. Chúng hỏi bà, sao mẹ lại hạ mình quá thấp như vậy? Bà trả lời với con bà rằng, chùi cầu tiêu không làm mất nhân phẩm con người. Làm nghề lương thiện để sống, đâu có trộm cắp ai…” Kết thúc câu chuyện, ông thủ tướng ấy muốn mọi người phải biết và tin rằng phục vụ là việc làm danh dự, không phải là những việc thấp hèn. Chỉ có hành động làm ăn lươn lẹo, gian lận và trộm cướp, mới thấp hèn mà thôi.
Kết luận
Nghề cao cấp hay “hạ cấp”, hành động cao cấp hay hạ cấp, hoặc người cao trọng và “hạ cấp” cần phải được đánh giá một cách nghiêm chỉnh. Có những nghề tuy cao cấp nhưng người hành nghề đã có những hành động vô cùng hạ cấp. Trái lại, không ít người làm nghề bị cho là “hạ cấp” nhưng tư cách và đạo đức cũng như nhân cách của họ rất cao cấp.
Trong xã hội, vị trí trong sạch nào cũng đáng quý, nghề lương thiện nào cũng đều đáng trân trọng. Làm nghề gì hay việc cũng được, miễn đừng làm bậy hay luôn làm phiền người khác, là tốt. Những kẻ làm phách, làm tàng, làm sang, làm bộ trí thức, làm dáng đạo đức, làm ăn gian dối, làm thinh trước điều quấy; nhất là những kẻ làm nhục tổ quốc và dân tộc mình, mới đáng bị lên án là hạ cấp mà thôi.
Huỳnh Quốc Bình
e-mail: huynhquocbinh@yahoo.com

 

No comments:

Post a Comment